Bông Cay nọi giữa trời biên cương (Ký dự thi)
Tôi đến thăm miền Tây xứ Thanh vào những ngày đầu tháng 10, trời thu miền núi cao nắng trải vàng trên những thửa ruộng đương mùa thu hoạch. Từng bậc thang lúa cứ xếp chồng lên nhau nối mãi lên nền trời xanh thăm thẳm mang theo ước nguyện của những người con vùng núi ngàn về một cuộc sống ấm êm, về những vụ mùa lúa ngô bội thu. Chuyến xe của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa chở đoàn công tác cứ chầm chậm đi trên cung đường quốc lộ 217 dẫn lên vùng biên thùy. Những khúc cua cứ khúc khuỷu, những dốc núi cứ cheo leo theo từng vòng xe lăn bánh. Quan Sơn bắt đầu từ những rặng rừng luồng, giang, nứa, bương đan lấy nhau trập trùng nhưng nhức trong cái màu xanh bát ngát vô tận hai bên đường. Xe đi đến đâu cả khu rừng rung rinh trong tiếng gió hát đến đấy, như hân hoan, như gieo vui chào đón những lữ khách phương xa tới thăm. Từ quốc lộ 217 chúng tôi rẽ vào con đường tương đối nhỏ, xe chao nghiêng bởi đất đá gập ghềnh, tôi còn chưa kịp hỏi đi đâu thì người ngồi cạnh đã nói đây là đường vào Đồn Mường Mìn.
Nhắc đến Mường Mìn trong đầu tôi tự động vang lên những câu ca của đồng bào Thái “Khí chắng lánh Mường Mò/ Che khô Mường Ly/ Pa pính chi Mường Xím/ Kháu hóm niếu Mường Mìn Cay nọi”. Nghĩa là Cánh kiến đỏ Mường Mò/ Chè khô Mường Lý/ Cá nướng ngon Mường Xím/ Gạo nếp dẻo thơm ở Mường Mìn là Cay nọi. Gạo nếp Cay nọi có dạng tròn, màu trắng đục, lúa khi chín màu vàng, đỏ tía, khi đồ lên có mùi thơm ngọt, mềm dẻo. Món ăn được nấu lên từ những tinh túy của đất trời vùng sơn cước Mường Mìn này đã làm mê đắm bao thực khách sành ăn khi một lần được thưởng thức. Câu hát cứ văng vẳng trong tôi theo từng nhịp xe đung đưa, hình ảnh người con gái Thái trong trang phục áo cóm, váy đen ngồi bên bếp lửa đồ chỏ xôi dập dìu như ánh lửa bập bùng trong những dòng suy nghĩ miên man chẳng thể dứt.
Đường vào Đồn Mường Mìn một bên là vách núi dựng đứng, một bên là suối Yên róc rách chảy. Suối Yên mà nhìn qua chẳng mấy yên, cứ vặn mình quanh co theo chân những dãy núi cao chót vót. Mùa này suối Yên hiền khô, một dải lụa mềm nước róc rách chảy, mùa mưa thì ầm ào, gào thét, nước dâng ngập bờ bãi, ruộng vườn, trườn lên đập tràn, trườn lên đường sá như con trăn khổng lồ tìm đường đổ ra sông Luồng để thỏa vẫy vùng. Con sông mang theo cái tên của loài cây xóa đói giảm nghèo cho bà con huyện miền núi Quan Sơn này có tổng chiều dài trên 106km, đoạn chảy qua huyện Quan Sơn dài 46km, chảy qua các xã Na Mèo, Sơn Thủy, Mường Mìn, Sơn Điện rồi về phía huyện Quan Hóa. Đồn Biên phòng Mường Mìn đóng tại bản Yên, xã Mường Mìn được thành lập ngày 20 tháng 1 năm 2006. Xe đến bản Yên khi nắng chiều đã gom về phía đằng Tây, mặt trời hắt những tia nắng hình rẻ quạt báo hiệu một ngày bận rộn nữa lại sắp qua. Xa xa từ những nếp nhà sàn bếp nhà ai phả khói lam chiều bảng lảng lên thinh không như gọi những bước chân trẻ mục đồng nhanh nhanh lùa trâu về nhà. Tiếng lục lạc hòa cùng những âm thanh của suối rừng trong buổi hoàng hôn đại ngàn khiến lữ khách cứ ngẩn ngơ trước cảnh đồng quê đẹp tựa bức tranh thủy mặc mà người họa sĩ tài hoa nào đó đã múa bút vẽ nên. Chúng tôi đặt chân đến Đồn Mường Mìn khi sương tràn về từ trên đỉnh núi, sương chùng chình chắn lối, sương quấn quyến theo đoàn xe, sương che phủ mặt người, nhưng sương chẳng thể nào làm mờ đi những nụ cười chân tình và ấm áp tiếp đón đoàn công tác của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mìn.
*
Đồn Mường Mìn nằm nép mình giữa bốn bề là núi, núi cứ nhấp nhô nối nhau tựa những con sóng biển rì rào ôm lấy tiền đồn của những người lính mang quân hàm xanh nơi đây. Ngay cạnh đồn là suối Yên. Tôi được một đồng chí biên phòng giới thiệu, con suối Yên này bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, là hợp lưu của ba con suối đầu nguồn, suối Khé, suối Pha Phứng, suối On hợp. Suối Yên chảy qua bản Yên, bản Cha, bản Na Pạng, bản Mìn về bản Luốc Làu, bản Chiềng rồi đổ ra sông Luồng. Dòng suối mát lạnh, trong veo nhìn thấy cả rêu xanh ôm lấy những phiến đá cuội dưới lòng nước. Đây là con suối cung cấp nước cho những thửa ruộng bậc thang của người dân bản Yên, bản Mìn, bản Luốc Làu, bản Chiềng, xã Mường Mìn, bản Tân Sơn xã Sơn Điện. Nhờ có suối Yên mà những vụ mùa cứ nối nhau bội thu trong nỗi niềm hân hoan của bà con. Từ trên cao nhìn xuống dòng suối Yên như dải lụa trắng mềm mại uốn lượn qua núi đồi, đồng ruộng của nàng tiên đại ngàn mải miết rong chơi mà để quên lại trên đất Mường Mìn.
Đời sống bà con tuy còn nhiều vất vả nhưng mẹ thiên nhiên chẳng bạc đãi những người con nơi vùng đất khó này khi ban tặng những cảnh quan đẹp tựa chốn bồng lai dưới hạ giới mà nếu biết khai thác hẳn Mường Mìn sẽ thay da đổi thịt như nàng Lọ Lem khoác lên mình bộ váy dạ hội lộng lẫy. Tiếp đón đoàn chúng tôi ở hội trường đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Trung tá Bùi Văn Tuấn tâm tình về tình hình công tác của đồn và cuộc sống của cán bộ chiến sĩ.
Đồn Biên phòng Mường Mìn phụ trách bảo vệ 6 cột mốc biên giới từ 332 đến 337 trải dài qua địa bàn 02 xã Mường Mìn và Sơn Điện. Các cộng đồng dân cư trên địa bàn là 16 bản (xã Mường Mìn 5 bản, xã Sơn Điện 11 bản), gồm 3 dân tộc: Thái, Mường, Kinh; trong đó dân tộc Thái chiếm 85%, dân tộc Mường chiếm 11%, dân tộc Kinh chiếm 4%.
Đồng chí Tuấn cũng giới thiệu cho chúng tôi một vài tấm gương sáng, những gương mặt tiêu biểu của đồn và thành tích họ đạt được. Tôi loay hoay mãi chẳng biết nên viết về ai, khi nhân vật nào cũng đẹp, người nào cũng là bông hoa thắm nở giữa rừng đại ngàn. Đồng chí Lê Văn Đồng được đề cử dành cho tôi. Căn cớ tôi viết về anh Đồng rất tình cờ như thế, nhưng tôi cho rằng giữa tôi và anh hẳn phải có duyên. Và quả thật cái duyên ấy đã cho tôi biết nhiều điều cảm động về những người lính canh giữ đất trời biên cương.
*
Chàng đại úy Lê Văn Đồng sinh năm 1986 tại xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cái chất quê hương như ăn vào trong máu thịt anh, thể hiện qua từng lời nói, từng cử chỉ mộc mạc, giản dị không câu nệ xã giao.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, vào tháng 2-2005 anh Đồng đi lính nghĩa vụ ở Học viện Chính trị Quân sự. Hết thời gian 3 tháng huấn luyện tân binh anh lại tình cờ được chọn lên ban liên lạc cho Ban Giám đốc Học viện. Tiếp sau đó anh được tạo điều kiện đi học lớp sơ cấp cơ yếu tại Trường Trung cấp kỹ thuật mật mã, Bộ Tổng Tham mưu vào tháng 6 năm 2006. Học xong, tháng 7 năm 2007 tốt nghiệp ra trường với quân hàm chuẩn uý anh được điều động về Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang thực hiện công tác cơ yếu. Tất cả mọi việc cứ tuần tự xảy ra như thế, anh đến với nghề mà chẳng mảy may toan tính như thế. Nên quả thật anh bảo rằng mọi thứ ngẫu nhiên cũng không hề sai. Trời xanh luôn có cách an bài cho tất cả chúng ta, mỗi người rồi sẽ được sắp xếp cho riêng mình những vị trí phù hợp. Và anh Đồng là một trong những trường hợp mà số phận đã an bài để trở thành một người lính biên phòng giữ gìn an ninh biên giới quốc gia tình cờ và ngẫu nhiên như thế.
Đến với nghề là ngẫu nhiên nhưng cống hiến hết mình vì công việc chỉ có thể là tình yêu. Không ngừng tự trau dồi để nâng cao năng lực bản thân, tháng 9 năm 2013 anh tiếp tục học lên Trung cấp Kỹ thuật mật mã. Sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp vào tháng 9 năm 2014 anh được tổ chức phân công về Biên phòng tỉnh Thanh Hóa. Anh công tác ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh một năm trước khi chuyển lên Đồn Biên phòng Mường Mìn vào năm 2015 và phụ trách công tác cơ yếu ở Mường Mìn từ đó đến nay.
Trong một năm làm việc gần nhà anh thanh niên Đồng đã kịp chinh phục được trái tim của cô giáo mầm non Ngô Thị Thúy người cùng quê. Đám cưới hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ diễn ra vào mùa hoa gạo đốt đỏ trời quê, tháng ba trời lúc nào cũng bàng bạc màu xám tro và nàng Bân vẫn chưa kịp may áo cho chồng nên rét vẫn cứ dùng dằng mãi chưa thôi. Đến khi bầu trời trong xanh vời vợi, gió thu se se vờn trong nắng nhẹ tháng 9 thì anh Đồng nhận quyết định chuyển công tác về Đồn Mường Mìn.
Đến nay đôi vợ chồng Đồng Thúy đã có đủ nếp tẻ với cô con gái Lê Thị Thảo Mai và cậu con trai Lê Trung Hiếu. Ngày anh chuyển lên Mường Mìn chị Thúy đang mang bầu tháng thứ 6 con gái đầu lòng. Thương vợ bầu bí nhưng việc nước giao phó chẳng thể nào làm khác, thấy anh quyến luyến lúc chia tay chị Thúy đã phải động viên chồng yên tâm công tác nơi biên cương ở nhà có bố mẹ nội ngoại hai bên chăm nom rồi. Ngày sinh con gái đầu lòng anh may mắn được có mặt cạnh vợ đến đứa con thứ hai thì vợ sinh anh còn không hề hay biết.
Ngày sinh của vợ cách ngày dự sinh hơn nửa tháng, sáng hôm đó vợ anh chụp hình con gửi cho anh, vì đứa thứ hai giống với cô chị hồi mới đẻ nên anh còn tưởng vợ đùa. Đến lúc gọi lại cho bà nội, bà ngoại xác nhận lại thì anh mới hay vợ mình đã trở dạ lúc 2 giờ sáng và sinh lúc 5 giờ hơn. Biết vợ đã sinh nhưng do tính chất công việc anh cũng không thể về ngay mà đến tận đầy cữ của cháu anh mới chính thức được gặp mặt con.
Nói về vợ mình anh Đồng không giấu nổi niềm xúc động, anh có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, yên tâm công tác xa nhà phần lớn bởi sự hy sinh của vợ. Những ngày mang bầu chị một mình đi khám thai, không ít người không biết còn bóng gió nói chị chửa hoang khi tất cả sản phụ đều có chồng cạnh bên đưa đón còn chị thì không. Nghe vợ kể lời thiên hạ nói mà lòng anh quặn lên như có ai đó lách dao sắc nhọn đâm vào những thớ thịt của mình. Cho đến thời gian chăm con nhỏ những ngày trái gió, trở trời con đau, con ốm cũng chỉ mình vợ bế bồng đi viện. Những công to việc nhỏ trong nhà, trong họ nhà là dâu trưởng chị Thúy đều cáng đáng lo liệu chu toàn mà không hề than vãn. Vợ chồng anh cưới nhau bấy nhiêu năm chưa một lần cãi vã to tiếng. Câu chuyện dang dở khi anh nói, vợ lính khổ sở trăm bề chú ạ, rồi quay vội mặt đi sợ tôi nhìn thấy những giọt nước mắt trực trào như sắp khóc của anh.
Tôi lặng im không nói gì để những cảm xúc trong anh lắng lại, tôi đưa mắt nhìn về phía đỉnh núi phía đằng xa. Được biết đó là đỉnh Pha Dùa với độ cao 1.091m quanh năm mây trắng phủ mờ, là ngọn núi thiêng nơi có chuyện tình cảm động mà không người Thái nào không biết đến. Chuyện kể rằng, có cô gái Mường Mìn tên Lá Nọi xinh đẹp như đóa hoa chuối đỏ nở giữa rừng đại ngàn đem lòng yêu chàng trai Mường Xia đẹp trai, khèn hay, khặp giỏi. Tình yêu của cả hai bị chia cắt bởi khoảng cách địa vị quá lớn, bố của cô gái nhà giàu không chấp nhận đứa con của mình yêu và cưới một người nghèo như chàng trai. Bất chấp sự phản đối của người bố cô gái tình yêu của hai người vẫn nảy nở như hạt giống mùa xuân bật mầm rẽ đất mà vươn lên. Họ yêu nhau qua bao mùa nếp nương, bao con trăng tròn khuyết. Ông bố biết vậy quyết tâm ngăn cản bằng cách ép con gái mình lấy người khác. Đôi trai gái hẹn thề bỏ trốn vào đúng ngày tổ chức lễ cưới, họ chạy lên đỉnh núi Pha Dùa cắt máu lập lời thề cùng chết với nhau, cho hồn lìa khỏi xác, cùng hóa vào núi Pha Dùa để quanh năm vui cùng làn mây trắng. Vào ngày họ hóa người dân hai Mường thấy những đám mây ngũ sắc mập mờ nơi đỉnh núi xa.
Vợ anh Đồng không phải là nàng Lá Nọi và anh cũng chẳng phải là chàng trai Mường Xia năm xưa nhưng tình yêu của họ cũng đẹp tựa như câu chuyện truyền thuyết năm nào. Anh Đồng sau khi rít điếu thuốc lào thật sâu mới có thể tiếp tục câu chuyện, anh cười như để che đi cái sự ngại ngùng rồi nói. Cũng may bây giờ hiện đại gọi có thể xem hình chứ không như xưa nên dù khoảng cách xa vẫn thấy vợ con mỗi ngày. Những đêm lạnh mùa đông miền núi nằm trằn trọc anh vẫn thường lấy ảnh vợ con ra xem. Nhìn nụ cười của các con, gương mặt rạng rỡ của vợ là mọi muộn phiền âu lo đều tan biến hết cả.
Anh Đồng phụ trách công tác cơ yếu của đơn vị, công việc chính là tham mưu cho lãnh đạo những báo cáo, kế hoạch và tiếp nhận những chỉ đạo của cấp trên đảm bảo ba tiêu chí, bí mật, chính xác và kịp thời. Với những đơn vị khác vị trí cơ yếu có 2 đồng chí riêng Đồn Mường Mìn chỉ duy nhất mình anh, chính bởi điều này nên anh Đồng gần như phải trực 24/24 không lúc nào được phép vắng mặt ở cơ quan. Những khi muốn nghỉ anh phải làm báo cáo đề xuất chỉ huy để báo cáo lên cấp trên cử người từ đồn khác về trực hộ thì anh mới được phép rời khỏi đơn vị. Ngoài ra vì làm cơ yếu độc lập nên mọi kiến thức, kỹ năng công việc anh đều phải tự mình hoàn thiện qua quá trình tự nghiên cứu, học tập. Cơ yếu ngày nay có nhiều máy móc hiện đại trợ giúp nhưng vẫn không thể thay thế trí tuệ của con người. Nên mỗi tối sau khi nói chuyện với vợ anh đều tranh thủ mở sách vở ra học bài. Công việc cơ yếu của anh thay đổi từng ngày theo sự phát triển của thời đại nếu không tự nâng cấp thì sẽ bị tụt lại phía sau và bị đào thải, lạc hậu và không thể thực hiện tốt nhiệm vụ.
Nghe anh nói về công việc của mình làm tôi liên tưởng đến anh cán bộ chuyên nghiên cứu sét trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của tác giả Nguyễn Thành Long khi người cán bộ ấy suốt 11 năm không một ngày xa cơ quan, lúc nào cũng luôn trong tư thế sẵn sàng chờ sét, để lập bản đồ tìm ra nguồn tài nguyên trong lòng đất. Cả hai đều âm thầm nơi miền núi cao để cống hiến cho đất nước những điều tốt đẹp nhất mong dựng xây và phát triển Tổ quốc.
Từ công việc đến gia đình đều đặt ra cho anh nhiều những thử thách nhưng với bản lĩnh của một người lính mang quân hàm xanh anh đã xuất sắc vượt qua mà hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều năm liền anh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ban ngành.
Ngoài công tác chuyên môn đồng chí Lê Văn Đồng còn kiêm nhiệm giữ chức vụ Bí thư chi đoàn. Với sự nhiệt tình hăng hái của sức trẻ ở cương vị Bí thư đoàn anh cũng đã đạt được nhiều thành tích để lại ấn tượng không chỉ trong tập thể đơn vị mà còn khắc ghi trong lòng người dân bản. Anh đã kết nối tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ và được ủng hộ nhiệt tình. Năm 2016-2017 chi đoàn Đồn Mường Mìn cùng với chi đoàn bản Yên huy động được hơn 50 xe đất đá để củng cố tuyến đường ra đầu quốc lộ 217. Thời điểm đó xe cộ rất khó khăn nhưng người dân bản hết lòng giúp đỡ tạo điều kiện để tôn tạo con đường. Thì ra con đường xe chao nghiêng bởi sỏi đá nhưng vẫn có thể chạy được một phần có sự giúp sức của người chỉ huy đoàn này.
Để có thể hoàn thành tốt công việc ngoài hậu phương vững chắc thì tình cảm của đồng đội, của bà con dân bản cũng là một trong những yếu tố giúp anh Đồng vững vàng. 8 năm công tác ở Đồn Mường Mìn trải qua 4 đời Đồn trưởng và 2 đời Chính trị viên. Đời lãnh đạo nào cũng hết sức chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Đồn Mường Mìn đóng quân ở bản Yên, người dân như cái tên bản rất yên bình, hiền lành, chân thật. Bản Yên, có 7 dòng họ với 3 dân tộc anh em cùng chung sống là Thái, Mường và Kinh. Người dân sinh sống ở 2 cụm dân cư chính là bản Piềng Sần (Yên trong), bản Ta Bán (Yên ngoài). Từ trung tâm xã vào bản Yên có đường đi giữa bản Ta Bán lên Yên trong và Na Ón. Đồn Biên phòng Mường Mìn đóng ở Na Đín Mó (ruộng đất dẻo có thể nặn làm nồi đất) thuộc Yên trong.
Người dân bản coi cán bộ chiến sĩ Đồn Mường Mìn như những người con, người cháu trong nhà, luôn yêu thương đùm bọc. Ngược lại Đồn Mường Mìn bằng sức người sức của luôn cố gắng giúp đỡ bà con khi gặp khó khăn. Hình ảnh những người lính quân hàm xanh xuống ruộng cắt lúa cho bà con dân bản đã trở nên quá đỗi quen thuộc với những người dân nơi đây. Những ngày tháng mới thành lập chính bà con dân bản là người cùng chung tay xây dựng lên tiền đồn khang trang như ngày hôm nay. Ngày 10 tháng 04 năm 2007 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành lập Đồn Biên phòng Mường Mìn. Trong khi chờ đợi đồn được xây dựng người dân bản Yên đã cho cán bộ sinh sống và làm việc tại nhà họ. Sau khoảng thời gian hơn 4 tháng nỗ lực của cán bộ và nhân dân mang từng cây tre, khúc gỗ đến xây dựng đơn vị Đồn Mường Mìn đã làm xong 3 dãy nhà tạm 17 gian để cán bộ chiến sĩ có thể sinh hoạt và làm việc tập trung.
Tình cảm của nhân dân đối với đồn không gì có thể đong đếm hết. Con suối Yên có những ngày tháng không bình yên như cái tên của nó. Đó là những ngày mưa lũ năm 2017, nước từ suối Yên cuồn cuộn như thác đổ dâng lên cô lập Đồn Mường Mìn suốt nhiều ngày trời. Biết cán bộ chiến sĩ trong đồn bị thiếu lương thực nhu yếu phẩm bà con huy động cõng gạo, cõng xăng vượt đồi vào tiếp tế cho đồn. Tiếp nhận những phần gạo muối mang theo tấm chân tình của người dân bản khiến những người lính không khỏi xúc động bùi ngùi. Có lẽ chính thứ tình cảm ấy đã làm cho những người lính xa nhà như anh Đồng luôn có cảm giác được sống cùng với những người thân thuộc trong gia đình.
*
Ngoài việc giúp đỡ Đồn Mường Mìn trong đời sống sinh hoạt thì người dân bản còn cùng với cán bộ chiến sĩ Biên phòng bảo vệ cột mốc. Trung tá Vi Văn Kéo dẫn chúng tôi đến nhà bố Hà Văn Chốn - người đàn ông hơn 30 năm nhận nhiệm vụ trông giữ cột mốc biên thùy. Chúng tôi đến nhà bố Chốn khi bố đang thu mua cây máu chó hay còn được biết đến với cái tên khác là huyết đằng, hồng đằng, dây máu. Sau khi cân xong số cây người ta mang đến và thanh toán với giá 350.000 đồng/1 tạ, bố dẫn chúng tôi vào trong nhà.
Bố Chốn sinh năm 1947 phụ trách bảo vệ cột mốc số 337 từ năm 1994 cho đến nay. Thời gian đầu chưa có đường bố phải mất tới 6 tiếng lên, 6 tiếng về và 1 tiếng phát quang tổng là 13 tiếng. Đường rừng núi rậm rạp nên mỗi lần đi bố phải dẫn theo cả vợ cho đỡ sợ. Mãi đến năm 2016 đồn mới bố trí thêm người để cùng bảo vệ cột mốc, những chuyến đi mới thêm đông vui. Làm công việc bảo vệ cột mốc không có công cán gì, nhiều người từng bảo với bố là già cả rồi mà cứ ôm rơm nặng bụng làm gì nhưng bố không nản mà kiên trì làm công việc đó suốt mấy chục năm qua. Năm 2017 được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo huyện mỗi lần đi lên cột mốc bố được hỗ trợ thêm kinh phí xăng xe. Năm 2018 đến nay thì có thêm chút kinh phí động viên (2 triệu đồng/năm).
Bố Chốn nhận nhiệm vụ canh giữ cột mốc cũng là cái duyên. Khi đó bố làm phó bản và đang họp một cuộc họp của dân bản để bàn chuyện công việc, thì có một anh biên phòng và một anh công an vũ trang người từng nhiều lần ở lại nhà bố mỗi khi đi đến bản công tác. Hai anh đến báo cáo và phát động tìm người xung phong bảo vệ cột mốc. Thời bao cấp việc đi thăm và bảo vệ cột mốc cũng được chấm công khi hết bao cấp không còn chấm công nữa nên mọi người bỏ không đi vì vậy cần tìm người tình nguyện. Lúc đó thấy không ai xung phong bố nghĩ ngày xưa quân và dân xã Mường Mìn ở Pha Đón với những công cụ vũ khí thô sơ còn hợp sức bắn máy bay Mỹ, làm cho địch kinh hoàng mỗi khi chúng đến bắn phá cầu suối Yên, là chiếc cầu nối liền nước ta với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thì ngày nay một công việc nhỏ nhặt như vậy mà chả nhẽ cả bản mình không ai làm bởi vậy bố quyết định nhận làm. Cái duyên đó rất tình cờ thế mà mới đó đã hơn 30 năm gắn bó.
Đường lên cột mốc những năm gần đây đã được cải thiện nhiều thế nhưng cũng cần phải đi bộ hơn một tiếng mới lên được đến nơi, giang cỏ mọc nhiều. Khi được hỏi về những kỷ niệm khó quên bố bảo kỷ niệm thì nhiều mỗi chuyến đi đều có một kỷ niệm. Nhưng lần bố nhớ nhất là cái đêm ngủ lại trên cột mốc, hôm ấy đi cùng với bố có vợ và hai người cháu họ bố rủ đi cùng. Sau khi kiểm tra cột mốc và phát quang cỏ dại xong thì cả đoàn bắt đầu đi xuống để về. Mới đi được khoảng 1km thì trời bất ngờ đổ cơn mưa, cơn mưa rừng xối xả trút nước trắng trời, đường trơn trượt cả 4 người phải vừa đi vừa bò. Chân vục sâu xuống bùn, tay bám vào cây để đi. Cũng may ngay gần đó có một hang đá nên cả đoàn vào để trú ẩn qua đêm, sáng hôm sau ngớt mưa mới có thể tiếp tục về nhà.
Từng phục vụ trong quân ngũ từ năm 1968 đến 1972 đánh ở B5 Quảng Trị bố hiểu được cái giá của hòa bình độc lập, sự thiêng liêng của cột mốc biên giới, từng tấc đất quê hương được gìn giữ và phân định bởi biết bao máu xương của cha ông đổ xuống. Có lẽ chính cái tình cảm đó như giọt nước trong khe tích tụ mà làm nên suối, nên hồ và hàng trăm suối nhỏ, sông lớn mới tạo ra biển cả bao la khiến bố kiên trì làm công việc trông coi cột mốc không cần thù lao suốt gần nửa cuộc đời mình. Bố bảo sau này khi không còn sức để leo lên cột mốc nữa thì người con trai duy nhất của bố là anh Hà Văn Thuận (sinh năm 1979) sẽ thay bố làm nhiệm vụ đó. Nghe những chia sẻ của bố mà đoàn chúng tôi không khỏi rưng rưng xúc động. Bố Chốn vừa nói vừa rót những chén rượu mời đoàn khách, tuy đã có tuổi nhưng bố vẫn còn khỏe mạnh như cây pơ mu hàng trăm năm tuổi nơi rừng già Mường Mìn. Cả đoàn cùng nhau nâng chén uống với bố, rượu men lá nhà bố thơm lừng, uống đến đâu nóng hừng hực đến đấy như tình cảm của những người dân bản luôn ấm nồng với những người lính vùng biên.
*
Đoàn chúng tôi chia tay Mường Mìn khi đêm ôm lấy núi rừng miền sơn cước. Chuyến xe vẫn chao nghiêng theo con đường quen ngược lối ra nhưng không còn ai khó chịu bởi biết rằng con đường này là bao mồ hôi công sức của những cán bộ đồn và người dân bản mới có được. Có chút gì đó luyến lưu trong tâm trí khiến tôi chẳng nỡ rời xa tiền đồn biên cương này. Có lẽ Đồn Mường Mìn là cây lúa Cay nọi bởi luôn rắn rỏi, cứng cáp chịu đựng mọi nắng mưa gian khó để bảo vệ vùng trời quê hương, để mang đến cuộc sống ấm êm cho bà con nhân dân. Và còn bởi ai một lần đặt chân đến lòng vấn vương mãi chẳng thể rời xa.
Tạm biệt đêm bản Yên những bếp lửa bập bùng, tạm biệt chiếc khăn piêu cô gái Thái tiễn lữ khách phương xa. Đêm huyền mình ru những em thơ nơi đại ngàn giấc an yên, ngoài kia những người lính biên cương vững tay súng tuần tra bảo vệ bình yên. Có lẽ anh Đồng nói đúng nhưng chưa đủ, anh đúng là người lính biên phòng, nhưng anh không phải người bình thường. Bởi chỉ cần là lính biên phòng thì đã là những người hùng thầm lặng rồi. Không phải anh hùng nào cũng khoác áo choàng đỏ và bay trên trời, có những người anh hùng mang trên vai quân hàm xanh đặt cả đất nước trong trái tim bằng máu, bằng thịt như các anh. Cảm ơn các anh những người lính Biên phòng.
Mường Mìn, tháng 10-2023
LÊ ĐÌNH TRUNG