Đông Sơn, trong chiều sâu trầm tích (Ghi chép)
NGUYỄN XUÂN THỦY
Tôi về Đông Sơn trong đoàn dự Trại sáng tác của Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra tại Thanh Hóa. Ngôi làng cổ ấy nằm trong quần thể di tích Hàm Rồng, vùng đất hội tụ nhiều yếu tố đặc biệt. Hẳn cũng như nhiều người khác, điều quan tâm đầu tiên của tôi nằm ở chỗ đây là ngôi làng mang tên cả một nền văn hóa gắn với lĩnh vực khảo cổ học - nền văn hóa Đông Sơn. Lật giở từng trang sử của ngôi làng nhỏ ẩn mình giữa những ngọn núi bên sông Mã tôi chợt nhận ra, trong Đông Sơn còn những Đông Sơn khác ẩn trong những lớp trầm tích của làng. Càng đi sâu tìm hiểu tôi càng ngỡ ngàng trước những gì được gói ghém trong ngôi làng nhỏ này.
Đông Sơn tựa lưng vào núi Rồng. Những ngõ xóm chạy từ chân núi xuống, thoải theo độ dốc, tất cả gặp nhau ở trục đường ngang chính. Từng mái ngói rêu phong như màu đá núi, lắng đọng những lớp thời gian trầm mặc. Trong những lớp nâu rêu phủ ấy có cả mùi khói bom, có cả những âm thanh máy bay, tiếng đạn pháo cao xạ. Lịch sử ngưng đọng dưới từng mái hiên, trên từng viên gạch. Trong cuốn sách dạng khảo cứu có tên “Làng cổ Đông Sơn” do ông Lương Đại Dũng, một người con của làng là đại tá Quân đội sinh sống ngay gần cơ quan tôi ở Lý Nam Đế, Hà Nội, thực hiện, ông Dũng có dẫn rằng, người xưa đã khái quát về làng Đông Sơn qua bốn câu thơ: “Long Hổ đồng hội kiến/ Sơn thủy cộng tri giao/ Xã tắc như thạch diện/ Hồng thủy bất ba đào”. Nghĩa là ở thế đất đã hội tụ cả rồng và hổ, núi sông quyện vào nhau hữu tình, bền vững như tòa nhà bằng đá, sông hồ phẳng lặng êm ả không có sóng to gió lớn. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí cũng chép: “Núi Hàm Rồng, tức núi Long Hạo tên là Đông Sơn. Mạch núi từ ngũ hoa xã Dương Xá chạy dài liên tiếp như hình con rồng, cuối cùng nổi vọt lên ngọn núi cao, lớp đá chồng chất. Trên núi có động Long Quang. Dưới núi có mỏm đá nhô ra bên sông trông như hàm Rồng ngậm đá phun nước. Thật là một giai cảnh”. Như vậy, ngôi làng nhỏ ẩn mình ở đất này hẳn chẳng tầm thường.
Có nhiều hướng khác nhau để vào làng Đông Sơn, có thể đi vào từ phía đình làng, cũng có thể đi vào từ phía chùa làng, và sau này, một con đường hiện đại vắt ngang núi Rồng phía sau làng, ôm trọn Đông Sơn từ trên cao. Chúng tôi đi theo con đường ấy. Đứng lưng chừng núi Rồng nhìn xuôi theo thế đất, đầu làng là một ngôi chùa gọi tên là chùa Đông Sơn theo tên làng, cũng có người gọi là chùa Phạm Thông. Cửa chính của chùa từ con đường chính trước làng, nhưng từ khi có con đường ở trên núi sau làng thì có thêm một lối vào nữa. Sư thầy Thích Nguyên Phong là người có công kêu gọi trùng tu lại ngôi chùa khang trang như hiện nay. Nói là trùng tu nhưng thực ra là xây mới hoàn toàn, vì chùa cũ chỉ còn nền xưa bóng cũ, chiến tranh đã phá hủy tất cả, thầy vừa kêu gọi xây dựng chùa vừa kiến tạo cảnh quan khuôn viên. Thầy Thích Nguyên Phong vừa rót nước vừa kể cho khách phương xa nghe những câu chuyện về làng. Nhìn theo phong thủy thì Đông Sơn yên hàn thế, nhưng không hẳn. Đất này đã dậy tiếng bom, tiếng pháo, đã từng đá nát xương phơi. Nhà sập đã đành, những công trình đền chùa, miếu mạo, văn chỉ võ chỉ cũng bị oanh tạc, có công trình bị xóa sổ. Những năm đạn bom, chùa đã bị phá hủy chỉ còn một góc hậu cung cùng nền xưa móng cũ kề ngay sau cổng trên núi xuống. Đến khi mở đường, vì cái hậu cung còn lại ấy mà con đường đã mở vòng, tránh ra, dù chùa xưa chỉ còn là phế tích. Rồi từ nền móng ấy, chùa được dựng lại khi mọi điều kiện đã hội tụ đủ. Làng lại có chùa. Tiếng tụng kinh, tiếng mõ lại góp vào một âm thanh trong nhịp sống của làng. Các vãi lại có chỗ lại qua ngày rằm, mùng một. Một góc tâm hồn, một góc đời sống tinh thần của người dân Đông Sơn đã được gọi về, bồi tụ. Tiếng chuông chùa lại ngân vang bên dòng sông Mã.
Bây giờ thì làng Đông Sơn đã mở rộng, thêm nhiều xóm mới, nhưng kết cấu cũ từ thuở dựng làng vẫn còn nguyên bản. Làng nhỏ xinh bao trọn trong tầm mắt khi đứng trên núi Rồng nhìn xuống, nằm gọn giữa một bên là đình, một bên là chùa, ở giữa là miếu. Chùa Phạm Thông nằm bên phải làng, được xây dựng từ cuối thời Lý. Ngôi chùa đã đi vào thơ ca từ rất sớm với tên gọi Bồ Đề tự, hiện vẫn còn bia lưu lại qua bản khắc bài thơ Thượng Sơn vi ký. Xưa chùa nằm bên trang Đông Cương thượng, là nơi thờ cúng chung của hai trang Đông Cương thượng và Đông Cương hạ, vốn là cơ sở để hình thành nên làng Đông Sơn sau này. Sau chiến tranh chùa được dựng lại nhưng cảnh sắc sơ sài, không có sư có tiểu. Dân làng làm đơn đề nghị xuống Giáo hội Phật giáo tỉnh xin, giáo hội điều về chùa một chú tiểu. Một thời gian sau chú được cử đi học ở Sài Gòn, học xong về lại chùa. Chú tiểu đó chính là Đại đức Thích Nguyên Phong, vị sư trụ trì đang tiếp chuyện chúng tôi. Đại đức cùng chúng tôi dạo bước qua những ngõ lát đá và gạch, thăm những ngôi nhà cổ.
Đi giữa Đông Sơn hôm nay tôi cảm nhận rõ những thâm u, âm vọng của thời gian nơi mảnh đất phát tích một nền văn hóa. Lịch sử làng được bắt đầu từ ngôi chùa nhuốm màu huyền tích theo bước chân thầy Nguyên Phong lan vào từng ngõ nhỏ.
*
Hiện ở Đông Sơn còn 13 ngôi nhà cổ, trong đó, còn nguyên vẹn nhất và được bảo tồn tốt nhất là ngôi nhà của gia đình cụ Lương Trọng Duệ. Cụ Duệ nay đã mất, người kế tục cụ gìn giữ, chăm sóc cho ngôi nhà là con trai cụ, ông Lương Thế Tập. Ông Tập luôn có ý thức giữ gìn những di sản của gia đình nên ngay từ những năm còn công tác ở tỉnh ông đã cùng với cha bàn phương hướng bảo tồn, trùng tu sao cho ngôi nhà giữ lại hình dáng nguyên bản nhất. Năm 2006, UBND phường Hàm Rồng đã đề nghị Thành phố báo cáo tỉnh xem xét, xếp hạng cho 13 ngôi nhà cổ tại Đông Sơn. Tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với các ngành chức năng về thẩm định công nhận ngôi nhà của gia đình ông Tập còn khá nguyên vẹn, được xây dựng từ đầu Triều Nguyễn, cách nay đã 200 năm đủ điều kiện để xếp hạng di tích.
Ngôi nhà của gia đình ông Tập đã được sửa chữa ba lần. Lần thứ nhất vào năm 1927. Lần thứ hai vào năm 2003. Những năm Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng, bom dội vào làng, trúng ba ngôi nhà khiến chúng bị hư hỏng nặng, may mắn là ngôi nhà của gia đình ông Tập không việc gì. Tuy vậy, do sức ép bom đạn nó vẫn bị tác động, nứt tường, rạn ngói, cùng với thời gian cũng bị xuống cấp. Ông Tập đã bàn với cụ Lương Trọng Duệ để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, và đó cũng là lần sửa chữa, nâng cấp lớn nhất, toàn diện nhất. Ông Tập trước làm ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, có điều kiện đi nhiều nơi, ông cũng tranh thủ tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm từ các ngôi làng cổ khác như Đường Lâm (Sơn Tây), Phật Tích (Bắc Ninh), Bình Thủy (Cần Thơ)... Nhờ vậy, ông đã vận dụng những điều rút ra được trong việc bảo tồn, nâng cấp ngôi nhà theo cách riêng của mình với mong muốn trung thành cao nhất với nguyên gốc. Ông mua 100 cây luồng luồn vào ngôi nhà, tháo tường, dỡ ngói, chằng buộc khung nhà kích lên 50 phân để tôn nền cho đẹp hơn, cũng là để chống lụt. Những chỗ tre luồng mục nát được thay lại, toàn bộ ngói cũ nhuốm màu thời gian được ông dồn lại lợp ra mái trước, còn mái sau bổ sung ngói mới, thấp niên đại hơn. Năm 2013 ông mua thêm 150 mét vuông đất của nhà hàng xóm liền kề để mở rộng khuôn viên ngôi nhà. Đồng thời ông cũng cải tạo khuôn viên xung quanh cho đồng bộ trong một chỉnh thể gắn với ngôi nhà, xây dựng thêm hai nhà ngang để làm nơi tiếp khách và trưng bày hiện vật. Để ngôi nhà thêm sinh khí và cho những hình dung về quá khứ, ông Tập cũng đã sưu tầm một số tư liệu, hiện vật thời xưa, từ đồ đồng, đồ đá, các vật dụng thời chiến, dụng cụ nông nghiệp… về trưng bày trong khuôn viên nhà.
Từ hướng chùa Phạm Thông chúng tôi lần lượt đi qua các con ngõ Dũng - Trí - Nghĩa - Nhân ra phía đình làng. Ngoài ngôi nhà của ông Tập đã được bố con ông đổ tiền bạc, công sức gìn giữ, phục dựng, 12 ngôi nhà cổ còn lại ở Đông Sơn hiện nay vẫn được giữ nguyên trạng, có ngôi còn khá nguyên vẹn nhưng có những ngôi đã xuống cấp. Việc bảo tồn chúng như thế nào vẫn còn nhiều lúng túng với cả gia chủ và địa phương. Con cháu thì ngày càng đông, mỗi một người trưởng thành lại chia nhỏ ra một chút, gây ra sự chia năm xẻ bảy. Mỗi năm, những mái nhà, kèo cột lại phủ thêm một lớp thời gian, lịch sử lại nhích thêm một chút. Năm 2022, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa; cô Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch; cô Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã xuống tìm hiểu thực tế và khảo sát tại Đông Sơn về phương hướng bảo tồn, đầu tư, nâng cấp làng cổ. Ông Tập thay mặt gia đình đã báo cáo với đoàn công tác rằng, gia đình không xin kinh phí gì, vì ông biết có xin cũng không có tiền, ông chỉ đề nghị thành phố giúp gia đình tư vấn phương án chống mối mọt, nếu giúp được thì tốt, không thì gia đình tự chi trả. Ông cũng đề nghị thành phố quan tâm, nâng cấp để có nhiều nhà cổ hơn thì mới thành làng cổ, vì làng cổ Đông Sơn hiện nay chưa có quyết định nào công nhận làng cổ cả, cho nên không chính danh như Đường Lâm và một số làng cổ khác. Ông Tập cũng động viên các gia đình trong làng cố gắng bàn bạc với anh em giữ gìn nhà cổ, thu xếp trong nội bộ gia tộc để bảo tồn nguyên trạng, không bị chia xẻ hay chuyển đổi mục đích sử dụng.
Bố mẹ ông Lương Thế Tập đều người làng Đông Sơn, thuộc hai họ lớn của làng. Bố ông họ Lương Trọng, mẹ ông họ Dương. Bố ông là đời thứ 14 trong dòng họ, đến ông là đời thứ 15 sinh cơ lập nghiệp tại làng. Ông là con trưởng trong gia đình có 6 anh chị em. Dẫn chúng tôi tham quan khu trưng bày hiện vật mà mình kì công sưu tầm suốt mấy chục năm gắn với kí ức của người Đông Sơn, chỉ vào khu vực bày rất nhiều những viên đá to nhỏ khác nhau có ghi tên các địa phương trong cả nước, ông Tập kể, từ sau khi đất nước giải phóng, mỗi chuyến đi đến các vùng miền ông đều mang về một viên đá. Lâu dần, số đá mang về từ các tỉnh đầy lên, có tỉnh vài viên từ những địa danh nổi tiếng và ý nghĩa. Chị Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa vốn cũng là một người con của làng, khi về thăm cũng tặng ông Tập một viên đá chị mang về từ Trường Sa trong chuyến công tác của chị để góp vào bộ sưu tập.
Khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cây cầu Hàm Rồng, huyết mạch giao thông Bắc - Nam là mục tiêu bị đánh phá nghiêm trọng. Cả Hàm Rồng - Đông Sơn suốt bảy, tám năm là một chiến trường. Bố con ông Lương Trọng Duệ - Lương Thế Tập cũng đã trải qua những ngày tháng ấy. Ông Tập tham gia dân quân, đã lên thay pháo thủ trên đồi C4 chiến đấu, bom đạn ác liệt, bộ đội bị thương, hi sinh, nhân lực của làng được điều động lên thay, do được huấn luyện và chuẩn bị phương án trước, dân quân nào cũng có thể làm pháo thủ. Còn lại đàn ông thì tiếp đạn, phụ nữ thì nấu cơm, phục vụ nước uống cho bộ đội, dân quân du kích, ai cũng có việc. Những năm tháng ấy có thể nói cả làng ra trận, cả làng đánh giặc. Cả làng Đông Sơn khi đó chỉ có một chi bộ Đảng, người Đông Sơn là chính, trong đó cụ Duệ là một trong những đảng viên nòng cốt. Năm 1968 cụ Lương Trọng Duệ còn tham gia đoàn xe thồ phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên, trước đó cụ cũng đi dân công hỏa tuyến phục vụ các huyện phía Tây Thanh Hóa. Kí ức về chiếc xe thồ của người cha khiến ông Tập sau này đã sưu tầm bằng được mẫu xe thồ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ về trưng bày trang trọng trong khuôn viên nhà như một chứng tích của gia đình.
Ông Lương Thế Tập lớn lên cũng nhập ngũ, tháng 10 năm 1976 ông vào chiến trường Tây Nguyên làm nhiệm vụ. Công tác trong môi trường quân đội đến năm 1982 ông chuyển ngành về Ty Thương binh Xã hội Thanh Hóa làm công tác chính sách. Sau đó ông chuyển sang phụ trách chăm sóc người có công, rồi làm về chính sách lao động, tiền lương. Năm 2010 ông được giao phụ trách Trung tâm nuôi dưỡng người có công và các đối tượng ảnh hưởng chất độc da cam của tỉnh. Cùng với việc công tác ông vẫn đi về Đông Sơn, cùng bố chăm chút ngôi nhà xưa dù bản thân cũng đã có gia đình và nhà riêng ở trung tâm thành phố. Trước khi mất cụ Lương Trọng Duệ có viết di chúc giao lại cho con trai trưởng chăm sóc, gìn giữ ngôi nhà, thờ cúng gia tiên, trông coi di sản ông cha để lại nhằm lưu truyền cho con cháu sau này. Hiện nay ngôi nhà là nơi sum họp gia đình, dòng họ trong mỗi dịp hội họp, giỗ chạp.
“Tôi có một tâm huyết kế thừa tâm nguyện của cha, cụ dặn dò lại rằng, tổ tiên bao đời nay đã xây dựng được nền tảng gia đình, làng xóm với những ngôi nhà cổ trên 200 năm, các cụ đã để lại di sản như vậy, hậu thế cần giữ gìn những giá trị ấy”, ông Tập giãy bày. Ông cũng mong muốn mở rộng, bảo tồn kí ức một thế hệ gắn với lịch sử kháng chiến, bảo vệ quê hương, đất nước. Gần đây, khách xa gần đến thăm làng, về Đông Sơn đã tìm đến nhà ông, đó như một nguồn động viên để ông tiếp tục sự nghiệp chăm lo di sản.
*
Đông Sơn - Hàm Rồng những năm chống Mỹ đã trở thành những từ khóa quen thuộc. Suốt bảy, tám năm ròng rã Mỹ đã trút không biết bao nhiêu bom đạn xuống mảnh đất này. Có một Đông Sơn gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng, cụ thể là gắn với cuộc chiến bảo vệ huyết mạch giao thông cầu Hàm Rồng trên tuyến quốc lộ 1A nối miền Bắc với miền Nam. Tử huyệt giao thông này đã là nơi so trí, đọ tài, thi gan đọ danh dự giữa siêu cường ngạo mạn và một dân tộc nhỏ bé mà gan góc, không chịu khuất phục. Chỉ một cây cầu nhỏ bé nối đôi bờ sông Mã mà trong gần chục năm giao tranh hút đến hàng chục tấn bom. 117 máy bay Mỹ đã vì cây cầu này mà đã bị loại khỏi đội hình chiến đấu.
Địa thế Đông Sơn đã khiến làng trở thành làng kháng chiến. Kháng chiến tại chỗ, mặt đối mặt với kẻ thù từ trên trời, không phải đi sơ tán như các làng khác quanh khu vực cầu Hàm Rồng. Làng có nhiều núi thì cũng có nhiều hang. Hang đá lớn có thể chứa mấy trăm người. Hang đá nhỏ cũng chứa được vài chục người. Vì thế, cứ máy bay vào oanh kích, có báo động thì dân vào hang đá trú ẩn, hết báo động lại ra tu sửa hầm hào cộng sự, tải đạn, tải thương… Có thể nói đó là những trận đánh giáp lá cà thời hiện đại, giữa không quân hiện đại và pháo phòng không mặt đất trong một thế trận chiến tranh nhân dân. Làng Đông Sơn khi đó là trung tâm của Tiểu khu Hàm Rồng. Làng thành lập trung đội dân quân trực tiếp chiến đấu, là lực lượng chính phối thuộc, tăng cường cho các đơn vị pháo phòng không ở Đồi Không Tên, Đồi 37, Đồi 57, Đồi C4... Do được huấn luyện nên các dân quân có thể ngồi vào mâm pháo chiến đấu như bộ đội chính quy. Chỉ hơn ba mươi người nhưng họ đã thực sự như một đơn vị chiến đấu. Bây giờ những cựu dân quân ấy vẫn sinh hoạt trong Câu lạc bộ cựu dân quân, nhưng các thành viên đa phần cũng đã già yếu, không còn sôi nổi như xưa. Những ngày ấy, người Đông Sơn có động thì ra hang núi trú ẩn, bình thường lại về làng bám nhà cửa, trận địa chiến đấu. Dân thì trú ở hang Mom. Còn hang Làng là nơi đặt trụ sở của Ủy ban hành chính. Nhà thơ Huy Cận khi về Đông Sơn thực tế cuộc sống chiến đấu tại đây đã có bài thơ “Chào Đông Sơn” với những câu: “Đông Sơn thôn anh hùng đánh Mỹ/ Nơi sơ sinh nền văn hóa quê mình/ Trống đồng vọng từ ba mươi thế kỷ/ Lấp lánh trong luồng mắt chớp ra đa”. Cũng vì bài thơ đó mà sau này người Đông Sơn luôn nghĩ làng mình là anh hùng, cũng chẳng ai nghĩ đến việc xin phong tặng nữa, thành ra trong khi các làng Nam Ngạn, Yên Vực đều được phong anh hùng trên giấy trắng mực đen thì Đông Sơn mới chỉ anh hùng trong thơ. Ông Nguyễn Vệ, Trưởng làng Đông Sơn không băn khoăn vì điều đó, điều ông băn khoăn là hang Làng lẽ ra phải được công nhận là di tích cách mạng vì nơi đó là trụ sở hoạt động của Ủy ban hành chính kháng chiến. Những năm bom đạn, khoảng hai chục nóc nhà bị thiệt hại, một nhà cổ bị cháy, một số người bị chết do pháo kích câu từ biển Đông vào. Còn lại có hai vụ tổn thất đáng kể. Hai vị trí người làng chết nhiều nhất là bên kia núi Đình, khu vực có một ruộng bậc thang sườn đất được người dân làm nhà tranh ở để khi có bom chạy vào hang trú, nhưng bất ngờ một trận bom đánh vào khóm dân cư này làm 18 người chết. Hiện nay ở đây vẫn còn một bia căm thù được dựng trên núi, lời lẽ đanh thép quyết tâm tử thủ bảo vệ xóm làng. Vụ thứ hai là ở khu vực động Tiên Sơn, trong động có một lều tranh để nghỉ ngơi, nấu ăn. Khi có máy bay là kẻng báo động lớn lắm, dân đang làm sẽ chạy vào hang trú ẩn. Mọi bữa đều như thế, nhưng đêm hôm đó máy bay vào đánh phá bất ngờ chạy không kịp, chết mất 34 người. Đó là hai vụ lớn nhất. Ngay tại giếng làng kề đình cũng có một dân quân hi sinh khi đang chiến đấu, chết ngay trong khuôn viên đình. Hai trận bom khiến gần một trăm người bỏ mạng vẫn là một nỗi ám ảnh dai dẳng với người dân Đông Sơn, có nhà chết chẳng còn ai. Với những cống hiến, thành tích và sự anh dũng trong chiến đấu như vậy nhưng mãi năm 1998, khi phường Hàm Rồng được phong danh hiệu Anh hùng thì Đông Sơn cũng mới được coi như anh hùng vì làng thuộc phường, còn trước đó Đông Sơn chỉ anh hùng… trong thơ Huy Cận.
Có một điều gì quan trọng, thiêng liêng hơn thế, ngay từ những năm chiến tranh người ta đã cảm nhận mãnh liệt trên mảnh đất này mà bỏ qua những thứ nhất thời khác. Những hiện vật tìm thấy ở Đông Sơn những năm cuối nửa đầu thế kỉ XX đã khiến nhiều nhà khảo cổ nước ngoài nghĩ đến một nền văn hóa bắt đầu từ nơi đây. Dù chiến tranh nhưng Đông Sơn vẫn có nhiều đoàn khảo cổ về làm việc. Một nhà khảo cổ đến từ Hà Nội đã nói với những pháo thủ đồi C4 rằng, “tuyệt diệu quá, trận địa pháo của các đồng chí đang đặt lên nền văn hóa Đông Sơn mấy nghìn năm của dân tộc”. Đó là một sự thật đã được thế giới ghi nhận. Người cán bộ khảo cổ tâm huyết ấy sau đó đã hi sinh trên chính trận địa C4 trong một trận đánh. Công cuộc khảo cổ của ông đã được các đồng nghiệp tiếp tục cho đến sau ngày đất nước hòa bình, Bắc Nam về một mối.
*
Cũng gần giống ông Lương Thế Tập, ông Nguyễn Vệ, Trưởng làng Đông Sơn hiện nay cũng vốn là công an, công tác ở bộ phận cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thanh Hóa. Sau khi nghỉ hưu năm 2009 ông Vệ về làng ở trông coi di sản các cụ để lại, giống như ông Lương Thế Tập đã làm. Ông Nguyễn Vệ nói rằng, ở Đông Sơn có một số dòng họ cơ bản trong đó họ Lương và họ Dương là đông nhất. Họ Lương lại tách ra thành ba Lương Bá, Lương Trọng, Lương Trí. Lương Trọng suất đinh nhiều lại tách ra làm ba, bốn chi. Họ đông thứ hai là họ Dương trong đó phần nhiều là người của ông Dương Đình Nghệ từ Thiệu Dương xuống, nhưng vì người xuống trước, người xuống sau, đứt đoạn nên không có sự kết nối xuyên suốt, vì thế mà không có nhà thờ tổ như họ Lương.
Ông Vệ chia sẻ, gần đây số hộ của Đông Sơn có giảm xuống. Theo thống kê mới nhất của ông đầu năm nay để lập danh sách đề nghị gia đình văn hóa, hiện Đông Sơn có 322 nóc nhà. Trước làng sở hữu diện tích đất đai rộng lớn, quá trình khai khẩn từ đời này qua đời khác, đất bãi, đất đồng, đất xen kẽ giữa những ngọn núi to, núi nhỏ đã tạo thành một quỹ đất lớn. Đất đai cả Tiểu khu Hàm Rồng trước đây đều của Đông Sơn, sau này mới cắt chia bớt cho các phường khác, một số thì nhà nước lấy xây dựng các công trình công, các nhà máy, xí nghiệp quanh khu Hàm Rồng. Đất Đông Sơn nhìn có vẻ sỏi đá như vậy nhưng sắn khoai, củ từ Đông Sơn nức tiếng, cung cấp cho cả khu vực, cái ngon cái ngọt của làng không chỉ đằm sâu trong kí ức người Đông Sơn mà còn vấn vương trong kí ức của nhiều người Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Vệ dẫn tôi đi dọc bờ sông Mã đến vị trí phát tích của chiếc trống đồng gọi tên làng. Anh ruột của ông nội ông chính là người đã ghi tên vào lịch sử gắn với việc định danh một nền văn hóa - cụ Nguyễn Văn Nắm. Cụ Nắm chính là người tìm thấy chiếc trống gọi tên nền văn hóa Đông Sơn vào năm 1924. Rất nhiều tài liệu hiện tại, kể cả từ phía Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đều ghi nhầm tên cụ là Nguyễn Văn Lắm, có lẽ do sự nhầm lẫn do phát âm chữ N thành L, một lỗi phát âm khá nhiều người mắc phải. Sự việc ấy diễn ra tròn 100 năm trước. Cụ Nắm đã đi vào lịch sử ấy thời trẻ là một người đàn ông Đông Sơn bình dị nhưng cũng ẩn chứa nhiều khí chất. Theo lời ông Nguyễn Vệ, ông Nắm khi đó 34 tuổi, ham đánh bạc và đi câu. Ông thường câu ở xứ Đồng Ra bên rìa làng, dọc sông Mã. Đây là phía lở, bờ sông dựng đứng. Địa thế ở đây thuận lợi cho việc câu cá, không như bền bồi. Thế rồi buổi câu ấy ông nhìn thấy ở bờ sông có một cái hõm ăn sâu vào. Ông đã soi đèn vào xem bên trong có gì thì phát hiện ra một số đồ vật bằng đồng, trong đó có một chiếc trống hình trụ và một bộ ấm chén. Tất nhiên là ông làm sao ý thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa đặc biệt của chúng. “Đi hết Đồng Ra đến Đồng Xuôi, dọc sông là bờ lở. Các nhà văn hóa không nghiên cứu đến điều kiện tự nhiên đó lại bảo sau một trận mưa rào trống lộ ra, mưa không làm lộ ra được vì hiện vật nằm sâu dưới đất. Vì là bờ lở nên nên ông nhà tôi mới thấy lộ ra một cái hàm. Ông vạch cỏ soi đèn vào hàm mới phát hiện ra trống đồng chứ không phải mưa làm lộ ra”, ông Vệ phân bua.
Những đồ vật bằng đồng ông Nắm tìm thấy năm 1924 ấy đã được một người Pháp tên là L.Pajot mua lại. Sau đó, sự việc được báo lên Trường Viễn đông Bác Cổ và nhà khảo cổ Pajot được ủy nhiệm tiến hành khai quật ở Đông Sơn. Những cổ vật tìm thấy tại Đông Sơn được công bố vào năm 1929 đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của giới khảo cổ đương thời. Nhiều học giả đã xác nhận rằng các di vật đó thuộc về một nền văn hóa riêng biệt. Đặc biệt, năm 1933, học giả người Áo là R.Heine - Geldern đề nghị đặt tên nền văn hóa đồ đồng là văn hóa Đông Sơn. Kể từ đó, thuật ngữ văn hóa Đông Sơn được dùng phổ biến trên thế giới để chỉ thời kì văn minh đầu tiên của người Việt cổ, mốc thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang. Nền văn hóa ấy được đặt tên theo tên địa phương nơi phát hiện các dấu tích đầu tiên của nó. Và tên của ngôi làng nhỏ bên bờ sông Mã đã trở thành tên gọi của một nền văn hóa. Lịch sử đã gọi tên làng.
Ông nội ông Nguyễn Vệ là cụ Nguyễn Văn Mớ, em ruột kế tiếp của cụ Nguyễn Văn Nắm. Sau này, khi Đông Sơn kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới, cụ Nắm đã rời làng đi khai khẩn đất hoang, lập làng mới mãi trên huyện Như Thanh, mấy chục hộ lại đi mở đất như thuở Đông Sơn lập làng. Nhớ quê, nhớ làng, một phần vì ở Như Thanh không có nghề chơi, nghề câu cá, đánh bạc nên bạn bè vẫn rủ cụ Nắm về quê cũ. Nhà cũ không còn, mỗi lần về chơi cụ thường ở nhà ông em ruột là cụ Nguyễn Văn Mớ, ông nội của ông Vệ, vì thế ông Vệ đã được nghe nhiều câu chuyện từ người anh của ông nội mình. Ông Vệ nhớ cụ Nắm sinh năm 1890 vì cụ hay nói là cụ bằng tuổi Bác Hồ. Tấm giấy chứng nhận tìm thấy trống đồng do viên quan mà ông nhớ tên phát âm tiếng Việt là Bang Tá của chính quyền bảo hộ kí đã trôi dạt trên những chiếu bạc chẳng biết đi về đâu. Sau đó gia đình cụ Nắm cũng trôi dạt tiếp khi một lần nữa đi kinh tế mới vào Đồng Nai. Hậu duệ của cụ Nắm hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, không còn ai ở làng, ông Vệ là đời sau gần nhất còn sống ở Đông Sơn.
*
Vị trí tìm thấy chiếc trống đồng đặc biệt năm xưa hiện nằm trong khuôn viên Nhà máy phân lân Hàm Rồng. Ông Vệ xé hàng rào dẫn tôi đi dọc sông Mã, vạch cây cỏ um tùm để chỉ về vị trí khai sinh nền văn hóa. Không có một dấu hiệu nào để nhận biết ngoài trí nhớ của ông. Dọc bờ sông này sau đó những cán bộ khảo cổ đã về đào các hố khai quật và tìm thấy rất nhiều hiện vật quan trọng của thời đại đồng thau, tiếp tục chứng minh cho giả thiết về sự tồn tại của một nền văn hóa. Nhìn người cháu nội chi dưới của “nhà khảo cổ” bất đắc dĩ Nguyễn Văn Nắm hăm hở giới thiệu về vị trí phát tích trống đồng, chẳng hề băn khoăn về việc nó bị lãng quên trong sự vô tâm tôi như thấy lại phảng phất hình bóng tiền nhân. Anh Trịnh Văn Tuấn, cán bộ Ban Quản lí di tích Hàm Rồng cho biết, theo Chỉ thị 396 của Thủ tướng Chính phủ thì vị trí bên bờ sông Mã có những hố khảo cổ ấy sẽ xây dựng công viên khảo cổ học. Tuy vậy, điều đó có vẻ vẫn quá xa vời khi mà kỉ niệm 100 năm nền văn hóa Đông Sơn mọi thứ bày ra trước mắt tôi vẫn hoang hoải chẳng khác gì 100 năm trước. Anh Trịnh Văn Tuấn mong muốn Thanh Hóa có thể xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm tâm linh gắn với khu vực Hàm Rồng để tôn vinh truyền thống văn hóa và phát triển thương mại du lịch.
Đông Sơn thôn xưa thuộc Đông Sơn xã, Đông Sơn huyện, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa. Nay làng Đông Sơn thuộc phường Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa. Đất Đông Sơn đã chịu 6 lần mổ xẻ để tìm kiếm những thông điệp từ lịch sử từ năm 1954, khi miền Bắc hòa bình. Một lượng hiện vật lớn đã được tìm thấy đủ nói lên những tiếng nói về khoa học khảo cổ, đủ để gọi tên một nền văn hóa đánh dấu thời kì văn minh của người Việt cổ khởi phát tại đất này. Đào lên rồi lấp xuống, nhiều người làng Đông Sơn hôm nay cũng không còn nhớ những hố khảo cổ ấy nằm chính xác chỗ nào. Chỉ duy nhất lần gần đây, năm 2003, Viện Khảo cổ học Việt Nam sau khi đào khai quật xong đã giữ lại các hố khảo cổ, dựng mái che và ghi thông tin làm lưu niệm cho khách tham quan. Còn lại sau bao binh đao, sau bao biến thiên, vùi lấp đất lại hiền như đất, cỏ lại xanh như cỏ. Đi giữa Đông Sơn hôm nay, từng tấc đất vẫn như rì rầm những câu chuyện của lịch sử…
Thanh Hóa - Hà Nội năm 2024
N.X.T