Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Dưới bóng cây sa mu miền biên ải (Bút ký dự thi)
Dưới bóng cây sa mu miền biên ải (Bút ký dự thi)

Chiếc xe bán tải còn khá mới do Đại úy Lò Văn Ngọc - cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh chở chúng tôi đến chốt 347 của Đồn Tam Thanh. Sau đó Đồn Biên phòng Bát Mọt lại bố trí xe đón chúng tôi từ chốt này về Bát Mọt. Trải qua ngót 30 ki lô mét từ Đồn Tam Thanh về Bát Mọt, xe chúng tôi đi ngang qua cả một khu rừng già rộng lớn. Một bên là vách núi, ngước lên thấy những cây cao to thẳng đứng như xuyên thủng vào trời xanh. Một bên là thung lũng và cánh rừng nguyên sinh xanh mướt với đủ các loại cổ thụ, những loại cây gỗ tái sinh. Có những cây loang lổ như da báo, thân to, cao thẳng tắp mà xưa kia những người đóng thuyền, đóng bè mơ ước lắm để làm cột buồm. Chúng tôi đến xã Bát Mọt vào lúc chiều tà. Hoàng hôn ở trung tâm xã Bát Mọt thật đẹp và yên bình. Những tia nắng cuối ngày đang khuất dần sau dãy núi, như cố níu kéo ánh sáng của mình để chiếu rọi vào những lá cờ đỏ của người dân treo hai bên đường tạo ra một bức tranh đầy sắc màu. Người bạn đường Lê Mạnh Quốc còn đang ngây ngất hát bài “Chiều biên giới” thì cũng là lúc xe ô tô chở chúng tôi rẽ vào Đồn Biên phòng Bát Mọt. 
Đồn nằm trên một ngọn đồi cách trung tâm xã Bát Mọt chừng vài cây số. Cổng đồn nhỏ nhắn, xinh xinh, trông giống mẫu hình cổng chào cắm trại của chúng tôi ở miền quê Thái Bình. Đồn Biên phòng Bát Mọt quản lý bảo vệ 17,492 ki lô mét đường biên giới, 09 mốc quốc giới. Thượng tá Lê Đình Quý - Đồn trưởng và Thượng tá Lê Hưng Hiếu - Chính trị viên của đồn cùng đón tiếp chúng tôi trong căn phòng khách ấm cúng. Cả anh Quý và anh Hiếu đều là những cán bộ tuổi 7x, cuộc đời binh nghiệp đã kinh qua nhiều địa bàn, nhiều vị trí. Anh Quý có thời gian hơn 20 năm công tác biên phòng ở Phú Quốc. Biển đảo anh cũng đã qua mà biên cương anh cũng đã từng, đủ tuần hoàn “lên rừng xuống biển”. Anh Quý có mái tóc suôn, sợi tóc nhỏ, cứng. Anh nói nhỏ nhẹ, có nụ cười rất hiền, rất dễ gần. Khi nhà văn Nguyễn Xuân Thủy hỏi về công tác của đồn, anh trả lời giản dị, ngắn gọn như phong cách của người miền Tây Nam Bộ: 
- Thì công tác ở Đồn Bát Mọt cũng thực hiện nhiệm vụ như các đồn biên phòng khác thôi. Nhiều việc lắm!
Câu nói của Thượng tá Lê Đình Quý mộc mạc, hàm chứa sự khiêm tốn, ẩn mình của một sĩ quan đầy kinh nghiệm, đã lăn lộn cả cuộc đời trên vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc. 
Bây giờ đang vào tháng 9 âm lịch nhưng mùa đông năm nay ở Bát Mọt đến muộn. Thượng tá Lê Hưng Hiếu chỉ vào cây đào đang nở hoa ở sân Đồn Bát Mọt, nói: “Mọi năm thời điểm này sương mù đã dày đặc ở sân rồi, cách vài mét không nhìn thấy nhau”. Rồi anh nói thêm: “Đào trên này một năm ba lần ra hoa”.
Chúng tôi tròn mắt, ngạc nhiên về sự ra hoa của cây đào ở đây. Nhưng cái gì tồn tại cũng có cái lý của nó. Trời đất có quy luật của trời đất. Cỏ cây có quy luật của cỏ cây, cũng như con người cũng có quy luật riêng của con người. Thiên nhiên, vạn vật và con người tuy khác nhau về chất, về lượng sở dĩ tồn tại, sinh trưởng và phát triển được cũng bởi tất cả đều có cái lý riêng, cái quy luật riêng của mình. 
Bát Mọt nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng lớn của vùng núi cao, nền nhiệt độ cao với hai mùa chính: Mùa hè khí hậu nóng đặc biệt là sự xuất hiện gió phơn Tây Nam vào đầu mùa hạ; mùa đông lạnh giá khô hanh, hay có sương muối. Điều kiện khí hậu thời tiết phức tạp, bị ảnh hưởng của gió Lào khô nóng, vùng núi cao hay có sương mù, sương muối. Có lẽ những đặc điểm về khí hậu, địa hình ở đây là nguyên nhân cơ bản để cây đào ra hoa ba lần trong một năm hay là còn nhiều nguyên nhân khác? Tôi không dám chắc, nhưng điều tôi dám chắc là nếu theo quan niệm truyền thống, hoa đào nở là xuân đã về thì ở Bát Mọt, một năm có ba mùa xuân, ba cái tết. Hạnh phúc như được nhân ba. 
*
Bát Mọt là xã biên giới vùng cao, vùng sâu của huyện Thường Xuân, cách thành phố Thanh Hóa 130 ki lô mét. Thiếu tá Vũ Văn Sỹ - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bát Mọt dẫn chúng tôi đến gặp người đã tham gia bảo vệ cột mốc lâu năm, uy tín và có nhiều thành tích ở Bát Mọt. Đó là ông Lang Minh Huyến sinh năm 1953 ở bản Khẹo. Ngôi nhà sàn của ông Huyến nằm sát bên đường giao thông chính của thôn, cách Đồn Biên phòng Bát Mọt không xa. Ngôi nhà mới làm được hơn mười năm nay nhưng vẫn lợp mái tôn, không có gỗ lót bên dưới, mùa hè rất nóng. Ông Huyến năm nay 70 tuổi, thân hình vạm vỡ, rắn rỏi, giọng nói sang sảng, vẻ mặt thanh thoát, toát ra sự từng trải và thật thà. Trong ngôi nhà của ông, rặt là những bằng khen, giấy khen, huân chương các loại treo thẳng tắp ở gian trái của ngôi nhà, nơi ông tiếp khách. Tôi đếm nhanh cũng phải chừng 40 khung treo các loại. Tôi hỏi ông Huyến là ông thích bằng khen nào nhất, ông trả lời nhanh, đó là Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng ông năm 2012, khi đó ông là trưởng ban công tác mặt trận của thôn. Ông tham gia công tác mặt trận từ năm 2004 đến 2021 và tới nay vẫn tích cực tham gia cùng bà con trong thôn. Bên cạnh công tác mặt trận, ông Huyến đã tích cực tham gia trông coi, chăm sóc cột mốc. Ông được các anh ở Đồn Bát Mọt giao nhiệm vụ phối hợp cùng đồn để bảo vệ cột mốc từ năm 2014 mà cụ thể là các mốc 353, 355, trong đó trọng tâm là mốc 355. Mốc 352 thì ông tham gia bảo vệ chung cùng với một anh khác bên bản Ruộng. Riêng mốc 355, theo đường cũ từ nhà ông Huyến đến cũng mất nửa ngày đường. Sau vụ sạt lở năm 2017, Đồn Biên phòng Bát Mọt đã xin ý kiến cấp trên, làm con đường đến cột mốc dễ đi hơn, khoảng 4 ki lô mét đường rừng, nếu người bình thường đi cũng phải mất quá nửa ngày cả đi lẫn về.  
Theo lịch công tác với đồn thì ba tháng một lần ông Huyến đi kiểm tra mốc biên giới. Nhưng ấy là lịch chuẩn theo quy định thôi chứ việc kiểm tra, chăm sóc cột mốc phải thường xuyên, liên tục, cứ lúc nào có thời gian hoặc lúc nào thấy thời tiết mưa gió, sạt lở đất đá bất thường là ông Huyến lại vào rừng kiểm tra cột mốc. Đã từng là người lính Trường Sơn vào Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đã từng là người cán bộ ở địa phương và bây giờ làm công tác bảo vệ cột mốc, công tác mặt trận, ông Huyến thấu hiểu và có ý thức về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cùng sự bình yên của bản làng, thôn xóm nơi biên giới hơn ai hết ở bản Khẹo này. Ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ cột mốc mới là nhân tố quyết định, góp phần cùng với đồn biên phòng giữ gìn, bảo vệ biên cương vững bền.
Bản Khẹo có 29 hộ và 252 nhân khẩu, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn rất nhiều, gần như nguyên vẹn. Đa số người dân ở đây đều là dân tộc Thái, nên đời sống văn hóa cũng mang đậm sắc màu của người Thái. Trả lời băn khoăn của chúng tôi về ngôi nhà của ông Huyến đã làm mười năm mà vẫn thiếu gỗ lát dưới mái lợp nhà, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ cho biết, do thực hiện chỉ đạo “đóng” cửa rừng của Đảng và Nhà nước(*) nên gỗ ở rừng đặc dụng đến một cây cũng không ai được đụng vào. Đó là lý do về pháp lý và sự thực hiện bảo vệ rừng rất nghiêm túc của các cơ quan chức năng tại địa phương. Lý do thứ hai, tôi nghĩ từ trong văn hóa truyền thống đến nếp nghĩ hiện tại của người Thái đen vùng biên giới Việt - Lào này, người dân có ý thức giữ rừng, bảo vệ rừng rất tốt. Đó là những lý do cơ bản để rừng ở đây vẫn còn, con dúi, con chim, con sóc ở đây vẫn còn, con đường từ Tam Thanh lên Bát Mọt xanh ngắt một màu xanh của núi rừng, ngát hương mùi thơm của hoa lá và rộn vang âm thanh muôn loài côn trùng, chim muông. 
- Bác nghĩ như thế nào về việc người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc - Tôi hỏi ông Huyến.
Ông Huyến không phải suy nghĩ lâu, trả lời ngay: 
- Việc bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh biên giới là trách nhiệm của toàn dân, trong đó lực lượng nòng cốt là anh em chiến sĩ biên phòng. Bản thân tôi rất tự hào khi được cùng với đồn biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc. Mỗi lần lên thăm mốc và nếu thấy có gì bất thường tôi sẽ kịp thời báo cáo đồn để có hướng giải quyết. Ngoài ra tôi cũng thường tuyên truyền cho bà con địa phương để cùng chung sức bảo vệ an ninh biên giới, giữ gìn đường biên, cột mốc.
Câu trả lời của ông Huyến làm cho chúng tôi cảm thấy mát lòng mát dạ. Thật mừng vì có những người dân nhiệt tình, trách nhiệm, có nhận thức cao và ý thức tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ đường biên, cột mốc như ông Huyến. Những người dân nơi núi rừng hẻo lánh, xa xôi này chính là “tai mắt”, là “cánh tay nối dài” của lực lượng biên phòng trong việc bảo vệ biên cương một dải vững bền.
Câu chuyện đang rôm rả thì người con của ông Huyến về. Anh tên là Vi Văn Huyên. Chúng tôi tò mò hỏi ông Huyến:
- Bác họ Lang, anh con trai lại họ Vi, như vậy là anh ấy theo họ mẹ phải không bác?
Ông Lang Minh Huyến chỉ tay vào bà vợ (mẹ anh Huyên) nói bằng ngôn ngữ rất chân thành: Bà đầu bị “nghẹo”, mất rồi. Thằng này con bà hai, theo mẹ. Bà hai mất chồng. Hai người về với nhau, Huyên theo mẹ. “Bố hắn đẻ ra hắn là họ Vi”. 
Giọng ông Huyến vừa dứt thì cũng là lúc Vi Văn Huyên đã tháo một bóng điện từ trong buồng trong ra ngoài phòng khách, thay bóng để cho căn nhà sáng hơn trong lúc bố dượng tiếp khách. Bóng điện mới làm sáng choang cả căn phòng. Chúng tôi được quan sát những giấy khen, bằng khen rõ hơn và nhìn ông Lang Minh Huyến cũng tường tận hơn. Vi Văn Huyên và người bố dượng Lang Minh Huyến rót rượu mời chúng tôi ba chén. Huyên xin phép ông Huyến đi thịt gà, làm cơm mời khách, chúng tôi chỉ biết xúc động và cảm ơn hai người đàn ông khác họ sống hạnh phúc trong cùng một nhà này để xin phép về dùng bữa tối với các anh trong đồn biên phòng, vì các anh đang chờ cơm… 
*
Xã có tên là Bát Mọt, với 8 bản có tên rất đơn âm là Khẹo, Cạn, Đục, Ruộng, Dưn, Phống, Vịn, Chiếng đã để lại nhiều trăn trở cho chúng tôi về tên làng, tên xã. Bát Mọt là gì? Dường như chưa có câu trả lời xác đáng. Ông Lương Minh Huyến, người sinh ra và lớn lên ở Bát Mọt kể, hồi ông sinh ra xã đã có tên là Bát Mọt. “Tiếng Thái, bát là cái bát, mọt thì tôi chưa rõ”. Có ý kiến cho rằng, tên Bát Mọt có từ thời Lê: “Xã Bát Mọt (còn gọi là Bất Một, có tên từ thời Lê), gồm các tên hành chính: Hón, Ruộng, Khẹo, Chiềng, Cạn (Mót), Phống, Dưn, Đục, Vịn”. 
Sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), được viết bằng chữ Nho hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chép: Ở Thanh Hóa có 2 nơi ghi địa danh là Bất Một, trong đó “Bất Một {不 没} châu Lang Chánh, phủ Thanh Đô, trấn Thanh Hoa” được cho là Bát Mọt ngày nay. 
Sách Đại Nam nhất thống chí, mục “Tỉnh Thanh Hóa (hạ)” chép: Đường nhỏ: “Châu Lương Chánh: Một đường từ xã Lương Sơn, tổng Nhân Sơn, tới đồn Bất Một giáo địa giới huyện Sầm Nưa là bốn ngày đường”. Bất Một này được hiểu là xã Bát Mọt hiện tại. Bất Một {不 没}, danh từ theo sự ghi chép và viết chữ trong các bộ sử, sách trên, nếu dịch ra thì tạm hiểu Bất Một 不 没 là không mai một. Bát Mọt - cái tên nghe lạ tai và khơi gợi nhiều suy ngẫm…
*
Bình minh ở Đồn Biên phòng Bát Mọt thật đẹp. Chúng tôi dậy sớm, đón những tia nắng đầu tiên xuyên qua đỉnh núi từ phía nước bạn Lào để tô thắm thêm cánh đào đang hé nở trong sân vườn của đồn. Bảy giờ rưỡi sáng, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ đón chúng tôi lên xe xuống bản Đục. Từ đồn đến bản Đục mất khoảng hơn một giờ đồng hồ. Cảnh quan hai bên đường thật nên thơ và trữ tình. Những ngôi nhà sàn dựa lưng triền núi, đằng trước là cả một dải thung lũng, ruộng và suối đan xen nhau với nhiều sắc màu. Lúa đang độ chín, trĩu hạt vàng ươm. Những đồng bào Thái ở Bát Mọt đang gùi nặng vai những bó lúa lên bờ để đưa vào máy tuốt ven đường. Tiếng máy nổ kêu phành phạch, xả khói đen sì. Người đứng bên cạnh máy cứ nhồi từng bó lúa vào máy như cho than vào lò, còn phía bên kia máy tung tóe ra những cọng rơm, cọng rạ. Lúa đã được máy tự động sàng, sảy; người dân cho lúa vào bao, rạ rơm để ngoài đồng, chờ khô, rồi họ đốt lấy tro trộn vào đất làm hồi sinh chất hữu cơ cho đất, để cày cấy vụ sau… Chúng tôi như bị cuốn theo cái khí thế lao động hăng say nơi miền biên viễn.
Bản Đục nằm tiếp giáp với nước bạn Lào, được coi là bản xa nhất của xã Bát Mọt. Thiếu tá Vũ Văn Sỹ dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà sàn khá rộng và đẹp ở ngay lối vào bản Đục. Tiếp chúng tôi là Thiếu tá Vũ Văn Vuông, phụ trách Tổ công tác của đồn tại bản Đục và chủ nhà, ông Lang Văn Chuẩn. Ông Chuẩn cũng là người trông coi, chăm sóc cột mốc có tiếng tăm ở bản Đục này. Phòng khách của nhà ông Lang Văn Chuẩn có điểm giống với nhà ông Lang Minh Huyến ở bản Khẹo, treo rất nhiều bằng khen, giấy khen. Ông Chuẩn sinh năm 1964, có thâm niên hơn 10 năm tham gia trông coi, chăm sóc cột mốc, từ 2012 đến nay. Ông là mẫu người nói ít, làm nhiều. Ông không hoạt ngôn, cũng không biết kể nhiều, nói nhiều về bản thân. Khi hỏi về công tác trông coi, chăm sóc cột mốc, ông Chuẩn chỉ cười cười và bảo: “Thì mình cứ làm thôi”.
Khi nói về người thân sinh của mình, tức là cụ Lang Thanh Lợi thì ông Chuẩn hồ hởi, phấn khởi ra mặt. Ông Chuẩn tự hào về người bố của mình lắm. Cụ Lang Thanh Lợi sinh năm 1944 là đảng viên đầu tiên của bản Đục, người đầu tiên của bản nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Cha truyền, con nối, cụ Lang Thanh Lợi để lại ánh hào quang trong công tác Đảng, công tác xây dựng bản làng vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đến đời ông Lang Văn Chuẩn cũng đang đi tiếp con đường truyền thống mà cụ Lợi đã gây dựng. “Người dân ở bản Đục chăm sóc, bảo vệ cột mốc, xây dựng bản làng là thế, còn cán bộ chiến sĩ biên phòng ở đây thì sao?”. Tôi ngước sang nhìn Thiếu tá Vũ Văn Sỹ, lúc này trông anh có nhiều nét giống với Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bát Mọt - Thượng tá Lê Đình Quý. Trước sự bối rối và bí về ngôn từ diễn đạt của ông Chuẩn, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ nói ngắn gọn: 
- Các anh có thể hỏi thêm anh Vũ Xuân Vuông để anh ấy cung cấp thông tin nhiều hơn.
Anh Vuông về Tổ công tác Biên phòng ở thôn được 10 năm và về công tác ở Đồn Biên phòng Bát Mọt đã 20 năm. Quãng ấy thời gian lăn lộn ở xã, ở thôn, không chỉ nắm vững địa bàn mà Vũ Xuân Vuông đã thực sự như một người dân bản. Nói về bản Đục này, anh Vuông tâm sự: “Ở đây dân số chủ yếu là người Thái. Người Thái rất chân tình với Đảng, quan hệ rất tốt với địa phương và đồn biên phòng. Thực tình, nói họ tốt một cách toàn diện thì không thể hết nhưng cơ bản là rất tốt, rất có ý thức bảo vệ biên giới. Rất mừng”. Hơn 10 năm gắn bó với bản Đục, Vũ Xuân Vuông được coi như người con của bản. 
Theo dòng cảm xúc, anh Vuông đưa chúng tôi hồi tưởng về những ngày tháng đầu tiên anh về công tác tại bản Đục. Đó là vào năm 2003, lúc đó chàng trai Vũ Xuân Vuông 24 tuổi, là lính nghĩa vụ, chưa được đào tạo nghiệp vụ biên phòng. Khi ấy, tình hình biên giới tại bản Đục nói riêng, xã Bát Mọt nói chung đang có diễn biến và biểu hiện phức tạp do phỉ Lào liên tiếp khiêu khích, quấy phá vùng biên. Dù chúng chưa dám làm gì xâm hại đến cột mốc, chưa xâm phạm chủ quyền quốc gia của ta nhưng phỉ Lào đã có những hành động tập trung xung quanh khu vực biên giới, giết trâu bò của người dân bản Đục khi đàn gia súc này ăn qua khu vực biên giới. Chúng không chỉ giết, phá hoại tài sản của người dân bản mà còn treo đầu trâu, bò lên cây như một sự khiêu khích, thách thức, gây hoang mang cho người dân bản… Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cùng các lực lượng, đơn vị vũ trang liên ngành đã phối hợp triển khai lực lượng thường trực tại địa phương, theo dõi, bám sát tình hình, sẵn sàng chiến đấu, không để rơi vào thế bị động. Vũ Xuân Vuông về nhận nhiệm vụ tại bản Đục trong bối cảnh ấy. Tổ công tác của anh Vuông có 6 người, mang máy điện lên báo cáo tình hình. Vừa kể, anh Vuông nở nụ cười tươi, bảo: “Vừa đi học ra trường, gặp cảnh ấy rất vui. Vui vì được chiến đấu, trải nghiệm”. Năm 2003, Đồn Biên phòng Bát Mọt lập 3 chốt tại bản Đục, cắt gác, có mật khẩu giao gác, có súng đạn luôn sẵn sàng chiến đấu. Khoảng hết tháng 9 năm đó, tình hình lắng xuống, các đơn vị vũ trang tạm rút và tổ công tác vẫn giữ nguyên. Bốn mươi chín ngày Vũ Văn Vuông ở bản Đục là bốn mươi chín ngày đầu đời quân ngũ đáng nhớ nhất.
Kỷ niệm khó quên thứ hai với Thiếu tá Vũ Xuân Vuông là chuyện anh bị thương trong chuyên án đánh ma túy năm 2019 tại bản Đục. Khi anh Vuông nhắc đến chuyên án này, chúng tôi đều “à” lên một tiếng, vì chuyên án đó được đăng tải trên báo chí rất nhiều, ai cũng nhớ. Là người trực tiếp tham gia đánh án, Thiếu tá Vũ Xuân Vuông nhớ rất rõ, thời gian diễn ra vào khoảng 15 giờ ngày 3-6-2019 Tổ công tác gồm 3 người: Thiếu tá Vi Văn Nhất - Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Đại úy Vũ Xuân Vuông (khi đó anh Vuông mang quân hàm Đại úy) và Trung úy Nguyễn Bình Minh - nhân viên quân khí Đồn Biên phòng Bát Mọt. Tại khu vực mốc 358 bản Đục, khi phát hiện 3 đối tượng có dấu hiệu nghi vấn mang theo túi xách, đang xâm nhập từ Lào vào địa bàn, Tổ công tác áp sát, thực hiện các công tác nghiệp vụ thì bất ngờ một đối tượng từ bên kia biên giới (cách khoảng 40 mét) nổ súng bắn vào đội hình Tổ công tác. Sự cố bất ngờ khiến Thiếu tá Vi Văn Nhất bị thương nặng và hy sinh không lâu sau đó. Hai đồng chí còn lại bị thương. Vũ Xuân Vuông được đưa ra mổ cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Anh bị một viên đạn bắn xuyên mắt cá chân bên phải, được chữa chạy kịp thời. Bệnh viện đóng sáu nẹp đinh ở chân, bây giờ anh mới tháo được 3 nẹp. Anh Vuông ở bệnh viện bốn ngày, khi sức khỏe bình phục anh trở về nhà. Sau đó anh đi phục hồi chức năng ở Sầm Sơn hai tháng. Đến tháng 11-2019 anh đi làm trở lại. Anh được đánh giá thương tật 32% sức khỏe, xếp hạng thương binh 4/4. Tham gia đánh án trong một chuyên án mà một đồng đội đã hy sinh, bản thân anh và một đồng đội nữa bị thương, nhiều người nghĩ điều đó có thể làm ảnh hưởng đến tư tưởng công tác của anh Vuông. 
- Sau sự việc đó anh có suy nghĩ gì? - Tôi hỏi.
Giọng nói của Thiếu tá Vũ Xuân Vuông như chùng xuống, âm lượng nhỏ hơn một chút, anh nói nhanh hơn một chút như vẫn muốn giấu đi cái bản lĩnh, can đảm của một sĩ quan vào sinh ra tử và dường như anh đang nhớ về người đồng đội đã hy sinh của mình: 
- Khi xảy ra sự việc như vậy, không vì thế mà tôi nản lòng, nhụt chí. Tôi vẫn bình thường, nghĩa là vẫn ở đây. Tôi vẫn ở đây, vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của một người lính để chứng minh một điều dù thế nào thì lực lượng biên phòng vẫn phải đi đầu. Dù khó khăn, nguy hiểm như thế nào, những người lính chúng tôi vẫn luôn hết lòng phụng sự Tổ quốc, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
“Dù thế nào thì lực lượng biên phòng vẫn phải đi đầu”, câu nói của Vũ Xuân Vuông cứ hằn sâu mãi trong tâm thức của tôi về anh, về những đồng đội của anh ở Bát Mọt và về cả lực lượng Biên phòng ở xứ Thanh, ở đất nước này. Biên phòng hy sinh như thế, nguy hiểm như thế, vất vả thế, nhưng các anh vẫn bám đất, bám biển, vẫn kiên trì, bền chí, quyết tâm, sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Các anh vẫn là lực lượng đi đầu… Tổ quốc này, nhân dân này ghi ơn, biết ơn và cảm ơn các anh lắm lắm…
Mải câu chuyện với Thiếu tá Vũ Xuân Vuông thì trời đã xế chiều. Bản Đục hôm nay bình yên quá. Những làn khói trắng nối nhau bay lên từ những ngôi nhà sàn nép mình dưới chân núi. Người dân đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Dưới bóng núi của buổi chiều tà, Thiếu tá Vũ Xuân Vuông cũng như rất nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng khác đang thầm lặng ngày đêm canh giữ, bảo vệ đường biên cột mốc, vì sự bình yên nơi biên giới. Chúng tôi chia tay Thiếu tá Vũ Xuân Vuông mà vẫn thấy vang vọng lại câu nói của anh: “Dù thế nào thì lực lượng biên phòng vẫn phải đi đầu”... 
*
Trên độ cao 1400 mét so với mặt nước biển, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trên xã Bát Mọt có khu rừng nguyên sinh, đẹp tựa cổ tích. Nơi đó có hệ thực vật phong phú với hàng trăm loài gỗ quý như dổi, lim, táu, pơ mu... Duy có một loài cây cổ thụ dường như đã hóa thần, thành “Thần mộc” là cây sa mu. Cây sa mu ở Bát Mọt là loại cây cổ thụ lá kim, có đường kính lớn lên tới bốn mét, thân thẳng, cao trên bảy mươi mét, tán nhỏ và chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh, sống trên núi cao, độ cao từ bảy trăm mét trở lên. Các nhà khoa học Nhật Bản đã xác định được tuổi của cây sa mu trong cánh rừng già này lên tới 1500 tuổi, nghĩa là lúc người anh hùng Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Lương, lập ra nước Vạn Xuân thì “cụ” sa mu này đã bắt đầu ra cành, nảy ngọn. Cây sa mu ấy có tuổi đời tương đối dài đối với lịch sử một dân tộc chứ chưa nói gì đến đời người, đời cây thông thường. Trải qua biết bao cơn bể dâu, thay đổi bao triều đại, lập nên biết bao chiến thắng lẫy lừng, xây dựng nên biết bao công trình, đền đài, di tích… thì cây sa mu vẫn cứ lặng lẽ xanh tươi trên miền biên viễn này. Tôi như muốn hỏi cây, hỏi lá, hỏi rễ trong 1500 năm ấy, chiến thắng nào, danh nhân nào còn chưa được lưu truyền vào sử xanh hay không? Dưới gốc sa mu, tôi cảm giác đó là sự hóa thân của những người lính trấn ải lưu đồn thuở xưa, từ thời vua Lý Nam Đế, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn và ngày nay là thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Giờ đây, dưới bóng sa mu nghìn tuổi ấy là hình ảnh các chiến sĩ biên phòng và đồng bào các dân tộc vùng biên đang tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống giữ nước, bảo vệ biên cương, xây dựng vùng biên ấm no, hạnh phúc có lịch sử từ hàng ngàn năm ấy. Họ là những người đã và đang viết nên cổ tích hiện đại vùng biên ải. Dưới bóng sa mu hùng vĩ lại là những con người rất đỗi bình dị. Sự vĩ đại, lớn lao thường nằm ẩn giấu trong cái bình dị.
                   

Bát Mọt, tháng 11-2023
                               LÍ HỌC
                                                                                      


(*) Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; Thông báo số 191/TB-VPCP về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 1606
 Tổng số truy cập: 7558194
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa