“Em chào Bí thư!”, “Xin phép Bí thư”, “Dạ thưa Bí thư là…”…
- Sao các bạn ấy không chào tên, chào anh, chào chú mà cứ một Bí thư, hai Bí thư vậy Đông?
- Em cũng không biết. Từ khi em lên nhận nhiệm vụ Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đại đội Pháo Hỗn hợp của Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Hòn Mê các bạn ấy đã chào thế rồi.
Nụ cười thật hiền của Trung úy Đỗ Đức Đông, Chính trị viên Đại đội lại càng khiến tôi tò mò về cách gọi rất mực lễ phép của lính đảo Mê đối với cấp trên trong chuyến công tác những ngày đầu thu tháng chín ở đảo Hòn Mê.
Đông trẻ, rất trẻ nếu để so với mấy đồng chí Bí thư chi bộ khu tôi ở, toàn các bác lên chức ông nội, ông ngoại cả. Không chỉ là Bí thư chi bộ các ông còn kiêm nhiều chức lắm những Trưởng ban công tác dân vận, Trưởng ban an ninh thôn, nhiều vị kiêm luôn cả Bí thư Đoàn thanh niên,… Nói như vậy để thấy Đông hãy còn trẻ và ít kiêm nhiệm hơn các bác Trưởng thôn bên ngoài dân sự nhiều, nhưng “quân lệnh như sơn”, “kỷ luật là sức mạnh của quân đội” những nguyên tắc bất di bất dịch ấy lại là điều các đồng chí Bí thư chi bộ ở các thôn, phố trong đất liền ít phải chịu áp lực.
Quê Đông ở Thọ Xuân, đất sinh vua, đất của rất nhiều anh hùng hào kiệt nước Nam ta. Tốt nghiệp Trường Sỹ quan Chính trị thì đi ra công tác tại đảo Hòn Mê luôn, sau hơn một năm làm Chính trị viên phó Đại đội khi đó là Chi ủy viên chi bộ thì Đông được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa điều động, bổ nhiệm lên làm Chính trị viên Đại đội kiêm Bí thư chi bộ Đại đội Pháo Hỗn hợp, Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Hòn Mê, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, Đông vừa làm vừa học, vừa tích lũy. Đông bảo công tác ngoài này cán bộ với chiến sĩ đều nhìn nhau mà rèn giũa, nhìn nhau mà trưởng thành, trưởng thành từ thực tiễn huấn luyện, trưởng thành từ cuộc sống thường nhật; tuổi lính tính ra cũng chẳng dài nên phải tranh thủ mà trưởng thành, tranh thủ mà cứng cáp, có thế mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Tuổi đời ngót ba mươi thì chưa nhiều nhưng tuổi lính ngót chục thì cũng được coi là thâm niên, có điều gần nửa thời gian ấy là trưởng thành trong trường học, trải nghiệm thực tiễn tạm coi là đủ để dìu dắt anh em chiến sĩ từ dân sự khép mình vào khuôn khổ quân sự. Nghĩa là, đảo Mê như một môi trường giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ trẻ, không chỉ bằng sách bút mà bằng cả thực nghiệm, không chỉ kiến thức mà cả sức mạnh ý chí lẫn sức mạnh cơ bắp, đi qua sáu tháng mùa mưa bão bùng chớp bể, trải qua sáu tháng mùa khô nước đếm từng lít, vượt qua được chuỗi dài những cảm xúc đời thường xa nhà, xa quê hương, xa thành phố… cũng đủ lớn được vài phần của một người lính rồi. Đảo Mê thực sự là một chiến trường thực tế chứ không còn là hình ảnh mô phỏng trong sa bàn hay màn hình trình chiếu ở lớp như khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Dân Chính trị” ra làm công tác Đảng trong quân đội là đúng người, đúng việc; Đông hạnh phúc với nhiệm vụ được giao, làm bằng tất cả kiến thức tích lũy được trên ghế nhà trường và ít ỏi kinh nghiệm thực tế từ ba năm công tác trên đảo. Cũng may anh em trên đảo chẳng mấy người, dìu dắt, giúp đỡ nhau mà trưởng thành, cùng cảnh xa nhà đến nơi đảo xa, ngoài điều lệ, điều lệnh anh em sống với nhau còn bằng cái tình, cái nghĩa nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Đông ít nhiều cũng đỡ đi đôi ba phần áp lực. Đông chia sẻ với tôi về công tác huấn luyện, về đời sống gia đình, về tình cảm anh em trên đảo… chân thành, mộc mạc và thẳng thắn. Đó là điều đáng quý, một món quà rất ý nghĩa mà tôi may mắn nhận được ở một người lính đảo. Tôi biết ơn Đông về điều đó, bởi qua những câu chuyện rất thật, rất gần gũi ấy tôi mới cảm nhận và hiểu thêm nhiều điều về người lính, có thể đối với chức trách, nhiệm vụ, đối với kẻ thù là sự bền gan, cương quyết và rất nghiêm nghị kỷ luật. Song, bên cạnh đó vẫn có những cảm xúc rất đời thường, mộc mạc, chân chất. Trong mỗi câu chuyện Đông kể vẫn có hình ảnh những cậu lính mới sau khi kết thúc 3 tháng huấn luyện “tân binh”, mấy ngày đầu nhớ nhà phát khóc, hát bài hát về mẹ, về quê vẫn nghẹn ngào không thành lời, cán bộ quản lý đơn vị cho mượn điện thoại gọi điện về nhà nói được câu trước câu sau đã thút thít… Đó là những cảm xúc rất thật, dù có là lính, là đàn ông, là những pho tượng bằng thép, bằng đồng đã qua tôi luyện thì vẫn đong đầy những cảm xúc rất người, họ không phải là gỗ đá mà trơ ra, thi gan cùng tuế nguyệt. Và cũng chính trong hoàn cảnh ấy anh em chiến sĩ mới thấm thía hết được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ từ phía đồng đội, từ phía chỉ huy đơn vị. Chẳng mấy mà quen đảo, quen gió, quen sóng, quen với nhiệm vụ, những chiến sĩ mới lại thấy yêu, thấy thích với cuộc sống nơi đây, khi đó trong tâm khảm anh em đã coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, cán bộ chiến sĩ là anh em ruột thịt.
Chi bộ Đại đội Pháo Hỗn hợp có mười một đồng chí, Đông thuộc tóp những người nhiều tuổi, tuy kinh nghiệm thực tế chưa nhiều nhưng tư tưởng xây dựng tổ chức và kiến thức chuyên môn thì ai cũng nể. Hơn một năm làm Chính trị viên phó là Chi ủy viên chi bộ, thời gian ít ỏi ấy vừa làm vừa học, cậu tranh thủ gom góp, nhặt nhạnh kinh nghiệm làm việc của người đi trước rồi tích lũy dần dần làm của riêng. Tình hình chi bộ thế nào? Chất lượng, tư tưởng đảng viên ra sao? Nhiệm vụ trong công tác Đảng, công tác chính trị cũng như nhiệm vụ chuyên môn Đông nắm được cả nên khi được cất nhắc lên làm Chính trị viên Đại đội kiêm Bí thư chi bộ, cơ bản Đông biết mình phải làm gì và làm như thế nào để vừa giữ vững tư tưởng anh em trong đơn vị, vừa thể hiện tinh thần Đảng cả trong sinh hoạt chi bộ, cả trong tập luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Công tác ở đảo đến nay cũng đã ba năm, Đông đã thấm thía được cảnh thiếu nước mùa khô, giông lốc mùa mưa ở đảo khắc nghiệt thế nào. Mùa nào cũng ầm ào sóng vỗ, chỉ là sóng trong tâm thì mỗi ngày một lặng hơn cũng bởi bản lĩnh chính trị của người lính, của một đảng viên, của một Bí thư chi bộ đã thực sự trưởng thành; với Đông đảo giờ đây đã là nhà, biển cả đã thành quê hương không còn cảm giác xa lạ, buồn bã như ngày đầu trong tâm tưởng người cán bộ trẻ. Chính vì thế mà Đông hiểu, hiểu lắm tâm lý của mấy chục trai trẻ vừa rời ghế phổ thông, lần đầu xa gia đình, xa đất liền náo nhiệt đến với đảo Mê tứ bề sóng gió, ngày đêm xạc xào gió rừng. Từ hiểu người, hiểu chuyện mà thực hiện tâm lý chiến cho cán bộ, chiến sỹ trong Đại đội của đồng chí Chính trị viên Đại đội kiêm Bí thư chi bộ rất bài bản và hiệu quả.
- Ba tháng tân binh trong đất liền anh em toát mồ hôi hột để nắm bắt được những nội dung cơ bản nhịp sống người lính. Chưa hoàn hồn lại xa đất liền đến đảo, thế nên tâm lý nhiều cậu cũng rung rinh lắm. Các cụ bảo rồi “tư tưởng không thông đeo bình tông không nổi” nên trước nhất phải làm cho tư tưởng anh em ổn định, vững vàng đã rồi kỹ, chiến thuật, kỷ luật thép, kỷ luật đồng gì tính sau anh ạ.
Đông cứ thủ thỉ, chậm rãi nói chuyện vô tư và hồn nhiên kèm theo nụ cười hiền khô trên khuôn mặt dạn dày nắng gió của đảo tiền tiêu làm tôi ấn tượng lăm lắm. Tháng 7 năm 2022 được cất nhắc lên làm Chính trị viên Đại đội kiêm Bí thư chi bộ, nghĩa là tính tới nay đồng chí Chính trị viên trẻ nhất đảo cũng mới nhậm chức Bí thư được mười bốn tháng chứ mấy, ấy thế mà cũng đã kịp theo dõi, giúp đỡ và tổ chức kết nạp được cho năm đồng chí đảng viên mới rồi. Rõ ràng, đằng sau cái nụ cười hiền khô kia là tư duy và thái độ làm việc rất mãnh liệt, rất nghiêm túc chứ chẳng phải chơi.
- Ngoài này mình thấy anh em suốt ngày lăn lê bò xoài ngoài bãi tập, hết ngày lại tăng gia vườn tược, lợn gà. Chắc chi bộ sinh hoạt về đêm?
- Cũng vất anh ạ. Lính chúng em có câu “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” nên tập luyện luôn được các cấp chỉ huy đơn vị quán triệt rất nghiêm. Vì là Đại đội Pháo Hỗn hợp nên đủ loại súng ống, đủ loại đạn, loại nòng, mỗi ngày xoay xở với súng ống, đạn dược thôi đã bở hơi tai rồi. Dần già rồi cũng quen, sức chịu đựng và quy cách làm việc cũng dần đi vào quy củ, anh em sẽ có phần đỡ mệt hơn. Không tăng gia là căng lắm, phải “ăn no” mới “đánh thắng” được chứ anh. Ban ngày gần như lịch tập luyện và tăng gia kín mít nên em chuyển sinh hoạt chi bộ hẳn sang buổi tối, em quán triệt quy định của cấp trên là thứ năm tuần đầu tiên của tháng làm lịch sinh hoạt cố định. Cơ bản nội dung họp thì cũng chỉ xoay quanh lãnh đạo công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng chính quy, quản lý vấn đề tư tưởng chính trị, tinh thần và kỷ luật, công tác tăng gia, sản xuất, bảo quản, quản lý, sử dụng vũ khí trang bị, lãnh đạo công tác Đoàn thanh niên,... của cả Đại đội. Nội dung trong khung rồi, chỉ tiêu tháng, chỉ tiêu năm ra rồi thì cứ thế làm thôi, quan trọng là Nghị quyết đưa ra tháng nào thì chi bộ phải giải quyết cho bằng xong trong tháng đó, không nợ nần gì hết, việc hôm nay không để ngày mai. Anh em cùng cảnh lính tráng xa gia đình cả, trên đảo cũng chẳng có mấy người, điểm đi điểm lại cũng có từng ấy gương mặt thôi, thế nên bảo ban, giúp đỡ, động viên nhau trong mọi nhiệm vụ, mọi công việc, mọi hoàn cảnh để làm cho tốt, có phải thời bao cấp nữa đâu mà lôi nhau ra đấu tố anh…
Cứ thật như đếm vậy đấy. Chẳng úp mở, chẳng nề hà gì cả, cứ ruột tượng mà nói, Đông khác hoàn toàn với những nhân vật mà tôi đã từng gặp, từng trò truyện trong những năm làm nghề của mình. Tôi lân la quay qua hỏi thăm gia đình Đông, cậu hí hửng khoe với tôi sắp được làm bố, vợ đang bầu tháng thứ bảy, là con đầu lòng. Sau giây phút hồ hởi giọng Đông có vẻ hơi chùng xuống khi trải lòng chuyện xa nhà. Đi mải miết cả năm, cả tháng mới về được dăm ba ngày, mọi việc ở nhà bố mẹ và vợ tự lo liệu cả, có chăng hằng ngày cũng chỉ được dăm phút gọi điện buổi tối thăm nom, động viên. “Cũng chẳng giúp được gì nhiều anh ạ. Mỗi lần về tình nguyện làm chân xe ôm đưa đón vợ đi làm và vào bếp phụ nấu nướng cơm nước thôi…”, Đông thủ thỉ, tôi đoán lúc nói những điều này cậu ấy đang nhớ nhà nhiều lắm. Cánh báo chí chúng tôi cũng lang thang, nay đây mai đó quanh năm, nhưng dài lắm thì chừng một tuần, mười ngày là nhiều, không như lính, các anh biền biệt quanh năm, suy ra làm vợ bộ đội cũng có nhiều thiệt thòi.
- Hành quân tròn một vòng khép kín quanh đảo thì chưa nhưng từ cầu cảng lên đến trạm hải đăng cũng cỡ nửa đảo rồi đấy anh ạ. Hành quân thì chả quản ngày đêm, nắng mưa gì đâu, cứ đến lịch hay báo động đột xuất là đi thôi. Cũng lỉnh kỉnh đủ thứ, mỗi người cõng cỡ vài chục cân trên lưng rồi súng ống, đạn dược nữa. Leo ba bốn chục cây số đường núi cũng bở hơi tai ra đấy anh ạ. Mới đầu tư tưởng và sức khỏe còn lung lay, nửa năm sau là quen hết, tinh thần vững, sức khỏe, sức bền được nâng lên thì sẽ thấy mọi thứ trở nên bình thường thôi. Ai rồi cũng quen thôi mà anh, mình trải qua rồi thì chia sẻ kinh nghiệm, động viên, khích lệ các bạn lính mới, cùng đồng hành với anh em như thế mới nhanh tiến bộ, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được chứ. Công tác huấn luyện nghiệp vụ hay công tác Đảng, công tác chính trị thì đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ vẫn là quan trọng nhất, còn kỷ luật nên xem là chiếc gậy để trên đầu, treo ngang mắt từ đó mà hình thành tư tưởng tự giác, biết việc đúng mà làm, việc sai mà tránh; đồng chí, đồng đội với nhau đâu phải cứ chốc lát lại đem nhau ra kỷ luật, như thế đôi khi cũng không hiệu quả…
Nói đến công việc là giọng Đông lại đầy nội lực, ánh mắt lanh lợi, vui vẻ hẳn ra. Nhưng đúng là nói chuyện với cán bộ chính trị có nhiều điều thú vị, xen lẫn trong cái tình, cái thật của người lính thì cái chất chính trị cũng bộc lộ rõ lắm. Mọi câu chuyện đều rất logic, có đầu có đũa, câu từ chỉn chu đâu ra đó, ngay cả ánh mắt, cử chỉ cũng góp phần làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và truyền cảm hơn. Nghe Đông nói chuyện tôi hiểu vì sao mới ở cái tuổi hai mươi chín mà đã được cất nhắc lên làm Chính trị viên Đại đội kiêm Bí thư chi bộ, năng lực của Đông chắc chắn là không phải bàn thêm.
- Với chỉ tiêu kết nạp ba đến bốn đảng viên mới mỗi năm, nhưng chi bộ luôn vượt, kết nạp năm đến sáu đảng viên mỗi năm. Công tác phát triển Đảng ở đảo có vẻ dễ hơn ở các chi bộ địa phương trong đất liền?
- Dễ mà không dễ anh ạ. Dễ là mình có nguồn lính mới bổ sung hằng năm, từ lực lượng này mình sẽ tạo điều kiện cho anh em phát triển, tạo môi trường để anh em thể hiện được hết khả năng và quyết tâm dấn thân. Nhưng cũng không ít khó khăn. Thanh niên bây giờ phần nhiều chỉ học và chơi. Người học được thì tiếp tục học lên cao hơn, còn những người không đủ năng lực tiến thân trên con đường học hành thì họ cũng có dự định, kế hoạch riêng cả. Với lại, sức khỏe và độ bền, sự kiên trì của anh em lính mới bây giờ cũng cần nhiều thời gian để cải thiện hơn. Anh em vào lính vừa rèn tác phong, nghiệp vụ nhưng đồng thời rèn luyện cả sức khỏe, tính cách, tư tưởng… từ đó mà sau hai tư tháng khi ra quân anh em trở về sẽ trưởng thành hơn, khỏe khoắn và sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội hơn.
Câu chuyện của Đông làm tôi nhớ đến Tùng, Đỗ Xuân Tùng, sinh năm 2000, là chiến sĩ sắp ra quân, theo cách gọi nôm na là “lính cũ”, tôi tình cờ gặp Tùng khi đang cuốc bộ trên đường từ bến thuyền lên khu huấn luyện của Đại đội Pháo Hỗn hợp. Tùng hai ba tuổi, nét mặt khá thư sinh, giọng ấm, nam tính nhưng lại khá bẽn lẽn khi nói chuyện. Quê ở Thiệu Hóa, tốt nghiệp cao đẳng ngành điện công nghiệp tận Sài Gòn, đi làm được vài tháng thì vướng dịch Covid, cu cậu chuồn về quê tránh dịch thế là ở nhà luôn. Bản thân không muốn đi lính nhưng thể theo nguyện vọng của gia đình Tùng khoác ba lô lên đường, sau ba tháng tân binh rồi lại thêm ba tháng học khẩu đội trưởng thì được phân công ra đảo Mê, hơn một năm sau thì được kết nạp vào Đảng. Tùng bảo cậu có cái tính lạ là đã không làm thì thôi, đã làm gì thì phải làm hết sức, làm tốt nhất có thể. Ngay cả chuyện cậu đi lính cũng thế, không xuất phát từ bản thân nhưng đã nhận lời với gia đình thì phải làm thật tốt. Vài tháng nữa ra quân nhưng hỏi dự định là gì cậu vẫn một mực muốn vào Nam theo đuổi công việc trước đó. Tôi hỏi không tiến thân bằng con đường chính trị, cũng không có ý định học thêm để làm lính chuyên nghiệp vậy sao còn đồng ý vào Đảng? “Bí thư bảo em vào thì em vào”. Tôi ngớ người với câu trả lời của Tùng. Không tin tôi hỏi lại “đơn giản thế thôi à?”, Tùng trả lời tôi một từ “vâng” gọn lỏn, không giải thích gì thêm. Tôi tin cái sự thật thà trong những câu trả lời của Tùng nhưng vẫn muốn xem cậu “lính cũ” này có thực sự ngây thơ như vẻ ngoài thư sinh kia không. “Trước khi vào Đảng và sau khi vào Đảng Tùng thấy bản thân mình có khác gì không?”. Và… “Em thấy mình trưởng thành hơn ngay khi đọc lời thề dưới cờ Đảng trong buổi kết nạp. Từ khi đó tới giờ làm gì em cũng nghĩ đến trách nhiệm và luôn phải có trách nhiệm với công việc mình làm. Ngày trước em hay tùy hứng lắm, nhưng từ khi vào Đảng em không làm hay nói kiểu tùy hứng, theo ý thích nữa. Thấy các bác, các chú, các anh trong chi bộ ai cũng gương mẫu như thế, mình không gương mẫu không được anh ạ…”. Cái sự rụt rè, chậm rãi và cẩn trọng trong cách nói chuyện của Tùng đã giúp tôi quên đi đoạn đường mình đang cuốc bộ rất xa, đúng là “muốn đi xa thì nên đi cùng nhau” và hình như cái tư tưởng chính trị của đồng chí Chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ đã có sức lan tỏa khá sâu trong tư tưởng anh em chiến sĩ rồi thì phải!
Lên đến chỗ tập luyện của Đại đội Pháo thì cũng đã gần hết giờ làm việc buổi chiều, Đông đang cùng anh em chiến sĩ dọn dẹp dụng cụ để chuẩn bị chuyển qua nhiệm vụ tăng gia. Nôm na là tưới rau, trồng cà, gõ kẻng cho lợn, cho bò về chuồng để chăm… phân công nhiệm vụ rồi, việc ai người ấy làm, xong sớm nghỉ sớm, cùng đội cùng hội thì xúm vào mỗi người mỗi tay, lính cũ chỉ bảo, giúp đỡ lính mới… Đông cứ thủng thẳng nói như cách trời chiều xuống chầm chậm nơi Đảo Mê. Tôi ngỏ ý muốn nghe tiếp câu chuyện khó, dễ trong việc phát triển đảng viên mới của chi bộ mà hồi sáng Đông còn nói dở. Đông không ngại bộc bạch, giờ nhà ít thì một nhiều thì hai chứ chẳng có mấy nhà đẻ nhiều như xưa. Vậy nên, đa phần đều không hướng cho con cháu đi bộ đội chuyên nghiệp. Chẳng qua các cậu ở nhà ham chơi hơn ham học, đua đòi bạn bè, sống vô kỷ luật nên các gia đình mới đưa con vào lính hai năm để rèn giũa, để khỏe khoắn và trưởng thành hơn thôi. Bộ đội cứ đi biền biệt cả năm, chẳng mấy khi được ở nhà như thế, làm bố, làm mẹ, làm vợ bộ đội mấy người thích đâu anh. Cho nên anh em trước khi lên đảo thực hiện nghĩa vụ thì gia đình ở quê đã lên kế hoạch cả, hết hai năm lính nghĩa vụ xuất ngũ về, nhà thì cho con đi học nghề, cho con đi xuất khẩu lao động, cho con đi làm công ty gần nhà… Thế nên mới có chuyện chi bộ nhắm cậu này, cậu kia, đưa vào tầm ngắm để dìu dắt phát triển, nhưng đến khi lên danh sách cho đi học lớp nhận thức về Đảng thì bản thân cậu ấy và cả gia đình đều không đồng ý vì đã có kế hoạch, dự định trước rồi. Cái khó nữa là trình độ học vấn của các bạn ấy không đồng đều, có người chỉ học hết lớp 9, người học hết lớp 12, có cả những cậu học dang dở, đặc biệt là các bạn thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều bạn mới chỉ tốt nghiệp hết cấp hai. Một số anh em tư tưởng chấp hành điều lệ cũng như tập luyện nghiệp vụ rất tốt nhưng khi soi vào lý lịch, chiếu theo điều lệ, quy định của Đảng thì lại không đủ nên cũng đành thôi. Có một số anh em đơn vị tạo điều kiện cho đi học lớp cảm tình Đảng rồi nhưng chưa đủ thời gian theo dõi, thử thách để xét kết nạp chính thức, chuyển về địa phương để phấn đấu thêm, song một vài người trong số đó cũng không theo được đến cùng…
- Khó khăn nhiều thế mà năm nào cũng vượt chỉ tiêu cấp trên đề ra?
- Đó là kết quả từ tinh thần đoàn kết, yêu thương, tương hỗ của cả đơn vị anh ạ. Thế nên buổi sinh hoạt chi bộ nào cũng rôm rả, các đồng chí trong chi bộ hăng hái phát biểu, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng chiến sĩ để từ đó phân công nhiệm vụ động viên, khích lệ, kèm cặp, giúp đỡ chiến sĩ… Qua đó cả cán bộ, cả chiến sĩ cùng nhau cố gắng, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ…
Nói chuyện với Đông rất cuốn, hai anh em về đến ngã ba thì Đông xin phép vào khu hành chính báo cáo nhiệm vụ cuối ngày với cấp trên, còn tôi tiếp tục cuốc bộ thêm một đoạn nữa mới về đến khu nhà khách. Con đường thoai thoải dốc theo triền núi. Chỉ hai bên vệ đường là cây mắt ngọc được trồng trang trí thẳng như kẻ chỉ, còn lại đều là cây của rừng nguyên sinh. Cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ luôn cố gắng đến mức tối đa giữ nguyên trạng hệ sinh thái rừng cũng như địa vật chất của đảo để không làm mất đi tính tự nhiên vốn có. Điều này có trong ví dụ Đông kể tôi nghe về việc giáo dục tư tưởng cho anh em chiến sĩ, mỗi cuộc hành quân sẽ luôn có mươi phút ngồi nghỉ vệ đường bên rừng, chỉ mươi phút thôi anh em thấy người nhẹ nhõm, bớt đi bảy tám phần mệt nhọc, đó là nhờ rừng, vậy nên hãy bảo vệ rừng để rừng bảo vệ ta. Đúng chất cán bộ chính trị, chuyện nhỏ, chuyện lớn gì cũng đều có thể khái quát lên thành bài học kinh nghiệm để tuyên huấn được. Chiều đảo Mê bảng lảng sương, bảng lảng mây, những làn gió nhè nhẹ khiến chiều muộn ở đây có cảm giác như cái se se lạnh của mùa thu trong đất liền.
Đến, tìm hiểu và cảm nhận về đảo Mê, tôi ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ nơi này, những cánh rừng nguyên sinh xanh mát mang đến cho đảo bầu không khí trong lành. Đảo Hòn Mê không chỉ được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hơn bốn trăm loài thực vật và nhiều loại động vật cư trú. Đáng chú ý, trên đảo vẫn còn nhiều loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi như sến, kim giao, lim, đót và hàng trăm loài cây thuốc nam có giá trị. Và có một điều bất ngờ là trong hàng trăm loài cây ấy, thì cây lá đắng và cây sang sang chiếm tỉ lệ rất lớn tới gần bảy mươi phần trăm lượng phân bổ trên đảo. Vậy nên trên bất cứ con đường nào quanh đảo cũng đều bắt gặp hai đại diện tiêu biểu này. Cây sang sang là một loại cây thân gỗ thuộc họ Lộc Vừng, cây trưởng thành có thể cao hàng chục mét. Cây sang sang có dáng mọc thẳng đứng, dọc thân có nhiều cành, nhánh. Loại cây này đặc biệt bởi sự xanh tươi quanh năm và không bị rụng lá cho dù sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cây sang sang còn điểm đặc biệt nữa là hoa của nó cũng chính là quả. Hoa sang sang hay quả sang sang khi chín thì chuyển từ xanh sang đỏ rực, khi nở hoa bung cánh như những ngôi sao. Từ quãng tháng năm đến tháng tám, hoa sang sang nở rộ, sắc đỏ của hoa, của quả sang sang điểm tô cho đảo thêm phần rực rỡ, tinh khôi. Chính đặc tính của cây và hoa sang sang đã làm tôi liên tưởng đến hình ảnh những người lính kiên trung nơi đây.
Được đi tham quan một vòng quanh đảo, thấy đảo Mê khá nhiều hình thái thời tiết, đoạn thì oi nồng nóng, đoạn lại mờ sương giăng cảm giác dễ chịu như Đà Lạt vào thu, đoạn cây cối nghiêng ngả vì gió, đoạn lại khô khốc im lặng như tờ… Tranh thủ lúc trời quang, đoàn chúng tôi được đến thăm trạm hải đăng Hòn Mê, trèo lên 49 bậc cầu thang theo chiều xoắn ốc, nơi đỉnh cột, phóng tầm mắt ra chung quanh mới thấy các cụ nhà ta có lý khi đặt tên cho đảo là đảo Mê, đẹp đến ngỡ ngàng, đến mê đắm hồn người, tôi đã chung chiêng trước cảnh tượng thập bát mã sơn thong dong dạo chơi trên nền biển biếc. Trên đường về đoàn nhà báo bị hàng trăm đôi mắt rừng săm soi, những đàn khỉ từ đâu túa ra đu bám trên hàng cây ven đường. Chúng đu cây, truyền cành bám theo xe chở chúng tôi, biết các nhà báo tò mò bác tài cũng giảm chân ga để xe trôi đi từ từ, chúng tôi có dịp được ngắm nghía chúng bằng ánh mắt thích thú, còn chúng nhìn chúng tôi với ánh mắt rò sét, cẩn trọng và có phần hoài nghi. Chúng tôi đang bàn tán về chúng và hình như chúng cũng đang nhận định gì đó về chúng tôi. Cho đến khi bác tài tăng ga để vượt qua con dốc tiếp theo đàn khỉ mới tản vào rừng, vào nơi chúng thuộc về. Nơi có những người lính ngày đêm không quản thiếu thốn, khó khăn, gian khổ thường trực canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên chi bộ như những cây lá đắng, cây sang sang… cứng cỏi, mạnh mẽ, bền bỉ, sức vóc làm nên một đảo Mê xanh tươi, một đảo Mê kiên cường, một đảo Mê hết mực yêu thương.
9-2023
HOÀNG ANH