Gọi hoa lên với biên cương (Bút ký dự thi)
Ngồi sắp xếp lại sổ ghi chép lưu giữ kỷ niệm của mình, tôi tình cờ đọc được những câu thơ viết rất cẩn thận.
Ai bảo biên thùy chẳng có hoa
Chỉ có mây bay với núi già
Bạn hãy cùng tôi lên biên giới
Bốn mùa hoa nở tỏa hương xa.
Bốn câu thơ không có tên tác giả, cũng chẳng rõ thời điểm ra đời và cũng khác xa với những gì mà tôi gặp nơi miền phên dậu xa xôi, cách trở suối, đèo. Tôi thắc mắc, hoa ở đây là hoa của thiên nhiên núi rừng hay là hoa được các chiến sĩ biên phòng đưa giống từ dưới xuôi lên trồng, rồi chăm sóc, để mỗi khi hoa nở có cái ngắm nơi biên cương xa ngái cho vơi đi sự đơn điệu và cả nỗi nhớ nhà trong mỗi tâm tư người lính quân hàm xanh đang trấn ải lưu đồn? Thật sự, để trả lời cho thắc mắc của tôi không khó, bởi khi tôi có mặt tại miền đất biên cương Tén Tằn thì hoa không chỉ để trang trí cho nơi địa đầu Tổ quốc thêm đẹp, thêm thơ mộng mà còn đem lại cả sự thay đổi về tư duy và hiệu quả kinh tế cho người dân bản địa.
Chẳng phải tốn nhiều thời gian, tôi đã được tiếp kiến với người mà rất nhiều chị em khu phố Chiềng Cồng, thị trấn Mường Lát gọi bằng cái tên vô cùng thân mật: “Người gọi hoa lên với biên cương”. Đó chính là Thượng tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, là người mà chị em đã giới thiệu cho tôi. Thoáng mới gặp, Chính trị viên ấy đã để lại ấn tượng cho tôi bởi khóe miệng duyên, vầng trán rộng và đôi mắt sáng. Kiên khá nghiêm nghị nhưng cũng rất hài hước trong cuộc trò chuyện cùng tôi.
- Chiều nay, em sẽ cử người đưa anh lên tham quan khu vực cửa khẩu, cột mốc 281 và ghé thăm mô hình “Hoa hướng dương biên cương” của chị em Chi hội phụ nữ khu phố Chiềng Cồng.
- Sao Chính trị viên không đi cùng với tôi?
- Em đi cùng anh sợ tối chẳng về được tới đồn đâu.
- Vì sao?
- Vì đến đó toàn chị em xinh nên khó về lắm. Đùa anh tí cho vui thôi, chứ chiều nay em bận chủ trì họp cấp ủy đơn vị nên anh tự đi khám phá vậy.
Khi ánh nắng cuối mùa đông chiếu xiên khoai len qua dãy Huy Nhốn, hiệu lệnh kẻng làm việc đầu giờ buổi chiều của đơn vị chưa dứt hồi cuối, Thiếu tá Bùi Bá Tía, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đã đưa tôi rong ruổi trên chiếc xe Yamaha Sirius, ngược lên hướng biên giới. Cung đường ngắn, chỉ chừng hơn 2km nhưng cũng đủ để cho tôi tận hưởng làn gió mát từ trên đỉnh dãy Huy Nhốn phía bên tả ngạn dòng sông Mã tràn xuống mang theo cả âm thanh của tiếng sáo lúc réo vút lên cao va đến tận đỉnh núi, khi lại xuống nốt trầm như thung sâu, như tiếng gió rơi xuống suối níu giữ chân người lạ ở lại với núi rừng, với bà con dân bản.
Tía giảm ga đi chậm lại và hỏi tôi trong tiếng gió chiều xen lẫn tiếng xe:
- Anh có nghe tiếng sáo từ phía xa vọng đến không?
- Có chứ. Không biết loại sáo gì mà nghe hay thế?
- Dạ, đó là tiếng của “Pí pặp”, một loại sáo dọc của người Thái, loại sáo này được người con trai thổi để nói thay tiếng yêu với người con gái.
- Sao mới buổi chiều mà đã có tiếng “Pí pặp” cất lên rồi?
- À, chắc là có chàng trai nào đó đang tập thổi để tối đến đi ngỏ lời yêu đó anh.
Nghe lời giải thích của Tía, tôi cảm thấy sự hiểu biết của mình là vô cùng nhỏ bé trước bản sắc văn hóa phong phú của các dân tộc trên dải đất Việt Nam yêu quý.
Vườn hoa hướng dương nằm phía hữu ngạn nơi thượng nguồn sông Mã trở về với đất Việt sau khi rong ruổi dòng chảy bên xứ sở hoa Chăm Pa. Vườn hoa rộng khoảng hơn 1.500m2 với lớp lớp những bông hoa nở vàng rực xen giữa các thửa ruộng bậc thang lúa xanh thì con gái.
- Đây là mô hình “Hoa hướng dương biên cương” của chị em phụ nữ khu phố Chiềng Cồng trồng để làm du lịch. Mô hình mới triển khai từ tháng 12 năm 2022 và cũng chỉ mới trồng vụ đầu tiên nhưng hiệu quả có ngay rồi đó anh.
Thiếu tá Tía giới thiệu.
- Nhìn giống như một bức thi họa vậy.
Tôi trầm trồ trước vẻ đẹp của những bông hoa nghiêng sắc vàng về hướng ánh hồng dương.
- Anh muốn biết rõ ngọn ngành về “Bức thi họa” này thì phải ở lại thăm biên giới thêm hai ngày nữa, em sẽ đưa anh đi gặp các chị em phụ nữ ở đây để nghe họ kể lại câu chuyện trồng hoa.
- Hai ngày cơ à? Thế thì mình chịu vì công việc nên trưa ngày mai là mình phải rời đơn vị rồi.
- Em đùa anh vậy thôi, chứ ngay bây giờ em sẽ giới thiệu anh với những bóng hồng làm nên vườn hoa hướng dương này.
Dứt lời, Tía liền quay xe chở tôi đi vòng qua mấy khúc cua, con dốc, rồi đến một chiếc nhà sàn dựng tạm bên sườn đồi, bên trong đang rộn rã tiếng nói cười của mấy chị em phụ nữ. Câu chuyện về vườn hoa hướng dương được bắt đầu từ chị Hà Thị Nhiên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Chiềng Cồng và là Trưởng nhóm trồng hoa. Sau một hồi kết nối gợi chuyện của Tía với nhóm chị em phụ nữ, chị Nhiên chậm rãi kể:
- Từ trước đến nay người Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Dao... trên vùng đất này do nhiều nguyên nhân khác nhau nên cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm, bà con vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, để tiếp nhận cái mới thì chưa mạnh dạn như ở dưới xuôi... Mà nói đúng ra, vườn hoa hướng dương này là của các anh trên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn.
- Sao lại của các anh biên phòng? - Tôi hỏi Nhiên.
Cô gái người dân tộc Thái trả lời:
- Các anh ấy lên ý tưởng, rồi vận động bà con nhường đất, hướng dẫn làm đất, đặt giống, rồi chặt luồng, rào vườn, chăm sóc. Đến khi có hoa các anh còn làm biển bảng quảng cáo truyền thông để khách biết đến tham quan.
- Vậy hiệu quả từ vườn hoa này có hơn trồng lúa không? Làm tập thể thế thì phân công như thế nào? - Tôi lại hỏi.
Chị Nhiên trầm ngâm một chút như để nhớ lại những gì đã diễn ra:
- Lúc đầu cũng hơi nản anh à, anh Kiên yêu cầu lộn đất tơi xốp, nhặt cỏ, căng dây thẳng hàng từng luống, cuốc hố, bỏ phân, kéo đường nước... Chúng em xưa nay chỉ cày bừa làm nhão đất rồi cấy lúa, chứ làm đất trồng hoa thì không quen, nên nhiều người vừa làm vừa cười. Bởi chẳng ai tin hoa có thể mọc được trên đồi đây. Thế nhưng, anh Kiên vẫn luôn động viên “làm đi, làm đi, 3 tháng nữa là các em sẽ nhìn thấy kết quả”. Tin vào những gì anh ấy nói và làm với mọi người nên chúng em bảo nhau cùng theo. Thời gian trôi qua, thành quả mà chúng em có được là như anh đang chứng kiến đấy, bây giờ ai đến vùng đất biên cương Tén Tằn cũng trầm trồ khen nơi đây có vườn hoa đẹp. Tiếng lành đồn xa, có rất nhiều người từ Pù Nhi, Mường Lý, Trung Lý, Quan Hóa... ở dưới xuôi cũng chở nhau lên tham quan, chụp ảnh. Họ cười nói vui vẻ, chụp ảnh thỏa thích bởi lần đầu tiên, ở đây có một điểm check in đẹp và thơ mộng chẳng kém gì những vùng du lịch khác. Nhận thấy du khách ở dưới xuôi lên thích chụp ảnh với những bộ trang phục thổ cẩm của các dân tộc Thái, Mông, Dao nên anh Kiên chỉ dẫn chúng em cho du khách thuê để tăng thêm thu nhập.
- Thế thu nhập được bao nhiêu, có bật mí được không em? - Tôi tò mò.
- Dạ, tuy mới qua một vụ hoa 3 tháng đã thu được hơn 18 triệu rồi anh ạ.
- Ui chà, có vuông đất rộng tầm 3 sào, với 6 người làm trong 3 tháng mà được 18 triệu, chia ra mỗi người được 3 triệu thì hơn trồng lúa nhiều rồi còn gì.
- Không chia đâu anh. Chúng em để làm quỹ của nhóm, một phần cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong Chi hội mượn để tạo vốn làm ăn, một phần để vụ sau làm tiếp. Đợt này có chị Hiệu khó khăn hơn được ưu tiên mượn số tiền 10 triệu đồng làm vốn.
Chị Nhiên dừng lời, một cơn gió từ trên đỉnh núi lướt nhẹ xuống vườn hoa. Ánh nắng chiều hình như cũng đang vui theo tiếng cười của du khách đang xúng xính trong những bộ thổ cẩm tạo dáng, làm duyên để chụp ảnh.
Thành quả là khâu cuối cùng của mọi sự cố gắng từ khối óc, từ bàn tay, từ nỗi niềm và cả từ sự kiên trì được luyện tôi trong thử thách. Câu chuyện hạt hoa hướng dương nảy mầm trên miền đất biên cương Tén Tằn bắt đầu như thế này: Tháng 5 năm 2022, Thượng tá Thịnh Văn Kiên từ Đồn Biên phòng Bát Mọt, Thường Xuân chuyển đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn nhận chức vụ Chính trị viên. Đất Mường Lát đón người cán bộ chính trị trong một ngày hạ nắng nóng gay gắt như muốn thử thách tinh thần người lính mới về nhập hộ khẩu ở đây. Đang ở Bát Mọt, nơi được coi như “Sa Pa của Thanh Hóa”, tháng 5 vẫn còn sương mát mẻ, giờ sang Tén Tằn, đi đâu cũng nắng nóng rát cả mặt, thêm vào đó, Kiên mới bị Covid-19 xong nên sức khỏe bị giảm sút khá nghiêm trọng, thế nhưng cứ chiều chiều, khi ông mặt trời vừa khuất sau dãy Huy Nhốn là bà con lại thấy một anh bộ đội dáng người cao, gầy, tuổi trung niên đi bộ dọc theo những triền đồi, thửa ruộng, đôi lúc dừng lại nhìn ra phía xa xa và trầm tư điều gì đó như kiểu đang nhớ nhà?
Từ thực tiễn công tác gắn bó với đồng bào vùng cao, người lính ấy chẳng những nhìn thấy mà còn biết rất rõ là muốn thoát nghèo thì cần thay đổi quan niệm và phải có cách làm mới. Song để bà con thay đổi thói quen, nếp nghĩ của mình thì không hề dễ. Ngày mà Chính trị viên đi vận động bà con chuyển đổi một phần đất lúa để trồng hoa, dù đã lường trước mọi tình huống nên anh đã mời đồng chí Chủ tịch thị trấn Ngân Trọng Hiệp đi cùng ra tận ruộng, như để làm nhân chứng và thể hiện quyết tâm của lãnh đạo đồn với địa phương về chủ trương mới này, nhưng các hộ được vận động vẫn khăng khăng: Cây lúa dẫu có mất mùa thì vẫn có hạt gạo để nấu, bụng vẫn no, còn hoa thì chỉ để ngắm, để nhìn chứ chẳng thể bỏ vào nồi được. Cái lý lẽ ấy người nào cũng nói, nhà nào cũng nói, kể cả những nhà nhiều ruộng, nhiều lúa ăn không hết. Đến nỗi, ngay cả vợ của một trưởng khu khi được vận động đã quay lưng, lội ruộng bỏ về như một sự phản đối ra mặt. Hôm đó, Chính trị viên đồn và Chủ tịch thị trấn được một phen tím tái mặt mày ngay giữa cánh đồng xanh.
Hoa hướng dương nở được trên biên cương Tén Tằn là một câu chuyện với những tình tiết gần như là “cổ tích”. Sau thời gian ngắn tìm hiểu và nắm tình hình địa bàn, Thượng tá Thịnh Văn Kiên nhận thấy những điểm mà người dân chưa thật sự chú trọng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho hộ gia đình, còn ngại tiếp cận với tư duy thay đổi, chấp nhận, an phận với cuộc sống hiện tại mặc dù cái khó, cái nghèo vẫn tồn tại ngay trong chính ngôi nhà của mình. Từ đó, anh đã trăn trở tìm một hướng đi mới cho bà con nơi đây nhằm đổi thay tư duy của họ với sự phát triển chắc chắn, bền vững để họ tin và làm theo. Từ sự hiểu biết và quan sát, tham khảo nhiều mô hình phát triển kinh tế của các địa phương, anh đã chọn cây hoa hướng dương để trồng nhằm giúp người dân mở hướng phát triển kinh tế kết hợp với du lịch tham quan với tên gọi “Mô hình hoa hướng dương biên cương”.
Vận động ngoài đồng ruộng chưa được, những người chiến sĩ biên phòng tiếp tục thuyết phục việc chuyển đổi cây trồng thông qua các buổi dự họp ở các khu phố. Lấy khu phố Chiềng Cồng làm mục tiêu, thế nhưng sau khi nghe phương án chi tiết vẫn có rất nhiều người dân không đồng thuận. Hoặc là nghi ngờ về hiệu quả, hoặc là im lặng, một sự im lặng đến nản lòng như là sự phản đối có tính hội đồng.
Họp tập trung không có kết quả, những người lính biên phòng lại quyết tâm theo đuổi đến từng nhà bàn bạc theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, được đâu làm đó, nhưng cũng chẳng mấy hộ quan tâm. Ban Chỉ huy đồn chuyển hướng tập trung vào các tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức đầu tiên mà các anh nhắm tới là Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, song sau khi họp triển khai công tác vận động tại Chi hội Phụ nữ khu phố Chiềng Cồng thì mọi thứ vẫn rơi vào sự im lặng nghiệt ngã. Tia hy vọng còn lại chỉ là những câu hứa “Để chị em bàn với chồng con xem thế nào đã”.
Nhận thấy đi từ dưới lên trên không có kết quả, Ban Chỉ huy đồn lại đi từ trên xuống bằng việc xây dựng dự thảo kế hoạch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát để cùng vào cuộc hỗ trợ chỉ đạo thực hiện mô hình tại địa phương. Thời gian trôi. Một ngày, hai ngày... rồi bảy ngày. Không ý kiến phản hồi. Lo lắng và trông mong. Thế nhưng như người đời vẫn nói, khi sự vô vọng đi gần đến tột cùng thì thường có hy vọng xuất hiện. Đến ngày thứ tám, màn hình điện thoại của Kiên sáng lên với dòng chữ: “Ban Chấp hành hội nhất trí như kế hoạch phối hợp mà đồn dự thảo. Em ký rồi anh nhé. Ta chọn chị em Chi hội Phụ nữ khu phố Chiềng Cồng làm điểm là phù hợp anh ạ”. Đó là dòng tin nhắn của chị Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát.
Và ngay sau ngày hôm đó, tiếng đất thì thầm với nhau:
- Sáng nay lạ lắm.
- Lạ thật, tất cả đều khác, chỉ có tiếng nói và bước chân của chị Hà Thị Nhiên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Chiềng Cồng là quen thôi.
- Chị Nhiên chẳng làm những việc giống mọi lần. Không đắp bờ giữ nước, không đưa máy đến cày đất để chuẩn bị gieo hạt cho vụ mới mà cầm thước đo rồi nói với mấy người đi cùng: “Nghe anh Kiên và các anh biên phòng vận động, mình cũng tính làm mà nhiều người chưa đồng ý. Nhưng hôm nay có kế hoạch phối hợp đóng dấu đỏ của đồn với huyện hội mà chị Nhơn gửi lên đây rồi, nên chị em ra đây bàn với các anh”.
Tiếng người chiến sĩ mang quân phục màu xanh đáp lại:
- Được tầm 2 sào đất như thế này cũng làm được rồi. Hy vọng sau này sẽ có thêm người cùng chung sức với chị em. Mà các em yên tâm, các anh cũng vận động được kinh phí để “bảo hiểm hoa” rồi. Giống má, phân bón các anh lo hết, chị em chỉ bỏ đất và bỏ công chăm. Nếu trồng hướng dương không có hoa, không có khách, không thu được tiền thì đồn sẽ hỗ trợ kinh phí để các gia đình mua lúa gạo bằng với năng suất của mỗi thửa. Nếu có khách chị em thu vé, đồn chỉ làm công tác bảo vệ.
- Vậy thì chúng ta cuốc đất thôi. - Mấy chị em cùng đồng thanh.
Sau một hồi trao đổi bằng tiếng Thái, rồi điện thoại, ánh mắt Hà Thị Nhiên như sáng lên.
- Em vừa điện cho cái Lượng, nó cũng có đất bên cạnh đây và đồng ý cùng làm rồi anh. Em bảo cả hai vợ chồng Lượng mang dây ra đây đo luôn.
- Tốt rồi, ta sẽ thành lập “Tổ hoa” để thực hiện mô hình “Hoa hướng dương biên cương” do Nhiên làm Tổ trưởng - Thượng tá Thịnh Văn Kiên lên tiếng như kết luận tại một cuộc hội thảo đầu bờ của ngành nông nghiệp.
Thêm nhiều buổi sáng nữa, cũng trên mảnh đất ấy, bộ đội và nhân dân tiến hành san đất, nhặt cỏ, gieo hạt, rồi rào vườn, dẫn nước tưới...
Đêm về, những hạt sương từ bên bờ bắc sông Mã theo gió tràn xuống thấm sâu vào đất, từng hạt giống khe khẽ trở mình, uống đẫy nước sương và sẽ sàng nứt vỏ. Mầm cây dần nhú lên tìm đến ánh sáng mặt trời. Tiếng đất thì thầm hỏi nhau:
- Hạt cây gì thế nhỉ? Sao chẳng giống như hạt lúa...
Khi tiếng của đất đang hỏi nhau với sự ngạc nhiên ngỡ ngàng thì có một bóng người mặc quân phục, trên vai đeo đôi quân hàm màu xanh lá, cầm đèn pin soi kỹ từng gốc cây, rồi khẽ khàng vạch từng chiếc lá, bắt gọn những con sâu cám đang cắn hại mầm cây. Sau khi đi trọn vòng quanh mảnh vườn, bóng người ấy ngồi xuống bờ cỏ, duỗi chân, đưa ánh mắt về phía thượng nguồn sông Mã, nơi những con nước cuối mùa khô đang rí rách lách luồn qua từng kẽ đá để tìm đường ra biển lớn. Ánh trăng mờ ảo làm cho núi và mây thêm huyễn hoặc, trầm lắng. Bóng người ấy đang nghĩ lại những ngày đầu đưa ra ý tưởng rồi thuyết phục người dân hoán đổi đất, chuyển mô hình canh tác cố hữu để mạnh dạn tiếp cận cái mới, mở ra một hướng đi mới mà sao khó khăn đến thế.
Ở nhiều nơi có những mô hình du lịch homestay, trồng hoa, tạo dựng cảnh trí, mở dịch vụ cho thuê phục trang dân tộc để du khách đến tham quan chụp ảnh và thưởng thức những đặc sản bản địa; từ đó họ kết hợp giữa du lịch, dịch vụ, trải nghiệm văn hóa vùng cao, không ít gia đình đã làm giàu ngay trên vùng đất khó. Suy nghĩ, trăn trở, đưa ra bàn bạc, tìm và định hướng cách làm nhưng mới quá, lạ quá, người dân không dễ chấp nhận.
Ít cũng làm, không tham số lượng. Ngày nhận đất cũng chính là hôm những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống cùng những giọt mồ hôi của hội viên phụ nữ và bộ đội. Dẫu nhọc nhằn nhưng tiếng cười, sự gần gũi và niềm vui trong lao động đã xuất hiện. Những tia hi vọng về một hướng phát triển mới, một lối đi riêng, tiên phong trên con đường “xóa đói, giảm nghèo” vốn xưa nay vẫn đầy gập ghềnh trắc trở nơi rẻo cao xa ngái đã lóe lên. Vầng trăng tuần cuối tháng khuyết vẹt nở nụ cười chào tạm biệt đỉnh núi, cơn gió nhẹ đưa những hạt sương nhẹ tênh đọng lại nơi mầm cây đang cựa mình nảy lá. Bóng người ấy nhẹ nhàng rời vườn hoa khi góc trời phía đông đang hừng lên một vầng sáng. Ba hồi kẻng báo thức vang lên, người lính ấy hòa vào hàng quân trong sân đồn, cùng đồng đội hô to: “Rèn luyện thân thể, xây dựng Quân đội. Rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc”.
Tôi nghĩ, nếu có nhà biên kịch nào ấp ủ ý định viết kịch bản phim về mô hình “Hoa hướng dương biên cương” nơi miền biên ải này, chắc phải chia thành hai tập: Tập 1 nói về quá trình đưa cây hoa hướng dương đến với vùng cao của những người chiến sỹ biên phòng; tập 2 đề cập đến những con người dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi định kiến và suy nghĩ cũ kỹ để cho những bông hoa hướng dương nở vàng trên biên cương Mường Lát. Họ là ai?
Sau những buổi tham gia sinh hoạt tại khu phố, nghe các cán bộ biên phòng và chị Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát nói về mô hình “Hoa hướng dương biên cương”, chị Hà Thị Nhiên rất thích trong bụng nhưng nghe nhiều ý kiến chưa đồng thuận nên chị cũng nản lòng mặc dù chị đã hình dung ra một vườn hoa hướng dương có mây vờn bóng núi, có du khách đến tham quan, chụp ảnh trong trang phục dân tộc, trên khuôn mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười nhưng mọi việc vẫn phải theo số đông nên chị đành ngậm ngùi giấu ước mơ trong lòng... Chỉ đến khi chồng chị hỏi “Em suy nghĩ gì mà ngồi ngẩn ra thế, việc buôn bán gặp khó khăn à?”. Lúc ấy chị mới bừng tỉnh, trả lời vội “Không, chẳng có gì đâu anh” và chị vội lảng sang vấn đề khác “Thôi cũng trưa rồi, mình về nấu cơm rồi còn đón con đi học về nữa”. Và đêm hôm ấy, khi các con đã ngủ say, hai vợ chồng đầu ấp, tay gối, giọng Nhiên thỏ thẻ:
- Này anh, hay là mình nói với chú Đại nhường thêm thửa đất bên cạnh để trồng hoa hướng dương đi.
Chồng chị trả lời:
- Anh không cản em nhưng nhỡ làm mà thất bại thì cả bản họ cười cho, chứ chú Đại thì cũng đi công ty rồi, vụ tới không có người làm đâu.
- Thì anh cứ điện cho chú xem sao.
Nói xong, chồng chị vẫn im lặng, chỉ có tiếng thở nghe càng dài và to hơn trong đêm vắng. Sợ chồng giận nên Nhiên cũng im lặng, xoay người nằm úp mặt vào gối.
Chợt tiếng gà gáy trên đồi vọng xuống, chồng chị đưa tay vỗ nhẹ vào vai:
- Thôi em ngủ đi, mai anh sẽ điện cho.
Được lời như cởi tấm lòng, chị đẩy gối ra xa, kéo tay chồng luồn vào trong mái tóc:
- Vâng, nếu được thêm đất em sẽ rủ cái Nhường cùng làm cho vui. Giờ ngủ thôi anh.
Nói là ngủ nhưng Nhiên nằm thao thức, trống ngực dồn liên hồi. Sáng ra, chị không ăn sáng mà chỉ dặn chồng đưa con đi học, rồi cất bộ vội vã sang nhà Nhường:
- Nhường ơi, dậy chưa, ra tao nhờ tý.
- Có gì mà vội thế. Tao đang nấu dở nồi cám lợn.
Không đợi bạn hỏi thêm, chị Nhiên nói ngay vào vấn đề:
- Lúc tối, tao bàn với chồng tao rồi. Anh ấy sẽ mượn thêm thửa ruộng nhà chú Đại để trồng hoa hướng dương, mày làm với tao nhé!
- Thì tao làm chung với mày, nhưng rủ thêm mấy chị em nữa cùng làm cho vui.
Từ hai người tiên phong ban đầu, rồi nhân lực của nhóm có được 6 thành viên và diện tích vườn hoa cũng tăng thêm. Dù có người đã chuyển đổi đất ruộng nhà mình từ trồng lúa sang trồng hoa, có người phải mượn đất nhưng họ chính là những người dám nghĩ, dám làm trong công cuộc chinh phục cái mới.
Thời gian thấm thoát trôi, vài bông hoa vàng rộm chớm nở, rồi nở rộ trên đồi đất. Những bông hoa hướng dương như đang tươi cười chào đón mọi người. Nhiều người già trẻ nối nhau vào thăm khu vườn. Cả những vị khách từ bên nước bạn Lào cũng nhập cảnh sang Việt Nam để ghé thăm. Họ đều mang theo gia đình, vợ con để cả nhà cùng ngắm hoa, vui chơi với đu tre, cầu bập bênh và thay nhau tạo dáng, chụp ảnh với các bộ trang phục truyền thống.
Tôi đứng nhìn lữ khách đến vui đùa cùng nhau bên những bông hoa hướng dương nở rộ khi bóng chiều đã ngả dần về phía núi. Chị Nhiên thông báo: “Đã đến giờ vườn hoa dừng đón khách trong ngày, kính đề nghị các quý khách sắp xếp để rời khỏi vườn hoa theo đúng nội quy ạ. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại quý khách!”. Khi mọi người ra về, tôi chợt nhìn thấy có hai cháu nhỏ cùng với một người đàn ông chống đôi nạng gỗ đang đi vào vườn hoa, khi đến trước mặt tôi, người đàn ông cất tiếng hỏi: “Chú ơi, chú có thể cho bố con tôi vào xem vườn hoa một lúc được không, các con tôi chưa được thấy hoa hướng dương bao giờ”. Nghe thế, chị Nhiên vội lên tiếng “Bây giờ tối rồi, nhìn hoa không đẹp, sáng ngày mai anh và cháu ra đây, chúng em sẽ ưu tiên cho gia đình anh, hái tặng mỗi người một bông”. Người đàn ông trình bày “Tôi bị thế này nhưng vẫn phải làm hết việc nhà, nay các con xin đi chơi vườn hoa mà không có ai đưa đi. Bố con tôi đến từ lúc sớm nhưng đứng ngoài đường, chân cẳng thế này sợ vào các chị lại mất khách...”. Nghe xong, tất cả chúng tôi đều lặng lẽ nhìn nhau. Lúc này chị Nhiên như chợt nhớ ra điều gì đó liền tiến sát lại người đàn ông:
- Có phải anh là... Vi Văn Loái, ở Đội 1, khu phố Tén Tằn không?
Người đàn ông ngạc nhiên:
- Sao chị lại biết tôi.
- À, anh là người có hoàn cảnh đặc biệt nên rất được các tổ chức trong thị trấn quan tâm, vì thế mà tôi mới biết.
Chị Nhiên mời ba bố con anh Loái vào vườn hoa, khi bước qua cổng vé, anh Loái lấy trong túi ra tờ 500 nghìn đồng đưa cho chị Nhiên: “Cho bố con tôi gửi tiền vé”. Chị Nhiên vỗ nhẹ vào vai anh Loái: “Hoa sắp đi ngủ rồi nên chúng em mở cửa không thu vé”.
Khi anh Loái bước qua barie vườn hoa, chị Nhiên cử người đi theo hỗ trợ và giúp 3 bố con chụp ảnh, rồi nói với chúng tôi: “Anh Loái bị gãy chân trong một lần leo dàn dáo phụ hồ, sau đó vợ anh Loái bỏ đi biệt xứ gần 3 năm nay để lại anh và hai con nhỏ. Nhà khó khăn lắm, cả ba bố con chỉ ở trong một túp lều tranh, cơm bữa đói, bữa no. Vừa rồi địa phương khảo sát để hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết nhưng không có sổ đỏ nên chưa làm được. Số tiền 500 nghìn đồng kia chắc là quà hôm đoàn đến cho”.
Tất cả chúng tôi đều lặng buồn trước câu chuyện của ba bố con anh Loái.
Ngắm hoa chừng 15 phút thì bố con anh Loái chào chúng tôi ra về. Dáng anh liêu xiêu trên đôi nạng gỗ giữa hai bên là hai cháu nhỏ, đứa lớn dìu cha, đứa nhỏ tung tăng với ba bông hoa hướng dương to nhất vườn mà chị Nhiên trao tặng lúc chia tay. Dưới ánh hoàng hôn đã khuất, trên khóe mắt chúng tôi, ai ai cũng ngấn lệ nhưng thấy mát lòng vì vọng lại là tiếng cười của đứa trẻ.
Vâng! Đất và người, cùng với hoa biên giới đâu phải là cổ tích, cũng chẳng phải thần thoại mà là câu chuyện có thật giữa núi rừng biên giới Mường Lát hôm nay.
Mường Lát, tháng 3-2023
Cam Lộ, Quảng Trị, tháng 10-2023
N.T.P