Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   “Mật đắng gươm thiêng” Hà Khang biên soạn - Nguyễn Vượng
“Mật đắng gươm thiêng” Hà Khang biên soạn - Nguyễn Vượng

                                                                                       Dâng bác Hà Khang
                                                                                Thương nhớ hồn xưa cũ


Những giọt nắng sớm xuyên qua cành khế già sắp ra hoa. Trước hiên nhà sáng bừng mấy giò lan hoàng thảo, loài hoa nở tưng bừng cuối xuân, rưng rức một mầu vàng thương nhớ.
Hoàng thảo hoa vàng chợt nhớ ra
Ô xuân lơ đãng bấy lòng ta
Câu thơ tháng chạp mình chưa viết
Mà đấy hoa vàng xuân tháng ba    
Tháng ba, hoa xoan lãng đãng rớt đầy mặt sông, không riêng ở xứ Thanh, khắp vùng Ninh Bình, đồng bằng bắc bộ cũng thấy “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, có người lỡ bước sang ngang, “hoa xoan nở xác con ve gọi hè”, “Thảng khắp không gian một mùi hương đi vắng”, vườn thức một mùi hương đi vắng, chiều âu lâu bóng chữ động chân cầu. Bóng chữ, bóng thơ, bóng người ào ạt thổi về trong tôi. Đâu rồi những mùa hoa, loài hoa, mùi hoa, tiếng lòng, tiếng thơ, tiếng đời của bác tôi - bác Hà Khang, nhà thơ, nhà biên kịch, bậc tiên hiền văn nghệ không chỉ riêng của xứ Thanh.
Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ
Dòng đời thao thiết chảy, thời gian tựa bóng câu, mới đây mà đã mấy mươi năm khuất bóng người xưa cũ. Đâu rồi hình bóng cậu tú tài tây bán phần đất cố đô Hoa Lư, mười tám đôi mươi (suýt phải làm giáo học) cặp kè với người thơ Nguyễn Bính từ Nam Định vào, dọc dài núi Thúy, sông Vân, chuyện trên trời, dưới bể. Chả phải vì những “cô láng giềng” hay “lỡ bước sang ngang” họ đến với nhau cũng không chỉ vì tiếng lòng, tiếng thơ hay vì những mùa hoa xoan nở, mà chỉ là vì cái chí của những người trai thủa ấy. Tuổi tác có là gì đâu (Hà Khang kém Nguyễn Bính đến năm sáu tuổi) thế mà vở kịch thơ Máu thiêng đã ra đời, hai người cùng viết. Người thị xã Ninh Bình xưa mấy ai quên cái vẻ ngang tàng, oai linh, ngây ngất đắm say của Nguyễn Bính, Hà Khang và chiến hữu trong đêm công diễn Máu thiêng đầu năm bốn hai dưới chân hòn non nước. Rạo rực lòng trai những ngày ve sôi phượng đỏ, tưng bừng, dân chủ, cộng hòa với những mặt trận bình dân, hội truyền bá quốc ngữ, đoàn thanh niên cứu quốc. Họ, chính họ những chàng trai thủa ấy đã làm náo động cả xứ Bắc kỳ An Nam.
Cũng xa lắm rồi chuyện ngày xưa bác kể. Những ngày tháng cả nhà tản cư vào Thanh, ngày bác đang vệ quốc đoàn chinh chiến ở khu 5, rồi những đêm liên hoan rừng rực lửa thiêng ở Bình Trị Thiên khói lửa:
Đêm liên hoan
Đầu nhấp nhô như sóng ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tan lồng ngực
Vì say sưa thân thiết
Vệ quốc đoàn
(Thơ Hữu Loan, Phạm Duy Ngâm, Hà Khang quen biết và thân thiết với Hữu Loan từ những ngày binh lửa ấy).
Và cũng rất xa rồi những tháng năm gian khổ mà hào hùng, tươi mới ở thủ đô văn hóa liên khu 4. ô kìa tướng Nguyễn Sơn, ngất ngây men rượu say, vỗ đùi, vỗ tay cười ha hả với dân văn nghệ. Tụ hội nơi đây biết mấy anh tài: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Lạp, Thái Hằng, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Đức Nùng, Phạm Duy, Lê Yên... Ông Đặng Thai Mai còn phải kiêm luôn hai chức, vừa là hội truởng Hội Văn hóa Việt Nam, vừa là Chủ tịch Hội Văn nghệ liên khu 4. Dọc dài các con đường xứ Thanh, Cầu Quan, Cổ Định, Núi Nưa đã in dấu biết bao dấu chân của các văn nghệ sỹ thời kháng chiến. Còn đây, nhưng chỉ trong ký ức, bao người, những dãy phố dài sơ tán của thị xã xưa, nhà gianh, vách đất lụp xà lụp xụp, khép na khép nép, dưới chân núi Nấp, núi Voi. Lập lòe ánh đèn dầu thâu đêm với bạn bè văn nghệ liên khu, đủ cả làng văn, làng nhạc, làng họa (Hà Khang, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Sỹ Ngọc, Nguyễn Phúc, Văn Giáo...). Để rồi Có một vụ chiêm ra đời:           
Người lính xứ Thanh
áo phanh trên bãi biển
Quỳ chân trên sóng mài đao
Biện sơn bọt trắng cù lao
(Hà Khang, Có một vụ chiêm 1948)
Đọc lại câu thơ “Nghìn ngày kháng chiến, gặp một vụ chiêm lại thấy hơi là lạ...” trong kỷ yếu Hội Văn nghệ Thanh Hóa in ở mục Sân khấu ghi Hà Khang (1924-2002) tên thật là Hà Phúc Khang, nguyên quán Gia Khánh, Ninh Bình. Chuyên ngành kịch bản sân khấu, hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa khóa I, khóa II (1983-1985). Không, không phải vậy, có điều gì hình như chưa đủ.
Hà Khang, bác Hà Khang của tôi, trước hết và trên hết là một nhà thơ, một người thơ, ngay vở kịch đầu tay viết chung với Nguyễn Bính, vở Máu thiêng cũng là kịch thơ đấy chứ. Những tác phẩm thành danh của bác ở liên khu 4 như Có một vụ chiêm, Tiệc lửa, Phước lành, Đường về làng Đại, Cửa hới, Chuông giáo đường... cũng toàn là thơ đấy chứ. Chả nói gì cho quá, cứ ngắm nhìn chân dung bác là đã thấy thấm đẫm hồn thơ. Mà thôi, kịch thì kịch, kịch của bác cũng toàn là thơ thôi mà.
Khi người ta nhờ bè bạn mà lấy được vợ thì càng thấy sâu đậm đạo nghĩa vợ chồng, ân tình bằng hữu (bác Hà Khang cưới bác gái đầu năm bốn chín, sinh chị Hạnh con gái đầu lòng năm năm mươi). Vở Nàng ba Châu Long được Hà Khang thai nghén từ những năm năm mươi, mãi hơn mười năm sau 1960 mới được công diễn (những năm tháng ấy, hết kháng chiến lại đến cải cách ruộng đất, cải tạo công tư bản tư doanh, bình dân học vụ thì lấy đâu ra người, ra nơi để mà công với chả diễn, thị xã buồn như chợ chiều hôm). Tích chuyện Lưu Bình Dương Lễ ai mà chả biết. Một bát cơm hẩm, một quả cà hôi, ca ngợi ân tình bằng hữu, huynh đệ của Lưu Bình. Nhưng riêng bác - bác Hà Khang của tôi nghĩ khác. Nàng ba Châu Long, vâng - chính Nàng ba Châu Long mới là huyền thoại của câu chuyện này. Vở Nàng ba Châu Long hát về một người đàn bà trong sáng, thủy chung đến tận đáy người, đáy đời, nàng Châu Long cứ như tiên, như phật. Vở diễn làm rúng động lòng người, lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của người thị xã Thanh Hóa xưa, vở công diễn ròng rã mấy tháng trời mà rạp văn hóa, rạp Thanh Bình vẫn đông nghịt khách. Vở diễn cứ như một áng cổ thi (vở Nàng ba Châu Long đoạt giải A Liên hoan Sân khấu liên khu 4 năm 1960).                                            
