Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Những “ngọn lửa” sưởi ấm biên cương Tổ quốc (Ký dự thi)
Những “ngọn lửa” sưởi ấm biên cương Tổ quốc (Ký dự thi)

Vượt lên con chữ
Bỏ xe ô tô lại Nhà văn hóa thôn Suối Lóng, đồng bào chở chúng tôi bằng xe máy lên với Sài Khao. Sài Khao chỉ cách thị trấn Mường Lát tầm 20km nhưng ngay cả cư dân bản địa ở đây không phải ai cũng biết đường hoặc có biết nhưng không phải ai cũng có thể chở khách đi.
Đoạn đường từ Suối Lóng lên Sài Khao chỉ toàn đất đá lổn nhổn và nhỏ hẹp như sợi dây thừng cũ vắt vẻo men hờ sườn núi. Ô tô không đi nổi. Một bên là vực thẳm sâu hun hút, một bên là vách núi dựng đứng, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Nhiều đoạn là nút thắt cổ chai, đá lở chất đống chưa được dọn chỉ còn vừa một bánh xe. Chiếc xe máy cài số 1, khục khặc nhẫn nại từng vòng quay chồm chồm cảnh giác những hòn đá chỉ chờ trật bánh là hất văng người xuống vực thẳm. Nhiều đoạn ẩn khuất sau màn sương dày là đường cua khúc khuỷu men theo thung sâu vách núi. Dù choáng ngợp trước cảnh tượng hùng vĩ của đất trời nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi run sợ... Và sương. Sương tràn bên bờ vực. Sương táp vào mặt lạnh buốt che mờ mắt. Sương mù vây chặt khiến đỉnh núi thoáng ẩn, thoắt hiện khiến người ta như vừa mê đắm lại như vừa bị đe dọa. Thật là một vẻ đẹp choáng ngợp. Nắm chặt yên xe, vừa thu vào tầm mắt vẻ hùng vĩ của núi non Tây Tiến, tôi vừa thầm thán phục tài năng tuyệt vời của nhà thơ Quang Dũng. Dù có cho bao nhiêu từ ngữ đi nữa cũng khó có thể thấu tả được hết vẻ hiểm trở và hoang sơ, khó khăn của nơi này. Thế mà chỉ với một câu “Sài Khao sương lấp”, sự hùng dũng “quân xanh màu lá dữ oai hùm” ấy cũng trở thành “đoàn quân mỏi”. Câu thơ tuy ngắn mà khắc họa và kết luận một điều hiển nhiên: Cái lớn lao, tráng lệ, bao la của thiên nhiên trước con người. Tất nhiên, gần 80 năm về trước, đoàn quân cũng có lúc mỏi bởi hành quân ròng rã băng rừng nhiều tháng trời. Còn ngày nay, con người đã có máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, quãng đường đèo hiểm trở ấy vẫn là một thử thách trước thời tiết khắc nghiệt, trước sự bền bỉ của ý chí và nghị lực con người.
Trường Tiểu học Tây Tiến khu Sài Khao và trường Mầm non Tây Tiến nằm đối diện nhau ở ngã ba con đường mòn nho nhỏ, nơi đặt bia ghi nhớ chiến công của đoàn quân Tây Tiến khi xưa. Điểm dừng chân của binh đoàn Tây Tiến gần 80 năm về trước chưa hề có dân, có nhà nay quây tụ nhiều nóc nhà của đồng bào Mông và Thái. Khi chúng tôi đến điểm trường là gần vào trưa, nhưng sương mù vẫn giăng mờ vẫn bao phủ cảnh vật và không gian nơi đây. Điểm trường trở nên ẩn hiện và thâm u ở vùng non nước Mường Lát. Đón chúng tôi thầy Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tây Tiến cho biết, điểm trường Sài Khao có 91 học sinh dân tộc Mông. Những năm trước, mỗi dịp gần năm học, thầy cô giáo và cán bộ địa phương phải rất vất vả đi vận động gia đình tạo điều kiện cho học sinh đến lớp. Những năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền của địa phương và chính sách mỗi cháu đi học được hỗ trợ 150 ngàn đồng một tháng nên dù người dân trong bản đều là hộ nghèo nhưng vẫn động viên con em đi học đầy đủ. Em nào nhà gần thì tự đi, học sinh nào xa trường thì được bố mẹ quan tâm đưa đón ngày hai buổi. Do điều kiện khó khăn, nhà trường chưa thể tổ chức dạy bán trú nhưng các thầy cô vẫn miệt mài với những trang giáo án, đảm bảo truyền thụ được nhiều nhất kiến thức cho các em học sinh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong giảng dạy và sinh hoạt nhưng các giáo viên đều rất nỗ lực khắc phục hoàn cảnh mang tri thức tới các em nhỏ. Khi được hỏi về những khó khăn khi công tác tại Sài Khao, thầy Hùng cho biết, 5 giáo viên giảng dạy ở khu Sài Khao nhà đều ở xa. Thầy thì quê Mường Chanh cách trường hơn 70km, thầy ở Quang Chiểu cũng cách đây hơn 40km nên đều phải cắm bản tại đây. Cuối tuần nếu không có họp chuyên môn, các thầy mới trở về thăm gia đình. Đáng chú ý, do Sài Khao là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nên không có giáo viên nữ nào bám trụ tại đây. Điều này cũng gây nên một bất cập là đối với lứa tiểu học rất cần những bàn tay cô giáo như mẹ hiền để dìu dắt, vỗ về các em. Vậy là, các thầy giáo ở đây đã vượt lên hoàn cảnh, vừa là cha, là mẹ, cũng chính là những người chăm sóc, bảo ban các em không chỉ bằng con chữ mà cả cách vệ sinh, kỹ năng sống, bảo vệ sức khỏe… Điện lưới chưa vượt núi lên được với bà con Sài Khao. Ngay cả điện sử dụng trong nhà trường cũng bằng mấy tấm pin chạy bằng năng lượng mặt trời đã cũ gắn trên mái nhà. Các thầy cho biết, vào những ngày mưa gió hay sương giăng mù mịt, điện được ưu tiên cho thắp sáng, còn quạt thì rất hạn chế, phải nóng lắm mới dám bật. Cơ sở vật chất của trường còn rất nhiều thiếu thốn, có giáo viên phải dạy kiêm 2 lớp nhưng ai nấy đều cố gắng khắc phục. Tuần 2 lần, họ đi về trên con đường “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” lổn nhổn đất đá ấy với tinh thần "gánh chữ lên non cao" không mệt mỏi. Bởi với họ, đó không chỉ là công việc, là một nghề nghiệp mà còn là cả sự dũng cảm khi đối mặt với muôn vàn khó khăn và thử thách. Tôi muốn so sánh tinh thần ấy với binh đoàn Tây Tiến xưa kia, nhà thơ Quang Dũng cùng đồng đội và Nhân dân đã anh dũng đánh đuổi thực dân Pháp. Ngày nay, các giáo viên cắm bản cũng đang là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, họ “đánh đuổi” cái dốt, mở mang kiến thức để dân bản vươn lên, từng bước thoát nghèo.
Ở Sài Khao, những nếp nhà sàn kề sát bên nhau trong bàng bạc sương giăng. Cái nghèo hiện hữu trong con đường lẹp nhẹp đất bùn. Quanh bản không có mấy vật dụng hiện đại, hầu hết đều là tự cung tự cấp. Cái nghèo khiến cho những đứa trẻ rụt rè, ngại giao tiếp với người lạ, bẽn lẽn cầm những chiếc kẹo chúng tôi đưa cho mà không biết nói sao. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hùng cho biết, rào cản lớn nhất với những giáo viên cắm bản chính là ngôn ngữ. Tại đây, ngay cả người lớn giao tiếp bằng tiếng Kinh cũng không thạo. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không có thời gian, không có điều kiện hay kiến thức để bảo ban, kèm cặp con em mình sau giờ lên lớp nên bắt buộc thầy cô giáo phải đảm bảo dạy đủ chương trình cho các con ở trên lớp. “Nỗ lực bằng hai, bằng ba, mình không được phép nản lòng. Càng khó thì càng phải khắc phục”, thầy giáo với gương mặt khắc khổ có 21 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người của huyện biên viễn Mường Lát tâm niệm.
Thầy giáo Hơ Pó Sung sinh năm 1994. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Vinh, anh trở về quê hương Mường Lát dạy học, là Khu trưởng khu Sài Khao của trường Tiểu học Tây Tiến. Nhà ở Pù Nhi cách Sài Khao hơn 30km, thầy Pó Sung dạy lớp 2 và 3. Do không đủ cơ sở vật chất nên lớp học sáng, lớp học chiều. Giờ nghỉ trưa và những buổi tối, thầy phải soạn giáo án cho cả hai lứa học sinh. Thầy giáo trẻ rất thông minh, có lẽ anh là người hiếm hoi của vùng đất Sài Khao này từng được đi xa để học tập. Thầy Hơ Pó Sung tâm sự: “Dạy học ở đây vất vả gấp nhiều lần vùng khác nhưng không vì thế mà mình nhụt chí, nản lòng; Cũng không có ý định đến vùng nào dễ dàng hơn để nâng cao năng lực giảng dạy, phát huy kiến thức của mình. Khó khăn này cũng chính là thử thách. Dạy các học sinh ở đây cũng như dạy con cái trong nhà mình vậy”. Ở nơi sóng điện thoại hầu như mất hút, muốn liên lạc ra bên ngoài lại phải chạy đến điểm cao, giơ máy hứng sóng như thuở ngày xưa chỉnh ăng ten tivi. Với các thầy cô, chuyện dạy học ở đây đã vô cùng khó khăn, vất vả nhưng việc trở về với gia đình còn gian nan hơn. Rất nhiều lần vào dịp cuối tuần, thầy Pó Sung cùng đồng nghiệp háo hức trở về thăm nhà, thăm con thì gặp sạt núi chắn đường, đành quay lại điểm trường. Vậy là, sự háo hức mong gặp người thân lại kéo dài thêm 1 - 2 tuần nữa... Cũng có khi từ nhà trở lại dạy học, thầy phải nhờ người cùng khiêng xe máy qua đám đất đá từ vách núi đổ xuống. Vào những ngày mưa bão, các thầy cô ở đây đều chủ động đi từ sớm chủ nhật để đảm bảo giờ lên lớp vào sáng đầu tuần.
"Lúc mình về thì họ ăn cơm xong, lúc mình đi thì người dân còn chưa dậy", thầy Hơ Pó Sung kể về "hành trình" dạy học của mình. Hành trình ấy sẽ chẳng bao giờ là mệt mỏi, vì các thầy cô cảm nhận được ngọn lửa của nhiệt huyết đang ấp ủ trong mình.
Đứng ở ngã ba đường, nhìn lứa học sinh nhỏ bé nô đùa giữa núi rừng biên viễn, tôi cứ nghĩ mãi. Có lẽ, vinh quang của ngành Giáo dục nơi đây là mang ánh sáng thắp lên cơ hội đổi đời cho những thân phận vượt qua đói nghèo và khó khăn. Chính vì thế, ngoài ánh sáng đèn điện, con chữ với Sài Khao chính là nguồn ánh sáng của tri thức, xua tan bớt mây mù và nghèo đói.
Nâng bước em tới trường
Nằm trong căn nhà nhỏ thấp lè tè dột nát như cái chuồng gà, ánh nắng bên ngoài chiếu qua hàng ngàn lỗ thủng tạo nên một không gian u ám, nhìn kĩ lắm cũng chẳng thấy vật dụng gì đáng giá, cuộc sống của mình tối tăm, bế tắc. “Tài sản” mà hai cậu bé mang vào đời chỉ là cái nghèo truyền kiếp, đeo bám dai dẳng. Đó là trường hợp đặc biệt của hai anh em Dũng và Việt Anh của bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Lò Tiến Dũng kể, bố mất từ năm em học lớp 4. Bốn năm sau mẹ em cũng đi theo bố, bỏ lại hai anh em bơ vơ với ông bà ngoại đã già, ốm đau liên miên. Nỗi đau quá lớn khiến hai đứa trẻ, đặc biệt là em Việt Anh khi đó còn quá bé, ngơ ngác như gà con lạc mẹ. Là con cả trong nhà, từng chăm sóc cả bố và mẹ trong những ngày cuối đời, chứng kiến họ lần lượt rời khỏi dương thế, nét mặt của Tiến Dũng trầm buồn, già dặn hơn hẳn những thanh niên cùng trang lứa. Ở cái tuổi lẽ ra chỉ lo ăn với học, Dũng đối mặt với cả nỗi đau sinh tử và những tháng ngày mà khoản nợ nần của cha mẹ còn để lại. Cùng sự quan tâm, chia sẻ của cả cộng đồng, món nợ đã được ngân hàng xóa đi nhưng để duy trì cuộc sống của hai đứa trẻ với hai ông bà già chỉ trông chờ vào ruộng nương cũng là cả một khó khăn. Dũng cho biết, cố gắng được mấy năm, rồi em vẫn quyết định bỏ học. Nghĩ vậy, làm vậy, cuộc mưu sinh nhọc nhằn càng đè nặng lên vai Lò Tiến Dũng những nỗi buồn thăm thẳm không cất lên được thành lời. Vào lúc ấy, một “người bố” bỗng dưng xuất hiện, như ông Bụt mang đến cho Dũng một cuộc sống mới mà trước đây có nằm mơ cậu cũng không thể thấy được. “Người bố” đó chính là Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. “Người bố” không cùng huyết thống, không sinh đẻ ra em nhưng đến tận nhà, xắn tay lên cùng làm việc nhà, chăm sóc cho các em như ruột thịt.
Bố Thắng giúp ông bà ngoại cải tạo mảnh vườn hoang thành vườn sắn lên xanh mơn mởn, lại giúp ông bà cải tạo chiếc ao, thả đàn cá bơi lội tung tăng. Bố còn cất công đi tìm nguồn và mang về cho nhà em một con bò giống. Những tài sản ấy, nhà Dũng trước đây chưa bao giờ có nhưng có rồi, làm sao để nó tiếp tục đẻ ra tiền, phục vụ cuộc sống thì bố Thắng lại là người hướng dẫn cho ông bà, cho anh em Dũng. Vừa làm, bố vừa tâm tình, kể chuyện. Nhìn những việc cha làm, nghe những lời cha nói, Dũng thực sự cảm động. Bố Thắng không chỉ là bộ đội biên phòng, làm nhiệm vụ canh giữ biên cương Tổ quốc, mà trên cương vị của mình, dù công tác tại trong Nam hay ngoài Bắc, bố giúp đồng bào học chữ, vận động và đứng ra đỡ đầu cho các con em vùng đồng bào dân tộc. Bản thân bố, để có tiền hỗ trợ các con nuôi cũng từng làm thêm rất nhiều việc như làm video clip cho các chủ nhà hàng, trồng cây cảnh, phục chế xe Honda 67 bán… “Bố Thắng làm được những việc to như vậy, sao mình không thể vượt qua được chính mình?”. Đó là những điều cậu bé Lò Tiến Dũng ngộ ra và trăn trở trong đầu. "Vùng sương mù" của khó khăn, của nghèo túng, của lạc hậu... cản trở trong tâm thức, trong suy nghĩ và hành động của Dũng được khơi thông.
Thế là, với sự thuyết phục của bố Thắng, Tiến Dũng đã trở lại lớp, trở lại trường. “Cứ học hết Phổ thông Trung học đã, rồi học nghề hay đi làm vẫn chưa muộn. Con càng muốn thoát nghèo thì càng phải có kiến thức. Phải sử dụng kiến thức mình học được thì mới mong khác cuộc sống của ông bà con, cha mẹ con và những người xung quanh”, lời bố Thắng nói, cho đến bây giờ Dũng vẫn nhớ như in và nhắc lại với sự yêu thương, kính trọng vô bờ. Mười hai năm liền là học sinh tiên tiến, Tiến Dũng đang đứng trước rất nhiều dự định. Em sẽ nộp hồ sơ đăng kí thi để trở thành bộ đội biên phòng. Em cũng muốn học về nhiếp ảnh để ghi lại những hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời, em cũng muốn cải tạo căn nhà cũ của mình để trở thành một quán tạp hóa… Tất cả những ước mơ, dự tính ấy đều là nhờ được người cha đỡ đầu nhen nhóm và thổi bùng lên trong em. Ngày 28-7-2022, một lần nữa hai anh em Việt Anh và Tiến Dũng lại mồ côi. Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đột ngột qua đời khi đi nhận chuyển hàng từ thiện từ phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn để thực hiện chương trình trên huyện Mường Lát.
Người cha Biên phòng ấy ra đi, để lại rất nhiều công việc dang dở và 18 em nhỏ trên địa bàn huyện Mường Lát mà anh nhận đỡ đầu. Gần một năm trôi qua, những đôi mắt trẻ thơ trên từng bản nhỏ vẫn thao thức ngóng đợi bố Thắng đến thăm cùng những món quà, lời động viên, tâm tình và những định hướng cho tương lai đầy yêu thương. Để không phụ công lao và nguyện vọng của anh, hiện nay, Hội Phụ nữ huyện và các Đồn Biên phòng huyện đã kịp thời đấu mối tìm các nhà hảo tâm, các tập thể tiếp tục đỡ đầu cho các con của anh Thắng, để các em có một tương lai tươi sáng nhất. Đồng đội của anh cũng ngày đêm miệt mài nối dài tiếp sợi dây nhân văn kết nối những tấm lòng với tấm lòng, kết nối tình cảm của đồng bào, chiến sĩ, quân dân một nhà, giữ ấm biên cương Tổ quốc.
Trong chương trình nâng bước em tới trường, Đồn Biên phòng Tam Chung vừa đứng ra vận động các tấm lòng hảo tâm vừa đỡ đầu các em học sinh để giúp các em được đi học, từng bước nâng cao dân trí của thế hệ trẻ đồng bào dân tộc.
Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết, hàng năm đơn vị đều phối hợp địa phương và nhà trường vận động các cháu học sinh bỏ học quay lại trường. Từ năm 2021 đến nay, đồn đã vận động được 35 em. Đồn Biên phòng Tam Chung cũng phối hợp nhà trường tuyên truyền cho các cháu học sinh các nội dung Luật Giao thông đường bộ, Luật Biên phòng... Đặc biệt, với chương trình “Nâng bước em đến trường”, Đồn Biên phòng đã sát cánh giúp đỡ các cháu bé, nhất là những trường hợp thuộc đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Hiện tại, đơn vị đang đỡ đầu 4 em, vận động nhà hảo tâm đỡ đầu 18 em với số tiền 500 ngàn đồng/tháng.
Trong năm 2022, đơn vị đã vận động kêu gọi ủng hộ từ các mạnh thường quân và trích một phần quỹ tăng gia của đơn vị xây dựng ngôi nhà tình thương cho 2 cháu mồ côi cha mẹ với số tiền 150 triệu đồng. Đó chính là ngôi nhà mà hai em Lò Tiến Dũng và Lò Việt Anh đang ở. Ngôi nhà được chính các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung xây dựng trong vòng một tháng, trên đất ông bà ngoại Dũng cho. Hàng ngày, sau giờ học tập, Dũng và Việt Anh quây quần bên ông bà, giúp ông bà nấu cơm, làm việc nhà. Hai anh em vẫn nấu ăn chung để tiện bề chăm sóc và chia sẻ cho ông bà vui. Bố Thắng đã đi xa nhưng em còn mẹ Quyên, bố Thiện, bố Sơn, bố Quang… những cán bộ của Đồn Biên phòng Tam Chung thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư tình cảm và định hướng cho tương lai của các em. Từng việc làm, dù lớn dù nhỏ của quân và dân nơi miền núi xa xôi không những giúp các em nhỏ, những hoàn cảnh, phận đời vươn lên, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, lam lũ mà còn thắt chặt nghĩa tình đồng bào, thắp lên những ngọn lửa bập bùng sưởi ấm biên cương Tổ quốc.
              

 HƯƠNG GIANG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 305
 Hôm nay: 89
 Tổng số truy cập: 9246000
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa