Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Áo lính xanh màu rừng (Ghi chép dự thi)
Áo lính xanh màu rừng (Ghi chép dự thi)

Quốc lộ 217 uốn lượn giữa màu xanh bạt ngàn, ngút ngát của rừng. Mùa này, rừng luồng, rừng vầu đua nhau vươn ngọn, bồn lên vô số những mảng màu xanh tươi, bời bời trên nền xanh đậm của lớp lớp lá già. Thấp thoáng những mái nhà sàn lợp mái tôn, lợp tấm fibro xi măng, lợp bằng gỗ sa mu. Xa xa, những vạt ruộng bậc thang khoe màu vàng sậm của lúa đang độ chín, màu vàng nhạt của gốc rạ trên những thửa vừa mới gặt...
Lâu rồi, chúng tôi mới lại có dịp lên thăm các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện Lang Chánh, huyện Quan Sơn. Sau chặng đường dài nghiêng ngả người trên xe, no mắt ngắm màu xanh của rừng, chúng tôi ùa vào vòng tay của những người lính biên phòng và lại gặp màu áo lính xanh như màu xanh của rừng. 
Vừa leo hơn chục bậc thềm lên đến sân trên của Đồn Biên phòng Yên Khương, ở huyện Lang Chánh, chúng tôi được ngắm ngay mấy vòm hoa hồng cổ Sa Pa. Nhiều cây to, sai hoa. Hoa bông to, ken dày cánh, tỏa hương ngan ngát. Đây là những cây hồng mà cán bộ, chiến sỹ quê Sa Pa, Lào Cai đưa về, để làm đẹp cho đồn biên phòng nơi miền Tây Thanh Hóa. Mới vào đầu tháng 9 âm lịch mà mấy cây đào quanh sân đã rạo rực bung hoa. Sau khi hỏi anh em trong đồn, chúng tôi được biết: Có lẽ do mấy tháng cuối năm, khí hậu nơi đây ôn hòa mát mẻ, nên những cây đào này thường có hai, ba đợt hoa. Thú vị là đợt hoa sau cùng vẫn đơm bông vào đúng dịp tết cổ truyền, khi đó, cây không chỉ nhiều hoa, mà còn có cả quả non xanh đậu từ những đợt hoa trước. Khuôn viên của đồn đẹp như công viên, có nhiều loài cây: đào, mơ, nhãn, vải, cau vua... có bể cá cảnh, lồng chim, vườn lan thanh niên... Những người lính chăm chút cho đồn biên phòng như chăm chút cho ngôi nhà thân yêu của mình.
*
Dành khoảng thời gian gần một tuần, chúng tôi đã đến thăm được cả bốn đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện Lang Chánh và huyện Quan Sơn, gồm: Đồn Biên phòng Yên Khương, Đồn Biên phòng Tam Thanh, Đồn Biên phòng Mường Mìn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Đến đồn nào ai cũng vui mừng thấy đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội ngày càng được nâng cao, vui mừng cảm nhận được tình cảm bà con các dân tộc vùng biên cương và đồng bào cả nước dành cho những người lính biên phòng. Những người lính ấy lặng lẽ, bền bỉ phấn đấu, hy sinh, làm tất cả những gì có thể, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin cậy, tin yêu của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân.
Tuyến biên giới Việt - Lào qua hai huyện Quan Sơn, Lang Chánh có chiều dài 86,704 km và 34 cột mốc. Dân cư sinh sống trên địa bàn các xã biên giới chủ yếu là đồng bào Thái, chiếm tới hơn 90%, số còn lại là đồng bào Mông, đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Kinh. Nhiều năm trước, quá nửa số hộ dân thuộc diện hộ nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu trông vào việc khai thác lâm sản phụ, (thường là vầu, luồng, nứa, cây dược liệu) trên đất rừng và chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Nhiều phong tục, tập quán lạc hậu đeo bám dai dẳng. Nạn tảo hôn, tục lệ làm ma xưa cũ của người Mông, lễ “cúng vía” của người Thái là những tảng đá lớn đè nặng lên tâm lý xã hội, đè nặng lên đời sống kinh tế của đồng bào.
Ở vùng giáp biên, nhân dân hai nước Việt - Lào cùng chung nhiều con suối, dòng sông, nhiều cánh rừng, ngọn núi. Người bản Thái đôi bên còn có quan hệ thân tộc lâu đời. Theo đó, những biến động về kinh tế, về an ninh, trật tự xã hội trên đất bạn cũng là nỗi lo chung. Hoạt động của các nhóm tàn phỉ, tình hình xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động buôn bán ma túy luôn đặt ra những khó khăn, thách thức cho lực lượng chức năng, cho nhân dân 2 nước ở vùng biên.
Với tinh thần “Tất cả vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”, cán bộ, chiến sỹ biên phòng trên tuyến Quan Sơn, Lang Chánh đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, đội quân công tác để quản lý, bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc miền núi nơi đóng quân.
Thượng tá Cao Văn Tỉnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Thanh đã trải qua 31 năm công tác, luân chuyển từ tuyến núi về tuyến biển, rồi trở lại tuyến núi. Anh vẫn nhớ rõ chuyện vận động dân bản Na Y di dời khỏi Khu bảo tồn rừng Pù Hu (Mường Lát), hồi năm 1997. Do có nhiều thiện cảm với cán bộ biên phòng từng về cắm bản, dân bản coi anh Tỉnh như người nhà, giành nhau mời ăn, mời ở, dù đó là khi bản Na Y bị mất mùa. Thế nhưng nói đến chuyện di dời sang nơi mới thì đồng bào không muốn theo, “ta thích thì ta làm, ta không thích thì ta không làm”. Phải mất hàng tháng trời, bắt đầu vận động từ trưởng bản, thực hiện đúng “bốn cùng”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào, những người lính biên phòng mới được dân nhờ giúp vận chuyển nhà cửa, đồ đạc đến nơi mới. Anh Cao Văn Tỉnh tâm sự: Đừng sợ đồng bào không hiểu mình, chỉ sợ mình không làm được cho đồng bào hiểu. Mình phải biết được phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, phải nói được, làm được, đồng bào mới tin, mới làm theo. Quý lắm, đồng bào mới mời rượu, mời ăn... tiết canh gà, nên nhất thiết không được chối từ. Không phải “diễn” để “lấy lòng” đồng bào đâu, điều cốt yếu là tự tâm mình coi đồng bào các dân tộc như anh em ruột thịt, thì mới hòa đồng, gắn bó bền chặt được.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, chàng sỹ quan trẻ Bàn Văn Tuấn, người Dao Ngọc Lặc, được phân công công tác trong lực lượng bộ đội biên phòng. Ngoảnh lại, anh đã có 25 năm trong quân ngũ và hiện là Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Yên Khương. Cả dáng hình và tác phong, Trung tá Bàn Văn Tuấn rất “hợp chuẩn” cán bộ chính trị, làm công tác Đảng. Đời lính nhiều kỷ niệm, nhưng anh nhớ nhất những kỷ niệm hồi ở Đội Vận động quần chúng, bám bản Pù Đứa của đồng bào Mông và thường cắm bản cả tháng trời. Một lần vừa trở về đồn giao ban thì anh nhận được tin có người mới qua đời do ăn lá ngón. Ngay trong đêm, anh cùng tổ công tác khẩn trương đi bộ 12 cây số, lội suối, băng rừng về bản, để kịp thời vận động bà con không cho kẻ xấu lợi dụng việc tang ma truyền đạo trái phép, để vận động gia đình nhà có tang không giết thịt trâu bò, không tổ chức ăn uống tốn kém. Mấy ngày liền, các anh phải thường xuyên túc trực tại đám tang, phải tham gia lễ viếng, đi quanh thi hài người chết đang bị phân hủy mạnh do tác động của lá ngón và thời tiết nóng nực... 
