Anh về đến nhà lúc chập trưa, thời khắc nắng bắt đầu trở nên gay gắt. Mẹ vắng nhà. Rất chậm rãi, anh mở cánh cổng khép hờ rồi bước vào vườn. Ngay lúc chạm tay lên cánh cổng, anh thấy lòng rộn lên một cảm giác hân hoan. Không hẳn vì được trở về nơi mình sinh ra và lớn lên, mà lúc đó anh tự hỏi, ở phố cổng rả như vậy, liệu trong nhà còn lại gì không? Hỏi xong anh tự trả lời, thực ra trong ngôi nhà này, có điều gì quý giá để phải khư khư giữ đâu. Bởi anh biết, điều quý giá nhất với mẹ anh - chính là anh, thì đã không còn ở trong ngôi nhà này.
Khu vườn không có nhiều thay đổi. Anh bước vào vườn rồi ngả lưng xuống chiếc võng được mắc lên từ hai cây ổi sẻ. Trên đầu, nắng nhảy lao xao qua những vòm lá mướt xanh. Anh lấy chân dậm xuống đất tạo thành lực đẩy rồi thu chân lên võng, để mặc chiếc võng đung đưa qua lại. Gió hiu hiu thổi, anh chợp mắt lúc nào không hay. Cho đến khi có tiếng cánh cổng gỗ va vào tường khiến anh thức giấc. Mẹ đã về!
Thấy anh nằm trên võng, mẹ đến gần, giọng vồn vã như không tin vào mắt mình: “Về bao giờ đó con? Rồi chị Hoài và con bé đâu?”. Anh vẫn ngồi trên võng, trả lời mẹ: “Con về được một lúc, không thấy mẹ ở nhà nên ra đây nằm. Con có chuyến công tác trong này, tiện thể ghé về thăm nhà thôi mẹ!”. Mẹ anh vẫn chưa thôi quan tâm: “Đi đường có mệt lắm không? Thôi cứ nằm đó, mẹ đi nấu cơm rồi lát dậy ăn”.
Nói rồi mẹ đi vào nhà, còn anh ngồi lại trên võng. Anh nhìn theo dáng mẹ, thấy sự tất bật vẫn không thay đổi, chỉ có mẹ là già đi. Sống mũi anh cay xè khi nghĩ về người mẹ tội nghiệp của mình. Hơn một lần anh ngỏ lời đón mẹ ra Hà Nội sống cùng vợ chồng mình, để mẹ được nghỉ ngơi, không phải làm lụng nữa. Nhưng tất cả những lần đó, ngay khi anh vừa mở lời mẹ liền xua tay: “Thôi thôi, ra đó khác gì ngồi tù. Với lại còn nhà cửa, đất đai vườn tược, mẹ không bỏ được!”.
Trước quyết tâm của mẹ, anh đành bỏ ý định đón mẹ ra Hà Nội. Hàng tháng, anh đều đặn gửi về biếu mẹ một ít tiền nhưng mẹ anh chẳng bao giờ đả động đến số tiền này. Nhu cầu không nhiều, mẹ anh có thể gom góp từ quả trứng, mớ rau trong vườn ra chợ bán cũng đủ trang trải qua ngày. Giờ nghĩ lại, anh thấy việc mẹ không ra Hà Nội với vợ chồng mình cũng là một may mắn. Bởi nếu mẹ đang ở ngoài đó, thì những lúc như thế này, anh không biết sẽ đi đâu về đâu.
Lúc sau, có tiếng mẹ kêu anh vào ăn cơm. Anh vào nhà cất đồ rồi ra giếng rửa mặt. Nước giếng mát lành khiến anh tỉnh hẳn. Khi anh vào, thấy hai bát cơm đã được xới sẵn, mẹ ngồi bên mâm cơm chờ đợi. Vẫn giữ thói quen từ hồi nhỏ, anh lễ phép mời mẹ xơi cơm rồi mới cầm đũa. Chưa kịp gắp gì, mẹ đã bỏ vào bát cho anh miếng cá quả săn chắc: “Ăn đi con!”.
Mẹ nhìn anh như chờ đợi. Anh đưa bát cơm ngang miệng, và một miếng thật lớn. Anh vừa nhai vừa bần thần nhìn xuống mâm cơm. Ngoài đĩa cá đồng kho, đĩa rau muống xào tỏi còn có thêm tô canh được nấu từ đầu và đuôi cá quả với dưa cải chua. Tô canh chua dậy lên màu vàng ươm nhờ được cho vào mấy lát nghệ tươi giã dập. Mâm cơm này không khác với mâm cơm hôm trước là mấy. Nghĩ đến đó, bỗng nhiên lòng anh quặn lên.
Thấy anh ngồi nghệt mặt ra, mẹ giục: “Kìa, ăn đi chứ! Con có chuyện gì à?”. Anh luống cuống: “Dạ không. Tại nhìn tô canh, con nhớ lại hồi bé đó mẹ!”. Anh cười cười với mẹ rồi ăn một cách nồng nhiệt. Mẹ hỏi: “Chị Hoài và con bé dạo này thế nào?”. Anh nuốt vội miếng cơm rồi trả lời: “Vợ con vẫn khỏe. Dạo này cô ấy bận rộn hơn vì công ty đang vào mùa cao điểm. Bé Gạo đợt này cũng ít quấy rồi. Hè tới vợ chồng con sẽ thu xếp đưa cháu về thăm mẹ”.
Được một lúc, như sực nhớ ra điều gì, anh hỏi: “à, thằng Phong, thằng Lợi nay sao rồi mẹ?”. Hỏi xong anh mới chột dạ. Không dưng lại hỏi mẹ về hai người kia. Nhưng câu hỏi thì cũng đã phát ra rồi.
Cả Phong và Lợi đều là những người bạn học thời thơ ấu, có lẽ vì vậy nên mẹ anh không tỏ ra ngạc nhiên hoặc thắc mắc trước câu hỏi của anh. Mẹ anh ngừng đũa, chừng như muốn tập trung về hai nhân vật vừa được hỏi. “Thằng Phong giờ chuyển nhà lên thị trấn rồi. Nghe đâu nó có cửa hàng đồ gỗ gia dụng, buôn bán cũng được lắm. Hôm trước xã xây cổng làng, nó bận không về nhưng gửi tiền ủng hộ tới mấy chục triệu đó”.
Đến lượt Lợi, anh hơi buồn cười khi nhìn mẹ kể về Lợi với đôi mắt ánh lên niềm tự hào, như thể mẹ đang kể về sự thành đạt của con trai mình. “Từ khi được ngân hàng cho vay vốn làm ăn, Lợi đã thành ông chủ cửa hàng xay xát gạo. Lấy được cô vợ cũng chăm chỉ, tháo vát, hai vợ chồng còn đầu tư chăn nuôi nên khấm khá lắm”.
Anh nhìn mẹ, cố pha trò cho mẹ vui: “Tính ra hai đứa nó cũng sướng hơn con đó mẹ! Vừa có tiền lại chẳng phải đi xa...”. Mẹ anh nhíu mày: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, so sánh sao được. Người ta sống đâu chỉ mỗi tiền không!”.
Kết thúc bữa cơm, anh nói với mẹ: “Chiều con lên thị trấn liên hệ công việc nha mẹ!”. Mẹ anh vội hỏi: “Chừng nào xong, có về ăn cơm không?”. Anh đáp: “Công việc khá rắc rối, chưa biết chừng nào xong. Nếu con về muộn, mẹ cứ ăn cơm trước đi, đừng đợi con làm gì”.
Chợt nhớ ra anh liền bảo: “à, có thể con sẽ tranh thủ ghé nhà Phong chơi một lát. Mẹ có biết địa chỉ nhà cậu ấy không?”. Mẹ anh lắc đầu: “Nào mẹ đã lên thị trấn bao giờ. Nghe người làng nói ở gần ngã tư thị trấn, cửa hàng có cái tên Phong Lan to tướng”.
*
Buổi chiều, anh qua nhà họ hàng mượn xe rồi chạy lên thị trấn.
Sau một hồi chạy qua chạy lại, cuối cùng anh cũng tìm thấy cửa hàng đồ gỗ gia dụng với tấm bảng Phong Lan to tướng theo như mô tả của mẹ anh. Anh đứng nhìn cửa hàng, sau một vài giây ngần ngừ, anh quyết định đi vào quán cà phê đối diện.
Anh gọi một ly nâu đá rồi lôi chiếc laptop từ trong ba lô đặt lên bàn. Laptop đã được khởi động xong nhưng đôi mắt anh không nhìn vào đó mà đang hướng về cửa hàng đồ gỗ bên kia đường. Chốc chốc một vài chiếc xe chạy xẹt ngang, che khuất tầm nhìn của anh nhưng rất nhanh chóng, tầm nhìn của anh được trả lại. Anh vừa ngồi xuống được một lúc thì khách khứa bắt đầu tấp nập ra vào. Và rồi anh thấy Phong bước ra.
Não bộ của anh vẫn dung chứa đầy đủ hình ảnh về Phong, và cả Lợi. Thực ra cũng chưa phải lâu la gì, anh chỉ không gặp bọn họ quãng dăm năm nay, khi bé Gạo ra đời. Còn trước đó, hầu như mỗi năm anh lại về thăm mẹ một hai lần. Làng anh nhỏ nên dĩ nhiên, anh vẫn gặp cả Phong và Lợi. Như cách nói mà anh vẫn thường bông đùa với bạn bè, rằng thời gian vốn khắc nghiệt; thì giờ đây, anh nghĩ, câu nói ấy có vẻ ứng với Phong. Năm năm không gặp, Phong bắt đầu phát tướng, bụng đã lồ lộ dưới lớp áo thun mỏng.
Phong trò chuyện với khách hàng trong dáng vẻ của một ông chủ, thỉnh thoảng cười phá lên. Tất cả vẫn chỉ là quan sát từ xa, nhưng bằng những hình ảnh đã thấy, anh phần nào có thể đoán được cuộc sống khá giả của Phong. Thêm vào đó, bên cạnh Phong còn có Lan làm nhiệm vụ trò chuyện với khách hàng rồi thu tiền. Điều đó cho thấy niềm hạnh phúc của gia đình Phong, khi cả vợ lẫn chồng có sự tương trợ nhau.
Một cuộc giao dịch vừa xong, Phong đi ra giúp khách hàng chuyển đồ lên xe rồi chào họ. Bất giác, anh hơi rụt người lại. Anh vờ chăm chú nhìn vào màn hình laptop dù biết với khoảng cách bên này và bên kia, Phong khó mà phát hiện ra mình. Đến khi anh ngước mặt lên, đã lại thấy Phong đang vui vẻ với cuộc giao dịch mới.
Anh hơi nhíu mày khi nhìn ly cà phê trên bàn. Ly cà phê chẳng những không vơi đi mà giờ còn đầy hơn, phân chia thành hai lớp. Lớp cà phê màu nâu lắng xuống bên dưới, phần trên là lớp nước nhờ nhợ. Mình đang ở đây để làm gì? Điều gì xui khiến mình xuất hiện ở đây? Anh tự hỏi mình một cách thảng thốt.
*
... Bữa cơm trưa được dọn sẵn trên bàn. Hôm nay chủ nhật nên vợ anh có thời gian cho công việc bếp núc. Hoài không thuộc tuýp phụ nữ giỏi nữ công gia chánh nhưng với khẩu vị đơn giản của chồng, chỉ cần bữa ăn có đầy đủ cơm, canh, cá, rau thì cũng không có gì khó khăn. Ngoài đĩa cá đồng kho, đĩa rau muống xào tỏi còn có thêm tô canh được nấu từ đầu và đuôi cá quả với dưa cải chua. Mùi thức ăn dậy lên thơm phức khắp căn phòng khiến anh thấy lòng cồn cào. “Nghỉ tay, đi ăn cơm thôi!”. Anh nói với cô con gái 5 tuổi của mình khi hai bố con đang cùng chơi đồ hàng ở phòng khách. Vừa ngồi xuống ghế, anh đã xuýt xoa: “Chà. Nhìn hấp dẫn quá!”. Hoài cười nhẹ: “Sáng nay em ra chợ sớm, có bà vừa mang cá đến. Chắc là mới bắt được tối qua nên cá vẫn còn tươi rói, giãy liên hồi trong chậu”.
Anh gỡ xương cá cẩn thận rồi cho vào bát con gái. Bé Gạo 5 tuổi nhưng vợ chồng anh dạy con tự lập từ sớm, thành ra bé có thể tự xúc ăn mà không cần đến bố mẹ phải đút. Gắp cá vào bát cho bé Gạo xong, đang định bưng bát cơm lên thì đột nhiên anh nghe bên ngoài có tiếng trẻ con khóc. Ban đầu anh nghĩ chắc tụi trẻ con trêu đùa nhau, khóc lóc một tí rồi tự nín. Nhưng tiếng khóc nghe đầy nức nở mãi không dứt. Hoài nhìn anh nhắc: “Anh ra ngoài xem có chuyện gì?”. Anh liền buông bát: “ừ, hai mẹ con cứ ăn đi. Để anh ra ngoài xem thế nào!”.
Lúc anh mở cổng, thấy bên trái có ba đứa trẻ choai choai, tầm mười, mười một tuổi. Hai đứa lớn hơn đang dồn thằng nhóc thấp hơn một cái đầu vào chân tường. Thằng nhóc khóc nức nở, nước mắt nước mũi tèm lem. Nó dường như bất lực, không thể vùng thoát trước hai gọng kìm kẹp chặt là hai thằng nhóc đứng hai bên. Một trong hai thằng đứng trước mặt thằng bé, tay chỉ xuống khoảng không vừa được tạo ra từ chính hai chân của nó: “Mày chui qua thì tao sẽ tha!”.
Tiếng cười của hai thằng rộ lên, trong khi thằng bé yếu ớt và tội nghiệp vẫn đang rũ rượi dưới đường. Dường như nó đang nấn ná trước đề nghị vừa rồi. Toàn thân anh nóng ran. Anh bất ngờ lao đến, túm lấy cổ áo của thằng bé đang dạng chân, rồi phết vào mông nó tới tấp: “Tụi bay đang làm gì thế hả? Hả?”.
Mỗi chữ “Hả” từ miệng anh văng ra là mỗi lần bàn tay cứng đanh trút xuống người nó. Thằng bé sau một hồi ngỡ ngàng bắt đầu khóc rống lên. Tiếng khóc của nó hòa nhịp với tiếng khóc của hai thằng bé còn lại, tạo thành dàn đồng ca ầm ĩ.
Bàn tay anh chỉ thực sự dừng lại khi Hoài bước ra và giữ chặt. “Anh đang làm gì thế hả?”. Hoài hỏi mà như gào lên. Tiếng hét của Hoài khiến anh bừng tỉnh. Anh buông thõng tay mình, ngơ ngác nhìn xung quanh. Nhân lúc ấy, ba đứa trẻ bất thần vùng chạy. Những chiếc bóng của chúng đè nghiến lên nhau.
Ban đầu, Hoài định đến dỗ dành ba đứa trẻ, nhưng chưa kịp làm việc đó thì chúng đã cắm đầu cắm cổ chạy đi. Vậy nên, sau khi ba đứa trẻ khuất dạng, Hoài vội vàng bế con vào nhà. Anh đứng trơ trọi giữa trưa nắng một lúc rồi cũng chậm rãi đi vào.
Bàn ăn lặng phắc. Cả Hoài lẫn bé Gạo đều không ở đó dù bữa ăn vẫn còn dang dở. Anh tiến về phía cửa buồng, định đánh tiếng: “Hai mẹ con đâu rồi, ra ăn kẻo cơm canh nguội mất!”, nhưng ngay lúc anh vừa ló đầu vào buồng, lập tức Hoài ôm con nép vào bên trong, như một cách bày tỏ thái độ mà vì một lý do nào đó cô không muốn lên tiếng.
Ngày hôm sau, sự im lặng vẫn bao trùm khắp căn nhà. Bữa cơm tối đã không còn rộn ràng như mấy ngày trước đây. Vài lời bông đùa của anh những mong có thể xoay chuyển tình hình, nhưng tất cả đều lọt thỏm trong sự im lặng. Hoài nhìn anh bằng ánh mắt sợ hãi và xa lạ. Việc ai người nấy làm, không nhờ vả, không giao tiếp; nếu có chỉ là những gượng gạo. Anh thấy đau đớn hơn cả khi bé Gạo cũng nhìn anh như vậy. Trong đôi mắt trong veo kia, còn ẩn chứa thêm sự hoảng hốt mà lẽ ra không nên có ở một đứa trẻ 5 tuổi.
Anh tự hỏi liệu mình có đang nhạy cảm quá không, nhưng mọi việc diễn ra trước mắt khiến anh đành phải xóa bỏ mối nghi ngờ ấy. Anh thực sự lấy làm hoang mang, không hiểu mình đã làm gì, cũng chưa biết phải mở lời như thế nào; chỉ thấy lòng nặng trĩu. Mỗi lần nghĩ đến ánh mắt của Hoài, anh chỉ thấy khó thở. ánh mắt ấy có lẽ chỉ nên dành cho người dưng nước lã, mà anh đâu phải người dưng. Dù gì cũng sáu năm tình nghĩa vợ chồng. Nói tổn thương thì hơi quá lời nhưng một điều gì đó tương tự đang xâm chiếm trí não anh. Mấy lần anh định hỏi Hoài nhưng anh kịp ngăn mình lại. Nếu hỏi Hoài, đồng nghĩa là anh đang thừa nhận tồn tại một sự thật như vậy. Nhưng đó là sự thật gì thì anh hoàn toàn không biết!
Đến ngày thứ ba, không muốn tiếp tục đắm chìm trong sự ngột ngạt, anh viện cớ đi công tác ít ngày, những mong sự vắng mặt của anh lúc này sẽ là giải pháp tốt cho cả anh lẫn Hoài.
Anh vác ba lô ra khỏi nhà, sau một lúc phân vân, anh quyết định về quê. Lu bu với chuyện bài vở, dễ đến mấy tháng rồi anh chưa về thăm mẹ. Một công đôi việc vậy, anh thầm nhủ.
*
Mải mê theo đuổi những ý nghĩ thi nhau chạy trong đầu, anh không biết bóng tối đã buông từ lúc nào. Tắt máy tính, anh gọi tính tiền rồi đứng dậy ra về.
Từ thị trấn, anh về nhà vừa kịp ăn cơm tối với mẹ. Dựng xe xong, anh liền sà xuống mâm cơm. Trước khi và miếng cơm vào miệng còn kịp nhìn thấy đôi mắt như đang reo vui của mẹ. Bất giác, anh nhớ đến câu nói của người mẹ trong một bộ phim mà anh xem khá lâu: “Có hai niềm vui lớn trong đời. Nước mát chảy xuống vùng khô cạn. Và thức ăn được đưa vào miệng con mình”. Anh kín đáo nhìn mẹ rồi hồ hởi ăn một cách ngon lành.
Sau khi đã rửa bát, xếp gọn lên kệ, anh nói với mẹ: “Mẹ xem tivi xong rồi nghỉ đi, con sang chơi nhà Lợi một chút”.
Nhà Lợi nằm về hướng ra đồng, cách nhà anh khoảng vài trăm mét. Anh tản bộ trên đường làng, lòng khoan khoái giữa không gian yên tĩnh và thanh sạch, chẳng mấy chốc đã thấy mình đứng trước cổng nhà Lợi. Anh nhìn qua hàng rào, thấy vợ chồng Lợi cùng ba đứa con sàn sàn tuổi nhau đang quây quần bên mâm cơm được dọn ra giữa sân. Hai vợ chồng Lợi trao qua đổi lại mấy câu chuyện trong ngày, thêm vào tiếng trẻ con chành chọe khiến bữa cơm trở nên rôm rả hơn. Nhìn bữa cơm đầm ấm, bỗng nhiên anh cảm thấy có chút chạnh lòng. Nhà anh cũng từng có những bữa cơm như vậy. Nhưng bây giờ...
Không muốn ai đó bắt gặp cảnh thập thò của mình lại nghĩ không hay nên anh vội vã đi về phía cánh đồng. Đồng đêm yên tĩnh, anh nghe rõ tiếng dế gáy, tiếng sóng lúa rì rào khi có luồng gió bất chợt ngang qua. Anh mở căng lồng ngực, đón nhận mùi thơm ngọt của lúa vừa mới qua đợt trổ đòng lẫn mùi ngai ngái của đất.
Anh ngồi xuống vạt cỏ bên đường, nhớ lại khung cảnh đầm ấm vừa nãy của gia đình Lợi rồi sự thành đạt của vợ chồng Phong mà anh được chứng kiến lúc chiều. Anh nhớ thêm khuôn mặt ơ hờ của Hoài. Nhưng khiến anh đau lòng nhất có lẽ là khuôn mặt của bé Gạo.
Hình ảnh buổi trưa hôm đó hiện lên đầy chân thực trong đầu anh. Lần này, có thêm một chi tiết mà anh vừa nhớ đến. Đó chính là đôi mắt của bé Gạo. Khi ba đứa trẻ khuất dạng, anh quay lưng để bước vào nhà liền bắt gặp bé Gạo đứng đó từ bao giờ. Đôi mắt con bé nhìn anh vừa sợ hãi vừa hốt hoảng. Có lẽ vì bé Gạo được Hoài bế vào nhà ngay sau đó nên anh chỉ kịp nhìn thoáng qua, không thực sự để tâm. Cho đến lúc này, khi nhớ lại mới hoảng hồn. Cảm giác tức ngực khiến anh thở một cách khó khăn. Liền sau đó, những hình ảnh cũ lại ùa về, không phải buổi trưa hôm trước mà vào thuở anh lên mười.
Cậu bé mười tuổi là anh khi đó ốm o, gầy nhẳng. Trong anh luôn thường trực một nỗi sợ phải chạm mặt hai người bạn cùng lớp là Phong và Lợi. Bởi những lần chạm mặt đó luôn luôn là những cuộc bắt nạt mà nạn nhân không ai khác chính là anh. Chúng hoặc nhét vào tai anh câu “Thằng không cha” hoặc sẽ đánh đập anh tùy hứng, có lúc chúng còn tìm mọi cách để anh phải chui qua háng chúng. Chúng có hai đứa, vậy nên anh chỉ có một cách là chống trả yếu ớt, không ít lần cơ thể tong teo của anh mang đầy thương tích. Tuyệt nhiên anh không bao giờ hó hé với mẹ nửa lời. Anh không muốn mẹ phải phiền lòng. Nếu có vết thương nào đó lộ ra, anh sẽ lấp liếm nó bằng một lý do hợp lý.
Không nói gì với mẹ nhưng anh vẫn hy vọng cô giáo phát giác chuyện này và sẽ giải vây cho mình. Nhưng rồi anh mau chóng nhận lấy sự tuyệt vọng về mình. Đó là lần chiếc bút duy nhất của anh bị mất. Thực ra, nó bị Phong và Lợi giấu đi. Hai đứa nó luôn đinh ninh rằng anh sẽ chẳng dám làm gì để chống lại chúng. Hôm đó, lấy hết can đảm, anh đã đứng dậy và thưa với cô giáo về việc này. Đáp lại lời khẩn cầu của anh, cô giáo phẩy tay: “Em tìm kỹ lại đi, sao lại đổ tội cho bạn như thế. Hai bạn ấy sao có thể lấy cắp đồ của người khác được!”.
Từng lời của cô giáo như lưỡi dao nhọn sắc khoét sâu vào tâm trí anh. Nó bén ngọt đến mức khiến tâm hồn anh không còn bình thường được nữa. Một cái gì đó đã vỡ òa khiến anh đau đớn, hoang mang. Anh lớn lên với một tâm hồn đầy thương tổn. Những tưởng khi đã lấy vợ rồi sinh con, anh sẽ được sống yên ổn; ấy vậy mà ký ức đó chưa từng ngủ yên, luôn chực chờ thức dậy khi có cơ hội...
Anh run run nghĩ lại về buổi trưa hôm đó. Rồi anh ngước lên trời. Trên cao, mảnh trăng trông tựa con thuyền cong mui giữa đêm đen huyền bí. Con thuyền ấy không có mỏ neo nên không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì mà tự do trôi bồng bềnh. Anh thèm được như mảnh trăng kia, chỉ tiếc anh đã ôm rịt lấy chiếc neo quá lâu. Chiếc neo ấy thật khó để định dạng nhưng nó khiến anh bị mắc kẹt trong mớ ký ức bùng nhùng của mình. Gần hai mươi năm rồi còn gì. Cô giáo đã mất, thằng Phong và Lợi cũng đã lớn, đã có cuộc sống riêng của chúng nó. Chúng hẳn sẽ không còn nhớ gì về câu chuyện của gần hai mươi năm trước. Chỉ có anh là mãi đeo đẳng với ký ức của mình.
Anh đứng dậy rồi quyết định về nhà. Sau lưng, tiếng dế vẫn râm ran. Mùi thơm của lúa thoang thoảng trong không khí. Anh mở căng lồng ngực, hít một hơi thật sâu.
Về đến nhà thì mẹ đã đi ngủ, anh liền lấy tấm chiếu trải ra giữa sân rồi nằm ngủ. Buổi tối đầu hè, trời trong, gió hiu hiu thổi. Không có gì thích thú hơn khi được tận hưởng những làn gió mát ngọt, như đang có một bàn tay dịu dàng vỗ về đứa con trót mang phận tha phương, lâu lâu mới được về nhà. Anh thiếp đi sau một hồi suy nghĩ mông lung.
Giữa khuya, mẹ ra lay anh dậy: “Vào nhà nằm kẻo sương, con...”. Anh ngồi dậy, cuộn chiếu. Trước khi vào nhà, anh quay sang nói với mẹ: “Sáng mai con ra Hà Nội mẹ ạ!”.
H.H.S