Mật đắng gươm thiêng là tên của một vở cải lương, tác giả chọn cái tên này cho vở diễn rất hay ở chỗ, nói đến mật đắng gươm thiêng là người xứ Thanh và người Việt Nam ta nhớ ngay tới chuyện rùa thần dâng gươm... Mười năm nếm mật nằm gai của Lê Lợi, của nghĩa quân Lam Sơn trong công cuộc kháng Minh, trùng hưng nước Việt. Người anh hùng Lê Lợi đã trở thành tổ trùng hưng thứ hai giành lại nền độc lập, tự do cho dân Việt. Thầy Diên Niên - một nhà sử học xứ Thanh cho rằng: Mật đắng gươm thiêng là một bản hùng ca, sử thi bằng kịch có nội dung dã sử sát nhất với Lam Sơn thực lục. Còn tại sao lại là Mật đắng gươm thiêng, Hà Khang biên soạn thì lại là thế này. Năm ấy, khoảng đầu năm sáu hai gì đấy, cả nhà tôi đói lả vì bị tịch thu nhà in vào công tư hợp doanh mà vẫn không có sổ gạo, một hôm chiều muộn, bác Hà Khang đạp cái xe lincon mầu bạc ố vàng từ hồi chống Pháp, xuống nhà tôi ở Cao Thắng, thì thầm với cậu tôi: Họ.., tối mai họ cho diễn Mật đắng gươm thiêng ở rạp văn hóa, cậu phải vẽ ngay cho tớ một cái áp phích, cậu tôi vồ lấy bác, cười như vớ được của, nhẩy cà tưng cà tàng, rồi cậu tôi bỗng đần mặt ra lắc đầu, lấy đâu ra gỗ, ra vải mà đóng pano bây giờ. Bác lục khắp các túi lôi ra được mấy đồng bạc lẻ dúi vào tay cậu tôi, rồi ra ghi đông xe đem vô một cút rượu, một mớ lạc rang. 
Bác nhìn cậu tôi nói trống không, thôi nào, uống đi, thế đếch gì mà cậu chả có cách. Cậu tôi tợp vài ngụm rồi lôi bác xuống cầu Cốc, lúc sau đem về mấy thanh luồng chẻ, một tấm cót. Hai bố loay hoay một hồi cũng thành được cái khung pano, cậu tôi phết hồ dán giấy báo lên trên rồi vẽ, bác Hà Khang lại tất tưởi chạy lên bưu điện tìm bác Băng Thuận, Phúc Lộc chỉ vẽ, chứ có kẻ chữ được đâu, cậu xuống hộ bọn tớ mấy chữ.
Cậu tôi vẽ một con rùa to ngậm thanh gươm ở dưới, trên là um tùm rừng già Lam Sơn, ở giữa là một đống lửa to đùng, cháy bập bùng như lửa thiêng của hội thề Lũng Nhai, bác Băng Thuận viết hai chữ mật đắng mầu đen, hai chữ gươm thiêng mầu đỏ, may mà...
Gần tối đêm thì xong, ba ông khệ nệ khiêng lên rạp văn hóa, bọn trẻ con chúng tôi vây lấy xem, rồi bám đuôi đi theo, vừa đi vừa hò hét xem đi, xem đi, Mật đắng gươm thiêng, Hà Khang biên soạn cuộc diễu hành làm náo loạn khắp đường trên, phố dưới. Có lẽ đây là kiểu cổ súy cho vở diễn độc nhất vô nhị. Kỷ niệm này còn in dấu mãi trong ký ức tuổi thơ tôi. Sau này vở được Thanh Hóa đưa đi dự hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962 dẫu đoạt giải Vàng nhưng không hiểu vì lẽ gì lại đổi tên thành Nghĩa quân Lam Sơn - thật tiếc. Những năm tiếp theo bác viết khá nhiều. Cải lương: Kiều du xuân, Từ Thức gặp tiên, Trống trận Ba Đình; Chèo: Vào mùa, Chặng đường tình nghĩa, Đầy ra đảo hoang. Riêng vở Vì nghĩa quên tình viết về Dương Đình Nghệ và Khúc Thừa Dụ, là một vở dã sử cực hay nhưng không thấy công diễn, đến giờ cũng không tài nào tìm được di cảo, thật uổng phí của trời.
Năm tháng qua đi, đời người rồi cũng qua đi. Người nông phu lùa đàn bò ra bãi cỏ, tuổi già và cái chết đưa người ta ra bãi tha ma (câu kệ số 144, kinh pháp cú) lời phật thật vô vi, có những cuộc ra đi vô cùng thanh thản như một lẽ thường tình như đi về những vạt cỏ xanh, như người nông phu đã cày xong thửa ruộng. Cầu cho tất cả đều siêu thoát. Theo những truyền thuyết của người Việt, thì lại còn có một lối rũ bụi trần ai, ra ngoài nhân thế tuyệt hay. Đấy là chuyện của chàng Từ Thức. Cởi áo từ quan lấy tiên làm vợ, vội đi nên mang cả nỗi buồn lên xứ thiên thai, để quả đất mất đi một ít hồn người, nhà thơ xứ Thanh Văn Đắc trong một lần trò chuyện về nhà thơ, nhà viết kịch Hà Khang có hỏi dẫn một câu: Không hiểu vì sao từ khi mình về làm biên tập thơ ở Hội Văn nghệ Thanh Hóa, cứ thấy ông ấy (Hà Khang) rất ít lời, có chút e dè và rất kín kẽ, cứ lầm lũi chúi đầu vào công việc, không thích chuyện trò và hầu như không bao giờ đàm đạo văn chương. Một câu hỏi không lời đáp, đành dẫn ra đây đôi điều, vài ba câu chuyện, ngõ hầu có thể kiến giải tý chút về chuyện này. Hòa bình lập lại  các văn nghệ sỹ trở về Hà Nội, Văn nghệ liên khu 4 hụt hẫng, rời rạc, rất khó tập hợp, hầu như không có hoạt động gì đáng kể. Hà Khang được điều về Ty Văn hóa Thanh Hóa, nhưng phải tham gia ngay vào công tác bình dân học vụ, sau về làm ở phòng văn nghệ, thời kỳ này xẩy ra khá nhiều biến cố lịch sử trong tư tưởng của các văn nghệ sỹ. Nào cải cách ruộng đất, cải tạo công tư bản tư doanh, rồi lại trăm hoa đua nở, tự do dân chủ và nhất là vụ nhân văn giai phẩm. Không ít người ngơ ngác, bàng hoàng, rúm ró (trong đó có cả cậu tôi, bác Hà Khang và không ít người khác). Cuối năm 1962, Nguyễn Bính chết ở Nam Định, một cái chết thật buồn và xa xót. Còn nhớ một chiều thứ bảy đầu năm sáu ba, bác Hà Khang tìm cậu tôi thì thầm: Nguyễn Bính chết rồi. Hai người vội vã ra ga Thanh Hóa, tăng bo qua cầu Hàm Rồng đi Nam Định viếng mộ Nguyễn Bính, trở về cả hai người hầu như lặng câm, đầy uất ức, ôm trong lòng nỗi buồn tê tái. Từ ấy vì sợ bị gà mổ nên họ thu mình lại như những hạt thóc lép, không bao giờ bàn tán chuyện chính sự, kể cả chuyện văn chương, văn nghệ. Suốt những năm sau bác Hà Khang của tôi cứ lặng lẽ lầm lũi, cần mẫn làm những công việc được giao mà chả mấy hào hứng. Duy chỉ có sự tận tâm, tận lực, nhiệt thành với làng văn nghệ thì không bao giờ thay đổi. Gần ba chục số tạp chí “Người bạn văn hóa” in thập thõm mỗi năm vài số, rồi việc thổi tù và hàng tổng ở Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa, bác đều cố làm chu tất. Năm 1974 Hội Văn nghệ Thanh Hóa được thành lập, người ta bầu bác làm phó Chủ tịch Hội đảm nhận việc quản trị hội và trị sự cho tờ “Văn nghệ Thanh Hóa” thực ra chỉ là công việc của người gác đền mà thôi. Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa thưc sự là cái nôi của không ít các văn nghệ sỹ xứ Thanh, trong đấy có không ít công sức, mồ hôi, nước mắt của bác Hà Khang, chuyện đời cứ nghĩ quá mà chi, chả có gì đổ ra sông, ra bể cả đâu, văn nghệ xứ Thanh còn rất nhiều người thương nhớ bác đấy ư!
Sớm nay, sớm tháng ba ngày muộn, bảng lảng khắp không gian một mùi hương thương nhớ, hoa xoan vẫn lãng đãng rớt đầy mặt sông, hoàng thảo lan vàng rưng rức buồn tê tái, gió khôi nguyên ào ạt thổi về, bóng chữ, bóng thơ, bóng người xưa cũng ào ạt thổi về trong tôi, thảng nghe một câu thơ hát hãy cho tôi được làm người, như bao người dưới mây trời cần lao. Bác ơi - bác Hà Khang của tôi ơi, cuộc đời bác là cả một cuộc đời thơ, là cả một cuộc đời cần lao.
                    

Thanh Hóa tháng ba, Quý Hợi 2019
 
                           N.V


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 53
 Hôm nay: 3860
 Tổng số truy cập: 9328967
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa