Tình người trong truyện ngắn “Mùa đông ở Sính Phình” của Phan Đức Lộc - Lê Thị Đáng
Phan Đức Lộc là một cây viết trẻ, một tài năng với nhiều triển vọng. Anh sinh năm 1995 tại Yên Thành, Nghệ An. Hiện là một chiến sĩ công an của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Phan Đức Lộc từng sáng tác thơ, tản văn, viết truyện cho thiếu nhi. ở thể loại nào anh cũng tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nhưng thành công hơn cả, bạn đọc ấn tượng về anh nhất vẫn là ở thể loại truyện ngắn. Bên cạnh các truyện đã in chung thì “Mùa đông ở Sính Phình” là một điểm sáng. Truyện được trao giải Nhât cuộc thi “Sáng tác văn học trẻ” của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 2018.
Truyện “Mùa đông ở Sính Phình” của tác giả đã đưa chúng ta đến với một lát cắt trong cuộc sống của con người vùng núi Tây Bắc. Lấy bối cảnh là mùa đông băng giá, cái rét kéo dài cả mấy tháng đến mức “cỏ hoa ngừng nở, con chim ngừng bay”. Gùi chung cái rét là cái đói, là những cảnh ngộ tưởng như bất lực, bế tắc của cuộc sống con người. Nhưng vượt lên trên tất cả những nghịch cảnh đời thường, vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên chính là tình yêu thương giữa người với người. Là tình cảm gia đình, tình yêu, tình chồng vợ. Đó cũng chính là chủ đề của truyện mà tác giả muốn hướng tới.
Truyện xoay quanh cuộc sống cơ cực của vợ chồng Sùng và Lìa. Sinh ra và lớn lên ở miền đất đồi núi cằn khô “mùa hạ nắng nẻ cành lim, mùa đông rét co hòn đá”. Cha mẹ Sùng cũng sống trên đá, chết gục trên mỏm đá. Đá núi mài bàn chân thêm rắn rỏi, đá lởm chởm thành ghềnh như cuộc đời cơ cực. Mùa đông, đá cứa buốt bàn chân. Thiên nhiên vùng cao khắc nghiệt, thời tiết khắc nghiệt, đất đai bạc màu “con người thương đất nhưng đất chẳng thương người”, đói rét, thiên tai và bệnh tật luôn bủa vây đeo đẳng cuộc sống của họ. Cả mấy đời nhà Sùng đều khát khao cháy bỏng là có được con trâu kéo cày thay sức người nhưng rồi đến đời Sùng ước mơ khát khao ấy mới thành hiện thực. Cái chết dữ dội, đau đớn của cha khi ông phải ăn lá ngón để kết thúc sự sống, để bớt gánh nặng cho vợ con. Cái chết vật vã ám ảnh của mẹ vì bệnh tật với cái lưng không thể còng hơn đã cho Sùng thấy: Con trâu chính là báu vật, là lá bùa sinh mệnh của nhà anh. Thế mà thiên tai bão lũ, nhà bị cuốn trôi, con nhỏ ốm đau, gia cảnh đói rét . Cùng quẫn, Sùng đành quyết định bán trâu. Sinh mệnh con trâu có thể đổi được sinh mệnh của mấy con người nhà Sùng, đặc biệt là đứa con bị viêm phổi nặng cần được đi viện. Nhưng rồi người và trâu đang bịn rịn chia tay thì trâu lăn ra chết vì lạnh. Cái chết của con trâu cướp đi niềm hy vọng, cướp đi bát cơm, manh áo, cướp đi cả hạnh phúc nhỏ nhoi bình dị của nhà Sùng. Cuộc sống của ba con người ấy vốn nghèo khó lắt lay nay càng khốn quẫn hơn. A Hồng - đứa con duy nhất của vợ chồng Sùng trở bệnh nặng thêm. Mùa đông Sính Phình cứ dài mãi. Một kết thúc truyện buồn thê thiết.
Không chỉ có vậy, “Mùa đông ở Sính Phình” còn là bài ca về tình người, tình yêu, tình vợ chồng chung thủy, vị tha. Có những nhân vật chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời kể của nhân vật khác như bố Sùng, mẹ Sùng, nhưng ta vẫn cảm nhận được họ là đại diện cho những người nông dân miền núi chất phác, cần mẫn, giàu tình yêu thương. Nhà nghèo không mua nổi con trâu cày, bố Sùng phải thế chỗ con trâu kéo cày trên các vạt nương. Mẹ Sùng cầm cày theo sau, đất bung nở dưới chân nhưng người phụ nữ ấy “nước mắt rơi lã chã” vì thương xót chồng. Tình cảm ấy còn biểu hiện ở hình ảnh người cha sức cùng lực kiệt, không muốn trở thành gánh nặng cho vợ con nên “lót dạ bằng nắm lá ngón”.
Trong đói khổ cơ cực, trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên tai và sự khắc nghiệt của mùa đông ấy, có mồ hôi rịn vai áo, có nước mắt rỏ trên mỏm đá, luống cày, có cả máu nữa... nhưng truyện có những đoạn vẫn mang một chất thơ bàng bạc của núi rừng, của lòng người. Hãy cùng đọc những câu: “Từ dấu chân trâu, cây sắn nảy chồi, hạt ngô mở mắt, lúa bật đồi xanh. Mượn câu hát thương nhau vượt qua mười núi chín đèo...”, hay “Mùa gọi mùa mang đến ấm no. Nơi góc nhà săn gối lên đầu sắn, ngô chen chúc vai ngô. Tha hồ nấu rượu, đồ xôi, làm mèn mén, tha hồ sẻ cho đàn gà, chia cho bầy lợn nhặt nhạnh nhằm nhặp suốt ngày”... Từng câu văn nhịp nhàng và giàu hình ảnh tựa như câu hát cất lên từ núi rừng. Câu hát ấy hướng người ta đi về phía mặt trời.
Nói đến cuộc sống hôn nhân của các cặp trai gái người dân tộc thiểu số, ta cứ nghĩ đến những nạn nhân của thần quyền, cường quyền và cả tiền quyền nữa. Họ không được làm chủ cuộc sống, làm chủ tình yêu của mình. Nhưng thật khác với những mô típ truyện miền núi trước đây, Phan Đức Lộc đã ca ngợi tình yêu thương, sự chung thủy của những con người làm chủ cuộc sống của mình. Đó là việc Lìa đã chọn Sùng - Chàng trai khỏe mạnh, tốt tính nhưng con nhà nghèo để lấy làm chồng, cự tuyệt tình cảm của A Chá - giàu có mà hống hách. Để rồi sau này dù cuộc sống khổ cực vẫn nguyện hôm sớm rau cháo có nhau. “Thà mặc chiếc váy xấu mà có cái bụng tốt còn hơn mặc váy đẹp mà cái bụng xấu”. Những phát ngôn của nhân vật, những suy nghĩ của nhân vật thật nhân văn. Việc Lìa khuyên ngăn chồng đừng ăn trộm gạo và gà nhà người ta trong lúc cùng quẩn, Lìa không ngả vào vòng tay A Chá để đổi lấy cơm ngon váy đẹp, mà chấp nhận bán tóc chợ phiên lấy tiền mua gạo và thức ăn cho gia đình sống qua ngày đoạn tháng để trông chờ một ngày mai tươi sáng hơn. Hay hình ảnh Lìa rót nước sôi tráng cái dấu cháo còn dính lại trong lòng bát rồi đưa lên môi húp để nhường phần cháo ít ỏi còn lại cho chồng sau khi đứa con đã no nê. Việc hai vợ chồng nhường qua nhường lại rồi cuối cùng chia nhau mỗi người một muôi cháo đã khiến người đọc cảm động thực sự. Trong bóng tối vẫn hướng về phía có ánh sáng, trong cùng cực hiện tại vẫn nghĩ về tương lai, bình minh và mặt trời hồng. Tình cảm ấy, niềm tin và tình yêu cuộc sống ấy là những đốm lửa nhỏ leo lét giữa đêm đen, đêm mùa đông Sính Phình, cũng như đã sưởi ấm lòng người. Họ xích lại với nhau để tìm hơi ấm, họ truyền hơi ấm cho nhau...
Chất nhân văn trong “Mùa đông ở Sính Phình” khiến người đọc xúc động mạnh còn ở hình ảnh con trâu và cách ứng xử của con người với con vật. Bản chất của loài súc vật này khi được con người nuôi nếu không để kéo cày, thì cũng bán giết thịt. Nhưng con trâu trong truyện “Mùa đông ở Sính Phình” của Phan Đức Lộc lại được xem như một thành viên trong gia đình Sùng. Người yêu thương chăm sóc, cảm ơn trâu, trâu giúp người “lùa cái đói” ra khỏi cửa. Với những gia đình đồng bào miền núi thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Sùng tắm rửa cho trâu, chăm sóc trâu bằng cả tình yêu thương và sự hàm ơn. Bán trâu là một quyết định, một lựa chọn của sự cùng quẩn bế tắc, nhưng lại cũng là niềm hy vọng cái ánh sáng cuối đường hầm, rằng con trai Sùng sẽ khỏe mạnh trở lại rồi nhờ trời còn người còn của, người làm ra của, rồi sẽ tậu được con trâu mới. “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” (ý ca dao Bình Trị Thiên). Nhưng cuối cùng con trâu rống lên ồ ồ rồi chết gục trong một đêm mưa gió tuyết phủ.
Thành công của “Mùa đông ở Sính Phình” không chỉ ở việc tạo tình huống truyện, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, lời kể sinh động, ngôn từ vừa mang đậm chất miền núi vừa có nét hiện đại, mà còn ở việc tạo ra những câu văn cân xứng, nhịp nhàng giàu nhạc tính. Điều đó mang đến cho người đọc sự cân bằng trong cảm xúc. Cái khổ đau, cái ám ảnh được nói rất sâu, chạm đến người đọc gây xúc động mạnh cũng chính nhờ những câu văn như thế. Có thể nói: Viết những câu văn giàu nhịp điệu, những câu văn có cách viết như một bài thơ. Hình ảnh sóng đôi là sở trường của Phan Đức Lộc. Thử đọc một số câu, ta sẽ thấy rõ điều đó: Trồng cây, cây không bám rễ/ Gieo hạt, hạt không nứt chồi; Núi mệt rồi, núi nghiêng đầu ngủ/ Mây mỏi rồi, mây chẳng buồn trôi; Vợ chảy nước mắt ra ngoài/ Chồng nuốt nước mắt vào trong; Rét quờ quạng lùng sục từ bên ngoài/ Rét thông thống luồn lách vào bên trong...
Phan Đức Lộc còn tỏ ra am hiểu đời sống thiên nhiên và con người miền núi. Những hình ảnh so sánh mang lối tư duy cụ thể, giàu hình ảnh được tác giả sử dụng rất nhiều và rất hiệu quả giúp người đọc hình dung được đời sống sinh động của người và vật nơi đây. Bản là cái túi đựng gió, đựng sương, đựng mưa phùn và giá lạnh. Hay khi nói về tốc độ và những bất thường đáng sợ của cơn lũ mùa thu nhanh như con rắn gió. Nói về cái đói đeo đẳng truyền kiếp của gia đình Sùng: cái đói cứ dai dẳng bám vào nhà Sùng như con vắt gặp bắp chân nà nõn. Nói về cơn bạo bệnh của mẹ Sùng: mẹ Sùng đổ xuống giường bệnh như cây ngô bị sâu đục thân vấp phải cơn gió mạnh... cứ như vậy câu chuyện về Sính Phình cuốn ta đi. Không có nhiều tình huống gây cấn, kịch tính, nhưng cảm xúc cứ dâng dần lên rồi ngập đầy trong lòng độc giả.
Một cái kết truyện có vẻ không trọn vẹn, không có hậu như người đời mong đợi. Tác giả để cho con trâu chết, truyện khép lại với tiếng khóc khàn đục tuyệt vọng của Sùng, tiếng ho trở bệnh nguy ngập của đứa con, tiếng chim cú lợn vọng lại trong đêm và hình ảnh Lìa chạy trong màn đêm lạnh lẽo hướng về phía ánh đèn dầu leo lét. Ta thấy cuộc sống của con người nơi đây mà điển hình là gia đình Sùng thật khổ cực, túng quẫn giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Ta thấy buồn nhưng không bi lụy mà vẫn hy vọng rằng có thể ngày mai, khi mùa đông qua đi, mùa xuân ấm áp sẽ đến. Dù chỉ một đốm lửa nhỏ như ngọn đèn dầu trong cái chòi lá bên suối của nhà Sùng thôi cũng đủ để ta có quyền hy vọng và tin tưởng. Tình người sẽ mang đến nắng ấm mùa xuân, chim lại hót, ngô lại nhú chồi. Đó phải chăng là điều mà tác giả muốn nhắn nhủ?
Viết về đề tài không mới, nhưng bên cạnh “cái đã có” thì nhà văn trẻ xứ Nghệ Phan Đức Lộc đã thành công với những thông điệp mà anh gửi gắm qua tác phẩm của mình. Mặc dù có những đoạn chất thơ ít nhiều lấn lướt cái trần trụi đời sống, ngôn ngữ dành cho nhân vật chính diện được anh ngợi ca như đoạn tả vẻ đẹp của gương mặt và suối tóc của Lìa - một bông hoa miền sơn cước. Nhưng phải khẳng định rằng “Mùa đông ở Sính Phình” là một trong những truyện ngắn làm nên tên tuổi của Phan Đức Lộc trong giới viết trẻ mà ngay cả nhiều nhà văn đa đề cũng phải quan tâm.
L.T.Đ