Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Những đảng viên nơi cổng trời - Kỳ 2: Người Mông ta có Đảng! (Bút ký)
Những đảng viên nơi cổng trời - Kỳ 2: Người Mông ta có Đảng! (Bút ký)

 HÙNG LĨNH  

Sùng Seo Sểnh thắp cái đèn lên cho con nó học. Sểnh loáy ha loáy hoáy mãi mới bắt được cái đèn dầu đã cũ cho nó sáng. Cậu con trai năm nay lên lớp 9, so với Sểnh thì con hơn cha rồi! Thời của Sểnh được đi học là quý lắm! Sểnh học hết lớp 6 rồi phải bỏ học để đi rừng, cuốc rẫy góp sức lo cho cái bụng cả nhà không bị đói.  
Lớn lên, Sểnh được ví như con trâu rừng có sức khỏe lại chịu thương chịu khó, đảm việc nhà, năng nổ, nhiệt huyết việc của bản. Trong bản, từ già làng cho đến trẻ nhỏ ai cũng quý mến Sểnh. Khoảng năm 2010, khi cán bộ Đảng ủy, UBND xã Mường Lý về bản triển khai nội dung Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Phát triển đảng viên và chi bộ Đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa”. Cán bộ hỏi bà con “Ai xứng đáng?”. Bà con không ngần ngại mà chỉ đích danh Sểnh. Bà con tin cái bụng của Sểnh nó tốt, nó sẽ giúp Xa Lung phát triển được đảng viên, sớm thành lập chi bộ Đảng như mong mỏi của lãnh đạo xã. Bà con thì nghĩ vậy, còn Sểnh khi đó thì một mực từ chối vì tâm lý tự ti mình học còn chưa đến nơi đến chốn. Vào Đảng, có một cái gì đó to tác quá, sợ không đảm đương được trọng trách. 
Năm 2013 Sểnh được kết nạp Đảng. Giờ!… Sểnh đã là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Xa Lung.
“Đứa con” của Kết luận 50
Xa Lung là một trong 9 bản người Mông nghèo khó nhất của xã Mường Lý, huyện vùng biên Mường Lát. Vào mùa, những cơn mưa rừng cứ vắt từ ngày này qua ngày khác. Ảm đạm, xám xịt như chính cuộc sống của bà con người Mông nơi đây quanh năm luẩn quẩn với cái nghèo và hủ tục đeo bám. Mưa nhiều, vợ chồng nhà Mua Seo Lăng, Mua Seo Sềnh ở dưới con suối chốc chốc lại chạy lên nhà Sểnh như bắt vạ: “Mưa nẫu cả ruột, ông Trưởng bản xem nhà Sềnh có phải di dời không? Mưa bão này, lo không trụ được mất! Rồi chẳng may sạt lở đất, chết con trâu trong chuồng thì Sềnh cũng không sống được!”. Sểnh lắc đầu ái ngại khi vẫn còn đó những bà con lo cho con trâu, con bò hơn lo cho sức khỏe, tính mạng của mình. Con trâu ốm, bà con chạy vạy vay mượn mời thầy về cúng làm phép cho kỳ được. Còn chẳng may bà con ốm thì bấm bụng chịu đựng. Khi Sềnh hỏi: “Bao giờ bà con được di dời tái định cư?”. Sểnh nhẹ nhàng: “Nhà Sềnh à, cái này không vội được đâu! Nhà nước vẫn đang khảo sát tìm vị trí tái định cư đảm bảo an toàn, thuận tiện giao thông để bà con ta còn ra trung tâm, con cái còn đến trường học cái chữ”…
Trong căn nhà nằm chênh vênh giữa sườn đồi hoang hoải, phát ra là thứ ánh sáng lập lòe, yếu ớt từ chiếc đèn dầu leo lét. Xa Lung chưa có điện lưới. Lý do là bản này đang nằm trong quy hoạch di dời tái định cư. Để có ánh sáng cho mấy đứa nhỏ học bài, nhờ cả vào những chiếc đèn dầu, đèn bình, đèn năng lượng mặt trời. Đó cũng là thứ ánh sáng duy nhất để cả nhà Sểnh sinh hoạt rôm rả. Còn chúng tôi, vừa đủ để nhìn rõ mặt vị Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Sùng Seo Sểnh. Sểnh chừng ngoài ba mươi tuổi, dáng nhỏ thó, da ngăm đen, là ông bố của 5 mặt con. Đứa đầu của vợ chồng Sểnh không chịu nghe theo bố mẹ, học lên lớp 10 thì bỏ học đi làm thuê. Đứa thứ hai là Sùng Seo Khỏa đang học lớp 9. Sểnh nói, phải động viên cho Khỏa học hết cấp 3, có bằng cấp mới tính làm cái gì thì làm. Trong mục tiêu đưa bản nghèo khởi sắc, nhà nhà no đủ của Sểnh đặt niềm tin rất lớn vào thế hệ con em Xa Lung như Khỏa. Thế nhưng, nhìn vào chiếc đèn dầu với thứ ánh sáng chập chờn, yếu ớt, trên gương mặt của Sểnh không giấu được sự rầu rĩ: “Bà con mong mỏi về một khu tái định cư mới cũng chẳng có gì sai, đến Sểnh cũng mong từng ngày. Nhưng rồi cũng phải giải thích cặn kẽ để bà con hiểu, còn tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, việc bao giờ được di dời để “an cư lạc nghiệp” mình đâu có quyết được!”. 
Bây giờ, với Sểnh là làm sao cho bà con no cái bụng. Khi bà con no cái bụng thì ắt cái đầu sẽ tin theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặc dù cái bụng nghĩ là vậy, nhưng làm được như cái bụng nghĩ là điều không dễ! Suốt quãng thời gian đảm nhiệm chức vụ lo cho bản, với Sểnh thành công nhất chính là việc phát triển, xây dựng được một chi bộ Đảng vững mạnh với 10 đảng viên. Các đảng viên đoàn kết, xông xáo trong việc tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa mới, thay đổi, xóa bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu. Trong đó, tục tang ma là cả một “cuộc chiến” gian nan. Sểnh kể, trước kia, mỗi khi có người chết, đồng bào Mông thường chuẩn bị rất nhiều thủ tục, trong đó có quan niệm chọn ngày an táng. Thi thể người chết không được bỏ vào quan tài, mà được buộc vào chiếc cáng rồi treo lên vách nhà 5-7 ngày, đến khi thi thể bốc mùi mới đưa đi chôn. Không chỉ mất vệ sinh, mỗi đám tang của người Mông còn rất tốn kém. Theo quan niệm, khi bố mẹ mất, mỗi người con phải đóng góp một con bò, hoặc con trâu để làm lễ cúng. Nhà đông con thì nhiều trâu, nhiều bò. Không có thì phải đi vay mượn, nợ nần có khi nhiều năm không trả hết… Giờ thì khác rồi, người chết đều đưa vào quan tài để an táng, thời gian làm tang ma cũng chỉ còn hai ngày. 
Phần lo cho bà con no cái bụng, nhiều lúc Sểnh không giấu được sự bất lực khi không biết phải giúp bà con, giúp gia đình Sểnh bằng cách nào. Trồng cây gì cũng không được, nuôi con gì cũng không đủ cho bà con làm thịt chứ mong gì để bán. Xa Lung vì thế mà cứ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cứ 100%. Để mở hướng thoát nghèo, nhiều thanh niên vừa mới học hết bậc trung học cơ sở đã “ly hương” đi làm ăn xa. Xa Lung có thời điểm ảm đạm đến nỗi, chỉ người già và trẻ nhỏ. Việc phát triển đảng viên, giữ chân đảng viên ở lại bản gặp rất nhiều khó khăn. Song, lúc tuyệt vọng nhất, thì niềm hi vọng đã đến với Sểnh, với bà con Xa Lung. Năm 2023, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với Công ty cổ phần sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh ký kết một chương trình phối hợp triển khai mô hình trồng “cây sắn năng suất cao” trên địa bàn các xã biên giới huyện Mường Lát, trong đó có xã Mường Lý, có bản Xa Lung. Công ty sẽ cung cấp giống, phân tro, hỗ trợ kỹ thuật, và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm với mức đảm bảo. 
Bà con Xa Lung hồ hởi vui cái bụng lắm! Sểnh với vai trò đầu tàu của mình đã ngay lập tức tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ trước lịch để triển khai nội dung, kế hoạch đến từng đảng viên. Sểnh giao nhiệm vụ, mỗi đảng viên sẽ chịu trách nhiệm tiếp thu kiến thức, kỹ thuật rồi cùng cán bộ biên phòng, cán bộ xã, anh kỹ thuật của công ty sắn đến từng hộ bà con rà soát, hướng dẫn bà con tận dụng quỹ đất trồng được cây sắn để gieo trồng. Vựa sắn năm 2023, bản Xa Lung có 80 héc ta sắn, nhà ít cũng thu nhập vài chục triệu đồng, nhà nhiều cả trăm triệu đồng. Thấy được lợi ích từ cây sắn, năm 2024, bà con Xa Lung mở rộng diện tích lên gần 150 héc ta. Sự kỳ vọng hiện hữu rõ trên gương mặt đen sạm nhưng đầy rạng rỡ của Sểnh. Sểnh nói: “Mấy năm trước, khi cái nghèo đeo bám, thanh niên bỏ bản đi làm ăn xa, tìm nguồn để phát triển đảng viên là rất khó khăn. Giờ có cây sắn cho thu nhập, thanh niên ở lại bản nhiều hơn”. Sểnh lôi cuốn sổ ghi chép từ trong chiếc cặp đen sườn bạc thếch ra, rành mạch: 
- Sắp tới Xa Lung sẽ bồi dưỡng kết nạp thêm 3 đảng viên mới, còn trẻ và nhiệt huyết. Trong đó có một đảng viên nữ là Cừ Thị Chứ. Chứ sinh năm 1989, sẽ là nữ đảng viên đầu tiên của Xa Lung ta.
Sểnh hồ hởi, khi việc kết nạp Chứ chính là kết quả mà Sểnh cũng như các đảng viên trong chi bộ lâu nay nỗ lực vận động, thay đổi nhận thức bà con. Nó như dấu mốc, tiền đề mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ mà nam nữ trong bản làng người Mông vùng biên ai cũng có quyền lợi đứng vào hàng ngũ của Đảng, nếu đủ điều kiện.
Cổng trời “nở hoa”!
Rời Xa Lung bằng hình ảnh thật đẹp, ấm áp của tình quân dân. Trên những trảng đồi rộng lớn, bà con người Mông cùng cán bộ biên phòng, cán bộ xã đang tất bật gieo vào đất giống sắn mới năm 2024, gieo niềm tin về một tương lai tươi sáng, niềm tin của sự thoát nghèo. Xa Lung từ “trắng” đảng viên, nay đã có chi bộ vững mạnh, đoàn kết. Sự đổi thay ấy, chính từ Kết luận 50 mở đường để bản nghèo có được những đảng viên năng nổ, nhiệt huyết. Họ chính là những “hạt giống đỏ” tiên phong dẫn đường để bà con nơi đây thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ thực tại, tôi đã đặt ra một giả thuyết, thời điểm năm 2010, nếu như Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa không triển khai Kết luận 50 giảm đi một số tiêu chí để đảm bảo kết nạp được đảng viên người Mông ở vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng được đội ngũ những đảng viên “đặc biệt” thì liệu rằng Mường Lát đến hôm nay đã “xóa trắng” được đảng viên, “xóa trắng” được chi bộ Đảng, chi bộ ghép hay chưa?! Hẳn sẽ rất khó khăn, gian nan như lời của Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát - Triệu Minh Xiết, từng khẳng định: Việc phát triển đảng viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nhằm bổ sung lực lượng, trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Với huyện vùng biên Mường Lát, Kết luận 50 chính là “chìa khóa” làm thay đổi được cục diện của huyện còn nghèo nàn, lạc hậu. 
Ông Xiết nói: Kết luận 50 giảm một số tiêu chí về trình độ văn hóa, tức để có thể kết nạp đảng viên chỉ cần biết đọc, biết viết thành thạo. Về điều kiện thẩm tra, xác minh lý lịch đối với quần chúng công tác, sinh sống ở Mường Lát trên 10 năm thì không cần phải về quê thẩm tra mà sẽ thẩm tra trực tiếp tại nơi sinh sống, lao động… “Cởi trói” được những khó khăn, vướng mắc cố hữu trên chính là điều kiện “cần”, còn điều kiện “đủ” là bà con nhân dân nhiệt huyết có vào Đảng hay không lại là một chuyện khác. 
Trở lại thời điểm Mường Lát bắt đầu thực hiện Kết luận 50 bấy giờ là một huyện nghèo khó, chìm đắm trong những hủ tục ma chay, tảo hôn… mà nổi cộm là ở 26 bản người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên khoảng những năm 1989 đến năm 1997. Để thực hiện Kết luận 50 là điều không dễ. Song, khó nhưng không phải không thực hiện được. Việc tìm nguồn, phát triển nguồn phải đi từ cơ sở thôn, bản. Khi xác định được nguồn thì cán bộ xuống tận nhà dân, thậm chí lên nương, vào rừng để cùng già làng, trưởng bản vận động, tuyên truyền. Phát triển được đảng viên, xây dựng được chi bộ vững mạnh tức là thay đổi được nhận thức, từ bỏ lối sống du canh, du cư… xem như là thành công với Mường Lát lúc bấy giờ!
Chẳng đâu xa, ông Xiết nói ngay về bản Pom Khuông, xã Tam Chung. Đây là một trong số 26 bản Mông đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát. Bản có 64 hộ đồng bào thì 100% hộ nghèo. Năm 2012, chi bộ Đảng bản Pom Khuông được thành lập, là bản Mông đầu tiên của xã có chi bộ Đảng. Kể từ khi có chi bộ Đảng dẫn dắt, đời sống người dân Pom Khuông đã từng bước được đổi thay, không còn tình trạng di cư tự do, xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu, xây dựng được nếp sống văn hóa mới. “Vậy bao nhiêu năm thì Mường Lát “xóa trắng” đảng viên?” - Tôi hỏi. Theo ông Xiết: Cơ bản đến tháng 8-2014 Mường Lát đã “xóa trắng” đảng viên tại 26 thôn bản. Từ đó đến nay, trên cơ sở kết quả đã đạt được, Mường Lát đang tập trung nâng cao số lượng và chất lượng của đảng viên; củng cố lại chi bộ Đảng bằng việc tăng cường thêm sự tham gia của cán bộ xã, cán bộ biên phòng. 
Ông Xiết cho rằng, chi bộ vững mạnh chính là sự đóng góp to lớn để Mường Lát thực hiện được những mục tiêu lớn hơn như hoàn thành Nghị quyết 11 ngày 29-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030. Đến năm 2045, kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu đó, ông Xiết chỉ ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết 11 nêu rõ. Một là, tập trung tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát. Hai là, tăng cường khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. Ba là, huy động đa dạng và quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. Bốn là, tổ chức di dời dân cư ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn. Năm là, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Sáu là, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai. Bảy là, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tám là, tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của huyện trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Chín là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của tỉnh, của các ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị, của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đưa huyện Mường Lát sớm thoát khỏi huyện nghèo. 
Trong đó, nhiệm vụ tiên quyết đầu tiên phải nói đến chính là thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, từ đó xóa bỏ tính “trông chờ, ỷ lại”, mà thực hiện được nhiệm vụ này, vai trò của đảng viên tiên phong như Giàng A Chống, Sùng Seo Sểnh… là rất to lớn.
Kết thúc cuộc trò chuyện cùng Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát - Triệu Minh Xiết là cái vỗ vai thân tình, như dành cho tôi một sự khẳng định: Chặng đường phía trước của Mường Lát hãy còn nhiều gian nan, nhưng tin rằng, với sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương đến tỉnh, cuộc sống vùng biên nơi đây sẽ sớm thoát khỏi cái nghèo để khởi sắc, như chính cái “đích” của Kết luận 50 về “xóa trắng” đảng viên ở các bản người Mông nay đã làm được! 
                 H.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 70
 Hôm nay: 4785
 Tổng số truy cập: 9241975
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa