Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Đọc sách "Ngôi nhà ba lá" (Tập truyện và ký của Ngân Hằng Nhà xuất bản QĐND - 2020) - Lê Văn Vọng
Đọc sách "Ngôi nhà ba lá" (Tập truyện và ký của Ngân Hằng Nhà xuất bản QĐND - 2020) - Lê Văn Vọng

Tập sách xinh xắn, không dày không mỏng, gồm 10 bút ký và 4 truyện ngắn. Đây là quyển sách thứ 2 của tác giả trẻ này, sau tập truyện ngắn Chuông chùa đồng vọng - NXB QĐND 2016.  Phần truyện ngắn tuy ít về số lượng, nhưng không nhẹ về chất lượng, vấn đề. Mỗi truyện một vẻ, một cách tiếp cận khác nhau, nhưng lại giống nhau ở ý đồ, tấm lòng của người viết, lên án sự giả dối, coi nhẹ tình người, báo động về sự xuống cấp đạo đức, hướng ngòi bút tới giá trị nhân văn. Vẫn là những câu chuyện về cách xử sự giữa con người với nhau trong một xã hội giàu nghèo phân hóa, vẫn là những mâu thuẫn, bức xúc, tiêu cực đời sống, nhưng được thể hiện nhẹ nhàng logic, không đao to búa lớn, đúng như mạch ngầm đang diễn ra một cách âm thầm mà hối hả, gấp gáp ở những vùng quê hiện nay.  Đó chính là vấn đề xã hội nóng bỏng, không dễ phát hiện, nếu chỉ quan sát bề nổi, không biết cách khai thác, đi tới tận cùng của sự việc. Từ xa xưa, vấn đề của nông thôn dưới ngòi bút của nhà văn thường là câu chuyện ruộng đất, tranh chấp cũng là tranh chấp đất đai ruộng vườn; nhưng trong những câu chuyện của Ngân Hằng lại không hẳn như vậy, thậm chí hoàn toàn khác, nó cho chúng ta thấy ở đâu đó “sau lũy tre làng”, dưới mái nhà tranh không còn bình yên nữa. Sân ga hội ngộ là lời cảnh báo con người trước ma lực của đồng tiền trong một xã hội đầy biến động. Những con người bị vật chất lôi kéo, cám dỗ, đẩy vào con đường làm giàu tội lỗi bất chính. Họ không những đánh mất nhân phẩm đạo lý mà rẻ rúng tình người. Tiền bạc trong tay họ trở thành thước đo cho mọi giá trị trên đời, có tiền là có tất cả, có tiền sẽ làm được mọi điều như ý muốn. Đối lập với họ là những người lao động chân chính, có tấm lòng bao dung rộng mở, lấy việc giúp đỡ người khác là niềm vui, hạnh phúc. Xúc xắc mặt người, lại nói về mặt trái, cái phần tối của vấn đề đô thị hóa và cơ chế thị trường; nó dễ dàng làm cho con người chà đạp lên đạo đức, hủy hoại gia phong, văn hóa truyền thống chỉ vì lợi ích cá nhân. Câu chuyện đơn giản nhưng ý nghĩa sâu xa. Đô thị hóa, một tất yếu của sự phát triển xã hội, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng nó cũng kéo theo nhiều hệ lụy, đó là mặt trái của bước tiến công nghiệp. Những người nông dân vốn quen với nền sản xuất tự cung tự cấp, với triết lý “ở hiền gặp lành”, “giấy rách phải giữ lấy lề”, thay vì mỗi vụ mùa niềm vui là màu vàng của lúa, màu trắng của nong khoai, họ trở thành kẻ hủy diệt ruộng đồng, không chút do dự chùn tay khi xẻ thịt, chia cắt những thửa ruộng mảnh vườn bao đời gắn bó biến nó thành mặt hàng đáng giá tiền triệu, tiền tỷ. Sự gắn bó không còn nữa, họ trở thành những người mất gốc, lưu lạc trên chính quê hương mình. Không dừng lại ở đó, đồng tiền đưa họ đi xa hơn, thành kẻ tha hóa, lưu manh biến chất, thậm chí phạm tội. Gia đình yên ấm bao đời bỗng chốc tan nát, con cãi lộn cha, vợ khinh bỉ chồng. Lời cảnh báo đặt ra: Con đường phát triển đô thị hóa không trải hoa hồng, thảm đỏ mà bằng cả máu và nước mắt. Cà phê nhì nhằng chuyện, một truyện ngắn được khai thác theo cảm hứng nghệ thuật này với cấu tứ nhẹ nhàng, cách kể dung dị “rất con gái”. Truyện Ngôi nhà ba lá cũng là truyện được mượn làm tên chung cho tập sách, một câu chuyện về hậu chiến. 
 Chuyện bắt đầu từ một gia đình. Một ngôi nhà ấm áp, ở đó có người bố và ba cô con gái đã trưởng thành. Hai em đi làm xa, chị Cả ở nhà chăm sóc bố. Cuộc sống ổn định, có phần sung túc, nhờ vào thu nhập của mấy chị em, nhưng sự vắng bóng người mẹ (mất sớm), làm không khí lúc nào cũng có vẻ ảm đạm, u buồn. Thời gian trôi nhanh, cô em út mồ côi mẹ lúc ba bốn tuổi, giờ đã thành một ca sĩ. Cảnh “gà trống nuôi con” của người cựu chiến binh suốt những năm dài đã gây xúc động và nẩy nở tình yêu của một phụ nữ gần nhà. Chị đã không dưới một lần, bằng cử chỉ và lời nói muốn tự nguyện lấp vào “khoảng trống” tình cảm gia đình, được ba cô con gái ủng hộ, nhưng ông bố không đồng ý. Đến một ngày ông ốm nặng, nhận được điện thoại của chị Cả, hai cô em vội về, trước mắt họ, việc săn sóc cha những ngày qua không phải chị hàng xóm mà là một người phụ nữ hoàn toàn xa lạ. Thân hình gầy yếu, trên gương mặt có nhiều vết sẹo, bà ta không tạo được chút cảm tình nào với họ. Và họ đã nổi nóng, chút nữa buông ra những lời khiếm nhã. Chỉ đến khi người chị cả xuất hiện, họ mới hiểu. Đó chính là người đã cùng tổ công tác với bố mẹ họ trên đường Trường Sơn khi cả ba còn là những thanh niên xung phong khỏe mạnh. Chính bà đã lấy thân mình che chở cho người mẹ của họ trong một trận máy bay địch oanh tạc vào đội hình và chịu nhiều vết thương cho mẹ các cô được an toàn lành lặn. Và giờ đây khi bố các cô ốm đau, bà đến để chăm sóc, bà tự nguyện làm mẹ kế các cô. Sự cự tuyệt tình yêu của người phụ nữ láng giềng của bố các cô lâu nay cũng là vì thế. Niềm vui được nhân lên khi người phụ nữ nhà bên xuất hiện, chị nhận mình là một trong “ba chiếc lá” - ba cuộc đời thân thiết của ngôi nhà ấy. 
Tái hiện một câu chuyện chiến tranh trong bối cảnh cuộc chiến đã lùi xa gần 50 năm, tác giả đem đến cho người đọc cái nhìn về tình yêu, sự xả thân quên mình vì đồng đội nơi chiến trường. Thông điệp về nỗi đau chiến tranh, tình người trong chiến tranh sẽ còn mãi với chúng ta. Chỉ đến khi gần kết thúc, “nút thắt” câu chuyện được mở, cái tứ truyện mới lộ ra. Sự “giấu kín” ý đồ đã nói lên bản lĩnh và sự vững tay của người viết. Viết về những con người, tình huống trong chiến tranh nhưng không hề có cảnh bom rơi đạn nổ, tuy nhiên người đọc vẫn nhận ra cái ác liệt nghiệt ngã của nó. Cũng giống những truyện trước, Ngôi nhà ba lá kết thúc có hậu, đem đến cho người đọc cảm giác an tâm ấm lòng.
Phần bút ký in đậm dấu ấn những chuyến đi thực tế của tác giả, không gian trải rộng từ đồng bằng đến trung du, từ rừng xuống biển, với đối tượng phản ánh khá phong phú, đa dạng: Di sản văn hóa, lịch sử, nét độc đáo trong không gian sinh tồn của một vùng dân tộc ít người, cũng có thể là một lần khám phá di tích tâm linh nổi tiếng ở một vùng đất có truyền thống cách mạng… Mỗi bút ký như một bức tranh, một cuốn phim ngắn giàu cảm xúc về những vùng quê, con người đã, đang say sưa, hết mình vì công việc, nhiệm vụ. Đó là các bút ký Những người giữ hồn thiêng sông núi, Trọn niềm tin với mảnh đất ân tình, Vùng quê của những huyền thoại v.v... Một nữ giám đốc bệnh viện vùng cao luôn nêu cao y đức, cũng là người có tâm hồn say mê văn thơ. Làm việc trong một môi trường nhiều khó khăn, thiếu thốn thuốc men, phương tiện chữa trị, bệnh nhân lúc nào cũng đông, nhưng với trách nhiệm, trên hết là cái tâm của một thầy thuốc, chị  luôn làm hài lòng tất cả. Không nề hà, khi trực tiếp thăm khám, lúc cầm dao đứng mổ, chị đã nhận được lòng tin yêu mến mộ của người dân và đồng nghiệp (Chuyện kể người bác sĩ vùng cao). Hình ảnh những chiến sĩ Biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương, đem lại bình yên cho quê hương đất nước cũng đặc biệt được tác giả lưu tâm, chiếm số trang khá đậm. Bút ký Hành trình “cất vó” ở vùng biên nói về những chiến sĩ Biên phòng mưu trí và gan dạ trong công tác phòng chống tội phạm ma túy. Trong thế giới ngầm này bọn tội phạm không từ một thủ đoạn gian manh xảo quyệt nào, vì lợi nhuận, chúng coi mạng người như cỏ rác, sẵn sàng chống trả đến cùng. Đưa ma túy vào Việt Nam, ngoài việc gieo rắc cái chết trắng, hủy hoại tuổi trẻ, chúng còn gây mất an ninh trật tự xã hội. Mật phục phá hàng chục vụ án, các chiến sĩ Biên phòng đã phải vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm,  không ít trường hợp hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Và ngày đêm, năm này qua năm khác, họ luôn đối mặt với chết chóc, một sự hy sinh thầm lặng. Cùng nói về lực lượng Biên phòng, nhưng bút ký Vì một màu xanh biên cương lại đề cập đến việc xây dựng thế trận lòng dân ở một vùng biên viễn miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, những người lính quân hàm xanh đã bám dân bám đất, quyết tâm biến vùng đất đầy khó khăn “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, “trâu đánh mõ, chó trèo thang” thành một nơi không chỉ ổn định về an ninh trật tự, mà còn trở thành “vùng đất xanh” đầy hứa hẹn. Không làm người hướng dẫn, các anh đã “nhập cuộc” một cách thực thụ, miệng nói tay làm, cung cấp giống ngô, khoai rồi cả phân bón, truyền đạt kinh nghiệm, đưa nó từ trong tài liệu, trang sách ra đồng ruộng, đến với từng người dân, gia đình. Mùa nào thứ ấy, năm này năm sau, các anh đã trở thành người nhà, gieo mầm cây, gieo cả kiến thức, làm thay đổi tập quán canh tác lỗi thời lạc hậu của  một vùng quê. Đúng như ai đó nói “không cho cá mà cho cần câu”, giờ đây cánh đồng 7 héc-ta của những người nông dân dân tộc Thái bản Khẹo huyện vùng cao Thường Xuân đã không còn bị bỏ hoang cho cỏ dại sau mỗi kỳ thu hoạch lúa hàng năm, với màu xanh của ngô khoai, của rau màu. Theo đó đời sống vật chất, tinh thần của họ cũng được cải thiện đáng kể, đường làng ngõ xóm phong quang sạch sẽ. Nói đến sự đổi thay có tính bước ngoặt này, bà con nơi đây luôn nhắc tới những người lính trên đồn Biên phòng Bát Mọt với tình cảm yêu mến sâu đậm. Nếu gọi mỗi bút ký trong tập là một bức tranh, thì 10 bài đã làm nên bức tranh toàn cảnh với những mảng màu, đường nét phong phú đa dạng ở một vùng đất đang từng ngày thay da đổi thịt. 
Với tập truyện và ký Ngôi nhà ba lá, ngòi bút của Ngân Hằng đã trở nên già dặn, sung sức trên con đường sáng tác văn học. Người đọc có quyền chờ đón những thành công mới của tác giả.
                             

   L.V.V


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 60
 Hôm nay: 2334
 Tổng số truy cập: 9327441
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa