Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Viên ngọc xanh giữa đại ngàn (Ghi chép)
Viên ngọc xanh giữa đại ngàn (Ghi chép)

 LÊ TRANG  

Bến En mê hoặc tôi bởi vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng. Mỗi lần đến Bến En, trong tôi lại có những cảm xúc khác nhau nhưng thú vị nhất vẫn là được ngắm quang cảnh nơi đây, được hòa mình vào thiên nhiên với cảnh sắc non nước mây trời diệu vợi. Trời xanh cứ se sắt quện vào hơi thở cổ kính, trầm mặc và thiêng liêng của Bến En khiến tôi nao lòng. Tôi hiểu tại sao Bến En được ví là “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn. “Viên ngọc xanh ấy” ngày càng làm khách du lịch say đắm, là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ.
Năm 1992, Vườn Quốc gia Bến En được thành lập với nhiệm vụ chính là bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh trên núi đất đai thấp đại diện cho hệ sinh thái Bắc Trường Sơn Việt Nam. Vườn nằm trên địa bàn 2 huyện Như Xuân và Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa). Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay Vườn Quốc gia Bến En có tổng diện tích tự nhiên quản lý là 14.305,09 hecta trong đó hơn một nửa là rừng thứ sinh với hệ động thực vật đa dạng, phong phú, bao gồm 18 tiểu khu. Phía Bắc giáp xã Hải Long, Xuân Khang huyện Như Thanh. Phía Đông giáp Thị trấn Bến Sung, xã Xuân Phúc huyện Như Thanh. Phía Nam giáp xã Xuân Bình, Xuân Hòa huyện Như Xuân và xã Xuân Thái huyện Như Thanh. Phía Tây giáp xã Tân Bình, Bình Lương, Hóa Quỳ huyện Như Xuân. Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vị trí nằm gần các trung tâm kinh tế, du lịch lớn của tỉnh, thuận lợi về giao thông, Vườn Quốc gia Bến En được xác định sẽ trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
Để khai thác tốt tiềm năng du lịch của Vườn Quốc gia Bến En, tháng 4 - 2016 Sun group đầu tư Dự án “Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En” tại huyện Như Thanh trên tổng diện tích 1492 hecta, chia thành 2 khu vực bao gồm: khu vực tự nhiên và khu vực sinh hoạt văn hóa, tổng số vốn đầu tư 9900 tỷ đồng. Việc phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Bến En không chỉ góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn góp phần giữ vững an ninh rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, đoàn xe chúng tôi rong ruổi trên con đường đi uốn lượn qua những cánh rừng và những con suối chảy róc rách. Mỗi khúc cua đều mang theo nhiều điều bất ngờ mới, như những trang sách mở ra trước mắt. Khi đoàn tới Vườn Quốc gia Bến En, ai cũng có cảm xúc đặc biệt khi đắm đuối hồn mình vào cảnh sắc nơi đây. Đoàn chúng tôi lên một chiếc thuyền cao tốc chạy trên mặt hồ giữa lúc nắng vàng rực làm mặt nước lung linh, óng ánh đến mê hồn. Chiếc thuyền máy đưa chúng tôi xa bờ. Mặt hồ gió nhẹ, sóng lăn tăn. Các nhà văn, nhà thơ thỏa thích cười nói, mê mẩn ngắm nhìn cảnh hồ gợn sóng, các nhà nhiếp ảnh gia thi nhau ghi lại những hình ảnh sống động. Chiếc thuyền rẽ nước tung bọt trắng xóa làm xao động mặt hồ xen lẫn trong màu xanh ngút ngàn từ cây rừng trên các hòn đảo hắt xuống mặt nước. Cả một vùng hồ mênh mông, huyền ảo, làm mát lòng chúng tôi trong buổi du ngoạn quanh hồ đầy lý thú.
Anh Lê Công Cường, Giám đốc Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bến En mặc dù bận cho việc chuẩn bị đón khách trong dịp lễ 30/4 sắp tới, nhưng anh vẫn sắp xếp công việc để đi cùng chúng tôi. Anh Cường quê gốc ở huyện Đông Sơn, được điều về làm Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En tới nay đã gần hai năm, anh có nét mặt phúc hậu nhưng cương nghị, cái cương nghị của một người đứng đầu luôn đau đáu, trăn trở về sự phát triển của Vườn Quốc gia Bến En. Anh chia sẻ: “Bến En là kiệt tác được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất xứ Thanh. Khi về đây nhận công tác cảm nhận của tôi Bến En rất đẹp, một vẻ đẹp rất riêng mà không nơi nào có được. Hiện nay hệ sinh thái Vườn Quốc gia Bến En vô cùng phong phú có 1.417 loài thực vật thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao (có mạch), đây là trung tâm phân bổ của giống lim xanh đặc hữu nổi tiếng của Việt Nam. Đặc biệt tại đây còn giữ được cây lim mà dân bản địa gọi là “cây lim ngàn tuổi” với đường kính thân đạt trên 2 mét, được xem là “báu vật” của Vườn. Ngoài ra còn có các loài cây gỗ quý hiếm như: chò chỉ, vù hương, sến mật, vàng tâm, lát hoa… và những nhóm cây thân mềm như song, mây, giang, tre… cùng họ cây có dầu như trẩu, sến, màng tang, và trên 300 loài cây dược liệu. Hệ động vật rừng có 1.536 loài thuộc 1.018 chi, 312 họ, 53 bộ, 5 ngành. Trong đó gồm: 102 loài thú, 283 loài chim, 66 loài bò sát, 47 loài lưỡng cư, 97 loài cá, 50 loài động vật nổi, 163 loài động vật đáy và 728 loài côn trùng.
Nơi đây còn có nhiều loài động vật có tên trong sách Đỏ như: voi, bò tót, gấu ngựa, báo lửa, khỉ mặt đỏ, vượn bạc má, rùa vàng…”. Dù công việc bận rộn, có phần ngổn ngang và mệt nhọc nhưng đôi mắt anh Cường ánh lên niềm phấn khởi, giọng nói hồ hởi. Tôi nhận ra tình yêu của anh đối với Bến En đã ngấm vào máu thịt sâu đậm đến cỡ nào.
Ánh nắng chiếu xuống mặt hồ sông Mực như được thêu thêm vài sợi chỉ vàng lấp lánh. Không gian bát ngát, thoáng đãng và yên bình, bốn bề nước in bóng núi, núi soi mặt nước như đôi tình lữ đã gắn bó với nhau từ thuở tạo hóa nhào nặn nên non, nên nước. Thiên nhiên nơi đây nổi bật với hồ sông Mực rộng khoảng 3.000 hecta sâu hàng chục mét, là thủy vực sông Mực và 4 con suối lớn, đó là: suối Hận, suối Thổ, suối Cốc và suối Tây Tọn. Lòng hồ chứa 300 đến 400 triệu mét khối nước, tháng năm đi qua, biết mấy lần kiến tạo địa hình và thay đổi địa chất, vẫn thủy chung với vùng đất đại ngàn. Hay nó cũng quấn quýt chẳng thể rời hai mốt hòn đảo lớn nhỏ, được sắp đặt như một bàn cờ mà các quân cờ đã tạo ra thế “cờ tàn nghệ thuật”, với vẻ đẹp kinh ngạc mà người chơi đã tính toán hết đường đi nước bước để có một ván cờ đẹp? Sông Mực như tấm gương khổng lồ soi bóng các hòn đảo, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Ẩn hiện giữa sông nước là 21 hòn đảo với những tên gọi đậm chất trữ tình như: đảo Tình Yêu, đảo Vợ - Chồng, đảo Hạnh Phúc...
Con thuyền dừng lại tại đảo Thực Vật. Dường như ngay lập tức, chúng tôi bắt đầu công cuộc đi “khai phá” vùng đất mới mẻ này. Ánh nắng xuyên qua các tán lá tạo ra cho khu rừng một vẻ đẹp thật huyền bí. Khung cảnh hiện hữu của rừng tạo cho con người một cảm giác dễ chịu, dễ chịu đến lạ kỳ. Yên ả, thanh bình và lắng đọng, cảm thấy cuộc sống như chậm lại, thanh điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, an nhiên trải dọc trên đường đi. Trong rừng, thật vô vàn kỳ thú, đôi lúc tôi có thể giật thót mình bởi bỗng đâu hiện ra một “rừng bươm bướm”. Bầy bươm bướm đông đặc chen chúc nhau mà vẫy vẫy đôi cánh hoa đủ màu sắc sặc sỡ. Nhưng rồi tôi sẽ mau chóng quên đi bầy bươm bướm mê hoặc mà sững sờ trước vẻ hào phóng của thiên nhiên ban tặng khi thấy ngay trước mắt là một biển hồ với làn nước trong xanh, hòa với sắc xanh của mây trời. Tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Được sự giới thiệu của anh Cường, tôi gặp và trò chuyện cùng ông Lê Phúc Tiến. Ông Tiến năm nay gần 80 tuổi, người đàn ông tóc đã bạc trắng, thân hình gầy gò. Nét phong trần hiện rõ trên khuôn mặt, đôi mắt sáng và có nhiều nếp nhăn gợi chút ưu tư. Ông từng là Bí thư Chi bộ liên thôn dân tộc Kinh, Thái, Mường; Phó Chủ tịch nông lâm kiêm Trưởng ban chống tiêu cực phá rừng; Chủ nhiệm Hợp tác xã Hải Vân… Hơn 40 năm gắn bó với rừng Bến En, chẳng cất cho mình một bản thành tích hay dãy dài con số nào cả. Nhưng nếu nhìn lại những dấu mốc quan trọng, những thời điểm chứng kiến cả một vạt rừng xám xịt, hay những thời điểm trắng hếu trơ ra sau khi thu hoạch, lòng ông không khỏi rưng rưng xúc động khi trong màu xanh hôm nay có công sức đóng góp của mình từ mấy chục năm qua. Nghe ông kể về xứ sở của ông một cách say sưa, ngữ điệu đặc trưng có sức cuốn hút và truyền cảm, qua giọng nói của ông toát lên nội tâm của một người giàu cảm xúc và tràn đầy nghị lực. 
Theo lời của ông Tiến kể: “Cùng cả nước, rừng Bến En trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cam go, ác liệt. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài phục vụ kháng chiến, khiến chúng ta phải khai thác tài nguyên để xuất khẩu và nhập về các mặt hàng cần thiết. Sau khi hòa bình thống nhất đất nước, chúng ta phải khai thác thác tài nguyên để phục hồi đất nước sau chiến tranh, rừng Bến En đã đóng góp hàng chục ngàn mét khối gỗ để làm Tà - vẹt tuyến đường sắt Bắc - Nam… Đó chính là sự hy sinh của rừng. Trước đây, rừng Bến En có rất nhiều cây gỗ quý và cũng rất nhiều cây to, có cây cao đến vài chục mét, đường kính gốc phải vài người ôm”.
Năm 1963 đập sông Mực được xây dựng. Trải qua biết bao gian nan, vất vả, khó khăn, khoảng 12 nghìn người từ khắp nơi đã về đây khai rừng mở lối, đắp đập ngăn sông. Cùng với đó Lâm trường Như Xuân đã khai thác trắng tài nguyên rừng để tạo thuận lợi cho quá trình đắp đập trị thủy. Tài nguyên rừng bị khai thác triệt để, nước dâng đến đâu rừng bị thu hẹp tới đó. Năm 1979 đập sông Mực (hay đập Mẩy) hoàn thành. Đập sông Mực hình thành là công trình xương máu của tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống dân sinh của một vùng rộng lớn, gồm các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống và một phần thị xã Nghi Sơn.
Truyền thuyết về dòng sông mang tên Mực nhưng lại có màu nước bốn mùa trong xanh và bình lặng như chiếc gương trời giữa đại ngàn xanh thẳm. Nước sông Mực không xanh màu xanh của mây trời, cũng chẳng xanh màu xanh của đại ngàn, chẳng biết tự bao giờ dòng sông ấy đã xanh một nét riêng nhuốm màu huyền thoại. Chuyện về dòng sông Mực nhiều giai thoại lắm, ông Tiến kể rằng: Từ thuở hồng hoang có một chàng mực, con trai Long Vương ngược theo dòng nước từ Biển Đông bơi sâu vào đất liền dạo chơi, ngắm cảnh. Mải mê rong chơi trước cảnh sắc núi non hùng vĩ, quên mất giờ về nên khi thủy triều rút, chàng Mực bị mắc cạn tại đây. Không thể trở về biển khơi, nhớ thương quê hương chàng khóc thảm thiết rồi nằm chết giữa đại ngàn xanh thẳm. Nước mắt nhớ thương, hối hận của chàng đã “nhuộm” xanh cả một khúc sông, nơi đó chính là sông Mực. Nơi chàng vùng vẫy tạo thành hồ sâu và những tua mực chính là những dòng suối nhỏ. 
Có một điều hấp dẫn, ở Bến En có đảo Tình yêu như minh chứng cho lòng son sắt, chờ đợi thì cũng có đảo Vợ - đảo Chồng đứng cạnh nhau biểu tượng cho tình yêu vĩnh cữu. Ngày xửa ngày xưa, có một người con gái xứ Mường xinh đẹp tuyệt trần đem lòng yêu một chàng trai có sức lực hơn người, có khả năng tay không bắt hổ nhưng vì gia đình chàng trai nghèo khó nên không được cha mẹ cô gái đồng ý. Hai người bèn rủ nhau trốn lên rừng cùng chung sống. Khi ấy rừng còn bao phủ khắp nơi, trong rừng có nhiều mảnh thú. Vì vậy, mỗi lần vợ ngủ người chồng lại ngồi cạnh canh cho vợ ngủ để phòng bị thú dữ ăn thịt hoặc bị người làng bắt về. Hai người đã sống một cuộc sống hạnh phúc và sinh ra các dân tộc trên vùng đất Như Thanh - Như Xuân ngày nay. Đến một ngày người vợ ngủ mãi không tỉnh lại nữa, người chồng cứ ngồi canh như vậy cho đến khi cả hai người hóa thành hai hòn đảo cạnh nhau, đảo Vợ - đảo Chồng như một bằng chứng cho tình yêu vĩnh cửu của những người yêu thương và hết lòng vì nhau… 
Những người dân như ông Tiến kể những câu chuyện về trầm tích xưa ở Bến En đã trở thành huyền thoại vừa thực vừa hư. Đó không phải chỉ là lời kể của người dân, mà còn là truyền thống, là di sản văn hóa, là bản sắc riêng của mỗi người dân nơi đây. Họ yêu quý, gìn giữ và truyền bá những giá trị đó cho thế hệ sau, tạo nên một bức tranh đa sắc màu, đa chiều về Vườn Quốc gia. Một bức tranh vừa hoang dã, vừa tĩnh lặng, vừa hùng vĩ mà thật thân thương. Vì vậy mà khám phá vẻ đẹp Bến En, du khách sẽ trải qua cảm giác từ lý thú, đến ngạc nhiên và khâm phục khi nhận ra sự vĩ đại, kỳ bí nhưng đầy hấp dẫn của thiên nhiên. Cả không gian xanh bất tận được đan kết bởi cảnh quan hồ, các đảo trên hồ với hệ thống rừng và hang động trên các dãy núi đá vôi. Chính sự kết hợp hài hòa giữa cấu trúc địa hình rừng, núi và hồ nước đã tạo nên một tiểu vùng khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thích hợp cho việc tổ chức hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng.
Mênh mang non nước hữu tình. Ai cũng có cảm xúc đặc biệt khi đắm đuối hồn mình du ngoạn hồ Bến En. Chiều xuống, ánh mặt trời xiên qua, bung những mảng mây màu mỡ gà lững lừ trên những chỏm núi xanh, sà xuống vạt cây lô nhô trên mặt nước. Rời hồ Bến En tôi đưa ước mong của mình về một nền kinh tế du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa lịch sử trao đổi với anh Cường. Anh cho biết: Đó cũng chính là cách làm cũng như mong muốn của anh với mảnh đất nơi đây. Tổ chức thêm các tour du lịch khám phá thiên nhiên, các hoạt động trải nghiệm văn hóa địa phương để phục vụ cho hoạt động du lịch. Thời gian qua, Vườn Quốc gia Bến En đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp phương tiện phục vụ kinh doanh du lịch và mua sắm các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức khai thác một số điểm, tuyến tham quan trong Vườn Quốc gia Bến En như: từ đập Mẩy đi đảo Thanh Niên, đảo Thực Vật; tuyến tham quan từ đập Mẩy đi làng Vơn… Nhờ làm tốt công tác quảng bá, theo thống kê gần đây hàng năm Vườn Quốc gia Bến En đã thu hút được khoảng 20.000 lượt khách du lịch... Qua đó không những khai thác được thế mạnh của Bến En còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Các giá trị tự nhiên thể hiện trong một hệ sinh thái cụ thể và các giá trị văn hóa bản địa tồn tại và phát triển không tách rời nhau, kết hợp một cách hữu cơ như đôi cánh của một con chim để phát triển du lịch sinh thái bền vững. Văn hóa và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển. Văn hóa là nền tảng để phát triển du lịch và góp phần tạo nguồn thu cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa bản địa. Chính vì thế, du lịch văn hóa ở Bến En một loại hình du lịch phổ biến và được khách du lịch ưa thích với mục đích khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị văn hóa khác biệt.
Tôi hỏi thêm anh Cường: 
- Bí quyết nào khiến các anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng và giữ rừng, đón tiếp, đảm bảo an toàn cho du khách? 
- Thành tích này là của chung, nếu không có sự quan tâm của cấp trên, không có sự phối hợp giữa đồng nghiệp và các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương và ý thức của du khách, thử hỏi anh em chúng tôi sao giữ nổi rừng trong suốt từng ấy năm. 
Dường như họ cứ trầm mặc như cây và lặng lẽ tỏa hương. Giản dị thế thôi. Khi các anh xem mình là một thực thể của rừng, thì thật khó để rạch ròi đâu là công trạng, đâu là cống hiến.
Vào thôn Đồng Lườn, xã Xuân Thái có khu vực ven hồ sông Mực rộng rãi. Trước mặt là sông nước, tôi bước chân thật chậm, thư thả ngắm nhìn mặt hồ vào buổi chiều tà. Nhắm mắt thật chặt, hít thật sâu tôi thấy mình như lạc vào gió núi, mây trời. Dù đây không phải lần đầu tiên ngắm cảnh sắc non nước mây trời nhưng không hiểu sao, Bến En lại cho tôi cảm giác thân thuộc, gần gũi và nao lòng như đứa con trở về với quê hương của mình vậy. Tại đây, không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mà chúng tôi còn có dịp trải nghiệm những hoạt động du lịch mang đậm chất cộng đồng. Ẩm thực truyền thống dân tộc Thái là thế mạnh của đồng bào nơi đây, chúng tôi được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc, do người dân chế biến. Đốt lửa trại cùng bà con. Ánh lửa soi rọi từng khuôn mặt già, trẻ, gái, trai trong thôn. Mọi người đứng quanh đống lửa, đọc thơ rồi hát cho nhau nghe, lời hát nghe thao thiết lòng người. Tôi được nghe âm điệu trầm hùng của dàn chiêng cổ, tiếng khua luống vang vọng từ ngàn đời. Đoàn chúng tôi được hòa mình vào nhảy sạp gắn kết tình người cùng bà con, say trong những cung bậc âm thanh, dáng yêu kiều của những cô gái Thái. Không đủ thời gian trong chuyến đi này để chúng tôi đến hết các điểm du lịch của Bến En. Vẫn còn đó du khách có thể thăm động Suối Tiên một quần thể du lịch hấp dẫn, đa dạng với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa; đồng thời là vẻ đẹp tự nhiên, ban sơ vốn có mà hầu như chưa có sự can thiệp của con người. Tương truyền rằng, tại hang này các nàng tiên thường tới vui chơi và tắm mát. Ngoài ra du khách đừng quên ngoài cụm hang đẹp như hang Ngọc, động Tiên, còn có Khu di tích lịch sử Lò Cao kháng chiến Hải Vân gắn liền với Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa trong kháng chiến chống Pháp. Dưới sự chỉ huy của ông những mẻ gang quý giá dùng để sản xuất vũ khí đã ra đời góp phần cùng quân và dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu…
Thời gian thực hiện cuộc hành trình tuy không dài nhưng vùng đất tươi đẹp và hữu tình này đã để lại trong lòng mỗi người những dấu ấn thật đậm nét. Tạo hóa đã thêm mấy lần kỳ công, ưu ái để làm nên một “tác phẩm nghệ thuật” kỳ vĩ của tự nhiên. Bến En được ví như “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn - màu xanh của non ngàn, nước biếc và mây trời; màu xanh của sự sống, sự sinh sôi, nảy nở và của cả niềm kỳ vọng được con người gửi gắm. Rằng, vẻ đẹp tự nhiên tiềm ẩn ấy sẽ sớm trở mình, để thức dậy cả một vùng đất còn nhiều gian khó... Tất cả những điều đó làm nên một Bến En vời vợi mây trời, vời vợi con tim, để cho ai dù một lần đến đây cũng xôn xao nỗi nhớ!
                 L.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 66
 Hôm nay: 4775
 Tổng số truy cập: 9241965
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa