Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Tháng tư về, đọc lại trường ca Cầu Hàm Rồng của Huy Cận - Trần Hiệp
Tháng tư về, đọc lại trường ca Cầu Hàm Rồng của Huy Cận - Trần Hiệp

Đã có biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà sử học... đến chiêm ngưỡng và viết về Hàm Rồng trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, thật là đa thanh đa sắc, nếu được tập hợp lại thì sẽ là bản đại hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không chỉ riêng quân dân Hàm Rồng mà là của cả một dân tộc anh hùng. Trong cái “rừng” tác giả ấy, tôi rất khâm phục và mến mộ cố thi sĩ Huy Cận, ông đã dành cho Hàm Rồng những trang viết giàu cảm xúc trong những ngày máu lửa ấy. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Hàm Rồng tôi đọc lại trường ca “Cầu Hàm Rồng” mà vẫn thấy tươi rói chất hiện thực trong thơ ông.
Công chúng cả nước mà trước hết là những người yêu thơ Việt Nam ai ai cũng đã từng đọc thơ Huy Cận, nhiều người còn thuộc lòng nhiều câu thơ của ông. Nhà thơ Huy Cận có tinh thần yêu nước từ khi còn niên thiếu và tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã được giao nhiều trọng trách trong Chính phủ và suốt những năm sau đó ông đều được Đảng và Nhà nước bổ nhiệm các chức vụ quan trọng như Thứ trưởng rồi Bộ trưởng, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam… Dù bận công việc quản lý là thế nhưng năm nào ông cũng có tác phẩm được công bố và luôn nhận được sự mến mộ của người đọc trong nước và nước ngoài. Với thành tựu sáng tác đồ sộ của mình, ông không chỉ được đông đảo người yêu thơ trong nước mến mộ mà đã có vị trí vinh hạnh trên diễn đàn thơ thế giới. Ông từng được bầu là Ủy viên Hội đồng UNESCO, đồng Chủ tịch Hội đồng Văn học Á-Phi, đồng chủ tịch Hội đồng văn học thế giới, Ủy viên Hội đồng Văn học Pháp. Năm 2001, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới. Ông cũng là người được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu, năm 1996.
Những vần thơ trong các tập “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca”, “Trời mỗi ngày mỗi sáng”, “Những năm sáu mươi”… của ông đã đem đến cho người đọc những cảm hứng trong sáng và tươi rói, hướng đến tương lai đầy hoa thơm và quả ngọt, bên cạnh đó là vị đắng của cuộc đời hình như ai cũng phải trải qua. Huy Cận có con mắt thi nhân nhìn đời rất bao dung, nhất là khi ông quan sát cách làm, cách nghĩ của nhân dân bao giờ cũng với tất cả tấm lòng cảm thông đầy ưu ái. Riêng người dân Thanh Hóa nhớ mãi hình ảnh ông Thứ trưởng Bộ Văn hóa Cù Huy Cận đi thực tế sáng tác ở vùng chiến sự Hàm Rồng trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc mà Hàm Rồng được các nhà chiến lược quân sự Mỹ xác định là điểm hủy diệt. Năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ không ở đâu ác liệt như ở Hàm Rồng. Bom đạn giặc Mỹ dội xuống vùng đất này như vãi tro, rắc trấu suốt ngày đêm, mặc dù phải hy sinh mất mát nặng nề, quân dân ta vẫn kiên cường bám đất chiến đấu bảo vệ cây cầu cho xe, tàu ngày đêm chở hàng chi viện cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt. Những lần đi công tác Khu Bốn ông đều dừng chân ở đây để chiêm ngưỡng cuộc sống và chiến đấu của quân dân Hàm Rồng - nơi thể hiện hai khối “quyết tâm” đối chọi, giặc Mỹ quyết tâm đánh sập cây cầu, quân dân ta quyết tâm bảo vệ cây cầu. Cầu Hàm Rồng do người Pháp xây dựng, nhân dân ta đã phá để tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Giơnevơ mới được xây dựng lại. Nhà thơ Huyền Kiêu đã ghi nhận: “Biết phá, biết xây nên ta biết giữ”. Chỉ trong một câu thơ với ba chữ “biết”, nhà thơ đã khẳng định sự chủ động và tỉnh táo của quân dân ta ngay từ khi bước vào cuộc chiến. Thực tế ấy thôi thúc nhà thơ Huy Cận phải làm điều gì đó để đóng góp vào cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của quân dân Hàm Rồng. Với trọng trách của mình trong Chính phủ, nhất là ở Bộ Văn hóa lúc bấy giờ, nhưng ông vẫn đem điều băn khoăn, trăn trở của mình trình bày và đề nghị Bộ trưởng Hoàng Minh Giám cho ông nghỉ công tác một tháng để về sống và chiến đấu với quân dân Hàm Rồng bằng ngọn bút của mình. Với tư cách là nhà thơ đi thực tế sáng tác nên ông không có yêu cầu gì “làm phiền” đến tỉnh và Ty Văn hóa. Được Tỉnh đội bố trí, ông đến ở với bà con làng Đông Sơn, một làng cổ ngay dưới chân núi Hàm Rồng cho gần các trận địa. Ông đến với khẩu đội pháo cao xạ, đến với nhân dân làng Nam Ngạn, vượt sông sang với trận địa dân quân làng Yên Vực, xuống Cự Đà nghe Ban Chỉ huy trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ cầu kể chuyện về những tấm gương anh dũng chiến đấu, nghe các chiến sĩ công binh rà phá thủy lôi kể chuyện… Với thân hình to cao, giọng nói ồm ồm ngồi trên chiếc xe đạp cài lá ngụy trang, ông đi đến đâu cũng được nhân dân và các cán bộ chiến sĩ chào đón trân trọng. Tôi có vinh dự một vài lần được đi giúp việc cho ông, nghe ông kể nhiều chuyện về nghề văn và “xuất xứ” chuyến đi này. Có lần đến làng Nam Ngạn, ông đứng trên đê quan sát dòng sông cuộn chảy rất lâu làm cho tôi rất hoảng vì sợ bất chợt không quân Mỹ đến giội bom. Bắt buộc tôi phải lên tiếng giục ông thì ông như chợt tỉnh và cười bảo tôi: Mình thấy dòng chảy của con sông nầy rất lạ, tiếng nước có lúc như thì thầm, có lúc như cười sằng sặc reo vui, hay thật, con sông ni cũng có sức sống của nó. Đi đến đâu ông cũng hòa vào với cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ, ông sẵn sàng ngồi bệt xuống miệng công sự, bờ ruộng, hè nhà, chan hòa với mọi người. Đặc biệt, ông quan sát khá kỹ cây cầu. Tôi thầm nghĩ: Cây cầu vẫn thế, có gì khác đâu mà sao ông nhìn lâu thế?
Với cảm hứng sâu lắng, đa chiều và tri thức uyên thâm, giữa nơi bom đạn ác liệt ấy, nhà thơ không sa đà vào miêu tả những trận chiến đấu quyết liệt, cũng không tả về những tấm gương anh dũng chiến đấu hoặc những mất mát đau thương và ông đã tìm cho riêng mình một tứ thơ không giống những nhà thơ đã sáng tác về Hàm Rồng. Ông trải lòng mình bằng tình cảm ưu ái cây cầu, ở đây, hai chữ cây cầu ông đều viết hoa, đó là những câu thơ tả chân về người dân và các chiến sĩ bảo vệ cây cầu trong tư thế điềm tĩnh, đĩnh đạc. Mở đầu trường ca ông đặt câu hỏi:
- Cầu Hàm Rồng ơi, Cầu có thấy gì không?
Trả lời câu hỏi ấy, Cầu thấy: dòng sông Mã ngày đêm chảy lặng… chở đi những đợt dài lửa nắng.
- Tôi thấy lòng sâu sông Mã, tôi lại thấy
            Lòng người sông Mã sâu hơn
… ụ pháo ôm ấp tôi như những đóa hồng xanh đậm.
 - Còn thấy những gì, nghe những gì
            Hỡi Cầu yêu thương, thân thiết?
Cầu trả lời:
- Tôi là tọa độ của tình yêu mãnh liệt,
Đất chuyển đến tôi, trời chuyển đến tôi
Từ khắp non sông mạch sống đập bồi hồi.
Và, nhà thơ để Cây Cầu nhớ về lịch sử Thanh Hóa, không phải Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi mà những xe đạp thồ:
- Tôi lại thấy những xe đạp thồ từ chiến trường Điện Biên trở lại
Lòng chu đáo mọi bề và chân đi chậm rãi
Chở quân nhu đi đánh giặc, chở gạch ngói dựng xây
Chở đường, chở bột, chở vải, diêm và báo Đảng hàng ngày
Tôi thú thật rất mến yêu những bác xe thồ gân guốc…
Đó là những câu trả lời của Cây Cầu hay tiếng lòng nhà thơ? Tiếp đến, Cây Cầu hay nhà thơ đã chụp lại hình ảnh quê Thanh suốt một khổ thơ bình dị mà chân thật mỗi khi đọc lên ta lại thấy như đang đi giữa một làng quê bên bờ sông Mã trong một sớm trời quang mây tạnh:
- Tôi thấy…
Tiếng lách cách của cuốc cày tranh thủ cày bừa kịp vụ  
Nhiều mái ngói, chen những mái tranh, mái rạ
Tôi thấy bóng tre xanh, xanh mát bóng dừa

Xanh của lúa, xanh của dừa, xanh của áo màu phòng tránh
Và nghe bao nhiêu tiếng mạnh, tiếng thầm
… tiếng nứt của hạt của mầm
… con bê cựa ràn đòi bú

Rồi “tiếng gà gáy ven sông”, “ tiếng sự sống vang lên đủ tầng đủ giọng”. Như một bản tráng ca rót vào tai thính giả thể hiện sự tỉnh táo và đĩnh đạc của quân dân Hàm Rồng trong cuộc chiến đấu mà họ chắc thắng vì họ chiến đấu tại chỗ, hậu phương là đây mà tiền tuyến cũng là đây. Mặc dù bom đạn Mỹ khoét chi chít hố sâu xuống các cánh đồng, nhưng người dân vẫn bám đồng cấy hái; những thân dừa bị băm nát, đọt non vẫn vươn xanh, làng xóm bị tan hoang nhưng tiếng gà vẫn ran ran gọi bình minh… sự sống vẫn vang lên đủ tầng đủ giọng. Nhưng rồi những âm tiết nhạc thơ nhè nhẹ, lâng lâng dần chuyển lên cao trào với những khúc trầm hùng bay bổng:
Và tiếng vút lên xanh ngời của lửa 
… những giọng thấp, cao của đủ các tầng cao xạ
Của những khẩu súng dân quân Yên Vực, Nam Ngạn, Đông Sơn
Và nghe những máy bay Mỹ gãy nát xương sườn

Lòng mỗi người dân rạo rực niềm vui
Góp mỗi người mỗi câu vào bản đại cáo
                Đánh Mỹ tuyệt vời.
 Nhà thơ lại trở về với Cây Cầu mà thi nhân vô cùng yêu mến bằng những câu thơ - những dòng tự sự với cả một khổ thơ dài để kết thúc tác phẩm của mình:
Mang nhiều vết đạn trên thanh dài thanh dẹp
Mà ung dung, mà gân guốc tự hào
Ta muốn ôm hôn từng phiến thép thấp, cao
Mà ngọn lửa xanh êm đã rịt hàn vết thương đạn xéo
Cầu - chiến sĩ cũng mang u mang sẹo
Mà hồng tươi như cả nước non ta
Ôi chiếc Cầu bằng thép, bằng thịt, bằng da,
Bằng xương máu hợp kim cùng sắt thép:
Máu đỏ nhất và xương rắn nhất.
Cây đại thụ của làng thơ Việt Nam và thế giới đã đi về cõi Người Hiền (9-2-2005) nhưng trường ca “Cầu Hàm Rồng” cùng với những tác phẩm của ông còn mãi với thời gian. Tháng Tư về “Bản đại cáo đánh Mỹ tuyệt vời” lại vang lên với chiến thắng trận đầu chỉ trong hai ngày 3 và 4 bắn rơi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, đọc lại trường ca “Cầu Hàm Rồng” để mỗi chúng ta được sống lại sự đĩnh đạc của quân và dân ta trong giai đoạn hào hùng lịch sử của quê hương, đất nước. Đôi điều chép lại trên đây để ghi nhận thi nhân thay mặt chúng ta trò chuyện với cầu Hàm Rồng, cây cầu đã một thời như lũy thép nối hai bờ sông Mã mà mỗi chúng ta cũng như nhà thơ đã yêu mến như một phần xương thịt của mình. Vâng, đây cũng là nén tâm hương tưởng nhớ thi nhân Cù Huy Cận.
                                                                               

Hà Nội, tháng 4-2020
                                T.H
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 57
 Hôm nay: 3118
 Tổng số truy cập: 9328225
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa