Đâu đó trong tâm trí tôi lúc này vẫn trở đi trở lại những hình ảnh già Hơ nhấp ngụm rượu nồng rồi thao thao bất tuyệt về cuộc chiến bài trừ hủ tục trong tang ma, đưa người chết vào quan tài, nghĩ lại hãy còn rùng mình, lạnh sống lưng. Già nói, chuyện xóa bỏ cây thuốc phiện cho người Mông ở bản Cá Tớp dai dẳng suốt nhiều năm liền, già đã phải bỏ đi cả tình thân, họ tộc để cùng với bộ đội biên phòng đi đến cùng cuộc chiến. Già cũng tấm tắc khen Chỉ thị 681- CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Đảng ủy bộ đội biên phòng về phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, ba bám, bốn cùng giúp cho cái bụng người Mông được yên, được no, được thoát nghèo. Nhờ cán bộ biên phòng mà con em người Mông trở nên tiến bộ hơn, biết yêu con chữ, yêu thầy cô, không sa đà vào tệ nạn. Già cũng không quên khi nhắc tới người cán bộ biên phòng mẫn cán Trịnh Tứ Thắng, cô giáo Ban Mai ngược biên “cắm bản” gieo con chữ giữa đại ngàn, như những đứa con của bản.
Cán bộ biên phòng - người con của bản!
Tôi trở lại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát khi trời đã sang thu. Vùng đất từng một thời là thủ phủ thuốc phiện ở miền Tây xứ Thanh, giờ đây đã thay màu áo mới. Những thửa ruộng bậc thang đang chuyển dần sang màu vàng ruộm. Những nếp nhà gỗ xám xịt nhuốm màu cổ kính, san sát quần cư bên những con đường bê tông tít tắp, uốn lượn. Xe dừng ở Đồn Biên phòng Pù Nhi, tôi vừa dịp được bám càng các chiến sĩ biên phòng trong chuyến trao con giống hỗ trợ bà con dân bản. Trung tá Lâu Văn Lâu, Chính trị viên phó của đồn nói: “Việc trao con giống đã góp phần tăng cường sự phối hợp giữa đồn với chính quyền địa phương ngày càng gắn kết hơn, trên tinh thần hỗ trợ bà con vươn lên thoát nghèo. Bà con có no ấm thì cái bụng mới yên, biên cương mới được vững bền”.
Đi vào nội dung chương trình hỗ trợ lần này, Trung tá Lâu cho hay, sẽ hỗ trợ cho mươi hộ dân bản người Mông bản Na Tao thuộc diện hộ nghèo theo đề nghị hỗ trợ của chính quyền địa phương, giúp bà con có con giống để phát triển kinh tế. Thoáng nghĩ, tôi cứ ngỡ, đây sẽ là những hộ dân còn lại trong cái kết quả đầy thành tích của bản, xã vùng biên nơi đây. Nhưng không, đây lại là những hộ khởi đầu cho một phong trào mới, phong trào nhằm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, xóa bỏ căn bệnh sợ thoát nghèo của bà con người Mông. Chuyện không lạ khi tính “trông chờ, ỷ lại” vẫn còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ người dân, là căn nguyên thiêu rụi ý chí thoát nghèo. Theo lãnh đạo xã này, thì đa phần các bản người Mông có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm tới 60-70%, thậm chí cao hơn thế. Địa phương hy vọng sự đỡ đầu, giúp đỡ của bộ đội biên phòng, người trao niềm tin, trao “cần câu” cho bà con sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực, nhất là khi Đảng bộ và nhân dân huyện Mường Lát đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ở thời điểm hiện tại, Mường Lát vẫn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Vẫn “trắng” xã Nông thôn mới sau hơn một thập kỷ, kể từ ngày tỉnh Thanh Hóa phát động, triển khai chương trình. Nguyên nhân theo đồng chí Hà Văn Ca - Bí thư huyện ủy Mường Lát từng nói với tôi một cách thẳng thắn nhất rằng: “Để Mường Lát thoát nghèo vào năm 2030, nhiệm vụ đầu tiên và nan giải nhất chính là xóa bỏ được tư duy trông chờ, ỷ lại của bà con nhân dân”. Xác định được căn cốt của vấn đề, cùng những nguồn trợ lực từ Trung ương đến tỉnh, tôi tin Mường Lát rồi sẽ thoát nghèo như chính mục tiêu đã đề ra của Đảng bộ và nhân dân nơi đây.
Những chiếc xe máy được huy động để vận chuyển lồng gà, lồng vịt, con giống đã sẵn sàng. Đoàn xe gằn máy rời đồn, ngược bản đến với người dân. Vượt qua những con đường khấp khểnh, ngoằn ngoèo phần nào cũng khiến cho anh em chiến sỹ vai sũng ướt mồ hôi. Mọi người vui khi căn nhà của gia đình ông Vi Văn Heo hiện ra trước mặt. Một căn nhà tuềnh toàng, xiêu vẹo đến xác xơ, nằm vắt mình thu lu trên con dốc nhỏ lởm chởm đá cuội. Chúng tôi giật mình khi gia đình ông Heo đã có mặt đông đủ dưới lùm cây vả sum tán. Ngó quanh, mấy hộ người Mông vì tò mò mà ra đứng hóng, xì xồ, bàn tán: “Nhà ông Heo tới đây đầy gà, đầy vịt mà ăn, không còn lo cái bụng bị đói nữa rồi!”. Một gã mình trần đen nhẫy, độc cái quần xà lỏn, đầu tóc bù xù đế thêm: “Bộ đội cũng phải cho cái hạt bắp, hạt thóc để con gà, con vịt nó ăn, nó mới lớn thì mới có cái để thịt chứ!”… Họ cười nắc nẻ trước sự ngơ ngác của tôi. Tôi cố định hình lại vấn đề họ nói, nhưng chưa thể lý giải. Trung tá Lâu vỗ vai bảo: “Họ trêu chọc khách cho vui đấy. Nhưng mà cũng không thể phủ nhận phần nào những gì bà con họ nói. Vẫn còn đó, một bộ phận người dân chưa thể thay đổi được tư duy, nhận thức trong việc làm kinh tế để thoát nghèo. Sợ thoát nghèo, ngại thoát nghèo là “căn bệnh” còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ người dân, chưa thể xóa bỏ một sớm một chiều”.
Riêng hộ ông Heo, cán bộ xã, bản, biên phòng đã quán triệt tư tưởng đâu vào đó rồi. Cho con giống là cho “cần câu” để phát triển kinh tế, nhân đàn để thoát nghèo, chứ không phải để nuôi lớn rồi ăn thịt. Có cán bộ đồng hành thì không có chuyện thèm rượu là lôi ra thịt, tiết canh đâu!”. Lời Trung tá Lâu nói khiến tôi nhớ tới câu chuyện của mùa gặt trước với ông Nguyễn Đức Thượng, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện này. Ông Thượng giãi bày, bản thân ông cũng từng phải vò đầu, bứt tai khi giải trình về cái khó với Trung ương, là làm sao để bà con chịu vay vốn ưu đãi của Chính phủ, chịu làm kinh tế, và chịu vươn lên thoát nghèo. “Mình đến hướng dẫn, vận động cho vay, bà con lại nghĩ - Cán bộ về lừa dân thoát nghèo! Thoát nghèo rồi thì Nhà nước không cho gạo nữa, phải đóng góp… tiền đâu mà đóng góp?!”.
Trở lại câu chuyện của gia đình ông Vi Văn Heo, bà con người Mông ai cũng bảo, tội cho ông Heo bà Phọn (vợ ông Heo) dù có tới 4 người con trai, tưởng chừng chúng sẽ là những con trâu rừng giúp ông bà khai hoang, có thêm cái rẫy, cái nương để trồng bắp, trồng sắn thì ông bà lại vương cảnh khốn cùng vì con, vì cái. Một đứa chết vì ma túy. Một đứa chơi bời nghiện ngập. Đau đớn nhất, hổ thẹn nhất, là một đứa phải đi tù vì buôn ma túy. Bất lực, không biết phải dạy bảo con cái sao cho chúng nghe, chúng chịu làm ăn, chúng thành người, ông Heo tìm đến cán bộ biên phòng Pù Nhi cầu cứu. Mong cán bộ biên phòng giúp đứa con út còn lại của ông thành người Mông tiến bộ, không làm người xấu như mấy thằng anh chúng. Bà con nơi đây đến giờ vẫn bảo, cũng may mà có cán bộ biên phòng đùm bọc, hướng dẫn cho cái chữ, cái tính mà thành người Mông có cái bụng tốt, chứ không thì đứa con út của ông bà cũng hỏng, ông Heo bà Phọn khó mà sống nổi với lũ con giời đánh.
Nhận được những lồng gà, lồng vịt, cùng vài bao thức ăn chăn nuôi từ các cán bộ biên phòng Pù Nhi, ông Heo vui cái bụng lắm! Ông bảo sẽ không phụ sự tin tưởng của cán bộ biên phòng, sẽ nuôi cho gà, con vịt đẻ ra những quả trứng, quả trứng nở thành con gà, con vịt… thành đàn, nuôi lớn sẽ bán lấy tiền, cải thiện cuộc sống, và biết đâu sẽ thoát được cái nghèo! Nhìn vào đáy sâu đôi mắt kèm nhèm hiện lên sự khắc khổ của ông Heo bà Phọn, tôi thấy được sự le lói của niềm vui, sự quyết tâm của ông bà trước cán bộ. Tin rằng mục tiêu cao cả ấy của những người chiến sỹ biên phòng Pù Nhi hôm nay sẽ cho những kết quả khả quan, tạo sự lan tỏa, cũng như chính câu chuyện mãi sẽ là những ký ức khó quên với tôi về một mô hình “đỡ đầu cho trẻ mồ côi vùng biên”. Mô hình xuất phát từ tình yêu thương cao cả của người chiến sỹ biên phòng gần dân, được dân quý, dân tin. Anh là Trịnh Tứ Thắng (Đồn Biên phòng Tam Chung).
Xin kể lại đôi chút câu chuyện đầy cảm động về người cán bộ biên phòng mẫn cán, lấy niềm vui, sự hạnh phúc của trẻ nhỏ làm niềm vui, hạnh phúc của bản thân mình ấy. Anh, từ tất cả những gì có thể đã sẵn lòng nhận cưu mang, giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi, yếu thế vùng biên, giúp cho các con có quần áo để mặc, có cái bắp, hạt gạo để ăn, có niềm tin để đến trường học cái chữ. Anh là cha đỡ đầu của hàng chục trẻ mồ côi nghèo khó nơi biên viễn. Trong câu chuyện của người cha mang màu áo lính ấy, tôi từng được anh chia sẻ về hoàn cảnh của hai anh em mồ côi là Lò Tiến Dũng và Lò Việt Anh, bản Lác, xã Tam Chung. Dũng bỏ học (khi đang là học sinh lớp 11) để đi làm thuê lấy tiền phụ giúp ông bà; Việt Anh vào lớp 6 cũng không chịu đến lớp vì không có tiền. Nhờ anh động viên, trao hơi ấm, hỗ trợ kinh phí mà Dũng đã quay về học tiếp, Việt Anh cũng chăm ngoan, nghe lời ông bà chịu đến trường học con chữ. Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng còn giúp ông bà của Dũng, Việt Anh có bò để nuôi, có đàn vịt để nhân giống. Thiếu tá đến nhà, kêu gọi anh em biên phòng đào ao, dẫn nước về giúp ông bà nuôi thả cá. Hay còn đó, câu chuyện của 4 anh em nhà Hơ Ta Nính côi cút không cha, không mẹ, phải vật lộn mưu sinh giữa lưng chừng đồi núi hoang vu. Giữa lúc đói khổ, thiếu tình yêu thương thì anh đã đến chở che, đùm bọc cho các em, cho những đứa trẻ côi cút ấy có niềm tin để học cái chữ, để thành người… Những gì người chiến sỹ biên phòng Trịnh Tứ Thắng đã làm giống như câu chuyện cổ tích giữa đời thường vậy! Anh đã mãi đi xa vì một cơn bạo bệnh, nhưng sự khởi xướng về phong trào “đỡ đầu trẻ mồ côi vùng biên” của anh, đã, đang được những người chiến sỹ biên phòng, chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát tiếp nối, lan tỏa…
Chỉ thị 681… về ở cùng dân!
Hướng ánh mắt xa xăm về những trảng đồi xanh mướt vùng giáp biên, Thiếu tá Lâu khái quát sơ bộ cho tôi hay về nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Pù Nhi. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tuyến biên giới dài 21,839 km, với 8 mốc quốc giới. Địa bàn đơn vị quản lý gồm ba xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Mường Lý, với sáu dân tộc anh em sinh sống là: Kinh, Thái, Dao, Mông, Mường, Khơ Mú. Về yếu tố xã hội, thì đời sống kinh tế của nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 80,5%… Với mục tiêu đảm bảo công tác an ninh vùng biên, bản thân mỗi người chiến sỹ biên phòng để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đầu tiên phải là người gần dân, được dân quý, dân tin như chính tinh thần thực hiện Chỉ thị 681 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng. Thực hiện Chỉ thị 681, Đồn Pù Nhi đã phân công 22 đồng chí đảng viên tùy theo vị trí công tác, chức năng, nhiệm vụ phụ trách 132 hộ gia đình. Qua việc thực hiện Chỉ thị, mỗi cán bộ chiến sỹ biên phòng sẽ tăng cường hơn công tác nắm bắt địa bàn, hộ gia đình phụ trách. Từ đó, hiểu hơn hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của hộ dân, có cách thức hỗ trợ hộ gia đình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Tuyên truyền, vận động các gia đình cung cấp thông tin, tố giác tội phạm. Kịp thời nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, phức tạp trong nhân dân... để kịp thời xử lý.
Thiếu tá Lâu nói cái thuận khi thực hiện Chỉ thị 681. Đó là, dù triển khai công việc gì, cán bộ biên phòng cũng luôn được dân tin, dân quý. Lòng tin, niềm tin ấy của bà con nhân dân là rất quan trọng. Hơn ai hết, bà con hiểu tất cả những việc làm, hành động của bộ đội biên phòng đều hướng đến sự bình yên của Tổ quốc, sự ấm no của bà con nhân dân. Tinh thần ấy đã xuyên suốt biết bao thế hệ con em người Mông, người Mường, người Dao, người Thái,… cho tới ngày nay. Đúng như câu nói của già Hơ Chứ Hơ, bản Cá Tớp về cuộc vận động bài trừ, xóa bỏ cây thuốc phiện ở quãng 30 năm về trước. Một cuộc chiến dai dẳng mà nếu không có vai trò cán bộ biên phòng, khó có thể thành công.
Màn đêm ở Cá Tớp bình yên quá! Vài cơn gió rít mang cái se lạnh đầu thu. Đôi ba tiếng ếch nhái đồng râm ran càng khiến cho không gian trở nên rộng lớn, thâm sâu. Trong cái không gian rộng lớn ấy, già Hơ dưới bóng đèn điện sáng quắc, vẫn say sưa với câu chuyện một thời căng mình thực hiện Chỉ thị 06 về phá bỏ cây thuốc phiện; cùng bộ đội biên phòng đi tuyên truyền pháp luật vùng biên; xóa bỏ hủ tục ma chay, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Và rồi, già Hơ ngậm ngùi, lặng im khi nhắc đến người cán bộ biên phòng Trịnh Tứ Thắng, người con của bản Mông, người cho những đứa trẻ mái ấm tình thương, sự đùm bọc ấm áp, cho tới khi tôi mở lời hỏi về cô giáo Ban Mai. Một sự tò mò, một cái cớ xóa đi bầu không khí trầm buồn. Già Hơ được kéo về thực tại. Già lại cười, nụ cười giòn tan khi nhắc về cô giáo. Già bảo, cô Ban Mai “cắm bản” năm nào mà tôi biết, nay đã lấy chồng người Mông ở Cá Nọi rồi! Cô giáo miền xuôi nay đã là người con của bản. Lời già Hơ nói mặc dù tôi đã biết nhưng vẫn lần nữa hỏi lại. Ban Mai cái tên thật đẹp. Đẹp như chính con người em vậy! Một cô gái miền xuôi mảnh khảnh nhưng lại có ý chí và tình yêu thương to lớn. Lần tình cờ tôi quen là chuyến xe khách em ngược biên lên bản nhận công tác. Em chia sẻ niềm vui khi được lên non công tác, được “cõng chữ” cho những đứa trẻ thiệt thòi, bất chấp những lời dọa dẫm về con ma rừng, ma ngón, về bùa ngải ghê rợn từ tôi.
Cựa mình trở dậy, toàn thân vẫn ê ẩm sau cuộc rượu đêm trước. Căn nhà trống huơ, trống hoác thu vào tầm mắt hãy còn kèm nhèm, lờ mờ với vài ba thứ đồ đoàn lặt vặt, dung dị. Bình minh qua bậu cửa trong lành, yên bình quá! Một vài thanh âm của con suối ở đâu róc rách. Tiếng khèn vọng về từ dãy Pù Ngùa. Tiếng lốc chốc của đàn bò nhẩn nha lên núi. Tiếng í ới của mấy gã trai bản si tình… thật đồng điệu, non cao.
- Người Kinh dậy rồi à! Rượu ngô người Mông có hợp cái bụng, có làm đau cái đầu của người Kinh?
Hơi chút giật mình, tôi lồm cồm nhổm dậy sau câu hỏi đầy ẩn ý, bông đùa của Đại úy Hơ Văn Xá, đương nhiệm Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Pù Nhi.
- Lần nào cũng vậy thôi à, biết là cái bụng người Mông ta vẫn yêu mến khách mà Đại úy Xá!
Đại úy Xá, người Mông tiến bộ, là người con của bản Cá Nọi, xã Pù Nhi. Anh có nước da ngăm đen, dáng người quắc thước nhưng rắn rỏi, nghị lực, chất giọng có thể hô vang xuyên qua vạt rừng già. Trên con đường anh chở tôi đi, Cá Nọi mùa này hiện ra thật nhiều thay đổi. Cái nhà văn hóa của bản bận trước phên tre, mái lá mà nay đã tường vôi khang trang, to đẹp. Con đường vào bản cũng bê tông hóa rồi, không còn ngoằn ngoèo, nhầy nhụa sau trận mưa rừng năm nao. Ở trảng đồi đằng kia, trước độc canh cây thuốc phiện anh nói phỏng, nay là những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng. Đẹp quá! Có kém gì đâu so với Pù Luông, Mù Cang Chải?!…
Đại úy Xá dừng xe cho tôi thỏa cái xa xăm, mường tượng ví von giữa quá khứ và hiện thời. Anh bảo, nếu so với trước thì diện mạo bản làng vùng biên đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt là những công trình điện - đường - trường - trạm được Chính phủ, được tỉnh đầu tư đã góp phần giúp cho giao thông, giao thương, học hành của con em được thuận lợi. Chẳng đâu xa, những cây mận, cây đào một thời chặt bỏ, thì nay bà con trồng lại. Mùa thu hoạch, mận, đào hái đến đâu, thương lái mua đến đó. Đắt hàng, giá mận, đào cũng cao, mỗi kilogam từ 15 đến 30 nghìn đồng. Nhà ít vài chục gốc cũng có đôi ba chục triệu đồng, nhiều thì ngót cả trăm triệu mỗi vụ. Rồi khi mùa xuân đến, mận, đào bung hoa lại trở thành điểm nhấn nhá trong bức tranh du lịch huyện vùng biên.
Con đường từ Cá Nọi dẫn vào Hua Pù vẫn những con dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo nhưng nên thơ và đẹp đến lạ. Dọc hai bên đường, ngoài những nếp nhà gỗ truyền thống nhuốm màu cổ kính là hàng dài lá cờ Tổ quốc rực đỏ. Chốc chốc, một vài vị khách Tây chung đường xì xồ, bàn tán. Họ phượt bằng xe máy. Họ chỉ trỏ, loáy hoáy với những góc hình về thửa ruộng bậc thang lúa chín, về những gốc mận cổ thụ dáng độc lạ. Nằm nép mình dưới lụm cây xoan già là căn nhà nhỏ của hai anh em Chá Văn Tông (sinh năm 1994) và Chá Văn Nhia (sinh năm 1996), bản Hua Pù. Đây là một trong năm hộ đồng bào Mông có hoàn cảnh khó khăn được Đại úy Xá phụ trách theo Chỉ thị 681. Đại úy Xá nói, từ khi còn giữ vai trò Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, hoàn cảnh gia đình của hai anh em nhà Tông và Nhia đã được già làng, trưởng bản nơi đây giao phó cho anh phụ trách, đỡ đầu. Hoàn cảnh hai anh em nhà Tông rất đặc biệt. Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng mới khi các em còn nhỏ, chưa biết leo nương, làm rẫy. Đói ăn thì không lo vì có sự đùm bọc của bản làng, nhưng lo nhất là khi các em lớn lên, thiếu đi tình yêu thương, sự chăm sóc của bố mẹ dễ trở thành người xấu. Để các em thành người Mông tốt, cần có sự đỡ đầu, đùm bọc. Dưới con dốc nhìn hắt lên căn nhà nhỏ của hai anh em nhà Tông, Đại úy Xá với gọi: “A Tông, A Nhia có nhà không?”. Trong căn nhà nhỏ vọng ra tiếng giọng thều thào của cụ bà chừng ngoài tám mươi tuổi: “Ai nghe giống cán bộ Xá?! Vợ con thằng Tông, Nhia lên rẫy cả rồi!”.
Chào cụ, chào con đường bê tông của bản, tôi cùng Đại úy Xá rẽ con đường mòn khấp khểnh ngược rẫy. Vừa đi tôi vừa thắc mắc, sao anh không hỏi nương rẫy ở đâu? Đại úy Xá bảo, là đất rẫy nhà mình cho hai anh em nhà Tông, Nhia, sao không biết! Hóa ra, đó là những vạt ruộng, vạt rẫy mà hai vợ chồng Đại úy Xá đã nai lưng phát hoang, cải tạo có được khi mới lấy nhau. Đám ruộng ở bản Cá Nọi có vị trí giáp ranh với Hua Pù, diện tích 7,4 sào. “Vui vì nhờ những vạt rẫy mà anh em nhà Tông, Nhia không còn lo cái đói mùa giáp hạt. Nếu như trước, 2 đứa còn nhỏ thì mình giúp cách khác, giờ chúng lớn lên, có sức khỏe như con trâu rừng rồi thì phải có cái ruộng, có cái nương mới ổn định cuộc sống, còn lấy vợ sinh con” - Đại úy Xá bộc bạch.
Trên những vạt rẫy, A Tông đương mải miết với đám châu chấu bay loạn xạ. Vợ A Tông thì cặm cụi với những gùi vàng. Thấy cán bộ Xá, A Tông réo lên như đứa trẻ lâu ngày gặp cha. A Tông khoe chiến tích đựng đầy bao vải châu chấu. Chừng 2 kilogam. A Tông bảo món “tôm bay” của người vùng biên đấy! Đại úy Xá gằn giọng:
- Không lo gặt hái giúp vợ, cứ lo kiếm mồi nhậu là sao! Nghiện cái rượu, bỏ bê vợ con, đồng ruộng là không được đâu A Tông nhé!
A Tông nhanh nhảu biện bạch:
- Hai vợ chồng đi từ khi cái mặt trời còn ngủ, con gà còn say giấc. Gặt gần xong rồi, A Tông mới lo bữa ăn mà!
Với hơn 7 sào đất rẫy, Đại úy Xá nhượng cho hai anh em A Tông, A Nhia. Ngày thường, A Tông, A Nhia xuôi bản ra Nam Định làm công ty. Ngày mùa, hai anh em lại xin chủ xưởng cho về lo gặt hái giúp vợ con. A Tông, A Nhia bảo nhờ có Đại úy Xá mà hai anh em có được ngày hôm nay, không theo đám trai bản chơi bời vương vào ma túy, nghiện hút. Các con của A Tông, A Nhia đều được đi học đến nơi đến chốn…
Ngồi phệt xuống đám ruộng thơm mùi lúa chín, tôi mải miết ngắm nhìn những gùi vàng đang được bà con thu hái về bản. Một khung cảnh bình yên, đẹp mà ấm áp bởi sự no đầy lúa thóc của bà con. Mải miết xa xăm mặc cho hoàng hôn buông bóng, những vệt nắng còn sót lại xuyên qua vạt rừng phía giáp biên. Không gian đang dần thu mình, thì tiếng nhạc, tiếng lòng ai đó lại vang lên đầy xao xuyến:
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào xanh hơn
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương
…
Em ơi có nơi nào đẹp hơn
Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sớ ra cây lúa lượn bậc thang mây
Mùi tỏa ngát hương bay…
Đó là lời hát của Thượng úy Nguyễn Văn Phương - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng. “Có lẽ chàng ta nhớ nhà, nhớ người yêu”, Đại úy Xá nói. Thượng úy Phương là người miền xuôi, huyện Hậu Lộc lên đây công tác. Nếu với mình, địa hình, địa bàn, đến ngôn ngữ, phong tục tập quán của bà con Mường Lát thuận lợi bao nhiêu thì với Thượng úy Phương lại là những trở ngại bấy nhiêu. Song, đó là lý thuyết khi Phương mới ngược biên công tác. Giờ, Thượng úy Phương là Chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ tiên tiến. Được trao giấy khen của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”. Vừa đây, anh lại vinh dự được Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2023…
Theo Đại úy Xá, đó là sự nỗ lực từ học ăn, học nói, chia cái vui, gánh cái buồn cùng bà con từ bản thân đồng chí. Đồng chí Phương giờ là con của bản rồi, là người nói cho dân tin, dân làm theo. Chẳng đâu xa, trong năm qua cán bộ Phương đã chủ trì phối hợp với bản, xã tổ chức được 77 buổi tuyên truyền thì có tới hơn bốn nghìn lượt bà con tham gia tìm hiểu về các Quy định, Nghị định của Nhà nước, một con số ấn tượng không phải ai cũng làm được.
Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Nguyễn Văn Phương nói điều ấn tượng nhất sau mỗi buổi tuyên truyền, đó là có những cụ ông, bà không sỏi tiếng phổ thông lại ra víu tay anh bắt nhắc lại, hỏi lại. Ví như, “con cháu của già nó đòi bỏ học, đòi lấy chồng, nó chưa đủ 18 tuổi là không được phải không cán bộ?”. Rồi thì… “Thời già lấy chồng, khi đó mới có 12 tuổi à! nay mà áp dụng luật thì có bị phạt vì vi phạm về tảo hôn không cán bộ? Nhà già nghèo lắm, không có tiền nộp phạt đâu!”…
(…)
Tôi rời Đồn Biên phòng Pù Nhi khi tiếng kẻng hiệu lệnh vang lên, anh em chiến sỹ tập hợp chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Sau lưng tôi là bản làng người Mông, người Thái, người Dao… đang từng ngày thay đổi. Điểm tựa cho sự thay đổi ấy chính là những người chiến sỹ biên phòng nơi đây, đã đang và sẽ từng ngày canh giấc cho dân ngủ, chung tay giúp sức bà con được no ấm, an yên!
Đ.G