Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Bến En (Bút ký)
Bến En (Bút ký)

 NGUYỄN MINH KHIÊM            

Đoàn đi Bến En lần này do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh mời. Nhạc sỹ có. Họa sỹ có. Nhiếp ảnh có. Nhà thơ có. Nhà văn có. Nhà báo có. Truyền hình có. Ngoài các văn nghệ sỹ trong tỉnh, nhà lý luận phê bình Thy Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh còn mời nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ, thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình. Thành phần đoàn như thế đủ thấy không khí vui, hào hứng, phấn khích, nhộn nhịp, hấp dẫn đến mức nào. Còn hơn ngày hội. Máy quay, máy ảnh, bộ thu âm, giá vẽ, flycam lỉnh kỉnh. Cánh đàn ông thì đơn giản. Cánh phụ nữ phức tạp hơn. Ngoài đồ nghề, dụng cụ tác nghiệp lại còn túi xách tay, túi đeo làm dáng, son, phấn, váy áo chuẩn bị lên hình tự sướng, check-in mình cùng với non xanh nước biếc, với thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ đầy quyến rũ của Bến En. 
Ông đi Bến En mấy lần rồi? Bà đi Bến En mấy lần rồi? Nhiều lần rồi. Không nhớ mấy lần nữa. Hầu như câu hỏi nào cũng có chung một câu trả lời như thế. Tôi cũng được hỏi câu hỏi ấy. Và tôi cũng đáp như nhiều người đã đáp, nhiều lần rồi. Nhiều lần rồi sao còn đi? Thì ông cứ hỏi những người kia xem sao? Họ đi nhiều lần rồi mà vẫn háo hức đi? Bản thân ông cũng thế đấy thôi. Rồi những câu chuyện cứ vỗ sóng sang nhau, dào dạt sang nhau. Người này đan vào câu chuyện người kia. Người kia đan vào câu chuyện người khác. Chưa đặt chân đến Bến En mà sóng Bến En, nước Bến En, mây trời Bến En, thiên nhiên, cảnh vật Bến En cứ bùng lên, sôi lên, nở bung ra, ùa về chật lòng người, chật hồn người, chật tình người ngay từ lúc xe chưa chuyển bánh. Bến En long lanh trong từng ánh mắt. Bến En rạo rực trong từng câu nói. Bến En hồ hởi trong từng cái bắt tay. Câu trước Bến En. Câu sau Bến En. Ai cũng có Bến En trong lồng ngực. Ai cũng có Bến En trong con tim. Bến En thành chủ đề bàn tán, thành trung tâm mọi ý nghĩ, thành nhịp điệu, nhạc điệu trong giọng nói, trong giao tiếp lúc nào không biết. Không ai truy xét điểm bắt đầu. Không ai đoán trước kết thúc. Người so sánh Bến En với Vịnh Hạ Long -  Quảng Ninh, gọi Bến En là Vịnh Hạ Long trên cạn ở Thanh Hóa. Người so sánh Bến En với Tràng An, Tam Cốc Bích Động - Ninh Bình. Người so sánh Bến En với Hồ Ba Bể, Vườn Quốc gia Ba Bể ở Bắc Cạn - Cao Bằng. Có người lại so sánh với Sầm Sơn, Pù Luông… Mỗi người tưởng tượng ra một thước phim về Bến En. Bao nhiêu người trong đoàn là bấy nhiêu thước phim về Bến En. Tưởng tượng nối vào tưởng tượng. Tưởng tượng mở ra tưởng tượng. Nó hiện lên muôn hình muôn vẻ, ly kỳ, huyền diệu về Bến En. 
Nhưng có một điều không phải ai cũng có trong tưởng tượng. Nếu có tưởng tượng được có khi cũng không tin được. Một khu Vườn Quốc gia Bến En có diện tích hơn mười bốn nghìn hecta hiện nay, một hồ nhân tạo lớn vào bậc nhất xứ Thanh, từ điểm đầu con tàu xuất phát đến điểm cuối con tàu neo đậu gần 70 kilomet, lại bắt đầu từ một Lâm trường Như Xuân có diện tích chưa bằng một phần mười Vườn Quốc gia Bến En bây giờ. Từ một Lâm trường nằm gọn trên đất Như Xuân lớn thành Vườn Quốc gia Bến En bao gần trọn phần đất hai huyện Như Thanh và Như Xuân. Từ một hồ sông Mực chỉ có bốn con suối nhỏ. Con suối thứ nhất là suối Hận, suối này có chiều dài mười sáu kilomet. Suối bắt nguồn từ núi Bao Cù, Bao Trè, chảy về sông Mực, Bến Sung. Con suối thứ hai có tên suối Thổ. Suối này dài hai mươi kilomet. Nó bắt nguồn từ núi Cọ, chảy qua làng Quảng, xã Xuân Thái, về sông Mực. Con suối thứ ba có tên, suối Cốc. Suối này có chiều dài gần mười một kilomet. Nó bắt nguồn từ núi Voi, qua làng Cốc, xã Xuân Thái, dồn về sông Mực. Con suối thứ tư là suối Tây Tọn, suối này có chiều dài gần hai mươi kilomet. Nó bắt nguồn từ núi Tèo Heo, Roọc Khoan, chảy qua làng Yên, xã Bình Lương. Rồi một cuộc đại cách mạng thuỷ lợi năm 1963 - 1979 của tỉnh Thanh Hóa với gần hai mươi nghìn người lao động. Con đập ngăn hồ sông Mực đã hình thành. Hồ sông Mực ra đời như thế. Vườn Quốc gia Bến En đã ra đời như thế. 
Từ bốn con suối nhỏ ban đầu bỗng lớn thành Vườn Quốc gia Bến En có diện tích hơn 14.000 hecta. Từ mặt hồ sông Mực do bốn con suối nhỏ cung cấp nước nay thành hồ Bến En 2200 hecta. Mùa mưa, diện tích mặt hồ lên đến 3540 hecta. Trữ lượng nước ngọt của hồ Bến En duy trì từ 200 đến 400 triệu mét-khối. Từ mấy con suối róc rách luồn qua các chân núi, chân đồi, nay hồ Bến En tạo ra hai mươi mốt hòn đảo. Đảo dài. Đảo ngắn. Đảo tròn. Đảo bầu dục. Đảo lớn. Đảo bé. Đảo hình cánh chim. Đảo hình cánh bướm. Đảo hình mâm xôi. Đảo hình chóp nón. Cán bộ Vườn Quốc gia Bến En, khách tham quan du lịch Bến En đặt vô số tên cho các hòn đảo: Đảo Tình Yêu, đảo Dậy Thì, đảo Thanh Niên, đảo Núi Đôi, đảo Thực Vật, đảo Lúng Túng, Đảo Anh, Đảo Em… Các văn nghệ sỹ trên tàu thi nhau đặt các tên mình yêu thích cho những hòn đảo nơi tàu lướt qua. Có hai mươi mốt hòn đảo mà con tàu lớn chở 40 người lướt mãi, lướt mãi đảo trước mặt vẫn hiện ra, hiện ra trùng điệp, trùng điệp. Tôi không tin có hai mươi mốt hòn đảo. Nhiều người cũng không tin hai mươi mốt hòn đảo. Phải năm sáu chục hòn đảo. Phải hàng trăm hòn đảo. Cái cảm giác trùng điệp chi phối không phải một người. Rồi sông nữa. Hết sông nọ đến sông kia. Sông lớn trong hồ. Sông nhỏ trong hồ. Sông này nối sông khác. Bao nhiêu con sông đổ vào một vịnh. Một vịnh mở ra bao nhiêu cửa sông. Vài trăm thước một vịnh. Vài trăm thước một sông. Dăm trăm thước một sông. Sông mở ra sông. Sông khép lại sông. Không đầu. Không cuối. Đúng là sông nhưng không có khởi nguồn và không có kết thúc. Mọi con sông có một khởi nguồn chung là những bậc đá lúc xuống tàu. Và mọi dòng sông chung một điểm kết thúc là lúc tàu trở lại những bậc đá lên tàu. 
Từ những con suối lội qua không ướt quần đùi, nay thành hồ Bến En có mực nước sâu trung bình lên tới 30 - 40 thước. Với độ sâu này, tàu vài trăm tấn, vài ba nghìn tấn đi lại là chuyện bình thường. Hồ là khu sinh thái ôm bọc 10 xã của hai huyện với mười ba nghìn tám trăm hộ. Bến En trở thành vùng du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa đa sắc tộc của bốn dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Thổ. 
Với diện tích hơn 14.000 hecta, Vườn Quốc gia Bến En bao bọc lấy hồ Bến En. Người ta vẫn gọi hồ là trái tim của Vườn Quốc gia. Hàng trăm, hàng nghìn con thuyền, con tàu có thể di chuyển trăm phương nghìn hướng trên hồ Bến En. Rồi từ đây, các con thuyền có thể ghé vào bất cứ nơi đâu của hai mươi mốt hòn đảo như hai mươi mốt viên ngọc xanh in xuống màu nước xanh thẫm của mặt hồ. Từ đây, thuyền có thể đưa du khách vào thăm, thưởng thức các tiết mục văn nghệ, văn hóa truyền thống của người Mường, người Thái ở xã Xuân Thái. Trong ánh lửa trại bập bùng giữa đại ngàn hùng vĩ, tiếng cồng chiêng vang lên. Tiếng trống Giàm vang lên. Tiếng khèn vang lên. Rồi khèn môi, khèn lá vang lên. Tiếng nhạc nhảy sạp, nhạc loóng vang lên. Không ở nơi nào ta cảm nhận được cái hồn rừng, hồn núi trầm hùng, sâu, mãnh liệt đến thế. Men rượu cần, rượu mèn mén cộng hưởng hương vị đậm đà rượu gạo người Kinh, du khách càng thấy hồn mình, tình mình thăng hoa trong vòng tay xòe, trong vòng tay khặp của các cô gái Mường, các cô gái Thái váy áo tươi màu thổ cẩm, với đôi môi luôn tươi rói nụ cười, mắt sáng lúng liếng ngời lên màu lửa. Những giây phút ấy, du khách không những nghe đôi chân mình hát, đôi tay mình hát, đôi môi mình hát, đôi mắt mình hát mà còn nghe thịt da mình cũng xôn xao tiếng hát. 
Ông Lê Công Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En cho biết, có hơn ba trăm lối vào Vườn Quốc gia. Tôi nghĩ, không phải chỉ ba trăm lối. Có thể bốn trăm, năm trăm, một nghìn lối… Khi con tàu lướt vào vùng đảo nổi, chúng tôi như bị lạc, như bị thôi miên giữa bao nhiêu hòn đảo. Đảo nọ mở ra đảo kia. Đảo nọ khuất trong đảo kia. Hệt như lạc vào trận đồ bát quái của Gia Cát Lượng dựng trong Tam Quốc vậy. Màu xanh biếc của đảo này nối vào màu xanh biếc của đảo kia. Sóng đảo này giao thoa vào sóng đảo kia.
Ngồi bên mép con tàu nhẹ lướt, nhìn những con sóng óng ả trào tuôn trong ánh vàng của nắng mặt trời đẹp như trăm nghìn cánh tay con gái nõn nà vuốt ve, vờn níu con tàu, nhìn núi non trùng trùng điệp điệp như muôn vàn ngọn tháp lao lên, vút lên, nhìn màu nước hồ Bến En trong vắt duềnh lên như eo thon, như ngực lớn, không hiểu vì một tia chớp tình cảm nào đó, tôi chợt liên tưởng đến bản hòa tấu “Bèo dạt mây trôi” của hai nghệ sỹ nổi tiếng bậc nhất hiện nay, không phải riêng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng thế giới, đó là nghệ sỹ đàn bầu Phạm Đức Thành và nghệ sỹ Saxophone Trần Mạnh Tuấn. Bến En vừa có cái ngọt ngào, du dương, mềm mại, thướt tha, uyển chuyển, có ma lực quyến rũ của đàn bầu, vừa có cái đa thanh, cái hiện đại, cái chót vót, vạm vỡ, khỏe mạnh, tầng tầng lớp lớp của cây kèn Saxophone. Sự hòa hợp thật kỳ diệu giữa núi và hồ, giữa trời và đất, giữa mây trời và nước, giữa thiên nhiên và con người, giữa hiện thực và khát vọng. Sao mà tuyệt diệu thế. 
Máy ảnh thi nhau chụp. Điện thoại thi nhau chụp. Khi vào đến đảo Lúng Túng thì đột ngột mất sóng. Điện thoại không liên lạc được. Zalo mất. Facebook mất. Chiếc flycam của nghệ sỹ nhiếp ảnh lão luyện Lưu Trọng Thắng đột ngột bay thẳng lên trời. Bay mãi, bay mãi, mất hút vào màu xanh ngắt của da trời ở độ cao nào chẳng biết. Nó không trở lại nữa. Các tay thành thạo nhất về flycam cũng không gọi được nó quay về. Chuyến đi mới được một phần ba chặng đường, không biết đã thu hoạch được gì, Lưu Trọng Thắng đã thả lên trời vài ba chục triệu. Mấy chục người trên tàu được một kỷ niệm không bao giờ quên một lần du lịch Bến En.
Không khí trên tàu vẫn tràn ngập niềm vui. Chương trình văn nghệ tự phát không biết do ai khởi xướng mà thành cao trào lúc nào không biết. Chẳng biết có phải do cái mênh mang bao la của trời nước Bến En, do cái nghìn trùng vời vợi của Bến En, do cái vô cùng vô tận của Bến En, do cái khung cảnh trăm bến nghìn thuyền dập dìu sóng vỗ của non nước Bến En gợi cảm hứng hay không mà những bài ca có liên quan đến hồ, đến biển cứ thế vang lên. Người thì hát: “Núi ơ núi, thuyền ơ thuyền, mây ờ mây, nước ờ nước”; người thì hát: “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Non nước mây trời lòng ta mê say”; người lại hát: “Biển trời bao la…”. Rồi các nhà thơ bắt đầu đọc thơ. Hầu hết là thơ về Bến En. Nhà thơ: Trần Tất Trừ, Trịnh Lan Oanh, Hoàng Quốc Cảnh, Phạm Tiến Triều… người thì làm một bài, người thì làm hai bài. Một cuộc đọc thơ về Bến En không có trong kịch bản cứ miên man vang vọng cùng sóng nước. Độc đáo nhất là nhà thơ Lê Quang Sinh. Anh làm một bài thơ dài, rất nhiều khổ thơ. Mỗi khổ thơ bốn câu, anh đặc tả về một người trong đoàn. Đương nhiên, những bạn gái đẹp trên tàu luôn là chủ sở hữu những khổ thơ hay nhất. Tiếng cười từng đợt, từng đợt rộ lên. Rồi loa bật lên. Màn hình karaoke bật lên. Nhạc sỹ Thế Việt hát bài hát anh sáng tác về Bến En trong những lần đi thực tế trước. Thế là cả con tàu hát. Ai cũng hát về Bến En. Bến En rung ngân. Bến En trào dâng. Bến En vang vọng. Cao trào của chương trình văn nghệ là thời khắc nhạc sĩ Đạt Lương (tên thật là Lương Văn Đạt), trình bày ca khúc viết về Bến En do mình sáng tác và tự trình bày. Một không gian Bến En bao la, lồng lộng hết tầm, hết giới hạn mở ra. Một tình yêu Bến En nồng cháy tột cùng vang lên. Cái nắng cháy của tháng tư bị quên đi. Chỉ còn tiếng đập nhịp vào đùi, vào ghế, vào mũ vang vọng vào những ngọn đồi, ngọn núi trập trùng xanh thẫm.
Cuộc vui ấy làm cho con tàu cập bờ đảo đến Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc của Vườn Quốc gia Bến En lúc nào không biết. “Đến nơi rồi đấy” - anh Lê Công Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En thông báo ngắn gọn vậy. Vườn có 8 Trạm Kiểm lâm. Đây là Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc, cách nơi xuất phát khoảng một giờ đồng hồ. Trạm chỉ có ba người. Họ ở đây, không làng bản. Không người qua. Không chợ búa. Không tivi. Thấy tàu của đoàn cập bờ, mấy anh chạy ào ra. Trên vai mỗi người đeo một khẩu súng trường báng gấp. Từng người trên tàu bám dây, bước lên một chiếc ghế để sẵn cho khỏi trơn trượt. Các anh nắm tay từng người một bước lên. 
Họ cắm chốt ở đây suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Một bộ xoong nồi đen bồ hóng. Một giếng nước ngọt. Một căn bếp. Một đống củi khô. Một khu nhà sàn. Một bàn uống nước. Một chiếc chiếu trải ăn cơm. Một chiếc võng mắc hai thân cột. Trước mặt là sườn đồi thoai thoải tạo thành một bãi nông chạy ra hồ. Gốc lim mấy trăm năm, mấy nghìn năm tua tủa chồi lên mặt đất lởm chởm, nhấp nhô, đen như bãi cọc Bạch Đằng. Thấy đoàn văn nghệ sỹ đến các anh vui như tết. Một anh bảo, mấy chục năm nay, đây là lần đầu tiên các anh được đón một đoàn đông thế này đến thăm trạm, hơn nữa đây lại là đoàn văn nghệ sĩ gồm có nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ, nhiếp ảnh. Quá cảm động. Đối với các anh, chúng tôi chỉ có thể nói những từ: Cảm phục. Khâm phục. Nể phục. Kính phục. Kính trọng. Chứng kiến điều kiện sống, hoàn cảnh sống, không gian sống, môi trường sống mới thấy hết tình yêu nghề, yêu rừng, yêu cuộc sống, dám chịu đựng gian khổ khó khăn, dám chấp nhận mọi thứ thiếu thốn, thử thách, tinh thần, nghị lực, lòng dũng cảm, quả cảm của các anh trên Trạm Kiểm lâm Điện Ngọc này. Chúng tôi xin chụp ảnh lưu niệm cùng các anh. Một cảm giác thật tự hào khi được chụp ảnh với những chiến sỹ bảo vệ Vườn Quốc gia Bến En ngay giữa trùng điệp Bến En, giữa trập trùng sóng vỗ Bến En. Chụp chung rồi chụp riêng. Chụp với người này rồi chụp với người khác. Từng tốp chụp. Nam chụp rồi nữ chụp. Nhạc sĩ chụp rồi họa sỹ chụp. Chỉ có ba người lính trên đảo mà bao nhiêu người phỏng vấn. Ai cũng muốn thỏa mãn trí tò mò của riêng mình. Người hỏi câu này. Người hỏi câu khác. Những nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ mà tự nhiên hỏi nhiều hơn những nhà báo. Nhiều thành viên trong đoàn xin nghỉ lại với các chiến sỹ trên đảo qua đêm. Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ. Họa sỹ Bùi Thị Ngoan. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Liên Nam... Con tàu lúc đi chở mấy chục người đằm thế, lúc quay lại khoang tàu chỉ còn hơn một nửa. 
Sáng hôm sau chúng tôi đổ bộ lên đảo Thực Vật. Cách đây mấy năm, tôi đã đi vòng quanh đảo này hết bốn tiếng đồng hồ. Hôm nay trở lại, đảo xanh hơn, nhiều giống cây mới hơn, nhiều nhà khách nghỉ hơn. Đảo này khá cao. Tha hồ phóng tầm máy mà quay, mà chụp, mà check in những gì mình muốn. Trên đảo đã có hơn 300 loài thực vật. Từ mây, song, củ nâu, củ mài, tre, nứa, vầu, trúc, mai, bương đến lim, trắc, sến, táu, vàng tâm, sồi, dẻ, lát hoa, đen đen da vàng, đen đen da thị, sưa, dổi, đẻn, găng, chai, đến các loại nấm… không thiếu thứ gì. Từ cây dây leo, cây bụi đến cây lá kim, lá rậm đủ tầng đủ lớp. Rừng dày, cây lớn thì chim nhiều, côn trùng lắm, thú cũng không phải hiếm. Người đi quanh đảo có thể bất chợt gặp một đàn bướm dập dềnh trước mặt. Bất chợt có một con chồn, con dúi, con tê tê chạy qua. Bất chợt có một con trăn, một con rắn chạy qua. Cái giật mình của thi ca, cái giật mình của những nốt nhạc. Rồi nhanh chóng bình yên, thanh thản khi từ đâu đó vọng lại một tiếng chim hoàng anh, một tiếng chim gõ kiến, tiếng kêu của bầy chim khướu xua tan cái âm u, rờn rợn, tịch mịch của khu rừng nhiều tầng nhiều tán.
Không ai nghĩ đoàn khách văn nghệ sỹ đi thực tế lại được cùng ăn cơm với cán bộ, chiến sỹ bảo vệ Vườn Quốc gia Bến En vui vẻ tình nghĩa đến thế. Bốn năm cái chiếu trải liền nhau làm bốn, năm mâm cơm. Cá của hồ. Ốc của hồ. Tôm của hồ. Măng của rừng. Rau của rừng. Nấm của rừng. Chỉ có mấy hộp bia là của đất liền. Tiếng dô cụng ly, tiếng chào chạm ly, tiếng chúc tụng chạm ly. Từ mâm này tràn qua mâm khác. Không gì lột tả hết được sự thân tình, chân tình, thắm tình, chan chứa tình cảm đầm ấm, chia sẻ, mặn mà giữa cán bộ, chiến sỹ của Vườn Quốc gia Bến En và đoàn văn nghệ sỹ. 
Xa xa phía chân đập có một số con thuyền rẽ sóng lướt như tên. Anh Lê Công Cường cho biết, đó là đoàn vận động viên đội đua thuyền kayak của Quốc gia đang luyện tập. Nghe hai tiếng Quốc gia, tôi chợt nghĩ đến con đường cao tốc 12 làn nối từ cao tốc Bắc - Nam, điểm xuất phát từ Nông Cống chạy vào Bến En được tỉnh Thanh Hóa đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng. Khi con đường này hoàn thành, khách từ Sao Vàng tới Bến En, khách từ khu công nghiệp Nghi Sơn lên Bến En, khách từ bãi biển Sầm Sơn về Bến En chỉ trong bán kính từ 40 đến 60 kilomet. Mọi con đường vòng ngoài đang hướng tới vòng trong Bến En, nơi Tập đoàn Sun group đã ký đầu tư 500 triệu USD (hơn 10 nghìn tỷ đồng Việt Nam) cho khu du lịch số một tỉnh Thanh. 
Ngồi trên con tàu bồng bềnh sóng xanh như ngọc, tôi mung lung nghĩ đến ngày mai. Ngày mai, trên đầu tôi là hệ thống cáp treo chạy như thoi đưa, như mắc cửi từ đảo này đến đảo khác, từ Bến En đi Như Xuân; từ Bến En đi Xuân Thái; từ Bến En đi Nông Cống; từ Bến En đi Nghệ An... Hàng chục, hàng trăm công trình xây dựng, kiến trúc cho du lịch Bến En nối nhau mọc lên. Đủ kiểu tàu thuyền tấp nập đưa đón khách. Rồi bao nhiêu lễ hội, bao nhiêu khu vui chơi giải trí kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại ra đời. Bến En đang mách bảo tôi: Gần thôi! Gần thôi! Rất gần thôi! Tương lai Bến En là thế.
            25-6-2024
                   N.M.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 189
 Hôm nay: 1324
 Tổng số truy cập: 9243491
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa