Dấu ấn cuộc thi “Sáng tác văn học trẻ năm 2018” - Lê Xuân Soan
Cuộc thi sáng tác văn học trẻ năm 2018 trên Tạp chí Xứ Thanh nhằm khơi dậy tình yêu quê hương - đất nước - con người; Thể hiện tình cảm, trách nhiệm trước xã hội và thời đại; Nuôi dưỡng những khát vọng, ước mơ, hoài bão cao đẹp trong hành trang tinh thần của thế hệ trẻ.
1. Kết thúc cuộc thi, Tạp chí Xứ Thanh đã chọn lọc và đăng tải 121 tác phẩm của 65 tác giả.
Về truyện ngắn, có 23 tác giả với 28 truyện ngắn dự thi. Trong đó 4 tác giả có 2 truyện ngắn là Dương Giao Linh, Bùi Việt Phương, Nguyễn Văn Học, Hoàng Khánh Duy.
Về thơ, có 42 tác giả với 94 bài thơ dự thi (gồm 6 bài là thể thơ 5 chữ, 14 bài thơ lục bát và 74 bài thơ tự do). Tác giả có 6 bài thơ là Phạm Tiến Triều và 7 tác giả có 4 bài là Phạm Văn Dũng, Hà Vinh Tâm, Việt Hưng, Trần Thị Nhung, Lê Trường Sơn, Lê Đáng, Lê Hương. Riêng Trần Thị Nhung có thêm 1 truyện ngắn dự thi nữa.
Điều đó càng khẳng định cuộc thi có sức hút, sức hấp dẫn đối với những cây bút trẻ trong và ngoài tỉnh, họ đang công tác trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là có sự tham gia của nhiều thầy cô giáo trong ngành giáo dục.
2. Truyện ngắn là tác phẩm “tự sự cỡ nhỏ”, là những truyện dài được viết ngắn lại, thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, hoặc trạng thái tồn tại của con người. Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một không gian và thời gian hạn chế để người đọc nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời, về tình người. Với truyện ngắn, điều quan trọng nhất là những “chi tiết cô đúc”, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết... “Khác với những hình thức tự sự quy mô lớn, đối với truyện ngắn - hình thức tự sự cỡ nhỏ, tính cô đọng của chi tiết và chiều sâu của ý ngầm trong văn bản trở thành những phẩm chất cơ bản” (G.N.Pospelov - Dẫn luận nghiên cứu văn học, Tập II, NXB Giáo dục, H. 1985, trang 273).
Hai mươi tám truyện ngắn dự thi với những đề tài gần gũi với hiện thực đời sống phong phú và sinh động của ngày hôm nay. Các cây bút trẻ đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong việc xây dựng cốt truyện, khắc họa nhân vật, ngôi kể, lời kể... để tạo nên nét mới trong cách thể hiện. Nhiều truyện ngắn viết về tình yêu, về tuổi trẻ, hạnh phúc và nhân văn (Nguyện ước mùa xuân, ánh sáng phía chân trời, Bà đỡ, Những chuyến đi xa, Tình sông, Hoa gáo mùa xuân, Qua mùa gió hú, Hun hút đường quê, Mùa đông ở Sính Phình). Một số tác giả tỏ ra rất già dặn trong khai thác và thể hiện tâm lí nhân vật (Thí dụ ngày mất tiền, Diều trong cõi gió, Ngược dòng, Lưng chừng mùa nhớ). Đề tài chiến tranh cũng được khai thác theo góc nhìn của tuổi trẻ (Cánh trắng, Hai bến đợi chờ). Quan sát hiện thực và phản ánh vào trong tác phẩm là sự nhạy cảm của các tác giả và là những thông điệp gửi tới độc giả, rất thời sự. Viết về chống tham nhũng (Cuộc người), về nông thôn mới (Đoản hoa, Giấc mơ của bố), về các tệ nạn cờ bạc (Gã lái máy cày đồng Vồ), ma túy (Đồng hồ của nhà văn), bạo lực với trẻ em (Người ôm neo). Có những truyện ngắn lại đề cập đến lĩnh vực giáo dục (Khát), xuất khẩu lao động (Hoàng hôn mênh mang), về sự khởi nghiệp (Đi về phía chân trời)... Điều đó càng chứng tỏ khả năng bao quát hiện thực, tấm nhìn và một thái độ tích cực đối với cuộc sống của một thế hệ viết văn trẻ xứ Thanh.
Trong số những truyện ngắn dự thi, tôi vẫn thích truyện ngắn Con khổng tước và cô tiểu thư của Nguyễn Văn Học.
Cốt truyện đơn giản, hai nhân vật chính là tôi - học ngành viết văn, làm phóng viên tự do, làm gia sư với tên thầy Vững. Và nhân vật Lợi - tiểu thư con nhà “giàu sụ”. Với việc lựa chọn chi tiết nghệ thuật, cách xây dựng tình huống bất ngờ, lối kể chuyện như đời sống, truyện ngắn phản ánh những bi kịch của đời sống xã hội thời hiện đại. Lợi sống trong sự giàu có của nhà con một, nhưng bố mẹ cô hay cãi nhau, ông có bồ, bà cũng có bồ kém bốn tuổi. Họ đòi li hôn, Lợi khuyên can không được, cô rạch tay nhiều lần nhưng người mẹ vẫn vô cảm. Lợi cô đơn và thất vọng vô cùng! Được giới thiệu, nhân vật tôi (thầy Vững) đến dạy kèm cho Lợi. Họ tâm sự, chia sẻ, đồng cảm. Lợi giả vờ đã có thai, nhưng người bạn trai đã chết vì đua xe. Và rồi Vững và Lợi đã yêu nhau. Lợi thấy Vững nghèo nhưng sống thanh thản, Lợi muốn được sống như Vững, muốn đổi sự giàu sang cho Vững! Phải chăng đây là góc khuất trong tâm hồn của những người sống trong đủ đầy, thừa thải? Loại nhân vật “thân phận” như Lợi cũng không ít trong đời sống chúng ta. Nghèo cũng bi kịch, giàu cũng bi kịch. Nhưng “bi kịch của người nghèo không ác liệt như bi kịch của người giàu”.
Câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác khi Vững đưa hộ gói hàng, bị công an bắt và phải vào tù vì vận chuyển trái phép chất ma túy. Mẹ Vững đổ bệnh đau đớn rồi chết. Bố mẹ Lợi li hôn. Lợi vào trại giam thăm Vững. Tác giả nêu ba cái kết cho câu chuyện: 1. Vững ra tù, học tiếp, rồi đi làm báo. Lợi trở thành cô giáo. Họ cưới nhau và sống hạnh phúc. 2. Mẹ Lợi ép cô lấy người tình mới của bà ấy. Lợi đã quyên sinh. 3. Lợi yêu Vững, nhưng Vững mặc cảm. Họ sống tốt nhưng không đến được với nhau.
Kiểu kết mở này không mới, nhưng với thời hiện đại này, khi cuộc sống vận động đa chiều thì truyện ngắn gợi cho người đọc, nhất là lớp trẻ, nhiều điều đáng suy ngẫm và bổ ích.
Con khổng tước và cô tiểu thư là một truyện ngắn hay bởi đề tài, nội dung phản ánh, cách bố cục và lối kể chuyện hấp dẫn. Tác giả tỏ ra là một cây bút truyện ngắn chững chạc, vững vàng, có trách nhiệm và rất “có nghề”. Với cách tiếp cận hiện thực và thể hiện hiện thực một cách sâu sắc như vậy, hi vọng tác giả Nguyễn Văn Học sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên cánh đồng văn xuôi.
3. Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Thơ là tình cảm và lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật, được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng. Thơ là sự đồng điệu của tâm hồn... Có nhiều định nghĩa, nhiều quan niệm về thơ. Tất cả đều đúng, ở những khía cạnh riêng của nó.
Thơ trẻ dự thi chủ yếu là thơ tự do. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi đó là hình thức phù hợp để họ giãi bày, bộc lộ cảm xúc và thể hiện thái độ trước cuộc sống và thân phận con người (Hạnh phúc là cho đi, Nước mắt nơi chợ tình, Ngày tạm, Bắc cầu qua tuổi...).
Lê Hương đau đáu một Khúc miền Trung trong chiến tranh “Từng tấc đất gói ôm bao hài cốt”, giờ lại ngập chìm trong bão lũ qua hình tượng “dáng mạ” (mẹ) giữa đồng sâu:
Mưa lũ quét ngập trời như đổ lệ
Cát xoáy mù... cứ mặc kệ người đau
Thương cái gió cũng ngạt mùi thoi thóp
Phía chân ngày vai mạ trĩu chợ chiều
Giờ ngập trắng lối về mờ mịt hết
Chặng đường xa...
Dáng mạ lội liêu xiêu
Những vấn đề về tình yêu được quan tâm nhiều hơn với những xúc cảm, cung bậc, quan niệm, cách thể hiện... cũng rất mới mẻ và hiện đại (Thiên di, Bùa lá, Cúc áo anh rơi thảm cỏ nhà người, Giấu đêm, Mùa không em, Có anh ở phía mùa thu vẫy gọi, Có một mùa thu ùa về ngực trái...). Chẳng hạn như:
Giấu thổn thức của mỏng mảnh trái tim
Che sợi yêu bé bỏng
Bỏ mặc ngày phơi tình đến say nắng
Ngoảnh mặt với tâm khảm đêm dài
Em trốn chạy cùng ngọt ngào tiếng trăng.
(Giấu đêm - Trần Thị Nhung)
Thơ Phạm Tiến Triều lại biểu hiện tình yêu lứa đôi của trai gái bản mường:
Câu xường thương theo lá uốn trên môi
dẫn anh theo lối mường em ngày hội
dắt vía anh vượt ba núi bảy mường
vía quấn vào chân thang
vía lang thang thung núi
quên lối, quên đường.
(Bùa lá)
Trên chục bài thơ lục bát dự thi (14/94) là không nhiều. Làm thơ lục bát không dễ. Và để có một bài thơ lục bát hay lại càng không dễ chút nào, bởi vì, ngoài yêu cầu về nội dung, cấu tứ, vần vè còn phải có sự hoàn chỉnh. Bài lục bát dù ngắn hay dài cũng phải là một chỉnh thể. Rất mừng là các nhà thơ trẻ đã tiếp thu được truyền thống thi ca dân tộc từ trong ca dao, từ trong Truyện Kiều và từ các nhà thơ lớn. Đó là Quách Lan Anh với Thiên di, Lê Thành Văn với Giấc mơ hạ trắng, Lê Trường Sơn với Tình lá diêu bông, Ni cô, Sao em nỡ, Nguyễn Đức Hậu với Chùa, Ngang qua cánh cò, Nguyễn Quỳnh Anh với Bồi hồi chợ quê, Một mai bỏ phố, Lê Đáng với Đường tím, Khúc Hồng Thiện với Về làng, Nón bài thơ tặng mẹ, Ngân Giang với Mưa, Lê Thành với Thăm mộ mẹ.
Nguyễn Đức Hậu có cách thể hiện nỗi gian nan, vất vả của người mẹ thôn quê trong Ngang qua cánh cò:
Qua đồng nghe tiếng thợ cày
Một mùa cỏ úa buộc đầy gót trâu
Mẹ cầm cuốc gợt bùn nâu
Cánh cò thật trắng về sau bầu trời
... Qua thôn thoi thóp mặt người
Một bong bóng chẳng cho đời sủi tăm...
Nguyễn Quỳnh Anh vẫn dung dị và ấm nồng tình quê khi Một mai bỏ phố:
Vườn nhà hoa đậu hoa cà
Cơi trầu miếng vỏ của bà xa xưa
Chắt chiu từng gáo nước mưa
Bờ ao nụ vối sớm trưa ngọt ngào.
Cái tứ “em đi tìm lá diêu bông” trong thơ Hoàng Cầm được Lê Trường Sơn đồng cảm và sẻ chia cảnh ngộ và tâm trạng, có sự hòa quyện giữa xưa và nay, có trái mù u, có cuống rạ trời chiều, và cả lời chị dặn... Tình yêu, dù ở trạng thái nào, cung bậc nào, thì cũng luôn nhận được sự thấu cảm. Có lỡ tình, thất tình, hận tình nhưng vẫn bao dung, độ lượng. Những câu thơ lục bát của Lê Trường Sơn thật nuột nà và thấm đẫm chất nhân văn:
Lời ru chị giấu lũy tre
Để con ve khóc ngày hè nỉ non
Nhớ trăng cái độ chưa tròn
Nhớ lời chị dặn tình còn diêu bông.
... Mây buồn chở gió sang sông
Diêu bông tìm được người không thèm về.
Hai bài thơ lục bát của Khúc Hồng Thiện mộc mạc, chân chất, hồn hậu như tình mẹ, sâu lắng như tình quê. Thơ anh đưa ta về với mẹ, những người mẹ một đời lam lũ trong rơm rạ, nuôi ta lớn lên trong đói nghèo:
Mẹ thường quen đội nón mê
Quai buộc dây chuối đi về đồng xa
Quanh năm chẳng biết lụa là
Áo tơi một mảnh sương sa cuối làng.
(Nón bài thơ tặng mẹ)
Thương mẹ, nghĩ rằng sau này con sẽ mua chiếc nón bài thơ và áo tím Huế để bù đắp cho mẹ, nhưng mẹ đã “đồng xa chẳng về”. Xót xa, ân hận, nặng trĩu, lặng chìm trong tâm can của người con muốn được báo hiếu mà không thể! Nhưng biết làm sao được?
Vẫn mạch cảm xúc ấy, Khúc Hồng Thiện khi Về làng không phải tư thế của một “đại gia”, một kẻ “có máu mặt” để lên mặt, mà là một anh chàng “thơ phú hão huyền”. Cái anh chàng “thơ phú hão huyền” ấy về làng để chịu lỗi với đấng sinh thành:
Bố không còn khỏe tay bừa
Hắt hiu bóng mẹ đồng trưa vắng rồi
Con về chịu lỗi với người
Tóc râu đã bạc mà đời vẫn không.
Bao nhiêu là kỉ niệm nơi chôn rau cắt rốn, vẫn còn đó. Còn đó những người thân Bên sông chị giặt áo chồng/ Bên làng, em bế con mong một người... Chỉ có anh như lạc lõng giữa làng quê nghèo nhưng thanh bình với mái đình xưa và bầy trẻ vô tư:
Anh về với một anh thôi
Rưng rưng mình lại mồ côi chính mình
Cong cong dấu hỏi mái đình
Bấy lâu vẫn xoáy vào thinh không nghèo
Trẻ làng đôi mắt trong veo
Nghịch lênh đênh để bay vèo phù vân.
“Nghịch lênh đênh để bay vèo phù vân”, câu thơ xuất thần, vừa sống động vừa triết lí, lấy cái vô thức “nghịch lênh đênh” đối lập với cái ý thức “bay vèo phù vân”. Rồi cái cách ngắt nhịp câu thơ cũng tạo sự chú ý, nhấn mạnh cho người đọc Nghịch lênh đênh/ để bay vèo/ phù vân.
Lang bạt kì hồ với “hão huyền thơ phú” là cách tự trào của Khúc Hồng Thiện:
Hão huyền thơ phú đôi vần
Tôi về nhận tội muôn phần trước quê.
Cho dù anh là gì đi nữa thì trước quê anh vẫn cứ là bé bỏng, anh chẳng là gì cả nếu anh không tự ý thức được về mình!
Với Khúc Hồng Thiện, người quê, tình quê là mạch nguồn tắm mát tâm hồn thi sĩ. Cho nên, những câu thơ lục bát của anh có sức lay động và ngọt ngào đến nao lòng!
Tôi nhớ, trong dịp Hội thảo về nhà văn Kiều Vượng (Trưởng văn phòng đại diện Báo Văn nghệ Bắc miền Trung) tại trường đại học Hồng Đức tháng 11 năm 2007, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, có nói: “Nhà văn phải đối diện với một câu hỏi hết sức khái quát và muôn thuở của bạn đọc: Tác phẩm đó có hay hay không? Trong văn học có thể nói đến rất nhiều thứ tính: tính Đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, tính địa phương. Nhưng xét cho cùng chỉ có một chữ là hay. Cứ phải hay. Nó hay thì có đủ các thứ tính, mà nó không hay thì không có một thứ tính nào được”.
Xin chúc các cây bút trẻ có thêm những tác phẩm hay!
L.X.S