Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Sự giao thoa lịch sử - văn hóa giữa xứ Thanh với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong nghìn năm lịch sử - Phạm Tấn
Sự giao thoa lịch sử - văn hóa giữa xứ Thanh với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong nghìn năm lịch sử - Phạm Tấn

Không phải ngẫu nhiên mà đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XX, khi tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử của nước ta, học giả người Pháp H.LeBreton đã có sự đánh giá rất cao về vị trí và vai trò của vùng đất xứ Thanh với quốc gia Đại Việt trong suốt cả chiều dài lịch sử, rằng: “Thanh Hóa, (là) nơi diễn ra các bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử nước An Nam” (trích ở sách Thanh Hóa đẹp tươi của H.LeBreton, xuất bản năm 1922). 
Và cũng không cần dẫn chứng nhiều, thì từ lâu đến nay, người trong ngoài nước đều biết đến xứ Thanh - vùng đất cửa ngõ nối liền hai miền Trung - Bắc có nền văn hóa Đông Sơn tỏa rạng khắp vùng Đông Nam á với sức sống bất diệt trong nghìn năm Bắc thuộc, đã góp phần vô cùng quan trọng cho việc hình thành dân tộc và quốc gia thống nhất từ xa xưa cho đến tận hôm nay. 
Ở thế kỷ X - thế kỷ bản lề của sự phục hưng văn hóa dân tộc, vùng đất Cửu Chân - Châu ái - xứ Thanh chính là tâm điểm đầy sôi động với Dương Đình Nghệ đến Ngô Quyền - Dương Tam Kha đã từng nối tiếp nhau đem toàn bộ binh lực của họ Dương - Châu ái ra Bắc đánh đuổi quân Nam Hán, giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước và tạo ra “Văn hóa tiền Thăng Long”. Sau đó, người xứ Thanh lại cùng với Đinh Bộ Lĩnh nhanh chóng dẹp loạn mười hai xứ quân để lập ra nhà nước Đại Cồ Việt với quốc đô đầu tiên ở Hoa Lư (Ninh Bình). Và tại đây, trong giờ phút sống còn của dân tộc, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn - người con của đất Kẻ Sập (nay thuộc xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) đã được triều đình nhà Đinh và Thái hậu Dương Vân Nga suy tôn thành Hoàng đế Lê Đại Hành để gánh vác sự nghiệp đánh Tống, bình Chiêm lẫy lừng thiên hạ. Cũng trên đất Hoa Lư, khi triều Tiền Lê nghiêng ngả đến tột độ thì một người con khác của xứ Thanh là Chi hậu Đào Cam Mộc (người làng Tràng Lang, nay là xã Định Tiến, huyện Yên Định) đã có công lớn cùng sư Vạn Hạnh và triều thần suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua vào năm 1009, mở ra vương triều Lý - một vương triều rực rỡ của quốc gia Đại Việt. Rồi chỉ sau một thời gian ngắn vừa lên ngôi, Lý Công Uẩn đã quyết định rời đô ra vùng Đại La - trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ để lập ra kinh đô mới Thăng Long. Từ đây, kinh đô Thăng Long trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt, đã có ảnh hưởng, tác động qua lại mật thiết, hữu cơ với các vùng, miền gần, xa được vương triều Lý thống lãnh, cai quản. Đặc biệt, trong quá trình tồn tại, phát triển, Châu ái - xứ Thanh - vùng đất “phên dậu thứ hai” (như Nguyễn Trãi - thế kỷ XV gọi vậy) lại càng có sự gắn bó mật thiết hơn đối với Thăng Long kinh kỳ. 
Cũng từ thời Lý, với chính sách mở mang tiến bộ của Lý Thái Tổ và các vua kế tiếp, Thăng Long đã trở thành nơi tụ nhân, tụ nghĩa. Rất nhiều nhân tài (văn, võ) và dân cư từ các vùng, miền trong nước cùng họ hàng thân tộc của vua, quan, binh lính đã đổ về Thăng Long lập nghiệp để đất kinh kỳ ngày một mở rộng, phồn thịnh hơn. Theo các tài liệu sử sách cổ, hay gia phả, thần phả, bia ký và truyền thuyết dân gian thì số người có nguồn gốc Châu ái - xứ Thanh đổ về Thăng Long là rất đáng kể. Trong số hàng trăm, hàng ngàn người xứ Thanh ấy, cũng có rất nhiều người nức tiếng khắp cả triều đình cho đến dân gian như Đệ nhất công thần triều Lý Đào Cam Mộc - người có công lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, Lê Phụng Hiểu - một võ tướng lừng danh (người giáp Cổ Hoằng, nay thuộc Hoằng Sơn, Hoằng Hóa) đã có công dẹp giặc phương Nam và “loạn ba vương” để giữ yên nhà Lý, hay Thái úy Tô Hiến Thành (sinh ra và lớn lên ở làng Cẩm Đới, nay thuộc xã Hà Giang - Hà Trung) tài năng, đức độ đã từng phò giúp ba triều vua Lý được dân kính trọng, hoặc Doãn Tử Tư (đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông) và Doãn Anh Khải (đời vua Lý Nhân Tông) - người Cổ Định - Kẻ Nưa (nay thuộc Tân Ninh, Nông Cống) cũng từng là mưu sĩ nơi màn trướng cùng vua bàn quốc sự và từng là sứ bộ nổi tiếng đảm nhận việc bang giao với nhà Tống để giữ gìn quốc thể, an ninh cho Đại Việt... Ngoài ra, trong số cư dân Châu ái - xứ Thanh ra Thăng Long tụ cư còn có cả công nương Quỳnh Hoa - người dạy cho làng Dâm Đàm (vùng Hồ Tây nay) nghề dệt lụa nên được dân gian ở đây tôn phong là “Bà chúa tầm tay” (tức bà chúa của nghề dệt lụa), hoặc Trọng Nghĩa - tổ nghề mộc và Nguyễn Kim - tổ nghề khảm trai ở đất Thăng Long kinh kỳ cũng là người Châu ái v.v...
Rõ ràng, trong khi quy tụ về Thăng Long, người Châu ái - xứ Thanh đã góp phần làm cho bộ mặt đời sống văn hóa - xã hội ở vùng đất kinh kỳ thêm phong phú, đa dạng hơn. Nhưng ngược lại, được tắm mình trong biển văn hóa Thăng Long, nhiều người gốc xứ Thanh lại càng thành danh và có nhiều đóng góp đáng kể hơn cho quốc gia Đại Việt. 
Châu ái - xứ Thanh dưới con mắt của các vị vua Lý còn là vùng đất thiêng có nhiều vị thần hộ dân, hộ quốc rất linh nghiệm. Chính vì vậy mà đến cuối đời vua Lý Thái Tổ, để góp phần tăng cường “chất địa linh” cho Thăng Long - thủ phủ của quốc gia Đại Việt, nhà Lý đã cung thỉnh và xin rước linh vị thần Đồng Cổ - một vị thần có từ thời Hùng Vương (ở vùng núi Tam Thai, Yên Thọ, Yên Định hiện nay) về kinh đô để xây dựng thành một đền quốc tế trong nội điện, cạnh phía hữu đền Thánh Thọ. Đến năm đầu Thiên Thành (1028), Lý Thái Tông đã ra sắc phong cho thần Đồng Cổ là “Thiên hạ chủ minh thần” và cho làm lễ thề rằng: “Làm con mà trái đạo hiếu, làm tôi mà trái đạo trung thì thần giết chết” (trích dẫn theo Linh tích núi Tam Thai, do cố Bùi Xuân Vĩ dịch). Các quan từ cửa Đông vào đều trích máu uống thề. Mỗi năm cứ đến ngày 4 tháng 4 lại có hội thề, lâu dần thành lệ. Đây chính là vị thần thiêng được cả triều đình ngưỡng mộ. 
Trong dòng chảy lịch sử - văn hóa, từ Thăng Long kinh kỳ, các vua triều Lý vẫn luôn có sự chú trọng đến vùng xứ Thanh phên dậu. Chẳng thế mà vào năm Nhâm Tuất (1082), vua Lý Nhân Tông đã cử Thái úy Lý Thường Kiệt - vị quan đầu triều - người có công lớn trong sự nghiệp đánh Tống, bình Chiêm vào cai quản Châu ái để bảo vệ vững chắc vùng “đất phên dậu thứ hai” cho Thăng Long yên bình. Và trong 19 năm làm Tổng trấn Châu ái (từ 1082-1101), với quyền lực tối cao và được mang danh “Thiên tử nghĩa đệ” (em vua), Lý Thường Kiệt luôn chăm lo “đổi dời phong tục” và giữ nghiêm phép nước đến việc khuyến khích nông trang, mở mang nghề nghiệp để đảm bảo cuộc sống cho dân. Vì vậy mà “các châu mục đều ngưỡng mộ” và “muôn dân đều mến đức chính” (Lời ca ngợi ở văn bia chùa Báo Ân - núi An Hoạch, dựng năm 1100). Với tư tưởng hướng Phật, trong 19 năm ở Châu ái, Lý Thường Kiệt còn khuyến khích việc tu bổ và phát triển nhiều chùa chiền. Chính ông là người đã giúp sư Đạo Dung cho tu sửa lại chùa Hương Nghiêm - núi Càn Ni ở giáp Bối Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa) và là người trực tiếp xây dựng chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn bên bờ sông Lèn (nay thuộc làng Ngọ Xá, Hà Ngọc, Hà Trung) trở thành một trung tâm Phật giáo bề thế trên con đường từ Nam ra Bắc để “thuyền bè qua lại, dừng chèo tạm nghỉ. Hoặc Hoàn Bang, Chân Lạp xa tới mà quì gối ngắm xem, hoặc nước lạ phương xa qui phục mà cúi đầu dập trán. Cái nhà nát của kẻ trưởng giả quê mùa mà hóa thành vương xá lớn (trích văn bia chùa Linh Xứng, dựng năm 1126). 
Cũng thời gian ở Châu ái, Lý Thường Kiệt đã từng đưa đón nhiều nhân vật tên tuổi như Thái phó Lưu Khánh Đàm và các vị đại sư Sùng Tín, Đạo Dung, Viên Giác, Minh Ngộ cùng nhiều bậc vương giả, trí thức Nho - Phật - Lão khác vào đây truyền nhập sắc thái văn hóa Thăng Long để giúp xứ Thanh - vùng đất còn mộc mạc, thuần phác nhanh chóng mở mang, hưng thịnh hơn. Sau thời kỳ Lý Thường Kiệt làm tổng trấn Thanh Hóa (1082-1101) một cách đầy dấu ấn, xứ Thanh còn là nơi để Thái úy Tô Hiến Thành tài cao, đức độ đến để thực hành những việc có lợi cho dân, cho nước. Nên khi ông mất đã được 72 làng - xã ở xứ Thanh lập đền thờ và suy tôn là Đức thánh cả, đứng trên nhiều vị nhân thần khác được thờ tại địa phương. 
Rõ ràng trong hơn 200 năm hình thành, phát triển, tồn tại của vương triều Lý (1010-1255), sự giao thoa văn hóa giữa Thăng Long kinh kỳ với Châu ái - xứ Thanh, hay với các vùng - miền trong quốc gia Đại Việt được diễn ra một cách tự nhiên, liên tục và tất yếu trong quá trình xây dựng, củng cố, bảo vệ nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền.
Đến thời kỳ Trần - Lê, sự giao thoa văn hóa giữa Thăng Long - Đông Đô với xứ Thanh lại càng rõ rệt và đậm nét hơn. Từ đây, mối quan hệ giữa Thăng Long - Đông Đô với xứ Thanh phên dậu lại càng trở nên mật thiết. Thực tiễn lịch sử, nhất là ở thời Trần - Lê, xứ Thanh vừa là đất phên dậu, vừa là hậu phương quan trọng của đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, vào năm 1285, trong giờ phút sóng gió và nguy nan nhất, Hưng Đạo Vương đã quyết định đưa hai vua Trần vào vùng hậu cứ Châu ái - xứ Thanh nương náu và củng cố lực lượng, và từ đây đã mở cuộc đại phản công ra Thăng Long đánh tan quân giặc Thát. Từ bối cảnh này mà câu thơ “Cối Kê cựu sự quân tu kỵ, Hoan ái do tồn thập vạn binh” của Trần Nhân Tông ra đời. Rồi đến đầu thế kỷ XV, anh hùng dân tộc Lê Lợi ở xứ Thanh đã phất cờ khởi nghĩa, tập hợp hào kiệt và nghĩa sĩ bốn phương “nằm gai nếm mật” trong 10 năm rồi mở đường tấn công quét sạch quân Minh ra khỏi cõi bờ để “mở nền thái bình muôn thuở” cho dân tộc. Và khi kết thúc chiến tranh, Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh như là vùng “đất mới” của người Châu ái - xứ Thanh. Cũng tại đây, được thừa hưởng và tắm mình bởi văn hóa Thăng Long, rất nhiều người con gốc xứ Thanh đã trở thành những nhân vật tiêu biểu, nổi tiếng của cả nước, góp phần làm cho vùng kinh đô của quốc gia Đại Việt ngày một phồn thịnh hơn. Ngược lại, là vùng đất phát tích của vương triều Lê, quê hương của rất nhiều công thần, ngoại thích, cho nên xứ Thanh là nơi được triều đình ban tặng và dành cho rất nhiều sự ưu ái. Và trong thời Lê sơ, sự giao thoa văn hóa giữa Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh với xứ Thanh lại càng được đẩy nhanh hơn. Đây là thời kỳ Nho học phát triển khá rực rỡ. Tại xứ Thanh, nhiều vùng đất học đã trở nên nổi tiếng như Bối Lý (nay thuộc huyện Thiệu Hóa), Nguyệt Viên, Từ Quang (nay thuộc huyện Hoằng Hóa), Cổ Định, Phương Khê (nay thuộc Triệu Sơn), v.v... Nếu như cả thời Lý - Trần, xứ Thanh chỉ có 10 người đỗ đại khoa, thì đến thời Lê sơ lại có 49 người (riêng thời Mạc 1527-1592, xứ Thanh cũng có 25 người đỗ đại khoa và thời Lê Trung hưng 1549-1789 lại có những 80 người đỗ đại khoa). Ngoài ra, riêng suốt cả thời kỳ Hậu Lê đến Nguyễn, xứ Thanh còn có tới gần 1700 người đỗ hương cống cử nhân... Đánh giá về vùng đất địa linh, nhân kiệt xứ Thanh, nhà sử học Phan Huy Chú đã có nhận xét: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông, Ai Lao sát phía tây, bắc giáp trấn Sơn Nam, nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy sinh nhiều văn nho... Bởi vì đất thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr. 47). 
Trong suốt nghìn năm phong kiến, vận nước có lúc thịnh, lúc suy, nhưng ở bất kỳ thời điểm nào, xứ Thanh cũng là vùng đất có mối quan hệ gắn bó mật thiết, hữu cơ với kinh đô Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh. Vào lúc “thời loạn”, xứ Thanh còn là nơi đặt kinh đô của nước như Tây Đô (tức thành Tây Giai, thành An Tôn, thành Nhà Hồ, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc) - kinh đô của nước Đại Ngu (1400-1407), hay kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (nay thuộc huyện Thọ Xuân) - kinh đô của nhà Lê Trung hưng tồn tại trong ngót 50 năm (1546-1593). 
Tuy Tây Đô của nhà Hồ chỉ tồn tại được có 7 năm (1400-1407) trong bối cảnh phải lo đối phó với nhà Minh xâm lược, nhưng tại đây, Hồ Quý Ly đã ban hành những chính cải cách tiến bộ hơn triều Trần (như chính sách hạn điền, hạn nô, dùng tiền giấy thay tiền đồng và khuyến khích học chữ Nôm, v.v...) và cho mở khoa thi đầu tiên để chọn người tài ở quốc đô An Tôn (1400). Lần thi này có 20 người đỗ Thái học sinh (trong đó có Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Lưu Thúc Niệm, Nguyễn Thành, Hoàng Hiến, v.v...). Mặc dù, nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi, song đã để lại cho hậu thế một công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng đồ sộ - đó là thành Tây Đô - một di tích lịch sử văn hóa quan trọng được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. 
Còn kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - kinh đô kháng chiến của nhà Lê - Trịnh ra đời khi Thăng Long rơi vào tay nhà Mạc, và tồn tại ngót 50 năm trong bối cảnh huynh đệ tương tàn, nhưng nhà Lê Trung hưng vẫn lo tổ chức được bảy cuộc thi đại khoa (lúc đó là chế khoa). Trong số 45 tiến sĩ đỗ đạt ở đây, có 30 người trở thành Thượng Thư và nhiều người nổi tiếng về nội trị, ngoại giao, hay văn nghiệp như Phùng Khắc Khoan (còn gọi là Trạng Bùng), Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú, v.v... Đặc biệt ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường còn có Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính - người trực tiếp soạn hàng trăm bản thần tích ở các đền nghè của Thanh Hóa mà đến nay còn lưu giữ được khá nhiều đều là những tài liệu vô giá. 
ở kinh đô kháng chiến, “kinh đô thời loạn” trên đất xứ Thanh (như Tây Đô thời Hồ, và Vạn Lại - Yên Trường thời Lê - Trịnh) tuy đầy sóng gió, nhưng vẫn thu nạp được rất nhiều người hiền tài từ Thăng Long - Đông Đô tới. Và ở các thời điểm lịch sử này, xứ Thanh nhờ đó mà cũng được tiếp nhận những tinh tuý và sắc thái văn hóa của Thăng Long. Vì vậy mà ở Tây Đô, hay Vạn Lại - Yên Trường cũng có đền đài, cung điện, thành quách, phố phường và đường đi lối lại có quy hoạch rất là rõ nét. 
Khi chính quyền Lê - Trịnh đánh đuổi được nhà Mạc và giải phóng Thăng Long - Đông Đô, thu đất nước về một mối thì kinh đô nơi đây một lần nữa lại trở thành vùng đất tụ cư chủ yếu của nhà Lê - Trịnh mà chủ yếu là người xứ Thanh. Từ đây đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ phát triển rất nhanh chóng. Điện miếu, đền đài, cung phủ mọc lên khắp nơi, kinh tế mở mang phát triển, cũng có sự góp phần quan trọng của người Châu ái - xứ Thanh. Nhưng bên cạnh những yếu tố tích cực của sự giao thoa văn hóa giữa xứ Thanh với Thăng Long - Đông Đô kinh kỳ cũng có những yếu tố tiêu cực như “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” và loạn kiêu binh đã diễn ra trên đất kinh kỳ, có lúc làm nghiêng ngả triều đình và xã hội. Nhưng từ trong sự nghiêng ngả và rối loạn ở cuối thời Lê - Trịnh ấy, Trạng Quỳnh của văn hóa dân gian (mà nhiều nhà nghiên cứu cho là Cống Quỳnh người xứ Thanh) đã gây được dấu ấn mạnh mẽ về sự châm biếm, hài hước đối với những tiêu cực đang phát sinh trong xã hội. Và trong dòng chảy lịch sử, chính nghĩa bao giờ cũng thắng phi nghĩa và tích cực bao giờ cũng thắng tiêu cực. Vì vậy mà văn hóa - xã hội vẫn tồn tại, phát triển đúng quy luật một cách tự nhiên.   
Tóm lại, từ Lý - Trần - Lê trở đi, sự giao thoa về lịch sử - văn hóa giữa xứ Thanh với Thăng Long như một sự tuần hoàn máu thịt không bao giờ ngưng nghỉ. Đến thời đại Hồ Chí Minh, vào ngày 10-10-1954, hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ người xứ Thanh góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, lấp lánh huân huy chương đã vinh dự gia nhập đoàn quân lớn tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xứ Thanh lại anh dũng giữ vững nhịp cầu Hàm Rồng để dòng máu từ Hà Nội - trái tim của Tổ quốc vẫn chảy liên tục vào miền Nam thành đồng Tổ quốc, thu non sông về một mối từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau. 
Đến thời đại đổi mới - công nghiệp hóa - hiện đại hóa, sự giao thoa lịch sử và văn hóa sẽ còn được nhân lên gấp bội để làm cho Tổ quốc - quê hương mỗi ngày một giàu, đẹp, vững bền hơn.
                                

P.T 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 159
 Hôm nay: 4860
 Tổng số truy cập: 9329967
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa