Yếu tố triết lý trong tập thơ "Lời yêu" của Trần Đàm - Viên Lan Anh
Sau hai tập thơ “Xuân lòng” và “Dâng mẹ”, Trần Đàm lại ra mắt bạn đọc tập thơ thứ ba “Lời yêu” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2018 với dung lượng trên một trăm bài thơ mới sáng tác. Tập thơ “Lời yêu” khác hai tập thơ trước bởi xuất hiện nhiều câu thơ mang tính triết lý, vì vậy tập thơ đã đọng lại trong tâm khảm bạn đọc những biểu cảm sâu sắc thông qua ngôn ngữ, hình ảnh, không gian và nội dung câu chuyện trong mỗi bài thơ.
Chúng ta hãy đọc thật chậm bài thơ “Nói với mình” rồi đọc kỹ những câu thơ:
Chẳng còn trai tráng lực điền
Chẳng còn rủng rỉnh túi tiền như xưa
...
Thế mà vì nghĩa vì tình
Anh em bè bạn hết mình cho nhau
Phận người có những khổ đau
Ta đem chia sớt những câu mặn nồng.
Thơ phục vụ công chúng và để công chúng dành cho bài thơ ấy, câu thơ ấy một khoảng thời gian để suy ngẫm, chiêm nghiệm vào thời buổi 4.0 này, phải là những bài, những câu thơ giá trị. Giá trị ở chỗ câu thơ ấy nói lên tiếng nói của số đông, để khi đọc đến bạn đọc thấy có hình ảnh của mình ở câu thơ ấy. Câu thơ trên của Trần Đàm dường như ai cũng trải qua một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ cũng là khi có trong tay mọi điều kiện, vì vậy người ta có mọi thứ dễ dàng, nhưng khi tuổi già và nỗi cô đơn ập đến nếu tinh thần anh cũng mất đi tình nghĩa bạn bè thì hỡi ơi đời buồn biết bao nhiêu. May mắn thay, Trần Đàm vẫn khẳng định trong câu thơ rằng tuy sức khỏe, tuổi trẻ, vật chất không còn nhưng tình nghĩa vẫn còn. Hóa ra cái quan trọng nhất vẫn hiện hữu là bởi tác giả thấu hiểu một quy luật của đời sống con người vốn “có những khổ đau” không ai tránh khỏi. Và khi biết mở lòng chân thành chia sẻ thì khổ đau của mỗi người sẽ vơi cạn.
Bài thơ “Mặt sông” cũng là một bài thơ mang yếu tố triết lý về đời sống nhân sinh được Trần Đàm lấy hình tượng con sông nói thay tính nết con người. Sông hay là sự hoán dụ thi vị về cung cách, tính cách con người để từ đó người viết gửi gắm vào thơ những trải nghiệm, tổng kết từ thực tiễn một cách nhẹ nhàng mà suy tư sâu lắng:
Mặt sông lúc lặng như tờ
Lúc cuộn sóng dữ, lúc lờ đờ trôi
...
Mặt sông rộng, đáy sông sâu
Trên mặt phẳng lặng biết đâu sóng ngầm
...
Mặt sông cũng giống mặt người
Lúc giận dữ, lúc khóc cười nhớ thương
Mặt sông như một tấm gương
Mặt người thác lũ, gió sương soi vào.
Bài “Đổi đời” trong tập thơ “Lời yêu” của Trần Đàm chứa nhiều hình ảnh ẩn dụ nhưng tác động mạnh đến tâm khảm bạn đọc bởi những lời thơ chua xót. Vẫn biết xã hội phát triển, xóm làng cần có những cuộc di dời cho hợp thời cuộc, thế nhưng cái hình hài tươi đẹp đó của xóm làng với bê tông ngàn ngạt hôm nay vẫn tiếc nhớ chốn xưa cho dù chốn xưa nghèo vắng trong đời sống nông thôn êm đềm. Đặc biệt là lớp người đã đi qua những cuộc chiến tranh, đã dựng xây và vun đắp nên thanh bình. Chúng ta nhận thấy một khoảng lòng chúng mình trong những cảm xúc ấy, với sự đồng điệu suy nghĩ tiếc nhớ, xót xa từ thực tế đổi thay, xê dịch trong đời sống nông thôn hôm nay giữa được và mất:
Mẹ ngồi ủ dột tái tê
Thế là ta phải rời quê ta rồi
Cha khoanh gối, lặng im ngồi
Người sống phải chuyển, còn người dưới âm?
Đất nhà đã ở trăm năm
Ông cha yên vị nơi nằm bình yên
Bây giờ đào bới tung lên
Chuyển mình, chuyển cả sinh linh cha mình
...
Làng đã thành phố thật rồi
Cha vẫn nhớ đứng, nhớ ngồi lũy tre
Ve gào nát cả trưa hè
Con chim cuông cuốc biết về nơi mô...
Điều tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ này chính là lòng mong mỏi muốn giữ gìn giá trị tinh thần - thứ tối quan trọng của con người và một khi đành đánh đổi thì sự tổn thương rất lớn.
Trần Đàm rất biết lấy cảnh, nói người, hoặc lấy vật thi vị hóa thành ước vọng như trong bài “Tự nguyện” ông viết:
Ta làm bãi cỏ non tơ
Để người có chỗ ngồi chờ gặp nhau
Ta như nước ở ao sâu
Để người múc để tưới rau hàng ngày
Ta như quả ớt chín cây
Để người xoa xít mà cay trong lòng
Ta như gió ở rừng thông
Vi vu đó, lại lặng không như tờ...
Tâm nguyện người thơ muốn dâng hiến, làm đẹp, sống có ích cho đời, đó là tâm nguyện thanh cao và là sự nỗ lực không ngừng trong hành trình dài dằng dặc đấu tranh với cám dỗ đời người. Lời thơ thanh nhã, ý thơ chân thành, ước mơ giản dị nhưng bạn đọc cảm nhận tinh thần thanh cao của tác giả khi muốn hóa thân vào đất trời tạo vật như cây cỏ, nước, gió... một khi con người tự thân muốn hòa nhập thiên nhiên cũng là lúc tâm trạng đang ở ngưỡng của cõi thiền tâm và muốn bước qua những cám dỗ đời thường bởi cõi tham, sân, si hiện hữu. Điều này chẳng phải ai cũng làm được, nhưng tác giả đã tổng kết con đường của mình trong hành trình xác lập danh, phận rõ ràng.
“Lời yêu” là tập thơ phong phú nhưng lại cô đọng về nội dung, thể hiện ở nhiều câu thơ mang yếu tố triết lý nhân sinh tích cực trong một số bài thơ và đây là thiên hướng sáng tác trong thơ ông. Cuộc sống con người như một hình sin ở điểm mở đầu và chặng kết thúc, một khi con người nắm bắt được quy luật và biết cân bằng cuộc sống, trọng nghĩa tình, biết gieo hạt thiện chân thành để gặt về quả ngọt thì cuộc sống sẽ đáp lại bình yên, an hạnh - Đó là tất cả yếu tố triết lý trong tập thơ “Lời yêu” mà tác giả Trần Đàm đã gửi gắm và để lại những ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc.
Với tố chất nghệ sỹ và niềm đam mê thi ảnh không bao giờ vơi cạn. Những bước chân phiêu lãng trong cõi đời còn nhiều đau khổ nhưng cũng tràn ngập mến yêu này sẽ đưa ông tiến xa hơn nữa, để đẩy những câu thơ thăng hoa lên giới hạn lớn hơn. Thơ luôn là sự kiếm tìm. Chúng ta hy vọng và đón đợi sự sẻ chia ấy của nghệ sỹ Trần Đàm với bạn đọc xa gần trong hành trình sáng tạo.
V.L.A