Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Tình mẹ và trở về - Viên Lan Anh
Tình mẹ và trở về - Viên Lan Anh

Năm 1999, vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp ở Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trở về công tác tại Báo Thanh Hóa. Vào thời điểm đó, tôi chưa được kết nạp Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Nghe bạn bè nói ở Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đang có “Cuộc thi thơ cuối thế kỷ”. Tôi mạnh dạn gửi đến dự thi ba bài thơ theo quy định của cuộc thi, cuối cùng có hai bài trúng giải Nhì là bài “Tình mẹ” và “Trở về”. Cùng dự thi lần này, Lê Quang Sinh trúng giải Nhất với bài thơ “Nghĩa Kỳ”. Sau đó, tôi in tập thơ “Cánh đồng làng”, là tập thơ đầu tay tại Nhà xuất bản Thanh Hóa. Riêng bìa sách, sau nhiều gợi ý tìm họa sỹ vẽ bìa, nhưng tôi lại xin một tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Đàm chụp cánh đồng lúa huyện Quảng Xương để vào bìa với ý nghĩa gắn với nơi tôi sinh ra. 
Sau khi nhận giải thưởng ở Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, tôi rất vui mừng và mon men tìm hiểu các điều kiện cần và đủ để được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Tôi tìm hiểu và biết, điều kiện để được kết nạp vào Hội là phải có các giải thưởng về văn học và ít nhất là phải có một tập sách in riêng. Các nhà văn đều nói một câu “ít nhất...”,  khiến trong thâm tâm tôi lo lắng. Nhiều khi định hạ bút viết một xin vào Hội VHNT Thanh Hóa nhưng thấy tác phẩm của mình cứ hẻo hẻo thế nào ấy, rồi thôi! Nhưng một hôm, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh gọi tôi đến tạp chí Xứ Thanh, khi đó ông đang là Tổng Biên tập. Ông xoa đôi bàn tay nuột nà của mình, rót cho tôi chén nước rồi thư thả nói: “Ta nghe truyện ngắn “Mầm sống” của cô được giải Ba, “Ma mèo” của Phong Điệp (quê Nam Định) được giải Nhì, ngoài ra còn có Nguyễn Vĩnh Tiến với “Sự ra đời của buổi tối”, Lưu Sơn Minh với “Bến trần gian”... của cuộc thi không có giải Nhất, báo Văn nghệ trẻ từ năm 1997, cộng với giải Nhì cuộc thi thơ cuối thế kỷ  tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh và có một tập thơ in riêng thế là tốt rồi, mạnh dạn làm đơn vào hội đi, chần chừ gì nữa”.  Tôi nghe ông nói mà lòng xốn xang, nhưng cũng thưa thật một câu: “Em nói bác đừng cười... Vì mới in có một tập thơ nên cứ sợ rồi nộp đơn, ai đó biết, người ta cười cho mất mặt lắm”. Nhà văn cười hì hì rồi bồi thêm: “Chúng tôi chỉ sợ cô vào hội rồi lại lo làm báo, chả có thời gian nhiều cho văn chương. Mà con đường văn chương thì muôn dặm sơn hà, ai tự đi đường của mình, gieo hoa hái hoa, gieo quả hái quả, gieo hạt chắc gặt bội thu. Tóm lại là viết được một tác phẩm, nhất lại là truyện ngắn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, sắt tim gan, tàn sức khỏe... Đó!, chả ai ngáng đường ai, cứ việc một mình mà đi. Cô hình dung ra rồi chứ?”. “Dạ!”.
Ra đến bên ngoài cổng cơ quan, gặp cố nhà thơ Mạnh Lê lúc đó là Phó Tổng biên tập tạp chí đang dắt chiếc xe máy thủng xăm đi vào, tôi vội hỏi: “Nhà thơ đi đâu về mà xe lại thủng xăm vậy?”. “á, xin chào em... anh vừa mới bị vấp đinh ngoài kia... Này, tay Lê Quang Sinh giải Nhất thơ đó, em nhớ chứ? Hắn trách em lắm”. “Ô, em có làm gì đâu mà họ lại trách em?”. “Thì cái hôm nhận giải thưởng thơ xong, anh đưa nó đến quán cháo gà nhà chồng em bán, để mấy anh em ăn tối. Thấy em chạy vào, chạy ra bán hàng với mẹ chồng em, nó giật mình hỏi em: Em ơi, có phải sáng nay em vừa đi nhận giải thưởng thơ ở Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh không? Em đã không tỏ ra bối rối, còn nói dối tỉnh bơ: “Dạ, đó là chị gái em. Chị em sinh đôi, chị ấy đang làm phóng viên ở Báo Thanh Hóa, em lười học nên ở nhà lấy chồng sớm và phụ giúp nhà chồng ạ”. Gớm, cái thằng thật thà, cứ tin sái cổ... Khi trên đường về, anh nói người nhận giải thơ chính là cô gái bán cháo gà, hắn cứ ngẩn tò te ra... ha... ha”. 
Truyện ngắn “Mầm sống” tôi viết khi đang học ở Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Cùng dãy ký túc xá của tôi thuộc các khóa học còn có Bình Nguyên Trang, Đinh Thu Hiền, Đỗ Bích Thúy (cán bộ đi học), Đỗ Doãn Phương, Đỗ Thị Tấc (cán bộ đi học), Bế Kim Loan (cùng lớp). Ngoài ra  ngoại trú còn có Vi Thùy Linh. Khi tôi biết báo Văn nghệ có cuộc thi truyện ngắn 1996-1997 là cũng do bạn bè nói nên mới biết. Những người có kinh nghiệm thi trên các tờ như Tiền Phong, Tuổi xanh,... chia sẻ với tôi: “Mình cứ mạnh dạn gửi bài, được thì được vinh danh, không được thì thôi, chả ai công bố tên những ai không được giải nên có chi mà phải sợ xấu hổ”. Với ý kiến này, tôi thấy có lý nên âm thầm quyết tâm. Nhưng “rình mãi” cảm xúc chẳng đến, vả lại nghĩ “Đũa mốc đòi chòi mâm son” thế là tôi quên dần ý định điên rồ ấy.
Tôi cùng một số em đổ xô đến các báo lân cận Hà Nội để xin một chân cộng tác viên vừa để tranh thủ ngày nghỉ rèn luyện thực tế, vừa có thêm cơ hội viết bài kiếm nhuận bút trong khi những Bình Nguyên Trang, Đinh Thu Hiền, Bế Kim Loan,... những cây bút trẻ cứ thong thả ngày nghỉ ngồi đung đưa chân trên các cửa sổ nhai bánh mì cũng ra thơ, gửi cho các báo lấy nhuận bút đều đều. Chính vì nghĩ rằng: Trời cho chúng tài năng nên chúng kiếm tiền ngon ơ, còn mình vừa già, vừa dốt nên thôi, lo đi viết báo... Vào vai là một vũ nữ cùng một bạn trai trong lớp đi đến một vũ trường ở Hà Nội để viết bài. Tờ báo Văn hóa Thể thao ngày ấy có bài của tôi “Theo dấu chân vũ nữ” được đọc giả nhiều nơi điện thoại, gửi thư về tòa soạn khen ngợi, từ đó, tôi là cộng tác viên thường xuyên của báo này và một số báo khác. Vào dịp 27-7 năm đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về thương binh, liệt sỹ. Bỗng hình ảnh anh thương binh làng tôi hiện lên trong ký ức... Nước mắt tôi rơi lã chã khi tôi một mình tòn teng xách cái đầu cá chép từ chợ Xanh về ký túc buổi chiều chủ nhật vắng lặng, định cải thiện một bữa “sang trọng”. Tôi quăng cái đầu cá chép vào góc phòng rồi vội vã ngồi vào chiếc thùng gỗ kê ở đầu giường cá nhân và viết liên tục “Mầm sống” trong ba giờ đồng hồ không ngưng nghỉ. Viết xong rồi, ngồi đọc lại mà vẫn khóc với các nhân vật của mình. Bỗng có tiếng gõ cửa. Trần Hiền (con gái cô Phượng làm ở Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Truyền hình Thanh Hóa) ở phòng bên sang mượn lò xo để sục mì tôm với rau muống, thấy tôi đang khóc, em lao đến hỏi vội: Chị ơi, sao vậy? Tôi chìa tập bản thảo ra cho em xem... Em đọc rồi nói như ra lệnh: Chị đem đi dự thi ngay!...
Mốc thời gian 1997-2017 là tròn 20 năm “Mầm sống” ra đời trên báo Văn nghệ trẻ, 1999-2019 này tròn 20 năm với “Tình mẹ” và “Trở về”.  Nếu gọi tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là một người mẹ Văn học đã đón tôi từ kinh kỳ trở về với xứ Thanh có được không?! Thì ra, cuộc đời và số phận đã an bài cho ta, chọn cho ta một con đường chứ ta không thể làm khác và để viết được một tác phẩm thì phải “vã mồ hôi, sôi nước mắt...” như nhà văn Từ Nguyên Tĩnh  đã nói hoặc như nhà thơ Huy Trụ đúc kết: “Câu thơ như hững như hờ/ Mà day dứt đến bơ phờ ruột gan/... / Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết, chắc đâu đã thành” là đúng sự thực với người cầm bút viết văn. 
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh với các thế hệ lãnh đạo tiếp nối như nhà văn Hoàng Trọng Cường và bây giờ là nhà lý luận - phê bình văn học Thy Lan đang tiếp tục nỗ lực cùng các cán bộ, phóng viên và đội ngũ cộng tác viên vun đắp cho “người mẹ Văn học xứ Thanh” trường tồn với nhiều sáng tạo, đổi mới để nội dung hay hơn, hình thức đẹp hơn và vẫn lấy Chân - Thiện - Mỹ  để phục vụ nhân sinh làm nền tảng phát triển, đưa tờ Tạp chí xứng tầm với mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày văn hóa xứ Thanh.
                      

 Tp Thanh Hóa 21-5-2019
                                V.L.A


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 64
 Hôm nay: 3835
 Tổng số truy cập: 9328942
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa