Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Người “thắp lửa” nơi tận cùng biên ải (Bút ký)
Người “thắp lửa” nơi tận cùng biên ải (Bút ký)

 QUỲNH THƠM  

Ngược dòng sông Mã, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình lên đến bản Ón, xã Tam Chung, nơi xa nhất của huyện Mường Lát, mảnh đất nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa. Phải vượt qua những cung đường đầy hiểm trở với một bên là dốc núi cao cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm, chúng tôi mới đến được với bản Ón. Trong tiếng Mông, “ón” có nghĩa là “tận cùng”. Cuộc sống người dân ở bản Mông nơi tận cùng còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có những con người tràn đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, hăng say lao động sản xuất, là “cầu nối” mang ánh sáng của Đảng thắp sáng bản làng, viết nên câu chuyện về một bản Ón nỗ lực thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu nơi tận cùng biên ải. Người Mông ở bản Ón vẫn gọi người đó là “người thắp lửa” - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Giàng A Chống.
Người đảng viên đầu tiên của bản
Chúng tôi biết đến Bí thư Giàng A Chống (sinh năm 1987) qua lời giới thiệu của Trung tá Trịnh Gia Ngọ, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Chung. Anh Ngọ là cán bộ biên phòng cắm bản, có gần chục năm gắn bó với bản Ón. Với chất giọng hào sảng, anh Ngọ khẳng định chắc nịch rằng: “Nhà báo muốn viết về tấm gương trong công tác Đảng, ở bản Ón này có Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Giàng A Chống nhé”. Rồi sau đó, anh sắp xếp cho chúng tôi gặp nhau ngay tại Trụ sở tổ công tác đóng tại bản Ón.
Dáng người cao gầy, làn da sạm màu nắng gió, khuôn mặt hao gầy nhưng đôi mắt sáng, lanh lợi, Bí thư Giàng A Chống gây ấn tượng đặc biệt với tôi. Ban đầu khi tiếp xúc với cánh phóng viên chúng tôi, Giàng A Chống có vẻ hơi dè dặt, giữ phép nhưng dần dà khi vào câu chuyện, người đàn ông dân tộc Mông đó cũng mở lòng, hăng say chia sẻ. Trong tiếng gió rừng nơi miền biên ải, Giàng A Chống kể cho chúng tôi nghe về quá trình anh trở thành đảng viên trẻ, rồi làm Bí thư chi bộ khi mới 25 tuổi; để sau đó anh cùng bà con dân tộc Mông chèo lái con thuyền đổi mới, xây dựng bản làng văn hóa, phát triển đội ngũ đảng viên cơ sở ngày càng vững mạnh, tạo nhiều sinh kế, xắn tay áo cùng bà con giải bài toán giảm nghèo bao lâu nay.
Giàng A Chống là một cậu bé người dân tộc Mông, sinh ra trong một gia đình đông con. Tuổi thơ của Chống là những tháng ngày vất vả, theo bố mẹ đi khắp các tỉnh, lúc thì ở huyện Phù Yên (Sơn La), khi thì lang thang ở nhiều nơi của tỉnh Thanh Hóa, thậm chí di cư sang Hủa Phăn, nước bạn Lào… Cuối cùng, bản Ón là nơi gia đình Giàng A Chống dừng chân.
Cũng như bao hộ ở bản Ón này, nhà Chống vô cùng nghèo khó. Cuộc sống tăm tối nhen nhóm lên trong đầu bố mẹ Chống cái ước mơ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Thấy con trai Giàng A Chống thông minh, lanh lợi nên bố mẹ cho Chống đi học cái chữ. Bởi chỉ có cái chữ mới tìm ra con đường để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Ở cái bản xa lắc xa lơ này, việc Giàng A Chống được bố mẹ gửi lên trung tâm xã đi học cũng từng là một sự kiện lạ. Bởi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở bản lúc đó vô cùng nghèo đói, cái bụng còn chưa đủ no sao có thể nghĩ đến việc học cái chữ. Ấy vậy mà cậu bé Giàng A Chống người gầy nhẳng nhưng đôi chân vẫn thoăn thoắt trèo đèo lội suối, lặn lội vài chục cây số để ra tận trung tâm xã học chữ. Niềm háo hức được đi học khiến cậu bé người Mông không ngại đường sá xa xôi, hiểm trở; không ngại những ngày mưa lũ hay nắng cháy,… Được tiếp xúc với các thầy cô, bạn bè, được học cái chữ, biết được nhiều kiến thức mới, Giàng A Chống càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả, cái nghèo nàn, lạc hậu còn tồn tại mãi với đồng bào quê mình. Từ đó Chống nung nấu ý chí phải học thật tốt để giúp đỡ bà con. Vinh dự nhất là khi Giàng A Chống là người đầu tiên học hết lớp 12 ở bản Ón này.
Trước hoàn cảnh bà con dân bản thường xuyên ốm đau, đường sá giao thông di chuyển từ bản đến trung tâm xã quá xa xôi, việc cứu chữa người già, người mắc bệnh vô cùng khó khăn… Bên cạnh đó là tập tục ăn ở mất vệ sinh, nên tình hình bệnh dịch thường xuyên diễn ra trong bản, nhiều khi chỉ là bệnh thông thường thì trong quan niệm của dân bản tất cả là do con Ma rừng. Việc cúng ma trừ bệnh là phương pháp duy nhất ở địa phương, để rồi bệnh thì không khỏi, người chết, của cải không còn. Nhìn thấy những tác hại đó, Giàng A Chống đã đăng ký theo học lớp y tế thôn bản tại bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát. Trong thời gian theo học tiếp thu được những kiến thức về phòng chống bệnh dịch, về kế hoạch hóa gia đình, Chống tranh thủ tuyên truyền vận động bà con trong bản, không tin về con Ma rừng, không nghe theo thầy cúng, thầy lang, ăn ở hợp vệ sinh...
Sau khi học xong lớp y tế thôn bản, năm 2008 Giàng A Chống lên đường nhập ngũ, đóng quân tại đảo Hòn Mê (thị xã Nghi Sơn bây giờ). Trong môi trường quân ngũ, Giàng A Chống đã được tôi luyện và trưởng thành qua từng ngày. Giàng A Chống được cấp ủy đơn vị quan tâm, giúp đỡ tận tình, được cử đi học lớp cảm tình Đảng, nhằm tạo nguồn, phát triển đảng viên vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số cho tỉnh Thanh Hóa. 
Thời điểm đó, bản Ón không có đảng viên nên công tác vận động, tuyên truyền đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước rất khó đến được với đồng bào. Những cái hay, cái mới, cái tiến bộ vì thế cũng khó được đồng bào tiếp nhận, bởi cuộc sống của họ bấy lâu nay đã quen với củ sắn, củ mài trên những ngọn đồi cao. Lúc đó những cán bộ vùng cao luôn trăn trở là làm sao để bản Ón thoát đói nghèo, lạc hậu. Việc trước tiên là phải thành lập được chi bộ Đảng và đào tạo, bồi dưỡng kết nạp đảng viên trẻ là những người con ưu tú của bản làng. Việc thành lập được chi bộ bản Ón là kim chỉ nam để xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát hiện và bồi dưỡng những quần chúng ưu tú. Ban đầu chi bộ bản Ón chỉ có 3 đảng viên không phải người bản Ón, gồm cán bộ biên phòng và cán bộ xã Tam Chung phụ trách tăng cường cho bản. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Giàng A Chống đã được chi bộ bản Ón theo dõi, bồi dưỡng và kết nạp Đảng vào năm 2010. Mặc dù số lượng đảng viên vô cùng ít ỏi nhưng chi bộ vẫn sinh hoạt đều đặn theo định kỳ. Qua mỗi lần sinh hoạt định kỳ, Giàng A Chống tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích và rút ra được những kinh nghiệm để tuyên truyền, vận động bà con dân bản.
Trải qua thời gian được đào tạo, bồi dưỡng, năm 2012 Giàng A Chống khoác lên mình chức Bí thư Chi bộ bản Ón. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên chi bộ bản Ón có Bí thư chi bộ là người bản địa. Tôi chợt nhớ tới Thiếu tá Vi Xuân Thao, cán bộ thuộc Đồn Biên phòng Tam Chung, người được tăng cường về làm Phó Bí thư Chi bộ bản Ón từ những ngày đầu thành lập chi bộ, khi nói về Giàng A Chống, giọng anh đầy tin tưởng: Anh Chống là đảng viên đầu tiên của bản, và sau đó trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của bản Ón. Rõ ràng ở một bản biên giới xa xôi, hẻo lánh, còn nhiều khó khăn, lạc hậu này, để xây dựng được một người đứng đầu bản vừa có nhiệt huyết, hoài bão vừa có năng lực điều hành, góp phần nâng cao đời sống cho bà con dân bản, phát triển kinh tế bản làng là chuyện không hề dễ dàng. Việc xây dựng được nhân tố điển hình là người địa phương cũng được coi là bước tiến dài để người dân tộc Mông hiểu và tin vào Đảng. Từ đó phát huy được thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.
Đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào Mông
So với nhiều thôn, bản ở Thanh Hóa, bản Ón có vị trí rất riêng biệt. Bởi bản nằm ở ngã ba biên giới, là bản duy nhất vừa tiếp giáp với nước bạn Lào, vừa tiếp giáp với tỉnh Sơn La. Bản Ón hiện có 117 hộ, 730 nhân khẩu, ở rải rác bốn điểm, với ba khu Ón 1, 2, 3. Một trăm phần trăm người dân bản Ón là người dân tộc Mông. Cách đây vài chục năm bản Ón xơ xác, tiêu điều, được dựng lên bởi một nhóm đồng bào dân tộc Mông chán cảnh di cư mà tìm bản Ón là nơi neo đậu, nương náu. Bản Ón lúc đầu chỉ có khoảng 50 hộ, tất cả là đồng bào Mông, sống tạm bợ trong những mái nhà tranh xác xơ, trống huơ trống hoác dưới các khe núi sâu, hoang vu, tăm tối. Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn ở trời, trời cho mưa được mưa, cho nắng được nắng, vụ lúa nương vì thế mà cũng năm được, năm mất. Thời đó, người Mông ở đây khốn khổ lắm. Bản Ón là điểm đen về tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Cả bản gần như chìm trong làn khói thuốc u mê của “nàng tiên nâu”, chẳng thiết gì đến lao động sản xuất, làm nương rẫy. Trẻ con trong cái bản này cái bụng còn chưa đủ no thì nói gì đến chuyện học cái chữ… Nghèo đói, thất học cùng những hủ tục lạc hậu như cái vòng luẩn quẩn truyền kiếp mà người Mông nơi đây cố gắng qua bao đời vẫn không thoát ra được. 
Thấm thía nỗi khó khăn, vất vả của đồng bào Mông, người Bí thư trẻ Giàng A Chống đã nhiều đêm thao thức, trăn trở tìm hướng đi cho bản làng mình thoát cảnh đói nghèo. Ở một bản biên giới xa xôi, hẻo lánh này, người dân rất khó tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, trình độ dân trí ở đây rất thấp, đa số người dân vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, động lực vươn lên thoát nghèo gần như bằng không. Vì vậy, bản thân anh Chống xác định vấn đề mấu chốt đặt ra phải là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, đem ánh sáng của Đảng soi rọi bản làng, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Giàng A Chống trải lòng cùng tôi: “Ngày mình chưa vào Đảng, mình nghĩ Đảng là cái gì đó rất xa xôi, trừu tượng, chưa hiểu hết. Nhưng khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, là đảng viên mình thấy Đảng rất gần như hơi thở, lời nói của mình. Đảng mang đến chủ trương, chính sách, cách làm chăm lo cuộc sống và phục vụ cuộc sống chính đáng cho người dân”. 
Đồng bào Mông với tập tục lạc hậu ăn sâu bám rễ bao đời, việc thay đổi phương thức để xóa đói giảm nghèo không hề đơn giản. Muốn làm được điều này, trước hết phải tạo được niềm tin cho bà con bởi những cán bộ đảng viên dám nghĩ dám làm. Để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở bản Ón, việc đầu tiên là phải củng cố, kiện toàn chi bộ, tăng số lượng đảng viên là người bản địa. Với Giàng A Chống chi bộ có thêm một đảng viên mới là có thêm rất nhiều niềm vui, sự tin tưởng. Từ hạt nhân là người đầu tiên trong bản được kết nạp Đảng, Giàng A Chống đã giúp đỡ, bồi dưỡng hơn 10 quần chúng ưu tú trong bản, lần lượt đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những “hạt giống đỏ” đã được Bí thư Chống ươm mầm như Giàng A Sào, Giàng A Pua, Giàng A Chìa,... giờ đã trở thành những đảng viên tiêu biểu của chi bộ bản Ón. Từ chỗ là “bản trắng đảng viên” đến nay chi bộ bản Ón đã có 17 đảng viên, trong đó có 15 đảng viên là người bản địa; đảng viên trẻ tuổi nhất 20 tuổi, cao tuổi nhất 60 tuổi. Vinh dự hơn, trong chi bộ có người bạn đời của Giàng A Chống - đảng viên Lâu Thị Cho (sinh năm 1991), đảng viên nữ duy nhất của chi bộ bản Ón. Đây là một trong những quần chúng ưu tú được Bí thư Chống kèm cặp, theo dõi và giới thiệu kết nạp. Sau khi hai vợ chồng cùng đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ lại tiếp tục đi vận động những thanh niên ưu tú vào Đảng, cùng cống hiến cho sự ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc Mông, quyết tâm đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu ở vùng biên cương này. 
Nhớ lại những ngày đầu về bản, giọng Giàng A Chống thủng thẳng: “Đồng bào người Mông mình vẫn chỉ quen với tập quán canh tác cũ, vẫn phá rừng, đốt nương, làm rẫy. Nhưng lâu dần, người Mông ở nơi khác di cư tự do đến Ón ngày một đông hơn. Vì thế nếu cứ phá rừng, đốt nương mãi thì đồng bào vẫn không được “no cái bụng”, được học “con chữ”. Mình là thanh niên trong bản phải vận động già làng cùng bà con thay đổi nếp sống, học làm lúa nước, trồng giống ngô mới, nuôi thêm con lợn, con gà, sống tập trung để phát triển kinh tế, quyết không chịu thua cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu”.
Đối với đồng bào dân tộc Mông, muốn họ tin và nghe theo, bản thân những người cán bộ đảng viên và gia đình phải gương mẫu, phải làm việc có hiệu quả, bà con phải mắt thấy tay sờ mới tin chứ nói suông, hô hào khẩu hiệu thì họ chẳng bao giờ làm. Muốn thay đổi tập quán canh tác và những hủ tục đã “ăn sâu” vào đời sống của họ thì không thể một sớm một chiều. Là người được học hành lại có thời gian tôi luyện trong môi trường quân ngũ đã tạo nên một Giàng A Chống bản lĩnh, dám nghĩ dám làm. Chống cùng với các đảng viên trong chi bộ tập trung vận động già làng cùng bà con thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm chuyển từ trồng lúa nương sang trồng lúa nước, trồng ngô lai, sắn cao sản, trồng cây ăn quả,… Để bà con làm theo, Chống lại cần mẫn cải tạo khu đất hoang trở thành những thửa ruộng, dẫn nước trên khe núi sâu về trồng cây lúa nước suốt cả hai vụ. Ngày ấy cả bản không ai dám bỏ trồng ngô trên nương để làm ruộng lúa nước. Chỉ đến khi tận mắt thấy ruộng lúa trĩu bông thu hoạch hai vụ, những bắp ngô tròn mẩy hạt từ vạt ngô, bà con dân bản mới thấy những điều Chống nói và làm là đúng, rồi chủ động nhờ Chống hướng dẫn kỹ thuật để làm theo.  
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một tấm gương tốt còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Gia đình Giàng A Chống luôn đi đầu trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Nhà anh nuôi hơn chục con bò, mấy chục con lợn, gà và vịt cũng lên đến cả trăm con, mang lại cho gia đình cuộc sống no đủ. Là người luôn đau đáu tìm hướng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc mình, anh Chống đã lặn lội sang tận tỉnh Yên Bái để tìm hiểu, đem giống cây quế về trồng tại bản. Hiện nay gia đình anh đang trồng hơn 2 héc ta cây quế. Nhận thấy được giá trị kinh tế của cây quế, Bí thư Chống đã vận động bà con trong bản trồng quế. Trong bản đã có tới 30 hộ trồng quế, với tổng diện tích khoảng trên 30 héc ta.
Tiếp xúc với Bí thư Giàng A Chống, tôi cảm nhận được ở vị cán bộ vùng biên này một bầu nhiệt huyết, tràn đầy trách nhiệm với đồng bào người Mông, với bản làng biên giới xa xôi này. Dù địa bàn bản Ón khó khăn, hiểm trở nhưng đôi chân Giàng A Chống không thể chai sạn hơn được nữa, vẫn dẻo bước trên những cung đường đất đá. Ban ngày bà con dân bản lên nương rẫy hết, nên anh Chống tranh thủ buổi tối đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con trong bản thực hiện tốt những nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào Mông, những cái hay, cái mới để áp dụng vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; tuyên truyền người dân không truyền đạo trái phép, không buôn bán, tàng trữ chất ma túy; không đốt nương làm rẫy; đưa trẻ em đến trường học cái chữ,...  
Với Bí thư Giàng A Chống, việc làm sao vận động được bà con dân bản xóa bỏ các hủ tục lạc hậu là việc vô cùng nan giải, khiến những nếp nhăn thêm hằn trên trán người “cầm trịch” bản Ón. Trước đây trong cộng đồng người Mông tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như tảo hôn, ma chay, thách cưới,… vô hình chung khiến cuộc sống của họ càng thêm đói nghèo, kiệt quệ. Và đám tang người Mông là điển hình cho những hủ tục lạc hậu ấy. Theo phong tục của người Mông, khi gia đình có người thân chết, gia đình tang chủ không bỏ người chết vào áo quan ngay mà đặt vào cáng hay để trên một tấm ván treo trên vách giữa nhà từ 5-7 ngày. Bởi theo quan niệm của người Mông, nếu bỏ người chết vào quan tài ngay là trái với tục lệ, linh hồn người chết không những không được “siêu thoát” mà còn gây phiền hà cho người đang sống. Việc để xác chết lâu ngày trong nhà, dùng tay bón cơm vào miệng cho xác chết ăn vào mỗi bữa ăn… và cứ một ngày lại giết mổ một con trâu, hoặc một con bò để thờ cúng và ăn uống linh đình ngay tại xác chết đã bốc mùi hôi thối, vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa tốn kém, gây lãng phí. Đám ma qua đi để lại cho gia chủ những khoản nợ lớn. Người dân đã nghèo vì ma chay lại càng thêm khốn khó, túng quẫn. Những hủ tục lạc hậu đã trở thành gánh nặng truyền đời, và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. 
Nhưng nay đã khác, nhờ sự đi đầu của nhiều đảng viên người Mông mà khi dân bản có người chết đều được đưa vào quan tài. Mỗi đám tang chỉ cúng một con trâu, bò và việc tổ chức ma chay đã được rút ngắn, không kéo dài. Qua tìm hiểu tôi biết được rằng gia đình Giàng A Chống đã tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong ma chay. Khi mẹ của Chống mất, gia đình đã rút ngắn thời gian tổ chức đám tang xuống còn hai ngày, chỉ mổ 2 con trâu. Và thay đổi lớn nhất là gia đình anh đã tiên phong trong việc đưa người chết vào quan tài, đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc tổ chức ma chay tiết kiệm, ngắn gọn của gia đình cán bộ Giàng A Chống đã góp phần thay đổi nhận thức trong đồng bào dân tộc Mông, bước đầu tạo ra những thay đổi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu nơi đây.
  Những câu chuyện về bản Ón của Bí thư Giàng A Chống cứ cuốn lấy tôi. Ngoài trời, những tia nắng nhạt dần trên những tán lá rừng. Để thay đổi không khí, người Bí thư trẻ dẫn tôi đi dạo một vòng quanh bản. Bây giờ con đường từ trung tâm xã Tam Chung vào bản Ón dài hơn 20 ki lô mét đã được đầu tư mở rộng; hơn 10 ki lô mét đường vừa được bê tông hóa không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại mà nó mở ra bước ngoặt mới cho bản Ón phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Nhưng có lẽ niềm hạnh phúc nhất đối với bà con dân bản Ón chính là khu tái định cư vừa mới được xây dựng với sự xuất hiện của hơn 40 nóc nhà. Khu tái định cư bản Ón rộng 3,15 héc ta được xây dựng trên đồi cao, bám theo trục đường lên cột mốc G3 (nay là mốc 270), thuộc khu Ón 2. Đây là một mặt bằng kiên cố với 3 cấp nền, được kè móng chắc chắn, có bể chứa nước tập trung, rồi đường ống dẫn đến tận từng lô đất ở. 
Trong không gian chiều nhuốm màu bàng bạc nơi biên giới, Giàng A Chống nhớ lại khoảng thời gian đen tối đến với bà con dân bản nơi đây trước khi khu tái định cư bản Ón ra đời. Mỗi năm cứ đến mùa mưa bão thì người dân bản Ón lại ngay ngáy nỗi lo bị đất sạt lở vùi lấp. Mà đỉnh điểm là qua trận mưa lớn kéo dài trong năm 2018. Dạo đó, mưa ròng rã gần tháng trời, bà con dân bản cũng không lên rẫy được. Nhà nào cũng dột, cũng thấm nước. Con đường đất về trung tâm xã cũng bị sạt lở nặng, xe ô tô không đi được, đi xe máy thì nhiều đoạn phải khiêng. Mưa mãi không dứt, người dân bàng hoàng phát hiện quả đồi cao phía sau khu Ón 2 xuất hiện một vết nứt gần bằng nửa sải tay người, hàng trăm nghìn khối đất đá có thể trôi tụt xuống bất kể lúc nào. Tiếng kẻng báo động vang lên, dân bản nhao nhác, bồng bế nhau chạy giữa trời mưa gió mịt mùng, những mong thoát khỏi cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Sau khi họp bản để quyết định rồi phát lệnh di dân, định về nhà thì con suối Lát chảy dữ dội quá, Bí thư Giàng A Chống không thể sang được. Vợ của anh phải ôm vội các con nhỏ chạy đến ở nhờ nhà người quen. Mặc mưa lũ, người Bí thư bản Ón vẫn dầm mưa gió,  bì bõm lội nước đến từng nhà dân để hỗ trợ họ di dời đến các khu vực an toàn hơn.
Lần ấy, dù tai họa không ập xuống, nhưng cứ qua mỗi mùa mưa, vết nứt kia lại thêm rộng, khiến hàng chục hộ dân vẫn nơm nớp nỗi lo. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền đã rà soát, lên phương án di dời hơn 40 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao về nơi ở tập trung. Bà con vô cùng phấn khởi, biết ơn Đảng và Nhà nước, háo hức di dời về khu tái định cư để ổn định cuộc sống.
Tôi đưa mắt nhìn bao quát một lượt khu tái định cư. Những ngôi nhà mái gỗ được dựng kiên cố vững chắc là nơi ăn chốn ở của những người dân bản. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của bà con dân bản, trẻ con nô nức, vui đùa chạy quanh những căn nhà mới còn thơm mùi gỗ mà lòng tôi lâng lâng niềm hạnh phúc. Khát vọng “an cư - lập nghiệp” của người dân đã được hiện thực hóa. Đang say trong niềm vui cùng bà con dân bản, tôi bất giác giật mình khi nghe giọng của một người đàn ông vang lên: “Chào Bí thư Chống. Chào cô nhà báo!”. Theo lời của anh Chống, người đàn ông trạc ngoại tứ tuần, với dáng người nhỏ bé đó chính là anh Giàng A Chìa. Anh là một trong những “hạt giống đỏ” mà Bí thư Chống phát hiện, bồi dưỡng. Anh Chìa đang là bản đội trưởng, và cũng là người nhận nhiệm vụ trông coi, chăm sóc cột mốc 270 ở bản Ón suốt hàng chục năm nay. Dù mới đi thăm mốc về, những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên khuôn mặt nhưng anh Chìa vẫn vui vẻ mời tôi đến thăm căn nhà mới của gia đình anh ở khu tái định cư này. Trước nhà anh, mấy đứa nhỏ xúng xính trong những chiếc váy sặc sỡ của người Mông, thấy người lạ đến chúng bẻn lẽn núp sau lưng mẹ... Trong niềm xúc động, giọng anh Chìa nghèn nghẹn: “Mỗi mùa mưa lũ đến, chúng tôi luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Suốt đêm không ngủ, phải thức canh để còn chạy lũ. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, đất dựng nhà không có, nếu không có nhà nước cho đất, hỗ trợ tiền làm nhà thì không biết đến khi nào mới có thể ổn định cuộc sống. Giờ về nơi ở mới vừa an toàn, con cháu đi học lại thuận lợi, muốn đi ra xã, ra huyện cũng nhanh chóng chứ không như trước đây”.
Từ ngày có Đảng soi đường chỉ lối, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở bản Ón đã thực sự thay đổi, có nhiều khởi sắc. Bản Ón bây giờ đã thay đổi nhiều, không còn hộ nào phải đói ăn như trước nữa. Nhà nào cũng có ngô, lúa, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều gia đình có kinh tế, sửa sang nhà cửa, mua ti vi, xe máy,… Trường học, nhà văn hóa, các công trình nước sạch, điện lưới quốc gia đã được đầu tư xây dựng. Những đứa trẻ của bản không còn phải theo cha mẹ nhọc nhằn đi qua mùa rẫy trên nương mà đã được đến trường học cái chữ. Niềm vui lớn nhất với những người dân nơi đây là họ đã có một chỗ ở ổn định. Việc xây dựng khu tái định cư đã góp phần làm cho người dân thêm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, từ đó phát huy thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh biên giới của Tổ quốc.
*
Đứng trên núi cao, phóng tầm mắt nhìn bao quát không gian rộng lớn vùng biên cương Tổ quốc, trước mắt chúng tôi bát ngát màu xanh no đủ của những bãi sắn, nương ngô mướt mát; những thảm lúa trĩu bông hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Những nếp nhà gỗ mới tinh khôi của bà con người Mông yên bình trong thung lũng. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là nhờ những “hạt giống đỏ” được ươm mầm nơi vùng đất khó, tiêu biểu như Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Giàng A Chống đã mang ánh sáng của Đảng, sự ấm no và “khoác lên mình màu áo mới” cho bản Ón. Ý Đảng lòng dân không phải lý thuyết sáo rỗng mà đang hiện hữu từng ngày nơi tận cùng biên ải. Trong chiều biên giới yên bình, lòng tôi bỗng ngân nga những lời ca tha thiết: “Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng/ Bao đời nay sống nghèo lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/ Nhớ ơn Đảng đưa tới/ Ta từ nay ấm no/ Không bỏ rẫy đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời/ Từ nay dân Mèo sống chung/ Bản Mèo vui trong tiếng khèn/ Người Mèo ơn Đảng suốt đời”.
                 Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 66
 Hôm nay: 4762
 Tổng số truy cập: 9241952
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa