Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Ửng tươi màu nắng mới (Cảm nhận đọc tập thơ “Màu nắng” của tác giả Hoàng Quốc Cảnh) - Vũ Quang Trạch
Ửng tươi màu nắng mới (Cảm nhận đọc tập thơ “Màu nắng” của tác giả Hoàng Quốc Cảnh) - Vũ Quang Trạch

Thật hạnh phúc khi đầu xuân Canh Tý tôi được tặng 2 tập thơ mới in, trong đó có tập thơ “Màu nắng” của tác giả Hoàng Quốc Cảnh - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019. Mỗi lần được bạn bè tặng sách tôi, thấy cảm mến, phấn chấn và ngưỡng mộ. 
Hoàng Quốc Cảnh thật chung thủy với thơ. Anh quan niệm văn chương là tinh hoa, cao quý nên coi thơ như một ngôi đền thiêng, theo dõi từng bước đi của các tác giả thơ, trân quý và tâm phục họ, nhất là với những cây bút trẻ. Anh sống ân tình với thơ nhưng viết không nhiều. Năm 2011 anh cho ra mắt tập thơ đầu tay “Tự khúc” và cuối năm 2019 tập “Màu nắng” mới ra đời. Tôi đọc, hưng phấn rồi ngẫm ngợi, và không khó để nhận ra một “Màu nắng” chững chạc, bản sắc và mới mẻ rất nhiều so với “Tự khúc”. Qua bài viết này tôi chỉ mong muốn chia sẻ với người đọc đôi điều cảm nhận, đồng cảm về tập thơ “Màu nắng”.
“Màu nắng” tươi mới, tinh tế và thiên lương 
Với 41 bài thơ trong tập, tác giả đã sắp xếp tương đối thành các cụm chủ đề: 
- Ta, ta và nhung nhớ, ghi lòng. 
- Những tình cảm với đất nước, quê hương, con người. 
- Những nhìn nhận, triết luận, trăn trở về nhân sinh, thân phận, cuộc sống. 
Với từng mảng, vẫn là một Hoàng Quốc Cảnh chân thật, dung dị, ân tình, lịch lãm nhưng cách nhìn của anh đã bao quát nhiều hơn, ngẫm ngợi hơn, sâu xa hơn và quan trọng là anh đã vượt lên chính mình làm mới cho thơ, đa chiều cảm xúc, mới cả về tư tưởng. Tứ thơ trong nhiều bài rất bất ngờ, thú vị, dụ dẫn. Cách biểu đạt dồn nén kiệm lời:
Ta nhận ra màu nắng 
Óng trong lớp thịt da 
    (Màu nắng) 
Một sự thay đổi về “chất” óng lên từ bên trong như vậy nên lắc lay, níu giữ được trái tim người đọc. Anh chân tình tự họa chân dung mình: 
Ta cuối chiều mệt mỏi 
như lá đỏ trên cành… 
        (Cuối chiều)
Vẽ bức chân dung mình trong cuộc đời này, cuộc đời mà anh, đồng đội anh đã phải hy sinh xương máu để giữ gìn từng chiếc lá, từng màu hoa, từng mầm cỏ… Đó là sự sống, là tình yêu, là cái đẹp muôn thuở dụ tình trái tim người nghệ sĩ, là thiên nhiên vững bền, là em của nghìn năm và là thơ, thơ đây chăng? Làm sao có thể buông xuôi, khi mà:
 Em như cơn gió lạ
 Xô nghiêng cả lá cành
 Muốn rung lên cùng gió
 bay vút vào cao xanh…
        (Cuối chiều)
Rõ ràng là lời tự thú tự con tim. Hồn thơ ấy làm nên màu nắng tinh khôi. Cái tinh khôi của thiên lương, của bản ngã mê dụ lòng người.
Cảm xúc thơ gần gũi, ấm áp nhưng vẫn cao quý, thiêng liêng, gắn bó máu thịt với con người, với quê hương đất nước.
Đọc “Màu nắng” ta nhận ra thơ là những gì thật ân tình. Vui, buồn, nhớ nhung, thương cảm, tiếc nuối, day dứt, cứ từ hồn vía câu chữ của tác giả mà thấm ngấm vào ta. Mỗi bài thơ đều gửi gắm, ký thác được một thông điệp về đất nước, con người, lương tri, quan hệ cộng đồng. Cung bậc tình cảm đa chiều, gọi về quá khứ, hiện tại và tương lai:
Ta - Hậu thế - đã một thời trận mạc 
Chợt ngỡ ngàng trước vời vợi non cao.
        (Trên đèo Ba Dội) 
Chỉ với hai câu thơ, tác giả đã tự hào khẳng định đất nước này, sông núi này được dựng xây, ghi dấu bởi tiền nhân “vời vợi non cao”, được nối tiếp bằng “hậu thế một đời trận mạc”. Một hậu thế ý thức được chữ “Ta” cao quý, thiêng liêng, trách nhiệm, khiêm tốn và khát vọng hòa bình, khát vọng tình yêu, khát vọng nuôi dưỡng hồn dân tộc. Chủ thể trữ tình trong thơ anh hầu hết là: “Ta”! Thật tự tin, đĩnh đạc, tự hào nhưng khiêm nhường, ơn nghĩa, ngọn nguồn, máu thịt. 
Tổ quốc thiêng liêng bởi tự ngàn xưa,
cha ông vượt trùng dương dựng hình đất nước
và khi chúng con tay nắm chặt tay,
dựng bia chủ quyền bằng thịt, bằng xương trên đảo Gạc Ma.
        (Biển, đảo và Tổ quốc)
Đã từng là người lính, tác giả ý thức, cảm nhận được cái giá của hòa bình, chính vì vậy anh viết về người lính, về đồng đội thật thân thương và trân trọng: 
Tôi yêu lắm những người lính đảo
Giữa trùng khơi chắn sóng - mũi con tàu.
        (Những người giữ đảo) 
Hầu hết các bài thơ trong “Màu nắng” là một chuyện đời bắt gặp. Cảm xúc từ mỗi bài thơ gắn liền với một mẩu đời, một ghi dấu, xao động, lắng đọng có thật, có không gian và thời gian cụ thể đó là những cảm nhận tinh tế, chiêm nghiệm, nhẹ nhàng, bình tĩnh về bản thân, tình yêu, tình đời, cuộc sống diễn ra xung quanh: 
Xin trả hết phù du vào sóng biếc
làm sông trong tắm mát tuổi học trò
hái hoa bưởi nấu nước em gội tóc
Say cánh diều hoang lạc mảnh trời quê... 
        (Gặp lại tuổi thơ)
Tình đời, tình yêu trong “Màu nắng” truyền thống, văn hóa, lịch lãm nhưng lại cởi mở, bao dung, thủ thỉ, ngọt ngào và mê mải đến vô cùng:
Tình cờ như vừa gặp lại
Chuông reo… câu nói ngập ngừng
thẹn thùng loanh quanh lối nhỏ
chợt thấy mùa xuân rưng rưng…
        (Hoài niệm) 
Tình cờ vậy, ngập ngừng vậy, thẹn thùng vậy, rưng rưng vậy để rồi:
Mỗi lần 
trước biển - Tháng 5
Ta khát khao 
Như gặp biển… lần đầu! 
        (Mùa của biển)
 Khát khao là thế nhưng vẫn bản lĩnh, tự tin, trắng trong thầm lắng: 
Ta đâu có lạc về lối cũ 
Tìm đóa quỳnh xưa nở trái mùa 
Mà bởi hương thầm lưu luyến ấy 
Đưa người về gặp lại đêm mưa…
        (Quỳnh)
Những trái mùa, hương thầm, đêm mưa đã nuôi dưỡng một tâm hồn, một trái tim, một trái tim tưởng như hai mà chỉ là một mà thôi: 
Đời sống của thời hiện đại 
bữa cơm cũng phải tính giờ 
không còn cái thời để nhớ 
sao ta cứ hẹn… cứ chờ! 
        (Cuộc hẹn thời @)
Cảm quan vòng đời muôn thuở của kiếp người, tác giả tự nhủ mình và viết lên những con chữ như là vô hình, vô tận gửi gắm cho đời: 
Bể dâu vẫn một bóng hình
thương con đò cũng một mình lặng trôi...
        (Thu muộn) 
đến sâu xa hơn: 
Trong khoảng đời hữu hạn 
Ta tìm đến vô cùng 
Xác vàng theo năm tháng 
Hồn lá hóa mênh mông...
        (Khát vọng)
Tác giả đã vượt lên chính mình, triết luận chiêm ngẫm, không chấp nhận lối mòn. 
Nổi bật lên trong “Màu nắng” là mảng thơ triết luận chiêm ngẫm về cuộc đời, số phận, nhân cách, lẽ sống, về hữu hạn, về vô định… Ta bắt gặp ở đây sự cô đọng, hàm súc, nổi trội, găm chặt lòng người. Câu chữ không cầu kỳ, dễ cảm nhận, dễ đồng cảm truyền lan. Với mảng thơ này có thể có “loáng thoáng” người đọc còn có ý kiến này, nọ… nhưng với riêng tôi, đây là mảng tôi thích nhất. Những cái, những điều mà ai cũng nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày, những cái tưởng như đã là quen mắt, quen tai thì cảm xúc của anh bắt gặp làm ta giật mình mà ngẫm nghĩ… Tác giả nhận ra giá trị cuộc đời luôn luôn có ở những gì ý thức được sự tồn tại, biết chở che mang lại lợi ích cho đời. Đâu cần vị trí, đâu cần tuổi tên, đâu cần nón áo: 
 Chiếc nón rách
 áo nâu xồng te tua…
 hắn quay tứ bề
 xua đi bầy chim ăn hạt 
        (Bù nhìn)
Giá trị ấy còn mãi mãi về sau mà bề ngoài, tưởng như không còn… khi mà nếp nghĩ cũ càng thờ ơ, vô cảm. Tác giả viết về hoa bằng lăng: 
Dưới nắng hè
những cánh hoa mong manh
kết vào nhau rực rỡ 
sắc tím - thách thức mặt trời!
Cuối hạ 
Chùm quả đong đưa trước gió
Hẹn mùa sau…
        (Bằng lăng) 
Một cảm nhận hết sức tinh tế. Có lẽ không nhiều người rưng rưng trước một loài quả “không tên vô dụng” nhưng tác giả đã gửi gắm nhân sinh, thương cảm mầm sống. Từ thương cảm ấy, anh xót xa cho những con người chân thật, bình dân, nhẫn nhịn, dễ tin: 
… Lộng ngôn - 
 lấp biển vá trời 
Tễu tròn con mắt!
        (Không đề)
Đồng cảm, sẻ chia, day dứt: 
… Bạn tôi, trên tuổi sáu mươi,
 nộp tiền bảy năm lương mới đủ thời gian công tác!
 Vẫn tự hào,
“Ghế” bảo vệ của tớ đến mấy… ứng viên!
        (Chân dung)
 Như là tự nhiên trò chuyện vậy thôi nhưng đã làm người đọc ứa nước mắt mà ngẫm nghĩ lại chính mình. Và dâu bể hơn, bao quát hơn, triết lý hơn:
Người nông dân 
bằng những nhát cuốc, cố phân định ranh giới!
Nhưng bụi cát còn kiên nhẫn hơn…
Mọi giới hạn thời gian sẽ xóa!
        (Giới hạn)
Cảm xúc triết luận trong “Màu nắng” được tác giả nén lại bình dị, gọn gàng, lay động, dễ nhận biết. Cảm xúc ấy đến với người đọc tự nhiên, ngẫm ngợi về nó trong tâm thế an lòng. Xót xa nhưng không cực đoan bi lụy, day dứt mà không buồn nản, cảnh tỉnh mà không ồn ào, gay gắt… “Màu nắng” không gánh gồng cảm xúc lên án, đổ lỗi, bi lụy. Tác giả đặt ra vấn đề, gửi thông điệp nhân văn đến với lương tri, đồng cảm, sẻ chia và cùng ngẫm nghĩ, cùng hướng tới: 
Con đường thành lồi lõm 
và hàng cây xơ xác, trơ cành…
Nhưng: 
Những người công nhân vẫn miệt mài
ngày ngày vun những mầm xanh!
        (Bến du thuyền và công viên bên sông)
Hoàng Quốc Cảnh là thế! Anh không cố công đi tìm những câu chữ độc, lạ, cách thể hiện cảm xúc cầu kỳ, khó cảm nhận. Anh cứ dung dị, chân tình với người đọc, từng chữ, từng câu, từng nhịp thấm vào lòng người. Làm nên và chuyển tải “cảm” trong thơ anh là “cảm” của toàn bài. Đọc từng chữ, từng câu phải ngẫm ngợi nó trong màu cảm xúc chung của cả bài thơ. (Trong nghĩa trang thành phố, Viếng mộ cụ Hữu Loan, Những người đàn bà, Cọc cạch, Những người trẻ…). Với lối cảm và tự tình ấy, tác giả đã rời bỏ lối mòn tự nhiên mà bổ sung thêm nguồn năng lượng thơ mới mẻ, tin yêu, ngọt mát cho đời.
“Màu nắng” cứ tự nhiên, chân chất, êm ái dẫn dụ ta đi nhưng “cái gu” của người đọc trong thời hội nhập rất đa dạng… Có người đọc thơ lại mong luôn luôn được chữ nghĩa “thổi còi”. Đã là rất mới nhưng tôi tin tác giả sẽ còn có nhiều hơn nữa những “tinh thể chữ nghĩa”, “bắt bẻ mỹ quan”, găm chặt nhiều thêm trái tim người đọc để rồi được cùng tác giả nghe tiếng cười vui của người lính từ biên cương, hải đảo trở về đi giữa “Hạc thành” cổ xưa yêu thương dưới hồn bóng cánh chim hạc nghìn năm, cánh chim thơ ru hồn lấp loáng bừng tươi màu nắng mới…
                                                             

TP Thanh Hóa, mùa xuân 2020
                                                                                   V.Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 84
 Hôm nay: 2792
 Tổng số truy cập: 9327899
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa