Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Đi từ “Vườn ươm” ngành văn hóa - Vương Anh
Đi từ “Vườn ươm” ngành văn hóa - Vương Anh

Cái thời ban đầu lưu luyến ấy có thể khắc cốt, ghi danh để rồi từ “Vườn ươm” của Ty Văn hóa mà Hội Văn nghệ tỉnh ra đời. Dạo ấy là thời kỳ giặc Mỹ đánh phá liên miên. Cơ quan nào ở nội thị đều phải đi sơ tán. Ty Văn hóa khi đó chuyển cư lên thôn Vạn Lộc, xã  Đông Ninh, huyện Đông Sơn. Các ban, phòng đến trú mỗi nhà. Đó là quãng thời gian đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước. Phòng Nghiệp vụ Văn hóa Văn nghệ được bổ sung nhà văn Nguyễn Thế Phương, tác giả của tiểu thuyết “Đi bước nữa” vang  bóng một thời từ Hội Nhà văn Việt Nam về để kích cầu bồi dưỡng cho đội ngũ sáng tác của xứ Thanh. Thế là tập san “Người bạn văn hóa” ra mắt độc giả. Có thể kể thêm nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Minh Hiệu, nhà viết kịch Hoàng Anh Nhân, đạo diễn Trịnh Chơi, các nhạc sĩ Văn Hòe, Lê Quang Nghệ, Nguyễn Trọng, Hoàng Hải... và những cây bút trong ngành về chuyên đề văn hóa quần chúng như Minh Văn, Minh Thông, Võ Huy, ... Các họa sĩ: Tứ Lang, Đặng Tiến Ngọc, Băng Thuận, Hoàng Hoa Mai, Lê Hàn, Sĩ Bạch, Lại Đăng Bạch... tạo thành đội ngũ văn hóa, văn nghệ Thanh Hóa có cơ hội phát triển. ấn phẩm ươm mầm từ tập san “Người bạn văn hóa” với những bài chuyên luận về chỉ đạo công tác văn hóa thông tin sâu sát và thực tế, cùng với các tác phẩm văn học: truyện, ký, thơ, ca dao, tấu, kịch ngắn, tranh, ảnh, ký họa, tác phẩm bằng tiếng dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông đã bước đầu tập hợp được sức mạnh sáng tác, sáng tạo văn học nghệ thuật của nhiều tầng lớp dám nghĩ, dám làm, chăm lo cho mảng văn hóa, văn nghệ tạo đà phát triển. Tập san “Người bạn văn hóa” trở thành trận địa mở ra các đề tài như: Chiến trận đánh máy bay Mỹ ở cầu Hàm Rồng, núi cao Pha ú Hò thuộc xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, chiến tích của các cụ lão quân Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Đề tài về giao thông vận tải, nổi bật về gương các chiến sĩ thuyền nan quần nhau với bom đạn để đưa súng, đạn, lương thực vượt vời từ sông Ghép an toàn. Đề tài về nông nghiệp, nông thôn đậm nét về những gương sáng tăng năng suất như các hợp tác xã Đông Phương Hồng, huyện Thọ Xuân; Lốc Toong, huyện Quan Hóa; Cổ Lũng, huyện Bá Thước; Thái Bình, huyện Ngọc Lặc...
Xung trận với mọi đề tài, các cây bút ở mọi lĩnh vực công tác đã lao vào bám sát những điển hình tiên tiến, những điểm sáng nơi chiến sự xảy ra,những gương tiêu biểu cá nhân, tập thể được tập trung nêu ra trong mỗi  tác phẩm: văn, thơ, tấu, nhạc, kịch, họa, ảnh đa dạng, phong phú.
Trong những năm tháng hào hùng đó phải kể đến lực lượng anh chị em làm công tác văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở và vùng dân tộc thiểu số. Lấy mốc từ năm 1974 thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa, đã có sự xuất hiện một loạt những gương mặt sung sức cho sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Văn xuôi có: Lê Sĩ Oanh, Lê Hữu Thuấn, Trần Hiệp, Đặng ái, Từ Nguyên Tĩnh, Lê Xuân Giang, Lê Thiện Trác, Phùng Thanh Vân, Nguyễn Huy Súc, Phùng Gia Lộc, Đỗ Văn Phác và Nguyễn Sơn Hà từ Quảng Ninh chuyển về...
Thơ có Mai Ngọc Thanh, Quế Anh, Huy Trụ, Văn Đắc, Phạm Phú Thang, Lê Văn Sự, Đào Phụng, Mai Hảo Ân, Hải Minh, Đỗ Minh Dương,  Đinh Ngọc Diệp, Lê Khắc Tuế, Nguyễn Minh Khiêm...
Họa có thêm Duy Khải, Duy Phương, Lê Hùng, Lê Quỳ, Lê Dũng, Lê Mai, Sỹ Tốt, Minh Thịnh, Lê Xuân Quảng, Hoàng Chất, Lê Tạo... 
Âm nhạc có thêm Mai Kiên, Nguyễn Liên, Xuân Liên, Thế Việt, Nguyễn Hoài Nam, Đỗ Hoài Nam, Cao Văn Cộng, Đoàn ứng, Mạnh Thống, Bùi Thanh Hóa, Cẩm Hải...
Nhiếp ảnh có: Quốc Lập, Nguyễn San, Trần Đàm...
Kịch, Sân khấu có thêm Văn Linh, Hồng Năng, Thế Dương, Tạ Quang, Trọng Quang, Hoàng Hùng...
Đội ngũ diễn viên nổi lên có: Mai Lan, ánh Nguyệt, Tự Khuất, Minh Côi, Hảo Yến, Ngọc Quyền, Hải Thọ, Thanh Tâm, Mạnh Đoài, Nguyễn Ngọc Hưng, An Tư... 
Lý luận phê bình có: Lê Xuân Đức, Hoàng Tuấn Phổ, Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Xuân Dương, Phạm Cúc...
Các văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số có mặt từ những ngày đầu thành lập Hội, có: Bùi Nhị Lê, Vi Lập Công, Cầm Bá Lai, Hà Thị Cẩm Anh, Vương Anh, Lệ Oai, Bùi Kim Quy, Cao Ngôi... tiếp bước có: Cao Sơn Hải, Phạm Tú Anh, Trương Thị Mầu, Hà Băng Xuân, Phạm Tiến Triều, Phạm Xuân Sinh, Phạm Quang Thẩm, Hà Văn Thương, Cao Bằng Nghĩa...  
Ty Văn hóa với vai trò “Vườn ươm” cho Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã mở các Trại sáng tác ở các thôn  Hợp Thành, thôn Phù Chẩn, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn; ở Nhà hát Nhân dân, thị xã Thanh Hóa. Các trại viên được quán triệt tình hình chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và những báo cáo điển hình về sản xuất, chiến đấu như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Thuyền nan, xã 10 nhất Cổ Lũng, Lò Cao Như Xuân, C4 Hàm Rồng, Làng Cổ Đông Sơn, Vùng Luồng Lang Chánh, Biên phòng và Biên giới Việt Lào, điển hình đổi mới trong sản xuất nông nghiệp ở Xuân Thành và Hạnh Phúc của huyện Thọ Xuân, anh hùng lâm nghiệp Phạm Bá Hoa và bè xuôi sông Mã...
Trại viên được quán triệt về tình hình chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng của tỉnh và cả nước. Được nghe kinh nghiệm sống và viết của các  bậc đàn anh như nhà văn Nguyễn Thế Phương, nhà thơ Vĩnh Mai, nhà viết kịch Mai Bình, Hà Khang... rồi tỏa xuống cơ sở, đi thâm nhập thực tế. Từ những chuyến đi bám sát điển hình, trại viên nào cũng có được tác phẩm xứng tầm thời đại. Các diễn viên, nhạc công của các đoàn văn công cũng xung trận khi thì đi Nam phục vụ chiến sĩ Trường Sơn, khi thì phục vụ các trận địa trong tỉnh và đưa nghệ thuật chèo, cải lương, kịch nói, tuồng, ca múa nhạc, văn công miền núi đi phục vụ hải đảo và vùng cao.
Từ trong “Vườn ươm” cho những cây đời nẩy mầm mà ngành Văn hóa đã nâng niu, chăm sóc, vừa tận tâm vừa quyết tâm đã xây nên một vườn hoa đẹp. Đó là các hội viên của khóa đầu tiên hình thành nên Hội Văn nghệ Thanh Hóa.
Năm tháng qua đi, đến nay văn nghệ sĩ Xứ Thanh đã trưởng thành, càng trưởng thành hơn. Mỗi khi ôn lại kỷ niệm xưa của thời trứng nước, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ không khỏi bồi hồi, xúc động. 
Nay và mai nữa Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa sẽ còn phát huy và phát triển. Tạp chí Xứ Thanh vươn tầm đi xa hội nhập với văn nghệ cả nước và toàn cầu.
                              

 V.A


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 4568
 Tổng số truy cập: 9329675
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa