Chị ngồi như chết lặng trong buồng cữ. Cố ghìm giữ những tiếng nấc từ lồng ngực trào lên cổ họng, nhưng nước mắt cứ lã chã rơi như giọt nước rỉ ra từ lọn mái tranh lúc mưa, lẫn cùng những giọt sữa trắng đục chảy từ núm vú căng cứng xuống đầy mặt đứa nhỏ đang khóc ngằn ngặt đòi bú. Chồng chị chẻ củi ngoài sân, chừng sốt ruột, vứt con dao đánh keng xuống đất, thấp thểnh vội vàng chân nạng đi vào. Anh đứng lặng im một lúc bên vợ, chị vẫn khóc mà không hay biết, cho đến khi anh khẽ lay lay lên vai gọi:
- Mình à, mình cho con bú đi, nó khóc quá rồi kìa...
Chị giật thót như người mê chợt tỉnh, cuống quýt lau vội nước mắt, rồi ôm ghì lấy con vừa nựng dỗ vừa đưa núm vú vào miệng nó. Đứa trẻ ngậm được vú mẹ im bặt, thi thoảng cơ thể nó còn giật lên khe khẽ vì nấc. Anh không nói gì thêm, nhìn lên bờ vai còn rung rung theo cơn khóc của chị một lát rồi lặng lẽ lê nạng quay ra sân.
Bên nhà ngang vẫn vọng sang tiếng ồn ào của người điên, vừa hát vừa phá phách đồ đạc rầm rầm, loảng xoảng, thi thoảng có tiếng đấm thùm thùm đòi mở cửa, gào gọi:
- Liên ơi, Liên của anh...
Mẹ chồng chị ra sức dỗ dành. Mãi rồi tiếng gào khóc, tiếng đập cửa cũng thưa dần, rồi im hẳn. Tiếng hát, tiếng cười của hai mẹ con họ lại vang lên ồn ã như đám trẻ đang chơi trò chơi. Lâu dần chỉ còn có tiếng ru của mẹ chồng chị. Rồi cũng lặng cả. Phải lắng thật kỹ mới nghe trong đó tiếng thút thít khe khẽ của người đang khóc. Chị đưa tay lên ngực cào bấu từng ngón như vô thức, cả cơ thể gồng lên bần bật. Mọi âm thanh phát ra từ gian nhà đó đều làm lòng chị nát tan. Chị không biết phải làm sao, lúc này thì chị còn làm gì được nữa. Cả những âm thanh bên đó, cả cái bóng dáng tật nguyền, khắc khổ, buồn buồn mà chồng chị lặng lẽ đi vào đi ra trên đôi nạng gỗ mỗi ngày cũng giày vò chị đến nghẹt thở. Ông trời cũng thật nghiệt ngã. Chị nào bội bạc chi cho chóng. Khổ đau đằng đẵng chín năm trời rồi mới buông. Ngỡ trút đi được một lần lòng khắc khoải mà sống an yên phần đời còn lại, nào ngờ trớ trêu đến tàn nhẫn thế này.
*
- Liên ơi, Liên của anh...
Chị lao sang nhà ngang, đứng úp mặt vào cánh cửa, tay run run trên thanh chốt. Tiếng gọi ấy chị đã chờ đợi chín năm trời ròng rã. Chờ đợi bất chấp tờ giấy báo tử, bất chấp bao lời chê trách, mắng mỏ rằng chị không chịu chít lên đầu chiếc khăn tang ngày đám, không chịu thắp hương lên bàn thờ, không một lần viếng ngôi mộ chỉ có đất lấp trên chiếc ba lô rách nát với vài kỷ vật. Chị vẫn đợi như lời hẹn ngày anh ra đi. Chín năm mỏi mòn. Hễ có bóng ai là lạ phía cổng làng là chị lao tới. Mỗi đêm, hễ có tiếng chó sủa ngoài ngõ là chị vội vã xách đèn chạy ra ngóng tìm. Cả trăm lần, nghìn lần thất thểu trở lại, chị vẫn không nản. Mẹ chồng xót lòng can ngăn, giục giã chị sang sông cho kịp thanh xuân, chị vẫn nhất quyết ở lại, chị chối lời mai mối của bao người, chị quả quyết: anh sẽ về. Tình yêu và niềm tin của chị lớn lao thế, nên chị vẫn sống vững vàng để vượt qua mọi khổ đau. Những vò võ nhớ nhung, khao khát, những nhọc nhằn nuôi con một mình, những cô đơn tủi buồn, đôi khi cả những trêu ghẹo, cám dỗ, mời gọi. “Liên của anh ...” tiếng gọi ấy vẫn vẳng bên gối chị mỗi đêm vò chăn chiếu nhớ chồng, vẫn rõ mồn một trong từng con chữ từ những trang thư vội vã anh gửi, vẫn chập chờn trong khắc khoải những cơn mơ về một ngày đoàn tụ.
Thế mà giờ đây, tiếng gọi ấy có thật, gần lắm, chỉ cách một cánh cửa gỗ cũ kỹ, chỉ ngăn lại bằng một cái then cài hờ mà chị không làm sao bước qua nổi. Thật trớ trêu, thật nghiệt ngã. Thứ ngăn chị không phải là cánh cửa, là then chốt kia, cũng không phải tiếng gọi ấy được gọi trên môi một người đã điên dại. Chị đau đớn nghĩ đến lần chị gật đầu nhận lời cầu xin của mẹ chồng mà nối duyên cùng em chồng. Lần đó mẹ chồng ốm nặng, gọi chị đến tha thiết: con đã một lòng ở lại đây thì mẹ xin và cũng cậy nhờ con hãy thương nốt lấy thằng Hai. Ba cha con đi chiến trường giờ chỉ còn nó trở về với tấm thân tàn ấy, mà mẹ biết nó từ lâu đã thầm thương con. Rồi mai kia làm sao mẹ nhắm mắt khi không có ai để cậy gửi thằng Hai. Thôi thì con đã phải duyên, phải nợ với nhà ta, con thương nốt lấy một lần duyên nối...
ừ thì dù tin hay không tin người đi cũng đã không về. Mà chị thì nặng lòng với ngôi nhà ấy. Nhìn đứa con gái ngây thơ quấn quýt bên người chú tật nguyền, nhìn mẹ chồng già yếu, mong manh khóc rưng rưng, nhìn hai bát hương trên bàn thờ liệt sĩ mà chẳng nỡ lắc đầu. Và năm thứ chín ấy là lần đầu tiên chị chịu thắp hương cúi đầu trước bàn thờ chồng, chiếc khăn tang muộn mằn không chít nữa, nhưng chị đã lạy ba lạy trước mộ để xin đoạn đành duyên cũ mà nối duyên mới. Tưởng trút rồi cứ thế mà yên thôi. Có ngờ đâu vào cái ngày chị vừa sinh đứa con trai với người em chồng thì anh trở về. Chị đón anh bằng cái đổ gục rũ rượi giữa sân, tưởng sẽ chết ngay đi được. Nỗi đau đớn của ngang trái, éo le, phũ phàng, bội bạc, nó tàn khốc hơn cả cái lần người ta đem giấy báo tử về cho chị.
Bây giờ nhìn anh, chị thấy như có ai xé ruột gan. Những ngày tháng chờ đợi xưa ấy chị đã ước, chỉ cần anh trở về thôi thì dù còn lại một tấm thân tàn phế hay điên dại chị cũng mãn nguyện. Miễn là anh của chị còn trên đời. Thế mà giờ anh về đấy, anh đang khóc tìm chị đấy, chỉ cách nhau một cánh cửa thôi, sao chị không thể đến bên anh để nói với anh rằng: Mình ơi! Liên của anh ở đây...
Bất ngờ những ngón tay vô thức đẩy mạnh, chiếc chốt gỗ rơi lộc cộc xuống nền đất, cánh cửa mở tung. Chị lao vào nhà ngang như đi từ cơn mộng mị. Trước mặt chị là anh với đôi mắt ngơ ngác, gương mặt ngô nghê, thân xác tiều tụy, khắc khổ đến xót xa. Chị lao đến ôm chầm lấy anh òa khóc: Mình ơi...
Anh ngoan ngoãn và ngơ ngác như đứa trẻ trong vòng tay chị, miệng vẫn không thôi gọi “Liên ơi...”. Chị đưa tay lên rờ rẫm khuôn mặt chị đã nhớ thương, mong đợi, đã ngày đêm hình dung trong từng cái chớp mắt, thế mà giờ bỗng thoáng như xa xôi, lạ lẫm biết chừng nào. Chị chợt bối rối, chợt nhói đau, bẽ bàng, tội lỗi. Tay nới dần ra, chị khụy thụp xuống nền nhà rũ rượi, nức nở.
Bỗng “loong koong”, tiếng cây nạng gỗ đổ xuống thềm ngoài sân làm chị giật mình ngước dậy. Anh túm nhanh lấy tay chị giật giật kêu toáng lên:
- Nấp vào đi, giặc tấn công đấy.
Thoắt cái anh đã chui tọt vào gầm giường nằm im. Mẹ chồng chị lập cập đi vào dìu lấy con dâu, dắt xuống nhà lớn. Chị theo mẹ bước ra sân, lúc ngang qua chồng bất giác mơ hồ chị thấy giông bão đang giày vò trong đôi mắt thăm thẳm chồng chất những khổ đau.
*
Nhiều những năm sau.
Khuya. Gian nhà ngang mở cửa. Ngọn đèn dầu được vặn nhỏ đi. Tiếng ngáy đều đều say giấc vọng khẽ. Bà Liên chầm chậm bước ra khỏi cửa. Bà đứng thẫn thờ nhìn ra phía ngõ thật lâu rồi quay vào nhà lớn thắp đèn treo lên trước cửa. Đêm nào cũng vậy, khi dỗ dành cho ông Cả ngủ say bà lại ra ngoài hiên nằm. Trên chõng tre trước thềm cửa lúc nào cũng để sẵn một chiếc gối và chiếc chăn mỏng. Bà nằm đó vừa canh chừng ông Cả thức giấc bên nhà ngang, vừa ngóng đợi lỡ có ai đó đi về gọi cổng. Thi thoảng bà lại dậy vào thắp hương lên bàn thờ bố mẹ chồng lẩm nhẩm cầu nguyện.
Nhiều năm rồi kể từ ngày ông Cả trở về, rồi sau đó ông Hai đi biệt tích, ngày nào bà cũng ngủ thứ giấc ngủ chắp vá chập chờn, thấp thỏm. Cứ hễ có tiếng kêu la trên nhà ngang hay tiếng chó cắn vu vơ phía ngõ cũng làm bà giật thót, bật dậy. Bà mang tiếng sống chung hai chồng, nhưng cả một đời cô đơn, vò võ. Hai lần chồng đã lần nào kịp thấm hơi chồng vào người đâu, mọi thứ chỉ vừa bén cho đủ nhớ nhung, lưu luyến, khao khát thì đã chia cách. Mà chia cách đến day dứt, đọa đày, khổ đau. Người đầu tiên xa biền biệt gần mười năm tóc còn xanh lưng thon. Người thứ hai lặng lẽ đi mà chẳng lời từ biệt. Đêm nào mắt cũng ngong ngóng phía ngõ mong ông Hai về. Chăn chiếu bây giờ phai hơi chồng vợ, nhưng cái cảm giác nhớ thương, mắc lỗi, cái khao khát mong mỏi được chăm bẵm, bù đắp, bầu bạn với nhau cứ càu cạu trong lòng bà như mắc nợ. Bà và các con đã lặn lội kiếm tìm ròng rã nhiều năm. Như chim trên trời rộng, như cá dưới biển sâu. Người đi thì chủ đích trốn chạy, người tìm biết đâu mà lần. Bây giờ chân yếu, lưng còng không còn biết làm sao được nữa, đành nằm dài những đêm mỏi mòn mà chờ đợi. ừ thì biết đâu rồi người sẽ trở về, như có người từng ngỡ không về nữa cũng đã về đấy thôi. Bà lại tin, lại mong như đã...
*
Trời sang canh. Bà Liên chập chờn giấc ngủ. Bỗng trên nhà có tiếng ú ớ gọi, ngoài cổng bầy chó giật mình nhao nhao sủa đổng về phía xa. Bà bật dậy toan cầm đèn lao ra ngõ nhưng lại vội vã rẽ lên nhà ngang. Miệng dỗ dành người đang kêu trong đó nhưng mắt lại ngóng dài qua ô cửa phía có tiếng chó sủa đầu làng...
P.T.A