Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Dặm đường cát bụi (Thơ của Trịnh Xuân Thu, Nxb Hội Nhà văn 2017) - Mã Giang Lân
Dặm đường cát bụi (Thơ của Trịnh Xuân Thu, Nxb Hội Nhà văn 2017) - Mã Giang Lân

Trong vòng 5, 6 năm, Trịnh Xuân Thu xuất bản 5 tập thơ. Sông khát (2012), Bến quê (2013), Thu cốm (2014), Hoa đêm (2016) và bây giờ Dặm đường cát bụi (2017). Cứ như là đến độ “lên cơn”... thơ. Thực ra lần theo năm tháng ghi ở dưới các bài, có những bài viết từ năm 1978, mới rõ Trịnh Xuân Thu đã có thâm niên, đã dan díu với thơ 35 năm rồi. Thông thường dù là nhà thơ thành danh, ở mỗi tập thơ, người đọc vẫn nhận ra có những bài “thường thường bậc trung”, có bài khá, có bài hay. Lọc ra, phân ra trong 45 bài của tập Dặm đường cát bụi, cũng được như thế, cũng đáng đọc và nhận ra Trịnh Xuân Thu đã có những cố gắng nhất định.
Là một sĩ quan an ninh, từng 20 năm “trấn thủ lưu đồn” ở Điện Biên, Thu mới trở về Hà Nội. Điều này ít nhiều in dấu trong thơ Thu: “Điện Biên xuân về bồng bềnh mây trắng/ Nắng gió lung linh, xanh đất xanh trời/ Hương cam, quýt từ Mường Pồn, Hồng Lếch.../ Ban nở trắng ngần triền thung em ơi!” (Điện Biên xuân về). Trẻ trung và tình tứ: “Ngoài trời mấy hạt mưa rơi/ Chim non ướt cánh đậu hồi lán xanh/ Này chim chim xuống cùng anh/ Cùng anh sưởi ấm mái tranh biên thùy” (Chiều xuân nhớ mẹ). Và Hà Nội, Hà Nội thật đẹp, thật gợi, qua hồi nhớ của một người xa xôi, mơ mộng:
              Lại một mùa se sắt heo may
              Bảng lảng sương buông mắt người viễn xứ
              Lá xanh trời, sóng Hồ Tây cong nắng
              Cổ ngư vàng, hạnh ngộ rước mùa sang

                                  (Nét thu Hà Nội)
Một cách nghĩ, cách cảm tinh tế và sáng tạo “Sóng Hồ Tây cong nắng”. Thơ Trịnh Xuân Thu, nhiều lúc xuất thần có những hình ảnh đẹp như thế: “Cởi sợi rơm vàng/ Mở lá sen xanh/ Ai gói trời thu trong biếc lá” (Thu cốm).
Phần lớn thơ Trịnh Xuân Thu là những rung động ân tình, da diết về quê nhà (Bến quê), về tấm lòng người mẹ (Tình mẹ), về nỗi niềm gia đình (Một mình một rượu), về tình cảm bạn bè và những chiêm nghiệm về đời sống... Tất cả đều toát lên hình ảnh, tâm hồn một con người chân thành, trong sáng, tử tế, đầy chất nhân văn. Như một hướng dẫn viên du lịch nhà thơ giới thiệu Về Nga Sơn, ghé thăm động Từ Thức, qua cửa biển Thần Phù, ăn dưa hấu An Tiêm, uống rượu đế Nga Sơn “Núi ngả nghiêng say... chân dê trên đá sắc/ Hương gạo, men trời, chấp chới cánh chim bay”, ngắm đồng cói, chiếu Nga Sơn. Và tấm lòng người con với quê cha, đất tổ:
              Người ra đi... Đất vẫn đất nơi này
              Cây sú, vẹt ngút ngàn xanh đảo Nẹ
              Dẫu đời còn nhọc nhằn con sóng bể
              Nga Sơn... Nga Sơn
              Đất mẹ con về!

Tấm lòng nhà thơ với người sinh ra mình thật sâu nặng mà ẩn chứa chút xót xa, ân hận “Ta hiểu gì giọt mồ hôi cha mẹ?/ Gieo xuống đất cằn... ta có được ngày nay”. Không thể khác, trước một gia cảnh cảm động:
              Anh lớn đi. Không ngày trở lại
              Trường Sơn xanh. Anh mãi tuổi hai mươi
              Anh thứ về. Dầm dãi nắng sương
              Một sớm mùa đông lẫn vào mây gió
              Cha mẹ nơi đồng hoang cỏ dại
              Em lửa tàn, phảng phất khói trầm bay...

                                    (Một mình một rượu)
Rất tiêu biểu, không phải là cá biệt, nhiều gia đình Việt Nam đều có chung hoàn cảnh như thế “anh em lớn lên thời đất nước gian nan”. Người đọc cũng thông cảm với tác giả khi một mình một rượu:
              Nhâm nhi áng thơ ngâm rượu đế Nga Sơn
              Chiều khuất dạng
              Trăng rơi sương lạnh
              Tiếng Cò lửa
              Thâm thoang đồng hoang cỏ
              Dốc cạn vò, thơ mênh mang ly nhỏ
              Môi rung se sẽ nỗi niềm đau...

Dặm đường cát bụi, tôi chú ý đến những bài thơ có một chút triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc, thế sự:
              “Đời gió mây vần vũ
              Bạn cũ đã xa rồi
              Ly rượu sầu lên khói
              Thương bóng mình đơn côi
              Cõi thương”.
              “Sót chút hoàng hôn nơi đáy cốc
              Khư khư cái bóng để làm chi?
              Chuyện đời dâu bể... lường đâu được
              Có lẽ ở trời? Nào cạn ly!”.

                             (Bạn đến chơi)
Tôi cũng chú ý đến những bài lục bát tài hoa của Trịnh Xuân Thu. Trước đây anh đã viết “Ta cầm ngọn gió trên tay/ Hớ hênh trót để gió bay ít nhiều/ Gió bay nâng những cánh diều/ Cánh chim tắp típ mây chiều ngẩn ngơ” (Gió), còn chất ca dao, khá hơn, tiến hơn “Ngày bơ vơ tháng bơ vơ/ Năm đi vội vã ngác ngơ tháng ngày/ Mới nồm mà đã heo may/ Mới xanh mà đã vàng bay sa mù” (Năm đi bỏ lại tháng ngày). Đến nay lục bát truyền thống ở Trịnh Xuân Thu thực sự tinh lọc đàng hoàng bước vào cõi thơ:
              Ừ thì ta cũng thật tình
              Vén câu thơ để rõ hình bóng hơn
              Bao nhiêu nắng dội mưa dồn
              Bấy nhiêu năm tháng gửi hồn vào thơ.

Tự thú, chân thành miền yêu, miền say gắn kết với thơ, gắn kết lâu dài “Chắc còn vương nợ ban mai/ Giữ trăng buộc gió tính bài trả vay...” (Nợ ban mai). Tiếp tục mạch cảm xúc, vần điệu ấy là bài Thôi thì nhắn bạn một khi, vẫn tâm niệm “Một đời thơ với nắng ngàn chứa chan” vẫn “ra ngẩn vào ngơ/ Thấy hay thấy dở cũng vơ vít vào/ Vẫn còn dan díu trăng sao/ Mua mây bán gió giá cao kiếm lời/ Gói gom của nả một đời/ Dăm ba cuốn sách. Mấy hồi văn chương”. Thơ “của nả một đời”. Lấy thơ làm cứu cánh, sống, tồn tại một cách thanh sạch, quên đi những nhỏ nhặt đời thường, thanh thản để “Một mai tôi có lên đường”:
              Chút tình gửi cõi vô thường
              Trăm năm cát bụi dặm trường ai hay

Quan niệm về thơ như thế, giản dị, trong sáng, không vụ lợi mà chất chứa, nhắn gửi được nhiều ý nghĩa.
Tôi trân trọng những gì Trịnh Xuân Thu đã gửi gắm vào thơ. Nhiều bài thơ, câu thơ ở Dặm đường cát bụi chắc chắn chiếm được tình cảm của người đọc. Tập thơ không phải không còn những bối rối hồn nhiên, nhưng cái ưu điểm, cái ý thức sáng tạo cần được khẳng định ở nhà thơ này.
                                                                                                                    Hà Nội, 10-2017
                                                                                                                            M.G.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 216
 Hôm nay: 5627
 Tổng số truy cập: 12939629
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa