Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Từ làng Diêm Phố đến xã Ngư Lộc (Bút ký)
Từ làng Diêm Phố đến xã Ngư Lộc (Bút ký)

Diêm Phố là tên làng từ xa xưa, nhiều người đến Diêm Phố cứ thắc mắc: Làng ở lộn xộn, đường đi hẹp, nhà cửa chật chội thế mà tên sao đặt là “Diêm Phố” nghe nghênh ngáo thế nào ấy. Thực ra tên làng tôi biết nó là do tồn tại lịch sử. Làng xưa có hai nghề chính: làm muối và đánh cá. Chữ Diêm có từ nghề muối, còn chữ Phố, tôi cứ nghĩ các cụ làng tôi ngày xưa do văn hóa chưa chú trọng lại sẵn có chất “AQ” cái chất tự cao tự đại nên đặt thế gọi cho oai. Thì trong tục truyền ta đã từng nghe: Cái cầu con con gọi là cầu “Bố”, mấy cây lố nhố gọi là rừng thông còn gì.
Làng tôi xưa ở tận chân cồn Bò (cồn Bò là hòn đảo nhỏ đầu núi Trường) cũng xin nói rằng thời nhà Hồ, núi Trường có tên là núi Bút, thì đầu núi còn có làng Bút Sơn đấy thôi. Tôi nhớ hồi học trường viết văn Nguyễn Du, một lần ông giáo sư Ninh Viết Giao, giáo sư Folklore (văn hóa dân gian), người Hoằng Hóa đến chơi với đám học viên chúng tôi, biết tôi là người làng Diêm Phố, Hậu Lộc, hàng xóm của ông, ông bảo: Cái tên núi Trường, hòn Bò giữa hai huyện chả có ý nghĩa gì, nó vốn là núi Bút, đầu ngọn núi Bút có hòn đảo nhỏ gọi là hòn Bò, thực ra là hòn Nghiên, núi Bút chấm vào hòn Nghiên của Hoằng Hóa mới sinh ra những Lương Đắc Bằng, những Cống Quỳnh (Trạng Quỳnh) mới là đất học cho bao người có học vị thành danh sau này, những văn sĩ, thi sĩ của đất Hoằng Hóa này. Giáo sư Ninh Viết Giao còn bảo: Lạch Trường thời nhà Hồ có tên là cửa Ngu giang, sang thời Nguyễn nó là cửa Linh Trường.
Diêm Phố xưa ở chân hòn Bò (hòn Nghiên) trơ gan cùng tuế nguyệt, giờ đã lùi về phía Bắc, đầu huyện Hậu Lộc, đã thành xã Ngư Lộc với nhiều trầm tích. Năm 1929, Charles Robequain, người Pháp,  cho xuất bản cuốn sách Le Thanh Hoa có nhiều trang viết về vùng biển Hậu Lộc. Đặc biệt có những dòng tác giả viết rất kỹ về làng Diêm Phố thời bấy giờ… Đó là một cái làng với chừng 500 nóc nhà, chủ yếu là nhà tranh len giữa những hàng phi lao thưa với một bãi cát dài nằm dọc hòn Bò (cồn Bò) hòn Nghiên, như lời giáo sư Ninh Viết Giao, gồm một bến thuyền chừng ba trăm chiếc thuyền nhỏ và 500 chiếc mảng rải rác dọc mép sóng biển kéo vào lạch Ngu (Lạch Ngu tên gọi thời nhà Hồ - Cửa Ngu giang, Lạch Trường ngày nay). Làng thì nhỏ lúp xúp nhưng các cụ ta ngày xưa lại đặt tên là Diêm Phố, tại sao? Trên kia tôi đã giải thích và vào cuối bài viết theo cách diễn triết của một giáo sư lừng danh về sử học, cũng viết về vùng biển miền Trung đất Việt, tác giả Maren Queen trong một tài liệu cổ học viết: Cái vùng biển phía Bắc xứ Thanh có liên đới đến câu chuyện truyền thuyết Mai An Tiêm. Một hoàng tử con một vị vua Hùng đã đem giống dưa đỏ ruột (dưa hấu) ra đảo hoang gieo trồng và nhen nhóm một vùng đất cổ. Ở Nga Sơn, dưa hấu đỏ ruột gắn với họ Mai là một truyền thống từ ngàn xưa. Chừng 50.000 năm lại đây, cái vùng đất từng “biến thiên” làm đất liền sụt xuống, giờ nó đang nổi dần lên, các hòn đảo như hòn Nẹ, hòn Bò (hòn Nghiên) là tro của ngọn núi lửa. Những cồn cát trải dài thường cuốn theo những cơn gió hình thành những bãi biển trù phú. Làng Diêm Phố của tôi là một làng biển hình thành từ những người dân ở Hải Phòng, ở Thái Bình vào, ở Nghệ An ra.
Thời phong kiến, dân đánh cá không được coi trọng, không được xếp ngang hàng như các loại dân khác Sĩ - Nông - Công - Thương. Đó là bốn loại dân được xếp hạng, còn ngư dân thời xa xưa bị coi là “thứ dân”. Thời xa xưa ấy ngư nghiệp chưa được liệt vào Nông nghiệp như bây giờ. Thậm chí có nơi, người dân đánh cá khi sống phải sống trên các con thuyền lênh đênh trên các cửa lạch, chết không được chôn trên bờ, thường phải thủy táng” theo một số quan điểm của các nhà sử học, cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng nói: Vì thế nên ông Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) vốn là dân đánh cá ở phía Bắc đã vùng lên đánh giặc Nguyên Mông, lập nên nhà Trần Vĩ Đại và sau này là Mạc Đăng Dung, dựng lên nhà Mạc, cũng là dân đánh cá. Làng Diêm Phố của tôi mà sau này và bây giờ là  xã Ngư Lộc trải qua gần 8 thế kỷ với bao biến động dữ dội. Cái dải đất với các xã ven biển gồm Đa, Ngư, Hưng, Hải có gắn với nền văn hóa Hoa Lộc, Gò Trũng. Những năm 70 của thế kỷ trước (thế kỷ XX) cuộc khảo cổ công phu của các nhà khảo cổ học đã chứng minh cách đây chừng 35 - 40 vạn năm, biển lấn sâu vào tận vùng Hoa Lộc. Ngoài những dụng cụ đồ đồng tìm được, người ta còn tìm thấy những hòn chì bằng gạch nung, chứng tỏ trong cuộc sống hái lượm của người xưa, nghề đánh cá đã phát triển ở vùng biển Hậu Lộc. Hậu Lộc là tên được đặt từ thời Nguyễn, thuộc tổng Xuân Trường. Còn thời Lê là tổng Đăng Trường, huyện Phong Lộc, phủ Lạng Phong. Diêm Phố hình thành từ thời nhà Trần, nó nằm sát cồn Bò, cạnh cửa Linh Trường (Lạch Trường) bây giờ. Sang thời Hồ của lạch Linh Trường được đổi thành cửa Ngu Giang.  
Trong cuốn Le Thanh Hoa có khẳng định sự biến thiên của nhiều thế kỷ trước đã nhấn chìm vùng đất Nga Sơn, Hậu Lộc. Những dấu hiệu cho thấy cồn Đen, ngoài khơi cách đảo Nẹ chừng bốn đến năm cây số là hiện tượng của đất liền bị sụt, và đảo Nẹ, hòn Bò, hòn Sụp với những hòn đá trắng nằm dọc bờ biển xưa vốn là tro của một ngọn núi lửa.
Trong dân gian còn lưu truyền câu sấm:
Bao giờ núi Nẹ nằm đồng
Bò non gặm cỏ Trạng Ông mới về.
Câu sấm truyền có ý nói rồi ngày sau đất liền sẽ nổi dần lên, nó giống như cánh tay người bị vết thương làm sứt mẻ rồi thời gian sẽ làm cho lành dần. Giờ hòn Bò (hòn Nghiên) ngày xưa nằm cách xa đất liền đã nối với bãi cát (Bò non gặm cỏ) như vậy chứng tỏ cuộc biến thiên đã làm vùng biển Hậu Lộc thay đổi đúng như câu sấm truyền. Con người bao năm trời sống với thiên nhiên, gắn bó với trời đất mà đôi khi cũng vô tình, ví dụ người ta cứ gọi dãy núi nằm dọc con sông giữa đôi bờ Hoằng Hóa và Hậu Lộc là núi Trường. Có lẽ lâu nay người đi biển từ khơi nhìn vào đất liền thấy dãy núi dài dài nên gọi thế. Thực ra thì nó có tên là núi Bút từ thời Tiền Lê, hiện cuối núi Bút còn có làng Bút Sơn mà bây giờ nó đã thành thị trấn Bút Sơn (tức núi Bút). Hòn Bò vốn là hòn Nghiên. Chuyện núi Bút, hòn Nghiên phác qua một chút trong bài viết, giờ xin trở lại tâm tình chuyện làng Diêm Phố.
Trong thần tích làng Diêm Phố có ghi: Năm 1560, vua Lê Anh Tông đi thuyền rồng tới Vích (cửa Ngu Giang) cửa Linh Trường thời Nguyễn và Lạch Trường bây giờ (không ghi rõ ngày tháng). Hồi đó trưởng làng là ông Trần Công Vinh được vua Lê Anh Tông sai tế ở Nghè Diêm Phố. Nghè Diêm Phố hồi đầu nằm gần cồn Bò, nơi hình thành làng Diêm Phố những năm đầu. Thời kỳ này, Diêm Phố còn được tổ chức là cấp khu, sang thế kỷ XVI được đổi sang cấp làng. Gia phả họ Trần ở Diêm Phố cách đây 500 năm ghi: Diêm Phố trở thành một xã từ thời Lê Trung hưng, bỏ chế độ lão trưởng hình thành chế độ xã trưởng. Vị xã trưởng đầu tiên người họ Bùi là ông Bùi Thế Duật. Tổ chức cấp xã kéo dài từ thời Lê vắt sang thời Nguyễn kéo dài đến tận năm 1944. Đầu năm 1944, do có sự phát triển quy mô về cấp xã kháng chiến Diêm Phố được sáp nhập với nhiều làng trong vùng thành xã mới, Diêm Phố trở lại cấp thôn của thời Hồ sang thời Lê, thời Nguyễn. Thể chế ở Diêm Phố đã hình thành một bộ máy quản lý gồm Lý trưởng, phó lý, hương kiểm, hương mục (coi việc trị an) hương bạ (coi việc sổ sách). Ngoài ra còn có các tuần phu giúp việc cho Hội đồng ngũ hương quản lý làng xã. Trong từng làng có các chức sắc (tiên chỉ làng). Tiên chỉ làng thực ra là do Hội đồng làng phong ước lệ chứ không thực sự có quyền chức, nhưng “tiên chỉ” lại có uy tín đối với dân, góp tiếng nói rất có trọng lượng mỗi khi Hội đồng làng họp bàn sự vụ. Lý trưởng đầu tiên ở làng Diêm Phố là ông Nguyễn Văn Hổ. Đó là thời Cảnh Hưng (1739-1769) xã Diêm Phố có 8 giáp: Đông - Đoài - Nam - Nam - Bắc - Trung Đông - Trung Đoài - Trung Nam và Trung Bắc. Mỗi giáp có một hương kiểm hoặc một hương muc quản lý. Tháng 8 năm 1945, cách mạng thành công, mọi hoạt động đều gắn với cuộc kháng chiến. Xã Diêm Phố đổi thành xã Cao Thắng (Cao Thắng là tên một người chế ra súng trường đánh Pháp). Đến năm 1947 xã Cao Thắng đổi thành xã Vạn Thắng do Ủy ban Việt Minh và Ủy ban lâm thời lãnh đạo. Từ Ủy ban Lâm thời do các ông Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn Văn Chương, Trần Gia Tín đứng đầu. Từ năm 1948 đến tháng 6 - 1953 xã Vạn Thắng lại đổi thành xã Vạn Lộc, xã Vạn Lộc chỉ tồn tại được hơn một tháng thì giải thể vào tháng 7 năm 1953. Xã Vạn Lộc từ đó chia thành 5 xã: Đa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc (Diêm Phố). Từ đó Ủy ban kháng chiến được đổi thành Ủy ban hành chính. Xã mới Ngư Lộc do ông Nguyễn Văn Hưởng làm chủ tịch. Toàn xã chia thành 13 xóm: Xóm Thắng Tây, Thắng Nam, Thắng Vinh, Thắng Vượng, Thắng Đông, Thắng Phúc, Thắng Lộc, Thắng Thịnh, Thắng Cường, Thắng Thành, Thắng Minh, Thắng Lợi, Thắng Lập. Mỗi xóm có một ban cán sự điều hành. Ban cán sự hoạt động đến năm 1958 thì chấm dứt vai trò. Thực tế vai trò ban cán sự xóm bấy giờ đã chuyển qua đội sản xuất. Năm 1960 có phong trào tập đoàn sản xuất, rồi phát triển lên hợp tác xã. Ở Diêm Phố, Ngư Lộc hình thành hai loại hợp tác xã; Hợp tác xã nghề cá và hợp tác xã thủ công nghiệp. Mọi thu hoạch, đóng góp nghĩa vụ, ăn chia công điểm đều do các ban quản trị hơp tác xã điều hành.
Ở Diêm Phố, Ngư Lộc, tại sao tôi goi Diêm Phố Ngư Lộc, vì thời kỳ đầu, thời Lê Trung hưng, khi từ cấp khu, chuyển lên cấp xã thì Diêm Phố được xưng là Diêm Phố xã, sau này từ sau năm 1945, mới thành xã Ngư Lộc.
Diêm Phố từng mang tên cho một xã ngay từ thời Lê Trung hưng, điều tra các tư liệu có được trong thư tịch, tộc phả, gia phả thì biết dân Diêm Phố quy tập thời kỳ đầu là tứ xứ. Nhiều người mang theo họ hàng từ Thái Bình, từ Hà Đông, như họ Bùi, họ Đặng, có họ từ Nghệ An ra. Theo tài liệu các gia phả ghi chép, thời kỳ đầu, từ năm 1270 đến khoảng năm 1350. Diêm Phố có tới 23 dòng họ, nhưng đến nay do sự di chuyển theo thời gian, nhiều dòng họ không còn có mặt tại Diêm Phố, chẳng hạn họ Triệu, họ Hà, họ Hàn, họ Trương, họ Thang, họ Tống, họ Chu.
Các dòng họ ở Diêm Phố Ngư Lộc không phải là khuôn thước quy ước. Các họ mạc đều có biến động qua từng thời kỳ. Ví dụ họ Chu hiện nay không còn ai có mặt ở Ngư Lộc, nhưng theo tài liệu khảo sát họ Chu trước đây là dòng họ đông đúc ở Diêm Phố. Thời nhà Nguyễn cách đây hơn ba trăm năm. Ông Chu Hữu Ngạn, một người họ Chu ở Diêm Phố được phong tướng quân vệ úy, rồi đươc phong đất ở Thái Bình. Thời đó ông Nguyễn Công Trứ, làm quan triều Nguyễn đi khai hoang ở Thái Bình. Ông Chu Hữu Ngạn mang cả dòng họ Chu và một số họ khác ra huyện Tiền Hải lập nên hai làng, lấy tên Trình Phố và Diêm Điền. Gia phả họ Trần, một dòng họ đi theo họ Chu có ghi: Đất tổ quê ta làng Diêm Phố, phủ Lang Phong Thanh Hóa thời Lê. Hiện tại theo chúng tôi điều tra được thời phong kiến Diêm Phố có hai người làm quan là ông Chu Hữu Ngạn làm Tướng quân vệ úy và ông Đặng Kim Giám làm quan án sát Quảng Bình. Cũng như xã Hưng Lộc từng có ông Nguyễn Húy Thành. Ông Nguyễn Húy Thành là đại tướng quân thời Hậu Lê được phong đất vùng Hưng Lộc, khi ông mất được làng phong Phúc Thần Hoàng làng có lập đền thờ. Những năm trước và sau 1960, trên đất Hưng Lộc còn có 6 cái phủ thờ ông Nguyễn Húy Thành. Những năm 60 người ta trưng dụng làm trường học, giờ dân Hưng Lộc đang tìm cách khôi phục. Thật khó, thế mới biết nếu hủy hoại kinh tế thì khôi phục dễ dàng, nhưng hủy hoại văn hóa thì ngàn năm khó khôi phục.
Điều tra về các dòng họ ở Diêm Phố - Ngư Lôc thì trong vòng tám trăm năm kể từ khi dựng làng đến nay, có tới 23 dòng họ có mặt tại Ngư Lộc - Diêm Phố. Nhưng nay chỉ còn chừng gần hai chục dòng họ. Các họ đang có mặt sinh sống ở đây như họ Nguyễn, họ Bùi, họ Hoàng, họ Đặng, họ Đinh, họ Đồng, họ Phạm, họ Vũ, họ Lê, họ Tô, họ Đào, v.v… còn nhiều họ khác như họ Chu, họ Ngô, họ Hàn, họ Trương, họ Thang, họ Tống. Các dòng họ đến lập nên đất Diêm Phố rồi di dời do sự biến động xã hội và do cả chính sách nhà nước. Cuộc di dời lớn nhất là cuộc di dời thời Nguyễn. Khi mà ông Nguyễn Công Trứ (thời Nguyễn), một vị quan lớn phụ trách công việc khai khẩn các vùng đất hoang của đất nước thì Diêm Phố có ông Chu Hữu Ngạn, làm tướng thủy quân, do có công dẹp giặc nên nhà vua phong đất tại Tiền Hải, Thái Bình, ông đã mang theo toàn bộ họ Chu và theo nữa là một phần của các họ khác ra Thái Bình lập nên hai làng: Trình Phố và Diêm Điền. Hiện tại gia phả họ Chu ở Diêm Điền ghi: Tổ Chu ta xưa quê làng Diêm Phố, Phủ Lạng Phong, Thanh Hóa triều Lê. Như vậy họ Chu ở Diêm Điền và Trình Phố vốn là người Diêm Phố. Khi chúng tôi điều tra về các dòng họ ở Diêm Phố thì một điều thật khó khăn là hầu hết các nhà thờ họ tộc đều không còn gia phả, họ hàng ở Diêm Phố nhiều họ vốn trước đông đúc, nhưng về sau do nhiều lý do mà tách ra thành từng chi. Có họ do sự phát triển đông đúc, có họ do những người đứng đầu mâu thuẫn, xích mích. Chủ yếu là do nhiều họ không có dính kết văn hóa, thiếu kiến thức. Người ta không biết rằng ở Việt Nam, họ mạc vốn phi quan trương. Từ máu mủ xa gần mà quần tụ, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống để giúp nhau xây dựng cuộc sống. Nhiều họ ở Diêm Phố không lập được quy ước, không quy định được những nguyên tắc. Tất cả đều do nền văn hóa của người dân. Thiết nghĩ Ngư Lộc cần có một định hướng chuẩn mực. Họ  mạc ở Ngư Lộc tách ra: họ Nguyễn Biểu, Nguyễn Kỳ Tường tách ra từ năm 1920, họ Nguyễn Văn Lãng, Nguyễn Thắng Tường lại tách ra những năm 1890, họ Lê Văn Thắc, Lê Cận Viễn tách ra từ năm 1930, họ Trần Đình Xích, Trần Văn Chấn tách ra từ năm 1970, họ Trần Đình Phán, Trần Đình Phan tách ra từ năm 1970. 
Theo các tài liệu thư tịch Gia Phả của các dòng họ thì từ khi lập làng trong vòng hơn tám trăm năm, Diêm Phố - Ngư Lộc về đường làm quan có hai ông, ngoài ông Chu Hữu Ngạn, còn có ông Đặng Kim Giám tiến thân Thuận Đại Phu, giữ chức Đề Án Sát Quảng Bình. Ông sinh giờ Thân (3-4 giờ ngày 21-6 năm Bính Thìn,1796) ông mất giờ Thân 4 - 5 giờ chiều ngày 14-3 năm Đinh Tỵ (năm Thiệu trị 1844).
Về việc học, dân Diêm Phố khởi nghiệp làm nghề đánh cá và làm muối, không chú ý đến học hành chữ nghĩa. Suốt thời kỳ phong kiến có ông Hoàng Khánh Dư đỗ hương cống, năm Mậu Tý (1768 ) thời Cảnh Hưng 29, ông Nguyễn Công Bản đỗ cử nhân năm Vĩnh Thịnh 1711-1720, ông Đặng Kim Giám, đỗ cử nhân năm Tân Tỵ 1821 Minh Mạng, ông Bùi Công Vinh, ông Đồng Bá Nghiêm, ông Phạm Xuân Thục, ông Nguyễn Đình Tường, ông Từ Phúc Thiện, ông Bùi Đình Hàm, đều là sinh đồ. 
Việc học hành của bà con Diêm Phố thời phong kiến không được chú trọng có lẽ do cuộc sống lam lũ, vất vả của người dân làm nghề cá, muối. Người ta nhọc nhằn kiếm miếng ăn chưa xong lấy đâu điều kiện để con cái học hành. Chỉ đến những năm cách mạng thành công, việc học hành ở Diêm Phố mới được chấn hưng. Nhiều dòng họ đã tập trung cho việc học và nhiều gia đình con cháu đã học hành thành đạt. 
Đất Diêm Phố sau nhiều năm biển xâm thực, giờ đã lùi vào đất liền. Người Diêm Phố sau hơn tám trăm năm lập và dựng làng (theo gia phả các họ mạc) đã thành xã Ngư Lộc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Dân quê tôi có giọng nói nặng trịch đặc trưng của những người vùng biển. Đàn bà Ngư Lộc có dáng đi gấp gáp của những người chuyên hối hả tiễn chồng buổi đi khơi, ngày xưa những bàn chân phụ nữ thường chúm chím như chân chim vì phải gánh cá chạy qua những cồn cát nóng bỏng. Những người đàn ông thì da bàn chân, bàn tay cứ dày như vỏ cam sành vì quanh năm chèo kéo trên biển. Dân Ngư Lộc quê tôi đàn bà cũng như đàn ông, người ta nhìn mây mà biết được sức gió ngày tới, nhìn mặt biển mà có thể đoán biết tôm cá ngày tới dày hay mỏng. Những người đi biển thuộc đáy biển như thuộc lòng bàn tay mình. Tôi nhớ ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, làng tôi nổi danh với nghề đánh cá biển với những kỹ thuật kỳ cựu vang bóng một thời như ông Thắng Tường, ông chủ nhiệm Minh Du. Các ông từng đánh một mẻ lưới cho thuyền bè nhiều nơi đến chở cá. Nhưng nghề đi biển quê tôi từng trải qua những biến cố khủng khiếp. Trong dân gian có câu: Sinh ư nghệ, tử ư nghệ. Hầu như năm nào cũng có những con thuyền gặp bão. Trong lịch sử của làng Diêm Phố còn ghi rõ, năm 1931 (năm Tân Mùi) trận bão giữa tháng 7 làm chết 344 người. Những năm sau cả làng làm giỗ chung vào ngày tang thương đó. Bây giờ làng có lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố đã được bộ Văn hóa công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, hàng năm làng tổ chức lễ hội vào giữa tháng 2 âm lịch. Thực ra từ những năm trước, làng vẫn tổ chức lễ cầu Mát, cầu Ngư. Cầu Mát là cầu cho mưa thuận gió hòa, người ta cầu các Nhiên Thần, gồm (Thần Mây, Thần Gió, Thần Sấm, Thần Chớp) còn cầu Ngư chỉ là cầu cho cá nhiều đấy thôi. Nhưng năm nào cũng cầu đấy, cũng làm thuyền Long Châu tẩy ra biển đấy, thế mà nhiều năm gần đây, tàu thuyền vẫn gặp bão. Tôi nhớ năm gần đây, năm 1996, cơn bão só 7 cướp đi của Ngư Lộc gần năm chục người. Có gia đình chết tới hai, ba bố con, như nhà anh Don ở xóm Lộc, nhà ông Cổ ở xóm Trung. Cả huyện Hậu Lộc, các xã biển trong cơn bão ấy chết gần 200 người. Cố nhà văn Kiều Vượng trong bài bút ký đăng báo Văn nghệ lần đó viết: Thảm họa Hậu Lộc.
Những năm gần đây do chính sách ứng cứu bão lụt của Đảng và Nhà nước được tăng cường, tin tức dự báo bão khá kịp thời qua các phương tiện thông tin báo đài, vì thế những người ngư dân quê tôi yên tâm ra khơi hơn.
Những năm gần đây, cũng nhờ vào chính sách của Đảng và Nhà nước, nghề cá phát triển vì sự tự lực của dân và có sức giúp đỡ cho vay vốn của các ngân hàng, nhưng riêng chương trình đánh cá xa bờ thì bị thất bại, thất bại do vấn đề lợi ích nhóm. Từ chính sách có lợi cho dân, nên một số người là cán bộ địa phương đã lợi dụng cho người nhà, những người không thuần thục nghề đi biển làm dự án, được dự án (tôi đã từng phản ánh trong bài ký: Tiền chùa trước đây) vì thế chương trình đánh bắt xa bờ hoàn toàn thất bại.
Nhưng dân quê tôi kiên gan lắm. Cứ sau những lần bão tố, sau những sang chấn dù là do thiên nhiên hay do chiến tranh, cũng chỉ coi là thử thách để đứng dậy. Ngay từ những năm đánh Pháp, tàu chiến của địch từng đậu từ ngoài khơi bắn pháo vào làng tôi, bắn cả những con thuyền đánh cá. Hồi chiến tranh chống Mỹ ngay ngày 5-8-1964, giặc Mỹ bắn phá quê tôi. Những chị Vi, anh Toản, anh Quý, anh Viễn đã là những dân quân trực tiếp tham gia bắn máy bay trong trận Lạch Trường, hòn Nẹ lịch sử. Rồi đánh Mỹ, xã tôi tiễn mấy trăm thanh niên ra mặt trận, nhiều đoàn thuyền đánh cá quê tôi tham gia chuyên chở lương thực vào tận Quảng Bình, Vĩnh Linh. Sau chiến tranh chống Mỹ, xã có tới 174 liệt sĩ, 54 thương binh. Nhiều chị là phụ nữ suốt thời đánh giặc nuôi con, chờ chồng, khi chồng hi sinh thì thủ tiết ở vậy. Nhiều người lính hoàn thành nhiệm vụ trở về xây dựng quê hương như anh Hoa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, anh Hoan, Trạm trưởng trạm xá xã. Cái xã Ngư Lộc của tôi có tới gần hai chục nghìn người sống trên mảnh đất gần 1 km2, nhiều năm dịch bệnh tràn lan, người trạm trưởng như anh Hoan đã vững vàng chống chọi cho những cơn bệnh đi qua như những lần đánh trận.
Quê tôi là vậy. Sóng gió bão tố vẫn thường trực bên bờ biển. Con người vẫn vượt lên trong gian khó. Từ khi đổi mới, làng Diêm Phố xưa và Ngư Lộc nay đã có nhiều thay đổi. Mỗi năm tàu thuyền thêm máy móc mới, cá tôm nhiều thêm. Việc học hành ngày nay đã có các tổ chức từ họ hàng, làng xã quan tâm khuyến khích, mỗi năm Ngư Lộc có thêm nhiều em vào đại học.
Một buổi sáng mùa hè, tôi đứng trên con đê làng, con đê xây lát bằng xi măng do chương trình chống xâm thực của Đảng và Nhà nước. Trước mặt tôi là biển cả mênh mông, mặt trời vừa nhô lên khỏi ngấn nước biển xanh thẳm, sóng vẫn vỗ vào bờ đê ăm ắp, dạt dào. Những con tàu đang nổ máy ra khơi. Tiếng máy tàu râm ran xen trong tiếng sóng vỗ. Ngoài khơi đàn hải âu đang chấp chới bay như đón chào những ngư dân thô ráp và trần trụi bước vào một ngày mới trên biển rộng.
                                    

NGUYỄN VĂN ĐỆ  


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 143
 Hôm nay: 1266
 Tổng số truy cập: 8917368
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa