Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Xuôi dòng Mã giang (Bút ký)
Xuôi dòng Mã giang (Bút ký)

Sông Mã vốn được định hình có dòng chảy xiết, ầm ầm, gào thét như tiếng bước ngựa phi. Có lẽ vì thế mà người Thái, người Lào gọi là Nặm Mạ, dịch ra tiếng phổ thông là sông Ngựa. Còn các nhà nghiên cứu thì khẳng định, Mã là “Mạ” với nghĩa là sông mẹ, sông cái để chỉ về một dòng sông lớn. 
Ở nơi đầu nguồn 
Bắt đầu bằng hợp lưu các suối ở vùng biên giới Việt - Lào tại xã Mường Lói (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), nên sông Mã hiền hòa dễ chịu. Tuy nhiên, dọc đường đi, sông tiếp nhận thêm nước từ nhiều dòng suối khác để đến khu vực xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) bề mặt rộng hơn, ào ạt chảy và chính thức có tên sông Mã trên bản đồ.
Cung đường chúng tôi đi từ thành phố Điện Biên Phủ đến huyện Điện Biên Đông chừng 70 kilomet, hầu hết là qua những đồi núi quanh co, rừng trọc là chính. Điện Biên Đông vốn được tách từ huyện Điện Biên, một huyện phần đông là người đồng bào dân tộc, sống nhờ núi, nhờ rừng. 
Tại sao nói, đến Mường Luân sông Mã mới có tên chính thức trên bản đồ? Bởi phía trên khu vực này, ở xã Mường Lói, sông Mã không khác gì những con suối nhỏ, róc rách chảy, thường xuyên khô hạn. Khi có thêm nhiều con suối góp nước vào, sông Mã cuồn cuộn và mạnh mẽ hơn. Điểm sơ qua có: Suối Lư, Háng Lìa, Tìa Dình, Na Nghịu, Phì Nhừ, Huẩy Men, Nặm Giói, Huẩy Púng, Co Loóng, Tạng Áng và rất nhiều những con suối nhỏ khác. 
Điện Biên Đông thuộc lưu vực sông Mã, là địa bàn có hệ thống sông suối tương đối dày, nguồn nước dồi dào. Đi từ xa, âm thanh của dòng Mã giang gầm thét, ồn ào khiến người ta chỉ còn có thể nghĩ về rừng, cây, nước và sự sống của con người. Cư dân hai bên bờ sông Mã khá đông, chủ yếu là những người Việt gốc Lào, người Thái, người Mường. Họ chăm chỉ, chịu khó, bám dòng sông và yêu dòng sông, vì thế mà không đói, không khổ.  
Trên dòng Mã giang hiện có 14 nhà máy thủy điện. Trong đó, không nơi nào có nhiều thủy điện như xã Mường Luân. Với 15 kilomet sông Mã, xã Mường Luân có hai thủy điện nằm trọn trên địa bàn là: Thủy điện Mường Luân 1, Thủy điện Mường Luân 2, ngoài ra hai thủy điện có thân đập chảy qua đó là Thủy điện Sông Mã 3 và Thủy điện Chiềng Sơ 2. Và hai nhà máy thủy điện có liên quan đến diện tích nước là: Thủy điện Sông Mã 2 và Thủy điện Chiềng Sơ 1. 
“Đi đến đất Mường Luân là cô đã nghe thấy rõ tiếng chảy của dòng nước. Lát nữa tôi sẽ mời cô ăn món mực sông Mã, Thanh Hóa không có đâu”, nghe lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Mường Luân Lò Văn Khánh, tôi thực sự tò mò.
Sông Mã chảy qua, các bãi bồi ven sông đất đai màu mỡ, thuận lợi cho trồng trọt và nuôi thủy sản. “Đất lành chim đậu. Không biết từ khi nào, người Lào chúng tôi đã quyết định chuyển đến định cư cùng chung sống đoàn kết, hòa thuận với các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... ở Mường Luân” - ông Lò Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã nói. Sau bao đời thì họ đã là người Việt gốc Lào, chiếm 30% dân số của xã Mường Luân. Họ cấy lúa, trồng bông, quay sợi để dệt nên những chiếc khăn, chiếc váy sặc sỡ sắc màu mà bền đẹp để diện trong những ngày lễ, như: Mừng cơm mới, Tết té nước và lễ cúng tháp. Người Lào ở đây tự hào vì họ có tháp Mường Luân, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, có nghệ thuật trình diễn múa lăm vông của người Lào, nghệ thuật thêu dệt thổ cẩm… Điều kiện thuận lợi, lại thêm đồng bào dân tộc Lào, Thái, Khơ Mú… ở đây chăm chỉ lao động. Vì thế mà Mường Luân là xã đầu tiên của huyện Điện Biên Đông được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Kể từ khi có các thủy điện, xã Mường Luân đón khách nhiều hơn. Thủy điện Sông Mã 3 hoạt động, phát điện hòa vào điện lưới quốc gia khoảng hai năm nay, song song với lợi ích kinh tế do dòng sông mang lại cho ngành điện, một cuộc sống mới đang hình thành trên lòng hồ thủy điện. Hàng chục hộ dân vùng lòng hồ đang có những thay đổi với phát triển kinh tế gắn với sông nước. Ông Lò Văn Khánh giới thiệu: Bản Pá Vạt 1, Pá Vạt 2 (xã Mường Luân) và bản Na Nghịu (xã Phì Nhừ) là ba bản có diện tích đất sản xuất lớn trong vùng lòng hồ thủy điện Sông Mã 3. Trước đây, bà con phải đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến nương, thời gian đi nương xác định cả tuần, có gia đình kéo dài đến cả tháng. Đến mùa thu hoạch, người dân lại phải vận chuyển thủ công từng bao sắn, bao thóc từ nương về nhà, sau đó sơ chế, đợi thương lái đến mua. Vất vả là thế nhưng hiệu quả kinh tế lại không có là bao. Đến nay, thủy điện tích nước, đất sản xuất của các hộ dân ngay sát mép hai bờ tả, hữu hồ thuỷ điện. Người dân đi nương bằng thuyền, vận chuyển nông sản bằng thuyền, thời gian đi nương trong ngày. Mùa thu hoạch, thương lái đi thuyền đến tận nơi thu mua nông sản.
Quả thật, có ai nghĩ tới một ngày trên vùng đất hoang vu này lại có tới 28 thuyền máy trọng tải từ 20 đến 40 tấn. Bên cạnh sử dụng vào việc di chuyển, vận chuyển nông sản, thời gian nông nhàn người dân đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, tăng thu nhập.
“Cứ chập choạng tối hôm trước, tôi đánh thuyền đi thả lưới. Đến 5 giờ sáng hôm sau, hai vợ chồng đi kéo lưới thu hoạch tôm cá. Bình quân mỗi đêm, tôi thu hoạch được khoảng trên 10 kilogam cá, tôm, tép. Khoảng tám giờ sáng về đến đầu bản là có người mua. Giá cá ở đây từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, riêng cá pa khính giá 150.000 đồng/kg. Tôm, tép ở đây cũng rất dễ đánh bắt, chỉ cần thả mồi làm bằng củ sắn ngâm vào lưới bát quái, qua một đêm là có thể thu khoảng một đến hai cân tôm, tép. Nhìn chung, ngoài phục vụ nhu cầu gia đình, mỗi ngày tôi kiếm thêm được 600.000 đồng từ đánh bắt thủy sản”, ông Lò Văn Kiêm, bản Pá Vạt 2 chia sẻ. Dọc hai bên hồ thủy điện, nhiều hộ đã lắp đặt các vó bè để đánh bắt thủy sản được nhiều và dễ dàng hơn.

Trên lòng hồ thủy điện sông Mã 3 (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên)       

Ảnh: Trần Đàm


Hồ Thủy điện Sông Mã 3 mùa này trong xanh, êm đềm. Hai bên hồ, người dân phơi sắn, phơi lúa, họ còn dùng thuyền để chở khách tham quan, trải nghiệm lòng hồ. Cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày nơi đây.
Nói lại về món mực sông Mã, trong bữa cơm trưa, chúng tôi được ông Lò Thanh Quyết, Phó Chủ tịch phụ trách xã Mường Luân, giới thiệu: Khúc sông Mã chảy qua xã Mường Luân có nhiều vũng nước sâu và lắm ghềnh đá, nhiều vụng xoáy, hang động lớn dưới đáy sông, là nơi lý tưởng cho nhiều loài cá sinh sống như: Chiên, nheo, chép, lăng… Nhưng đến đây là phải ăn món mực sông Mã, khác hoàn toàn món mực biển Sầm Sơn quê của Hiệu trưởng Hồ Công Nam nhé. 
Nghe giới thiệu thế, anh Hồ Công Nam, hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mường Luân tủm tỉm cười: Tôi quê ở thôn Bái Môn, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương mình đấy. Mực quê mình có màu trắng, còn mực ở đây thì màu xanh… Lát ăn với cơm nếp và vài chén rượu là nhớ mãi không quên.
Hóa ra, đó là món rêu đá mà người dân thu hái từ trên những tảng đá dưới sông Mã. Đoạn sông Mã đầu nguồn nước sạch và ngọt, nên rêu đá là sản vật do thiên nhiên ban tặng. Hồ Công Nam lên Điện Biên khi anh đang học lớp 11. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh về xã Mường Luân công tác từ năm 2002 đến nay. “Đã 22 năm sinh sống ở đây, tôi trực tiếp thấy những sự đổi thay. Trước đây từ Mường Luân ra trung tâm huyện ít nhất phải mất một ngày, phương tiện chủ yếu là hai chân. Gặp hôm trời mưa thì ba ngày chưa tới nơi. Giờ nghĩ lại còn ớn lạnh” - Anh Nam chia sẻ. 
Thời gian có thể làm bào mòn mọi thứ, nhưng cũng có khi mang đến những tia hy vọng mới. Từ cầu Pá Vạt nối giữa bản Na Nghịu, xã Phì Nhừ với Pá Vạt 2 đi vào Mường Luân, nhiều ngôi nhà to đẹp, nhiều cửa hàng mọc lên san sát. Tôi ghé thăm gia đình chị Lê Thị Duyên, một người sinh ra ở phường Long Anh (TP Thanh Hóa). Chị lên đây từ sau khi tốt nghiệp THPT, rồi lập gia đình, có hai đứa con và họ đã mở một cửa hàng điện thoại di động ngay ngã ba bản Mường Luân 1. Chị cho biết: Thỉnh thoảng cũng nhớ quê, nhưng rồi cuộc sống hàng ngày trôi qua, nỗi nhớ cũng vơi dần đi. Với lại đường sá, phương tiện giờ đi lại dễ dàng, thoắt cái, khoảng bốn tiếng sau là về ăn mực biển với mẹ ở nhà rồi.
Đến hạ nguồn sông Mã 
Sau khi qua đất Điện Biên, sông Mã chảy uốn lượn, với hướng chính Tây Bắc - Đông Nam qua huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La rồi qua lãnh thổ Lào ở Cửa khẩu Chiềng Khương. Ở Sơn La, sông Mã tiếp tục nhận nước của một số con suối từ địa bàn Thuận Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp. Ở Lào, sông Mã có chiều dài 102 kilomet, chảy qua hai huyện Xiềng Khọ, Sốp Bâu của tỉnh Hủa Phăn và nhận thêm nước từ dòng Nậm Ét ở Xiềng Khọ. 
Trên hành trình 410 kilomet đổ vào đất Việt, bắt đầu từ Tén Tằn, sông Mã chảy ầm ào, dữ tợn vào mùa lũ tạo nên trăm thác ngàn ghềnh trên chặng đường dài 270 kilomet, qua Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương, rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở dòng chính là sông Mã (cửa Hới - Lạch Trào) cùng hai phân lưu là sông Tào (cửa Lạch Trường) và sông Lèn (cửa Lèn - Lạch Sung). Trên hành trình sông Mã cậy thế mạnh còn rủ rê để sông Nặm Niêm, sông Luồng, sông Bưởi, sông Chu cùng nhập vào với mình tạo nên bao huyền thoại. Nhưng khi để các con sông khác nhập vào, dòng Mã giang lại hiền hòa chảy.
Sông Mã có thể không lớn như sông Hồng, sông Mê Kông, sông Đồng Nai, nhưng lại có vị trí cực kỳ quan trọng về mặt địa lý, chính trị, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng. Bởi lẽ, “dòng sông này góp phần nuôi dưỡng những chủ nhân của lịch sử và hun đúc nên những nền văn hóa cổ trong đó có văn hóa Mường, góp phần quan trọng cho việc hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc và nền văn minh Đông Sơn rực rỡ” (Theo PGS.TS Mai Văn Tùng). Chính dòng sông Mã đã góp phần bồi đắp nên nền văn hóa Mường đồ sộ và cũng đồng thời bảo lưu, gìn giữ những sắc thái văn hóa riêng gọi là Mường Trong để phân biệt với người Mường Ngoài từ các địa phương phía Bắc di cư đến.
Mỗi lần đến khu vực cửa khẩu Tén Tằn, tiếng vọng của sông Mã như một lời chào khi nó chảy vào mạch nguồn xứ Thanh. Ở đây, từ năm 1947, trung đoàn 52, hoạt động trên địa bàn Tây Bắc, phía Tây tỉnh Thanh Hóa và Thượng Lào, có nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt - Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Tây Bắc và Thượng Lào là nguồn cảm hứng để nhà thơ Quang Dũng viết “Tây Tiến”. Địa danh Sài Khao chỉ có rừng và núi, khiến “đoàn quân mỏi” nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ hội để Mường Lát hôm nay “sáng bừng biên giới”. Con sông Mã trên miền biên viễn xứ Thanh cũng không còn phải “gầm lên khúc độc hành”. Bởi xuôi dòng sông Mã là bảy dự án thủy điện: Trung Sơn, Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước I, Bá Thước II, Cẩm Thuỷ I, Cẩm Thuỷ II. 
Dọc hai bên sông Mã ở xứ Thanh là hệ thống đền đài, miếu mạo ghi những dấu ấn lịch sử về tinh thần đấu tranh dựng nước của cha ông, nơi thuyền bè mang lâm sản thượng du, hải sản hạ du ngàn năm xuôi ngược, nơi dung chứa bao mồ hôi, nước mắt những người chở đò, chèo bè, chèo thuyền kết tinh thành điệu dô huầy, mang đầy khí phách sông thiêng hồn núi xứ Thanh. Chỉ có duy nhất trên mảnh đất này, có hẳn một điệu hò mang tên một dòng sông, điệu hò sông Mã có một không hai trên đất Việt.
Đi cùng với điệu hò sông Mã, từ đầu năm 1951, khi bộ đội ta mở chiến dịch Trung du cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động và vận chuyển đáp ứng tới 70% nhu cầu vật chất cần thiết cho các chiến dịch. Tính riêng về lực lượng, Thanh Hóa đã động viên được 56.792 thanh niên tòng quân, bổ sung cho các chiến trường. Trong đó, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đánh dấu sự đóng góp lớn nhất của hậu phương Thanh Hóa. Trong toàn chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến 178.924 người  và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động với gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên 9.000 tấn gạo, chiếm 56%; 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại, chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.
Con sông Mã vẫn mạnh mẽ và rong ruổi hơn 500 cây số, mang theo một lượng “phù sa văn hóa” phong phú, giàu giá trị và đậm đà bản sắc của vùng đất phát tích “ba dòng vua, hai dòng chúa”, điểm giao thoa giữa cái tinh tế với cái mộc mạc, giữa sự trầm lắng với nét hào sảng của hai vùng văn hóa “Đàng Ngoài” và “Đàng Trong” cùng với truyền thống anh hùng và dũng cảm của người Thanh Hóa hiện đại. 
Chỉ nói riêng về khu vực Hàm Rồng, đoạn sông Mã chảy qua có độ chênh dòng nước cao, lại có nhiều hang động nên ở hai bên cầu Hàm Rồng, nơi núi Đầu Rồng, núi Ngọc dòng nước chảy như thác lũ. Ấy thế mới có chuyện gần 200 thợ xây cầu đã phải bỏ mạng, thậm chí một kỹ sư thiết kế người Pháp sợ hãi mà phải tự tử. Chỉ đến khi kỹ sư người Đức sửa lại thiết kế thì mới cắm được chốt neo để hoàn thành vào năm 1904. 
Đó là cây cầu vòm thép không có trụ, hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Tuy nhiên, năm 1947, trong kế hoạch tiêu thổ kháng chiến để ngăn chặn đường tiến công chiếm thành Thanh Hóa của giặc Pháp, bộ đội ta đã phải đánh sập cây cầu.  Năm 1963, cầu được các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ thiết kế và thi công khôi phục lại, trở thành cầu có trụ như hiện nay, gồm hai nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ được khánh thành đúng dịp sinh nhật lần thứ 74 (19-5-1964) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ chứng kiến những năm bom đạn giặc Mỹ, cầu Hàm Rồng luôn là mục tiêu số một trong kế hoạch của không quân Mỹ hòng cắt con đường vận tải huyết mạch của ta vào chiến trường miền Nam. Hàng vạn tấn bom đạn của Mỹ ngày đêm đánh phá; không biết bao nhiêu con thuyền chở hàng vào chiến trường đã phải đi qua Hàm Rồng và cũng không biết bao nhiêu người đã bị bom Mỹ vùi dưới dòng sông lịch sử. 
Bố tôi, nhà văn Kiều Vượng, người từng dọc ngang trên hàng trăm con sông, suối, và ở trong rừng sâu, quằn quại trên biển suốt 17 năm, 4 tháng, 23 ngày làm việc trong ngành giao thông vận tải, ông đã viết: “Đời con sông chẳng khác gì đời những con người. Nó có điểm xuất phát và có điểm cuối cùng… Nó oai hùng, dữ dội nhưng khi gặp biển lớn thì đành nhẫn nhịn thôi mà. Đời con người có khác gì đời sông, chỉ khác là đời sông là mãi mãi trường tồn, còn đời người thì có hạn”.
Cuộc sống chảy trôi mỗi ngày, đời người có lúc thăng lúc trầm, lúc vui lúc buồn, khi chới với lúc lại gồng lên giữ chặt. Đời sông cũng vậy, từ nơi thượng nguồn Mã giang đến khi trở về hạ nguồn, ở từng đoạn, từng khúc, sông có lúc đục ngầu, cuồn cuộn chảy, và cũng có lúc trong vắt, êm ả trôi như dải lụa của đồng bào Mường, Thái. Cảm giác như cái khoảng cách vài trăm kilomet ấy không còn là nỗi nhớ quá dài và quá xa. Con sông lớn duy nhất khởi thủy từ đất Việt không chỉ cuồn cuộn, gầm gào nữa, mà thảng hoặc thanh bình hiền hòa như cuộc sống hôm nay.
Những con đường chúng tôi đang đi trong những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày sau có thể là đại lộ thênh thang để những người ở hai đầu sông Mã được gần nhau hơn, để người nơi thượng nguồn không phải nhớ món mực biển và người ở hạ lưu cũng chẳng nhớ nhung vị chẩm chéo cùng món mực xanh nơi lòng hồ sông Mã.
             

KIỀU HUYỀN  


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 156
 Hôm nay: 3841
 Tổng số truy cập: 8830798
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa