Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Dự thi sáng tác văn học trẻ   /   Thí dụ ngày mất tiền - Hiền Nguyễn
Thí dụ ngày mất tiền - Hiền Nguyễn

1. 
Hắn lái taxi ở một sân bay.
Nhưng cả chiều nay hắn không được chuyến taxi nào. Trong khi đồng nghiệp của hắn cứ tíu tít hết chuyến nọ đến chuyến kia còn hắn thì ngáp dài. Ngoác mồm ngáp đến cái thứ ba thì nước mắt đã thi nhau chảy. Thật lạ, hắn phát hiện ra, ngày nào cũng như ngày nào, vẫn ngủ ngần ấy tiếng mà hôm nào đông khách, tất bật lẽ ra phải mệt mỏi và buồn ngủ thì ngược lại, rảnh rỗi, nhàn hạ lại làm người ta mệt mỏi và buồn ngủ hơn gấp trăm lần.
Hết ngày, gửi taxi vào bãi, hắn uể oải cưỡi con xe máy già nua về nhà. Hắn đi thật chậm và thấy con đường hôm nay rất đẹp. Hàng cây hai bên đường đan vào nhau tạo thành những cái ôm hắt bóng xuống đường thật tình tứ. Một quãng, một quãng lại có cây nở hoa, khiến hắn nhìn không chán mắt. Hắn còn mơ màng nghĩ, hoa này nở nghĩa là mùa này về, hoa này nở có mùi gì nhỉ, hắn không thể nhớ chính xác nữa. Đi chậm hơn tí nữa để ngửi xem nào. Vẫn không nhận ra. Chả nhẽ lại dừng xe, ngắt hoa và ngửi? Không được, người đi đường nhìn và cười thì ngượng lắm, khéo tưởng hâm. 
Đang miên man bỗng hắn gờn gợn như mắt mình vừa nhìn thấy tiền, một tờ một trăm nghìn giữa đường. Bị đi quá một chút, hắn phanh kít và quay lại. Đúng tiền! Đúng là tờ một trăm nghìn. Hắn nhìn trước nhìn sau, không thấy có ai, hắn vội vàng cúi cuống nhặt và đút nhanh vào túi quần. Đi được một lát, hắn dừng lại, lôi tờ tiền ra nhìn lại lần nữa rồi yên tâm đi tiếp. Hắn thấy mọi vẩn vơ và lo lắng vừa nãy tan biến nhanh chóng. Hắn quên tiệt cả mùi hoa, quên sạch cả chuyện không có khách. Không ngờ một tờ tiền của kẻ đen đủi nào đó lại mang đến cho hắn niềm vui đến vậy. 
Suốt cả dọc đường về nhà hắn chỉ nghĩ đến tờ một trăm nghìn nhặt được. Cứ đi được một đoạn hắn lại sờ tay vào túi quần xem có còn không. Lúc này hắn rất sợ nó rơi mất. Hắn sợ cả tờ tiền đó là giả nữa. Nhỡ tiền giả thì sao nhỉ, vì lúc nhặt hắn cứ vội vàng sợ ai nhìn thấy nên không nhìn kỹ. Nhất định phải dừng xe, ra cái chỗ sang sáng kia để kiểm tra lại. Nhưng hắn sợ, lúc này hắn rất sợ bị ai nhìn thấy, bị ai phát hiện ra hắn nhặt được tiền và đòi lại, bất kể người đó là ai, trẻ hay già, công an hay dân thường. Hắn mong con đường thật ngắn để nhanh chóng về nhà, chui ngay vào nhà vệ sinh, bật đèn sáng để kiểm tra. 
Đang sợ là thế, lại đột nhiên có ý nghĩ khác chen chân vào: Hắn mong con đường thật dài để nhặt được thêm tờ nữa. Đúng là mâu thuẫn vớ vẩn. Hắn cố gạt bỏ ý nghĩ đó khi nghĩ đến vợ. Hắn nảy sinh nhu cầu chia sẻ cái mà hắn gọi là “lộc” cho vợ. Hắn không ngần ngại rút thêm ở ví ra một trăm nghìn nữa mua một bó hoa đẹp, dù những ngày cần mua hoa tặng vợ hắn đã bỏ qua. Hắn không thấy tiếc tiền, cảm thấy vui như vừa tham ô được món hời của kẻ vô danh lạ hoắc.
Hắn nghĩ kẻ đánh rơi tiền kia nếu có phát hiện ra mình bị mất một trăm nghìn chắc cũng không buồn lắm vì thêm hay bớt một trăm nghìn cũng chẳng thể giàu hay nghèo đi được mà nó lại đem đến niềm vui cho hắn. Hắn cảm ơn ai đó đã đánh rơi tờ tiền kia lắm.
...
Nhiều ngày sau, đi trên con đường đó hắn cứ dán mắt nhìn xuống đường nhưng tuyệt nhiên không nhặt được thêm thứ gì.
2.
Hắn nghĩ ra một trò chơi mới. Cứ mỗi tháng lĩnh lương hắn dành ra một trăm nghìn rồi lặng lẽ vứt ra đường, sau đó nấp vào một xó nào đấy quan sát. Hắn thấy niềm vui sướng tràn ngập trong lòng khi nhìn thấy kẻ nào đó dừng lại, vừa hồ hởi, vừa thận trọng nhìn trước ngó sau, y như hắn hôm nào.
Trò chơi của hắn tuyệt nhiên chị vợ không biết.
Mới thực thi kế hoạch “mua vui” được vài tháng thì bữa cơm ấy xảy ra một chuyện làm hắn nghĩ ngợi. Vừa dọn cơm ra, chưa kịp ăn thì ông tổ trưởng tổ dân phố xuất hiện. Vừa nhìn thấy ông, vợ hắn đã cau có. Ông tổ trưởng đến thông báo việc đóng góp ủng hộ quỹ khuyến học. Ông thao thao đọc: “Nếu góp mười triệu trở lên thì được khắc tên trang trọng ở bảng vàng thư viện địa phương, năm trăm nghìn thì... ba trăm nghìn thì... và năm mươi nghìn thì có giấy xác nhận...”. Chưa dứt câu, vợ hắn chen ngay vào: “Nhà em đóng hai mươi nghìn”. Mọi hào hứng của ông tổ trưởng phụt tắt, ông hạ kính và không đọc hay giải thích gì thêm nữa, khẽ đưa mắt nhìn vợ hắn như kẻ vừa bị mất tiền, ông uể oải lấy giấy bút ra ghi tên họ và số tiền hai mươi nghìn.
Ông tổ trưởng về, hai vợ chồng vào bàn ăn cơm và chị vợ không quên kèm theo mấy câu kèo nhèo “Suốt ngày ủng hộ, cứ nhìn thấy mặt ông ấy đến là biết ngay mất tiền, cơ quan em cũng thế, lương chưa lĩnh đến tay đã bị tóm ngay trăm nghìn đủ các lý do”. “Thôi ăn đi, sao ủng hộ người nghèo, các cháu học sinh, làm việc thiện mà bực mình thế”. “Chứ lại không à, giờ không tin được cái thứ gọi là ủng hộ. Mình có bỏ ra hàng triệu cũng chắc gì đến được nguyên vẹn với người cần. Tốt nhất là thấy ai hoạn nạn, chỉ cần đài báo đưa tin, cho địa chỉ, ai có lòng hảo tâm thì chuyển đến tận tay người nhận”.
“Phải đến tận tay người cần” câu nói ấy cứ văng vẳng bên tai hắn. Thoạt đầu hắn cho rằng vợ mình chắc lép, nhưng nghĩ lại thấy đúng. Hắn liên tưởng đến câu chuyện của mình rồi cười thầm, hoá ra hắn bỏ tiền ra “làm phúc” cũng là đến tận tay. Đúng là một cái giá quá hời để đem lại niềm vui cho cả hai: người tự nguyện mất và người bỗng dưng được. Nhiều lúc hắn tự hỏi, không biết người nhặt được kia có mua hoa như mình không, họ làm gì với số tiền ấy... Tóm lại là số phận của tờ một trăm nghìn ấy như thế nào nhỉ? Cứ thế, mỗi ngày hắn nghĩ một cách vớ vẩn, không đâu vào đâu về tờ tiền của mình, cứ như thể nó đã cứu cánh cho sự nhàn rỗi và độc thoại của mình hết ngày này sang tháng khác.
Hắn nuốt miếng cơm cuối cùng và kết thúc chương trình thời sự. Hắn để ý, từ lúc ông tổ trưởng tổ dân phố về đến giờ vợ hắn cứ lảm nhảm về “tiền ủng hộ”. Nhưng hắn không nhập tâm lắm bởi cơn sướng chiều nay cứ mãi âm ỉ trong người. Nhất là bộ mặt hớn hở của bà lão khi dừng lại nhặt tiền. Nó như một thước phim quay chậm và đều đặn tua đi tua lại trong đầu hắn. Cho đến khi mâm cơm được dọn đi, vợ hắn vẫn không quên buông ra một câu: “Tiền ủng hộ thì phải đến đúng tay người nghèo”. Câu nói như gáo nước lạnh chặn hết nguồn vui mấy tháng nay. Hắn bỏ ra một trăm nghìn ủng hộ và đến tận tay người nhận không qua trung gian, nhưng có chắc người nhặt được lạ mặt kia có thật nghèo và cần đến tiền tới mức nhặt được có một trăm nghìn cũng sung sướng không? Hay nhìn thấy tiền rơi thì bất kể kẻ giàu nghèo nào cũng có một phản xạ là cúi xuống nhặt và sung sướng như vừa giành giật lấy sự may mắn hiếm có của bản thân?
Sau một đêm nằm cạnh vợ mà trằn trọc không ngủ, hắn lại nghĩ đến số phận những tờ tiền của mình bị vứt ra đường. Nhẩm tính, cuộc chơi này đã mất của hắn vài trăm rồi. Một lần hắn để quên tiền trong túi áo rồi mang vào máy giặt. Đến khi sờ ví, kiểm lại tiền thấy thiếu vài trăm khiến đầu óc hắn không thể chú tâm vào công việc. Khách gõ cửa xe mà hắn giật mình, điện thoại gọi đến thì hắn cứ hỏi đi hỏi lại địa chỉ... Hắn cứ lật lại từng hành động của ngày hôm qua xem mình làm gì, tiêu gì đến tiền, hay đãng trí để đâu mà không thể biết đích xác mấy trăm đó biến đi đằng nào. Cho đến khi về nhà, vợ hắn vui một cách khác thường kể lại chi tiết, li lỳ như thể nhặt được tiền của ai chứ không phải trong túi chồng. Hắn mới thở phào nhẹ nhõm. Xong hắn phán, cho mẹ mày giữ lại đi chợ hay mua sắm gì tuỳ thích. Đêm đó, sau khi hai vợ chồng hắn nhặt được niềm vui mang lên giường đã trở thành một đêm đáng nhớ. Y như hồi chưa cưới, tay vừa chạm vào vô lăng của chiếc xe họ đã vội vã kéo nhau vào trong. Giả sử hắn mất thật thì chưa biết khi nào sự ám ảnh đó mới buông tha. 
Chị vợ tiêu hoang số tiền đó bằng một bữa ăn thịnh soạn trong thời bão giá và hôm sau vui vẻ cầm ví của chồng nhét thêm tiền.
3.
Vừa cầm lương tháng, hắn ngồi tọt vào trong xe. Tờ một trăm nghìn được lật lên lật xuống. 
Trên đường về hắn lại vứt tờ một trăm nghìn ra đường, hồi hộp núp vào gốc cây quan sát.
Một người đàn ông tầm tuổi hắn phanh kít lại, vội vã nhặt cho vào túi.
Người đàn ông đi được vài mét, hắn đứng chặn ở đầu xe.
- Anh cho tôi xin lại tiền, tôi đánh rơi.
- Điên à?
- Tôi nhìn thấy anh nhặt một tờ một trăm nghìn mà, tôi vừa đánh rơi.
- Nhưng tao nhặt được hai tờ một trăm nghìn, có phải của mày không?
Hắn hơi lúng túng, người đàn ông tiếp lời:
- Biến đi nhé!
Máu trong người hắn sôi lên, tay móc túi quần, giơ lên cả tháng lương, nhìn thẳng vào mặt người đàn ông.
- Nếu không phải tiền của tôi, biếu không chỗ này.
- Chơi được đấy! Người đàn ông cũng thò tay vào túi, giơ nắm tiền gấp đôi của hắn thách thức. 
Mọi người đã xúm xít quanh hiện trường, tò mò, lạ lẫm.
- Tiền của tôi là một tờ một trăm nghìn, tôi đã ký vào đấy và ghi đầy đủ họ tên, số seri là TR 09018...
Mọi người ồ lên một tiếng, nhìn chăm chăm tập tiền trong tay người đàn ông.
Một tờ một trăm nghìn với đầy đủ nhận dạng của hắn được tìm thấy. 
Tờ một trăm nghìn đã lại nằm yên trong túi hắn. Hắn chẳng mất gì, người đàn ông cũng không mất gì, tất cả như về với điểm xuất phát, chỉ là có một khoảng đệm ở giữa câu chuyện. Thế mà hắn phải chuồn vội dưới sự giúp sức của người đi đường để tránh một vụ ẩu đả suýt xảy ra.
              

 H.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 147
 Hôm nay: 2909
 Tổng số truy cập: 12823902
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa