Đôi điều cảm nhận về bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" - Nguyễn Ngọc Phú
Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc
Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần người khác
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như nắng trong thung, như cỏ trên đồi!
Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang thế
Thương các chị lắm phải không?
Thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi cùng bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che!
- Hai mươi bảy năm qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau, rồi vác cuốc ra đường!
- Cầu gì ư lời ai hỏi trong chiều
Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm trong mộ mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...
(Vương Trọng)
Trong số các bài thơ viết về Ngã ba Đồng Lộc, có hai bài thơ khá nổi tiếng được nhiều người yêu thích và đồng cảm: Đó là bài thơ “Cúc ơi” của Yến Thanh và bài “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ quân đội Vương Trọng. Hai bài thơ đều viết ở mạch tự sự - trữ tình, đều là cầu khẩn thỉnh nguyện, vì thế đã chạm được vào cõi lòng trắc ẩn của người đọc. Bài “Cúc ơi” Yến Thanh viết năm 1968 sau hai ngày 10 cô gái thanh niên xung phong bị bom vùi lấp. Đó là lời gọi hồn nức nở của người đồng đội trong cuộc. Bài thơ Vương Trọng viết năm 1995 sau 27 năm, là sự chiêm nghiệm có độ lùi thời gian và ngưng đọng bao nỗi niềm. Nếu Yến Thanh chọn cách của người đang sống gọi hồn người hy sinh thì ngược lại Vương Trọng chọn lời người hy sinh nằm dưới mộ nói với người đang sống trên trần gian. Cả hai đều âm dương cách trở nên mỗi câu thơ như một lời tâm tình đồng vọng thiết tha...
Cái hay trong tứ thơ của Vương Trọng đã tải được thông điệp nhân văn: Đó là sự hy sinh quên mình, là sự trăn trở về trách nhiệm của mình đối với xã hội của các cô thanh niên xung phong. Bắt đầu từ một nhận thức “Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc”. Đúng vậy, trong những ngày chiến tranh ác liệt ở Ngã ba Đồng Lộc - trọng điểm bom đạn, ngoài lực lượng thanh niên xung phong còn có bộ đội pháo cao xạ, công binh, lái xe... Vì thế lời thỉnh cầu đầu tiên là: “Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp”. Nhà thơ đã chọn một điểm nhấn khá xúc động lay thức lòng người, đó là lời thỉnh cầu của các cô với đàn em nhỏ thiếu nhi - Thế hệ tương lai của đất nước đang: “Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang thế”. Các cô thanh niên xung phong lúc hy sinh tuổi đời còn trẻ lắm và bây giờ 10 ngôi mộ các cô cũng xếp thành hai hàng ngang như ngày nào đứng điểm danh chuẩn bị ra mặt đường thông tuyến. Các cô nói với các em cũng như lời căn dặn các em mình ở nhà, rất đỗi thân thiết, giàu tính biểu tượng, thật giản dị và sâu sắc khi: “Tìm cây non trồng trên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống - Các chị còn khao khát bóng cây che...”. Cây ở đây là cây đời, cây sinh thành, cây sự sống, cây ân nghĩa, trồng cây cũng chính là trồng lại sức sống, bóng mát của cây chính là bóng mát của tình người và sự hy sinh chính là bồi đắp ươm mầm cho sự sống...
Bài thơ bất ngờ chuyển nhịp lời thỉnh cầu sang một tâm trạng khác: “Thương nhớ chúng tôi các bạn ơi đừng khóc - Về bón chăm cho lúa được mùa hơn”. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ chọn hình ảnh “chăm bón lúa” đã làm thổn thức trong ta, day dứt trong ta khi biết: “Bữa ăn cuối cùng 10 chị em không có gạo - Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường”. Hạt gạo bé nhỏ thôi nhưng đó là tinh túy của đồng quê ngấm bao mưa nắng và thấm bao tình người mộc mạc. Thời gian khó vất vả đi qua nhưng người đọc hôm nay vẫn còn nghẹn ngào xúc động trước lời dặn dò thân tình như thế. Đó chính là nốt trầm sâu thẳm nhất, một sự hy sinh lặng lẽ mà bao ân nghĩa vô cùng.
Tứ thơ được triển khai theo lối độc thoại, đối thoại nội tâm vì thế mà chứa bao trắc ẩn nỗi lòng đồng điệu thân thiết: “Cầu gì ư? Lời ai hỏi trong chiều”. “Ai hỏi” - có vẻ là bâng quơ nhưng mà không thờ ơ mà đầy thắm thiết. Chất nữ tính bình dị ở người con gái được biểu lộ thật chân thành: “Ngày bom vùi tóc tai bết đất - Nằm trong mộ mái đầu chưa gội được”. Chỉ một lời thỉnh cầu rất giản đơn: “Cho mọc dậy vài cây bồ kết”. Cây bồ kết thôn quê đã từng được dùng để gội tóc các cô đã mọc rễ vào lòng đất đồi, đất mẹ. Và quả thật hai cây bồ kết đã được trồng cạnh tấm bia khắc bài thơ của nhà thơ Vương Trọng. Hương bồ kết chính là hương quê mộc mạc, đằm thắm nhưng các cô đâu mong muốn giữ cho riêng mình: “Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”. Từ hương trầm cắm ở bát nhang ở đầu bài thơ các cô đã mong muốn: “Còn hương nữa chia đều cho người khác” đến hương bồ kết cuối bài đã gói trọn bài thơ trong hương của tình người, tình đời mãi mãi...
Hà Tĩnh, ngày 2-6-2018
N.N.P
Các tin liên quan