ĐỖ LỆNH HÙNG TÚ
PGS. TS. Nghệ thuật học, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam
1. Trước khi đến với Không gian văn hóa Việt xứ Thanh, tọa lạc tại trung tâm thành phố Thanh Hóa, tôi đã có may mắn được trao đổi một câu chuyện về đề tài “Công nghiệp Văn hóa” với GS.TS. Trương Quốc Bình, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tận tụy, uyên thâm, đã có đến mấy chục đầu sách nghiên cứu về văn hóa dân gian, về môi trường sinh thái và về điền thổ, phong thủy. Tôi đã đầy thú vị tiếp nạp kiến thức văn từ ông, khi ông say sưa kể về vị thế cột trụ của du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử trong bức tổng quan của công nghiệp văn hóa mà theo đó, muốn cho ngành du lịch phát triển toàn diện, phát triển bền vững thì rất cần những không gian văn hóa - sinh thái, vừa là nơi nghỉ ngơi, ẩm thực vừa là địa chỉ thỏa mãn sự trải nghiệm và hấp thụ các giá trị tinh thần biểu trưng hiện hữu cũng như chiều sâu tâm linh thăm thẳm của một miền đất, của một vùng danh thắng. Tất cả các phạm trù này có thể gọi bằng một khái niệm: Không gian văn hóa.
Là người đi nhiều, ham sưu tầm, sưu tập, thế nên trong các câu chuyện về du lịch văn hóa, về công nghiệp văn hóa và không gian văn hóa… GS.TS. Trương Quốc Bình luôn có những dẫn chứng sinh động, phong phú, rất đặc trưng dấu ấn khiến cho các thông tin mà ông đưa ra đều trở nên gợi mở, hấp dẫn. Ví dụ, ông kể, ở thành phố Tallinn, thủ đô của nước Cộng hòa Estonia ở vùng biển Ban Tích (Bắc Âu) có một ngôi làng cổ còn giữ được 24 chiếc cối xay gió từ thế kỷ XVII, XVIII. Chính bối cảnh ấy đã mời gọi được phần lớn du khách đến Estonia ghé thăm, chiêm ngưỡng. Và ngày nay, dân bản địa đã xây dựng thêm nhiều không gian du lịch mới, tạo nên một vùng du lịch văn hóa sinh thái vào loại sầm uất nhất của đất nước bên bờ vịnh Phần Lan này...
Cũng trong lần trò chuyện đó, GS.TS. Trương Quốc Bình liên hệ tới việc, một dịp ông vào giảng bài tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, các đồng nghiệp và học trò xứ Thanh mời ông đến thăm địa chỉ văn hóa lịch sử sinh thái Không gian văn hóa Việt, tọa lạc ở số 1, phố Cù Chính Lan, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Sau những nhận xét cảm thụ và ấn tượng về Không gian văn hóa - sinh thái này, GS.TS. Trương Quốc Bình còn “luận” thêm, ai là dân làm phim truyện cổ trang, phim tài liệu về văn hóa dân gian, về môi trường sinh thái, làm clip ca nhạc… thì nên đến đó, chắc chắn sẽ chọn được các bối cảnh ưng ý, phù hợp và đắc dụng để thực hiện các bộ phim truyện, phim tài liệu, clip ca nhạc trong dự án của mình…
2. Vốn là họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho Điện ảnh phim truyện từ khi mới vào nghề hơn bốn mươi năm trước, nghe xong câu chuyện của GS.TS. Trương Quốc Bình, tôi coi đây là một “tài khoản” trong ngân hàng dữ liệu bối cảnh thiết kế, phương thức thiết kế của bản thân, một tài khoản cần trải nghiệm, khám phá, bổ sung và lưu trữ.
Không lâu sau đó, vào dịp đầu hè năm 2022, tôi có may mắn cùng một số nhà điện ảnh vào Thanh. Đây là cơ hội lý tưởng để tham quan Không gian văn hóa Việt xứ Thanh tại thành phố Thanh Hóa.
Được mắt thấy tai nghe bức toàn cảnh của Không gian văn hóa Việt, một số đồng nghiệp cùng chuyến công tác với tôi đã trầm trồ: “Thật là kỳ diệu!... Không thể tưởng tượng được trí tuệ và bàn tay con người lại có thể làm được một công trình văn hóa tầm cỡ đáng ngưỡng phục thế này!”.
Bản thân tôi đã thu nạp được nhiều chiêm nghiệm nghề nghiệp và những thôi thúc ngẫm ngợi bằng “số phận” và hình khối của các hiện vật, các di sản hiện hữu trong Không gian văn hóa Việt tại xứ Thanh. Những tác nhân này khiến cho sự thích thú, sự tưởng tượng của tôi có thêm nhiều cơ sở tin cậy, hiểu biết thêm về lịch sử, về văn hóa, về môi trường sinh thái liên quan đến phong thủy, liên quan đến các giá trị tâm linh mang dấu bản sắc của không riêng của văn hóa xứ Thanh mà là của cả đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Đó còn là những phẩm chất tín nghĩa và khoan dung, cố kết và cởi mở, sáng tạo bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống rực rỡ của dân tộc.
Sau nhiều ngẫm ngợi, tôi đã đặt cho bài viết của mình về Không gian văn hóa Việt tại thành phố Thanh Hóa tựa đề: “Một cõi và Ngàn năm”. Đây là một địa chỉ du lịch độc đáo có sức chứa trầm tích văn hóa và môi trường sinh thái hàng ngàn năm mà trầm tích nào cũng lấp lánh hào quang, cũng mang dấu ấn bản sắc Việt đẳng cấp. “Một cõi” mà tôi nói đến xin được hiểu là địa điểm tọa lạc của Không gian văn hóa Việt tại thành phố Thanh Hóa, và “Ngàn năm” là cả quá trình diễn tiến lịch sử, sáng tạo, tích nạp, bảo tồn văn hóa của một vùng đất nức tiếng địa linh, nhân kiệt. Đó là ngàn, ngàn năm lịch sử mênh mông, thăm thẳm chứ không phải là con số một nghìn (1000) năm cơ học thông thường.
Như vậy, cái “Một cõi” là Không gian văn hóa Việt mà tôi trân trọng nhắc đến đã ôm chứa hồn vía, bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử cả ngàn vạn năm của mảnh đất này.
3. Như ta đã biết, thành phố Thanh Hóa, nơi tọa lạc của Không gian văn hóa Việt là miền đất thiêng, cái nôi phát tích của loài người, hàm chứa đến hai nền văn minh của nhân loại: văn minh Núi Đọ và văn minh Đông Sơn. Các hiện vật, các di sản được trưng bày tại đây như là những chuỗi hồi quang lấp lánh của những ký ức lịch sử từ ngàn xưa cho đến thời hiện tại.
Các sự kiện, các hồi quang về chúng lại hội tụ bằng các hiện vật di sản trưng bày phong phú kèm theo những câu chuyện khảo luận thuyết minh bằng các chi tiết, tình tiết vừa hiện thực, vừa huyền thoại, ví như việc phát hiện ra các di vật đồ đồng đầu tiên ở làng cổ Đông Sơn, cách khai thác và tôn vinh địa chỉ lịch sử đó thành một nền văn hóa của nhân loại - Văn minh Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn; ví như sức lan tỏa to lớn của nền văn minh Đông Sơn như câu chuyện có một làng cổ Đông Sơn ở quần đảo Sumatra của Indonesia hoặc có một gian trưng bày văn hóa Đông Sơn tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia…
Với thủ pháp “lội ngược” dòng chảy lịch sử cùng với sự kỳ công sưu tầm, kiểm định vật chứng của chủ thể kiến tạo, các hạng mục di vật, hiện vật… được trưng bày trong Không gian văn hóa Việt đã cung cấp nhiều thông tin thú vị, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận hiếu kỳ của du khách và giới sưu tầm văn hóa dân gian, nghiên cứu lịch sử dân tộc. Đó là sự tiếp nhận tri thức vừa thú vị vừa thiết thực khi người hâm mộ đứng trước vật thể trưng bày cùng với quá trình phát hiện, chế tác và vị thế hiện hữu của chúng. Ví dụ, việc tìm kiếm và chế tác hai phiến đá xanh, mỗi phiến nặng khoảng gần 50 tấn, đạt chuẩn Guiness Việt Nam; việc một người nông dân làng cổ Đông Sơn tên là Nguyễn Văn Nắm đã phát hiện ra những cổ vật đồ đồng đầu tiên của nền văn minh Đông Sơn bất tử.
Nguồn lực hiện vật, di sản trong Không gian văn hóa Việt xứ Thanh còn được trưng bày theo phong cách mở mang và liên kết. Theo đó, tầm vóc Không gian văn hóa Việt có thể sánh bước và song cùng với nhiều địa chỉ văn hóa - lịch sử - sinh thái và nghệ thuật trên các châu lục của thế giới, kể cả về đẳng cấp quy mô lẫn tri thức biểu hiện.
Ở khía cạnh khác, những trải nghiệm tại Không gian văn hóa Việt xứ Thanh khiến tôi còn khá ấn tượng với một hệ sinh thái đang hiện hữu với các phối cảnh về chủng loại, về thâm niên thảo mộc và về cả một toàn cảnh bố cục hài hòa. Từ các cảnh quan tự nhiên đến sự tiếp nhận của khách thể là một khoảng cách gần gũi, dễ đối sánh, dễ nắm bắt, dễ thu nạp những cảm thụ say lòng.
Có thể thấy, bên cạnh những khu trưng bày di vật, cổ vật, hiện vật cùng các dạng thức kiến trúc, Không gian văn hóa Việt còn là một vườn thực vật giá trị. Từ thảm hoa hồng đa chủng loại trước hai bên lối đi vào khu vực trung tâm đến những cây cảnh có độ tuổi trăm năm, ngàn năm; từ những đồi cây um tùm tán lá thông reo vi vu gió chiều đến đôi thửa lúa vàng trĩu bông bên dòng suối mát, nước chảy trong veo; từ những chùm khế chua, khế ngọt dân dã đến những “cụ” sanh, “cụ” si đại thụ đứng ngạo nghễ giữa đất rộng trời cao, soi bóng xuống thảm cỏ, xuống con suối hai bên bờ kè đá lô xô, dòng trôi hiền hòa, nơi có từng đàn cá vàng đủng đỉnh an nhiên bơi bơi, cong mình, quẫy nước…
Mỗi cảnh sắc, mỗi góc trưng bày, sắp đặt, mỗi phối cảnh cây và cỏ, đất và nước, tĩnh và động... đều góp tạo nên một miền sinh thái thiên nhiên đầy sức lực sinh sôi, đầy bảng màu đa dạng như bản thể vốn có của tự nhiên, như biểu cảm về một không gian mang hơi hướng dấu vết từ thuở khai thiên lập địa…
Thêm một điều rất thú vị nữa là tại Không gian văn hóa Việt xứ Thanh còn có những trưng bày về các hạng mục sản phẩm nghệ thuật đậm nét dân gian từ gỗ, từ đá và một số chất liệu, vật liệu khác. Thật sáng tạo biết bao, khi khối óc và bàn tay nghệ thuật của những người thợ, nghệ nhân dân gian rất đỗi lành nghề đã tái hiện nội dung những câu chuyện cổ tích sống động như bức Thanh kỳ khả ái; bức tám vị tiên qua biển; bức chàng Mai Am Tiêm, hoàng tử của vua Hùng trồng dưa hấu ở đảo Hòn Nẹ gần cửa biển Thần Phù; và... đặc biệt nổi bật là các bức khắc khác về Tứ bất tử và Tứ linh…
4. Do đặc thù nghề nghiệp, đã có dịp đến nhiều nơi, và ở mỗi nơi, mỗi điểm đến, chúng tôi hay có ý thức sưu tầm, sưu tập các cảnh quan mà bản thân thấy hữu ích trong công việc thiết kế bối cảnh cho những bộ phim truyện điện ảnh và truyền hình tương lai. Chính đam mê này cũng đã giúp tôi đúc kết được từ trải nghiệm, rằng mỗi dự án xây dựng các cảnh quan văn hóa lịch sử và sinh thái, môi trường chỉ có thể thành công, chỉ có thể trở thành một địa chỉ phục vụ đời sống văn minh tinh thần của con người và cống hiến cho nghệ thuật phim ảnh khi nó thực sự là dấu ấn bản địa, ngoài cái đó ra, mọi sự lai căng, mọi sự nông cạn sẽ sớm bị lụi tàn hoặc phải chuyển sang mục đích sử dụng thông thường khác.
Vì vậy mà tôi đã vững tâm tin rằng, Không gian văn hóa Việt xứ Thanh là một dự án có tìm tòi ý tưởng, có dụng công chu đáo, có dự cảm dài rộng hướng về sự phát triển bền lâu, cập nhật. Ắt hẳn Không gian văn hóa Việt xứ Thanh sẽ ngày càng gia tăng giá trị hơn nhiều khi giảm tối đa những gia công mỹ nghệ thị trường để mang được dấu ấn tạo hình mỹ thuật truyền thống đặc sắc - được chắt lọc kỳ công trong nghệ thuật thể hiện từng tác phẩm đã, đang và sẽ có!
Một dự án có tầm - có tâm xứng đáng với tiêu chí phục hưng văn hóa như vậy thật đáng trân trọng biết bao! Bất cứ một vùng đất quý nào, một quê hương trù phú, phồn vinh nào dù nức tiếng đến đâu cũng không thể xây dựng trong một ngày, vài ngày, bởi một người, vài người mà là cả một quá trình lâu dài, liên tục gắng gỏi, liên tục cố kết, liên tục tiếp nối của nhiều thế hệ trước sau trong cộng đồng, trên quê hương bản thổ.
Theo dòng chảy của lịch sử, mọi đóng góp kiên trì và gắng gỏi đó đều là những viên gạch nền móng, những cột trụ rường xà trọng lực để dựng xây, để hình thành tòa lâu đài văn hóa lịch sử vững bền, đầy bản sắc với các giá trị biểu trưng dấu ấn của từng vùng đất, của mỗi quê hương và cao hơn là của cả một dân tộc, một đất nước.
Những đóng góp đó lại càng thiêng liêng hơn khi các công trình kiến tạo được tôn vinh thành một địa chỉ lịch sử, văn hóa và môi trường sinh thái tiêu biểu, có giá trị phổ quát cao, phục vụ ích lợi văn minh vật chất và văn minh tinh thần của con người. Bởi lẽ các giá trị văn hóa và lịch sử, dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào cũng là hồn cốt, là tấm gương soi không những cho con người, cho cộng đồng hiện tại mà còn để lại cho các thế hệ mai sau nhiều kiến giải sâu sắc về lẽ sống nhân văn, nhân bản và nhân tính; về niềm tự hào dân tộc, giống nòi… Cùng với đó, một môi trường sinh thái phong thủy, thổ nhưỡng hài hòa; thảo mộc đa dạng, phong phú; không khí trong lành, yên ả luôn cần thiết để con người và muôn loài cư ngụ, sinh sôi, phát triển, đặc biệt là cho những trí tuệ sáng tạo, kiến tạo gây dựng nên nền văn minh đỉnh cao mới, mang phồn thịnh, hạnh phúc đến cho con người, cho cuộc sống.
Tựu trung lại, các giá trị nêu trên dần dà kết tụ hình thành các hình thái tâm linh ảo diệu nhưng không kém phần thực tiễn mà kinh nghiệm dân gian đã đúc kết thành quy luật của tự nhiên, tinh hoa của cuộc sống, thành quả của lao động sáng tạo.
Đóng góp của những người xây dựng nên Không gian văn hóa Việt xứ Thanh là đóng góp nằm trong toàn bộ ý nghĩa rất đáng trân trọng nêu trên.
5. Theo chỗ chúng tôi được biết, hiện tại ở nhiều vùng, miền của xứ Thanh nói chung và thành phố Thanh Hóa - đô thị trung tâm tỉnh nói riêng có khá nhiều địa danh, nhiều di tích văn hóa lịch sử, sinh thái nổi tiếng đã và đang được kiến lập. Điều đó thật đáng tự hào với một thành phố đô thị loại I, nơi có hai nền văn minh nhân loại phát tích; một thành phố đang tiến lên văn minh hiện đại với tiêu chí nhân văn: Đô thị văn minh, công dân thân thiện; thành phố trung tâm của xứ Thanh, tỉnh có vị trí đầu tàu ở Bắc miền Trung.
Vì vậy, mỗi dự án cảnh quan, danh thắng được xây dựng thành công là thêm những đóng góp thiết thực cho bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; cho chất lượng môi trường sống. Không gian văn hóa Việt là cảnh quan, là danh thắng tiêu biểu trong số đó và đã trở thành một địa chỉ văn hóa được nhiều người biết đến.
Không gian văn hóa Việt tại thành phố Thanh Hóa không những góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa, mà còn có giá trị bồi bổ tình cảm của người dân bản địa về truyền thống lịch sử văn hiến của quê hương, đất nước; hun đúc trong họ niềm tự hào, thêm lực đẩy đầy năng lượng cho những chí hướng to lớn đạt được đích tới thành công. Công trình Không gian văn hóa Việt xứ Thanh do doanh nghiệp và cá nhân tâm nguyện cố kết, kiến tạo. Đây là loại dự án rất cần khuyến khích và nhân rộng. Hình thức đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa này sẽ giảm thiểu nhiều cho gánh nặng ngân sách, đồng thời cũng làm tăng tố chất, bản sắc, tâm thái văn hóa doanh nhân cho các nhà đầu tư, cho các mạnh thường quân trong quá trình xây dựng công nghiệp văn hóa, trong phát triển ngành kinh tế du lịch gắn kết với di sản văn hóa - lịch sử và môi trường sinh thái của xứ Thanh và đất nước.
Đ.L.H.T