Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Dự thi sáng tác văn học trẻ   /   Nhưỡng người phương xa - Lý Uyên
Nhưỡng người phương xa - Lý Uyên

 

Hẹn Linh ở một quán trà, ngắn gọn: "Anh biết một quán trà hay lắm, ở phố Vũ Ngọc Phan, tối nay gặp nhau ở đấy nhé!". Khang hồi hộp, đã gần hai năm rồi chưa gặp lại Linh...
Thực ra, Khang chưa biết gì về "quán trà" đó cả. Lại càng không thể hình dung nổi quán đấy thế nào, dài rộng ra sao. Chỉ có thể nghĩ rằng, chắc chắn có sự đặc biệt ở đấy, hẳn sẽ có gì đó cổ cổ, không gian đậm đạo trà, kiểu gì cũng có hoa lá cành khô cùng vài đồ gốm sứ các kiểu. Nhân viên phục vụ sẽ thế nào? Hẳn là vài bạn hay ho. Không gian có gì thêm nữa, chắc chắn phải có tranh rồi! Nhưng màu sơn tường và sàn nhà sẽ là gì? Chắc là sàn gỗ màu đỏ sẫm. Lúc đọc tin nhắn của Thi, dặn rằng anh lên tầng hai nhé, vậy có thể cầu thang với tay vịn bằng gỗ cũng màu đỏ sẫm nâu. Tường chắc quét màu vàng nghệ hay vàng nâu hay xanh kiểu thời bao cấp...
Đấy, Khang tự hình dung thế. Và cuối cùng là sai bét.
Sau khi nhìn cách Thi trải tấm vải bố hoa xanh trên mặt bàn đá giữa sân chùa, nhẹ nhàng xếp gọn chồng chén gốm rồi đặt vào lòng vải, lại nhẹ nhàng gấp gọn, buộc xinh xinh. Lại trải thêm một tấm vải bố nữa, lại đặt chiếc ấm gốm vào và gấp gọn, cũng buộc lại xinh xinh. Sau buổi gặp gỡ tình cờ và trò chuyện kiệm lời với Thi ở Tiêu Sơn tự. Cả lúc tận hưởng chén trà Vị Thủy đặc biệt được Thi tỉ mỉ pha rồi rót ra chén gốm không màu sắc, chỉ điểm nhẹ họa tiết bông hồng mai trong lòng chén, soi gợi cả bầu trời xuân, Khang chợt muốn tìm đến quán trà của cô gái này, chỉ muốn được nếm những vị trà khác ở quán của cô ấy, để xem, đằng sau đó, nhiều hơn nữa, có gì.
Cho đến khi, Thi nhắn, vẫn qua facebook: Anh đến lúc nào thì báo trước nhé! Khang thấy hơi băn khoăn. Tại sao phải thế? Quán đông khách thế ư? Thành phố này người ta uống trà nhiều đến thế ư? Trông Thi rất điềm đạm, gần gũi và không đến nỗi khó tính hoặc lập dị kiểu khách không đặt trước thì không tiếp đấy chứ? Rất nhiều hiếu kỳ. Lại tiếp diễn hiếu kỳ nhiều hơn, sau khi Khang báo cụ thể thời gian sẽ đến, Thi còn dặn rất chi tiết nào phải gửi xe ở đâu, đi vào cuối ngõ bao nhiêu, lên tầng hai phía bên phải như thế nào. Càng lúc, Khang càng thấy bị thu hút thực sự. Anh có chút cảm giác rằng mọi hình dung của mình trước đó về "quán trà" có vẻ sẽ không khớp với hiện thực.
Mãi khi Khang ngồi đối diện Thi, cầm chén trà ấm trên tay, nhắm mắt hít hà và hương nắng núi gió đèo, mùi lửa trong rực than lúc sao chè còn vương lại từ những búp trà đang nở bung trong làn nước nóng, anh thấy có chút nhẹ nhõm vì sự vắng mặt của Linh lúc này. Linh đã không thể ngồi được quá mười phút trong không gian ấy. Lúc gặp lại nhau ở nhà gửi xe, Khang đã mừng vui biết bao với chút ý nghĩ về sự tình cờ rằng, cả anh và Linh đều đến nơi cùng lúc, không ai phải đợi ai. Khang vẫn thường nghĩ về những điều tương tự như một dạng linh tính hay thần giao cách cảm. Về điều này, từng có một người chê rằng Khang chỉ đang tự ám thị mà thôi. Điều đó đã lâu lắm rồi...
Lúc Khang vừa gửi xe xong theo chỉ dẫn của Thi trước đó, anh hoàn toàn bất ngờ vì thấy Thi ra tận nơi đón, dẫn vào, hút trong cuối ngõ nhỏ, bước hẳn lên lối cầu thang mòn vẹt vết vàng sơn của khu tập thể cũ. Khang bất giác nhớ Dương Tường với "cầu thang 24 bậc/tờ thư 24 gác mưa..." và nhớ những mùa xưa.
Bắt đầu vào cầu thang đã thơm mùi gừng mật ong, Khang rất tinh nhạy trong việc nhận biết mùi hương, vì anh cũng từng mở một quán trà và có kha khá kinh nghiệm trong việc pha chế các kiểu một số đồ uống. Cuối cùng thì, theo sau bóng lưng nhỏ bé của Thi, Khang và Linh bước qua cánh cửa sắt sơn màu vàng mơ và nhận ra, là phòng trà, chứ không phải quán trà! Vào đến đây, mùi gừng mật ong biến mất để lại một không gian không mùi. Bộ bàn gỗ dài đặt theo độ dài căn phòng. Khăn trải bàn là tấm vải bố màu xám. Sàn nhà cũng trải bằng tấm thảm màu xám, không họa tiết hoa văn. Những tấm thảm ngồi thưởng trà được xếp chồng lên nhau ở góc phòng, nay trải thêm chỗ cho Khang và Linh. Không có một đồ vật nào trong căn phòng này có màu đỏ sẫm nâu hoặc màu xanh hoặc như Khang tưởng tượng. Có một chút liên quan màu xanh chăng là toàn bộ tường trong phòng đều sơn màu lam khói. Một không gian chỉ để ngồi thế thôi, chỉ để uống trà. Không làm gì cả. Không nghĩ gì cả. Không nói gì hết. Không gì cả, ngoài trà. Nhìn Thi pha trà, rót trà và cùng uống trà. Hết. Khang nghĩ, làm bất cứ điều gì ở không gian này, kể cả thở mạnh ra một chút thôi, cũng sợ làm lệch tông không gian. Giống như cảm giác của anh trong những đêm vắng. Khang nghiện sự yên tĩnh của đêm. Không thể phát ra một tiếng động nào khác kẻo phá vỡ không gian. Nhưng, trong đêm vắng, Khang thường ngồi bất động suy nghĩ hoặc đọc sách. Còn tại nơi này, chính không gian này, cảm giác như làm điều gì cũng là gây quấy, là lạc điệu và có phần thất kính với những đồ vật im lìm trên quầy gốm kia, với bức thư pháp như dòng suối mực đang tuôn kia, với tất cả các bạn ấm chén gốm thi, với bốn bức tố nữ trên tường, với bình lau mang hồn Thiên Phù hay nơi nào đó dọc đường lên Tà Xùa ngút trà ngon...
Đến trước Khang và Linh, có đôi bạn trẻ đã ngồi sẵn ở đó. Bạn nam sinh trường Y khoa và nữ sinh vừa tốt nghiệp trường Luật. Bạn nam ấy quen Thi từ trước, bạn nữ lần đầu đến và đi cùng bạn nam, Khang nhận ra qua cách họ nói chuyện với nhau. Khang và Linh, dĩ nhiên, là lần đầu tiên tới đây. Riêng Khang, đây là lần thứ hai gặp Thi, sau hôm tình cờ gặp gỡ ở Tiêu Sơn tự. Ban đầu, Khang hơi bỡ ngỡ, và có chút lo lắng rằng Linh sẽ không thích nơi này. Khang cũng thoáng chút thất vọng, vì địa điểm vừa không như anh hình dung, lại vừa thiếu sự riêng tư trong cuộc hẹn của anh với Linh. Anh đã nghĩ, sẽ có bao nhiêu chuyện cần nói với Linh, đã gần hai năm rồi còn gì. Đặc biệt, Linh bây giờ khác nhiều so với trước trong vẻ đằm thắm dịu dàng khiến Khang đã sững sờ mất vài giây lúc ở nhà gửi xe. Hai năm, cũng chưa lâu lắm, đối với những người đã xa cách nhiều hơn cả hai năm. Hoặc, đối với những người chưa đến hai năm mà đã cảm thấy như một niên kỷ. Một tiếng nói vang lên trong đầu Khang rằng, Linh có vẻ không thích nơi này! Khang cự lại, cô ấy sẽ thích thôi! Hẳn Linh cũng sẽ giống mình, ban đầu hơi hụt hẫng vì thiếu chút riêng tư. Nhưng cuối cùng sẽ là cùng nhập được vào nó, cùng tham gia vào nó và sẽ thấy thích thú.
Nhìn tủ gốm ngăn nắp, Khang tự hỏi, liệu chúng đã ở đây với Thi bao lâu rồi? Liệu chúng đã theo Thi đi qua những phương trời nào? Ngay lúc kết bạn facebook với Thi tại Tiêu Sơn tự, Khang đã lướt hết những mốc thời gian nổi bật trên trang cá nhân ấy. Có những dòng trạng thái và những bức ảnh đẹp đến nao lòng, đẹp đến đau lòng. Khang nhấn yêu thích hết những trạng thái đó. Nhưng có những trạng thái đã quá lâu, anh sợ rằng khi tích vào yêu thích, lại dẫn thông báo về máy của Thi, lại khiến Thi lần giở, nhỡ có nỗi đau, kỷ niệm nào có khi đã qua lâu thật lâu, chỉ vì chút bày tỏ cảm xúc của anh mà gợi gợn trong lòng Thi? Đành thôi, anh chỉ đọc, ngắm và lặng lẽ. Khang không bày tỏ chút xúc cảm nào nữa, chỉ lặng lẽ theo dõi hết bức ảnh này đến dòng trạng thái khác và tất cả các ghi chú. Khang thật không nỡ gợi chút gợn nào trong tâm thái thiền trà của Thi. Cô gái chuyên trà anh tình cờ gặp ở Tiêu Sơn tự, mà sao gây ám ảnh đến ngỡ ngàng. Nhưng đôi mắt ấy, Khang thấy trong đôi mắt của Thi, vẫn còn nhiều lấp lánh dù tư thế và tâm thái thiền trà. ánh mắt ấy vẫn thi thoảng vụt hoang, vẫn còn nhiều ngơ ngác...
Những đồ gốm trong phòng trà này, hẳn chúng đã là nguồn an ủi lớn lắm đối với Thi. Hẳn chúng đã cùng Thi trải qua bao thăng trầm cuộc đời bé nhỏ... Đồ gốm nhé, có linh tính đấy, Khang luôn trân trọng đồ gốm như thế, cảm giác như vật thiêng, một vật chất không tầm thường, cũng truân chuyên và chứa đầy lịch sử.
Khi chén trà của tuần nước đầu tiên chưa kịp rót ra, Linh đã bối rối cầm điện thoại đang đổ chuông, nhấn nút tắt phụt màn hình và đưa mắt nhìn Khang lúng túng. Linh có việc đột xuất nên xin lỗi về trước. Không hiểu sao, Khang thở phào khi bóng Linh khuất khỏi cầu thang. Hai năm hay nhiều hơn thế, có những việc ta ngỡ nói bao nhiêu cũng không đủ nhưng cuối cùng chẳng cần nói gì cũng quá đủ. Giống như, có những nơi, Khang đã sống cả chục năm trời nhưng trong ký ức chỉ ngắn ngủi như một khoảnh khắc. Lại có những nơi, Khang chỉ mới đặt chân đến và rời khỏi trong vòng tuần lễ nhưng ký ức lại ngồn ngộn như đã gắn bó đời đời kiếp kiếp. Còn lại Khang, đôi bạn sinh viên và Thi. Bốn người lặng lẽ. Ba người khách ban đầu hơi lúng túng khi dường như họ chưa bao giờ ngồi với người lạ ở cự ly gần như thế này trong một không gian đặc biệt nhường ấy. Những câu chuyện làm quen rời rạc. Khang bắt đầu thấy tâm tĩnh an. Anh ngỡ như mình có thể nghe thấy tiếng rì rầm của linh hồn đất ẩn trong những ấm, chén trên kệ gốm và bình gốm phất phơ bàng bạc hoa cỏ lau bên bức thư pháp.
Những câu chuyện rời rạc dần đi vào tự nhiên, giữa ba người khách với một chủ trà, cũng là người phục vụ duy nhất trong phòng trà ấy. Khang tự cười mình khi nhớ đến hình dung của anh về những nhân viên phục vụ. Cuộc sống vẫn luôn có những bất ngờ, những điều khó đoán định như thế.
Ngồi một lúc, có thêm hai bạn trẻ nữa đến, một nam và một nữ. Cũng qua cách nói chuyện, Khang nhận biết bạn nam kia hẳn rất thân thiết với Thi vì lần ghé thăm này không hề hẹn trước. Còn bạn nữ, chỉ là người đi theo bạn nam, lại cũng là lần đầu tiên đến nơi này. Sự sôi nổi của hai bạn trẻ đến sau khiến không gian vốn lặng lẽ trở nên khác hẳn. Chẳng biết từ lúc nào, Khang quên mất điều sai quấy mà anh tự cảm thấy trong không gian này. Ba vị khách cũ lặng im nhấp trà. Thi tỉ mẩn pha và rót trà, đôi mắt hấp háy nghe bạn nam mới đến kể chuyện.
"Em vừa về chiều nay chị ạ! Biết chị chưa lên núi nên em không gọi nữa, cứ thế mà tới đây luôn. Thực sự, em đã nghĩ là mình sẽ ở lại Luông và không về nữa. Nơi ấy quá tuyệt vời, quá hấp dẫn em! Chị biết không, mấy hôm đầu tiên ở đó, em còn tưởng người ta cấm bấm còi xe khi đi ngoài phố. Em quá ngạc nhiên vì giữa phố xe cộ tấp nập mà không một tiếng còi. Em phải hỏi tài xế taxi và được biết, họ không cấm bấm còi xe, chỉ là tự người ta không ai bấm còi dù phố đông và có đôi chỗ tắc đường. Thiền là đây chứ đâu, em đã nghĩ thế! Ai cũng vội mà lại chẳng vội! Ai cũng cần mà thực ra lại chẳng cần!...".
Khang không nghe lỏm, những lời cậu trai kia nói khiến mọi người đều có thể nghe thấy. Qua đó, anh biết được cậu trai kia là đầu bếp, vừa có một chuyến sang Luông-pha-băng suốt nửa tháng. Cậu trai đó, ít tuổi hơn Khang rất nhiều, hẳn nhiên. Còn bạn nữ đi cùng, Khang không quan tâm lắm và cũng không cần thiết phải biết thêm. Chuyện ở Luông, người ta ra đường không bấm còi xe, Khang đã được nghe ông anh kể từ nhiều năm trước, và vô thức, Khang chẳng nhớ là sau câu chuyện đó hay trước đó đã rất lâu, anh đi xe ra đường rất hiếm khi bấm còi. Kiên khẽ mỉm cười khi nhớ chính mình của nhiều năm trước, những năm anh ở độ tuổi của cậu đầu bếp này. Những năm đó, anh cũng bắc nam đông tây kỳ hồ, đi qua đâu cũng ngỡ như sẽ là nơi gắn bó dài lâu, đến nơi nào cảnh sắc nhân thế hữu tình cũng nghĩ rằng khi kiếm đủ tiền sẽ về lại nơi đó mua đất mua nhà định cư. Đã nhiều nơi như thế đi qua đời anh, hay anh đã đi qua nhiều nơi như thế trong cuộc đời. Để bây giờ ngồn ngộn, lẫn lộn nhớ mong. Khang giật mình, anh có còn chút khao khát nào như những ngày đó nữa không? Anh có còn nhớ hết những nơi mình đã đặt chân đến với sự yêu mến và luyến lưu cỡ nào? Phẳng lặng bấy lâu trong anh, là do sự lười biếng, hay bởi anh đã thật sự già? Phẳng lặng trong anh bấy lâu, có thực sự là không gian xanh mướt của Tiêu Sơn tự ngập bóng thị già? Hay chỉ là nơi anh mượn cớ ẩn nấp cho những thương tổn, cho những buông xuôi bất lực?
Khang như tỉnh mộng khi nghe cậu đầu bếp kể về một người đồng hương Việt Nam đặc biệt mà cậu gặp ở Luông. Một cô gái người Việt, mở tiệm ăn món Nhật giữa trung tâm thành phố. Tiệm ăn chỉ mở đúng mười giờ sáng đến một giờ chiều. Tiệm ăn duy nhất trong thành phố không có biển hiệu. Nhưng, lại là tiệm ăn đông khách nước ngoài nhất thành phố, chủ yếu là khách tây. Điều đặc biệt, chủ quán, cô gái người Việt, ngoài tiếng Việt chỉ nói tiếng Nhật, tiếng Anh không sõi, không biết tiếng Thái và các thứ tiếng khác. Cậu đầu bếp nhấn mạnh, thực ra đồ ăn ở tiệm ấy không thực sự đặc biệt theo kiểu khiến người ta quay lại sau lần thứ nhất tìm đến. Điều đặc biệt của tiệm ăn là ở sự sạch sẽ và thoải mái mà chủ tiệm mang lại cho thực khách. Nói là tiệm ăn, thực ra được trang trí thêm từ căn phòng trọ của cô gái ấy. Nơi đó vừa là tiệm ăn, vừa là nơi ở của cô gái. Không gian ấy chỉ đặt đủ năm bộ bàn ghế nhỏ, với những chiếc khăn trải bàn luôn trắng tinh, mỗi bàn ăn đặt một bình hoa thạch thảo nhỏ, lúc nào cũng tươi và ngát hương...
Đầu bếp Việt nấu món ăn Nhật? Không sõi tiếng Anh, chỉ nói tiếng Nhật và tiếng Việt? Khăn trải bàn luôn trắng tinh? Hoa thạch thảo? Thạch thảo ư? Cô gái ấy tên gì? Khang chợt muốn hỏi nhưng đã kịp dừng lại. Có lẽ nào... Đã từ lâu lắm rồi!
Hoa thạch thảo! Đúng lúc này đang mùa thạch thảo, mùa đau tình. Mùa đau tình là bởi sự chia ly năm đó, hay bởi sự chết chóc mà Bùi Giáng và Phạm Duy đưa vào thơ nhạc? Khang không rõ nữa. Anh chỉ biết, sau mùa thu năm đó, tình cờ vấp phải giọng nam ca Mùa thu chết trên trang nhạc online, đã khiến anh mê miết chìm đắm suốt mấy thu dài, để rồi sau đó đến tận giờ này, hễ nghe thấy tiếng nam ca sĩ ấy là anh bịt tai hoặc tắt nhạc.
Hoa thạch thảo! Từ khi thôi nghe giọng nam ca sĩ ấy, Khang trả phòng trọ ở phố, về lại Tiêu Sơn tự. Anh phóng thẳng xe máy lên sân chùa khiến người trông xe ở cổng ngơ ngác. Người bán vàng hương và kẹo nước kết hợp trông xe cho ai vãn cảnh chùa đâu biết rằng Khang ở Tiêu Sơn tự còn lâu hơn thời gian họ mở quán này. Khang vào nhà kho, đem cuốc ra vườn chùa, đào bằng hết số thạch thảo đã trồng ngày trước. Hết thạch thảo tím đến thạch thảo trắng lại thạch thảo hồng. Khắp vườn chùa chỉ toàn thạch thảo, độ ấy đúng mùa thạch thảo ngát hương trên những lối đi quen...
Chỉ một từ khóa hoa thạch thảo đã gõ ra trong đầu Khang bao nhiêu ký ức đẹp đẽ và đau đớn. Người năm đó, người yêu thạch thảo, nụ cười người vương cánh hoa thơm. Khang, đừng ngắt thạch thảo! Chúng mình cùng trồng cây nhé! Tới mùa hoa, nhanh thôi, khắp vườn chùa sẽ bừng sáng!
Thạch thảo tím, thạch thảo trắng hay thạch thảo hồng, nở dai dẳng đã mấy mùa thu, cũng nên kết thúc rồi. Khang hì hụi đào đào, cuốc cuốc, những chùm rễ thạch thảo bật nhựa đớn đau, rơm rớm sắc hoa lẫn đất lật cỏ lấp. Bàn tay Khang phồng rộp, bong da, rớm máu. Anh vứt cuốc lăn lốc giữa mớ cỏ hoa hỗn độn, ngồi bệt xuống nền đất thở dốc. Khang trừng mắt nhìn đám thạch thảo rươi rưới nắng vàng thu. Mồ hôi ướt đẫm trên thái dương. Mắt anh nhòe đi, mặn mòi. 
- Ta nghe tiếng xe máy phóng thẳng lên sân chùa, biết ngay là con về! Sao xới hết hoa thế Khang? Chúng sinh bình đẳng, sinh diệt nên tùy duyên con ạ!
Sư cụ đã đứng sau lưng anh từ lúc nào. Khang còn nhận ra, giọng nói của cụ vẫn trầm ấm nhẹ nhàng và có sức thức tỉnh anh ghê gớm.
"Ông ơi! Sao ông lại xới hết hoa thế ạ?" - Một đoạn ký ức chợt vọng về trong Khang từ giọng nói trẻ thơ non nớt. Những năm còn nhỏ, Khang nhớ, cứ mỗi lần thạch thảo nở um tùm đầu hiên nhà, ông nội lại mang cuốc ra đào xới tung cả đất cỏ lên. Dù năm nào ông cũng xới bỏ, năm sau đám thạch thảo góc hiên ấy vẫn nở hoa. Khang nhớ, những ngày thơ ấu ấy anh đã nghĩ rằng dường như có một sức mạnh ma thuật nào đó khiến cho rễ thạch thảo bám sâu vào lòng đất để đúng mỗi thu về lại nở ra những khóm hoa xinh. Thậm chí, Khang đã tưởng tượng ra một thế giới trong lòng đất ở ngay góc hiên nhà, nơi dưới tầng sâu lòng đất kia, có sự ngự trị của bà chúa hoa thạch thảo, khiến cho thạch thảo hằng năm vẫn nở hoa đều đều dẫu ông nội có đào xới bao nhiêu. Tình cờ thay, ngay lúc này, anh đang lặp lại những gì ông nội làm trước đó mỗi mùa thạch thảo nở hoa.
Những năm đó, ông nội hay dắt tay Khang đi dọc bờ sông Đuống, tìm lối xuống bãi sông ăm ắp dâu tằm mùa chín quả. Khang chạy khắp hái những quả dâu chín thẫm thơm lừng nhựa, chìa đôi tay bé xíu khum lòng ôm những quả dâu về phía ông, nhưng ông nội đang mải nhìn sang bờ bên kia sông, hoặc một nơi nào xa lắm. Khang còn nhớ mãi dáng ông ngồi bất động rất lâu, mà cho đến khi lớn lên Khang mới hiểu người ta lúc đó tưởng đang nhìn về phía trước nhưng thực ra chẳng nhìn thấy gì lúc ấy cả. Năm sau đó, ông nội không còn đào xới thạch thảo đầu hiên nhà nữa. Cũng năm sau đó, lần đầu tiên Khang được ông nội dắt lên Tiêu Sơn tự và gặp sư cụ. Dù trước đó đã được ông nội dặn kỹ nhưng Khang vẫn hồn nhiên thốt lên: "Cháu chào bà ạ!". Từ đó, trong ký ức tuổi thơ của Khang, ngoài ông nội là người thân thiết nhất, sư cụ là người quạt mát cho Khang ngủ những giấc hè, xua muỗi những đêm nồm gió chướng, người dạy anh cách lạy Phật và trao cho anh thói quen ăn chay trường kỳ. Khang sống ở Tiêu Sơn tự với sư cụ trong những ngày ông nội vắng nhà. Ông nội chỉ nói, ông cần đi tìm hạt giống một loài hoa...
Chỉ một từ khóa hoa thạch thảo của cậu đầu bếp mà ùa về trong Khang bao nhung nhớ và run rẩy. Ông nội đã về thế giới bên kia, người yêu thạch thảo năm xưa cũng đã xa quá xa rồi, từ nhiều năm trước, một khoảng cách vô hình không lý do lặng lẽ gặm đứt mối liên kết những mùa thạch thảo...
- Đây, trang facebook của chị ấy đây!
Cậu đầu bếp xoay màn hình điện thoại về phía Thi, vừa đúng tầm nhìn của Khang khi anh ngước mắt lên. ảnh người con gái mặc chiếc áo họa tiết thổ cẩm đứng giữa đỉnh đèo ở một chặng núi nào đó, gương mặt khuất sau mớ tóc chấm vai lòa xòa gió với ánh nhìn về ngọn núi cao xa. Khang biết đó là nơi nào, một chuyến đi từ nhiều năm trước, chớm đông, những ngày nắng hanh hao thu tàn...
*
Khi Khang đang đóng thêm cọc tre cho giàn ti-gôn đổ nhánh sau vườn chùa thì sư cụ tìm đến:
- Khang à, hôm qua có người lên chùa, nói là bạn cũ của ông nội con. Người đó gửi lời xin lỗi vì sau bao nhiêu năm mới tìm được hạt giống này cho ông nội...
Anh mở gói hạt giống còn niêm phong cẩn thận mà sư cụ vừa đưa và bất giác sững sờ: Hạt giống hoa ti-gôn! 
Ti-gôn có thể trồng bằng cành cho nhanh, tại sao ông nội phải tìm kiếm hạt giống? Và... tại sao sư cụ lại để mặc anh trồng ti-gôn trong vườn chùa?
Anh lại miên man đến bức ảnh người con gái yêu hoa thạch thảo nấu món Nhật sống giữa thành phố Luông mà chỉ nói tiếng Việt và tiếng Nhật trong điện thoại của cậu đầu bếp. Bức ảnh đó đã lâu lắm rồi, người vẫn để làm ảnh đại diện facebook ư? Nghe ngóng tin người mãi trong bao nhiêu năm chỉ để hỏi một câu cho bao thắc mắc yêu hận, đến khi biết được người đang ở đâu lại thấy lời kìm giữ không cần phải thốt ra nữa. Khang biết mình còn quay lại phòng trà của Thi và chắc chắn còn gặp lại cậu đầu bếp. Nhưng anh biết chắc, người anh muốn gặp và mong nhớ bao nhiêu năm qua trong biền biệt tăm tích thì nay chẳng cần gặp nữa. Người phương xa, chỉ cần biết người còn sống mạnh khỏe trên cõi đời này là đủ, chẳng phải thế ư?
                    

L.U


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 147
 Hôm nay: 6136
 Tổng số truy cập: 12838833
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa