Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Một quyết định vĩ đại (Ký)
Một quyết định vĩ đại (Ký)

Với mục đích giải tỏa áp lực do ta gây nên ở khu vực đồng bằng, nhằm thu hút lực lượng chủ lực của ta về một địa điểm do chúng định sẵn ở vùng núi để tiêu diệt, theo kế hoạch Na-va, ngày 20 tháng 11 năm 1953, Pháp mở cuộc hành quân Castor nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và bắt đầu xây dựng tập đoàn cứ điểm ở đấy.
Sau thời gian thu thập tin tức tình báo để biết được quy mô của tập đoàn cứ điểm này cũng như lực lượng chúng, ngày 6 tháng 12 năm 1953, ở An Toàn Khu Việt Bắc (ATK), Tổng Quân ủy đã trình Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch này do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng.
Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu có hai câu “Từ khi vượt núi băng đèo/ Ta đi Bác vẫn dõi theo từng ngày”, thì chữ “ta” ở đây không để chỉ tác giả mà chỉ chung những người tham dự chiến dịch Điện Biên, mà cụ thể hơn là các đoàn quân sự của ta rời ATK đi tới Điện Biên. Có hai đoàn quan trọng nhất. Đoàn thứ nhất do Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch, cùng các sĩ quan đại diện cho các binh chủng Pháo binh, Công binh, Thông tin liên lạc, Hậu cần… và một số cố vấn quân sự của Trung Quốc. Lúc này Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn bận chỉ đạo quân sự cả nước nên chưa đi được. Đoàn này khởi hành giữa tháng 12 năm 1953. Mấy tuần sau, đoàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng lên đường. Trước khi đi, hôm mùng 5 tháng 1 năm 1954, Đại tướng đến lán Khuôn Tát chào Bác Hồ. Bác căn dặn nhiều điều quan trọng, trong đó có hai vấn đề Đại tướng ghi sâu vào tâm khảm. Đó là “Tướng quân tại ngoại” và “Đánh phải chắc thắng, không chắc thắng không đánh!”.
Đến khu vực Điện Biên, gặp đoàn đi trước, Đại tướng hết sức ngạc nhiên khi nghe Thiếu tướng Hoàng Văn Thái nói rằng, đoàn đã họp bàn và muốn quyết định thay đổi từ “đánh chắc, thắng chắc” sang chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”. Ý tưởng này nảy sinh khi đoàn của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái dừng nghỉ ở Sơn La và nhắc lại trận đánh không thành công, chính xác là thất bại, hy sinh nhiều của quân ta khi tiến công cứ điểm Nà Sản trước đây.
Mai Gia Sinh - cố vấn của Trung Quốc nói rằng, sở dĩ trận đó ta thất bại là do đánh theo lối cũ, lối “bóc vỏ”, không còn yếu tố bất ngờ, tạo cho đối phương có đủ thời gian phản ứng lại. Phải đánh theo chiến thuật “moi tim” mới chiến thắng! Lúc đầu Thiếu tướng Hoàng Văn Thái cũng như các sĩ quan khác của ta cũng lo lắng cho chiến thuật mới này, nêu những khó khăn, nhưng cố vấn đều trả lời thông suốt các câu hỏi đặt ra, nên đã thống nhất sẽ đánh nhanh trong ba đêm hai ngày, khai hỏa vào lúc 17 giờ ngày 20 tháng 1 năm 1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi lặng yên hồi lâu. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái biết Đại tướng đang suy nghĩ nhiều, nên xin phép trở về lán của mình.
Ngày 14 tháng 1 năm 1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch họp tại hang Thẩm Púa. Cán bộ cao cấp gồm có Vương Thừa Vũ, Chu Huy Mân, Trần Độ, Phạm Ngọc Mậu… Dù còn rất nhiều phân vân nhưng Tướng Giáp đã đại diện BCH Mặt trận phổ biến lệnh tác chiến theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” trong ba đêm, hai ngày… đã được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân uỷ Trung ương cùng Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt, với sự nhất trí của Đoàn Cố vấn Trung Quốc. Lúc đầu dự định chiến dịch sẽ mở màn vào 17 giờ ngày 20 tháng 1 năm 1954, nhưng do một đơn vị trọng pháo của ta vào trận địa chậm, nên quyết định lùi lại 5 ngày, tức 17 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1954. Nhưng tin ngày nổ súng bị lộ, nên ta quyết định lùi lại 24 tiếng đồng hồ nữa, tức là 17 giờ ngày 26 tháng 1 năm 1954.
Phổ biến xong kế hoạch tác chiến, Tướng Giáp quay nhìn từng khuôn mặt đồng chí và hỏi: “Ai có ý kiến gì không?”. Tất cả im lặng. Đại tướng lại lần lượt nhìn từng người, nhắc lại câu hỏi, chứng tỏ ông rất muốn có ý kiến nêu những khó khăn khi thực hiện phương án này, để có lý do bàn lại, nhưng tất cả vẫn im phăng phắc, buộc ông tuyên bố kết thúc hội nghị.
Sau cuộc họp này, vì nhiều điều lo nghĩ nên Tướng Giáp đã tìm gặp ông Vi Quốc Thanh, Trưởng Đoàn Cố vấn Trung Quốc: “Ở hậu phương, tôi và anh đã bàn phương án đánh chắc, thắng chắc. Ta đã báo cáo với Bác Hồ và Trung ương là đánh trong 45 ngày. Sao giờ anh em ở đây lại quyết định giải quyết trong ba đêm, hai ngày?”. Vi Quốc Thanh nói: “Anh Hoàng Văn Thái và Mai Gia Sinh đi tìm hiểu cả tháng trời. Có khi phải đánh nhanh, nếu không thì bỏ mất cơ hội…”.
Thời gian từng ngày nặng nề trôi qua cho đến tối 25 tháng 1. Nếu kế hoạch nổ súng không bị lộ, thì lúc này chiến dịch đã mở màn rồi, nhưng giờ thì còn chưa đầy 24 tiếng đồng hồ để Tư lệnh suy nghĩ. Ông ngồi yên lặng bên bàn, nhìn xuống tấm bản đồ quân sự. Tự nhiên ông cảm thấy đầu đau thất thường, đưa bàn tay bóp trán. Bác sĩ quân y lại gần, đo nhiệt độ rồi tìm một nắm ngải cứu hơ nóng, buộc vào trán Đại tướng. Xong, Đại tướng bảo bác sĩ đi ra ngoài để mình ông được yên tĩnh.
Đại tướng nhớ hôm chia tay Bác Hồ ở lán Khuôn Tát. Bác nhắc lại nhiều lần bốn chữ “Tướng quân tại ngoại”, nghĩa là Bác đã tin mình và giao cho mình tự quyết định mọi vấn đề khi ở mặt trận. Thế cũng có nghĩa mình là người chịu trách nhiệm về kết quả chiến dịch. Lại nhớ khi chia tay, Bác nhấn mạnh: “Đánh chắc thắng, không chắc thắng không đánh”. Với phương án chỉ đánh trong ba đêm, hai ngày, đã bảo đảm chắc thắng chưa? Nhẩm lại những điều thuận lợi của ta mà nhiều người nhắc tới, Đại tướng thấy nhiều khó khăn nổi cộm. Cố vấn nói, quân đội ta có kinh nghiệm chiến đấu ở rừng núi, nhưng Điện Biên không chỉ có rừng núi, mà có thung lũng đồng bằng dài đến 15 ki lô mét, rộng 5 ki lô mét. Theo trinh sát của ta, trận địa của Pháp xây dựng trên những ngọn đồi giữa đồng bằng ấy, mà trận địa gần bìa rừng nhất, quân ta muốn tiếp cận được cũng phải hành quân bộ trên hai trăm mét giữa đồng bằng. Nói Mường Thanh là lòng chảo, quân ta có ưu thế từ trên cao đánh xuống, điều đó chỉ đúng lúc khởi đầu chiến dịch, chứ khi ta tràn xuống thung lũng rồi, thì ưu thế đó thuộc về kẻ địch, bởi trận địa chúng trên đỉnh đồi, còn quân ta dưới thung lũng. Bảo rằng cấp tập hai ngàn quả đại bác 105 ly, làm tê liệt pháo binh giặc, rồi bộ binh ta tràn xuống, thì lấy gì bảo đảm sau loạt đạn cấp tập đó pháo binh giặc tê liệt? Nói quân ta có ưu thế đánh đêm, nhưng hai ngày theo dự định, quân ta phơi lưng giữa cánh đồng Mường Thanh thì chống chọi thế nào với hỏa lực của địch, kể cả máy bay ném bom? “Rõ là chủ quan!”.  
Đại tướng cất lên thành lời, đồng chí bác sĩ bước vào, nhắc thủ trưởng đi ngủ, vì trời sắp sáng rồi. Đại tướng không trả lời, và ra hiệu cho bác sĩ lui ra ngoài, rồi ông lấy giấy ghi lại những ý chính: Bộ đội ta đánh hiệp đồng chưa quen, chưa thành công, điển hình là trận đánh cứ điểm Nà Sản năm 1953. Trận này đòi hỏi hiệp đồng rất lớn, nhưng giữa pháo binh và bộ binh ta chưa được luyện tập kỹ. Bộ đội ta quen đánh đêm, có địa hình ẩn náu, còn nếu đánh theo phương án cấp tập này, bộ đội ta chưa quen, nhất là phơi ra giữa ban ngày trên địa hình bằng phẳng, trống trải, khi hỏa lực của địch cực mạnh, thì ta khó tránh khỏi thất bại…
Đại tướng đặt bút xuống bàn, đứng dậy vươn vai, tháo nắm ngải cứu trên trán đặt xuống bàn thì nghe tiếng chim rừng cất tiếng hót. Thế là trắng một đêm trong căn lán ở bản Nà Tấu, Đại tướng không hề chợp mắt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, Bác Hồ đã nhiều đêm không ngủ, vì Bác thương bộ đội, thương dân công chịu đựng gian khổ, hy sinh, còn Đại tướng thức trắng đêm để suy nghĩ để đi đến một quyết định, mà theo Đại tướng là khó khăn nhất trong sự nghiệp cầm quân, mà theo tôi, đó là một quyết định vĩ đại: Huỷ kế hoạch tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh”, chuẩn bị chiến thuật “đánh chắc, thắng chắc!”. 
Ngày 26 tháng 1 năm 1954, theo kế hoạch cũ, chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa ta khai hỏa chiến dịch, Đại tướng triệu tập cuộc họp BCH chiến dịch. Trước đầy đủ những cán bộ chủ chốt và cố vấn, Đại tướng trình bày những điều ông đã suy nghĩ trong đêm qua, và đi đến kết luận: Phương án đánh nhanh, thắng nhanh như ta đã thống nhất, không chắc thắng, mà Bác Hồ đã nhắc nhở “không chắc thắng không đánh”, các đồng chí nghĩ sao?
Mặc dù không một ai trong cuộc họp dám bảo đảm chắc thắng nếu theo phương án tác chiến này, nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung giữa việc nên đánh như kế hoạch đã định hay nên hoãn lại.
Cuối cùng Đại tướng kết luận: 
- Tôi, với tư cách Tư lệnh và Bí thư Đảng ủy chiến dịch quyết định: Huỷ bỏ kế hoạch tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” như chúng ta đã dự định, chuyển sang chuẩn bị chiến thuật “đánh chắc, thắng chắc!”.
Căn phòng lặng yên, nhiều vị cán bộ quay nhìn nhau, và ai cũng hiểu rằng, trước mắt, cuộc khai hỏa vào 17 giờ hôm ấy không diễn ra nữa!
Như chúng ta đều biết, chính thức chiến dịch Điện Biên Phủ của ta mở màn vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, tức là lùi lại gần hai tháng so với kế hoạch cũ và kéo dài 56 ngày đêm (chứ không phải 2 ngày, 3 đêm) và đã đưa lại chiến thắng “chấn động địa cầu” vào ngày 7 tháng 5 năm 1954.
 Sau chiến thắng lịch sử vĩ đại này, các nhà quân sự quốc tế hết sức ca ngợi quân đội ta, ca ngợi quyết định tài tình của Tướng Giáp. Với chủ đề này, có bài báo mang đầu đề giật gân: “Tướng Giáp suýt thua ở chiến trường Điện Biên Phủ”, nói rằng, nếu Việt Minh cứ đánh theo phương án cũ thì chắc chắn thua rồi!
Trong hồi ký của mình, Tướng Na-va cũng khẳng định điều này: “Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25/1 như kế hoạch ban đầu thì chắc chắn ông ta đã thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông ta đã nhận ra điều đó, và đây là một trong những lý do khiến ông ta ngưng tấn công”.
Có khi tôi tự hỏi rằng, nếu như theo kế hoạch cũ, chúng ta thất bại, thì phần lớn lực lượng chủ lực của ta bị tiêu diệt, chắc chắn sẽ không có Hiệp định Giơ-ne-vơ như đã từng xảy ra thì đất nước ta sẽ ra sao nhỉ? Nếu Pháp thắng, nước ta bị chiếm đóng, thì trở lại một nước thuộc địa. Và tin chắc khi đó, mình chắc gì đã có điều kiện để cắp sách tới trường, nói chi chuyện tốt nghiệp đại học, trở thành nhà báo, nhà thơ để ngồi đây luận bàn về chiến thắng này!
Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được thế giới hết lời ngợi ca. Tôi nghĩ rằng quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông: Huỷ bỏ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, chuyển sang kế hoạch “đánh chắc, thắng chắc” là quyết định để lại dấu ấn rực rỡ nhất.
Để thể hiện sự cảm phục thiên tài quân sự của Đại tướng và lòng biết ơn ông, tôi có làm bài thơ nhỏ ghi lại một phần sự kiện này:

Trắng một đêm Nà Tấu

Nắm ngải cứu Nà Tấu
Dịu bớt cơn nhức đầu
Trắng đêm, vị Tư lệnh
Thức với ngọn đèn dầu.

Quá trăm lần tự vấn:
“Có chắc thắng hay không?”
Bốn vách phòng yên lặng
Âm âm tiếng côn trùng.

Đành rằng pháo lên đạn
Đành rằng quân sĩ hăng
Tinh thần là sức mạnh
Nhưng có mực, có chừng.

Chuyện đánh ngày, đánh lớn
Hiệp đồng, ta chưa quen
Gì bảo đảm chiến thắng
Trong hai ngày, ba đêm?

Dốc toàn lực, ồ ạt
Không thắng được, là thua
Là trắng tay, sạch vốn
Tội này ai gánh cho?

Hiểu câu “Tướng tại ngoại”
Toàn quyền hoạch trận đồ
“Không chắc thắng, không đánh”
Khi đi, Bác dặn dò.

- Phải chuyển sang kế hoạch
Đánh chắc thắng, lâu dài!
Vị Tư lệnh mở cửa
Gặp một rừng ban mai.

                 

 VƯƠNG TRỌNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 158
 Hôm nay: 3843
 Tổng số truy cập: 8830800
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa