Thiết chế văn hóa làng Di Thành huyện Triệu Sơn qua các thời kỳ lịch sử - Đậu Thị Thùy
Làng Di Thành là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đây cũng là vùng đất do con cháu thuộc dòng dõi Chúa Trịnh đã đến khai hoang lập nghiệp. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, làng lấy tên là trại Ông Lang Ngẩu thuộc Tổng Lai Triều huyện Nông Cống. Từ năm 1944-1955 các tỉnh phía Bắc bị thực dân Pháp chiếm đóng, vì thế một số hộ gia đình đã chạy loạn đến trại Ông Lang Ngẩu cư trú, sinh sống và lập nghiệp, nên dân số ngày càng đông. Trại Ông Lang Ngẩu lúc này thuộc xã Hợp Lý huyện Nông Cống. Sau 1953 trại Ông Lang Ngẩu được mang tên là làng Di Thành, nay thuộc xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
1. Làng Di Thành giai đoạn trước cách mạng tháng 8-1945
1.1. Di tích: Thiết chế văn hóa cổ truyền dựa vào những thiết chế mang tính vật chất cụ thể như: đình, chùa, miếu... Đình trong giai đoạn này là nơi thờ cúng Thành hoàng, đồng thời là trung tâm sinh hoạt cộng đồng làng xã. Dân làng dựng lên hai ngôi đình, thứ nhất để thờ thành hoàng và thứ hai để thờ những vị có công khai canh và khai khẩn. Đình của làng Di Thành thường được xây dựng khang trang, to đẹp, bề thế trên đất công thổ với mô thức theo hình chữ Công, chữ Đinh hay chữ Nhị gồm có nhà hậu cung, nhà tiền tế, tả gian, hữu gian và hành lang. Đình được xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, bốn bờ chái trang trí hình hoa lá cách điệu hoặc tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Ngoài chức năng thờ Thành hoàng và các vị có công khai canh nên làng xã, đình làng ở giai đoạn này còn là nơi diễn ra những cuộc hội họp, bắt phu, bắt lính hay những vụ kiện tụng trong phạm vi làng xử lý và hóa giải (chưa đến mức phải đưa lên quan trên), do đó theo tục lệ, phụ nữ, trẻ em không được đến trước đình hay lảng vảng quanh đình. Những ai có việc đi ngang qua đình đều phải ngả nón, cung kính, đi đứng cẩn thận, không được trêu đùa, chòng ghẹo nhau. Đình làng cũng là nơi diễn ra sự phân chia đẳng cấp rất cụ thể, trọng danh hơn trọng hoạn, trọng tuổi hơn trọng sắc, nó gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã, tạo nên một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn trở thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ ở thời kỳ bấy giờ.
Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ cho mục đích tín ngưỡng, tại làng Di Thành trong thời gian này có 2 ngôi chùa được xây dựng, đó là chùa Cô Chín và chùa Sim, chùa ở đây thường là nơi thờ Phật. Chùa được nhân cách hóa bằng hình tượng một đức Phật được thờ ngay giữa chùa. Chùa Sim được thiết kế như một Man-đa-la, gồm một trục ở giữa với các vị Phật ở bốn phương. Chùa Cô Chín lại được thiết kế nhiều tầng, đại diện cho Ba thế giới (tam giới), các cấp bậc tiêu tiểu cho Thập địa của Bồ Tát. Chùa ở làng Di Thành trong giai đoạn này là nơi tập trung của các sư, tăng, những người không có nơi nương tựa, đến với cửa phật để hi vọng những điều tốt lành đến với bản thân của chính họ và gia đình.
Tại làng Di Thành, miếu là nơi thờ cúng các bậc trung liệt có công với nước, những anh hùng đã hi sinh vì tổ quốc, đất nước. Các miếu thường nằm ở đầu làng, có miếu tọa lạc ở xa làng khoảng 2 km, nơi khoảng đất xa làng rất yên tĩnh, thiêng liêng, người dân làng Di Thành cho rằng đó là nơi yên nghỉ của các vị thánh thần. Trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiên hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị, các hoạt động trong thời gian này rất sôi động và được dân làng tham gia và hưởng ứng đông đảo.
1.2. Các hoạt hoạt động văn hóa làng: Lễ cưới xin trong thời kỳ này rất được chú trọng và quan tâm, người xưa quan niệm đó là chuyện liên quan tới “hai họ”, “chuyện trăm năm”, “môn đăng hộ đối”. Do vậy cách thức và quy trình chọn vợ gả chồng rất nghiêm ngặt từ nghi lễ dạm hỏi trước khi cưới lẫn tổ chức ăn hỏi được chú trọng nên trong thời kỳ này ông cha thường hay nói câu: “Lấy vợ xem tông - lấy chồng xem giống”. Vì vậy xét cho đến cùng các hoạt động cỗ bàn trong giai đoạn này thực chất là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Đám cưới hỏi thường được tổ chức ở đình làng, quy mô tổ chức lớn. Tương tự như hoạt động cưới xin, giai đoạn này hoạt động ma chay cũng được chú trọng và quan tâm, mỗi khi trong làng có người mất, mọi người đều tập tụ đông đủ để lễ viếng, lo hương khói, mong người mất yên nghỉ sớm được siêu thoát. Các thanh niên trong làng được phân chia công việc rất cụ thể (làm nhà táng, kết vòng hoa, đào huyệt) nghi thức an táng rất trọng về hình thức và có nhiều nghi thức thực hiện trước khi đem người mất đi chôn cất. Làng xóm đến phúng viếng thể hiện sự tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ gia đình người mất về mặt vật chất, qua đó thể hiện tính cố kết cộng đồng của người Việt xưa.
Lễ hội làng: Hàng năm các lễ hội làng thường được tổ chức vào mùa xuân tức là thời điểm sau tết, các hoạt động cụ thể như thờ thần Hoàng làng, lễ hội cầu mưa, lễ hội góp giỗ, lễ hội xuống đồng, hội thi chọi gà, múa hát... được tổ chức rất đông vui và quy củ, có sự tham gia thi đấu giữa các làng với nhau v.v... Trong những dịp này, con cháu đều phải quy tụ về làng để đóng và tổ chức ngày hội, mỗi hộ gia đình tính theo đầu người để tham gia đóng góp giỗ. Các hoạt động này được tổ chức tại đình làng, các bậc trưởng lão trong làng, dòng họ được coi là những bậc trên, có quyền ra quyết định mọi chuyện lớn, nhỏ ở trong làng. Nếu như các hoạt động lễ cưới, ma chay là công việc của gia đình, dòng họ thì lễ hội làng được xem là công việc của cộng đồng, làng xã, là hoạt động gắn kết tính lợi ích cộng đồng chung. Dường như trong năm có rất nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức và mỗi hoạt động thường kéo dài từ ba đến năm ngày, có khi lên đến nửa tháng.
1.3. Các tổ chức tự nguyện: Trong làng tổ chức nhiều hình thức, nhưng nhìn chung có thể chia thành hai loại khác nhau: một là tổ chức của chính quyền (gồm lý trưởng, phó lý...), hai là hội kỳ mục (đó là các quan chức về hưu). Trong giai đoạn này làng Di Thành có một số dân cư hoặc phần lớn dân cư có một nghề nghiệp khác ngoài nghề nông, những người có cùng nghề này tập hợp với nhau để tạo thành phường. Có rất nhiều phường với các loại nghề nghiệp khác nhau như: phường gốm, phường chài, phường mộc, phường chèo, phường tuồng... Bên cạnh phường, còn có hội, là tổ chức của những người có cùng sở thích, thú vui... ví dụ: hội văn phả (các nhà Nho trong làng không ra làm quan), hội bô lão (các cụ ở trong làng), hội tổ tôm, hội vật... được hình thành trong giai đoạn này.
1.4. Vấn đề hưởng thụ văn hóa làng: Các giá trị văn hóa trong thời kỳ này rất phong phú và đa dạng, nhiều hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân, tết thanh minh hay những hội chơi cờ tướng, cờ người đã thể hiện những giá trị đặc sắc trong hưởng thụ văn hóa thời bấy giờ. Tất cả điều này đã làm cho làng Di Thành nói riêng và làng ở nông thôn Việt Nam nói chung, hàng nghìn năm nay vẫn tồn tại và phát triển bền vững.
2. Làng Di Thành giai đoạn 1946 - 1985
Đây là giai đoạn rất đặc thù, bởi lẽ đất nước ta đang phải gồng mình đứng lên đấu tranh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm, chống đế quốc Mỹ hơn 20 năm. Bên cạnh đó hoạt động từ mô hình hợp tác xã giai đoạn này cũng tồn tại và chứa đựng nhiều hạn chế, tất cả các lý do trên dẫn tới thiết chế văn hóa nông thôn ở làng Di Thành giai đoạn này đã bị phá bỏ rất nghiêm trọng.
2.1. Di tích: Nếu như ở giai đoạn trước 1945, đình, chùa, miếu được phát triển và là nơi để tụ họp xóm làng, thì đến giai đoạn này nhiều đình đã dần bị phá bỏ và biến thành sân kho cho hợp tác xã sử dụng làm nơi phơi thóc, chứa lương thực, thực phẩm và các vật tư thiết bị phục vụ cho chiến tranh. Nhiều đình lớn bị phá bỏ đi để mở chợ và trường học. Các chùa trong làng cũng dần dần bị quên lãng trong một thời gian dài, bản thân người dân đến chùa ngày càng ít đi, do người dân dồn tất cả sức lực vào phục vụ cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, các ngày lễ hội trong năm ít được diễn ra hơn so với giai đoạn trước.
Nếu như trước kia đình làng là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng của xóm làng thì đến giai đoạn này nhà văn hóa thôn, câu lạc bộ, thư viện hợp tác xã được thay thế và nổi lên, nhưng nhìn chung tất cả đều không hoạt động được, chủ yếu chỉ mang tính chất cầm chừng, không mang lại hiệu quả và thu hút nhiều người dân tham gia hưởng ứng, hoặc nếu có tổ chức thì một năm sinh hoạt đôi ba lần, nhiều khi một số hoạt động còn không được tổ chức.
2.2. Hoạt động: Lễ hội làng gần như đã bỏ hẳn hoặc nếu có cũng chỉ hoạt động rất ít và tổ chức vài năm một lần, đồng thời dần dần thưa đi rất nhiều so với trước kia. Bởi lẽ nhiều đình đã bị phá bỏ, người dân không còn nơi để đến vào những ngày rằm, mùng một hay lễ tết nữa. Hoạt động cưới hỏi về hình thức vẫn còn, song nó đã thay đổi và biến tướng đi rất nhiều. Việc tổ chức đám cưới được diễn ra theo hình thức tập thể, trước kia các đám cưới được tổ chức theo phạm vi đôi bên hai họ gia đình, thì đến thời điểm này hình thức tổ chức tập thể lại phổ biến và chiếm lĩnh ưu thế, xuất hiện những đám cưới tập thể (5 cặp, 10 cặp). Lúc này vai trò quyết định không phải là đôi bên hai họ của các cặp vợ chồng mà là Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ hay các tổ chức đoàn thể khác đứng ra tổ chức. Tương tự hoạt động cưới hỏi thì hoạt động ma chay trong giai đoạn này cũng được tổ chức đơn giản hơn rất nhiều, nhiều nghi thức đã bị phá bỏ. Chiến tranh tàn phá, cảnh nước mất nhà tan đã khiến cho mọi người phải dốc hết nhân lực và tiền của để phục vụ cho kháng chiến, cho tự do. Làm cho hoạt động giỗ tổ ngày càng suy giảm và thưa vắng đi rất nhiều so với giai đoạn trước 1945.
2.3. Các tổ chức tự nguyện: Trong thời kỳ này nổi bật lên là hệ thống tổ chức lãnh đạo làng, cụ thể là Đảng (chi bộ thôn, xã), bên cạnh đó còn có chính quyền nhân dân, các đoàn thể (Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội thiếu niên tiền phong...). Trong giai đoạn này thiết chế xã hội của các tổ chức phi quan phương (của nhà nước) và khái niệm Giáp không còn nữa, các tổ chức khác như Hội, Phe, Phường cũng mất theo.
2.4. Vấn đề văn hóa hưởng thụ: Các giá trị văn hóa tín ngưỡng và tinh thần ngày càng thu hẹp lại trong giai đoạn này, thay vào đó là các phương tiện truyền thông mới như radio (đài) hay thêm một số tờ báo song rất ít, trình độ học vấn của người dân còn hạn chế, phần nhỏ trí thức biết đọc, biết viết nhưng lại chưa quen với các phương tiện báo đài. Dường như người dân thiếu hụt những giá trị tinh thần rất lớn, khi các giá trị tinh thần như đình, chùa bị phá bỏ và quên lãng sự cố kết giữa các giá trị dường như suy giảm đi rất nhiều.
3. Làng Di Thành giai đoạn từ 1986 đến nay
3.1. Di tích: Từ sau đổi mới đến nay, sau nhiều năm bị phá hủy và lãng quên, tới giai đoạn này nhiều công trình di tích bắt đầu được người dân và các cấp chính quyền tiến hành xây dựng lại, nhưng các hệ giá trị văn hóa vẫn không bị mất đi mà ngược lại chúng luôn tồn tại âm ỉ và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó thể hiện một sức sống mãnh liệt trong nhận thức của người dân về văn hóa.
Các công trình đình, chùa bắt đầu được xây dựng, khôi phục lại để phục vụ các giá trị vật chất cũng như tinh thần cho cộng đồng, tại làng Di Thành trong những năm gần đây, có hai ngôi đền đã được xây dựng lại đó là Đền Cô Chín, và Đền thờ thần Hoàng làng, nhiều miếu làng cũng được xây dựng mới để phục vụ nhu cầu của người dân. Đình làng vốn dĩ xưa nay vẫn là nơi để cộng đồng xóm làng tập trung để tiến hành hội họp, tổ chức các lễ hội lớn trong năm, do vậy khi xây dựng và trùng tu tôn tạo lại các giá trị này, cộng đồng người dân nông thôn lại có thêm các hoạt động mang giá trị tinh thần và tính cộng động bổ ích. Qua đó siết chặt tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, nâng cao giá trị đời sống cho người dân, đồng thời củng cố tinh thần cho mỗi cá nhân sau những ngày làm việc vất vả.
Trong giai đoạn này, ở xã Di Thành có nhiều khu vui chơi, giải trí, như sân bóng đá, bóng chuyền, khu thể thao, nhà văn hóa thôn được xây dựng và sửa chữa đi vào hoạt động. Mỗi thôn đều xây dựng lên một nhà văn hóa riêng để tổ chức các sự kiện của làng như hội họp, vui chơi. Thông thường một tháng các nhà văn hóa thôn sinh hoạt và họp từ 2 đến 3 lần. Các tụ điểm khu vui chơi, giải trí, khu thể thao hoạt động thường xuyên và rất phát triển mang lại hiệu quả và thu hút nhiều người dân tham gia hưởng ứng. Ngày nay, từ khi xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng Di Thành nâng lên một bước đáng kể, tình trạng thanh, thiếu niên tập tụ gây mất an ninh trật tự, vi phạm tệ nạn xã hội dần được đẩy lùi, từ đó tạo được niềm tin cho người dân đối với sự lãnh đạo của chính quyền, mà nhất là lực lượng công an xã. Thanh thiếu niên siêng năng rèn luyện sức khỏe, không còn tụ tập, gây mất an ninh trật tự; tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội không còn xảy ra nữa, người dân địa phương cũng rất yên tâm trong làm ăn, sản xuất.
3.2. Hoạt động: Các hoạt động văn hóa, lễ hội (bao gồm cả lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội hiện đại) ở giai đoạn này có sức mạnh tập hợp đông đảo nhất. Các sinh hoạt văn hóa quy mô lớn có xu hướng tăng lên với các nghi thức, nghi lễ hiện đại, mang tính xã hội hóa cao. Các hoạt động văn hóa sẽ ít tùy thuộc vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp so với các thời kỳ trước, mà chủ yếu xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, từ tiềm lực kinh tế của địa phương, từ hiệu quả của quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xu hướng liên kết trong các hoạt động văn hóa sẽ là xu hướng chủ đạo, bao gồm liên kết giữa lực lượng tham gia tổ chức (tổ chức hoặc cá nhân), liên kết giữa các địa phương. Trong các sinh hoạt văn hóa, hoạt động dịch vụ (có tính chất bán chuyên nghiệp) sẽ có điều kiện phát triển, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển văn hóa ở các địa phương ngày càng phát triển hơn.
3.3. Các tổ chức tự nguyện: Từ sau thời kỳ đổi mới 1986 đến nay, Đảng, Nhà nước đã thực hiện đưa đất nước đi lên phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ hoàn toàn những tàn dư của hình thức bao cấp tập trung. Thay vào đó là sự tăng cường vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể trong quản lý và lãnh đạo. Nhiều tổ chức đoàn thể lần lượt được thành lập và ra đời nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân như: Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong... thậm chí là Hội đồng hương, Hội sinh vật cảnh, Hội chơi chim, Hội cờ tướng cũng ra đời để giúp đỡ nhau về mặt vật chất cũng như củng cố tình đoàn kết xóm làng.
3.4. Vấn đề hưởng thụ văn hóa: Đây là cao trào cho sự hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của người dân nông thôn, họ tham gia tất cả các hoạt động vào dịp lễ trong năm (đi chùa lễ hội, các dịp lễ thanh minh, thăm hỏi bạn bè, đi du lịch), chơi thể thao, chơi cờ, các hoạt động truyền thông, giải trí, nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của con người. Mặt khác xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân ngày càng đòi hỏi tăng lên, nhiều hoạt động đã được mở rộng và khai thác tối đa nhằm phục vụ cho người dân trên cả phương diện giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Đặc biệt với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế xã hội, nhiều vấn đề tồn tại nảy sinh, áp lực và sức ép công việc đã làm nhiều người muốn tìm những nơi yên tĩnh để củng cố tinh thần, tạo ra tâm lý thoải mái, thì lúc này đình, chùa và các điểm du lịch chính là những nơi thích hợp để cho con người tìm đến để giải tỏa những vất vả sau những ngày làm việc đầy áp lực. Chính vì vậy các yếu tố của thiết chế văn hóa truyền thống không những không bị mất đi mà nó còn tồn tại và ngày càng phát triển trong xã hội tại ngày nay và mai sau.
Tóm lại: Xã hội ngày nay đang biến đổi theo xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập. Làm cho thiết chế văn hóa trong đời sống nông thôn Việt Nam hôm nay đang biến đổi rất nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc. Thế nhưng những giá trị của thiết chế văn hóa cổ truyền ở nông thôn vẫn không bị mất đi mà ngược lại những giá trị đó vẫn luôn trường tồn, củng cố và phát huy hơn nữa những nét bản sắc, giá trị tinh hoa tốt đẹp của văn hóa nông thôn. Đồng thời những thiết đó còn nêu cao ý thức xã hội, tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện để cộng đồng tiếp tục phát triển. Qua thiết chế văn hóa nông thôn làng Di Thành ở ba giai đoạn chúng ta có thể thấy rằng, thiết chế văn hóa cổ truyền giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho làng xã Việt Nam mãi mãi trường tồn trong hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc.
Đ.T.T