Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Người tình của bản (Ký dự thi)
Người tình của bản (Ký dự thi)

Ngồi xe hơn hai giờ đồng hồ, xuất phát từ thành phố, ngược theo quốc lộ 47 để lên với các bản làng biên cương. Anh lái xe thật tâm lý, cho xe dừng để mọi người được xả hơi sau một chặng đường xa ngồi lắc lư đầy mệt nhọc. Tôi hỏi Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa: “Từ đây lên Đồn Na Mèo còn bao xa?”. Anh nói: “Còn nửa chặng đường nữa, nhưng thời gian thì lâu hơn vì đường đi lắt léo lắm”. Cái tâm lý lần đầu của người đi xa và đặc biệt là đến với những vùng đất mà mình chưa hề đặt chân đến bao giờ cũng thật là hồi hộp, cũng thắc thỏm, cũng sốt ruột và mong ngóng về một điều gì đó. Cánh người phàm như chúng tôi thì đâu thấy được những non xanh nước biếc, những mây vờn, gió cuộn, những sương chiều tụ đọng chốn thinh không. Trong đoàn chúng tôi có vài nhà thơ, qua mấy khúc gồ ghề sóng lượn thì thơ đã tuôn trào réo rắt hoan ca.
Vậy là cái địa chỉ đầu tiên để dừng chân cũng đã đến. Cất nhấc và thu vén hành lý xong, tôi và vài cậu cùng phòng tản bộ ra bên ngoài để được thưởng ngoạn cái không khí của đại ngàn đang rười rượi buổi chiều thu. Tiếng róc rách của suối, tiếng vài chú chim mới ra ràng còn ngứa giọng, tiếng cọt kẹt của những khóm cây ken dày, tiếng vài chiếc xe số phân khối cao đang gầm gào qua đèo, vượt dốc. Tất cả những âm thanh hỗn tạp ấy cho ta thấy khu đại ngàn không còn là chốn thâm sơn cùng cốc nữa. Giờ mới thấy, một khi đường sá đã thuận tiện rồi thì dù xa xôi đến mấy con người cũng sẽ tìm đến mà lập ấp mở làng.
Mới sáng sớm, tiếng loa báo thức của đơn vị đã vống lên khiến lính cả đồn đều bật dậy. Trong phút chốc hai hàng ngũ đã được tập hợp chỉnh tề. Điểm xong con số, anh em đã sẵn sàng cho những bài tập thể dục buổi sáng và sau đó là những công việc đã được sắp xếp từ hôm trước, ai nhiệm vụ nào cứ thế mà vào việc ngay. Người tưới cây, người quét sân, đổ rác, bếp núc cho bữa sáng… mọi việc diễn ra nhịp nhàng như những cỗ máy. Tôi đang hình dung về một người sắp gặp trong sáng nay. Trong thời khắc yên tĩnh để nhận diện về một người sẽ có nhiều bí ẩn, khuất khúc ấy, đột nhiên tiếng báo thức của đơn vị đã khiến tôi bị lạc sang một hướng khác.
Thế rồi người tôi cần gặp cũng đã hiện diện bằng xương bằng thịt trước mắt tôi đây. Anh là Thiếu tá Vũ Xuân Thu, 55 tuổi. Người tuy nhỏ nhưng có làn da săn chắc. Đôi mắt tinh anh, đi lại hoạt bát và rất cởi mở, thân tình như là đã quen biết, thân tình từ độ nào không hay. Câu chuyện của chúng tôi đã bị cuốn vào mạch tự nhiên và chẳng có gì là sắp xếp theo kiểu khuôn mẫu đã lên sẵn cả. Anh tự giới thiệu: Mình là người gốc Thọ Xuân, sinh ra vào thời chiến, khi lớn lên thì đất nước đã hòa bình. Năm 1990 mình có tham gia vào đội huấn luyện tại Tiểu đoàn D19 ở Ngọc Lặc, sau 4 tháng mình đã lọt vào mắt xanh của thủ trưởng, vậy là mình được đầu quân cho biên phòng từ tháng 7 năm 1990. Từ bấy đến nay mình là quân của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo này. Người chiến sĩ biên phòng đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, vậy mà trông anh hãy còn tráng kiện lắm. Mới đầu tiếp xúc, anh cứ nghĩ tôi là nhà báo nên câu chuyện có vẻ ngần ngại. Vì anh khiêm tốn cho rằng mình chưa phải là tấm gương điển hình để cho các nhà báo phản ánh. Còn nhiều anh em xứng đáng hơn, mong nhà báo tìm hiểu và viết về họ. Tôi đã kịp thời giải thích ngay với anh rằng: “Em chỉ là người yêu thích văn chương, đến gặp anh là để tâm sự, tìm hiểu cuộc sống, đời tư của anh một chút, nếu thấy phù hợp thì em viết một bài phản ánh đôi nét nổi bật về quãng đời làm chiến sĩ biên phòng của anh thôi. Xác định trước nhất là cái duyên, cái cơ may để cho anh em mình được gặp nhau, được trò chuyện, tâm tình thôi anh ạ”. Như được cởi bỏ cái tâm lý nặng nề ban đầu, vậy là anh đã hồ hởi kể tôi nghe về quãng đời hơn 30 năm công tác ấy. Dĩ nhiên có những đoạn, những khoảnh khắc phải tua nhanh, bởi anh không muốn bình luận về đời tư của mình nhiều lắm. Một lời anh nói ra là tổ chức, hai lời anh nói ra là tổ chức; chứ tuyệt nhiên không có từ tôi nào ở trong này cả. Chả là sau khi đi học nghiệp vụ từ Bắc Giang về anh được phân công vào đội phòng chống tội phạm (chủ yếu là buôn lậu và ma túy). Từ đó anh gắn mình với những miền biên viễn. Ít ở đồn, suốt ngày phải cắm chốt tại các vực thẳm, suối sâu, rừng rậm. Khi này dân ta còn nhiều hộ đói nên bọn tội phạm, trộm cắp vặt hoành hành dữ lắm. Trong rất nhiều chuyên án mà anh đã cùng đồng đội triệt phá thì nổi bật hơn cả là có mấy vụ, anh đã sẵn lòng kể cho tôi nghe. Vào tháng 5 năm 2005, Đồn thành lập Đội Phòng chống tội phạm, sau khi là quân số của đội anh đã bắt tay ngay vào việc đi tuần ráo riết vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cách trở; vừa là để nắm bắt tình hình đời sống của bà con, vừa là để tìm hiểu xem họ mưu sinh chủ yếu bằng nghề gì. Ban đầu cũng chỉ thấy họ chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rau, cấy lúa để mưu sinh. Tìm hiểu kỹ hơn thì thấy có nhiều dấu hiệu khả nghi lắm. Nếu chỉ có trâu, bò, lợn, gà với vài ba tạ thóc thì làm sao lại có những cuộc trao đổi thậm thụt, lén lút giữa người trong bản với người ở xa đến đây như thế? Với sự khả nghi như vậy, đội đã âm thầm theo dõi và phát hiện ra việc là họ đã lén lút trồng những cây thuốc phiện vào những thửa ruộng kín đáo, do nhóm người xấu ở dưới xuôi đã đến để tiếp tay cho họ. Trong vòng một tháng, đội đã thâm nhập và yêu cầu triệt phá được hơn một héc ta cây thuốc phiện thuộc ba bản: Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy), Ché Lầu (xã Na Mèo). Ngoài ra, nhiều vụ tuần tra vào những khu rừng rậm đã bắt được những đối tượng vận chuyển ma túy, hàng trái phép, hung khí, vật liệu tự chế thì nhiều vô kể. Chờ anh dừng để uống nước, hút thuốc, tôi đã kịp thời hỏi chen vào:
- Thế qua những vụ việc như vậy, các anh có mủi lòng trước những trường hợp nào mà tha cho họ hay không? 
Anh vội vàng trả lời ngay: 
- Không đời nào chú à. Vì đại cục, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân, chúng tôi chẳng bao giờ đi làm như vậy cả.
Nghĩ lại tôi thấy mình hỏi câu này hơi dại, đã khiến anh khó chịu và tỏ rõ sự không hài lòng. Nhưng tôi đã nghĩ sai. Anh hồ hởi ngay: “Không phải chỉ mình chú nghĩ như vậy đâu. Và cũng không ai thẳng thắn bày tỏ quan điểm như chú đâu. Sợ nhất là chúng ta cứ nghĩ về những điều tiêu cực mà không chịu nói ra để được giải tỏa với nhau thôi”. Anh bộc bạch như vậy nên phần nào tôi đã không còn phải áy náy trong lòng nữa. Từ đó anh đã dẫn chứng luôn về một vụ việc tiêu biểu, đó là vụ án bắt được hai đối tượng là Thao Văn Ri và Thao Văn Xúa ở bản Mùa Xuân của xã Sơn Thủy. Bằng việc tiếp tay của những tên trùm người Lào, hai tên này đã vận chuyển trái phép chất ma túy trong vòng mấy năm qua. Vì bọn chúng là người bản địa nên rất thông hiểu đường đi lối lại và lách khỏi tầm ngắm của đội trinh sát vào những thời điểm, vị trí thường hay đi tuần qua. Các cụ ta đã nói, cái kim lâu ngày trong bọc cũng lòi ra. Làm việc phi pháp thì lại càng khó giấu được mãi. Khi bị lực lượng phát hiện, ban đầu chúng chống trả quyết liệt bằng súng và những vật liệu gây nổ tự chế. Giằng co mãi, cuối cùng mỗi bên phải có một người bị thương thì mới tóm được bọn chúng. Khi đưa bọn chúng đến bệnh xá để điều trị vết thương thì Đồn phải cắt cử lực lượng hàng ngày để canh chừng cẩn mật. Sơ sẩy một tí là chúng thâm nhập vào tẩu tán tội phạm như chơi. Biết là không sử dụng biện pháp này được thì chúng đã dùng tiền để mua chuộc các chiến sĩ. Có thể nói rằng rất nhiều tiền là đằng khác. Nếu vì lòng tham, nếu vì tính vị kỷ cá nhân mà nhắm mắt cho qua để đôi bên cùng có lợi, thì liệu rằng đất nước ta có được bình yên như ngày hôm nay không. Vì chúng ta phải hiểu với nhau một điều rằng: Tội phạm mỗi ngày một nhiều, chúng rất liều lĩnh, bất chấp cả tính mạng để làm những điều hiểm ác. Nếu những người lính chùng lòng, chùn bước, nhắm mắt làm ngơ thì chắc chắn một tấc đất ở vùng biên cương giờ đây cũng khó mà giữ nổi. Thấu hiểu được điều này, giờ đây chúng ta đang được hưởng bình yên, thật cảm phục các anh nhiều lắm.
Gắn bó với Đội trinh sát chưa được lâu, năm 2008 anh được tổ chức điều động, phân công, biệt phái đến xã Sơn Thủy để giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách công tác quốc phòng - an ninh. Khi đến nhận nhiệm vụ, anh đã đề bạt ngay với cấp ủy chính quyền địa phương là cho phép anh được đi thâm nhập thực tế để nắm bắt tình hình của từng bản. Sau khi đi nắm bắt cơ sở khá cụ thể, về cơ quan anh đã kịp thời báo cáo ngay với các đồng chí lãnh đạo về một thực trạng khá nóng hổi, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Đó là việc bản Khà của xã, dân đã tự ý bỏ đi khá nhiều. Nếu cứ để tình trạng diễn ra tiếp thì chỉ ngày một ngày hai nữa thôi bản này sẽ xóa sổ các hộ dân và sớm muộn trở thành bản trắng. Các đồng chí lãnh đạo ở đây cũng đã biết. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở phương pháp tuyên truyền, thuyết phục mà chưa có các giải pháp cao hơn để níu giữ họ ở lại. Và nghe đâu người Mông ở Lào Cai họ đã đến khảo sát ở bản này và có mong muốn đến để ở (dĩ nhiên ở đâu cũng là con dân của nước Việt). Tuy nhiên, chỉ sợ nhất một điều, họ đến ở chủ yếu là để khai thác, tận dụng những tài nguyên đang có sẵn, khi cạn kiệt rồi thì họ sẽ bỏ đi nơi khác ngay thôi (người Mông họ vốn thích dịch chuyển là như vậy). Nếu họ cam kết sẽ gắn bó lâu dài, biết làm ăn và biết tái tạo của cải thì các anh cũng sẵn sàng ủng hộ để xây đắp một bản làng mới, góp phần tô thắm thêm các sắc tộc cho quê hương. Nói đến đây thì ta đủ hiểu anh Thu là người am tường và sâu sắc cỡ nào. Đúng là chỉ có thể va đập với cuộc sống thực tế mới tôi luyện nên con người có hiểu biết và bản lĩnh như thế. Chứ nhiều khi sách vở không thì chỉ có tính hàn lâm và khó dẫn dụ lắm.
Từ đó, nhiệm vụ nặng nề đã đặt lên vai anh. Ít ngày sau anh đã lên phương án, báo cáo với cấp ủy Đảng là bằng mọi giá phải vận động bằng được để bà con quay lại bản. Để gỡ nút thắt cho điều này thì việc quan tâm đầu tiên của lãnh đạo là phải mở ra được đường đi lối lại bằng phẳng cho bà con. Khi các con đường đã được phát quang, là phẳng thì một số hộ dân đã tạm yên tâm để quay lại bản. Để có thêm sức mạnh, anh đã cùng lãnh đạo đến bản Lang, bản Lợi của xã Trung Hạ (huyện Quan Sơn) và xã Văn Nho của huyện Bá Thước để động viên thêm một số hộ dân người Thái đến để bổ sung thêm các hộ cho bản Khà. Có như thế mới mong người dân đang ở bản không bỏ đi nơi khác để ở nữa. Khi đã bình ổn và bước đầu có sự chấp thuận của bà con là ở lại bản thì anh thấy việc cần lo trước mắt là lo cái ăn, cái ở cho bà con. Nếu không có hai thứ này thì làm sao có thể giữ nổi chân họ lại được. Vậy là anh đã cùng tập thể lãnh đạo thống nhất làm báo cáo với lãnh đạo huyện Quan Sơn để xin gạo cứu đói và xin gỗ, xin luồng để làm nhà cho bà con. Từ báo cáo hợp lý, hợp tình này mà lãnh đạo huyện đã đồng ý cho chủ trương ngay. Và nhắc nhở với lãnh đạo xã rằng, bằng mọi giá phải khống chế được số hộ, số bà con đã ở lại và huy động bà con ở các bản khác trong toàn xã giúp công, giúp sức, giúp vật liệu để dựng nhà lợp lán thật chắc chắn cho bà con ở. Đầu tư cho họ ít con giống, vật nuôi để cho họ yên tâm bám bản. Vậy là những khó khăn bước đầu đã được tháo gỡ. Vận động ở lại và những hộ từ nơi khác chuyển đến chỉ trong một thời gian ngắn đã có tổng cộng 20 hộ. Từ bấy đến nay các hộ đã không ngừng sinh sôi nảy nở, cỡ chừng đến bây giờ số hộ đã tăng được gấp đôi. Công việc tiếp theo là anh tham mưu cho lãnh đạo xã chỉ đạo ban địa chính đến địa bàn của bản để đo đất ruộng, đất rừng giao khoán cho từng hộ dân. Khi mọi việc đã đi vào nề nếp, điều đầu tiên anh nghĩ đến là phải thành lập được ở bản Khà này một chi bộ. Qua khảo sát, anh thấy bản hiện có ba đảng viên và một đảng viên từ nơi khác mới chuyển đến đây cư trú. Được lãnh đạo xã đồng tình, anh đã làm báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy, chỉ vài tuần sau huyện đã có văn bản trả lời là đồng ý cho xã Sơn Thủy được thành lập thêm một chi bộ tại bản Khà, với con số ban đầu là bốn đảng viên và đặc cách cho những người dân bản Khà nếu có nguyện vọng và quyết tâm phấn đấu cho Đảng, thì chỉ cần có trình độ học hết cấp hai là được giới thiệu để đi học lớp cảm tình và sau một thời gian theo dõi, thử thách thì sẽ được xem xét để cho làm hồ sơ kết nạp Đảng. Vậy là ngày thành lập Chi bộ bản Khà cũng đã đến, tâm trạng mừng vui của anh lúc này không thể diễn tả nổi. Và chính anh đã được Ban Thường vụ của xã phân công đến bản Khà để cùng sinh hoạt với Chi bộ, nói cách khác, anh là con số đảng viên của bản Khà. Vậy là bản Khà hiện tại có năm đảng viên cùng sinh hoạt trong một chi bộ. Ngay trong phiên họp của tháng đầu tiên sau khi được thành lập, anh đã có ý kiến ngay cùng với các đồng chí đảng viên trong chi bộ là ta mạnh dạn ra Nghị quyết để xin với lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện chấp thuận cho ta tham gia vào dự án quản lý, bảo vệ rừng. Giao cho chúng ta quản lý bằng số lượng héc ta cụ thể, từ đó mới tính ra được số kinh phí được chi trả là bao nhiêu. Nghị quyết này được lãnh đạo huyện chấp thuận ngay và ban đầu đã giao cho bản Khà quản lý là 1600 héc ta rừng. Từ đó các hộ cá nhân đã có thêm nguồn thu nhập này.
Sau khi được cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, và tất cả các lực lượng trong xã tạo mọi điều kiện để giúp đỡ bản Khà. Từ con giống đến các nông cụ sản xuất nông nghiệp thì bản Khà giờ đây đã không còn hộ đói. Hiện nay bản Khà có tổng số 126 khẩu, đời sống kinh tế khá ổn định. Điện lưới đã kéo vào đến tận bản, đường sá đi lại đã được mở rộng, ô tô nhỏ chuyên chở vật liệu đã có thể vào - ra được bản, điểm trường đã được mở cho các cháu mần non và các cháu tiểu học. Khi lên cấp hai các cháu có thể tự đi xe để ra học ở trung tâm được rồi nên điểm trường không cần phải thành lập ở đây nữa. Trước kia bản còn tồn tại nhiều hủ tục, như: nạn tảo hôn khá phổ biến, các cháu mới 15, 16 tuổi đã đi chọc sàn và hẹn hò yêu đương rồi nên vợ, nên chồng chỉ trong một thời gian chóng vánh. Giờ đây, tập tục này đã bị loại bỏ, mọi cặp đôi tìm hiểu trở nên văn minh. Tuổi dựng vợ gả chồng cũng đã đúng với quy định của pháp luật. Riêng về vấn đề ma chay, trước kia nặng nề lắm. Trong bản nếu gia đình nào có người thân mất thì phải để cả tuần mới đi chôn. Người chết nằm đấy, những người sống trong gia đình nắm cơm chấm vào miệng để mời người chết sau đó mới đem ra ăn. Hủ tục ghê rợn ấy giờ đây đã được loại bỏ, thay vào đó là cũng làm ma, nhưng không quá 24 giờ (kể từ khi người thân ngừng thở) và được khâm liệm, chôn cất thật hợp vệ sinh như người xuôi. Anh thú thật với tôi rằng: Để thay đổi những tập tục đã sâu bền gốc rễ của bà con nơi đây đâu phải một sớm một chiều mà làm thay đổi ngay được. Muốn bà con tin, bà con theo thì trước hết ta phải tỏ rõ lòng thành kính, sự thiện chí và tôn trọng họ. Bước đầu mà ra mệnh lệnh, rồi dè bỉu, chê bai, bôi bác họ thì cho dù có “điện giật, dùi đâm” họ cũng không bao giờ thay đổi những hủ tục đó.
Mới chỉ hơn 10 năm, người chiến sĩ biên phòng, người lãnh đạo chủ chốt của xã (với chức danh Phó Bí thư Đảng ủy), người đảng viên được chỉ định, phân công cùng sinh hoạt với chi bộ của bản, thì bản Khà ngày nay đã thay da, đổi thịt khá rõ nét. Những thành tích, những cái được có kể cả ngày cũng không hết. Cái lớn lao nhất có được, anh chỉ khái quát một câu: “Người bản Khà giờ đây đã tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”. Vâng, còn gì hơn với điều đó nữa. Từ gia đình của anh đến với bản Khà khoảng gần 30 kilomet (từ trung tâm xã Sơn Thủy đi đến bản là 14 kilomet), nhưng hàng tuần không đến được với bản là anh nhớ lắm. Ngược lại, người dân của bản thấy lâu lâu chưa được gặp anh thì ai cũng nhắc nhớ. Phải chăng anh đã là người tình của bản từ bấy cho đến nay. Và tôi nghĩ nó sẽ còn bền chặt mãi mãi. Chỉ một chi tiết anh thổ lộ rằng: ở dưới quê nội anh (Thuận Minh - Thọ Xuân) anh vẫn còn mảnh đất hương hỏa các cụ để lại và rất nhiều người thân, những bà con ruột già ở đó. Nhưng có lẽ anh sẽ không về xuôi đâu. Vì anh còn nặng lòng với nơi đây nhiều lắm. Điều đặc biệt hơn, làm sao anh có thể rời xa bản Khà được cơ chứ.
          

 P.V.D
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 7714
 Tổng số truy cập: 7555535
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa