Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   “Ươm chồi non” nơi biên giới biển xứ Thanh (Ký dự thi)
“Ươm chồi non” nơi biên giới biển xứ Thanh (Ký dự thi)

Những năm qua, ở khu vực biên giới biển Hậu Lộc, những người lính mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Đa Lộc, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển mà còn tích cực chăm lo cho việc học tập của trẻ em nghèo vùng biển. Sự quan tâm, sẻ chia của người lính Biên phòng Đồn Biên phòng Đa Lộc đã và đang “chắp cánh ước mơ”, chinh phục con chữ của các em học sinh nghèo, kém may mắn vùng biển, giúp những “chồi non” thêm nghị lực vươn lên trong hành trang tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. 
Niềm tự hào của người lính Biên phòng
Một ngày đầu đông, khi cái lạnh đã len lỏi đến từng con phố, đường thôn ngõ, xóm xứ Thanh, chúng tôi có dịp về vùng ven biển Hậu Lộc. Biển mùa đông mang đến cho tôi một cảm giác bình yên đến lạ. Đến Đồn Biên phòng Đa Lộc (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) chúng tôi rất vui khi nghe Thiếu tá Lê Văn Chung, Chính trị viên khoe tin cô học trò tàn tật cả hai chân Nguyễn Thị Thuỳ đã trúng tuyển vào Đại học Hà Nội. Thùy là một trong số các em nhận được hỗ trợ từ chương trình “Nâng bước em tới trường” của đơn vị. “Khi nghe tin cháu Thùy trúng tuyển vào khoa Công nghệ thông tin của Đại học Hà Nội, tôi và cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều vỡ òa niềm vui. Ai cũng mừng bởi tương lai tươi sáng hơn đang mở ra với cô bé bị tàn tật mà đơn vị đã giúp đỡ mấy năm qua. Hoàn cảnh gia đình cháu Thùy khó khăn, bản thân lại tàn tật nên gặp khó trong việc học tập, sinh hoạt nhưng cháu đã rất nỗ lực vươn lên học tốt. Thùy là tấm gương sáng để các cháu học sinh noi theo. Chúng tôi rất tự hào khi được giúp đỡ việc học của cháu mấy năm qua”, Thiếu tá Chung bộc bạch.
Trong niềm vui rạng rỡ trên gương mặt, Thiếu tá Chung còn cho biết thêm: “Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát danh sách những cháu có hoàn cảnh khó khăn và đạt thành tích tốt trong học tập, đưa vào Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng”, giúp đỡ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thuộc địa bàn đơn vị quản lý được tiếp tục đến trường học tập, vươn lên trong cuộc sống. Chương trình đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đã tạo sức lan tỏa, tính nhân văn sâu sắc”.
Chứng kiến niềm vui của Thiếu tá Chung, chúng tôi cũng thấy vui lây với niềm vui của người cán bộ biên phòng ấy và muốn được “mục sở thị” một số trường hợp Đồn Biên phòng Đa Lộc đã quan tâm, giúp đỡ qua mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” và chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đáp ứng nguyện vọng của chúng tôi, Thiếu tá Hoàng Văn Trường, cán bộ Đội Vận động quần chúng của đơn vị đã dành thời gian đưa chúng tôi đến những ngôi nhà, gặp một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật được đơn vị chăm lo, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần để được đến trường học tập như bao bạn nhỏ cùng trang lứa.
Chiếc xe máy của Thiếu tá Trường chở tôi băng qua bờ biển, khu chợ nhộn nhịp, tấp nập họp trên đường thôn của xã Ngư Lộc. Xe dừng trước ngôi nhà của em Nguyễn Thị Thuỳ nằm khép mình trong con ngõ nhỏ của làng chài Nam Vượng. Căn nhà nhỏ là nơi sinh sống của năm người trong gia đình Thùy. Ngày cuối tuần nên chúng tôi đã may mắn gặp được Thùy đang ở nhà. Lúc này, Thùy đang ngồi lên đôi chân đã bị teo nhỏ lại ở nền nhà, cầm chổi quét nhà rồi nhẹ nhàng lết cơ thể theo hướng chổi đưa. Dù đôi chân tàn tật nhưng may mắn còn đôi tay lành lặn, những lúc ở nhà, từ hồi còn đi học trường làng Thùy luôn phụ mẹ nấu cơm, giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa sạch sẽ để mẹ vơi bớt nhọc nhằn sau những giờ lao động ngoài biển về.
Thùy sinh năm 2005, là con út trong gia đình có 3 anh em. Do bị nhau thai quấn chân nên ngay từ khi lọt lòng, cả hai chân của Thùy không phát triển như bình thường. Cùng với hội chứng cứng đa khớp từ háng xuống hai chân khiến chân Thùy bị co quắp, không thể nào duỗi thẳng ra được. Lớn lên, mỗi khi Thùy muốn di chuyển phải có người bế, cõng, hoặc phải bò bằng hai tay và đầu gối. Không chỉ có Thùy tàn tật bẩm sinh, anh trai cả của Thùy bị động kinh, dù đã lớn tuổi vẫn không thể tự lo được cho bản thân. Bố Thùy làm nghề đi biển nên thường xuyên vắng nhà. Có thời gian ông đi biển 4 tháng mới về nhà. Mọi việc trong nhà dồn lên đôi vai nhỏ của người mẹ. Mẹ Thùy lại không có việc làm ổn định, chỉ làm thuê cho cơ sở chế biến hải sản nhỏ, việc lúc có, lúc không. Bởi thế nên gia cảnh Thùy đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Nhiều năm, gia đình Thùy trong diện nghèo hoặc cận nghèo của thôn Nam Vượng. 
Hoàn cảnh éo le như vậy nhưng từ khi còn nhỏ, Thùy luôn có ý chí học tập. Khi 5 tuổi, Thùy nhập học trường mầm non Ngư Lộc nhưng do chân không đi lại và chạy nhảy được mà chỉ quanh quẩn bò lết trong lớp học, bị các bạn kỳ thị nên Thùy không chịu đến lớp nữa. Năm 6 tuổi, gia đình cho Thùy đi học tiểu học nhưng bị nhà trường từ chối vì lý do cháu tàn tật nên học ở trường dành cho người khuyết tật. Tuy vậy, Thùy vẫn tự học ở nhà. Khi được cô giáo Nguyễn Thị Thông đến nhà động viên, Thùy đã đồng ý đến lớp tình thương của cô Thông học. Lúc đó, cô Thông đang mở lớp dạy xóa mù miễn phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Từ lớp học tình thương này, với tư chất thông minh, sự ham học, sau 3 năm, Thuỳ đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học với giáo án của cô Thông. Cũng nhờ có sự liên hệ, giúp đỡ tận tình của cô giáo Thông mà trường Trung học cơ sở Ngư Lộc sau khi kiểm tra kiến thức đầu vào đã đồng ý tiếp nhận, "đặc cách" cho Thùy vào học lớp 6 tại trường mà không phải trải qua chương trình tiểu học chính quy. Từ đó, hàng ngày mẹ vẫn đều đặn chở Thùy đến trường trên chiếc xe đạp cũ rồi lại bế em đặt vào xe lăn để em vào lớp học. 
Từ năm lớp 7, Thùy được Đồn Biên phòng Đa Lộc nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Cảm kích trước sự quan tâm, giúp đỡ của các chú bộ đội Đồn Biên phòng Đa Lộc, trong suốt những năm học cấp hai, rồi cấp ba, dù tàn tật, gặp khó khăn trong sinh hoạt và đi lại nhưng Thùy luôn cố gắng chăm chỉ học hành. Kết quả học tập của Thùy luôn đạt loại khá, giỏi. Thùy cố gắng học để thực hiện ước mơ được vào đại học, sau khi ra trường có thể đi làm tự nuôi bản thân để bố mẹ đỡ vất vả hơn. Tại kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2021-2022, Thùy trở thành học sinh đặc biệt nhất khi được chú Thiếu tá Trường và các bạn thanh niên tình nguyện viên thay nhau cõng đến điểm thi. Kết quả thi đợt đó, Thùy đã đạt số điểm cao, được tuyển vào đại học. Hiện nay, em đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Hà Nội. 
Thấy chúng tôi đến, Thùy vui mừng vì gặp lại chú Trường - người đã gần gũi, quan tâm em suốt thời gian được Đồn Biên phòng Đa Lộc nhận đỡ đầu. Thiếu tá Trường kể, anh là người được giao phụ trách địa bàn xã Ngư Lộc, biết được hoàn cảnh khó khăn cũng như tình trạng tật nguyền của cháu Thùy, anh đã tham mưu và đề xuất với Chỉ huy đồn về trường hợp của cháu. Chỉ huy đồn đã đồng ý đưa cháu vào danh sách “Nâng bước em tới trường” của đơn vị. Năm 2017, Đồn Biên phòng Đa Lộc nhận đỡ đầu cháu với số tiền 500 ngàn đồng/tháng từ khi cháu học lớp 7 đến khi hết lớp 12. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí để cháu tiếp tục đến lớp, Đồn Biên phòng Đa Lộc còn phối hợp với nhà trường để cháu học tập được thuận tiện nhất. Vào năm học 2019-2020, Đồn Biên phòng Đa Lộc hỗ trợ cháu Thuỳ một xe lăn mới thay thế chiếc xe lăn đã cũ của cháu. Được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Đa Lộc, con đường đến trường của Thuỳ đã vơi bớt khó khăn. Thùy được những người lính mang quân hàm xanh hỗ trợ kinh phí mua sách vở và quan tâm, yêu thương như chính con em của mình.
Không còn vẻ rụt rè, ngượng ngùng trước đây, Thùy mạnh dạn mời nước và trò chuyện với  chúng tôi. So với thời gian tôi gặp em cách đây 3 năm, giờ đây, Thùy đã cao lớn hơn, trưởng thành hơn và cũng tự tin hơn trong giao tiếp. Thùy bộc bạch: “Ngày báo điểm thi em mừng không thể tả xiết khi được số điểm cao với tổng điểm 25,5 điểm (văn 8,75, lịch sử 8,5 và địa lý 8,25). Đêm đó em đã thức trắng đêm vì sung sướng, tưởng tượng ra bao chuyện tốt đẹp". Khi được hỏi về nguyên cớ theo học ngành Công nghệ thông tin, Thùy cho hay, từ lâu em đã mơ ước được trở thành kỹ sư công nghệ thông tin hay lập trình viên tạo ra các phần mềm trên máy tính. Thùy chọn ngành này cũng bởi vì tính chất công việc này thường ngồi làm việc trên máy tính nhiều, ít phải di chuyển nên phù hợp với hoàn cảnh và tình trạng đôi chân của em. 
Trong sự xúc động, giọng Thùy thủ thỉ như lời tâm sự: “Những ngày chờ nhập học, em lo lắng rất nhiều về chuyện bản thân ở vùng biển, ít được tiếp xúc với máy tính và công nghệ thông tin nên chắc chắn sẽ thua thiệt các bạn ở thành phố lớn. Bên cạnh đó, học phí bốn năm học đại học cũng là nỗi lo của em. Biết được nỗi lo đó, các chú Biên phòng ở Đồn Biên phòng Đa Lộc đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ kinh phí cho em”. Tôi vẫn nhớ lời của Thiếu tá Lê Văn Chung kể lúc trước: “Khi cháu đậu đại học, chúng tôi đã thực hiện việc đấu nối với các cơ quan chuyên môn, những nhà hảo tâm giúp đỡ cho thời gian 4 năm cháu học đại học. Kết quả, đã có doanh nghiệp tặng cháu học bổng toàn phần và toàn bộ chi phí cho đến khi cháu tốt nghiệp đại học trị giá 432 triệu đồng. Có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ cháu từ laptop, điện thoại, xe điện nên việc học đại học, không còn thiếu thốn nữa, việc đi lại cũng thuận lợi. Chúng tôi cũng thường xuyên điện thoại động viên cháu cố gắng học tốt trong môi trường đại học”.
Khẽ rót thêm nước vào chén của tôi, đôi mắt lấp lánh niềm vui, Thùy bộc bạch: “Em rất cảm động trước sự quan tâm, yêu thương của các chú ở Đồn Biên phòng Đa Lộc. Nhờ có sự hỗ trợ về kinh phí và sự quan tâm của các chú, nhà trường mà em có nghị lực vượt qua mọi khó khăn để có được thành quả như ngày hôm nay. Em rất vui khi ước mơ vào đại học của mình đã trở thành hiện thực. Vậy là sau này em có thể tự kiếm công việc, có thu nhập, tự lo được cho bản thân mình”.
Vậy là giấc mơ của cô bé tàn tật ngày nào đã thành trở hiện thực. Cảm xúc của tôi khi ấy còn hơn cả vui mừng, bởi câu chuyện học tập của cô học trò tàn tật, vượt khó nơi làng chài xứ Thanh đã có cái kết viên mãn.
Trên đường đi, Thiếu tá Trường còn kể cho tôi nghe về trường hợp của cháu Nguyễn Thị Huyền (sinh 2002), ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cũng là niềm tự hào của các chú ở Đồn Biên phòng Đa Lộc trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Gia đình Huyền có 3 anh chị em. Không may anh trai Huyền còn bị khuyết tật bẩm sinh. Hoàn cảnh gia đình Huyền cũng hết sức khó khăn bởi người bố đi biển nhiều năm không may bị tai nạn lao động đành phải ở nhà. Gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai người mẹ. Dù cho cuộc sống khó khăn mọi bề nhưng cô bé Huyền vẫn chăm chỉ học tập, kết quả các năm đều đạt loại giỏi. Năm học 2020-2021, Huyền đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh Thanh Hóa môn hóa học và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) bởi thành tích 3 năm học Trung học phổ thông đều là học sinh giỏi. Hiện nay, Huyền đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Kinh tế quốc tế, Đại học Ngoại thương. 
Thấy được niềm vui, niềm tự hào trên gương mặt Thiếu tá Hoàng Văn Trường, tôi thực sự xúc động bởi tấm lòng của người lính Biên phòng với các cháu học sinh nghèo ở địa bàn đơn vị đóng quân. 
Khi những học sinh đã tốt nghiệp lớp 12, Đồn Biên phòng Đa Lộc lại tiếp tục rà soát, tìm kiếm và nhận bổ sung đỡ đầu thêm cháu khác cho chương trình “Nâng bước em tới trường” của đơn vị để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Hiện nay, chương trình đang đỡ đầu  4 cháu  là các cháu Nguyễn Thị Hoài, Hoàng Thị Tuyền, Trịnh Thị Minh và Nguyễn Trung Kiên đều có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Nhờ tình thương và trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh mà cuộc đời của những đứa trẻ mồ côi, kém may mắn ấy có cơ hội bước sang trang mới.
Vẫn tiếp tục vòng quay trên chiếc xe máy cũ, Thiếu tá Trường đưa tôi đến thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc gặp cháu Hoàng Thị Tuyền. Nhà Tuyền ở vùng bãi ngang ven biển. Lúc này, Tuyền đang nấu cơm trưa giúp mẹ. Cô bé có gương mặt xinh xắn, tuy nhiên sức khỏe không được tốt như các bạn. Tuyền đang học lớp 10A8, trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 4. Tuyền là con thứ hai trong gia đình. Trên Tuyền là anh trai đang đi học đại học xa nhà. Gia cảnh Tuyền cũng hết sức khó khăn. Bố em mất vì bị tai nạn trên biển. Tuyền sống cùng ông bà nội và mẹ. Ông bà Tuyền tuổi cao, lại bị tai biến. Mọi gánh nặng sinh hoạt gia đình đều do mẹ Tuyền gánh vác. Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, hai anh em Tuyền đều cố gắng bảo ban nhau học tập và luôn đạt thành tích xuất sắc. Năm học 2021-2022, Tuyền đạt Giải Ba môn Lịch sử trong cuộc thi học sinh giỏi của tỉnh Thanh Hóa. 
Tuyền cảm động khi nhắc đến sự giúp đỡ của các chú Biên phòng. Em chia sẻ: “Hoàn cảnh nhà em rất khó khăn. Một mình mẹ nuôi hai anh em ăn học, chăm sóc ông bà già tai biến nên thiếu trước hụt sau. Năm 2022, em rất may mắn khi được Đồn Biên phòng Đa Lộc nhận đỡ đầu với số tiền mỗi tháng 500 ngàn đồng/tháng cho đến lúc em học hết lớp 12. Em rất biết ơn các chú đã dành tình cảm, sự quan tâm và hỗ trợ kinh phí giúp đỡ em vượt qua khó khăn. Các chú cũng luôn động viên, khích lệ và tạo động lực giúp em học tập tốt”.
Cuộc trò chuyện đang dang dở thì mẹ Tuyền - chị Dương đi làm về đến nhà. Chị Dương làm về hậu cần nghề cá, công việc không ổn định. Người mẹ cho hay, mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng chị động viên các con học hành để sau này cuộc sống bớt khó khăn. Được các chú biên phòng Đồn Biên phòng Đa Lộc giúp đỡ, hỗ trợ cho cháu Tuyền, chị rất cảm kích và biết ơn. Con đường học tập trước mắt của Tuyền vẫn còn dài, chị biết cuộc sống sẽ vất vả hơn nhưng lo cho con cái học hàng đàng hoàng, đó là niềm hạnh phúc của chị. Chị sẽ luôn nỗ lực, cố gắng để các con có cuộc sống tốt hơn cuộc sống mà mẹ chúng đã trải qua. 
Những lời trải lòng của người mẹ tảo tần ấy khiến chúng tôi cảm thấy xúc động. Chia tay chúng tôi, Tuyền hứa sẽ học tập thật tốt để được vào đại học, thay đổi cuộc sống ngày một tốt hơn. Dù biết chặng đường phía trước của Tuyền còn nhiều khó khăn, chúng tôi luôn tin vào nghị lực của em và chúc em sớm hoàn thành được mục tiêu lớn của cuộc đời. 
Những người bố “đặc biệt” nơi biên giới biển
Đồn Biên phòng Đa Lộc có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 17,5 km bờ biển thuộc 6 xã của huyện Hậu Lộc và 3 xã của huyện Nga Sơn. Tuy địa bàn đơn vị quản lý trải dài, gây nhiều khó khăn cho việc tuần tra, kiểm soát nhưng những người lính Biên Phòng vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới biển. 
Đồng hành trong việc hỗ trợ học sinh nghèo tới trường của Đồn Biên phòng Đa Lộc còn có mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai từ năm 2019. Thông qua mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, nhiều em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, hay sớm thiếu bàn tay chăm sóc của cha, mẹ đã được những người lính Biên phòng đứng ra nhận nuôi dưỡng tại đơn vị. Qua thời gian thực hiện, mô hình đã góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với nhân dân biên giới, hải đảo, góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc. 
Tôi có may mắn được chứng kiến mô hình này của Đồn Biên phòng Đa Lộc từ những ngày đơn vị nhận em Đinh Hải Nam, sinh năm 2008, tại thôn Mỹ Thịnh, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc và cháu Mai Văn Phát, sinh năm 2008 tại thôn 3, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn làm con nuôi. Hôm tôi đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Sung, bắt gặp một cậu học sinh nhanh nhẹn, hoạt bát cùng chuẩn bị nhặt rau, nấu cơm với cán bộ của trạm. Hỏi ra mới biết, cháu là Nam, được đơn vị nhận làm con nuôi. Cháu Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố cháu mất trên biển, mẹ bỏ đi biệt tích từ ngày cháu còn khát sữa. Suốt những năm ấu thơ của cháu, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám gia đình ông bà nội. Ông bà nội cháu đều ngoài 60 tuổi, không có lương hưu, sống dựa vào mấy luống rau trong mảnh vườn nhỏ và nuôi ít gà. Đời sống gia đình cháu khó khăn, thiếu thốn đủ đường. 
Mặc dù lớn lên trong cảnh nghèo khó nhưng Nam rất chăm học. Năm học 2019 - 2020, cháu Nam là trường hợp đầu tiên được Đồn Biên phòng Đa Lộc nhận làm “Con nuôi Đồn Biên phòng”. “Chứng kiến gia cảnh khó khăn của cháu cũng như thấy được nghị lực và ý chí vươn lên của cháu Nam, đơn vị đã quyết định tiếp thêm động lực cho cháu có điều kiện học tập tốt hơn”, Thiếu tá Hoàng Văn Trường cho hay. Cùng ăn, cùng ở với các chú Biên phòng tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Sung đóng trên địa bàn xã Ngư Lộc, cháu Nam được các cán bộ dạy bảo như chính con cái của mình. Đến nay, Nam đã tốt nghiệp cấp trung học, tự đi làm kiếm tiền nuôi sống bản thân và ông bà.
Cùng thời gian với cháu Nam, Đồn Biên phòng Đa Lộc cũng đã nhận cháu Mai Văn Phát, sinh năm 2008 tại thôn 3, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn làm “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Cháu Phát cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố mẹ cháu bỏ đi biệt tích từ khi cháu mới 1 tuổi. Cháu và chị gái được bà nội là Nguyễn Thị Vậy 75 tuổi nuôi dưỡng. Gia đình Phát thuộc diện hộ nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập chính để nuôi hai cháu ăn học của người bà tuổi cao sức yếu chỉ từ trồng rau, nuôi gà, sự hỗ trợ của UBND xã Nga Tân và bà con làng xóm. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của mình, Phát luôn chịu khó học tập, 5 năm liền cháu là học sinh tiên tiến và giỏi. Thế nhưng với điều kiện của cháu, việc đảm bảo cho Phát được học tiếp rất khó khăn. 
Biết được hoàn cảnh éo le của Phát, năm 2019, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Đa Lộc đã nhận cháu Phát làm “Con nuôi Đồn Biên phòng” của đơn vị từ đó cho đến khi cháu học hết lớp 12. Phát được các chú biên phòng đón về nuôi dạy, chăm sóc tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Hói Đào (huyện Nga Sơn) để cho tiện việc học tập tại trường và qua lại nhà chăm sóc bà già yếu của cháu. 
Chia sẻ về mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, Thiếu tá Lê Văn Chung cho biết: “Trong quá trình nuôi dạy, chúng tôi chăm sóc cháu Phát bằng tình cảm của người cha, người chú. Để yên lòng gia đình và bản thân cháu Phát, đơn vị đã cử một cán bộ trẻ trực tiếp gần gũi, quan tâm, kèm cặp, chăm lo nuôi dạy cháu Phát trong việc học hành và mọi sinh hoạt trong cuộc sống tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Hói Đào”. 
Đại úy Lê Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Hói Đào, kể: “Ngày chúng tôi đón cháu Phát về nuôi, cháu còn bé và gầy lắm. Giờ cháu đã cao lớn hơn, có da có thịt hơn”. Mấy năm qua, dưới bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của những người lính Biên phòng, cậu bé Phát còm nhom ngày nào giờ đã lớn phổng phao, tự tin hơn. Phát tâm sự: “Từ ngày được các chú Đồn Biên phòng Đa Lộc nhận nuôi, cháu không chỉ được hỗ trợ kinh phí học tập, mà còn được các chú dạy bảo điều hay, lẽ phải, biết yêu thương người thân và cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Cháu mong sau này sẽ làm được việc có ích cho cuộc sống”.
Nghe những tâm sự của Phát, tôi có cảm nhận rằng, không chỉ nuôi ăn học, những người lính Biên phòng còn là những người cha truyền cảm hứng, xây dựng nhân cách cho những cậu học trò nhỏ này để các em biết hướng tới những điều cao đẹp trong cuộc sống.
Tháng 8 vừa qua, Đồn Biên phòng Đa Lộc tiếp tục nhận cháu Bùi Thị Hà Linh (sinh năm 2014) ở thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc làm “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Trong danh sách con nuôi của đơn vị, Hà Linh là người nhỏ tuổi nhất khi mới chỉ học lớp 4 trường tiểu học Đa Lộc. Gia cảnh của Hà Linh cũng đặc biệt khó khăn. Bố cháu mất vì bệnh tật từ khi cháu mới 5 tuổi. Mẹ cháu không có việc làm đã bỏ đi làm thuê nơi xa, rất ít về. Cháu được bà nội nuôi dưỡng từ lúc còn nhỏ. Bà nội năm nay đã 90 tuổi, bệnh tật ốm đau thường xuyên lại còn phải nuôi dưỡng, chăm sóc hai cháu nội nên càng khó khăn, túng thiếu. Cuộc sống chủ yếu nhờ vào mẹ, số tiền chẳng mấy dư dả của mẹ cháu đi làm ăn xa gửi về và các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương trong xã trợ giúp. Do đó, để Hà Linh được tiếp tục đi học là cả một vấn đề nan giải với người bà đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” này.
Biết được hoàn cảnh khó khăn cùng tinh thần ham học của cháu Hà Linh, Chỉ huy Đồn Biên phòng Đa Lộc đã làm thủ tục nhận cháu làm con nuôi của đơn vị. Trong ngày Đồn Biên phòng Đa Lộc kí kết thủ tục nhận Hà Linh làm con nuôi, bà Bùi Thị Soạn - bà nội cháu đã vô cùng cảm kích trước tấm lòng của những người lính Biên phòng. Trong niềm xúc động, bà Soạn bày tỏ: “Điều kiện kinh tế của gia đình tôi rất khó khăn không đảm bảo nuôi cháu ăn học được. Nay Đồn Biên phòng Đa Lộc có chương trình nhận hỗ trợ, đỡ đầu, nuôi cháu để tiếp tục được ăn học cho đến khi cháu học hết lớp 12, gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn các chú Biên phòng”. 
Khi đã trở thành “Con nuôi Đồn Biên phòng”, cháu Hà Linh được người lính Biên phòng chăm sóc như con ruột của mình. Không chỉ lo việc ăn, ở của cháu, các anh còn mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho cháu, cử cán bộ kèm cháu học tập. Hàng tháng, các anh đều trao đổi với nhà trường về tình hình học tập của cháu. Bản thân cháu cũng luôn chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô giáo, các chú, các bác Biên phòng. 
Với những câu chuyện được nghe, những hình ảnh được thấy, tôi tin rằng cháu Hà Linh sẽ được sống trong tình yêu thương của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc và niềm vui sẽ luôn tràn ngập trong quãng đời tương lai của cháu. 
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” và tinh thần “Trao con chữ, truyền hy vọng”, chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” của Đồn Biên phòng Đa Lộc đã trợ giúp nhiều học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn… được tiếp tục đến trường, tạo dựng tương lai tốt đẹp. 
Có thể khẳng định, chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng” mang tính nhân văn cao đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Cùng với nhiệm vụ chắc tay súng bảo vệ biên cương, bằng những việc làm thiết thực, hình ảnh người lính Biên phòng càng được khắc sâu trong lòng nhân dân trên địa bàn biên giới biển xứ Thanh nói riêng, địa bàn cả nước nói chung, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới.
            

 THANH THUẬN


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 294
 Hôm nay: 2992
 Tổng số truy cập: 9245159
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa