Tìm hiểu tết Nhảy của người Dao Quân Chẹt (Thanh Hóa) - Trần Thị Liên
Trong bối cảnh tết Nguyên đán của cộng đồng người Dao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng được/bị “Kinh hóa”, cả về thời gian (ngày cuối cùng của năm cũ và 3 ngày đầu năm mới), cũng như một số phong tục tập quán trong dịp chuyển giao năm cũ - năm mới (tục xông nhà, lệ mừng tuổi...) thì “Tết nhảy” có thể xem là nét văn hóa nổi bật với đầy đủ nguồn gốc, quá trình phát triển sự bảo lưu văn hóa tộc người, mang ý nghĩa như tết cổ truyền của người Dao nói chung, người Dao Quần Chẹt nói riêng.
So với các dân tộc bản địa như Kinh, Mường, Thái, cộng đồng người Dao ở Thanh Hóa có số lượng không nhiều với hai ngành Dao là Dao Đỏ và Dao Quần Chẹt. Khoảng 7.300 người tụ cư trong những không gian kinh tế nhỏ hẹp, phần nào là biệt lập với môi trường xung quanh: người Dao Quần Chẹt sinh sống chủ yếu ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy; người Dao Đỏ tự cư ở ba chòm: Pù Quăn - xã Pù Nhi, Con Dao và Suối Tuốt - cùng thuộc xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Người Dao theo chế độ phụ hệ, ngôn ngữ thuộc nhóm Mông - Dao.
Trong quá trình mở rộng không gian văn hóa, cộng đồng người Dao, đặc biệt là người Dao Quần Chẹt dần có sự chuyển dịch cư xuống vùng đồng bằng. Tại đây đã diễn ra nhiều “giao lộ văn hóa” ở cả hai chiều: văn hóa người Dao tác động đến các dân tộc cận cư; ngược lại đồng bào cũng tiếp thu các thành tố văn hóa Kinh, văn hóa Mường, văn hóa Thái trên tinh thần tự nguyện. Dễ dàng nhận thấy, nhiều thành tố văn hóa vốn là đặc trưng của các tộc người Kinh, Thái, Mường... đã ảnh hưởng và hiện diện trong đời sống văn hóa người Dao: họ biết làm lúa hai vụ, sử dụng tiếng Kinh làm phương tiện giao tiếp hàng ngày với các tộc người khác... Sự giao thoa - tiếp biến văn hóa dẫu ngày càng mạnh mẽ và có sự tác động, chuyển biến trên nhiều phương diện song cộng đồng người Dao vẫn có ý thức gìn giữ và bảo lưu trọn vẹn một số đặc trưng văn hóa tộc người, trong đó có tết nhảy.
Tìm về cội nguồn Tết nhảy, qua nguồn tư liệu điền dã mà chúng tôi thu thập được tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - một trong những “trung tâm” của người Dao trên lãnh thổ Việt Nam - thì Tết nhảy có từ rất lâu đời. Người Dao Quần Chẹt ở đây cho biết, trong những ngày đầu đi tìm kiếm không gian sinh sống mới, một nhánh người Dao đã đi theo đường thủy. Họ lênh đênh nhiều ngày tháng và phải đối mặt với một cơn bão lớn. Khi tính mệnh của mọi người trên thuyền đang ở thế ngàn cân theo sợi tóc, không ai bảo ai, tất cả đồng loạt quỳ xuống, xin tổ tiên phù hộ tai qua nạn khỏi. Kỳ lạ thay, sau lời cầu khấn thì trời yên bể lặng, mây quang, mưa tạnh. Để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên cũng như các thế lực siêu nhiên, tất cả những người có mặt trên thuyền đã lập đàn cúng tế, song vì không có nhang đèn, lễ vật (đang lênh đênh trên biển) nên họ chỉ có thể cảm ơn tổ tiên bằng động tác cơ thể (nhảy múa). Khi thuyền cập bờ cũng là lúc các dòng họ người Dao chia nhau đi khai hoang, mỗi người một ngả. Họ hứa với nhau rằng trong cuộc đời mỗi con người sẽ có ít nhất một lần tổ chức ngày lễ báo ơn tổ tiên; trong ngày lễ sẽ tái hiện các điệu nhảy trên thuyền. Tết nhảy ra đời từ đó và đến hôm nay, vẫn chưa hết vai trò, ý nghĩa lịch sử.
Về bản chất, Tết nhảy mang ý nghĩa như ngày giỗ Tổ chung cho cả cộng đồng song không bị áp đặt về thời gian. Thường thì gia đình nào, dòng họ nào cũng có thể tổ chức Tết nhảy, song ở Thanh Hóa, lễ hội này hoàn toàn vắng bóng trong đời sống văn hóa người Dao họ Triệu - họ không tổ chức Tết nhảy mà có một lễ tục tương tự với tên gọi là chay tập đàng. Tết nhảy thường được tổ chức trong tháng Chạp, thường là vào ngày rằm cuối cùng của năm âm lịch. Trong thời gian này, các dòng họ trong cộng đồng người Dao thường tổ chức tế năm cùng (một dạng họp mặt gia đình trong dịp “năm cùng tháng tận”) nên nếu gia đình nào tổ chức Tết năm cùng thì thôi, không “đăng cai” Tết nhảy. Với Tết nhảy, bên cạnh việc bày tỏ tấm lòng thành kính tổ tiên, người Dao còn hướng về các thế lực siêu nhiên nên trong Tết nhảy, đồng bào có nghi thức rước tranh thờ (Tết nhảy còn có tên gọi khác là “Tết luyện âm binh” hay “Khao quân Tam Thanh”).
Quy mô của Tết nhảy rất lớn, lễ vật linh đình, kéo dài trong nhiều ngày (thường là 3 ngày). Để chuẩn bị, gia đình/ dòng họ đứng ra tổ chức phải chuẩn bị ít nhất 5 con lợn - mỗi con khoảng 40 đến 50kg, hàng chục hũ rượu, và rất nhiều gà, gạo nếp... Ngoài ra còn có tiền âm, giấy sớ, cờ phướn với số lượng lớn cùng tre nứa, dao kiếm gỗ... Do “gánh nặng” về kinh tế nên Tết nhảy không được tổ chức thường niên và chỉ gia đình nào thật sự khá giả mới có thể đứng ra cáng đáng. Thời gian tổ chức Tết nhảy của một gia đình người Dao Thanh Hóa có khi lên tới 10 năm, thậm chí 15 năm/lần.
Tết nhảy có vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa người Dao. Có thể xem Tết nhảy như “sợi chỉ đỏ” kết nối tộc người, xóa nhòa sự ngăn cách về khoảng cách địa lý hành chính. Tết nhảy hiện diện trong đời sống văn hóa của tất cả các nhóm/ ngành Dao đã và đang sinh sống trên nhiều tỉnh thành trong cả nước song Tết nhảy của người Dao mỗi vùng một khác. Trong Tết nhảy của người Dao ở Lào Cai còn có nghi thức rước “kiếm thần” (cặp “kiếm đực - kiếm cái” mà trong tâm niệm của người Dao đó là báu vật truyền đời, tổ tiên để lại cho con cháu). Nhìn chung, hai yếu tố “lễ” và “hội” có sự phân định rất rõ. Phần “lễ” do thầy cúng chủ trì, gồm các nghi thức cúng bái, đốt vỏ cây thơm... mời tổ tiên về chứng giám cho lòng thành của con cháu. Sau phần “lễ” là phần “hội” diễn ra thâu đêm suốt sáng, dài ngày với nhiều điệu múa (múa cờ, múa đao, múa rùa, múa duyệt binh...), nhiều nhạc cụ (chuông, trống, chũm chọe, háp chảo...), thu hút tất cả các thành viên trong cộng đồng tham gia, không phân biệt tuổi tác, giới tính.
Sự huyền bí của Tết nhảy đến nay vẫn là thách thức với không ít nhà nghiên cứu trong việc giải mã cái Tết đặc trưng nhất của người Dao (Quần Chẹt). Có ý kiến căn cứ vào sự hiện diện của những bộ tranh thờ mà lưu ý về giá trị tôn giáo trong Tết nhảy. Cũng có ý kiến từ thực tế yếu tố vui chơi chiếm vai trò chủ đạo để đưa ra nhận định phần “hội” nhiều hơn phần “lễ”; nói cách khác, Tết nhảy thực chất là dịp vui chơi của cả cộng đồng. Đó là chưa nói đến một sự thật hiển nhiên: Tết nhảy do một gia đình đứng ra tổ chức nhưng lại thu hút tất cả các thành viên trong cộng đồng... Đối tượng được cúng bái trong Tết nhảy cũng rất phong phú, từ Bàn Hồ (ông tổ của cộng đồng người Dao) đến các vị thần linh, ma quỷ, ông bà ông vải... Phải chăng, chính sự chồng chéo nhiều “lớp văn hóa”, tâm linh ấy khiến Tết nhảy trở thành một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc và cũng khó lý giải một cách thấu đáo của người Dao Quần Chẹt nói riêng, người Dao nói chung?
T.T.L