Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Con tàu tập kết biểu tượng về bài ca chiến thắng (Tùy bút)
Con tàu tập kết biểu tượng về bài ca chiến thắng (Tùy bút)

 PHÙNG VĂN KHAI  

Cách đây 70 năm, ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết về chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thông qua tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như: đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước và các vấn đề thi hành Hiệp định cho toàn bộ Đông Dương. Đây là một bước tiến quan trọng, vừa có ý nghĩa pháp lý vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn đất nước.
Thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ; thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta đã chuyển cán bộ, bộ đội, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam ra Bắc từ ngày 7 tháng 10 năm 1954 trên các chuyến tàu tập kết. Hành trình của đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cũng là hành trình với những dấu mốc lịch sử. Đến hôm nay, sau 70 năm (1954-2024), chúng ta càng thấy tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện trên. Hình tượng con tàu tập kết đã trở thành biểu tượng của bài ca chiến thắng.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong ngày hội của đoàn quân chiến thắng, ngày hội của non sông Việt Nam sau bao năm binh lửa, chia cắt, mất mát, hi sinh, những người con của hai miền đất nước ùa vào nhau, ôm chặt lấy nhau liền da liền thịt. Biết bao xương máu, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có ngày toàn thắng. Nước mắt, nụ cười ào ra, nghẹn lại, rừng rực sáng dưới biển cờ hoa chiến thắng.
Đất nước sau chiến tranh bộn bề công việc. Nhân dân, chiến sĩ chưa được một giờ phút thong thả, nghỉ ngơi. Tiếng súng ở hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc lại rộ lên. Máu xương của đồng bào ta, chiến sĩ ta lại đổ xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm tháng ấy, đồng bào và chiến sĩ cả nước ai ai cũng ra sức thi đua chiến đấu lập công, kiến thiết đất nước trong sự bao vây cấm vận ngặt nghèo.
Phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc anh hùng, chiến sĩ ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta đã từng chặng đường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo ra những thành tựu lớn trên tất cả các mặt văn hóa, chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Sự nghiệp cách mạng của Đảng ngày càng có những thành tựu lớn.
Trong ngày đất nước khang trang, chúng ta lại nhớ về ngọn nguồn, về những dấu mốc, những sự kiện lịch sử trong đó có sự kiện đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, một sự kiện lịch sử tính đến nay đã tròn bảy mươi năm với người mất, người còn; với sự thiêng liêng và biết ơn vô hạn tới Đảng, Nhà nước và nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang ngay từ những ngày đầu cách mạng đã từng nói: “...Dù phải hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Sau này, trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào thời khắc gay go, quyết liệt nhất, trong “Lời kêu gọi” đồng bào, chiến sĩ cả nước năm 1966, Người khẳng định: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, xong nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Thực hiện lời dạy của Người, ý nguyện của Người cũng là thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, ngay sau Hiệp định Giơnevơ ngày 7 tháng 10 năm 1954, đợt tập kết đồng bào và chiến sĩ miền Nam ra Bắc đã được khẩn trương thực hiện.
Việc tập kết đồng bào miền Nam ra miền Bắc là để gìn giữ và phát triển lực lượng cho cách mạng sau này. Hàng vạn cán bộ, bộ đội, con em miền Nam tập kết ra Bắc được nuôi dưỡng, học tập, đào tạo toàn diện trong sự đùm bọc, yêu thương của miền Bắc để chuẩn bị lực lượng lâu dài cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, nhất là việc xây dựng miền Nam khi nước nhà thống nhất.
“Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác/ Có mối tình nào mà thủy chung mà son sắt/ Như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam/ Bao núi bao sông, bấy nghĩa bấy tình…”. Lời ca cất lên cũng chính là tiếng lòng của hàng vạn, hàng triệu đồng bào hai miền Nam - Bắc hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ cũng chính là lời ca từ cội nguồn dân tộc luôn được ngân lên. Đó chính là sức mạnh cội nguồn để những người con miền Nam học tập, chiến đấu và trưởng thành trên miền Bắc đã trên nửa thế kỷ.
Những chuyến tàu tập kết không kể ngày đêm vượt nghìn trùng sóng gió đưa đồng bào và chiến sĩ miền Nam ra miền Bắc trong vòng tay lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù Người bận trăm công nghìn việc vẫn luôn dành thời gian cho công việc tập kết. Đối với Người, đồng bào và chiến sĩ miền Nam chính là ruột thịt, chính là những người con yêu dấu của đất nước Việt Nam. Người căn dặn các cấp: “Các cấp, các ngành quân, dân, chính ở miền Nam thực hiện nghiêm túc và chuẩn bị chu đáo việc đưa thiếu nhi, học sinh miền Nam tập kết theo đúng tiêu chuẩn, chính sách, khẩn trương và đảm bảo an toàn”.
Công việc chuyển quân bắt đầu từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955. Phương tiện chuyển quân chủ yếu bằng đường thủy. Cán bộ học sinh ở các khu vực miền Trung và Nam Bộ đi tập kết bằng tàu của Liên Xô và Ba Lan. Tàu Liên Xô thường đón lực lượng tập kết tại cửa sông Ông Đốc thuộc tỉnh Cà Mau. Đến ngày 16 tháng 5 năm 1955 cuộc chuyển quân tập kết ra miền Bắc an toàn. 
Các điểm tập kết tại miền Nam là Cà Mau, Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười. Các điểm tập kết miền Bắc là Quý Cao (Thái Bình), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Hội (Nghệ An), cán bộ và học sinh miền Nam được đón về các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình,…
Hành trình trên các ngả đường tập kết là một hành trình với biết bao khó khăn, gian khổ nhưng thấm đẫm tinh thần và ý chí cách mạng. Đồng bào đi đến đâu, việc ăn ở, chăm sóc sức khỏe đều được các nơi tận tình san sẻ, giúp đỡ như người thân ruột thịt. Từng hạt gạo, cọng rau, bát nước chè xanh, viên thuốc cho người già, trẻ nhỏ, tấm áo bông đã cũ ấm tình người miền Bắc đem tới tặng đồng bào ruột thịt miền Nam…
Tại Cửa biển Cảng Hới, Sầm Sơn, Thanh Hóa, tấm bia đến hôm nay vẫn còn ghi rõ: “Nơi đây, Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn từ 15 tháng 10 năm 1954 đến 01 tháng 5 năm 1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam”. Tấm biển sừng sững như một dấu mốc, một chứng nhân lịch sử.
Trong vòng tay của chiến sĩ và đồng bào miền Bắc, mỗi người con miền Nam ruột thịt ai cũng cảm thấy như ở chính nhà mình. Đồng chí Lê Liêm - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thay mặt quân và dân miền Bắc ân cần xuống tận cầu cảng đón bà con trong vòng tay chung kết đoàn Nam - Bắc.
Những con tàu của anh em bè bạn các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Ba Lan hú còi chào bến cảng thân yêu. Hình ảnh em bé Việt Nam tặng hoa cho thuyền trưởng tàu Liên Xô tại bến cảng Sầm Sơn vẫn còn đó. Hình ảnh các thủy thủ tàu Liên Xô, tàu Ba Lan hỗ trợ đồng bào miền Nam lên bến vẫn còn đó. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức chúng ta.
Đã tròn bảy mươi năm, nhiều chứng nhân lịch sử không còn nữa. Vậy mà lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi các cháu và cán bộ các trường miền Nam” ngày 1 tháng 6 năm 1955 vẫn còn văng vẳng: “Chúng ta phải hiểu rằng, không có công tác gì vẻ vang bằng việc chăm nom, bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà”.
Với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương chuyển hàng chục ngàn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo, góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng lại khi đất nước thống nhất. Trong đó, đợt tập kết đầu tiên vào tháng 10 năm 1954, Thanh Hóa là một trong những địa phương đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam nhiều nhất.
Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một con người luôn đặc biệt quan tâm tới đồng bào và chiến sĩ, nhất là các cháu học sinh từ miền Nam ra miền Bắc học tập, công tác, đã từng khẳng định: “Có thể nói đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó ấy, nay đã mang lại kết quả to lớn cho đất nước”.
Thực tế cách mạng đúng là như vậy. Nhiều anh chị em cán bộ tập kết và học sinh miền Nam đã trở thành nhà khoa học xuất sắc, nghệ sĩ tài năng, các tướng lĩnh kiên cường, anh dũng trong các lực lượng vũ trang, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp.
Trong đội ngũ những người con trưởng thành ấy, có nhiều đồng chí đã được Đảng, Nhà nước giao trọng trách là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh… Đó chính là thể hiện cao nhất lời nói của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Trong hành trình đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, nơi đất Sầm Sơn đã có nhiều câu chuyện cảm động, nhiều người con điển hình cho nghĩa tình hai miền Nam - Bắc. Đó là gia đình ông Nguyễn Trọng Thụy ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác đón tiếp đồng bào miền Nam.
Trên chuyến tàu tập kết lịch sử, có rất nhiều người con miền Nam ngày đó còn thơ ấu, còn trứng nước, thậm chí sau này mới được cha mẹ sinh ra nhưng trong suốt cuộc đời mình, họ đều biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, nhất là nhân dân miền Bắc. Ai cũng hiểu một điều trong nghĩa lớn thì mỗi tấm lòng biết tri ân chính là sự trưởng thành, niềm tự hào chung. Và, chính những người con đã trưởng thành ấy cũng đã góp vào niềm tự hào lớn cho sự nghiệp cách mạng. Đó là nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân…
Chuyến tàu tập kết chính là nơi trưởng thành và cống hiện của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi. Đó là nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền; NSND Đàm Liên; NSND Đinh Xuân La; NSND Lâm Tới; NSND Trà Giang; NSND Tường Vi;… Các văn nghệ sĩ - chiến sĩ từ chuyến tàu tập kết trưởng thành chính là góp phần hình thành nên biểu tượng của bài ca chiến thắng.
Dấu mốc 70 năm con tàu tập kết - một trong những biểu tượng về bài ca chiến thắng đã hiện lên sừng sững nơi cửa biển Sầm Sơn - Thanh Hóa, vùng đất địa linh, nhân kiệt luôn là niềm tự hào lớn của đất nước Việt Nam. Sự kiện lịch sử đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết ra cửa biển Sầm Sơn chính là một dấu mốc lịch sử lớn trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ dấu mốc đó, Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức xây dựng “Tượng đài tập kết năm 1954” với hình dáng một con tàu và Bảo tàng tập kết trong lòng con tàu đặt tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi cập bến các chuyến tàu tập kết vào năm 1954. Công trình là một địa chỉ văn hóa, lịch sử quan trọng góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975.
Cụm công trình xây dựng “Tượng đài con tàu tập kết ra Bắc năm 1954” đã thể hiện tinh thần cao nhất, dấu ấn sắc son, ruột thịt Bắc - Nam sum họp một nhà. Công trình cũng là sự đơm hoa kết trái, thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ sau với thế hệ trước, của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa trong sự phát huy và phát triển bền vững, khơi dậy ngọn nguồn văn hóa lịch sử với công cuộc đổi mới hôm nay.
Cửa biển Sầm Sơn dạt dào sóng vỗ. Các vùng đất Sầm Sơn, các vùng đất xứ Thanh từ thượng cổ đã cống hiến cho Tổ quốc, đồng hành với nhân dân cả nước, viết lên những trang sử vàng rực rỡ của dân tộc Việt Nam hôm nay càng khang trang hơn, vững vàng hơn khi có thêm cụm công trình “Tượng đài con tàu tập kết ra Bắc năm 1954” gần gũi và thắm thiết. Cụm công trình “Tượng đài con tàu tập kết” nhằm tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống 70 năm thắm đượm nghĩa tình của nhân dân hai miền Nam - Bắc; niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân của tỉnh Thanh Hóa, nơi được Đảng, Bác Hồ tin tưởng lựa chọn là một trong những địa điểm đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam cách đây 70 năm.
Con tàu tập kết - biểu tượng về bài ca chiến thắng sẽ mãi mãi là một biểu tượng đẹp, một biểu tượng về văn hóa, lịch sử, một biểu tượng về hòa bình của hai miền Nam - Bắc Việt Nam nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
            P.V.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 67
 Hôm nay: 63
 Tổng số truy cập: 9266599
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa