Quê hương trong dòng chảy thời gian (Bút ký)
LÊ TRANG
Trong những ngày tháng Tám lịch sử hào hùng của dân tộc, tôi men theo con sông Chu chảy dài, trở về quê hương Thiệu Toán (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) với tâm thế bồi hồi, xúc động. Cùng với bóng núi là hình sông dần hiển hiện. Con sông Chu hiền hòa, con sông Chu kiêu hãnh. Hiền hòa bởi cái dáng vẻ tình tứ ôm ấp ruộng đồng, làng xóm. Kiêu hãnh bởi những sự kiện lịch sử vẻ vang của dân tộc đã diễn ra nơi đây, nơi được xem là “địa chỉ đỏ” ghi đậm dấu ấn phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa. Những câu chuyện về lòng dũng cảm và sự hi sinh của người dân nơi đây đã trở thành huyền thoại, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay Thiệu Toán không chỉ là biểu tượng của quá khứ hào hùng mà còn là minh chứng sống động cho sự thay đổi và phát triển.
Những trang sử vàng
Thẳm sâu trong tâm hồn, cốt cách của người Thiệu Toán là tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Khai sinh lập nghiệp ở một vùng đất mênh mông nước khi mùa mưa lũ, những cư dân đầu tiên đến đây lập nghiệp và nối tiếp các thế hệ người Thiệu Toán đã đổ bao mồ hôi và cả xương máu để có được những cánh đồng lúa và thôn, xóm trù phú như ngày hôm nay. Bởi vậy mỗi tên đất, tên đồng, mỗi cây đa, giếng nước, sân đình trở thành niềm tự hào, thành dấu ấn thiêng liêng của mỗi người. Tình yêu quê hương gắn với tình yêu đất nước, là cội nguồn sức mạnh để nhân dân đứng lên chống lại mọi kẻ thù xâm lược… - Tôi dạo quanh khuôn viên công sở xã Thiệu Toán cùng miên man suy nghĩ về vùng đất nơi đây. Anh Lê Doãn Mạnh - Phó Bí thư Đảng ủy xã xuống thôn hỗ trợ làm đường trở về và mời tôi vào phòng làm việc. Ấn tượng đầu tiên của tôi với anh Mạnh là dáng người cao lớn cùng với tính cách thân thiện, cởi mở. Vừa pha trà anh vừa hồ hởi kể cho tôi nghe những kế hoạch đang được Đảng bộ xã và nhân dân chuẩn bị cho kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh mùng 2 tháng 9 sắp tới và hoàn thiện các tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao. Khi biết ý định của tôi sẽ tìm hiểu truyền thống cách mạng cùng những đổi thay trên quê hương của mình, khuôn mặt đĩnh đạc của anh Mạnh bỗng chuyển qua suy tư, giọng nói trở nên xúc động, anh nói:
- Trong quá trình đấu tranh cách mạng, quê hương Thiệu Toán đã sản sinh ra những con người ưu tú, những chiến sĩ kiên trung, như: Lê Công Thanh, Tô Đình Bảng, Dương Thế Quân… Đặc biệt, tại làng Mao Xá (nay là thôn Toán Tỵ), nơi đã sinh ra đồng chí Lê Huy Toán - Bí thư Tỉnh ủy Thanh hóa (1940 -1942), nhà hoạt động cách mạng sôi nổi thời kỳ tiền khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của cụ Lê Huy Toán, năm 1931 “Nông hội đỏ” thành lập tại làng Mao Xá, vận động được 19 người tham gia và hội viên là những người nông dân nghèo hăng hái tham gia các phong trào quần chúng. Hội đi đầu trong các phong trào đòi giảm hoặc bãi bỏ tệ cúng tế, bắt Lý trưởng phải trả lại ruộng đất, chia lại công điền, công thổ. Năm 1933, Hội tiếp tục đấu tranh chống “phù thu, lạm bổ” bằng hình thức không được lấy “quỹ sung túc” làm cầu bắc qua sông Nông Giang mà phải thu theo diện tích ruộng và trâu bò… Cụ Toán là một trong những người hoạt động cách mạng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, luôn luôn bám trụ cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Đây chính là điểm dân mến, dân tin ở cụ… Chúng tôi tự hào và lấy làm hãnh diện khi tên cụ Lê Huy Toán, được đặt tên xã, tên làng. Gia đình cụ là gia đình cách mạng, chính vì vậy những người làm cán bộ và công tác Đảng như chúng tôi luôn luôn noi gương, phấn đấu để xứng đáng với sự kỳ vọng của cụ lúc còn sống.
Xã Thiệu Toán nói riêng và huyện Thiệu Hóa nói chung là nơi thứ hai trong tỉnh đã thành lập được tổ chức Đảng Cộng sản (tháng 7-1930). Suốt từ năm 1930-1945, Thiệu Toán luôn luôn là vùng đất cách mạng kiên cường. Mặc dù, có những lúc sóng gió, khó khăn nhưng vẫn luôn là chỗ dựa và đứng chân rất đáng tin cậy của Đảng bộ Thanh Hóa. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đâu đâu cũng tràn ngập không khí hân hoan, phấn khởi. Để tưởng nhớ những người đã khuất, tháng 12 năm 1945 chính quyền cách mạng bố trí lại đơn vị hành chính đã đổi phủ Thiệu Hóa thành huyện Thiệu Hóa, thành lập 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có xã Huy Toán gồm 4 làng: Mao Xá, Hố Kỳ, Cự Thôn và Thung Dung. Việc đặt tên xã Huy Toán có ý nghĩa lịch sử to lớn, nhằm tôn vinh những đóng góp lớn lao của liệt sỹ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Lê Huy Toán đối với làng, với xã nói riêng, đối với xứ Thanh nói chung. Tháng 3 năm 1953, mười hai đơn vị hành chính của huyện Thiệu Hóa được chia tách thành 31 xã. Xã Huy Toán được chia tách làm hai xã là Thiệu Chính và Thiệu Toán ngày nay.
Đã tám thập kỷ trôi qua kể từ ngày cụ Toán hi sinh, nhưng mỗi lần ôn lại lịch sử Đảng bộ xã, những người con của quê hương Thiệu Toán vẫn luôn nhắc nhớ cụ Lê Huy Toán, người đã dành trọn cuộc đời kiên trung với Đảng, hi sinh tính mạng của mình để góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cụ Lê Huy Toán sinh năm 1890 ở làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa). Cụ Toán là con trong một gia đình nhà Nho yêu nước, trọng lễ nghĩa nên ngay từ nhỏ cụ đã được giác ngộ cách mạng. Cụ tham gia các phong trào thanh thiếu niên yêu nước ở địa phương. Phải tận mắt chứng kiến công việc đồng áng, cuộc sống lầm than, cực khổ của người nông dân, cảnh tô cao, tức nặng của bọn địa chủ phong kiến, cảnh đánh đập, tù đầy… càng khuất sâu nỗi uất hận của người thanh niên yêu nước lúc bấy giờ. Cụ Toán quyết tâm nghiên cứu sách thuốc, học nghề chữa bệnh cứu người, đồng thời dạy chữ Hán cho con cháu trong làng. Cụ xông xáo tham gia phong trào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tháng 3 năm 1934, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Chủ - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa, cụ Toán được bầu làm Bí thư Chi bộ Mao Xá và vận động quần chúng học chữ Quốc ngữ. Tháng 4 năm 1939 cụ tham gia vào hội nghị thành lập BCH Đảng bộ phủ Thiệu Hóa và hoạt động rất tích cực như: đưa kiến nghị lên Viện dân biểu Trung Kỳ bãi bỏ dự án tăng thuế thân, thuế điều thổ; phong trào cải lương hương chính đưa người của cách mạng ứng cử vào các chức sắc của hội đồng ngũ hương làm tổng. Đến tháng 4 năm 1940, cụ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa kiêm Bí thư Chi bộ Mao Xá. Sau khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, cụ và gia đình nằm trong tầm ngắm của địch. Đến tháng 9 năm 1941, sau khi chiến khu Ngọc Trạo bị phá vỡ, cụ bị địch bắt giam tại nhà tù Thanh Hóa và bị kết án 20 năm tù khổ sai cho đi đày biệt xứ tại Trường Xanh (nơi giam giữ những người đã thành án). Sau một thời gian ở tù bị tra tấn, ngày 5 tháng 4 năm 1942, cụ hi sinh tại nhà tù Thanh Hóa, đúng vào thời điểm kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt.
Sau khi giúp tôi hiểu hơn về lịch sử Đảng bộ xã Thiệu Toán, anh Mạnh đưa tôi đi tham quan căn nhà của ba gia đình đồng chí: Lê Huy Toán, Lê Công Thanh và Tô Đình Bảng suốt những năm 1930-1945 là nơi hội họp, đi lại, hoạt động của nhiều cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và hầu hết các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Thanh Hóa và các huyện hoạt động. Năm 1994, Chính phủ đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cơ sở cách mạng của “Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa” thời kỳ 1930 - 1945 cho gia đình ba đồng chí. Căn nhà của cụ Lê Huy Toán theo sự bào mòn của thời gian xóa dần đi những chứng tích ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc. Đứng trước bài toán ấy ngày 8 tháng 7 năm 2020 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 9056/UBND-THKH về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử nhà cụ Lê Huy Toán. Với nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng do UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư tới nay trước mắt tôi, vẫn còn giữ nguyên nếp nhà truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ, với cây đa, giếng nước. Mái nhà ngói cổ kính nằm ẩn nấp sau rặng cây, căn nhà gỗ 6 gian (5 vì) làm theo kiểu giá chiêng - kẻ truyền đã được tu bổ, tôn tạo xong. Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ lại các quyết định của Đảng và Nhà nước công nhận cán bộ lão thành cách mạng, truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Lê Huy Toán và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời những năm tháng hoạt động cách mạng của cụ. Anh Mạnh cho biết: Để phát huy những giá trị di sản, trong thời gian tới huyện Thiệu Hóa và xã Thiệu Toán sẽ thực hiện việc di chuyển những người đang sống ở căn nhà đồng chí Lê Công Thanh và Tô Đình Bảng ra khỏi khu di tích đã được khoanh vùng để bảo vệ. Với mong muốn nhắc nhớ mỗi người dân trong làng, trong xã, đặc biệt là thế hệ trẻ không quên những giá trị tốt đẹp của ông cha mình gửi lại.
Cuộc sống mới trên quê hương cách mạng
Về với Thiệu Toán hôm nay, quê hương như được khoác lên mình bộ áo mới, nhiều thay đổi, khởi sắc. Phát huy tinh thần quật cường từ Cách mạng tháng Tám, dưới ánh sáng cờ Đảng, nhân dân Thiệu Toán tiếp tục anh dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hàng nghìn người con quê hương đã trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường. Địa phương cũng đóng góp lương thực, thực phẩm làm nên hậu phương lớn cho tiền tuyến đánh giặc. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ xã Thiệu Toán lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân địa phương đã vượt khó, sau 9 năm triển khai đến năm 2019 xã về đích chuẩn Nông thôn mới (NTM). Chỉ tính riêng tổng kinh phí huy động xây dựng NTM đạt 159,64 tỷ đồng, trong đó kinh phí do nhân dân đóng góp đạt 131,52 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 14%. Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và để “con thuyền” xây dựng NTM không bị gián đoạn. Với tinh thần tiến lên không ngừng nghỉ, Đảng ủy xã đã quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân hiểu được tầm quan trọng về việc xây dựng và phát huy các tiêu chí xã NTM để làm nền tảng cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Đến nay phong trào xây dựng NTM đang diễn ra tích cực tại xã Thiệu Toán, hai thôn Toán Thành và Toán Thắng đã hoàn thiện 13/15 tiêu chí NTM kiểu mẫu, xã đã hoàn thiện 15/19 tiêu chí NTM nâng cao. Bên cạnh vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, xã Thiệu Toán đã tập trung huy động tốt nguồn lực trong dân theo phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn ngày một phát triển. Ngoài phát triển NTM không ngừng nghỉ trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, phong trào hiến đất làm đường tại đây diễn ra rất mạnh mẽ.
Quyết định hiến đất là điều không dễ đối với bất cứ gia đình hay cá nhân nào. Bởi mỗi mét đất, mỗi công trình, đều phải trải qua quá trình lao động, tích lũy của người dân... Ngay sau khi có chủ trương, xã đã thành lập ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền tại các xóm; tổ chức các hội nghị, hướng dẫn cụ thể các nội dung tuyên truyền với phương châm công khai, minh bạch, trong đó, lấy tinh thần của cán bộ, đảng viên đi trước; tích cực vận động, giải thích để các hộ dân thấy được lợi ích của việc mở rộng các tuyến đường.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Song điều đáng quý và trân trọng nhất ở Thiệu Toán chính là tinh thần đoàn kết, tự giác và tiên phong hiến đất, góp của, góp công của rất nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể và các hộ dân, mọi người đều hưởng ứng tham gia hiến đất làm đường giao thông. Bà con sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân, không tiếc công, tiếc của đóp góp làm đường. Khi ý Đảng đã bắt nhịp vào thực tế cuộc sống và khi lòng dân đã đồng thuận, ủng hộ thì mọi công việc, phong trào đều cho kết quả tích cực và bền vững.
Theo sự dẫn đường của em Nguyễn Thị Phương Anh - Bí thư đoàn xã Thiệu Toán tôi len theo những con đường “xương cá” để đi từ thôn này sang thôn khác. Nhìn vẻ ngoài tươi trẻ, năng nổ và thân thiện của Phương Anh, tôi tin rằng em sẽ luôn hoàn thành tốt vai trò của mình với tư cách là người thủ lĩnh đoàn thanh niên. Làng quê thật thanh bình, dưới chân tôi là con đường nhựa thẳng tắp chạy dài đi vào các thôn làng cũng đều được nhựa hóa hay bê tông hóa, hai bên là cánh đồng lúa xanh ngắt. Những cổng làng, nơi đi về, nơi đón đưa, nơi hẹn hò… của các thế hệ nối tiếp nhau sinh ra, lớn lên được dựng bằng hai cột bê tông to và có mái che. Vào trong làng là khu dân cư san sát những nhà bằng, nhà cao tầng, những vườn cây ăn trái trĩu quả, ngan ngát hương thơm. Vừa đi Anh vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện về con người, vùng đất nơi đây.
Điểm đầu tiên Phương Anh đưa tôi tới là Nhà truyền thống cách mạng tại thôn Mao Xá nay là thôn Toán Tỵ xã đã xây dựng năm 2004, nằm yên bình giữa khuôn viên rộng rãi với hồ sen thơm ngát. Hoa sen không chỉ mang đến vẻ đẹp bên ngoài mà còn là biểu tượng cao quý của dân tộc. Đứng trước sen dường như tâm hồn tôi trở nên tĩnh lặng và tìm thấy được những giá trị an nhiên giữa nhịp sống hối hả hàng ngày. Tại đây, từ khi có chủ trương xây dựng cho đến ngày nay với tinh thần trân trọng cội nguồn lịch sử, tinh thần cách mạng luôn hướng đến tập thể, xây dựng phong trào chung hiện hữu trong mỗi người dân. Nhiều tư liệu quý được chính nhân dân bổ sung, những hiện vật là vật dụng gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu của nhân dân;… Nơi đây ghi nhớ công ơn những nhà hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa và trong cách mạng tháng Tám, những bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã có những đứa con máu thịt ngã xuống nơi chiến trường khói lửa để có một đất nước hòa bình như hôm nay. Đây là kho tư liệu quý của Đảng bộ và nhân dân xã Thiệu Toán. Hàng năm vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, của địa phương, tại Nhà truyền thống xã thường tổ chức các hoạt động như: Kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ xã cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh do cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, giáo viên hoặc những người am hiểu về lịch sử - văn hóa của xã đảm nhiệm; Tổ chức kết nạp đoàn viên danh dự, kết nạp đảng viên. Ngoài việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Nhà truyền thống xã còn thường xuyên tiếp đón các đoàn khách trong tỉnh và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập.
Và như để tôi hiểu rõ hơn phong trào người dân tự nguyện hiến đất làm đường ở Thiệu Toán, Phương Anh đưa tôi tới gặp gia đình bác Phạm Xuân Thượng - đồng chí đảng viên tiêu biểu của thôn Toán Thắng. Bác Thượng năm nay hơn 60 tuổi có dáng người thấp, đi lại khó khăn do biến chứng của căn bệnh tiểu đường hành hạ suốt mấy năm qua. Bác Thượng sinh ra trong một gia đình thuần nông, nghèo khó. Năm 1985 bác xin gia nhập quân ngũ và đi bộ đội ở Quân khu 4, với sự tôi luyện, phấn đấu năm 1994 bác được kết nạp Đảng trong quân ngũ và đến nay tròn 30 năm tuổi Đảng. Lúc bấy giờ, vì điều kiện hoàn cảnh gia đình vợ và ba con nhỏ ở nhà vất vả, năm 1998 bác xin về chế độ một lần, trở về quê hương làm ăn sinh sống. Nhưng vì khi ấy cuộc sống tại chính quê hương mình quá khó khăn, không biết làm gì để đủ trang trải cuộc sống cho cả nhà. Năm 2002 bác khăn gói cùng gia đình vào Nam lập nghiệp. Năm 2020 bác trở về quê hương “nơi chôn rau cắt rốn” của mình để xây lên căn nhà mà vợ chồng bác đang ở bây giờ. Khi được tôi hỏi gia đình bác hiến bao nhiêu đất làm đường cho thôn, nhấp chén nước chè bác Thượng chậm rãi thổ lộ:
- Con đường rộng rãi, khang trang, lưu lượng xe đi lại cũng nhộn nhịp, khác hẳn so với cái thời đường đất, toàn ổ voi, ổ gà năm xưa. Nhờ những con đường mà xã tôi “phất” lên nhiều. Giờ đường rộng là trục chính mọi người trong thôn ra vào nườm nượp. Bao nhiêu năm vất vả nên với tôi “tấc đất là tấc vàng”. Tuy nhiên, nhìn cảnh trẻ con, người lớn cứ mãi đi lại trên con đường nhỏ hẹp, lại trơn trượt vào mùa mưa, tôi thực sự không đành lòng. Năm 2020 vợ chồng trở về quê ở và thấy được trách nhiệm của mình, cùng chính quyền địa phương đóng góp một phần để chung tay xây dựng Nông thôn mới. Khi địa phương vận động mở đường mới, tôi tình nguyện hiến 58 mét đất ngay.
Khi được hỏi hiến đất nhiều như vậy có tiếc không? Cả hai vợ chồng bác Thượng quay sang nhìn nhau. Bằng nụ cười hiền từ, bà Lê Thị Quy (vợ bác Thượng) nhẹ nhàng nói: “Tiếc thì đã không hiến đâu. Dù không còn đất để canh tác thêm nhưng chúng tôi sẽ làm việc khác để trang trải cuộc sống. Lợi ích của việc mở đường có ý nghĩa vô cùng đối với người dân chúng tôi, đơn giản như trước đây xe taxi, xe cứu thương không vào được, gia đình nào có người ốm người nhà phải cõng ra ngõ cách cả trăm mét, đến giờ xe đã vào được tận sân. Dù có hiến hơn nữa gia đình tôi cũng sẽ chẳng hề tiếc”.
Chính sự hào sảng, tiên phong của gia đình bác Thượng đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào hiến đất làm đường ở Thiệu Toán. Để rồi nhiều gia đình cũng có suy nghĩ giống như bác, cũng sẵn sàng chặt cây cối trên đất, cắt đất để bàn giao cho đơn vị thi công làm đường.
Khảo sát thêm một số hộ dân trong thôn Toán Thắng tôi đều nhận được câu trả lời như một: Ai cũng đòi đền bù thì làm gì có đường mới mà đi lại. Chính nhận thức đó mà không chỉ các cán bộ, đảng viên mà nhân dân địa phương sau khi được tuyên truyền đều nhận thức được điều này nên mọi chuyện tiến hành rất thuận lợi. Đặc biệt, khi làm mới những con đường, người dân ngay tại các thôn cũng nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Theo đó, chính quyền xã cùng bà con thường xuyên tổ chức các đợt ra quân chỉnh trang cảnh quan, dọn vệ sinh môi trường trong và ngoài khu dân cư, nơi công cộng, cơ quan, trường học để thu dọn rác thải, cắt tỉa cây cối. Đồng thời, tiến hành trồng hoa, cây bóng mát, lắp đặt cụm, tuyến pano tuyên truyền và làm đường điện ánh sáng, làm cổng chào… Với những kết quả trên cho thấy Đảng ủy xã Thiệu Toán đã biết huy động mọi nguồn lực, biết lấy sự đoàn kết và dân chủ làm hàng đầu để có sự phát triển toàn diện như ngày hôm nay.
Từ việc tập trung phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân trong xã liên tục được nâng lên, tạo điều kiện cho nhân dân đóng góp nguồn lực, chung tay góp sức xây dựng các công trình. Theo thống kê mà Phó Bí thư Đảng ủy xã thông tin cho tôi biết thì qua vận động chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, trên toàn xã Thiệu Toán đã có 125 hộ hiến đất mở rộng đường giao thông, tổng diện tích là 1346 mét vuông, xây dựng tường rào mẫu xây mới 3730 mét, chỉnh trang tường rào 3666 mét, 100% số hộ đang sinh sống trên địa bàn xã được lắp biển tên số nhà, tên đường. Sau gần 3 năm thực hiện công văn 536-CV/HU của Huyện ủy Thiệu Hóa về phát động phong trào “Nhân dân tham gia đóng góp nâng cao mở rộng đường giao thông nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh” xã hiến được 2351 mét vuông đất… Đất ngày càng có giá nhưng phong trào hiến đất lại lên cao, minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân, chung tay xây dựng thành xã Nông thôn mới nâng cao mà không phải xã nào cũng có được. Những con đường rộng rãi, phong quang không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Bỗng tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Bác Hồ:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Thời gian như lớp bụi phủ mờ lên nhiều dấu tích, thế nhưng truyền thống cách mạng của quê hương và khí tiết cách mạng kiên trung của lớp lớp cha anh đang bồi đắp thêm niềm tự hào, khát vọng vươn lên giúp Thiệu Toán vượt qua bao khó khăn, thử thách, tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng nông thôn no ấm, văn minh. Để rồi hôm nay đang vươn mình trở thành vùng quê đáng sống. Không có gì thay đổi tháng 9 năm 2024 xã sẽ đạt tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao. Với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vùng quê này sẽ tiếp tục vươn lên, viết tiếp những trang sử vàng trong thời kỳ mới, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
L.T