LÊ NGỌC MINH
Hai bên quốc lộ 45, đoạn từ Ngã ba Voi, thành phố Thanh Hóa, đi ra ngoại vi theo hướng về Nông Cống và các huyện phía Tây Nam của xứ Thanh, có khá nhiều cảnh quan bắt mắt, trong đó ở quãng giữa cây số 7 và 8 có hai địa chỉ văn hóa - lịch sử ấn tượng là Không gian sinh thái Linh Kỳ Mộc và Khu di tích gốm cổ Tam Thọ. Hai địa chỉ này đều gắn kết việc bảo tồn văn hóa, kiến tạo môi trường thiên nhiên thân thiện với con người tại thành phố Thanh Hóa của tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi, Viện trưởng Viện nghiên cứu, ứng dụng văn hóa truyền thống và kiến trúc xây dựng Việt Nam, và các cộng sự của ông.
*
Theo dọc phía phải kênh Đô, một đoạn kênh có từ thời vua Lê Đại Hành, chúng tôi đi trên con đường trải nhựa, bê tông phẳng phiu nhưng hai bên lề lại lổn nhổn khá nhiều mảnh gốm vỡ lẫn với màu đất nâu và cỏ xanh. Luôn chăm chú nhìn cảnh sắc ấy, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một nhà nghiên cứu văn hóa luôn quan tâm đến các hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, nhận xét: “Đúng là chúng ta đang được đi bên những trầm tích văn hóa và lịch sử!”. Điều mà nhà nghiên cứu này nhận xét như càng được minh chứng đầy đủ hơn, khi chúng tôi đến cổng đền thờ thành hoàng, cụ tổ của nghề gốm Tam Thọ. Bởi, từ đây nhìn vào đền, thấy ngay ở cái sân rộng, từng bầu gốc của hàng cây bóng mát, tôn lên không khí nơi thờ cúng tâm linh như cây đa, cây thông, cây bồ đề đều được “tọa” trên từng ô đất nâu sẫm lẫn với các mảnh miếng gốm sứ. Và, cũng từ đây nhìn ra phía kênh Đô, thấy khá rõ những gò đụn nổi lên giữa cánh đồng lúa mà cư dân bản địa gọi là gò Gốm. Ngôi đền thờ cụ tổ nghề gốm Tam Thọ tuy khiêm nhường chỉ có ba gian dốc đứng mới được tái dựng trên nền móng cũ nhưng có bậc thềm được xây uy nghi kiểu dáng kiến trúc thâm nghiêm, bề thế.
Giới thiệu khái quát về ngôi đền xong, cụ cựu thủ từ Mai Đức Bảo, tám mươi mốt tuổi, người đã có một thời trai trẻ tham gia quân đội, rồi sau đó làm Phó Chủ tịch xã Đông Vinh liền chỉ tay ra phía có các gò đất nhô cao, cho biết thêm: “Phường Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa chúng tôi trước đây là xã Đông Vinh thuộc huyện Đông Sơn, (nay là thành phố Thanh Hóa) gồm hai làng là Tam Thọ và Văn Vật. Từ khi mới lớn, tôi đã được nghe các bô lão kể rằng, dưới từng cồn đất kia là dấu tích của các lò nung gốm từ rất lâu đời. Làng chúng tôi còn có một vị thành hoàng đã phù độ phúc phần cho dân rất lớn. Đó là cái hồi nghề gốm bị thất bát do một kẻ ngoại lai xấu bụng lừa đảo, làm mất uy tín sản phẩm. Nhờ ngài quyết chí ra tay khôi phục mà mặt hàng gốm đích thực của ngàn đời ông cha lại được hồi sinh. Khi ngài trăm tuổi, dân làng lập đền, thờ ngài làm thành hoàng, thượng đẳng phúc thần của làng. Chuyện chúng tôi được nghe truyền lại chỉ chung chung là thế. Đến khi doanh nghiệp Mã Giang của ông giám đốc Nguyễn Xuân Phi về đây mua đất làm gạch rồi thấy tạm dừng lại thì tỉnh cho khai quật trong hơn một tháng. Nhờ vậy mà chúng tôi biết rõ hơn quê mình đã có một nghề gốm được gây dựng từ đầu niên đại Công nguyên, truyền từ đời nay sang đời khác và lan rộng đến nhiều vùng của xứ Thanh. Rồi chúng tôi còn biết thêm câu chuyện, đã có một ông Tây về đào gốm từ hồi cuối những năm 1930 mang đi đâu hết”.
Tôi mạn phép ngắt lời cụ Mai Đức Bảo, hỏi chen: “Thưa cụ, việc Công ty Mã Giang mua đất để nung gạch xây dựng sao lại liên quan đến việc cụ và dân làng biết rõ hơn về nghề gốm lâu đời của quê mình và cả chuyện có một ông Tây về đào gốm của làng mang đi ạ?”.
Cụ Mai Đức Bảo không trả lời thẳng vào câu tôi hỏi mà đưa mắt sang ông Ngô Xuân Nhã, nguyên Chủ tịch và nguyên Bí thư phường Đông Vinh, nói: “Chuyện lâu rồi, tôi cũng đã hơn tám mươi tuổi rồi, nói ra sợ có điều nhớ, điều quên, để ông Nhã ý kiến thêm thì chính xác hơn!”. Ông Nhã liền hào hứng: “Nó là thế này các bác ạ. Xã chúng tôi nằm trên một vùng đất sét khá rộng và có chất đất tốt nổi tiếng trong tỉnh. Hồi khoảng năm 1998-1999, công ty Mã Giang được trên cho về quê tôi mua đất để làm gạch - nguyên liệu xây dựng. Công ty đã đền bù xong, bắt đầu dựng nhà xưởng để sản xuất nhưng khi đào đất làm gạch thì thấy có lẫn nhiều mảnh gốm vỡ. Ông Phi, giám đốc công ty lúc đó liền cho lấp lại và báo cáo lên các cơ quan chức năng của tỉnh để tiến hành khảo sát xem thực hư đến đâu. Hồi ấy, tôi làm Chủ tịch xã nên còn nhớ rất rõ, cảnh các nhà khảo cổ về làm việc suốt ngày đêm trên các cánh đồng của hai làng Tam Thọ và Văn Vật, đánh dấu từng lò nung, tất cả gồm tám gò đụn lớn, chưa kể trong vườn các hộ gia đình cũng còn dấu tích của nhiều lò nhỏ nữa. Sau đó, chính quyền và bà con trong xã còn được phổ biến đầy đủ về gốc gác làng gốm của chúng tôi có từ bao giờ và cả cái vụ ông Tây đến khai quật tên là gì, người nước nào? Những thứ đồ gốm người làng Tam Thọ còn giữ được quý hiếm đến đâu? Lúc nãy cụ Bảo có nói, chính Công ty Mã Giang và ông Phi đã giúp làng chúng tôi hiểu biết thêm về cội nguồn nghề gốm của mình là vì thế. Chưa kể Công ty Mã Giang còn giúp làng tôi xây dựng lại ngôi đền thờ cụ tổ nghề gốm mà các bác đã thấy!”.
Để chúng tôi hiểu thêm câu chuyện ngược nguồn lịch sử về vùng gốm Tam Thọ, nhà nghiên cứu Hà Huy Tâm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Ứng dụng văn hóa truyền thống và kiến trúc, xây dựng Việt Nam, người đã từng là Trưởng phòng Văn hóa của thành phố Thanh Hóa thời kỳ tiến hành khai quật khu vực gốm Tam Thọ, cho biết thêm: “Khi phát hiện ra trong nguyên liệu đất sét làm gạch có lẫn nhiều mảnh vỡ gốm sứ, giám đốc Công ty Mã Giang, Nguyễn Xuân Phi đã cho dừng khai thác, bảo vệ nguyên dạng hiện trường. Quyết định này đã tạo tiền đề để lãnh đạo Thanh Hóa chỉ đạo bảo tàng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khai quật, lập thành một bộ hồ sơ tương đối đầy đủ dựa trên kết quả hiện trường và có khảo cứu thêm các dữ liệu khai quật từ tháng 2 năm 1937 đến năm 1939 của nhà khảo cổ học Thụy Điển nổi tiếng, Olov Janse (1892-1985)*. Theo đó, gốm Tam Thọ được hình thành và phát triển mạnh từ thời Đông Hán (23-220 CN). Các chủng loại gốm sứ Tam Thọ rất phong phú và đa dạng, không chỉ là những vật dụng hàng ngày, mà còn có khá nhiều các di vật văn hóa được con người ưa thích sưu tầm, lưu giữ để thưởng ngoạn và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Điều rất đáng quý nữa là gốm Tam Thọ có nhiều nét dáng kế thừa nguồn gốc văn hóa Đa Bút ở vùng trung du và đồng bằng ven núi, có niên đại vào khoảng 6.000 năm đến 7.000 năm; cùng với đó, gốm Tam Thọ còn có sự giao thoa với kiểu dáng, đường nét hoa văn của văn hóa đồ đồng Đông Sơn, có niên đại từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I - II Công nguyên. Đó là các đồ gia dụng: chậu, bình, vò, nồi, cốc, khay, bát, đĩa; vật liệu kiến trúc, công cụ sản xuất: chì lưới, dọi xe chỉ... và các mô hình nhà, tượng đất nung... Những hiện vật này được sản xuất theo kỹ thuật tạo hình khá tiên tiến như: kỹ thuật bàn xoay, dải cuộn, gắn chắp, bàn đập, hòn kê, nặn tay, kỹ thuật khuôn. Cũng nhờ có việc Công ty Mã Giang dừng đào đất sản xuất gạch và đề xuất khai quật khu lò gốm Tam Thọ nên di tích này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, với bốn địa điểm: Gò Quyến, Cồn Nghè (làng Tam Thọ), Gò Án Lớn, Gò Án Nhỏ (làng Văn Vật). Bắt đầu từ đây, gốm Tam Thọ được định danh trong kho tàng từ vựng khảo cổ học Việt Nam về di sản, di vật văn hóa lịch sử sánh ngang với gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, gốm Thổ Hà… Sau đợt khai quật vào các năm 2011 - 2012, các giá trị của gốm Tam Thọ càng thêm lan truyền rộng rãi nên khi xã Đông Vinh được nâng cấp thành phường thì có nhiều người buôn bán cổ vật tại địa phương và ngoại tỉnh đổ đến các làng Tam Thọ và Văn Vật săn lùng cổ vật gốm.
Trước tình hình đó, là một người am hiểu các giá trị cổ vật và có sở thích sưu tầm các di vật văn hóa lịch sử, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi nghĩ ngay đến việc phải thành lập được một bảo tàng mang tên gốm Tam Thọ ngay trên địa bàn thành phố Thanh Hóa quê hương. Ý tưởng của ông được nhiều người yêu cổ vật và giới nghiên cứu văn hóa lịch sử xứ Thanh đồng tình. Công ty Mã Giang tiến hành đền bù giải tỏa đất lần thứ hai để có diện tích mặt bằng ổn định nhằm bảo toàn lâu dài cho di tích khỏi bị xâm hại. Dựa vào thiện chí và năng lực của ông Lê Vũ D, là một nhà buôn đồ cổ ở thành phố Thanh Hóa, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi đề nghị ông này đứng ra làm “đại lý” cho bảo tàng gốm tương lai, với chức năng: vừa giúp thu nạp (gồm mua lại và nhận hiến tặng), vừa giúp định lượng niên đại, giá trị thực của từng cổ vật. Đây là một công việc không mấy dễ dàng nhưng thật cơ duyên là chỉ trong một thời gian ngắn, hơn một trăm sản phẩm cổ vật gốm Tam Thọ đầu tiên đã được sưu tập. Có những trường hợp khá cảm động như cụ ông Lê Hữu X đã mang bình gốm có hoa văn trám hồng rất đẹp đến “đại lý” hiến tặng cho bảo tàng gốm tương lai và nói: “Gia đình tôi biết cái bình này rất quý nhưng để ở nhà thì cũng chỉ mỗi người nhà mình ngắm thôi. Nay được biết, ông Phi có ý định xây dựng một bảo tàng gốm phục vụ cho bà con thành phố, cho du khách khắp nơi xem nên tôi rất lấy làm khâm phục và xin đóng góp vật cổ này”.
Cùng với tấm lòng của ông Lê Hữu X, thời gian về sau có thêm các nhà sưu tập tư nhân nhượng lại hoặc hiến tặng nhiều cổ vật gốm quý, trong đó có những mảnh gốm thu được qua khai quật tại Gò Án Lớn năm 2019. Một số đồ gốm do bà con làng Tam Thọ, làng Văn Vật tìm thấy trong quá trình canh tác ở khu vực di tích lò gốm trên đồng làng cũng được nhượng lại hoặc hiến tặng.
Thế là, bằng sự kiên trì sưu tầm, mua lại của tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi cộng với tấm lòng của bà con phường Đông Vinh và các nhà hảo tâm khác, phần lớn cổ vật gốm Tam Thọ trôi nổi, rải rác khắp nơi đều như “Châu về Hợp Phố” đến với Bảo tàng gốm Tam Thọ. Đặc biệt vào tháng 8 năm 2022, Bảo tàng gốm Tam Thọ được hai hội viên hội Cổ vật Thanh Hóa hiến tặng 5 chiếc vò gốm cổ thuộc niên đại thế kỷ I - III. Theo chủ nhân cung cấp, những hiện vật trên được phát hiện ở xã Định Tiến, huyện Yên Định. Khu vực này thợ xăm đã phát hiện nhiều hiện vật gốm thế kỷ I - III, Bảo tàng tỉnh cũng sưu tầm nhiều hiện vật gốm ở đây. Cả năm chiếc bình trên giống với sản phẩm lò gốm Tam Thọ.
Cùng đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi đã mời gọi được các chuyên gia có bề dày am hiểu cổ vật đến cộng tác với Bảo tàng gốm Tam Thọ. Trong số này có bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa. Bà Hiền cho biết, là một cử nhân về chuyên ngành khảo cổ học, sau hơn ba mươi năm công tác trong ngành bảo tàng, đến lúc nghỉ hưu, bà rất muốn dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Nhưng khi được ông Nguyễn Xuân Phi mời và tận mắt trông thấy những cổ vật gốm, sự đam mê nghề nghiệp lại nổi lên nên bà đã nhận làm quản lý, làm hướng dẫn viên cho Bảo tàng gốm Tam Thọ và Bảo tàng cổ vật Đông Sơn. Với năng lực nghiệp vụ uyên thâm lại có một phong cách giới thiệu truyền cảm, bà Hiền đánh giá rất cao chủ nhân của những di sản gốm, sứ Tam Thọ. Theo bà, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi là một người không những có tầm nhìn bao quát rộng lớn mà còn có con mắt am tường về cổ vật, sự am tường đó đã đạt đến mức tinh tế về bản sắc của nghệ thuật. Bà chứng minh: “Hoa văn trên gốm trong bộ sưu tập của tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi, có thể nói là khá phong phú và đa dạng với nhiều đường nét đạt nghệ thuật cao siêu… Do có những tố chất tinh tường đó nên trong từng lần giao việc cho nhân viên thừa hành hoặc cùng kết hợp với các chuyên gia kiểm định, định lượng giá trị thực của các cổ vật, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi đều đặt niềm tin chân thành với các cộng sự và luôn có ý thức tích nạp những kiến thức thâm sâu từ các chuyên gia hàng đầu, nhờ thế mà số lượng các cổ vật có giá trị trong bảo tàng ngày một tăng thêm. Hiện tại, Bảo tàng gốm Tam Thọ có hơn mười ngàn cổ vật. Chừng ấy hiện vật được sắp đặt theo một bố cục mạch lạc từ niên đại đến chủng loại mà không bị trùng lặp, không bị lẫn đồ giả thì tầm trí tuệ của người kiến tạo rất đẳng cấp”.
*
Điều có thêm khá nhiều ý nghĩa và thú vị là Bảo tàng gốm Tam Thọ nằm trong khuôn viên Linh Kỳ Mộc, một địa danh cũng do tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi kiến lập tại phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa, nơi chỉ cách vùng gốm cổ Tam Thọ chưa đầy nửa cây số.
Tại đây, hơn mười nghìn đơn vị hiện vật gốm Tam Thọ được trưng bày để giới thiệu với khách tham quan, nghệ thuật chế tác gốm sứ của người Việt cổ ở làng Tam Thọ và làng Văn Vật từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ XVII. Tại đây cũng đang hiện hữu một hệ sinh thái “Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa” (Truyện Kiều của Nguyễn Du) đúng như tên gọi đầy ý nghĩa của Linh Kỳ Mộc.
*
Phần kết của bài viết, chúng tôi xin dành giới thiệu một vài nét về tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi. Có thể nói rằng, con người này đi đến đâu cũng có ý thức kiến lập cơ ngơi cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Hơn ba mươi năm nay, từ khi còn là giám đốc một doanh nghiệp đến khi trở thành người quản lý lãnh đạo cao nhất của thành phố Thanh Hóa, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi luôn có công kiến tạo nên nhiều địa chỉ văn hóa và cảnh quan môi trường sinh thái cộng đồng phong phú, đa dạng, trong đó Không gian văn hóa Việt, Không gian sinh thái Linh Kỳ Mộc ở thành phố Thanh Hóa; Khu du lịch văn hóa - lịch sử Ma Hao ở Linh Sơn (huyện Lang Chánh); Khu Đầm Sen - Nhà cổ dưới chân núi Hàm Rồng… là những công trình độc đáo hiếm có. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi còn là tác giả của định hướng phát triển thành phố trung tâm đầu não của xứ Thanh thành một “đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Những hiện thực sinh động cùng các chuỗi thành tựu đang được gặt hái từng ngày của thành phố Thanh Hóa đã tạo cảm hứng cho ông hoàn thành một cuốn sách dày hơn 300 trang, với những định đề nghiên cứu, đề xuất có giá trị cập nhật về kiến trúc đô thị trong thời đại công nghệ 4.0. Đó là chuyên luận “Đô thị xanh thông minh” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2022. Hiện tại, tuy đã nghỉ hưu, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi vẫn tiếp tục đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Ứng dụng Văn hóa truyền thống và kiến trúc, xây dựng Việt Nam.
Thực hiện chức năng của Viện, vừa qua Viện trưởng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi đã mời các nghệ nhân hàng đầu nghề gốm từ các nơi trong nước về Không gian Linh Kỳ Mộc “tập huấn” cho các cháu học sinh phường Đông Vinh để tạo tiền đề phục hưng lại nghề gốm của hai làng Văn Vật và Tam Thọ. Việc làm đầy ý nghĩa tiền đồ đó càng thêm khẳng định tấm lòng, tình yêu, ý chí của những con người đang làm sống lại vùng đất gốm ngàn năm - Gốm Tam Thọ, xứ Thanh.
L.N.M
(*) Giáo sư Robert Ture Olov Janse, sinh 3 tháng 8 năm 1892, tại Norrköping, Thụy Điển; mất tháng 3 năm 1985, tại Washington, D.C., Hoa Kỳ) là nhà khảo cổ học người Thụy Điển. Ông nổi tiếng với công trình khai quật trong thời kỳ 1935 - 1939 tại đông nam huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc địa phận phường Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa. Các bộ tác phẩm lớn của O. Janse gồm: “Nghiên cứu khảo cổ học Đông Dương”: tập I (1947), tập II (1951), tập III (1958) và “Bí mật của cây đèn hình người” (Stockholm 1959), gồm các kết quả nghiên cứu về gốm cổ châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á.