Những đảng viên nơi cổng trời - Kỳ 1: Mặt trời của Ón! (Bút ký)
HÙNG LĨNH
“A Chống à! Mình nhanh lên, đến giờ họp rồi, nhanh tôi chờ, bà con đang chờ, đường hẵng còn xa!” - Lời thúc giục của vợ Bí thư Chi bộ bản Ón khiến A Chống bước qua bậu cửa với tâm thế cập rà cập rập, tay cầm tệp tài liệu, chiếc áo chưa khuy hết cúc, miệng lắp nhắp: “Đã muộn thế rồi cơ à! Nay có nhiều nội dung triển khai, tôi xem lại cho rõ cái kỹ thuật trồng cây sắn cao sản để phổ biến cho bà con đảng viên ta. Lâu nay cây sắn cứ trồng ra đó rồi phó mặc cho trời, không nghĩ khi áp dụng kỹ thuật vào nó lại khó, làm rối cái đầu, rối cái óc đến vậy!”.
Trước mỗi buổi sinh hoạt chi bộ, lần nào cũng vậy, từ khi con gà trong bản còn chưa kịp gáy, ánh điện từ chiếc đèn năng lượng mặt trời ở góc căn nhà đã sáng quắc lên, chiếu cái bóng dài của người đàn ông mảnh khảnh đương cần mẫn lật qua, giở lại những văn bản, giấy tờ mà xã, huyện chuyển về để phổ biến đến cho các đảng viên. Với A Chống, tuyệt đối không để sót, để thiếu nội dung nào. Kỳ sinh hoạt này, A Chống cho là đặc biệt lắm, vì sẽ phổ biến việc trồng cây sắn cho bà con người Mông ở bản Ón. Đây là việc hệ trọng, nó liên quan đến no đói của bà con. A Chống tin tưởng cây sắn sẽ là cây thoát nghèo như lời cán bộ xã, huyện nói: “Nhờ cây sắn, người Mông bên Trung Lý, Mường Lý,… vựa thu hoạch năm 2023, có nhà thu cả 100 triệu đồng. Nếu vậy, chả mấy chốc mà thoát cái nghèo. Bà con ở Ón ta trồng được cây này, tin rằng cái bụng sẽ không còn phải lo đói kỳ giáp hạt nữa!”.
*
Ít ai biết rằng, hành trình để có một bản Ón định canh, định cư ổn định, với chi bộ gồm 17 đảng viên như ngày hôm nay ghi dấu ấn, vai trò đặc biệt của vị Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Giàng A Chống. Đó là những năm đầu thập kỷ 90, gia đình A Chống cùng nhiều hộ dân người Mông khác di cư từ Sơn La sang Mường Lát (Thanh Hóa). Khi ấy, mảnh đất này hãy còn hoang hóa chưa có người ở. Với bà con người Thái, người Mường, người Dao bản địa, họ bảo đứng ở ngọn núi cao nhất của bản chính là ngã ba biên giới Việt - Lào, nơi có điều kiện khắc nghiệt nhất. Là “điểm nóng” về ma túy, nơi tập hợp của cánh con nghiện, con buôn xuyên biên giới, không ai dám lên đây lập bản, lập làng. Còn với người Mông, cái tên bản “Ón” theo tiếng bản địa có nghĩa là “nơi tận cùng”. Khi gia đình A Chống và những hộ người Mông từ Sơn La di cư sang, ban đầu họ còn chưa lường hết khó khăn, sự nguy hiểm, bà con vẫn kỳ vọng về một vùng đất mới, nơi còn nhiều cánh rừng để khai thác, còn nhiều đất màu mỡ để khai hoang gieo lúa, trồng bắp…
Với bố mẹ A Chống, sau những lần du canh du cư, lần này có lẽ là lần cuối ông bà khăn gói đến một vùng đất lạ. Nhận thấy việc đi hết miền đất này đến miền đất khác vẫn cứ đói, cứ nghèo, giờ thì đã già, sức đã yếu, ông bà khuyên cậu con trai Giàng A Chống đi học cho có cái chữ vào đầu, có cái kiến thức để làm ra hạt thóc, trồng nên nhiều cái bắp trên nương. Có vậy, mới không lo đói, mới sống được ở vùng đất khắc nghiệt này!
A Chống được bố mẹ gửi xuống trung tâm xã để theo học cái chữ. A Chống thông minh, lanh lợi, học đến đâu, nhớ đến đó, được thầy cô giáo người Kinh khen là “sáng cái dạ”. A Chống học hết bậc phổ thông trung học, là người Mông đầu tiên của bản Ón được học cấp ba.
“Giàng A Chống muốn làm nghề gì?” - Đó là câu hỏi của bố mẹ A Chống. Còn câu trả lời của vị Bí thư Chi bộ bản Ón tương lai khi đó là học y tế để về giúp đỡ bà con trong bản. A Chống được theo học bồi dưỡng y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát. Đến năm 2008, thì anh lên đường nhập ngũ, đóng quân tại đảo Hòn Mê (thị xã Nghi Sơn bây giờ). Thời gian trong quân đội đã tôi rèn nên một Giàng A Chống trưởng thành, bản lĩnh hơn. Tại đây, A Chống được cử đi học lớp cảm tình Đảng, sau khi rời quân ngũ về địa phương theo dõi, thì chàng trai bản Mông được kết nạp và đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2010. Trở lại bản Ón, được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ phát triển Đảng viên tại bản Ón. A Chống nói: “Leo nương, leo đồi hay làm nhiệm vụ trên đảo dù nặng nhọc đến đâu cũng không khó bằng việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con người Mông ta”. Bấy giờ, bản Ón chỉ khoảng hơn 50 hộ, tất cả là đồng bào Mông, sống tạm bợ trong những mái nhà tranh tre xiêu vẹo dọc dưới các khe núi sâu, phụ thuộc vào những củ mài, củ sắn trên nương; bắp ngô, đọt măng trong rừng… Cái nghèo, cái đói và những hủ tục lạc hậu bao đời vẫn không sao thoát ra được. Người dân lo ăn chưa đủ, đa phần không có cái chữ, không sỏi tiếng phổ thông và đặc biệt cái nhận thức còn nhiều hạn chế, tính “trông chờ, ỷ lại” nặng nề... Chuyện vào Đảng, bà con nói thẳng với mình rằng: “Vào Đảng thì chỉ để làm cán bộ thôi, bà con có làm cán bộ đâu mà vào Đảng?!”. Đấy, thậm chí bà con còn hỏi: “Đảng là cái gì, vào Đảng có được cấp tiền, cấp gạo hàng tháng không?!”…
- Vậy A Chống đã làm gì để phát triển đảng viên tại bản?
A Chống tặc lưỡi nhìn xa xăm về những dãy núi đằng xa, nói: Vấn đề phát triển đảng viên là cả một quá trình lâu dài các đồng chí ạ! Ban đầu chi bộ chỉ có bốn đảng viên, ngoài A Chống, hai đồng chí cán bộ biên phòng, một đồng chí là cán bộ xã Tam Chung phụ trách tăng cường thì không còn ai. Để phát triển đảng viên là rất khó nếu như không có Kết luận 50-KL/TU ngày 20-4-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa” nhằm củng cố tổ chức cơ sở Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ áp dụng sự linh hoạt trong việc lựa chọn đối tượng để tạo nguồn, phát triển như, chỉ cần biết đọc, biết viết, có tinh thần nhiệt huyết là có thể xem xét, bồi dưỡng. Đây được ví như “tia sáng” để những đảng viên tiên phong vận động bà con có tố chất, sự nhiệt huyết ở bản vào Đảng. Dẫu vậy, thời gian đầu vẫn rất khó khăn. Chẳng đâu xa, khi nhận thấy vợ A Chống là Lâu Thị Cho là người có cái chữ khi học hết cấp ba; có tố chất, sự nhiệt huyết với công việc của bản, A Chống đã vận động chính vợ mình vào Đảng, nhưng rồi chị Cho ban đầu vẫn cứ khăng khăng từ chối. Lý do: “Chồng làm cán bộ bản thì vào Đảng thôi chứ mình là đàn bà vào Đảng làm gì”…
Từ chỗ chi bộ chỉ có bốn đảng viên, đến nay, bản Ón đã có 17 đảng viên. Những đảng viên tiên phong của chi bộ như vợ chồng A Chống chính là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của bản. Từ xóa bỏ tệ nạn, hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi cho đến tiên phong trong thi đua lao động sản xuất, giữ vững bình yên cho bản làng.
*
Theo đúng quy định, điều lệ Đảng, mỗi tháng chi bộ bản Ón sẽ tổ chức sinh hoạt một lần, thường thì vào ngày 15 hàng tháng. Đúng 8 giờ sáng! 14 đảng viên bản Ón có mặt, ba đảng viên đi làm ăn xa nhưng vẫn có thể tham gia sinh hoạt trực tuyến qua mạng xã hội zalo. Những đảng viên có mặt từ khá sớm, có người còn điệu cả con nhỏ vắt vẻo sau lưng nhưng vẫn say sưa với chuyện phát triển cây sắn, cây quế trên địa bàn. Trong đó, cây sắn được xem là cây “thoát nghèo” khiến nhiều bà con hoài nghi. Bà con cho rằng, cây sắn chỉ để gác bếp và độn cơm ăn qua cơn đói vụ giáp hạt, chưa bao giờ nghĩ, loại cây này sẽ giúp bà con thoát được cái nghèo! Cũng bởi suy nghĩ chưa có sự vượt thoát mặc cảm, chưa có niềm tin ấy mà cho tới nay, bản Ón có 113 hộ với 704 nhân khẩu thì chỉ có ba hộ cận nghèo, còn lại đều là hộ nghèo…
Buổi sinh hoạt bắt đầu bằng lời nói dõng dạc của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Giàng A Chống:
- Thưa các đồng chí, những năm qua bản ta đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhiều hạng mục công trình an sinh xã hội, triển khai nhiều chính sách phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví như, các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở đất đã được bố trí tái định cư ở nơi mới. Con em chúng ta được đến trường học cái chữ, trong những lớp học kiên cố. Thậm chí được ăn bán trú nhờ sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện… Để không phụ sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước cũng như những tấm lòng hảo tâm, bà con ta nhất định phải cố gắng, nỗ lực làm sao để lo cái bụng không bị đói, lo cho con cái được đến trường, người dân có của ăn, của để...
- Kính thưa các đồng chí, buổi sinh hoạt hôm nay chúng ta sẽ thảo luận các nội dung liên quan đến an ninh, trật tự, cũng như lắng nghe tinh thần chỉ đạo của đồng chí Hơ Văn Sóng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung về định hướng phát triển kinh tế của bản.
Sau khi Bí thư Chi bộ Giàng A Chống tóm lược những vấn đề quan trọng từ các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của cấp trên, là đến phần cán bộ biên phòng, anh Nguyễn Văn Đạo - nhân viên Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Tam Chung phổ biến đến bà con kiến thức về pháp luật, an ninh đường biên cũng như các giải pháp đảm bảo trật tự, phát giác tố giác những dấu hiệu có liên quan đến các tệ nạn buôn bán, vận chuyển ma túy.
Buổi họp diễn ra sôi nổi khi Giàng A Chống phổ biến về việc trồng cây sắn cao sản, những kỹ thuật, giá trị kinh tế mang lại đến bà con đảng viên.
Bà con hoài nghi nói như chất vấn:
- Cây sắn là cây của người nghèo, bao đời nay vẫn trồng có thay cái gạo làm no cái bụng được đâu?!
- Trồng sắn khi thu hoạch bán như thế nào? Công ty có mua thật không? Phân tro, giống má thế nào? Phải có cán bộ hướng dẫn bà con chứ?
- Đất đai chủ yếu là rừng, bà con phải thuê thêm đất bản Poọng mà trồng chứ!
… Vân vân và mây mây những câu hỏi, thắc mắc của bà con được vị Bí thư Chi bộ Giàng A Chống giải đáp tỉ mỉ, đúng như dự liệu anh đã chuẩn bị trước cả đêm qua. Theo Bí thư Chi bộ Giàng A Chống, khi cái nghèo bủa vây, chỉ sợ bà con sa vào các tệ nạn buôn bán ma túy. Bà con no, thì bản mới được yên bình, biên cương được giữ vững. Vì vậy, việc phổ biến bà con trồng cây sắn hay cây quế dù khó đến mấy cũng phải tuyên truyền, vận động bà con làm và làm cho bằng được. Phát biểu định hướng sau buổi sinh hoạt, đồng chí Hơ Văn Sóng đánh giá cao tinh thần thảo luận thực tiễn của chi bộ, không có tình trạng “độc diễn” của Bí thư một chiều. Điều này đã khơi dậy được tinh thần trách nhiệm của từng đảng viên trong việc góp ý, thảo luận một cách hiệu quả. Trước mắt, do khó khăn về giao thông, quỹ đất nông nghiệp còn hạn chế Ban quản lý bản cũng như đầu tầu là các đảng viên cần thống kê diện tích phù hợp để trồng sắn. Chỉ sợ bà con không chịu làm chứ không lo việc thiếu có cán bộ hướng dẫn, không lo không có đơn vị thu mua…
Kết thúc buổi sinh hoạt chi bộ cũng là lúc mặt trời đứng bóng. Đồng chí Hơ Văn Sóng, Phó Bí thư Đảng ủy xã một lần nữa nhấn mạnh câu nói của Bác Hồ trong bài viết “Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt”, bút danh “T.L”, đăng Báo Nhân dân, số ra ngày 31-10-1963 với Bí thư Giàng A Chống: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”.
Trước khi rời bản Ón vào sáng hôm sau, Bí thư Chi bộ Giàng A Chống dẫn chúng tôi lên khu tái định cư mới của bà con. A Chống nói: Cái lo nhất là con ma thủy thần, con ma của núi vào mùa mưa bão gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đe dọa người dân. Giờ thì không còn phải lo! Cái bụng được yên, cái đầu của A Chống cũng nhẹ nhàng hơn. Từ đỉnh núi cao nhất của bản Ón, hướng về phía mặt trời đang vươn mình vượt núi, nơi bà con người Mông vẫn hàng ngày cần mẫn lên nương rẫy như chính sự vượt thoát lên cuộc sống nghèo đói để khởi sắc hơn, ấm áp hơn.
H.L