“Đóa Quỳnh của làng văn” - Bùi Hương Thảo
Cũng như biết bao thế hệ độc giả trên đất nước này, tôi yêu tiếng thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh từ những ngày hồn nhiên đọc - hiểu: “Tiếng gà trưa”, “Bầu trời trong quả trứng”… Năm tháng qua đi, tôi như chú gà con chưa kêu “chiếp chiếp” dần đạp vỡ “bầu trời màu nâu” để học cách lớn khôn với đời. Là thiếu nữ mộng mơ rồi trở thành người vợ, người mẹ, những vần thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh vẫn luôn giãi bày cùng tôi biết bao nỗi niềm sâu kín. Đôi khi, những điều sẻ chia, đồng cảm ấy tựa hồ như một sự cứu rỗi nghẹn ngào.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988) là một trong những nhà thơ nổi tiếng của thi ca hiện đại Việt Nam. Năm 2017, bà vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bà là danh nhân Việt Nam thứ 3, sau cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái và là phụ nữ Việt đầu tiên được Google vinh danh. Đối với độc giả nhiều thế hệ, bà được biết đến thông qua nhiều bài thơ nổi tiếng, để lại ấn tượng khó phai trong tâm trí bạn đọc như: “Sóng”, “Thuyền và biền”, “Mẹ của anh”, “Thư tình cuối mùa thu”, “Nói với anh”, “Tự hát”… Không hoa mỹ ngôn từ hay cầu kì hình thức, trải lòng mình qua từng cung bậc cảm xúc, tiếng thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh khi thì dung dị, chân thành, lúc lại nồng nàn, sâu sắc. Nét chữ là nét người, tiếng thơ là sâu thẳm tiếng lòng bật lên thành con chữ. Có lẽ bởi vậy, xuyên suốt chặng đường sáng tác, “thiên tính nữ” được thể hiện rất đậm nét trong hồn thơ nữ sĩ.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh viết nhiều về các tài: Tình yêu, hạnh phúc gia đình, hình ảnh người mẹ, người phụ nữ… Sự xuất hiện đậm đặc của nó trong sáng tác của nữ sĩ cho thấy một nỗi niềm đau đáu khôn nguôi. Bằng tất cả trái tim nhiệt thành, qua những xúc cảm tinh tế, ngôn ngữ thơ đằm thắm, dịu dàng, nữ sĩ khiến người đọc có cảm giác như việc trở đi trở lại một cách liền mạch ấy không phải là sự lựa chọn mà thuộc về bản năng. Bản năng của người phụ nữ khao khát yêu thương khiến nhân vật “anh” trở thành chủ thể thường trực trong nhiều sáng tác: “Anh”, “Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại”, “Thơ viết tặng anh”, “Nói cùng anh”… Bản năng của người mẹ thôi thúc nữ sĩ viết nên “chùm thơ xuân cho ba con nhỏ”. Những kỉ niệm rất riêng về: Tuấn Anh, Minh Vũ, Quỳnh Thơ, “má Quỳnh” đều gửi gắm nỗi niềm qua từng trang thơ. Với Tuấn Anh, “Thương con mẹ lại nhớ/ Căn hầm hẹp trước kia/ Nước ngập và gió se/ Bùn lấm vào giấc ngủ/ Báo động rung đường phố/ Tiếng bom rền bốn bên/ Bám cổ mẹ suốt đêm/ Cánh tay con thì bé”. Tặng Minh Vũ - người con riêng của chồng, nữ sĩ viết với tất cả tấm lòng bao dung của người mẹ: “Con làm bằng yêu thương/ Của cha và của mẹ/ Của bà và của ông/ Của má nữa - biết không/ Con làm bằng tất cả”. Tặng Quỳnh Thơ - đứa con bé bỏng, “má Quỳnh” tâm sự về những điều “con chả biết được đâu”: “Bố mới mua chiếc chăn/ Dành riêng cho con đắp/ Áo con bố đã giặt/ Thơ con bố viết rồi/ Các anh con hỏi hoài/ Bao giờ sinh em bé? Cả nhà mong con thế/ Con chả biết được đâu”. Ai đong đếm được sự thiêng liêng của tình mẫu tử? Được làm mẹ có lẽ là đặc ân lớn lao nhất và khu biệt phái tính rõ ràng nhất mà tạo hóa dành cho người phụ nữ. Xuân Quỳnh đón nhận thiên chức ấy bằng tất cả niềm hạnh phúc, đức hy sinh. Và đâu chỉ viết thơ cho chồng, cho con, nữ sĩ bày tỏ tình cảm sâu sắc với mẹ chồng. Có thể nói, “Mẹ của anh” là một hiện tượng khá hiếm hoi trong văn chương mọi thời đại khi thể hiện tiếng lòng biết ơn của người con dâu dành cho mẹ chồng của mình: “Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi[…] Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.
Khi nói về thơ Xuân Quỳnh, có người đã từng nhận định: “Xuân Quỳnh là người đàn bà yêu cho đến hết và đến chết”: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát). Yêu tha thiết, sống và dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu nên ngay cả trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất, nữ sĩ vẫn luôn hiện hữu nỗi lo sợ mơ hồ, chênh vênh: “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi” (Nói cùng anh). Nếu một mai phải cách xa nhau, “em chỉ còn bão tố” (Thuyền và biển). Một phần của nỗi lo sợ, trống vắng ấy đến từ trái tim quá ư nhạy cảm. Nhưng mặt khác, nó cũng xuất phát từ những ẩn ức cá nhân, những khuất lấp trong thẳm sâu tâm hồn của nữ sĩ. Tuổi thơ nữ sĩ sớm thiếu vắng tình mẹ cha bởi mẹ mất sớm, cha sớm đi bước nữa, người gần gũi bên cạnh khi ấy chỉ có bà ngoại và chị gái. Nữ sĩ khao khát một cuộc sống gia đình trọn vẹn nhưng lại phải trải qua vấp ngã, đổ vỡ trong cuộc hôn nhân với người chồng đầu tiên. Giữa những năm tháng đau khổ, giằn vặt xen chút hụt hẫng, thất vọng, nhà thơ Lưu Quang Vũ xuất hiện, một lần nữa đốt lên ngọn lửa yêu tưởng đã tàn lụi trong tim nữ sĩ: "Thế là hai tâm hồn cô đơn, hai cuộc đời cay đắng gắn bó với nhau trong túng thiếu, nhọc nhằn... Quỳnh lao vào làm đủ mọi việc để kiếm tiền như may vá, đan thuê... Hai vợ chồng bữa đói bữa no, nhưng rất hạnh phúc". Nhưng trong niềm hạnh phúc ấy luôn chất chứa một chút gì thấp thỏm, hoài nghi: “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?” (Hoa cỏ may).
Hồn thơ Xuân Quỳnh không chỉ có sự chân thành, đằm thắm mà còn có sự điểm xuyết của cá tính được làm nên bởi đặc trưng “thiên tính nữ”. Thông qua thơ ca, nữ sĩ dường như muốn khẳng định vai trò, vị thế riêng của “phái nữ” giữa cuộc đời và trước “đấng nam nhi”: “Chúng ta cam lòng với việc tần tảo nuôi con/ Việc ruộng đồng hậu phương là việc phụ/ Con trai cho rằng ra mặt trận, làm thơ… là việc chính của đời kia/ Nhưng họ đâu biết rằng nếu không có chúng ta thì họ cũng chẳng đánh giặc làm thơ/ Không có chúng ta chỉ họ sống với nhau thôi họ sẽ trở thành ngu ngốc” (Thơ viết cho mình và những người con gái khác). Có thể với các anh, “Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi/ Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hằng ngày/ Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây/ Gạo, bánh củi dầu chia thế nào cho đủ/ Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa/ Những quả cà, mớ tép, rau dưa”. Nhưng Xuân Quỳnh lập luận: “Nếu ví dù không có chúng tôi đây/ Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống/ Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc/ Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn”. Và quan trọng hơn tất thảy: “Ai sẽ là người sinh ra những đứa con/ Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát”. Ý thức sâu sắc được vai trò, vị trí của người phụ nữ, Xuân Quỳnh tự tin khẳng định: “Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng/ Là bác học… hay là ai đi nữa/ Vẫn là con của một người phụ nữ/ Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên” (Thơ vui về phái yếu). “Ý thức phái tính” để tự khẳng định mình nhưng tiếng thơ không bao giờ cao ngạo, nổi loạn, đi chệch khỏi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt. Dẫu ở cương vị nào, nữ sĩ Xuân Quỳnh vẫn cho thấy sự chân thành, dịu dàng, đức hy sinh. Đó là khi “hát ru chồng những đêm khó ngủ”: “Anh không ngủ được ư anh? Để em mở quạt quấn mành lên cho […] Ngủ đi, em khép của phòng/Để em lên gác em trông xem nào […] Khuya rồi anh hãy ngủ đi/ Để em trở dậy em che bớt đèn…”. Hay hình ảnh nữ sĩ sống trọn với tình yêu: “Tay này đây, em may áo cho anh/ Bàn sẽ cắm hoa tường sẽ treo tranh/ Em sẽ làm theo những điều anh mơ ước/ Và khi nào anh buồn em sẽ hát/ Bài hát tình yêu ca ngợi người con trai/ Không chỉ anh nghe hát cho cả mọi người/ Để họ biết thế nào là hạnh phúc”.
Kể từ khi nữ sĩ Xuân Quỳnh và người bạn đời Lưu Quang Vũ bước lên chuyến xe định mệnh đó, độc giả vĩnh viễn mất đi hai người nghệ sĩ tài hoa, nhân cách. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hồn thơ và tình yêu của họ mãi là bất tử. Và biết đâu đấy, khi rời xa “cõi tạm” này, hai người họ sẽ lại bắt đầu “yêu cho đến hết”: “Tay trong tay tôi đã bên người/ Tôi chẳng nói điều chi về vĩnh viễn/ Vì mỗi sáng khi mặt trời hiển hiện/ Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu” (Lại bắt đầu).
B.H.T