Chuyện mà Thượng tá Dương Thế Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo phải xử lý lại có cái khó khác. Anh kể: Năm 2018, chị Hà Thị Hoàn, ở bản Cha Khót, vào rừng lấy gỗ, chỉ ít thôi, nhưng vi phạm Luật bảo vệ, phát triển rừng. Nhà chị Hoàn rất nghèo, chồng mất sớm, để lại hai con nhỏ cho chị lo liệu, chị vì túng quá làm liều. Để giữ nghiêm việc chấp hành quy định pháp luật, vụ việc vi phạm của chị Hoàn vẫn phải được đưa ra xét xử, rồi sau đó, anh em trong đơn vị lại vận động đóng góp, làm cho gia đình chị căn nhà trị giá 100 triệu đồng, để ổn định đời sống. 
“Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, cứ như thế, suốt 30 năm qua, Thiếu tá Đặng Văn Hòa, quê huyện Quảng Xương, gắn bó với công tác vận động quần chúng, với đồng bào Mông bản Xía Nọi. Anh “bốn cùng” trong gia đình trưởng bản Chá Văn Cụa, được tin yêu quý mến như người nhà. Ông Chá Văn Cụa đã làm “lễ cúng ma” nhận anh Hòa là người cùng họ. Từ đó, đồng bào Mông gọi tên anh là Chá Văn Hòa. Trở thành người cùng họ, nói với nhau càng dễ nghe, dễ thông hơn, kể cả việc thuận lòng không quàn thi thể người chết quá 24 giờ, sau đó đưa vào quan tài để an táng.
Cán bộ, chiến sỹ biên phòng thường nói vui, mà cũng là nói thật, các anh không chỉ là bộ đội biên phòng mà còn kiêm cả “thầy giáo quân hàm xanh”, “thầy thuốc quân hàm xanh”, làm cả những việc như của công an, kiểm lâm, ngành nông nghiệp... Tóm lại là cố gắng làm tất cả những gì có thể, giúp đồng bào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nhất là phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đồn nào cũng có “con nuôi biên phòng”, cũng đều nhận giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Các anh phối hợp với các đoàn thể, các ngành thực hiện chương trình, dự án giúp dân trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đồn Biên phòng Mường Mìn vận động dân các bản đưa giống lúa Z20 của Nhật vào trồng trên diện tích 5 ha, thực hiện thành công mô hình trồng cây gai xanh, tạo sản phẩm hàng hóa tại bản Bon. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo vận động đóng góp làm đường ống dẫn nước, hướng dẫn cho đồng bào Mông ở ba bản Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu trồng được 7 ha lúa nước, có đủ gạo ăn. Đồn Biên phòng Tam Thanh phối hợp thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên giới”, giúp hộ nghèo chăn nuôi bò giống, chăn nuôi vịt Cổ Lũng...
Trung tá Lò Văn Cần có gương mặt hơi khắc khổ, dáng người vạm vỡ nhất ở Đồn Biên phòng Yên Khương. Điềm tĩnh, ít nói, nhưng trong công việc anh là người xốc vác, quyết đoán. Khi được phân công về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương, anh Cần đã tính đến việc vận động dân trồng mới rừng vầu trên diện tích đất rừng 02 (đất giao cho hộ dân) trồng vầu bị tàn kiệt hoặc trồng keo, luồng hiệu quả thấp. Năm 2018, gặp dịp có dự án của ngành nông nghiệp, anh Cần đứng ra đảm nhận khâu cung ứng giống. Anh tranh thủ về quê ở huyện Quan Sơn tìm hạt cây vầu đưa về Yên Khương ươm thành cây giống. Trồng thử nghiệm 1 ha, thấy cây sinh trưởng tốt, dân các bản trong xã đã nhân rộng diện tích trồng mới rừng vầu lên 519 ha. Thu hoạch trà đầu sau ba năm, năng suất, sản lượng của rừng vầu trồng mới không thua kém rừng vầu tự nhiên đang độ tươi tốt. Tới đây, anh Cần tiếp tục vận động đồng bào mở rộng diện tích trồng mới rừng vầu và trồng xen cây lấy gỗ lớn, để thân cây vầu vươn cao, to, dài hơn, cho năng suất cao hơn. Thay vì trồng các loài hoa, xã Yên Khương đang triển khai trồng cây vầu ven các con đường chính của xã, của các bản. Không lâu nữa, cây vầu - “vàng xanh” vừa cho các hộ nguồn thu nhập ổn định, vừa vươn cành, khép tán tỏa bóng tươi xanh, làm đẹp cho những con đường ở Yên Khương! 
Có một điều đặc biệt là đồn biên phòng nào cũng trang hoàng nhiều khẩu hiệu, viết bằng chữ vàng in trên các tấm biển nền màu đỏ, và chúng tôi “đọc” thấy nội dung, tinh thần của những khẩu hiệu ấy trong chính việc làm hàng ngày của bộ đội. Các anh đang sống hết mình “vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vì hạnh phúc của nhân dân. Theo lời Trung tá Lê Ngọc Lâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Yên Khương: Bộ đội giúp dân xóa đói giảm nghèo, có cuộc sống văn minh, hạnh phúc, dân càng tin yêu, gắn bó với bộ đội và chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Thanh, Thượng tá Hoàng Anh Hiếu bộc bạch: Chỉ riêng việc đồng bào chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, nhất là quy định pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới... đã là sự thống nhất ý chí với bộ đội biên phòng, thống nhất cả trong nhận thức và hành động. Đồng bào là “tai, mắt” rộng khắp, cung cấp thông tin kịp thời, giúp bộ đội biên phòng luôn chủ động nắm chắc tình hình biên giới, tình hình địa bàn. Đồng bào tham gia tuần tra biên giới, giữ gìn, bảo vệ cột mốc, kết nghĩa “bản - bản” hai bên biên giới, tham gia hoạt động giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa, đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Lào. Quả là “Chúng chí thành thành”, chính sự thống nhất ý chí tạo nên thành lũy để bảo vệ biên giới vững bền.
Ngày đầu đến thăm Đồn Biên phòng Mường Mìn, chúng tôi gặp Trung tá Phạm Phú Hưng, Đồn trưởng, vào lúc đã gần khuya. Mỏi mệt do mấy ngày liền mất ăn, mất ngủ, hao tâm, tổn sức xử lý vụ buôn bán ma túy trái phép, nhưng anh rất vui vì bắt được đối tượng cùng tang vật. Chỉ sau khi lo xong việc cứu chữa cho đồng đội bị thương do đối tượng liều lĩnh lao thẳng xe máy vào người, hòng tẩu thoát, rồi lo hoàn thành việc trực tiếp đấu tranh với đối tượng, để lấy lời khai lập hồ sơ ban đầu của vụ án, anh mới trở về đồn. 
Đấu tranh chống tội phạm buôn bán ma túy, cán bộ, chiến sỹ biên phòng phải đối mặt với nhiều gian khó, hiểm nguy. Đối tượng thường lợi dụng đêm tối, rừng rậm, thời tiết xấu để vận chuyển ma túy. Chúng luôn mang theo súng tự chế, súng quân dụng, chí ít cũng dắt lưng một con dao sắc nhọn, để chống trả tìm cách thoát thân, khi bị phát hiện, bị vây bắt. Từng có những cán bộ, chiến sỹ biên phòng Thanh Hóa hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy tại khu vực biên giới giáp Lào.
Đóng quân trên địa bàn hai xã biên giới là Na Mèo, Sơn Thủy, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đảm đương nhiệm vụ quản lý cửa khẩu quốc tế. Đồn phối hợp với các ngành hữu quan tại huyện Quan Sơn, phối hợp với các lực lượng chức năng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nậm Xôi, nước bạn Lào, bảo đảm cho các hoạt động qua cửa khẩu được thông thoáng, theo quy định pháp luật của hai nước Việt - Lào. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, lẩn khuất trong hoạt động xuất nhập cảnh, giao thương hàng hóa. 
Chú trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thường xuyên chăm lo hoạt động thông tin đối ngoại, phổ biến đường lối, chính sách đối ngoại, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đến nhân dân hai nước ở vùng biên. Đồn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cho bản Na Mèo kết nghĩa với bản Dơi của Lào, tạo điều kiện để nhân dân hai bản giao lưu văn hóa, thăm thân, khám chữa bệnh, trao đổi hàng hóa, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo còn là điểm tựa cho hơn 10 nghìn người dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Những cán bộ, chiến sỹ biên phòng từng lăn lộn trong mưa lũ, trong gian khó bộn bề, để cứu giúp đồng bào ở bản Sa Ná tang thương do lũ lụt hồi tháng 8 năm 2019, rồi bền bỉ bám bản suốt 3 tháng ròng, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống. Còn nhớ, vào ngày 10 tháng 10 năm 2017, tại đập tràn thôn Bôn, xã Yên Khương, trên tuyến biên phòng này, trong khi cơ động về các bản giúp dân tránh lũ, Thượng tá Cao Đăng Cường và Đại úy Nguyễn Thành Chủng, Đội trưởng Đội Tổng hợp Đồn Biên phòng Yên Khương đã hy sinh vì lũ cuốn. Đến tận bây giờ, thi thể của Đại úy Nguyễn Thành Chủng vẫn không được tìm thấy, vẫn còn nằm lại đâu đó trong lòng suối, lòng sông, nhưng hình ảnh người cán bộ biên phòng thân thương ấy hẳn sẽ còn mãi trong lòng đồng đội, trong lòng dân ở vùng biên giới này.
Đằng sau những thành quả công tác, chiến đấu trên vùng biên giới no ấm, bình yên hôm nay là những hy sinh thầm lặng, ngày nối ngày, năm nối năm của cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Không chỉ đối mặt với gian khó, thậm chí hiểm nguy, khi làm nhiệm vụ mà các anh còn phải chấp nhận việc thường xuyên sống xa gia đình. Sự gắn bó máu thịt với biên giới, với đồng bào các dân tộc vùng biên phải đổi bằng sự thiếu chu toàn với bố mẹ, vợ con, họ hàng hai bên nội ngoại. 
Trung tá Bàn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương từng được điều động đến công tác ở nhiều nơi, hết ở Quang Chiểu, Yên Khương lại vào tỉnh Đắc Nông, Tây Nguyên, trở về Tén Tằn, về Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, lên tiểu đoàn huấn luyện tại Bá Thước, rồi quay lại đồn cũ Yên Khương. Vợ con anh hiện ở Thị trấn Ngọc Lặc, còn bố mẹ anh thì ở quê, xã Phùng Giáo, Ngọc Lặc. Tương tự thế, Trung tá Bùi Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Mìn, quê Thị xã Nghi Sơn, đã có 27 năm công tác, chỉ khi ở tuyến biển là anh được gần vợ con, sau đó thường xuyên phải công tác xa, vì được điều động đi Điện Biên, Lai Châu, vào các tỉnh phía Nam, rồi ngược lên Tam Thanh, Mường Mìn, miền Tây Thanh Hóa công tác cho đến ngày hôm nay. 
Nghe những lời tâm sự của Trung tá Trương Văn Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, chúng tôi càng cảm phục trước sự chịu đựng của những người lính mang quân hàm xanh. Hầu hết cán bộ biên phòng đều thường xuyên xa nhà, đành “xử lý tình huống” theo cách: con thì nhờ vợ, bố mẹ của đôi bên thì nhờ anh em, nhờ họ hàng trông nom, săn sóc. Anh cười: “Khi bố mẹ, vợ con đau ốm, khi nhà có việc mà không về được là chuyện bình thường!”. Điều đáng trân quý, nể phục là gia đình của các anh đều yên ấm, bố mẹ già được chăm sóc chu đáo, các con nhỏ được học hành tử tế. Chính những người vợ thảo hiền, thủy chung là điểm tựa tình cảm, tinh thần giúp các anh vững vàng tay súng trên những tuyến biên phòng.
Với lớp cán bộ nhiều năm mặc áo lính, chuyện gia đình là thế. Để xem những sỹ quan trẻ tính chuyện ấy thế nào, chúng tôi gặp Thượng úy Nguyễn Trọng Hiếu, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Tam Thanh. Hiếu quê phường Quảng Thành, Thành phố Thanh Hóa, dáng cao dong dỏng, giọng nói nhỏ nhẹ, giỏi việc, năm nay 27 tuổi, chưa vợ. Hiếu tâm sự: Hiếu từng có mối tình đầu dài hơn 6 năm, nhưng không thành đôi, vì cô gái ấy thực lòng “ngại” làm vợ một người lính biên phòng, còn Hiếu thì nhất quyết không rời quân ngũ. Hồi học xong trung học phổ thông, do bố mẹ làm nghề nông, nhà nghèo và do rất ngưỡng mộ người chú là bộ đội biên phòng, nên Hiếu không thi vào trường khác mà chọn Học viện Biên phòng, “lấy binh lập nghiệp”, rồi đam mê “nghiệp” ấy. Với Hiếu, làm lính biên phòng không chỉ có niềm đam mê, niềm tự hào mà còn phải chấp nhận cống hiến cả tuổi thanh xuân, chấp nhận việc phải sống xa nhà. “Đấu tranh chống ma túy, tội phạm rất gian nan, nguy hiểm, nhưng chúng cháu quen rồi. Chỉ lo khi ở nhà cần mình mà không về được. Hồi chống dịch covid, đầu năm 2020, nghe tin bà ngoại mất, phần vì yêu cầu trực 100% quân số, phần sợ về mang dịch lên lây cho anh em, nên cháu không báo cáo chỉ huy. Phải 6 tháng sau, cháu mới về thắp hương cho bà. Vài năm nữa, cháu sẽ cưới vợ, lấy một người yêu lính biên phòng và là người ở quê, để những khi cháu công tác xa, có người thay cháu săn sóc bố mẹ - Hiếu cười - Khi nào cưới vợ, cháu mời chú đến chung vui với gia đình cháu!”. Những sĩ quan trẻ như Hiếu đang tiếp bước, noi theo cán bộ lớp trước, tận tâm, tận lực vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Màu xanh cây lá trải rộng từ hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ khu vực vành đai biên giới, do bộ đội các đồn biên phòng quản lý, tiếp nối với màu xanh của rừng giao cho hộ dân các xã giáp biên và lan tràn khắp địa bàn các huyện miền núi. Màu xanh sinh sôi và bình yên. Chia tay cán bộ, chiến sỹ biên phòng, chúng tôi “mượn” chùm thơ của nhà thơ Lê Quang Sinh làm “quà lưu niệm”. Đến đồn biên phòng nào, anh cũng có thơ, thường là viết ngay trong đêm, những bài thơ tràn đầy niềm tin yêu dành cho đất và người vùng biên giới. 
Trên khắp các tuyến biên phòng của Tổ quốc, màu xanh áo lính thấp thoáng ven con suối, vạt nương, bên những mái nhà sàn, hòa vào màu xanh của rừng, của núi như bức tường thành vững chắc giữ cho đất nước, quê hương no ấm, yên bình. 
          

 H.G


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 129
 Hôm nay: 7386
 Tổng số truy cập: 7555207
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa