Lễ Chá của người Thái - Văn hóa tâm linh mang tính giáo dục cộng đồng - Phạm Xuân Cừ
Lễ hội Chá Chiêng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Thái cả nước nói chung, người Thái ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Lễ hội Chá Chiêng thường được tổ chức vào mùa xuân khi cây mạ đã xanh, bén rễ trở thành cây lúa ở đồng ruộng, vươn lên xanh tươi mơn mởn như cô gái sắp đến tuổi dậy thì biết yêu; và hoa ban đã lấp ló nở trên cành đung đưa trong nắng xuân, tô đẹp thêm cho núi rừng đại ngàn. Vạn vật, cỏ cây như đang nô, đang đùa thì người Thái Quan Sơn làm chá “kin chiêng bóc mạy”. Trong Lễ Chá có lễ cầu mưa, người Thái Quan Sơn có tục cầu mưa với trời nhằm đem về sự sống cho muôn loài, để mùa màng bội thu, cây cối đơm chồi nảy lộc, khí trời êm dịu, cây lá xanh tươi, muôn chim hót ca vui rộn cả cánh rừng; Lễ cầu mưa có hai mươi nam thanh nữ tú trong bản vừa đi vừa hát bài hát cầu mưa, lời ca nghe tha thiết vang vọng:
Phân phân ề phạ ơi
Phân sớ cá nà hòn, phân sớ còn nà lẹnh
Nà lẹnh nà tách hánh,
Tách hánh dướng pánh láu dáng xa hùm khoằn.
Dịch:
Mưa mưa đi trời ơi
Mưa vào thửa mạ khô, mưa vào cánh đồng hạn
Ruộng khô ruộng nứt tách,
Nứt tách như men rượu trên gác bếp khói hun.
Lời ca não nùng làm thấu lòng then trên trời, then rũ lòng thương, ngó xuống nhìn thấy có cả mèo con cũng được người trần gian khiêng lên kiệu để xin mưa, then phì cười làm nước miếng phun ra, nước mắt chảy ràn rụa tạo thành mưa xuống trần gian. Từ đó dưới trần gian có mưa rơi về đồng trước, mưa dội xuống đồng sau. Hạt mưa rơi xuống đồi cao, bãi thấp, hạt nối hạt chảy thành khe, thành suối, nước nối dòng cuộn dâng ra sông, ra biển. Cá vui tung tăng bơi lội, trẻ con ra sân nô đùa tắm nước mưa trong vắt của then ban làm cho người khỏe khoắn, xinh tươi, người lớn cười vui năm nay ắt được mùa.
Theo suy nghĩ của bà con trong bản thì nghệ nhân Mộôt là người hiểu biết, có tấm lòng thương người, biết chăm lo đến người nghèo, bà Mộôt có khả năng giao tiếp với thần linh và thế giới siêu nhiên, có pháp thuật để chữa bệnh trên thân thể và cả tư tưởng tâm linh con người. Trong điều kiện xã hội xưa còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ hiểu biết của người dân chưa cao, việc xuất hiện bà Môột với những khả năng trên khiến bà Mộôt trở thành nhân vật quan trọng, có vị trí đặc biệt trong xã hội và được bà con tôn kính, nể phục.
Bà Mộôt còn biết hái thuốc lá chữa cho người dân không lấy tiền, dùng thuốc “Hắng mạy giá ngàu” (thuốc bóng) treo ở mái hiên, góc màn, treo vào cổ bệnh nhân chữa người gãy xương có hiệu quả trong 7 ngày như bà Ngoãn và nhiều bà Mộôt khác ở Quan Sơn đã làm.
Trong 2 ngày 20-21/3/2017 vừa qua, bà Ngoãn là bà Mộôt cao tay đứng đầu trong các bà Mộôt khác ở bản Xày, xã Trung Hạ (Mường Chự)(*) đã chủ trì tổ chức lễ chá chiêng để cầu mong sự an lành cho dân bản. Cỗ bàn của lễ hội gồm mâm lễ do chủ tế là bà Ngoãn và 8 bà Mộôt đàn em cùng các con nuôi “lục mày” góp bàn soạn mâm rất phong phú, vui mắt nhưng không quá tốn kém lãng phí.
Hình tượng hoa lá, chim muông của núi rừng, cá ếch nhái, cua, tôm ở ao hồ, sông suối, sản phẩm từ vườn tược, ruộng đồng, cây trồng vật nuôi... biểu hiện đời sống sinh hoạt của người Thái với thiên nhiên được trưng bày hòa hợp, tạo nên không khí vui tươi của lễ hội, làm cho con người gắn bó với nhau hơn. Qua lễ hội con người càng yêu thêm thiên nhiên, làng bản và những sản vật do mình làm ra. Lễ chá cũng răn dạy người đời chăm lo cày cấy, làm vệ sinh làng bản với tục “pạt ván khoi xía hại” (quét xạ xui). Năm mới sang cũng khuyên ai có nhà thì chống, bắc thang lên mái nhà (láy lắng khà) để phòng chống hỏa hoạn, làm cái bừa cái cày, chăm lấy con trâu để phục vụ sản xuất mùa vụ ruộng đồng...
Trong lễ chá có diễn xướng phần Kệp bóoc (hái hoa). Bà Mộôt tay cầm quạt đi quanh cây chá (cây hoa), chỉ từng cành hoa của từng đứa con nuôi hát đoán về tương lai số phận của họ, nhắc nhở về cách cư xử, khuyên răn đạo đức, lối sống, ca ngợi cuộc sống yêu thương, tình nghĩa. Có thể coi đây là những bài học, những buổi lên lớp thấm thía đối với tất cả mọi người ở thời kỳ chưa có trường học chính quy. Bà Mộôt dạy cho họ biết yêu thương nhau, tình làng nghĩa xóm, bản trên xóm dưới thuận hòa, như tục ngữ Thái đã có câu: “Xịp nọng pí bau pớn xi ché hườn” (mười anh em không bằng bốn góc nhà).
Với lễ hội Chá chiêng, điều đầu tiên là nhắc nhở đời sống tâm linh lành mạnh, ân nghĩa, tình cảm uống nước nhớ nguồn mong thành hiện thực. Nhân dân lao động được tự do thể hiện khả năng sáng tạo trong sản xuất và hoạt động nghệ thuật; trai gái được bày tỏ tự do yêu đương, cả bản cùng hưởng thụ thành quả lao động, thành quả văn hóa, được đắm say trong những bài mo suốt ngày đêm, kể về trời đất, kể về sinh hoạt cộng đồng và các sự tích, truyền thống dân tộc, cội nguồn ông cha, danh lam thắng cảnh nước nhà... Từ đó giáo dục mọi người thêm yêu quê hương, đất nước, dân tộc của mình.
Ngày lễ hội từ sáng sớm nhiều người tấp nập đến dự lễ và mừng 8 bà Mộôt hành nghề. Trong đó có người được các bà Mộôt chữa khỏi bệnh, nhiều người là bà con họ mạc, bản gần bản xa đến dự. Tùy theo khả năng của mình, họ mang đến chai rượu hay cân gạo, nải chuối, cây mía, mớ rau, con cá, hoa quả, trứng gà, trứng vịt, để góp vui. Riêng những “Lúc điệng” (con nuôi) thì họ mang theo một con gà cùng hoa quả và một cành hoa chá, cành hoa này sẽ được “Lúc điệng” thành kính cắm lên thân cây hoa đặt giữa nhà, tạo thành một cây hoa chá nhiều màu sắc rất vui mắt. Cây hoa chá còn được trang trí thêm các hiện vật giống như: ve sầu, chim, sóc, ếch, nhái, cái bừa, cái trống, dao, rìu, con gà, con cá, tôm, cua... biểu tượng cho sự sống sinh sôi, nảy nở, phong phú ở trần gian.
Mâm cỗ cúng được đặt trước bàn thờ gồm một con vịt, xôi, 8 quả trứng, đĩa trầu cau, rượu và các đồ cúng khác của bà Mộôt.
Lễ hội được bắt đầu khi mọi người đã tề tựu đông đủ, trước khi làm lễ, một ông già bản có uy tín điều khiển mọi người vào đặt lễ, chuẩn bị nơi cúng, chỗ ngồi cho bà Mộôt, sửa sang lại các cành hoa chá. Xong xuôi, già bản mời 8 bà Mộôt vào làm phần lễ.
Khi 8 bà Mộôt bước đi vòng cây chá, các “lúc điệng” (con nuôi) cung kính chào theo nghi thức của người Thái, đi theo 8 bà Mộôt có người giúp việc là ông thổi Pí Mùn (một loại sáo nhỏ, có lưỡi bằng đồng hay bằng bạc). 8 bà Mộôt ra kiểm tra đồ lễ xong, bà chủ xướng đội khăn lên đầu rồi tự tay châm nến, xúc miệng bằng rượu và bắt đầu khấn gọi các quân binh ở Mường Mộôt, các Lúc điệng của bà đến cùng làm lễ, 8 bà Mộôt hát bài mo mường (xua đuổi ma quỷ, điều xấu, điều ác ra khỏi bản, mường)...
Lời hát (khặp): “Hỡi quân binh, quân pháp hai mường, ba mường, các lúc điệng ở mường gần, mường xa, mường trên, mường dưới hãy nghe Mộôt mời gọi lời hay, lời phải, Mộôt gọi đến tai phải hãy đến, gọi đến tai trái cùng về... Mộôt yêu, Mộôt quý thì Mộôt mới mời, mời về đây cùng vui hội chá chiêng với mường Mộôt, với bản mường”.
Sau đó 8 bà Mộôt sửa sang lại khăn áo, lúc này ông thổi Pí Mùn bắt đầu dạo để bà Mộôt “khắp ối” gọi vía của các lúc điệng.
Khắp ối:
Ôi vía đừng chơi với bọn ma xấu vía ơi
Vía đừng đi ưỡn ẹo với bọn ma chết vía nhé...
Lời Mộôt dặn thì đừng quên, nếu sợ quên thì hãy “đan go” để lại, nếu sợ quên thì để vào trong tay nải làm gối vía ơi.
...
Lời Mộôt dặn đã đủ lời, đủ ý hãy ghi nhớ vào lòng vía ơi...
Các bà Mộôt gọi vía xong bắt đầu đứng lên và đi quanh cây chá để “kệp bóoc” (hái hoa) và khặp, dùng kiếm chỉ vào từng hoa, các chàng trai, cô gái đi theo sau, mọi người cùng nhìn vào các bông hoa mà 8 bà Mộôt chỉ.
Dịch ý lời kệp bóoc:
Hoa này là hoa gì?
Hoa này là hoa xổ, thấy người vào bản thì phải biết hỏi, biết chào mà làm bạn, làm quen, đừng nói lời xấu để mất lòng nhau. Có người lạ đến nhà phải biết nói lời chào và hỏi thăm sức khỏe...
Con này là con gì?
Con này là con ếch, con nhái, ếch nhái nó biết ăn sâu bọ, nó có ích cho người, ta mang về thả quanh nhà, quanh ruộng, ao vườn... của ta.
Nhiều trò chơi cùng lúc hòa nhịp với lời của bà Mộôt. Bà Mộôt mời mọi người mường trên, bản dưới (không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc) và các lúc điệng uống rượu cần và múa chá chiêng. Uống rượu cần đang vui thì bà bắt đầu hát khặp có đệm pí mùn hội trống chiêng, khua lóng (luống) nhịp nhàng vui nhộn, một số người đập bóng Bu để làm nhịp múa (bóng bu được làm bằng ống tre có đường kính 6 đến 7 cm, dài khoảng 30-40 cm). Các cô gái múa khăn gọi là múa “Xai hảng”, các thanh niên trai tráng thì múa kiếm làm các động tác chém, chặt, xẻo thịt (ý thể hiện sức mạnh của con người dọa đánh ma, bọn ma đừng có đến quấy rầy con người). Nếu chúng đến sẽ bị chặt chém, băm vằm...
Sau những phần diễn trên là phần hái hoa (kệp bóc), chống nhà, trò phát quang bờ bụi, trò người lành giúp người què, “Nào già trẻ gái trai muôn nơi, nào bản trên, mường dưới hãy cùng nhau nhảy múa chá chiêng làm vui bản, vui mường. Mọi người hãy chúc cho nhau một năm mới ai cũng khỏe mạnh để xây dựng bản, mường của ta ngày càng đẹp hơn, đời sống nhân dân no ấm hơn, không có bệnh tật đến bản, đến mường, không có con ma xấu tới bản. Đời người ta chỉ sống có một lần, hãy để lại tiếng thơm cho con cháu noi theo, cho muôn đời tốt đẹp, đừng làm điều xấu, điều ác, đừng tranh vợ, cướp chồng...”.
Cuộc nhảy múa không dành riêng cho ai, mọi người có thể nhảy múa, càng nhiều người càng vui, khí thế càng tưng bừng.
Lễ hội Chá chiêng của đồng bào Thái xã Trung Hạ (Mường Chự), huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa 5 năm một lần mang ý nghĩa cộng đồng đã tạo được không khí náo nức và phấn chấn cho mọi người trong bản, trong mường. Ngày nay, với sự tiến bộ về y học nên việc chữa trị bệnh bằng phép của bà Mộôt không còn tồn tại nữa. Các điệu múa chá trở thành di sản văn hóa tâm linh. Những nhịp điệu của lễ hội Chá chiêng đã dần trở thành nét đặc trưng trong vũ điệu múa dân gian của đồng bào Thái nói chung và của người Thái ở Quan Sơn nói riêng, trong các dịp hội diễn văn nghệ quần chúng hay những ngày vui của đồng bào. Chúng ta cần bảo tồn vũ điệu nhảy chá với âm điệu thúc giục, tha thiết mời chào mọi người tham gia nhảy múa cho tâm hồn tươi trẻ, cho cuộc đời này vui hơn. Nhảy chá cũng làm cho tình yêu nam nữ bén duyên kết thành vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau, tình làng nghĩa xóm bền chặt, thắm nồng, các dân tộc xích lại gần nhau thêm.
Quan Sơn, ngày 5 tháng 1 năm 2018
P.X.C
(*) Bài viết có sự cộng tác của nghệ nhân Hà Thị Huyền xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
(*) Mường: Là đơn vị hành chính lớn hơn pọng, pọng lớn hơn bản của người Thái ngày xưa.