Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Mãi hình bóng Bác trong tim (Bút ký dự thi)
Mãi hình bóng Bác trong tim (Bút ký dự thi)

Những ngày hè năm nay, khi tôi đang tìm hiểu thực tế về những điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì gặp một số bạn học cùng thời ở trường cấp ba Hà Trung. Qua trò chuyện, biết rõ mong muốn của tôi các bạn rộn lên: 
- Tưởng gì chứ việc ấy anh cứ đến nhà anh Trương Quang Ân, bạn cùng khóa cấp ba của chúng ta đấy. Hiện nay, tuy anh bị nhiễm chất độc da cam nặng nhưng rất “giàu” trí tuệ, nghị lực, năng lượng và có nhiều nghĩa cử, việc làm cao đẹp vì cộng đồng. Khỏe như chúng ta chắc gì theo kịp. Anh Ân là cựu chiến binh, bị nhiễm chất độc da cam 60%, bệnh binh 64% nhưng bây giờ là chủ của một khu nuôi ong có tới 150 thùng. Tham gia rất nhiều công việc xã hội như: Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội cựu chiến binh, Hội chữ thập đỏ của xã, huyện, các công việc từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học được nhiều cá nhân, tổ chức mến mộ...  
Tốt quá rồi! Tôi xin số điện thoại, điện ngay cho anh, hẹn gặp một ngày gần nhất. 
Làng Trung Chính (xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung) quê anh nằm bên sông Hoạt. Khúc lượn qua đây đang còn giữ được nét hoang nhiên, yên ả miền quê. Qua cầu Đợn là gặp ngay làng. Khỏi phải nói cây trái ở đây xum xuê, ríu rít đến nhường nào. Tôi đi dưới những vòm nhãn, vải, mít, bưởi mà đến nhà anh. Anh đón tôi nơi chiếc bàn nước đặt bên cây nhãn “cụ” trước sân. Thật thú vị khi ngay bên cạnh là các vật nuôi làng quê: gà, ngan, chó, chim đủ loại... Có lẽ nhà anh ngày nào cũng tiếp khách, người làm nên đám vật nuôi quá hiền lành, thân thiện với người... Chúng im phắc hướng mắt nhìn, dỏng tai nghe ngóng có vẻ đang chờ lời nói, hành vi nào đó của chủ. Đúng thế thật, khi anh mời tôi uống trà, cầm gói thuốc lá lên lấy một điếu, nhìn con chó khẽ giọng: “Mic!”. Chú chó xun xoe vẫy đuôi đi hẳn ra xa. 
Rồi anh đưa tôi vào hai gian ngoài trong ngôi nhà đang ở. Ba mặt tường xung quanh treo kín những huân huy chương, bằng khen, giấy khen đủ loại. Có tấm còn mới, có tấm đã mờ ố. Tôi chú ý ở giữa mặt tường chính, nơi dễ nhìn thấy nhất, treo ảnh Bác Hồ và một tấm bằng khen đã quá cũ, không rõ nét trang trí, có nội dung: ... Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên “Sống chiến đấu lao động và học tập theo gương Bác”. Góc dưới tấm bằng không rõ vết con dấu, chữ ký mà chỉ còn các chữ viết mực: “Ngày 19 tháng 3 năm 1973. Thủ trưởng đơn vị, đã ký - Nguyễn Văn Khải”. Biết tôi muốn hỏi về tấm bằng khen này, anh nói ngay: 
- Trong đời quân ngũ tôi là lính “bộ binh thứ thiệt”. Đã trải qua nửa năm trời đi bộ vượt Trường Sơn vào tận Tây Ninh, đã thực chiến sống chết hàng trăm trận đánh, đã có lúc bi quan cùng cực khi biết mình bị nhiễm chất độc da cam, vừa đau đớn mệt mỏi, lại không thể có con. Đã có lúc cả nhà không còn đồng bạc lẻ... Nhưng đây, chính tấm bằng khen từ thời ấy đã vực dậy tôi, cho tôi vượt lên tất cả để sống và có được như hôm nay. Người lính Cụ Hồ, mang theo hình bóng Bác vào từng trận đánh, từng hơi thở, từng giọt nước mắt, trong ác liệt hiểm nguy vẫn giành thắng lợi, làm sao có thể gục ngã.
Tôi nhìn Trương Quang Ân, anh đang lắng trong dòng hồi tưởng tháng năm đã trải. Giọt nước mắt lăn lăn trên hõm má. Anh gầy quắt, mắt thâm quầng lõm sâu, da mai mái xám. Đưa cánh tay áo màu cỏ đã bạc phếch lên lau mặt anh nhỏ nhẹ: 
- Biết trong nhà thế tạm được rồi. Bây giờ ra khu vườn nhãn cạnh đình làng, đó là nơi nuôi ong của tôi, ta vừa xem ong, vừa nói chuyện và hít thở khí trời.
Vườn đình ngay trước nhà anh nhưng thềm đất đồi cao hơn vài mét. Anh tựa chiếc thang tre vào tường bao, lên trước rồi bảo tôi lên theo. Đi dưới bóng cây, qua hơn trăm thùng ong, anh nói cho tôi nghe rất nhiều chuyện ly kỳ, thú vị về ong, nuôi ong, tiêu thụ mật, đem mật ong đi làm từ thiện... Anh nói mà như đang trôi vô định trong giấc mơ kỳ thú, như không còn cảm giác đâu là đời thực. Cho đến khi anh ngoái lại:
- Bây giờ ta đến ngồi bóng cây trước đình nói chuyện cho đám “ong yêu ong quý” của tôi khỏi vo ve “quấy chủ”. 
Tôi chợt như bừng tỉnh: Vâng anh!
Chúng tôi đi vòng quanh ngôi đình. Qua cây đại cổ khụ khị có tuổi đời hơn sáu trăm năm, qua những chiếc cối đá bên ngoài có khắc chữ Hán dùng để giã gạo chày tay thổi cơm thi nơi sân đình mỗi mùa xuân đến. Ngồi cùng anh trên phiến đá cũ dưới tán cây bồ đề, anh xa xăm nhìn khoảng trời thắm xanh trước đình chậm rãi:
- Vừa tốt nghiệp phổ thông, náo nức tuổi thanh niên, tôi xung phong vào bộ đội. Bố tôi thương con nhưng ông rất nghiêm nghị và nói: “Đã xung phong đi thì nhớ cố gắng phấn đấu hoàn thành nghĩa vụ cho tốt con nhé, anh bộ đội cụ Hồ rồi đấy!”. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao câu nhắc nhở của bố cứ ở mãi trong tôi. Hôm đi, trước khi giao quân cho huyện, mười một tân binh của xã tập trung để Đảng ủy dặn dò. Tôi được bác Bí thư Đảng ủy bảo thay mặt anh em phát biểu, hứa trước cờ Tổ quốc, ảnh chân dung Hồ Chủ tịch cùng bà con đưa tiễn. Ngước nhìn ảnh Bác, tôi hứa thật mộc mạc, ngắn gọn. 
Ngừng lại vê vê cuống chiếc lá bồ đề đang cầm trên tay, anh trầm lắng: 
- Chiến tranh! Nếu ai chưa trải qua đời lính thì chỉ cảm nhận, thấm hiểu được phần nào rất nhỏ những gian nan cùng cực, đau đớn, mất mát... Người hy sinh đã đành, người trở về cũng muôn vàn xót xa, gian khó. Trải qua rất nhiều trận trực tiếp cầm súng chiến đấu, tôi bị thương ở Lộc Ninh. Ngày ấy, giữa chiến trường đạn bom ác liệt như thế mà Bộ Tư lệnh miền vẫn phát động được phong trào thanh niên “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác” rộng khắp tới từng đơn vị. Đạt thành tích trong chiến đấu để được tặng Bằng khen, huân huy chương vinh dự và tự hào lắm. Đó là ngọn lửa, là niềm tin, ý chí cho từng trận đánh và những chiến công tiếp theo của tôi. Năm 1975, từ chiến trường B2, tôi được đơn vị cử đi học tại Học viện Chính trị (Tổng cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam) khóa 1975-1979 tại Bắc Ninh. Tranh thủ thời gian nhập học, tôi về thăm nhà. Thật xót xa, về đến làng mới biết tin bố đã mất sau khi tôi nhập ngũ được một năm. Nhớ bố... Lại càng thương mẹ nên tôi cưới người vợ cùng quê để có điều kiện chăm nom mẹ già yếu hay “trái gió trở trời”. Và càng đau đớn hơn khi trong thời gian này, tôi phát hiện ra mình đã bị nhiễm chất độc da cam (Dioxin) không thể có con. Tuyệt vọng quá, biết nói gì nữa đây. Chẳng còn cách nào khác, tôi lẳng lặng một mình chịu đựng, hy vọng và chờ có dịp sẽ nói cho mọi người trong gia đình biết.
Tốt nghiệp Học viện Chính trị, tôi lại tiếp tục cuộc đời quân ngũ. Nhưng rồi mỗi lần về thăm nhà, nhìn vẻ cằn cỗi, già nua trên mái tóc mẹ, nét mệt mỏi chịu đựng, mong ngóng trên gương mặt vợ, thấy như mình có lỗi với người thân. Day dứt, ăn năn, khắc khoải... Tôi quyết định nói rõ sự thật cho mẹ và vợ biết. Giờ đây chính tôi là người phải có niềm tin, nghị lực sống, làm chỗ dựa cho mẹ, cho vợ. Mất ngủ nhiều đêm, bệnh viêm gan do sốt rét quá nhiều ở chiến trường lại tái phát, nhưng tôi vẫn cố động viên mẹ và vợ: “Mẹ ạ, em à! Không thể có con, kể cũng buồn, nhưng có bi lụy chán chường đến mức ta buông lơi tất cả? Ta sẽ xin con nuôi em ạ, mẹ thấy như thế cũng ổn chứ?”. Mẹ tôi vì thương con trai, con dâu cũng cố vui vẻ để tôi yên tâm trở lại đơn vị.
Chiến tranh biên giới phía Bắc chấm dứt, áp lực trên vai người lính nhẹ đi phần nào, tôi quyết định xin xuất ngũ. Biết tôi là nạn nhân chất độc da cam không thể có con, bệnh binh nặng, lại mẹ già, vợ làm nông, thủ trưởng đơn vị đồng ý. 
Tôi rời đơn vị trở về làng với mẹ, với vợ trong tâm trạng thật khó nói. Mọi người trong nhà vì yêu thương mà cố vui gượng để chiều lòng nhau. Cái “án” không thể có con như bóng đen vô hình cứ lẩn quất vật vờ. Nhưng rồi mọi người vẫn phải sống. Nếu tôi bi lụy thì mẹ tôi, vợ tôi sẽ thế nào đây? Tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, trợ cấp bệnh binh chỉ đủ cho sinh hoạt tằn tiện. Phải vượt lên tất cả. Phẩm chất, trí tuệ, ý chí anh bộ đội Cụ Hồ, tôi đã rèn luyện trong mười hai năm quân ngũ, bây giờ không lẽ chỉ vì thiệt thòi, mất mát do chiến tranh mà chùn bước hay sao? Bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường họ đâu còn được gặp cha mẹ, người thân, đâu còn được yêu thương, đâu còn được làm chồng. Có người sống đấy nhưng nào còn biết được gì, đâu còn vẹn nguyên cơ thể. Sáu tháng trời vượt Trường Sơn, rừng cây trụi trơ khô cháy, không dám nhìn trời vì sợ mất thăng bằng, hoa mắt, loạng choạng ngã nhào, ngày nào cũng phải đào một chiếc hầm, cơm vắt nước mưa nhão nhoét, uống nước hố bom đầy những phân voi, đi không dám ngủ vì sợ sốt rét, mắt mờ, đạn pháo cả tuần... Thế mà còn vượt qua, còn đánh thắng giặc. Chính trong miên man nghĩ ngợi này lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, phải “trở nên người công dân kiểu mẫu ở địa phương cũng như các đồng chí làm chiến sỹ kiểu mẫu ở mặt trận”  như luồng đèn pha rọi thẳng băng trước mắt tôi. 
Trong nguồn sáng ấy, tôi đi bộ dọc bờ sông Hoạt, dòng sông tuổi thơ vẫn độ lượng, hiền hòa, xanh mát. Nghe động bước chân người, đám châu chấu rào rào bay tản xuống những đám hoa súng dịu dàng im ro mặt nước. Bất ngờ từ đâu đó, cá chuối đen sì tung mình lên đớp nhanh từng con châu chấu. Trời ơi, sông vẫn nhiều cá quá! Qua đêm thức trắng, tôi quyết định mua một rùng lưới đánh cá. Biết rõ một rùng lưới lúc này có giá như một con bò mẹ nhưng tôi vẫn không nản, quyết vay tiền mua. Và cứ thế, một mình một lưới, tôm cá tươm tất nuôi cả gia đình. Chưa đến nửa năm sau tôi trả nợ xong tiền vay mua lưới lại còn tích cóp được một khoản kha khá. Bà con hai bên bờ sông thấy tôi lưới cá kiếm được tiền, cũng bảo nhau làm theo. Tôi lại quyết định làm thêm việc khác nữa: Đầu tư máy nghiền bột, máy nổ bỏng, nuôi lợn thịt tận dụng bột vét, cá vụn. Cả xã chưa có ai làm việc này, tôi làm vừa phục vụ bà con vừa kiếm thêm thu nhập. Điều khác biệt là lợn giống tôi mua nuôi đều từ 30kg trở lên, thứ nữa tôi bán lợn hơi, chịu phần nộp thuế để bà con mổ lợn lấy thịt đến vụ thu hoạch tôi lấy thóc. Những năm tháng ấy lúa gạo “có giá” lắm. Tôi theo “mô hình làm ăn mini” này để “tăng trưởng”. Kinh tế khấm khá, gia đình tôi nhận 3 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ làm con nuôi. 
Cũng trong thời kỳ ấy, do biết tôi chân thực trong mọi sinh hoạt tổ chức, làng xã, lại đã tốt nghiệp Học viện Chính trị nên Đảng ủy xã và Công an huyện Hà Trung vận động tôi làm báo cáo viên cho Đảng ủy và đảm trách nhiệm vụ Trưởng công an xã Hà Thanh (Hoạt Giang). Sẽ rất vất vả nhưng nhớ lại lời dặn dò của Bác với thương bệnh binh: “... Cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã”. Thế là tôi đồng ý đảm nhiệm các công việc này. Một đôi lần khi lên báo cáo trước hội nghị, tôi đều mở đầu: “Tất cả chúng ta ngồi đây, mỗi người đều riêng một con tim, nhưng lại có một điểm chung rất thiêng liêng, cao quý đó là trong trái tim mỗi chúng ta ai cũng mang hình bóng Bác Hồ kính yêu...”. Tôi nói điều đó từ chính trái tim tôi, chính những gì tôi đã trải trong mười ba năm đời lính chiến. Do sức khỏe kém, đảm trách nhiệm vụ công an xã lại quá vất vả nên năm 1996 tôi chuyển sang làm công tác chi trả: Chính sách chế độ hưu trí, thương bệnh binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam... Hai mươi năm làm công việc chi trả chế độ chính sách, không một điều tiếng, không sơ sẩy, mất thiếu của ai, của đối tượng nào từng đồng trợ cấp. Đến năm 2013 được mọi người tin tưởng, nói được, làm được tôi lại gánh vác trách nhiệm làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của xã. Làm công tác xã hội này, được tiếp xúc với những người có cùng cảnh ngộ như mình, thương nhau để làm, ân nghĩa để làm. Niềm vui, hạnh phúc từ cộng đồng cứ từng ngày lan ngấm, truyền thêm sức sống cho tôi...
Vòm trời trước đình làng Trung Chính như càng thêm cao xanh vời vợi. Những cành lá bồ đề cũng mươn mướt xanh theo. Bao lời tâm sự gan ruột của anh Ân trong không gian vắng lặng này như đang được đất đai, cây trái của làng cảm thấu. Đưa mắt nhìn tôi, anh nói tiếp:
- Cái mong muốn mọi người cùng có “bát ăn, bát để” cứ trăn trở trong tôi. Những lần đi dự hội nghị Ban Chấp hành Hội nạn nhân chất độc da cam huyện, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, rất nhiều người nói chuyện về nuôi ong lấy mật. Hội nạn nhân chất độc da cam huyện còn tạo vốn, nếu ai có khả năng và muốn được nuôi, Hội sẽ hỗ trợ mỗi người 3 thùng về nuôi để nhân đàn. Tuyệt quá! Có được mấy thùng ong nuôi thử, tôi mừng lắm. Những ngày đầu vừa nuôi vừa tìm hiểu những người nuôi ong trong vùng để học hỏi. Bao nhiêu bài học từ sách vở, từ kinh nghiệm thực tế của người đi trước mình phải chú ý nhập tâm không được sơ suất bất cứ điều gì. Những thùng ong qua năm tháng cứ phát triển nhiều thêm. Bây giờ tôi duy trì đều đặn mỗi năm có từ 120 đến 150 thùng, thường xuyên thuê lao động để chăm nuôi. Lượng mật thu được từ 300 đến 500 lít mỗi năm. Thu nhập của gia đình theo mùa hoa tăng lên kha khá. Trừ hết chi phí, mỗi năm cũng dành ra được khoảng trăm triệu đồng. Với người khỏe mạnh, con số này bình thường thôi, nhưng với người nhiễm chất độc da cam, đau yếu quanh năm thì đây là hạnh phúc, thành quả như trong mơ vậy. Tôi cho bà con, bạn bè, người khó khăn các thùng ong để họ nuôi, chỉ bảo chi ly cách chăm ong. Dùng mật, tiền bán mật, bán ong giống để làm từ thiện, hỗ trợ trực tiếp cho những nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ quỹ chữ thập đỏ, quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa mỗi năm vài chục triệu đồng. Bây giờ cao tuổi rồi, lại bệnh tật yếu đau mình làm được chút gì ấm áp thêm, vui thêm cho cộng đồng là mãn nguyện lắm rồi. 
Anh Ân xoay người ho khúng khắng, tôi tranh thủ nói ra những suy nghĩ, cảm nhận của mình khi được nghe anh:
- Tôi đã gặp khá nhiều cựu binh, thương bệnh binh như anh, có khỏe, có yếu nhưng người nghị lực, ý chí vững vàng, bền bỉ, có niềm tin để vượt qua tất cả, tâm huyết với cộng đồng thì có lẽ anh là người đầu trong tốp đầu. Nguồn năng lượng ấy anh có được từ đâu?
- Như tôi đã tâm sự đấy, trong tim mỗi con dân đất Việt đều có hình bóng Bác Hồ, người anh hùng giải phóng dân tộc, vị cha già kính yêu. Chúng ta đang “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Với tôi, học tập Bác trước hết là được cho chính mình, được cho mình là được cho xã hội, cho cộng đồng. Cứ nghĩ đến Bác không lập gia đình, một đời xa cách người thân, vì dân vì nước, chả có chút gì riêng, mới thấy những mất mát, hy sinh, cống hiến của mình cho dân, cho nước thật quá nhỏ bé, từ đó mà nỗ lực, gắng gỏi vượt lên. Tự hào là người lính Cụ Hồ, hình bóng Bác luôn trong tim, đó chính là trụ đỡ, là ngọn lửa, là nguồn năng lượng để tôi chống chọi với hiểm bệnh, vượt qua khó khăn góp sức mình cho cộng đồng ngày càng thương quý nhau hơn, xã hội văn minh tươi đẹp hơn lên...
Bóng mát tán cây bồ đề nơi chúng tôi ngồi đang thu lại dần tròn. Ong mật vo ve chụm cánh nhiều hơn nơi những bông hoa dong riềng đỏ tươi, nắng ứa mật thơm. Tôi đang ngồi bên anh Trương Quang Ân, trong trái tim anh, từ tuổi thiếu niên, từ những tháng năm khốc liệt ở chiến trường đã mang hình bóng Bác... Anh đã lan truyền sức sống cho biết bao nạn nhân chất độc da cam, bao thương bệnh binh như anh và cả những người “lành lặn” như tôi. Từ sâu thẳm tâm can, tôi muốn nói lời cảm phục, biết ơn anh nhưng lại e xã giao hoa lá. Anh vẫn cầm chiếc lá bồ đề trên hai đầu ngón tay, vê vê cuống nhỏ. Cùng ngước mắt nhìn lên tán bồ đề, cơ man xanh đan tầng thấp, vòm cao. Lá nào cũng hình trái tim, sức sống rưng rưng chung mãi một cội nguồn. 
            

V.Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 190
 Hôm nay: 7025
 Tổng số truy cập: 12815440
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa