Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Nắng lên giữa ngàn mây (Ký dự thi)
Nắng lên giữa ngàn mây (Ký dự thi)

Nhớ lại những chuyến công tác lên các bản cao nhất của Mường Lát, như: Sài Khao, Pha Đén, Pù Đứa, Pù Ngùa… những năm Mường Lát còn chưa có đường nhựa lên huyện, đến giờ mường tượng lại, tôi vẫn chưa hết kinh hãi với những cung đường như không phải là đường. Và nhất là khi nghe kể những câu chuyện về tang ma của người Mông, tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh và ám ảnh khôn nguôi. Ở những đỉnh cao mây mù bao phủ, cuộc sống của người Mông vẫn còn bị trói buộc bởi quá nhiều hủ tục, bị trì níu trong cái đói nghèo, lạc hậu… Nhưng đó là câu chuyện cách đây đã nhiều năm. 
“Người Mông xưa kia bị kẻ thù xua đuổi, phải chạy khỏi quê hương. Cứ đi, đi mãi, ngược lên những đỉnh núi cao nhất, cho đến khi nhìn thấy cái mó nước nhỏ bằng dây nỏ thì dừng lại, san đất dựng nhà, phát rừng làm rẫy… Ở những đỉnh cao đó, dù khí hậu khắc nghiệt, nhưng người Mông quan sát được xa hơn, kẻ thù cũng khó có thể tìm đến. Mỗi lần có người chết, không dám bỏ vào hòm, vì sợ kẻ thù truy đuổi không kịp khiêng đi, nên phải đặt thi hài lên cáng, để lúc cần vẫn còn kịp mang theo… Cứ thế, thành tập tục nhiều đời. Cuộc sống du mục, nay đây mai đó, khi nào đất bạc màu, lại tìm đến những đỉnh núi cao khác… Bởi vậy, người Mông có anh em họ hàng ở nhiều nơi nhưng cách xa nhau. Nên khi có người chết, phải giữ trong nhà nhiều ngày để họ hàng ở xa kịp đến cúng viếng, rồi mới được đem chôn…” - Đó là câu chuyện mà cách đây gần 10 năm, ông Lâu Minh Pó kể cho chúng tôi nghe trong khung cảnh núi rừng đang chầm chậm nhuốm màu đêm, gợi lên cảm giác vừa u hoài, vừa liêu trai. Dưới ánh hoàng hôn sắp tắt, ông nhìn về phía xa, nơi có một ngọn thác chảy từ đỉnh núi cao xuống mong manh như một dải lụa nhỏ phất phơ giữa trời. Quá khứ dân tộc Mông, qua lời kể của ông, gieo vào tâm tưởng tôi một nỗi buồn miên man... Lúc ấy ông Pó đang là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát. Nay ông đã nghỉ hưu, về sống cùng gia đình tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi. Ông là một trong những người uy tín, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Mông ở Mường Lát. Vậy mà, đã từng có lúc, ông phải “va chạm” với không ít bà con trong dòng tộc, “chống đối” cả những bậc cha chú, thậm chí đánh cược luôn mạng sống của mình, chỉ để thực hiện bằng được việc “đưa người chết vào quan tài”. Một việc vốn dĩ rất đỗi bình thường ở các địa phương, dân tộc khác, nhưng đối với người Mông, để đưa được người chết vào quan tài, đã có cả một “cuộc chiến” nổ ra, cuộc chiến về hệ tư tưởng, giữa cái cũ và cái mới, giữa sự cổ hủ, lạc hậu vốn ăn sâu bám rễ bao đời với nếp sống văn hóa thời hiện đại. 
Sau lần gặp ông Lâu Minh Pó, chúng tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện “đưa người chết vào quan tài” ở cộng đồng người Mông vùng cao Thanh Hóa. Thâm nhập vào các bản Mông bám trụ trên những đỉnh cao nhất của Mường Lát, tôi tìm gặp những người cao tuổi và những người hiểu biết, để khai thác thông tin.
Những cán bộ địa phương kể cho chúng tôi nghe về đám tang của cụ Hơ Lão Tú một già làng uy tín nhất của người Mông ở Mường Lát, đó là năm 2004, cụ thọ 104 tuổi. Cụ Tú là một trong những người Mông đầu tiên đi theo cách mạng, có công rất lớn trong việc “tiễu phỉ trừ gian”, vận động đồng bào học nói tiếng Kinh và viết chữ quốc ngữ. Cụ từng là đại biểu HĐND tỉnh nhiều khóa. Lúc cụ mất đi, vì lòng kính trọng, con cháu để thi hài trong nhà tới một tuần lễ, để mọi người dù ở xa xôi nhất cũng kịp đến cúng viếng, bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương. Đến lúc đưa đi chôn, thi thể cụ đã phân hủy nặng, ai đến đưa tang cũng ám ảnh. 
Ngoài những câu chuyện nghe được, chúng tôi còn được anh Ngân Văn Bình, phóng viên Đài truyền thanh huyện Mường Lát cung cấp một số tư liệu về đám tang người Mông mà anh lưu trữ được. Trong đó có đám tang của bà Lâu Thị Dính, ở bản Cá Tớp, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, vào năm 2012. Sau khi mất, bà được gia đình đặt trên chiếc cáng, treo trong nhà gần một tuần, thi thể bị phân huỷ và bốc mùi nồng nặc. Để báo hiếu, gia đình mổ rất nhiều trâu, bò, lợn, gà và dùng cơ man là rượu để tiếp khách... Xem từng cảnh quay tiễn đưa người bà về nơi an nghỉ cuối cùng, nhất là những cảnh cận, mới thật là khủng khiếp. Người ta khiêng chiếc cáng đi đúng lúc cơn mưa đổ xuống. Có lẽ ông trời cũng phải khóc thương khi nhìn thấy hình hài người chết với khuôn mặt biến dạng sung phù, nước da thâm đạch, cả cơ thể trương nứt,… rùng rợn không tả xiết! Tôi còn nghe những người trực tiếp đi đưa đám kể: Mặc dù thi thể bốc mùi và biến dạng kinh rợn như vậy, nhưng không được che đậy gì hết, mà cứ thế khiêng đi chôn. Mùi hôi thối bay khắp bản, đến cả tháng sau vẫn chưa hết. Ai cũng ghê sợ, có người phát ốm, nhưng đó là tập tục rồi, không bỏ được. 
Chúng tôi tìm tới nhà người quá cố bà Lâu Thị Dính, gặp chồng là ông Hơ Xáy Sinh. Kể từ khi vợ mất, cuộc sống của gia đình ông càng trở nên nghèo khó hơn. Gánh nặng của những hủ tục lạc hậu đè lên, khiến ông trở nên tiều tụy. Sau đám tang vợ, ông trở thành con nợ, phải làm lụng vất vả nhiều năm mà vẫn chưa trả hết. Ở tuổi xế bóng chiều, ông vẫn phải miệt mài lao động. Những ngày không lên nương được thì ông ở nhà trông cháu để các con đi làm trả nợ… Mưu sinh cực nhọc vẫn luôn là nỗi ám ảnh, món nợ cõi trần mãi đeo đẳng gia đình ông, khiến cuộc sống phía trước luôn mịt mù, tăm tối. 
Người Mông vốn là dân tộc có tín ngưỡng sâu sắc và đặc biệt phục tùng những tục lệ của làng bản, dòng họ. Vì thế, nhiều hủ tục lạc hậu duy trì từ đời này qua đời khác, đặc biệt là trong nghi lễ tang ma. Họ để người chết trong nhà đến 7 ngày mới chôn cất, thi thể không được liệm vào quan tài, mà đặt vào chiếc cáng tre treo lên vách. Các thủ tục cúng viếng, ăn uống sinh hoạt đông người diễn ra ngay bên cạnh. Đến bữa, người ta vón một cục xôi hay miếng thịt, chấm vào miệng người chết như một thủ tục mời ăn. Khi thầy cúng chọn được ngày giờ mới đem chôn, và phải mang người chết ra tận huyệt mộ mới cho vào quan tài.
Người Mông từ bao đời nay vẫn giữ quan niệm làm đám ma càng lâu, mổ càng nhiều con vật đem cúng, người chết sang thế giới bên kia, mang theo được nhiều của cải thì sẽ no đủ hơn, không phải chịu cảnh cơ hàn như khi còn sống. Suốt những ngày làm tang ma, gia chủ đều tiếp cơm rượu những người đến phúng viếng, giúp việc để tỏ lòng biết ơn. Có những đám tang giết 8 - 10 con trâu, bò, dùng hết hàng trăm lít rượu. Mỗi khi bản có tang, vào bất cứ nhà nào cũng thấy đàn ông nằm ngổn ngang. Họ đến đám, ai cũng phải uống rượu cho đến khi say, vạ vật ngủ ở bất cứ đâu, rồi tỉnh dậy, lại uống, lại say, lại ngủ cho đến khi đưa người chết ra khỏi nhà mới thôi. Những ngày có tang sự, cả bản không ai buồn đi nương rẫy, mà triền miên trong các thủ tục cúng viếng và những cuộc rượu…
Với sự giao lưu văn hóa ra bên ngoài, dần dần, một số người trong cộng đồng dân tộc Mông, nhất là những người được học hành, làm cán bộ, đã nhận thức được tác hại của những hủ tục trong tang ma. Những người con của bản được đi đây đi đó, quan sát cuộc sống của bà con các dân tộc khác, đã có nhiều trăn trở, muốn xua đi những “bóng ma” hủ tục đeo bám cuộc sống người Mông. Thế nhưng xóa bỏ được lại là chuyện không hề đơn giản. Để thay đổi cả một tập tục tồn tại từ bao đời, đối với những người trong cuộc là cả một “cuộc cách mạng”, một “cuộc chiến”. Và để “thắng” trong cuộc chiến này, cùng với những người Mông tiến bộ đã tự nhận thức và có nhu cầu thay đổi, cần có sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền, và đặc biệt là lực lượng Biên phòng. 
Để biết rõ hơn về vai trò của bộ đội biên phòng trong “cuộc chiến đưa người chết vào quan tài”, chúng tôi đã tìm đến các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện Mường Lát có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. 
Tại Đồn Biên phòng Pù Nhi, từ Thượng tá Phan Văn Thân - khi ấy là Đồn trưởng, kể lại: Ông Hơ Nọ Tụa từng làm Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi, chính là con trai cụ Hơ Lão Tú. Sau lễ tang của cha, ông Tụa thấm thía về sự cần thiết phải xóa bỏ hủ tục. Lúc đương chức vẫn chưa thể làm gì để thay đổi được, nên đến khi về già, ông yêu cầu con cháu phải đưa mình vào quan tài và đem chôn ngay sau khi mất, không được để lâu trong nhà. Thế nhưng, chính con cháu lại làm ngược lời dặn của ông, chỉ vì không được dòng họ đồng ý. Lúc ấy, cán bộ của đồn đến vận động hết nhẽ, cũng đành phải chịu thua trước “cái lý của người Mông” trong dòng họ Hơ ở Pù Nhi. 
Không chỉ ông Hơ Nọ Tụa, nhiều cán bộ người Mông khác cũng muốn xóa bỏ hủ tục, sẵn sàng lấy bản thân mình làm mẫu, nhưng đều không được cộng đồng chấp nhận. Ông Lâu Minh Pó, tâm sự: “Tôi nghĩ, nếu đời tôi chưa làm được việc xóa bỏ hủ tục này, tôi sẽ viết di chúc cho con cháu rằng khi tôi chết phải đưa vào quan tài, nếu không làm thế thì hồn ma tôi sẽ về bắt người làm trái lời”. Ông Lâu Minh Pó là người thành đạt nhất trong cộng đồng dân tộc Mông ở tận đỉnh cao bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Ông là người đầu tiên của bản được đi học, “thoát ly” làm cán bộ, và là người con duy nhất của dân tộc Mông ở Mường Lát làm đến chức Phó Bí thư Huyện ủy. Từ khi còn là một cán bộ trẻ, cho đến lúc là Phó Bí thư, lúc nào ông Pó cũng đau đáu nỗi niềm muốn giúp đồng bào Mông từ bỏ những hủ tục lạc hậu, trong đó hủ tục làm tang ma là lực cản lớn, khiến người Mông khó thoát cảnh đói nghèo. 
Năm 2013, chú ruột của Phó Bí thư Lâu Minh Pó, là cụ Lâu Chứ Dơ ở Pha Đén không may qua đời. Ông Pó nhận tin báo, về đến bản thì cũng là lúc mọi người đang chuẩn bị cáng tre treo thi hài lên vách nhà. Ông thuyết phục những người thân đưa chú mình vào quan tài giống như đồng bào các dân tộc khác thường làm. Cả dòng họ đồng loạt phản đối. Chính cha đẻ của ông Pó - cụ Lâu Chơ Dia, là người phản đối quyết liệt nhất. Thế mà, bằng cách nào đó, ông Lâu Minh Pó đã chiến thắng, khi thuyết phục được cả dòng họ nghe theo mình.
Chúng tôi quyết định lên Pha Đén để trực tiếp nghe câu chuyện từ cụ Lâu Chơ Dia, cha đẻ ông Lâu Minh Pó. Với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, Pha Đén là bản cao nhất huyện Mường Lát cũng như của tỉnh Thanh Hóa, được ví như “nóc nhà” của xứ Thanh (Pha là núi; Đén là cao trên trán, phải ngước mắt lên mới thấy được). Chúng tôi mới đi được nửa con dốc, mà tai đã ù, không khí lạnh hẳn so với ở phía dưới. Lên đến bản, chỉ thấy xung quanh mây mù bao phủ, dưới chân là mây, trên đầu cũng mây, dường như quờ tay cũng bắt được mây vậy. 
Cụ Lâu Chơ Dia được đồng bào Mông xem như “cây đại thụ” của núi rừng, năm ấy đã gần 80 tuổi mà ngày nào cũng lên rẫy. May là cụ cũng rất hiện đại, biết dùng điện thoại di động, nên chúng tôi nhờ ông Lâu Minh Pó gọi nhắn cụ về. 
Câu chuyện “đưa người chết vào quan tài” ở Pha Đén có nhiều tình tiết rất dài. Theo lời cụ Dia kể, lúc ấy, hai cha con đã đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt với nhau. Thậm chí cụ còn cho rằng, con trai mình làm cán bộ, nên tìm mọi cách ép anh em dòng họ để có thành tích mà tiến thân. Cụ Dia tuyên bố sẵn sàng “từ mặt” con, nếu ông Pó làm trái ý, dù là cán bộ to đến đâu thì cũng không được ỷ thế, đi ngược lại tập tục của dòng họ, của cộng đồng dân tộc Mông từ bao đời… Trong dòng họ rất căng thẳng, thậm chí sắp đánh nhau. Dòng họ chia làm ba “phe”. Một “phe” là cán bộ, muốn theo nếp sống mới, tìm mọi cách thuyết phục phải đưa người chết vào quan tài và cho đi chôn sớm, không cúng viếng kéo dài nhiều ngày. Một “phe” là các bậc cha chú thì nhất quyết ngăn cản, không cho làm khác với phong tục. Một “phe” kẹt ở giữa, hoang mang không quyết định được, vừa nể cán bộ và muốn làm theo cái mới, nhưng lại bị dọa nên lo sợ nếu làm khác đi, hồn người chết sẽ về “báo oán”. Cứ thế dằng dai suốt nhiều tiếng đồng hồ. Nhóm cán bộ phân công nhau, mỗi người phụ trách một “phe” để làm tư tưởng.
Ông Lâu Minh Pó nghĩ, nếu lần này không làm được, thì sau này cũng khó mà làm được, vì vẫn sẽ như vậy thôi. Lấy tư cách là cháu trưởng trong nhà, đồng thời là cán bộ cốt cán của huyện, ông Pó dùng tình cảm và trách nhiệm để động viên, thuyết phục các thành viên trong họ đưa thi thể chú ruột vào quan tài. Cùng với đó, anh em cán bộ của xã và các ban ngành của huyện cũng phối hợp, tìm những người ở phe “trung dung” để thuyết phục, tạo thành “nhóm đa số” ủng hộ nếp sống mới. Ông Lâu Minh Pó lấy tính mạng mình ra để cam kết: “Bà con cứ nghe theo tôi làm theo nếp sống mới, nếu sau ba tháng, ma không về bắt tôi đi, thì tôi làm đúng. Còn nếu ma bắt tôi, thì tôi chấp nhận đền tội!”. Tất cả cán bộ đều theo ông Pó, đứng ra hứa như vậy. Cuối cùng, mọi người đồng ý cho đưa người chết vào quan tài. Và sau đó, dù muốn chôn cất ông chú trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nhưng do dòng họ lại tiếp tục phản đối, nên ông Pó đành nhượng bộ, vẫn phải để quan tài ba ngày trong nhà. Đây là đám tang đầu tiên của người Mông ở Thanh Hóa, người chết đã được đưa vào quan tài. 
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc, sau đám tang, vợ con ông Lâu Minh Pó rất run sợ, vì nghe người ta rỉ tai nhau: “Làm không đúng, ma sẽ về bắt người đi sau ba tháng. Ai sai về pháp luật thì có pháp luật trị, ai sai về phong tục, tập quán thì dòng họ đó sẽ bị tiêu diệt luôn”. Suốt ba tháng ấy, cả gia đình, họ mạc sống trong thấp thỏm lo âu. Còn người ở các dòng họ khác cũng chờ đợi xem trong ba tháng hồn ma có về lấy anh Pó đi không? Ông Lâu Minh Pó, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, cháu đích tôn của dòng họ Lâu ở Pha Đén, vẫn điềm nhiên trước “lời thề độc” của mình. Nhưng đối với ông Lâu Gia Pó, lúc ấy là Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi, thì xảy ra một sự cố. Đúng trong khoảng thời gian “thách thức”, ông bỗng phát bệnh tim phải đi mổ. Ông rất lo, không phải vì sợ hậu quả của lời nguyền, mà vì sợ chẳng may mình có mệnh hệ gì, thì sẽ trở thành bằng chứng không thể chối cãi rằng lời nguyền đã ứng nghiệm. Trong họ Lâu, càng có nhiều người nói vào nói ra, rằng: “Chắc chắn anh Gia Pó sẽ bị bắt đi cho mà xem!”. May thay, sau ca mổ tim, ông Lâu Gia Pó đã mạnh khỏe trở lại. Và cũng trong thời gian ba tháng ấy, cả họ Lâu ở Pha Đén không có ai “ngẫu nhiên” qua đời. Nếu ai đó lỡ “ra đi” đúng thời điểm này, thì không biết sự thể sẽ tới đâu. Sau ba tháng, cả hai anh Pó đều không bị ma bắt đi, cả họ cũng không ai chết, từ đó mọi người mới tin. 
Cụ Dia nói với chúng tôi: “Trước kia ta nghĩ là ta đúng, Minh Pó con ta sai. Nay ta thấy ta sai rồi, Minh Pó đúng rồi! Ta sai thì phải nghe theo nó thôi!”.
Cụ Lâu Chứ Dơ, chú ruột ông Lâu Minh Pó là người Mông đầu tiên ở Mường Lát được đưa vào quan tài sau khi mất, thế nhưng, cũng mới chỉ có dòng họ Lâu ở bản Pha Đén thực hiện. Dù sao, đám tang cụ cũng đã mở ra cuộc cách mạng mới trong tang ma của người Mông ở Thanh Hóa. 
Tháng 6-2013, tỉnh Thanh Hóa triển khai Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của vùng đồng bào Mông”, nhằm bảo tồn và phát huy có chọn lọc những nghi thức trong phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng; Đồng thời cải tiến, đổi mới và xóa bỏ dần những quan niệm lệch lạc, những hủ tục lạc hậu, không phù hợp với nếp sống văn minh của thời đại, góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các huyện thành lập Ban vận động, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của đồng bào Mông; Tổ chức nhiều hội nghị từ cấp huyện đến các thôn, bản; Thành lập các tổ, đội trực tiếp đến từng hộ gia đình gặp gỡ vận động đồng bào, nhằm thay đổi dần thói quen, nếp nghĩ không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới hiện nay.
Ông Lâu Minh Pó cho rằng, Đề án ra đời rất đúng lúc. Nhẽ ra đây là việc của người Mông, nhưng người Mông không làm được triệt để, phải có những lực lượng khác cùng tham gia, hỗ trợ. Nhưng Đề án vạch ra cũng chỉ là những tờ giấy, nếu không có những người thực thi quyết liệt. 
Thượng tá Phan Văn Thân chia sẻ: Ban đầu khó lắm, dù đã có một dòng họ làm mẫu, họ Lâu ở bản Pha Đén đã “mở đường” rồi, nhưng làm cách nào để tất cả các dòng họ người Mông làm theo, không phải dễ dàng ngày một ngày hai. Ban đầu, vẫn có rất nhiều người không đồng ý, đặc biệt là lớp người cao tuổi. Họ phản ứng gay gắt. Nhiều cuộc họp dân để tuyên truyền, vận động bất thành. Đảng bộ, chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng quản lý địa bàn đã phối hợp hành động, bền bỉ thuyết phục dân. Bộ đội biên phòng chúng tôi nghĩ ra một cách, là lấy chính những cán bộ, chiến sỹ người Mông, biết nói tiếng Mông, trực tiếp đi vận động đồng bào. Đồn Biên phòng Pù Nhi lúc ấy cử những người như: Thiếu tá Hơ Văn Cụa - Chính trị viên phó, Trung úy Hơ Văn Trẻ ở Đội Vận động quần chúng đến từng gia đình, bản làng, và đặc biệt những cụm dân cư là quê hương nơi các anh sinh ra, lớn lên và đang sinh sống, vận động gia đình, dòng họ của mình trước tiên, rồi mở rộng ra toàn địa bàn quản lý. Phải làm sao để chính người Mông nhận thấy hủ tục như những cái dây buộc chân mình, cần phải tự mình gỡ ra. Các anh không quản đêm ngày, mưa nắng, sẵn sàng đến từng nhà, xắn tay giúp từng việc. Người nào phản đối mạnh nhất thì càng phải gặp gỡ nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn. Cứ như thế, mưa dầm thấm lâu, lần lượt những người thủ cựu nhất đã dần thay đổi. Và mỗi khi trên địa bàn có đám tang, bộ đội biên phòng phải là những người đầu tiên xuất hiện, phối hợp với địa phương bằng mọi cách ngăn chặn hủ tục, giúp đỡ tang gia làm theo nếp sống mới. 
Dòng họ Lâu và xã Pù Nhi đã làm thành công, nhưng ở các dòng họ khác, địa phương khác thì sao? Chúng tôi đến xã Nhi Sơn tìm gặp ông Lâu Mai Dơ, Bí thư Đảng uỷ xã. Ông Dơ cho biết, dù ông Lâu Minh Pó - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát và ông Lâu Gia Pó - Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi đi trước mở đường, nhưng ở Nhi Sơn, nhiều người, nhiều dòng họ vẫn như những tảng đá lớn khó lay chuyển. Nhiều đêm ông thao thức nghĩ kế nhằm đánh thủng những “lô cốt” đang ngáng đường. Và ông tìm ra một cách, là lấy chính những người đang chịu hậu quả của hủ tục tang ma, phân tích cho họ hiểu nguyên nhân vì sao gia đình người Mông nào cũng mãi nghèo đói, truyền đời truyền kiếp khổ cực. Từ đó, chính họ lại đứng ra tuyên truyền cho nhiều người khác từ câu chuyện của bản thân, gia đình mình, để cùng rút kinh nghiệm… 
Dần dà, không chỉ ở xã Pù Nhi, Nhi Sơn, mà hầu hết đồng bào Mông trên toàn tỉnh Thanh Hóa đã nhận thức sâu sắc về việc cần thiết phải xóa bỏ hủ tục trong tang ma, ủng hộ thực hiện theo nếp sống mới.
Cuối năm 2016, sau ba năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của vùng đồng bào Mông”, chúng tôi quay lại Mường Lát. Lần ấy chúng tôi đến viếng lễ tang ông Hơ Văn Ly, một người con của bản Cá Nọi. Thi thể của người quá cố đã được đưa vào quan tài ngay sau khi mất. Tại đám tang, nhiều phong tục văn hóa tốt đẹp nhằm thể hiện tình cảm của người còn sống với người đã khuất vẫn được duy trì, gìn giữ, nhưng không còn cảnh giết mổ nhiều súc vật như trước. Mặc dù ông Hơ Văn Ly có ba người con trai, trước đây ít nhất mỗi người phải cúng một con bò, nhưng nay gia đình cũng chỉ mổ duy nhất một con để làm đám hiếu, rượu cũng không dùng nhiều như trước.
Sau đó, quay lại xã Nhi Sơn, chúng tôi đến một gia đình vừa có tang sự, là ông Thao Văn Tông ở bản Kéo Té. Khi cha mình qua đời, ông đã quyết định làm tang trong hai ngày và không tổ chức linh đình, tốn kém. Dù vừa lo việc tang, nhưng họ vẫn sắm được máy cày, máy xay xát, chỉ vài mươi phút đồng hồ đã xay được cả tạ lúa. Chiếc cối đá nặng nề từ đời ông cha để lại nằm ở chái nhà, lặng lẽ như một hoài niệm xưa cũ... 
Mới đây, chúng tôi tiếp tục quay trở lại Mường Lát, nhân dịp tròn 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của vùng đồng bào Mông”. Giờ đây 100% bản Mông ở Mường Lát đã đưa việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản; Một trăm phần trăm đám tang đều đưa người chết vào quan tài, chôn cất trong 48 giờ; Trong đám tang không bắt mổ nhiều gia súc, gia cầm, không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày… Đây là một thay đổi vô cùng lớn lao trong cộng đồng người Mông. 
Lên bản Pha Đén thăm cụ Lâu Chơ Dia. Dù tuổi đã gần 90 mùa rẫy, cụ vẫn còn minh mẫn lắm. Hàng ngày, cụ vẫn tuyên truyền cho nhiều người, nhiều gia đình cùng thực hiện lễ tục tang ma theo nếp sống mới. Hủ tục giống như những ngọn núi cao bị sương mù vây bọc, cản lối, từng làm cho đồng bào Mông tụt hậu so với các dân tộc khác, và khi có người đi trước, soi ánh sáng mở đường, mây mù tăm tối sẽ dần tan đi. “Cuộc chiến đưa người chết vào quan tài” đã được thực hiện thành công, mở ra một cuộc sống mới trên những bản làng người Mông ở vùng cao xứ Thanh. 
Cụ Lâu Chơ Dia lấy chiếc khèn bè từ vách gỗ xuống, và bắt đầu tấu lên bản nhạc truyền thống của dân tộc mình. Bầy trẻ thơ vây quanh cụ, ánh mắt lấp lánh trong tiếng khèn dìu dặt vang lên. Qua nhiều ngày sương giá của mùa đông, mặt trời đã xuất hiện ở bản Pha Đén. Xa xa, những cuộn mây mù bám chặt đỉnh núi cao dần bị xua tan khi ánh sáng mặt trời rọi tới. Trước hiên nhà, những bông hoa trạng nguyên đỏ rực dưới nắng, như đang gọi mời mùa xuân tới... 
               M.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 2988
 Tổng số truy cập: 7559576
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa