Chuyện cũ không bao giờ cũ (Đọc hồi ức “Tôi và làng tôi” của Lê Bá Thự) - Văn Đắc
Hồi ức “Tôi và làng tôi”, toàn chuyện cũ của những năm 50 - 60 thế kỷ trước của làng Nguyệt Lãng, xứ Thanh. Tôi là bạn đồng môn thân thiết của Lê Bá Thự, đọc những trang “Đi dân công, bộ đội về làng, tình hữu nghị Việt Xô, mong mẹ về chợ, bắt ốc, câu cá, đánh đáo, đánh khăng v.v...” chuyện thì cũ mà chi tiết thì rất mới. Thế hệ chúng tôi thấy vậy, đến thế hệ các con cháu thì đó sẽ là chuyện mới tinh. Giống như nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Bầu khí quyển nông dân mà ta nghĩ chỉ có thể tìm thấy ở nước Thiên đàng”.
Hồi ức nghĩa là nhớ lại, nhớ đến đâu thì viết đến đó, tác giả tha hồ phóng bút. Người đọc thì đọc thoáng qua, đọc kỹ tùy thích, thưởng thức thoải mái cho đến trang cuối cùng. Chuyện dẫn ta theo lời kể mộc mạc, giọng điệu thổ ngữ địa phương. Nhiều khúc đoạn thật thà, tỉ mẩn đến cảm động, có khi lại thấy buồn cười, cười rơi nước mắt.
Hơn 300 trang sách, hầu hết tác giả sử dụng một cách viết thật thà mà không nhàm chán. Ông kể tỉ tê bằng con mắt của trẻ thơ dí dỏm, của người làm văn hóa sinh động, của người làm lịch sử, sưu tầm giàu có tư liệu, của người đầu bếp thành thạo, tác giả hóa thân vào rất nhiều nhân vật và tạo ra ấn tượng một nhân vật xuyên suốt, đó là tác giả Lê Bá Thự. Lê Bá Thự - một cậu bé mới sinh ra đã được bố mẹ tìm đặt cho cái tên Thự. Chả là Thự là tên của ông Thự quét chợ của làng Vạc gần làng ông. Phải đặt tên như thế để khỏi bị ma quỷ bắt. Và Lê Bá Thự thành tên từ đó. Thự lúc nhỏ “hay làm nũng mẹ”, lớn lên “suốt ngày lội nước, lội ruộng, lội ao, lội sông...” hay hát, được các bạn cùng lứa đặt cho nhiều biệt danh: Người nuôi lợn, tiểu đội trưởng chăn vịt, con rái cá, v.v... rồi thành nhà giáo đại học, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan; nay là nhà văn dịch giả có tiếng cần mẫn, chân mộc, tài năng mà khiêm nhường, từng trải mà giản dị, phố thị mà nhà quê, đến tuổi xưa nay hiếm Lê Bá Thự về chịu tang mẹ, khóc nức nở “Mẹ ơi, sao mẹ không gọi con về, để con được bên mẹ lúc mẹ ra đi. Con có lỗi với mẹ nhiều lắm, mẹ ơi!...”.
Làng Nguyệt Lãng và các làng gần xa về đưa tang một người mẹ 93 tuổi, suốt một đời tần tảo lo chăm chồng con, lo chăm việc làng, việc nước, Lê Bá Thự đi lùi đón mẹ về cõi Tây phương cực lạc.
Lê Bá Thự có bài thơ dâng mẹ lúc mẹ còn sống. Bài thơ “Đi về ngày xưa” đã truyền đi cả nước:
Mẹ tôi bỏm bẻm nhai trầu
Da mồi tóc bạc nhuốm màu thời gian
....
Tiếng ve lại rộn bờ tre
Cả nhà lại uống nước chè vườn quê
Miếng trầu của mẹ tôi mê
Dắt tôi thẳng lối đi về ngày xưa.
Đi về ngày xưa là đi đâu, chuyện đâu cũng loanh quanh về làng Nguyệt Lãng, về Thự với làng và làng trong ký ức Thự, “đi về ngày xưa” bằng rất nhiều câu chuyện trong mỗi khúc đoạn chuyện xưa, thường chen vào lời trữ tình ngoại đề liên tưởng đến hiện tại. Những đoạn văn như những nhịp cầu làm người đọc không thấy lạc vào thời cũ, đường cũ mà thấy mới mẻ.
“Tôi và làng tôi” là một tác phẩm tư liệu về làng quê Việt Nam một thời, một bài thơ văn xuôi dài, dặt dìu hương hoa cỏ, lảnh lót tiếng chim đồng bãi, xao xác tiếng nói cười gồng gánh, tiếng chân sục bùn của người nông phu, tiếng hát trong trẻo, xa xăm của trai gái quê mùa bình yên, hồn hậu.
Làng quê nông thôn Việt Nam qua bao nhiêu thăng trầm đổi thay, mới mẻ lên rất nhiều. Nhưng trong tình yêu của chúng ta vẫn ám ảnh một hồn quê xưa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói:
Nhà văn Lê Bá Thự - Người “gọi hồn làng”.
Tôi muốn bổ sung thêm:
Nhà văn Lê Bá Thự - Người làm mới những câu chuyện cũ.
Xin được xếp tác phẩm “Tôi và làng tôi” vào kho tàng văn học Việt Nam xưa và nay.
Thanh Hóa, ngày 21-6-2018
V.Đ