Người “con” của đồng bào Mông (Ghi chép dự thi)
“Là người Kinh nhưng tôi cũng mang họ Chá. Tôi cũng là con cháu của người Mông đấy. Những gì tôi nói, tôi làm đều muốn cuộc sống của đồng bào mình tốt hơn thôi…”, với Thiếu tá Hòa, chữ “Chá” trong cái tên “Chá Văn Hòa” như là bùa hộ mệnh đối với anh mỗi khi đến vận động đồng bào ba bản Mông, là: Mùa Xuân, Xía Nọi và Ché Lầu. Hành trình gần ba mươi năm khoác áo lính, cồ vai mang quân hàm xanh của Thiếu tá Đặng Văn Hòa, nhân viên Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo gắn liền với những đổi thay lớn lao trong cuộc sống và văn hóa của đồng bào ba bản Mông nơi miền biên viễn Quan Sơn. Đã từ lâu đồng bào Mông tin yêu gọi anh với cái tên thân thương “Chá Văn Hòa”. Anh là người đầu tiên và duy nhất trong lực lượng biên phòng Thanh Hóa hiện nay được đồng bào Mông cho nhận họ “Chá”, một trong những dòng họ lớn của người Mông. Năm này qua năm khác, Thiếu tá Hòa miệt mài, cần mẫn đem niềm tin, tình yêu, hoài bão của người lính hòa mình vào cuộc sống của bản làng giúp đồng bào từng bước thay đổi.
Thiếu tá Đặng Văn Hòa, sinh năm 1971, trong gia đình có bảy anh em, bố mẹ đều là những người nông dân vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, sống trên vùng đất Quảng Trạch, Quảng Xương đầy khó khăn. Không biết từ lúc nào tình yêu và hoài bão muốn trở thành một người lính Cụ Hồ phục vụ cho đất nước, cho nhân dân đã nhen nhóm trong anh. Năm 1992, anh xin nhập ngũ và được phân công lên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thực hiện nghĩa vụ quân sự năm năm. Đây là dấu mốc quan trọng để anh định hướng con đường binh nghiệp của mình sau này. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhận được sự tin tưởng cấp trên giao, anh gia nhập trung đội vũ trang (tuần tra bảo vệ biên giới) với vai trò là Trung đội trưởng. Chịu trách nhiệm tuần tra, bảo vệ bốn mốc giới từ H1 đến H4 cùng với các mốc giới G11, G12 và địa bàn ba bản Mông thuộc hai xã Na Mèo, Sơn Thủy. Người miền xuôi lên miền núi ắt không tránh khỏi những bỡ ngỡ nhưng không hề cô đơn. Chính núi rừng và tình người nơi đây đã giúp anh mạnh mẽ, quyết tâm hơn trên con đường dài mà anh đã chọn.
Sống cùng đồng bào Mông nơi miền biên viễn hơn nửa đời binh nghiệp, có nhiều kỷ niệm đã rơi vào quên lãng song với anh Hòa, năm 1998 mãi là ký ức không quên, đó là một năm có câu chuyện thật “đặc biệt”. Anh Hòa hồi tưởng: Khi những tia nắng ấm áp của mùa xuân xua tan đi lạnh lẽo của mùa đông năm ấy. Nhận diện được tình hình ở ba bản Mông ngày một phức tạp, một phần do nhận thức và phong tục tập quán của bà con còn lạc hậu nên dễ bị lôi kéo, mua chuộc, người dân tự do di cư, đốt nương làm rẫy,… Để giải quyết những vấn đề phức tạp trước mắt cũng như thay đổi dần các tập tục Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Mèo cử anh cùng một đồng chí hành quân lên bản Xía Nọi của xã Sơn Thủy cắm bản. Bộ đội cắm bản có nhiều mục đích, nhiều nhiệm vụ nhưng chủ yếu tập trung vào thực hiện ba bám, bốn cùng với người dân để từ đó tạo đà thực hiện các nhiệm vụ khác đi kèm. Hai chàng trai trẻ khăn gói lên bản với tâm thế của người lính mang trái tim cháy bỏng và khát vọng phụng sự Tổ quốc, đồng bào nơi biên giới. Vượt qua hàng chục ngọn núi chon von dựng đứng như leo thang lên trời. Rồi băng qua những con đường mòn lởm chởm sỏi đá, một bên là suối, một bên là vực sâu, chỉ một chút sơ sẩy là lăn ngay xuống vực. Đi non nửa ngày trời mới tới được Xía Nọi - nơi có cuộc sống “biệt lập” với thế giới bên ngoài.
Chỉ tay vào con đường phía trước, anh Hòa nói: “Ngày ấy, từ trung tâm xã Sơn Thủy đến bản Xía Nọi chúng tôi phải chật vật với cung đường dài gần 30 kilomet đầy khó khăn, chứ không được thuận tiện như bây giờ đâu. Trước đây con đường này nhỏ như sợi dây thừng mỏng manh, vắt qua những triền núi, trập trùng lên xuống… Nếu đêm hôm trước có mưa thì con đường trở nên trơn trượt, sình lầy, việc đi lại như một cực hình. Đi qua những gian nan của đường sá thì sẽ thấy sự nghèo khổ hiện ra khi ngay trước mặt là những căn nhà mái lợp gỗ thấp lè tè, cũ kỹ, sự nghèo khó bao trùm lên không gian. Bản Xía Nọi lọt thỏm trong thung lũng, xung quanh là những đỉnh núi cao ngút ngát”. Nếu với một người bình thường như tôi chắc nản trí mà quay đầu ra về ngay nhưng với những người lính như anh Hòa dường như, tất cả những khó khăn, nghèo khổ ấy như là cái cớ để những người lính biên phòng ở lại, để gắn bó, để cùng người dân nơi đây tìm ra giải pháp, phương hướng mà thay đổi, mà phát triển, làm thế nào giúp cho đồng bào những con người đang sống “biệt lập” kia có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bây giờ trước mắt tôi là con đường bê tông dài tít tắp, uốn lượn theo sườn đồi. Từ Chương trình 30a - Công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các huyện nghèo. Xác định giao thông đi trước mở đường, năm 2020 Ủy ban nhân dân huyện Quan Sơn đầu tư làm đường giao thông từ bản Son đi Ché Lầu với chiều hơn 5 kilomet. Năm 2022, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện làm đường giao thông nội bản Ché Lầu và bản Mùa Xuân. Nhìn bản làng nơi đây với con đường bê tông thênh thang, lưới điện quốc gia được thắp sáng, niềm vui qua ánh mắt của trẻ thơ,… tôi mới thấy hết được thành quả đáng mừng từ những chính sách của Đảng và Nhà nước đang hỗ trợ vùng khó khăn nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về cuộc sống giữa người miền núi với người miền xuôi.
Đưa tôi lên nơi đầu tiên mình “cắm bản” hơn hai mươi năm về trước, ký ức như ùa về, anh chia sẻ với tôi về những gian truân, những khó khăn của “buổi đầu đâu dễ mấy ai quên” ấy. Anh bảo Xía Nọi ngày ấy nghèo lắm, nghèo hơn chữ nghèo, không điện, không đường vào ra, chỉ là một chòm bản với gần hai chục nóc nhà ngụ cư. Bà con sống bên rừng, sống dưới tán rừng, sống giữa lòng rừng, được rừng che chở, đất đai canh tác gần như không có, cuộc sống hoàn toàn dựa vào rừng. Ngày đầu lên cắm bản các anh không có nơi để ở vì chưa xây dựng được Trụ sở của Tổ công tác. Chưa kể, cả hai anh em đều chỉ mới bập bẹ vài câu tiếng Mông. Gọi là chòm bản nhưng người dân ở cách xa nhau, dân cư thưa thớt vài chục hộ mà diện tích trải rộng cả vài cây số chứ không ít, phải đối diện với muôn vàn những khó khăn, thách thức lúc bấy giờ, nhưng vẫn thường trực trong đầu câu hỏi làm sao để thực hiện được nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, làm sao để vận động, tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước hiệu quả đến với đồng bào. Từ việc làm tốt trong đấu mối phối hợp với chính quyền địa phương, các anh được giới thiệu và bố trí ở nhờ nhà ông Chá Nọ Dính (sinh năm 1946), một già làng uy tín của bản, có con trai là Chá Văn Cụa (sinh năm 1972), làm Trưởng bản Xía Nọi. Cụa được đánh giá là người nhiệt tình và tiến bộ nhất ở Xía Nọi vì đã từng được đi học ở trường nội trú của huyện.
Ông Dính nguyên là lính của Công an nhân dân vũ trang, khi trở về với bản làng, về với cuộc sống thường nhật cùng vợ con, năm 1991, ông xin được tự nguyện trông coi cột mốc 322. Việc làm của ông vừa giúp bộ đội biên phòng chủ động trong công tác tuần tra bảo vệ cột mốc, vừa tuyên truyền cho đồng bào ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Từng là lính biên phòng nên ông Dính biết cái khó, cái khổ mà người lính mang quân hàm xanh phải đối diện. Ông Dính cũng hiểu những việc làm của bộ đội là có ích cho bản làng, cho quê hương nên khi anh Hòa đến nhà ông vui vẻ tiếp đón. Có điều khi nghe anh Hòa đặt vấn đề xin được “nhập gia” thì ông Dính lại có vẻ trầm ngâm. Anh Hòa vẫn nhớ như in từng lời ông Dính nói: “Nhà tao nghèo lắm, nhà không có cái ăn để làm no cái bụng đâu, bộ đội ở cùng thì có chịu được không? Đông con nên nhiều người thì bộ đội có bất tiện không?”. Biết ông cụ đã xuôi nên anh nhanh nhảu tiếp thêm: “Già không lo đâu, bộ đội ăn cùng với dân, dân ăn gì chúng cháu cũng ăn được, dân ở thế nào chúng cháu cũng ở được…”. “Ờ, thế khi nào bộ đội lên bản thì vào nhà già ở thôi”. Dường như ngay từ lần gặp đầu tiên ông Dính đã dành cho anh sự quý mến đặc biệt. “Việc xin “nhập gia” chính là sự khởi đầu cho cái “duyên” để về sau tôi may mắn được làm người con của đồng bào Mông” - anh Hòa vui vẻ kể.
Những bước chân ngày đầu lên bản đi vận động, tuyên truyền hay tuần tra mốc giới của anh Hòa luôn có sự đồng hành, sát cánh của ông Dính. Lần nào lên thăm mốc anh cũng dậy sớm chuẩn bị cùng ông Dính, khi đùm cơm nắm, khi luộc sắn, muối trắng mang theo, mỗi người dắt thêm con dao quắm là lên đường. Có lần là một ngày nhưng cũng có lần là vài ngày. Những hôm gặp trời mưa đêm tối ập đến giữa rừng, đành chặt cây làm lán ngủ lại. Cái lạnh của núi rừng biên giới căm căm cắt vào da thịt, màn đêm trùm xuống, đêm đen như đặc quánh lại. Những lúc ấy cảm thấy đến tận cùng rừng sâu núi thẳm là như thế nào. Đàn khỉ gọi nhau nhảy vào mặt người là chuyện thường, những con vắt đói đánh hơi người nhảy tanh tách. Thế nhưng sáng mai thức dậy, khi tia nắng bắt đầu rọi qua những khe lá, len lỏi trong từng tán rừng, nghe tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau lại thấy náo nức trong lòng. Bất kể trời mưa hay nắng, đôi chân của ông Dính ngày ấy không biết mỏi, cùng bộ đội Hòa miệt mài tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc. Tình cảm giữa hai người sau mỗi lần đi mốc lại thêm phần sâu đậm.
Vào một ngày đông giá rét, xế chiều trời nhập nhoạng, đi tuần tra trở về gần tới nhà ông Dính, bất chợt thấy từ xa có rất nhiều người ra vào. Về tới nhà chưa kịp hiểu đầu đuôi câu chuyện, ông Dính đã lao ra ôm lấy Hòa lôi vào rồi bảo: “Hôm nay ta làm thịt hai con gà, gọi các già làng cùng một số người có tiếng nói trong bản tới chứng kiến và có chuyện muốn thông báo. Bộ đội Hòa lên đây với bản, ở với nhà ta tới nay đã được bảy tháng, bộ đội đã giúp và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống cho bà con bản ta rất nhiều. Bộ đội còn dạy bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, trồng trọt canh tác, phòng chống bệnh tật. Giờ ta đã ưng cái bụng bộ đội Hòa rồi, hôm nay dưới sự chứng kiến của tất cả mọi người, ta cho bộ đội Hòa nhận họ Chá. Từ nay bộ đội Hòa chính là con trai cả của ta và cũng là một thành viên trong bản Xía Nọi này”. Vì công việc phải xa bố mẹ, xa gia đình lên bản được cái cơ duyên mà gắn bó. Dường như anh Hòa và ông Dính khi đó không còn khoảng cách giữa hai dân tộc nữa mà chỉ tồn tại “tình cha con”.
Từ đó đến nay, hàng năm tới lễ cúng ma, lễ tết, ma chay, cưới hỏi của gia đình bố Dính anh Hòa lại chuẩn bị đồ đạc, tất tưởi lên Xía Nọi. Khi con gái Cụa lấy chồng anh Hòa mua tặng bốn cái chăn, xô, chậu, rồi khăn gói đưa lên như một người cha sắm sanh cho con gái mình về nhà chồng. Trong nhà có công to việc nhỏ gì bố Dính hay Cụa cũng đều báo cho anh biết, anh cũng cố gắng vun vén tươm tất mọi việc cho gia đình vì anh hiểu vai trò của người anh cả trong gia đình đối với người Mông quan trọng và to lớn như thế nào.
Nhận họ Mông không chỉ đánh dấu việc anh Hòa được chấp nhận và tôn trọng trong cộng đồng người Mông, mà còn tạo nên sợi dây gắn kết chặt chẽ với bà con người Mông. Anh Hòa đã trở thành một phần của cộng đồng, bà con tin tưởng và tìm kiếm sự hướng dẫn của anh cho mọi việc trong cuộc sống hàng ngày. Chính nhờ vào sự tương tác và lòng tin này, mà việc vận động, tuyên truyền bà con Mông ổn định nơi ở, không tiếp tục tình trạng di cư, tập trung vào phát triển kinh tế gia đình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là dấu mốc đánh dấu sự thay đổi toàn diện cuộc đời khoác áo lính của anh Hòa, được lên ba bám bốn cùng với đồng bào Mông. Tôi thấy mình thật may mắn khi được anh kể cho nghe câu chuyện “đặc biệt” - chuyện bộ đội người Kinh làm “con” của đồng bào Mông.
Ngày ấy, nạn di canh di cư ở ba bản Mông phổ biến lắm. Nơi nào có dấu chân của người Mông đi qua là những quả đồi trơ trụi, đốt rừng làm nương rẫy sau một hai vụ đất bạc màu gia đình lại di cư sang quả đồi khác. Cả gia đình tài sản chỉ vài ba chiếc nồi cũ cứ thế cắp nhau đi hết cánh rừng này tới cánh rừng khác. Chỉ qua một đêm vài ba hộ tự ý bỏ nhà, bỏ bản đi nơi khác sống là chuyện cơm bữa. Để thuyết phục người dân xóa bỏ nếp sống du cư ấy, anh Hòa và cán bộ, chiến sỹ đến gõ cửa từng nhà, gặp từng người để vận động. Ngoài ra anh tham mưu cho Đảng ủy xã Sơn Thủy và Na Mèo, cho Ủy ban nhân dân huyện Quan Sơn dùng biện pháp mạnh, hộ nào bỏ bản đi nơi khác thì xóa khẩu luôn không cho về lại nữa, có như vậy may ra họ mới sợ mà chịu ở lại gắn bó, xây dựng. Thật may biện pháp đấy lại có hiệu quả, từ đó tình trạng di cư ở ba bản Mông đã giảm dần và tới nay thì chấm dứt.
Chẳng riêng gì Xía Nọi mà bản Mùa Xuân và Ché Lầu, lúc bấy giờ họ cũng sống vô tư và nguyên thủy lắm. Người dân còn chưa biết trồng lúa, trẻ con nheo nhóc lớn lên bằng ngô, sắn, măng rừng. Gạo được Chính phủ hỗ trợ không phải không có nhưng được người lớn đem đi đổi rượu uống hết cả. Sáng sớm nhiều người đàn ông trong bản say ngất ngưởng, có người lăn ra ngủ bên đường. Họ nói: “Gạo Chính phủ cấp ăn không ngon nên đem đi đổi lấy rượu uống hết rồi”. Thêm vào đó nhiều hủ tục đè nặng khiến cuộc sống của họ càng tăm tối. Chứng kiến đất nông nghiệp hoang hóa, lãng phí mà băn khoăn, trăn trở, anh Hòa bật lên ý tưởng muốn cải tạo vùng đồi. Đồng bào Mông là những người chân chất, thật thà, nếu nói mà không làm thì lời nói cũng như lá cây trôi theo dòng nước, đồng bào chỉ tin vào những gì tai nghe mắt thấy, những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho đời sống thì họ mới tâm phục khẩu phục. Chứng minh bằng hành động cụ thể, thiết thực, ngày đó ban ngày bộ đội Hòa cùng anh em trong Tổ công tác lên nương cùng đồng bào cuốc sắn, trồng ngô, những bàn tay cầm súng đã chuyển sang cầm cuốc, xẻng, xà beng, lật từng viên đất, hòn đá. Mặt mũi ai cũng bắt nắng đen sạm lại nhưng khuôn mặt ai cũng phấn khởi và tin tưởng cuộc sống của đồng bào sẽ khởi sắc, sẽ ấm no. Từ cán bộ vận động quần chúng, bộ đội đã trở thành những “người nông dân chính hiệu”. Từ việc chọn giống, ươm mạ, cấy hái, bón phân gì, phun thuốc diệt sâu bọ, diệt chuột lúc nào... đều phải nắm rõ như lòng bàn tay. Có như thế mới thực hiện đúng phương châm miệng nói, tay làm, bà con mới tin tưởng.
Khi được tôi hỏi: “Năng suất lúa ở ba bản Mông năm nay thế nào?”. Anh Hòa nói: “Vụ này hy vọng đạt được 50 tạ trên một héc ta, cao hơn 20 tạ so với vụ trước”. Câu trả lời đậm chất nhà nông khiến tôi rưng rưng, người lính biên phòng đang ngồi cùng tôi, anh giao công việc của nhà mình cho bố mẹ, vợ con lo toan còn anh lên đây vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, vừa gánh trách nhiệm là người “bạn nông” của đồng bào Mông đang bỡ ngỡ với văn minh lúa nước. Bất cứ lúc nào, nơi nào ở ba bản Mông dù khó khăn, gian khổ đều thấy Thiếu tá Hòa có mặt, lăn lộn trong các phong trào của đồng bào. Anh Hòa đã động viên, cổ vũ, lôi cuốn mọi tầng lớp thực hiện Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Với nhiệm vụ được giao, ngoài năng lực, trí tuệ ở anh còn có ý chí, sự khéo léo, mềm dẻo mới thu phục được lòng dân.
Thiếu tá Hòa với dáng người nhỏ bé, làn da rám sạm toát lên một nét rắn rỏi, khỏe khoắn, giọng nói trầm ấm và thân thiện, mỗi khi nói chuyện anh lại tủm tỉm cười. Ấy vậy mà khi làm công tác dân vận, khi vận động tuyên truyền cho bà con anh làm việc rất dứt khoát, phải lúc mềm lúc cứng, lúc rắn lúc buông. Có một lần trong cuộc họp tuyên truyền phối hợp giữa cán bộ xã, kiểm lâm và bộ đội biên phòng vào năm 2002, với nội dung “Không phát nương làm rẫy”. Trong cuộc họp đồng bào họ không nói gì nhưng sau cuộc họp họ ra gặp riêng và nói lại với bộ đội Hòa:
- Ơ không cho phát nương làm rẫy thì không cho cán bộ, kiểm lâm và biên phòng ăn cơm đâu.
Anh Hòa nghiêm nghị nói ngay:
- Nhà nước giao nhiệm vụ cho ta, ta lên đây giúp bà con thực hiện nhiệm vụ được giao, chứ ta đã xin ăn bữa nào chưa?…
- Khà! Khà! Ta uống rượu vào ta nói thế thôi… Có gì đồng chí Hòa bỏ qua cho ta, nói vậy nhưng cái bụng nó không nghĩ thế đâu.
Độ gần năm năm trở lại đây bà con ba bản Mông mới trồng được lúa nước hai vụ, ngày trước bà con chỉ biết trồng lúa một vụ, ruộng nương nửa năm để đất không. Được mùa còn đủ lúa đủ gạo mà ăn, mất mùa thì quanh năm ăn măng, ăn sắn. Anh Hòa tham mưu cho Chỉ huy đồn, cùng lãnh đạo chính quyền hai xã Sơn Thủy, Na Mèo ra Nghị quyết phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất cải tạo ruộng bậc thang để cấy hai vụ lúa nước, hạn chế phát nương làm rẫy, tích cực xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi nhằm tận dụng các nguồn nước sông, suối đưa vào đồng ruộng. Để đảm bảo cung ứng nguồn lương thực tại chỗ ngoài trồng hai vụ lúa anh còn vận động đồng bào chăn nuôi thêm lợn, gà, cá,… để thoát nghèo. Không phải cứ làm là thành công ngay, cũng bao bận thất bại, trầy trật mãi đấy, cũng may bà con người Mông rất chịu khó luôn đồng hành, tin tưởng, ủng hộ và làm theo trong mọi việc. Từ đó mà quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của bản thân cũng như của bà con thêm phần bền bỉ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Hạnh phúc nhất của anh Hòa cũng như những người lính biên phòng cắm bản khi đó có lẽ là được cùng nhân dân quây quần bên nhau trong bữa tết cơm mới, bản làng ăn mừng cho một năm mùa màng bội thu.
Lên Xía Nọi, anh Hòa đưa tôi ghé thăm gia đình thứ hai của anh. Trong nhà mọi người đi làm hết chỉ có anh Chá Văn Cụa ở nhà. Vì vừa ốm dậy, sức khỏe còn yếu chưa leo núi lên nương được. Nghe tôi hỏi về anh Hòa, anh Cụa kể lại: Những ngày đầu lên cắm bản anh Hòa đã ở cùng gia đình tôi. Đồng bào Mông chúng tôi đi làm nương từ tinh mơ đến tối mịt, thậm chí có hộ còn ngủ lại ở chòi canh nương trong rừng cả tuần. Những lúc lên thấy vậy, anh Hòa xắn tay áo lên rửa bát, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa cho gia đình tôi. Lần nào cũng vậy khi mọi người đi làm trở về đều thấy nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi khi về đồn, về nhà anh còn cõng theo mì tôm, lương khô, cá khô,… chuẩn bị đồ ăn cho thời gian lên cắm bản, thế nhưng thấy trẻ con trong gia đình tôi không có gì ăn là anh lại đem chia lương khô, mì tôm, cá khô cho gia đình tôi. Bản thân anh Hòa khi ấy không dư dả gì nhưng sẵn sàng chia sẻ vì thương đồng bào chúng tôi, bị cái đói, cái nghèo đeo bám mãi không buông.
Anh Cụa còn cho biết thêm: Anh em chúng tôi đã cùng nhau trải qua rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, vui có, buồn có. Năm 2012, một lần anh Hòa vừa từ bản trở về đồn giao ban thì mẹ tôi, Thao Thị Cơ qua đời. Tôi gọi báo cho anh. Nhận được tin, ngay trong đêm anh Hòa băng rừng, vượt suối lên lại Xía Nọi. Vừa là một người con lên để vĩnh biệt mẹ, cùng gia đình lo chuyện hậu sự cho mẹ; vừa là một chiến sĩ quân hàm xanh anh vận động bố Dính và tôi không giết thịt trâu bò, không tổ chức dài ngày, ăn uống tốn kém. Ban đầu bố Dính dứt khoát không đồng ý, phản đối kịch liệt lời đề nghị của anh Hòa. Với người Mông chúng tôi trước đây, tục tang ma không đưa thi thể người chết vào quan tài mà giữ thi thể ở trong nhà nhiều ngày. Cùng với đó các gia đình có người chết sẽ giết mổ thật nhiều trâu, bò, lợn, gà. Nhà nào cũng phải thực hiện đúng tục lệ của bản. Vì lý do đó mà cuộc sống vốn đã nghèo lại ngày càng nghèo hơn, có những gia đình phải từ đời ông đến đời cháu mới trả hết được món nợ này. Anh Hòa thuyết phục ngày đêm, bố Dính và tôi cùng nêu ra rất nhiều điều kiện, lo sợ rất nhiều điều tiếng. Lấy vai trò là con trai cả trong nhà anh Hòa đứng ra nhận hết trách nhiệm về mình nếu người trong bản trách phạt.
Sau đám tang nhà mình, như được đả thông tư tưởng, lại tự mình kiểm chứng kết quả của sự thay đổi tập tục ma chay, anh Cụa đã tình nguyện trở thành một tuyên truyền viên cùng bộ đội biên phòng đi tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ các gia đình ở khắp ba bản Mông. Đến nay khắp cả ba bản Mông khi có tang ma, bà con đã cho thi thể người chết vào quan tài, không để quá 24 giờ là chôn cất, đám tang chỉ diễn ra trong hai ngày, không mổ trâu bò làm cỗ bàn linh đình, tốn kém và không còn cảnh uống rượu say nằm ngủ bên lề đường nữa…
Sắp tới anh Hòa sẽ nghỉ hưu theo chế độ sau hơn hai mươi năm gắn bó cuộc đời mình với cộng đồng ba bản Mông, hạnh phúc khi anh nhìn lại quãng thời gian đằng đẵng ấy thấy đồng bào đã được “khoác lên màu áo mới”. Đến nay cộng đồng Mông họ đã biết tự túc cái ăn cái mặc, biết đưa người chết đi chôn trong quan tài, biết sống gọn gàng, sạch sẽ và sẵn sàng mở lòng, giao lưu với thế giới bên ngoài... Dù không còn ngày ngày ở cùng đồng bào nữa nhưng Thiếu tá Hòa là một người Mông, mang họ Mông, trái tim anh ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ hướng về đồng bào mình, tự hào khi quê hương mình đã và đang đổi thay từng ngày.
L.T