QUỲNH THƠM
Hạn hán, thiên tai đang ngày càng khiến những tài nguyên thiên nhiên bị mất đi. Ấy là khi chứng kiến những động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng, ấy là những mỏ quặng bị khai thác cạn kiệt, là những nạn đào vét cát đến trống rỗng lòng sông, đặc biệt và nguy hại hơn là nạn chặt phá rừng, những lâm tặc ngang nhiên hoạt động một cách liều lĩnh và công khai. Tất cả những điều đó khiến con người của hiện tại và tương lai đối diện với chất lượng không khí, nước giảm, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, xói lở đất. Nặng lòng với rừng, gắn bó cả cuộc đời với rừng, đau lòng khi chứng kiến từng mảng rừng trở nên trọc trơ, không ai khác là những người làm công tác bảo vệ rừng, những người làm công tác kiểm lâm ngày đêm lặng lẽ giữ từng cây xanh, từng mét đất rừng.
Những ngày hè sóng sánh nắng vàng, tôi trở lại Vườn Quốc gia Bến En - nơi được đánh giá là một trong những Vườn Quốc gia có tính đa dạng sinh học cao của Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung. Với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, Bến En đã trở thành “mái nhà xanh” cho muôn loài khi nơi đây đang hiện ghi nhận sự tồn tại của 1.536 loài động vật rừng, thuộc 312 họ, 1.018 chi, với những loài quý hiếm đã được liệt kê vào Sách đỏ Việt Nam như: Bò tót, báo lửa, vượn bạc má, khỉ mặt đỏ, rùa núi vàng,... Người xưa nói “Đất lành, chim đậu”, nơi đây đã trở thành nơi quần tụ, sinh sôi của hơn 200 loài chim. Bên cạnh đó, hệ thực vật của Vườn cũng vô cùng phong phú, gồm có 1.417 loài thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao (có mạch), với nhiều loài quý hiếm như: Sao Hải Nam, chò đãi, trầm hương,… Đặc biệt, Vườn cũng là trung tâm phân bổ của giống lim xanh đặc hữu nổi tiếng Việt Nam, có cây lim xanh ngàn năm tuổi, như minh chứng cho sức sống trường tồn cùng thời gian. Rừng Bến En còn có trên 300 loài cây dược liệu.
Để Bến En có vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ này, không thể không kể tới sắc xanh của những người kiểm lâm đang ngày đêm giữ rừng. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En xác định nhiệm vụ giữ màu xanh cho những tán rừng luôn là nhiệm vụ hàng đầu, góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Vườn có 8 trạm kiểm lâm và 1 tổ Cơ động - PCCCR. Với tổng diện tích tự nhiên quản lý là 14.305,09 héc ta, gồm 18 tiểu khu, lại trải dài trên hai huyện Như Thanh và Như Xuân nên công tác bảo vệ rừng của cán bộ kiểm lâm nơi đây gặp nhiều khó khăn. Ngày thường tại Vườn đã có cán bộ kiểm lâm phải dựng lán “cắm chốt” sống giữa rừng sâu để đảm bảo công tác tuần tra. Rồi cũng có anh, một mình tình nguyện dựng lán trại giữa hòn đảo, sinh sống như Robinson. Do địa bàn hầu hết các trạm của Vườn đều nằm cách xa trung tâm, đường đi lại khó khăn, nên điều kiện sinh hoạt của cán bộ kiểm lâm ở đây rất thiếu thốn. Các trạm gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Việc cập nhật tin tức thời sự và sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn, vì điện chỉ đủ thắp sáng, sóng radio chập chờn, sóng điện thoại thỉnh thoảng lại “tò toe, tò te tý…” do địa hình đồi núi cao chia cắt…
“Trăm nghe không bằng mắt thấy”, để giúp chúng tôi hiểu hơn về công việc và cuộc sống của những người lính kiểm lâm nơi đây, dù bận rộn công việc nhưng anh Lê Công Cường - Giám đốc Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cùng với cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Bến En vẫn cất công đưa chúng tôi đến thăm Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc. Bởi như lời anh Cường “Muốn tìm hiểu về kiểm lâm Bến En, không thể không đến thăm Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc (trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt). Đây là trạm nằm sâu nhất, khó khăn nhất, vất vả nhất; và cũng là trạm duy nhất không có dân sinh sống”.
Từ đập Mẩy vào Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc có nhanh cũng mất gần tiếng đồng hồ đi bằng thuyền máy. Cái cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng, quyến rũ của dòng sông Mực tĩnh lặng, xanh biếc quanh năm, nằm uốn lượn giữa bao la núi rừng. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ: “Em đưa anh lướt Bến En xanh mướt/ Thuyền em cong tựa như mảnh trăng ngân/ Rừng, cây, gió, trăng, sao, trời, mây, nước/ Sóng vồng lên những vồng ngực nõn ngần”. Chuyện kể rằng, từ thuở hồng hoang có một chàng Mực, con trai Long Vương ngược theo dòng nước từ biển Đông bơi sâu vào đất liền dạo chơi, ngắm cảnh. Mải mê rong chơi trước cảnh sắc núi non hùng vĩ, quên mất giờ về nên khi thủy triều rút, chàng Mực bị mắc cạn tại đây. Không thể trở về biển khơi, nhớ thương quê hương chàng khóc thảm thiết rồi nằm chết giữa đại ngàn xanh thẳm. Nước mắt nhớ thương, hối hận của chàng trai đã “nhuộm” xanh cả một khúc sông, nơi đó chính là sông Mực. Nơi chàng vùng vẫy tạo thành hồ sâu và những tua mực là những dòng suối nhỏ. Chúng tôi được nghe chị hướng dẫn viên xinh đẹp, duyên dáng tên Thủy giới thiệu về Khu du lịch sinh thái Bến En với những huyền thoại, truyền thuyết ly kì, lý giải về những tên gọi của các hòn đảo. Lúc này, chúng tôi mới có dịp được khám phá và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của Bến En, được ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với vẻ đẹp lung linh của 21 hòn đảo lớn nhỏ nổi trên biển nước như: đảo Tình Yêu, đảo Vợ - Chồng, đảo Hy Vọng,... mỗi hòn đảo đều mang một màu xanh thẳm soi bóng tạo nên những bức tranh thủy mặc đẹp đến ngỡ ngàng.
Bến En, lá phổi xanh khổng lồ cho một vùng rộng lớn miền Tây Nam Thanh Hóa. Rừng ở đây chủ yếu là dạng rừng tự nhiên vùng núi thấp, nhiệt đới ẩm, rừng thứ sinh trên núi đá vôi hay rừng thứ sinh sau khai thác trên núi đất. Theo năm tháng rừng Bến En đang góp thêm nhiều “lão cây” bởi địa y mọc đầy trên thân nó. Rừng đang trở nên âm u, huyền bí, sẽ thiêng khi thần rừng về đây ngự trị. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, những kẻ nhẫn tâm chặt cây, phá rừng, săn bắn thú rừng sẽ bị thần rừng trừng trị. Để có một Bến En xanh ngút ngàn, một Bến En bình yên như vậy, phía sau là cả một cuộc chiến giữ rừng đầy cam go, khốc liệt. Nhất là ở những năm chín mươi, công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây đặc biệt khó khăn, gian khổ. Nhiều đồng chí đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, xa gia đình, xa người thân, đối mặt với hiểm nguy và sự chống trả quyết liệt của lâm tặc, ngày đêm gắn bó với rừng để bảo vệ tài nguyên rừng. Nhiều đồng chí đã phải đánh đổi cả xương máu trong cuộc chiến giữ rừng, tên tuổi các anh được Nhà nước ghi danh, đó là các liệt sỹ: Đỗ Văn Vận, Nguyễn Văn Việt và rất nhiều các cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm khác của đơn vị bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Mồ hôi, máu và nước mắt của những người giữ rừng đã đổ xuống để tô thắm màu xanh của rừng Bến En, để những mầm cây vươn chồi nảy lộc, để hoa đua nhau khoe sắc, muông thú reo ca. Và trên hành trình giữ màu xanh bình yên ấy, những bước chân tuần tra của những người lính kiểm lâm thời nay chưa bao giờ mỏi…
Dưới nắng vàng sóng sánh, thuyền chúng tôi trôi giữa đại ngàn. Giữa không gian tĩnh lặng ấy, thời gian như chậm lại, chỉ còn tiếng sóng, tiếng gió… Mặc cho cái nắng sạm màu da, gió tung bay làn tóc rối, tôi miên man trôi theo dòng cảm xúc bất tận. “Nhà báo đến Bến En nhiều lần chưa?” - giọng nói trầm ấm cất lên của anh kiểm lâm ngồi kế bên như kéo tôi về thực tại. Người kiểm lâm ấy là anh Lữ Trọng Hân, quê gốc ở Hà Trung. Trong trang phục màu xanh của lính kiểm lâm, anh Hân gây ấn tượng với tôi bởi nước da trắng và nụ cười tỏa nắng. Từ nhỏ, anh Hân đã được truyền tình yêu núi rừng, cây cỏ, chim muông từ người bố, người chú là những người lính kiểm lâm. Lớn lên, anh quyết nối nghiệp cha chú bằng việc quyết tâm thi đỗ vào Đại học Lâm nghiệp. Tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Khu Bảo tồn Pù Hu (thuộc địa phận huyện Quan Hóa - Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) từ năm 1999. Đến năm 2011 anh công tác tại Vườn Quốc gia Bến En, giữ chức Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Xuân Lý. Từ năm 2019 đến nay, anh giữ chức Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm cơ động - PCCCR.
Những ngày đầu nhận công tác tại Vườn Quốc gia Bến En, anh Hân được phân công nhiệm vụ trực chốt, vị trí cách đất liền hàng chục ki lô mét. Tại vị trí trực chốt, phía trên là núi dựng, phía dưới là biển nước mênh mông. Hồi đó, sóng điện thoại chưa có, việc duy nhất mà lính kiểm lâm có thể làm là đối diện với chính mình và nỗi sợ hãi giữa muôn trùng sóng nước. Nhiều khi anh chỉ mong cho hết ngày để được vào đất liền trò chuyện với anh em cho đỡ nhớ...
- Phải nói rằng cảnh ở đây đẹp, cái đẹp mênh mang, nhưng lại khiến con người ta thấy cô đơn, buồn và bâng khuâng đến khó tả, anh nhỉ?
Anh nheo nheo mắt hướng về phía cánh rừng bạt ngàn xanh thâm u và huyền bí, nhớ lại vụ việc diễn ra cách đây bốn năm về trước. Khoảng thời gian vào tháng 9 năm 2020, sau khi nắm bắt được thông tin từ người dân địa phương báo về, có một nhóm đối tượng đưa cưa xăng vào khai thác gỗ ở khu vực rừng thuộc quản lý của Trạm kiểm lâm Xuân Thái. Anh Hân cùng với 5 anh em kiểm lâm trong tổ và Trạm Kiểm lâm Xuân Thái lên kế hoạch chia làm 3 tuyến mai phục tại các cung đường mà đối tượng có thể vận chuyển gỗ qua. Tầm bảy giờ tối, khi bóng đen bao trùm lên khắp không gian rừng núi, các kiểm lâm nằm mai phục, nghe ngóng tình hình. Nhưng đợi mãi đến hơn mười giờ tối mà không thấy tăm hơi bọn chúng đâu, chỉ nghe thấy tiếng xào xạc của lá rừng, tiếng côn trùng rả rích… những thanh âm chốn đại ngàn thâm u, huyền bí. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Hân nhận định thông tin đã bị lộ, các đối tượng ranh mãnh đã theo dõi từ trạm và biết được các anh sẽ đi bắt bọn chúng nên đã tạm dừng kế hoạch. Không để các đối tượng dễ dàng lọt lưới, anh Hân bàn bạc kế hoạch với anh em kiểm lâm làm động tác giả rút quân về đơn vị. Và chỉ hơn một tiếng sau đó, các anh kiểm lâm nhanh chóng quay lại nằm mật phục. Chốn rừng núi thâm u, tịch mịch, màn đêm nuốt chửng không gian, đom đóm lập lòe, muỗi rừng bốc nắm, những con vắt đói đánh hơi người nhảy tanh tách, rắn rết hù dọa… Sương đêm buông xuống lành lạnh ướt đẫm đôi vai người lính kiểm lâm. Cơn đói, cơn buồn ngủ kéo đến. Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng… trôi qua trong chờ đợi. Không nằm ngoài dự đoán của anh em kiểm lâm, tầm ba giờ sáng, các đối tượng đã vào rừng để vận chuyển gỗ khai thác về. Chúng không thể ngờ rằng bọn chúng đã bị sập bẫy của kiểm lâm. Sự xuất hiện bất ngờ của các kiểm lâm giữa màn đêm đen đặc với thứ ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn pin đã khiến các đối tượng một phen kinh hồn bạt vía. Nhưng giống như những con thú dữ, khi bị sập bẫy nó sẽ càng tỏ ra điên tiết, liều lĩnh hơn bao giờ hết, những đối tượng hung hăng chống trả lại lực lượng kiểm lâm. Nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm và có sự chuẩn bị từ trước, các kiểm lâm đã áp sát và nhanh chóng bắt giữ các đối tượng.
“Nghề kiểm lâm quả là một nghề nguy hiểm anh nhỉ?”. Nghe câu hỏi của tôi, anh Hân nhoẻn miệng cười. Nụ cười nhẹ tan trong gió. Anh tâm sự: “Ngay từ khi gắn bó với nghề, anh em kiểm lâm chúng tôi đã xác định tư tưởng. Khi đối mặt với lâm tặc, ở những thời khắc sinh, tử mình phải giữ được mạng sống của mình thì mới mong giữ được rừng. Do vậy, cán bộ kiểm lâm phải rất khéo léo, đánh vào tâm lý đối tượng làm giảm tính hung hăng của chúng. Tiếp đó là tìm cách phát tín hiệu để đồng đội ứng cứu. Trường hợp lâm tặc quá manh động thì buộc phải sử dụng công cụ hỗ trợ để tự vệ”. Gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui của không chỉ riêng anh Hân mà là của hầu hết anh em kiểm lâm.
Cung đường đến với Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc như ngắn lại bởi những câu chuyện nghề, chuyện đời được chia sẻ bằng sự cảm thông, thấu hiểu và ngưỡng mộ. Cuối cùng, Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc cũng dần hiện hữu trong mù sương mỏng từ mặt nước bốc lên. Cả một không gian rộng lớn, tĩnh lặng đến tê lòng, khác hẳn với sự ồn ào, tấp nập của phố thị. Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc nằm gối mình trên sườn núi hoang vắng. Phía dưới là dải đất hẹp chỉ đủ để bố trí một trạm gác khoảng hơn hai trăm mét vuông. Cách trạm gác vài bước chân là có thể chạm tới mặt nước mênh mông, sâu hoắm.
Ở Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc chỉ có 3 cán bộ kiểm lâm là Trạm trưởng Lê Hồng Quân, các kiểm lâm viên Nguyễn Văn Bằng và Nguyễn Văn Chinh. Quân số ít ỏi, trong khi diện tích rừng được giao quản lý lên tới hơn 1.500 héc ta. Nếu bỏ tuần tra ngày nào thì an ninh rừng bị đe dọa ngày đó. Bởi thế chiếc ba lô đựng toàn quần áo, lương khô, gạo, xoang nồi, nặng hơn chục ki lô gam được xem là “bảo bối” của lính kiểm lâm mỗi khi đi tuần tra rừng.
Khi chúng tôi đến đây, ấy cũng là lúc các cán bộ kiểm lâm của trạm vừa trở về sau chuyến tuần tra khoảng 15 cây số đường rừng trong suốt hơn 5 tiếng đồng hồ. Gương mặt ai cũng lộ rõ vẻ bơ phờ, mệt mỏi nhưng họ vẫn luôn tươi cười với chúng tôi.
- Đi tuần rừng có vất vả lắm không anh? - Tôi hỏi.
- Bám rừng là công việc thường ngày của chúng tôi. “Ăn trong rừng, ngủ tại rừng” mãi cũng thành quen - Anh Bằng vừa nói vừa lấy tay áo gạt mồ hôi chảy thành dòng trên mặt.
Trông dáng người mảnh khảnh nhưng anh Bằng lại được mệnh danh là “báo rừng” về độ gan lì và số giờ chinh phục đường rừng. Ở Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc, anh là người kỳ cựu nhất với thâm niên hơn bảy năm gắn bó với nơi đây. Khi được hỏi về công việc của mình, những người lính kiểm lâm rất kiệm lời về những cực nhọc, nguy hiểm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nhưng tôi biết, hoạt động tuần tra rừng của các anh kiểm lâm khá vất vả. Với địa hình chia cắt bởi đồi núi, sông nước, và rất nhiều lối ra vào rừng thì đây là địa bàn vô cùng khó khăn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là việc tuần tra của cán bộ kiểm lâm nơi đây. Trời nắng thì còn đỡ, chứ những hôm mưa gió, giá rét khó khăn càng trở nên gấp bội. Những hôm mưa gió bất ngờ, các anh phải căng bạt ngủ lại trong rừng, ăn lương khô, uống nước suối. Đó là chưa kể việc bị muỗi đốt, vắt cắn, thậm chí cả rắn, rết, ong rừng. Lâm tặc hay lợi dụng thời tiết xấu để xâm nhập, vì vậy càng những hôm thời tiết bất lợi, thì anh em lại càng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát hơn, bởi chẳng may có những sự cố xảy ra còn kịp thời xử lý.
Mùa mưa lũ là mùa vất vả, khổ cực nhất đối với những cán bộ kiểm lâm nơi đây. Năm nào Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc cũng phải sống chung với mưa lũ, nước lớn dâng ngập cả tháng trời. Anh Bằng đưa tay chỉ về mảng tường hoen ố, còn hằn nguyên vết rêu mốc bởi trận lũ dữ bất ngờ ập đến trong đêm tối mịt mùng cách đây ít năm. Những ngày mưa to triền miên khiến lòng nước hồ sông Mực dâng cao. Dòng nước lũ đục ngầu dâng cao cuốn trôi tất cả đồ đạc, tài sản cá nhân của cán bộ trạm. Trong tình thế sinh, tử, các anh trong trạm phải tức tốc sơ tán gấp trong đêm tối, leo lên bục gác để thoát thân. Những ngày nước lũ dâng cao, họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Lương thực dự trữ cạn kiệt dần mà họ không thể di chuyển xuồng ra ngoài để mua lương thực, thực phẩm. Họ buông lưới kéo cá, bắt tôm, bắt ốc ngoài hồ; hái rau rừng, đào củ chuối trong rừng ăn… chờ đợi những ngày nước rút dần.
Cuộc sống của những người kiểm lâm ở đây khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc mới có điện (dùng pin năng lượng mặt trời) cách đây chưa lâu. Nói là điện cho oai, chứ điện cũng phập phù lắm! Loại năng lượng này chỉ đủ dùng để xem tivi và thắp sáng, sạc điện thoại. Cậu kiểm lâm trẻ Nguyễn Văn Chinh vội khoe với tôi, năm ngoái trạm được cấp trên cấp cho một chiếc tivi màu để anh em cải thiện đời sống tinh thần. Dường như, đó chính là món đồ quý giá nhất đại diện cho đời sống văn minh len lỏi đến chốn này.
Ở Vườn Quốc gia Bến En, mọi sinh hoạt của cán bộ hầu như phải tự túc từ A-Z. Ở các trạm ngoài đảo, cán bộ kiểm lâm được luân phiên nghỉ (cán bộ trạm được nghỉ 6 ngày/tháng). Thời gian nghỉ cán bộ kiểm lâm tranh thủ về thăm gia đình, và chuẩn bị đồ ăn để tích trữ. Đồ ăn chủ yếu là đồ khô như cá khô, lạc, muối vừng,... Thi thoảng cán bộ được cải thiện bằng ít đồ tươi như cá, tôm, gà, toàn bộ là đồ “của nhà trồng được”.
Nắng xuyên mây chiếu xuống mặt hồ sáng như gương. Tôi lang thang dạo một vòng quanh Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc. Tôi vừa đi vừa miên man những dòng suy nghĩ. Bước chân của tôi chợt khững lại, khi trước mặt tôi là một người lính kiểm lâm với dáng người cao cao, nước da ngăm đen rắn rỏi. Anh đứng đó, đôi mắt đắm đuối nhìn về khắp cánh rừng bấy lâu nay mình gắn bó. Cây vẫn xanh, muôn loài chim vẫn gióng lên khúc ca đại ngàn. Những thanh âm quen thuộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người lính kiểm lâm làm nhiệm vụ canh gác cho sự bình yên của rừng. Người lính kiểm lâm ấy là anh Lê Tiến Tới, 50 tuổi, người con của mảnh đất Như Thanh. Anh Tới nguyên là trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc, mới được điều chuyển về làm Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Xuân Bái vào tháng 10-2023. Dù cuộc sống ở Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc bao khó khăn, thiếu thốn nhưng anh đã quen với cuộc sống nơi đây. Tình yêu núi rừng qua năm tháng cứ lớn dần trong trái tim anh. Ở Điện Ngọc, anh Bằng và anh Tới cũng từng có cơ hội về xuôi theo chế độ luân chuyển của ngành nhưng các anh quyết định ở lại vì trót say mê vẻ đẹp của Bến En, và cũng bởi quá quen với cuộc sống chốn rừng sâu này. Anh Tới, mãi đến tận khi cậu con trai độc nhất, đang học năm thứ ba Đại học Bách Khoa Hà Nội, bị mất vì tai nạn giao thông, anh em cán bộ Vườn động viên mãi anh mới chịu chuyển về Trạm Kiểm lâm Xuân Bái. Mỗi khi nhớ Điện Ngọc, có cơ hội anh lại tìm về đây như tìm về chốn thân quen, thân thương nhất. Nơi đây có những con người nguyện hi sinh cả tuổi thanh xuân để canh giữ bình yên cho đại ngàn.
Ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này thời gian như trôi chậm lại, tĩnh lặng đến buồn bã. Sống giữa chốn rừng sâu thâm u, xa bè bạn, xa người thân, chịu đựng sự đơn điệu, nhàm chán, buồn tẻ; thử thách ấy chẳng kém gì ăn đói, mặc rét. Vậy mà bao năm qua, các anh kiểm lâm vẫn sống và làm việc như thế, có mấy ai biết được sự hi sinh lặng thầm của họ. Những kiểm lâm viên nơi đây xác định, khi đã yêu và đến với rừng thì đã sẵn sàng làm “người rừng”. Sẵn sàng sống lâu trong rừng làm nhiệm vụ, sẵn sàng nhiều ngày liên tiếp chẳng được tiếp xúc với con người, với xã hội bên ngoài, sẵn sàng giống như những cây cỏ hoang nhỏ bé, thấp li ti dưới đáy tán rừng, có cây cỏ khi cả đời không thấy ánh hào quang của mặt trời. Dù có đôi lúc những người lính kiểm lâm đều có những giây phút thấy lòng mình chùng lại vì những điều rất riêng tư trong tâm hồn. Nhưng trên hết, vẫn là tình yêu với rừng xanh; niềm vui, tự hào nhất với họ có lẽ là khi được ngắm nhìn màu xanh trải dài trên những sườn đồi, được lắng nghe tiếng rì rào khẽ hát của những tán cây xanh, lắng nghe muông thú reo ca…
Vẻ đẹp của non nước mây trời, của đại ngàn, của sắc xanh màu áo kiểm lâm, tất cả đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng của Bến En mà không phải nơi nào cũng có được. Trên đường trở về, anh Lê Công Cường chia sẻ, tổng diện tích tự nhiên thuộc Vườn Quốc gia Bến En quản lý hơn 14.000 héc ta, trong đó có khoảng 3.000 héc ta diện tích mặt nước và 21 hòn đảo lớn nhỏ. Cả Vườn có 30 cán bộ “trực chiến”, bình quân mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý khoảng 400 đến 500 héc ta. Vì thế, nếu không được người dân chung sức, đồng lòng giữ rừng thì lực lượng kiểm lâm có đông đến mấy, có căng mình ra làm việc thì cũng rất khó khăn, vất vả.
Dưới tán rừng của Vườn Quốc gia Bến En có những con người nguyện gắn mình với màu xanh của rừng, dù còn bao thiếu thốn, vất vả và những hiểm nguy rình rập. Có biết bao niềm vui, nỗi buồn, trăn trở không phải ai cũng hiểu, để rồi những câu chuyện của họ kể ra cứ phảng phất những nét suy tư. Tôi cứ suy nghĩ mãi trước những trăn trở của anh Cường: “Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng làm việc trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhất là ở các chốt chặn sâu trong rừng; luôn phải đối mặt với sự tấn công, đe dọa của các đối tượng vi phạm. Họ cũng phải thường xuyên sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình. Trong khi đó, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chưa tương xứng nhiệm vụ, trách nhiệm của người giữ rừng…”. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, giữ rừng sẽ dành phần ai? Nhưng giữ rừng gian khổ, đầy áp lực, trách nhiệm nặng nề nhưng thu nhập không lo nổi chuyện ăn, học của những đứa con thì sẽ nhân lên gian khổ. Thật khó giữ rừng toàn vẹn, nếu lực lượng kiểm lâm không được bảo đảm các quyền lợi chính đáng? Về lâu dài, để giải bài toán giữ rừng và “giữ chân” người bảo vệ rừng, các cấp Trung ương, Bộ, Ngành liên quan cần quan tâm đến chế độ, chính sách cho lực lượng trực tiếp quản lý và bảo vệ rừng, vì đây là lực lượng trực tiếp giữ rừng, bảo vệ “tận gốc” tài nguyên rừng.
Nơi mồ hôi của những người giữ rừng rơi xuống, những mầm xanh đâm chồi nảy lộc. Sự sống vươn lên mạnh mẽ từ những nhọc nhằn, vất vả của những người ngày đêm canh giữ bình yên cho rừng. Tạm biệt anh em kiểm lâm, tạm biệt những cánh rừng xanh ngút ngàn với bao điều bí ẩn, tôi trở về chốn phố phường sầm uất, xô bồ trong tâm trạng bâng khuâng, xuyến xao như vừa giã từ những người thân yêu, chưa biết khi nào gặp lại. Bóng núi với hàng triệu cây quý hiếm vẫn ôm trọn những người lính kiểm lâm, đặt lên vai họ trọng trách lớn lao. Hầu hết anh em kiểm lâm tôi gặp chưa kịp biết danh tính nhưng đã để lại trong tôi tình cảm thương mến, quý trọng và cả sự biết ơn họ bởi ở họ cháy bỏng một tình yêu rừng, một bản lĩnh sống kiên cường và trách nhiệm đáng khâm phục. Họ - những người giữ rừng thầm lặng để Bến En mãi xanh!
Q.T