Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Lá phiếu tin cậy trách nhiệm của quốc dân - Lê Ngọc Minh
Lá phiếu tin cậy trách nhiệm của quốc dân - Lê Ngọc Minh

1. Cách đây hơn 75 năm, vào ngày 6-1-1946, người dân của một đất nước độc lập vừa thoát khỏi ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, và thần dân của chế độ phong kiến hàng ngàn năm được làm công dân đi bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước đó, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị ứng cử viên của đoàn Hà Nội đã gặp gỡ cử tri Thủ đô tại Khu học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Trong hội nghị chưa từng có này, Cụ Hồ đã khẳng định: “Đại biểu Quốc hội là những người vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng… Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của từng cử tri”(*). Và đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiến hành công cuộc kháng chiến kiến quốc trong hoàn cảnh muôn ngàn khó khăn, gian khổ hy sinh trong 9 năm, và kết thúc thắng lợi bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ “Chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Không ít các vị đại biểu Quốc hội khóa I đã ngã xuống trên nhiều nẻo đường đất nước, trên các tuyến đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc chống giặc Pháp tái xâm lược, trong đó có Trưởng ban Thường trực Quốc hội (như Chủ tịch Quốc hội sau này), cụ Nguyễn Văn Tố.
Từ bấy đến nay, Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có 75 năm lịch sử và 14 khóa. Ngày 23-5-2021, cử tri cả nước sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây có thể nói là ngày Đại hội Non sông, lựa chọn ra những hiền tài vừa gánh vác trọng trách quốc gia, vừa đại diện cho người dân khắp miền đất nước, đại biểu Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0; trong giai đoạn cả nước chống đại dịch Covid-19 với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”.
2. Dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 lịch sử này, các cựu chiến binh chúng tôi luôn có những cuộc gặp gỡ đồng chí, đồng đội, sinh hoạt đoàn thể, câu lạc bộ… ở nhà văn hóa, tổ dân phố nơi cư trú. Tại đây, tôi luôn được thấy cảnh các công dân trẻ tuổi lần đầu tiên được đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đến xem bản niêm yết “tên tuổi” cử tri của mình và nhận tấm thẻ công nhận quyền công dân đã đến tuổi cử tri được tham gia bầu cử, ứng cử. Sinh ra và lớn lên trong thời buổi kinh tế phát triển, đất nước hòa bình xây dựng nên thế hệ trẻ hôm nay, ai ai cũng vóc vạc khỏe mạnh, đẹp tươi, đầy đặn nét nam thanh nữ tú. Càng nhìn lớp cử tri trẻ tuổi đầy triển vọng này, càng thêm kỳ vọng vào tương lai tiền đồ đất nước trong thập niên 20, 30 của thế kỷ XXI.
Những hình ảnh đáng yêu đó như nhắc tôi nhớ lại cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, năm 1976. Năm ấy, chúng tôi, những người lính trẻ vừa từ các mặt trận đổ về miền Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị… để khôi phục đoạn đường sắt xuyên Việt chạy qua các trọng điểm bom đạn ác liệt nhất trong thời kỳ chiến tranh, lần đầu tiên được đi bầu đại biểu Quốc hội trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng hòa bình.
Tôi nhớ, hôm bầu cử 2-7-1976, hàng ngàn cán bộ chiến sỹ dậy từ rất sớm, tất cả đều vận bộ quân phục mới nhất, quân phong, quân kỷ nghiêm ngắn cùng với dụng cụ lao động, vũ khí hành quân đến các địa điểm bầu cử và được làm cử tri bỏ lá phiếu đầu tiên. Xong nhiệm vụ, chúng tôi tỏa ra mặt đường tiếp tục công việc trong không khí phấn khởi thi đua, rồi sau đó, một tờ báo tường dã chiến được dựng lên. Người dùng giấy viết thư, người dùng vỏ bao xi măng,… viết thơ, ca dao, viết đoạn văn ngắn, vẽ tranh ký họa… ghi lại những cảm xúc thiêng liêng lần đầu được đi bầu Quốc hội của đất nước thống nhất rồi dán, rồi ghim lên vách bảng tin di động ghép bằng vỏ thùng đạn pháo.
Trước đó mấy ngày, một vị tướng là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa VI đi kiểm tra tiến độ công việc, đồng thời làm nhiệm vụ tiếp xúc cử tri đã đến thăm đơn vị chúng tôi đang làm ca đêm tại công trường. Trong buổi tiếp xúc này, vị tướng ăn vận giản dị, không đeo huân huy chương, không hề tự giới thiệu gì về “trích ngang” chiến công của mình mà chỉ luôn hỏi nguyện vọng của các cử tri - chiến sỹ xem họ muốn đề đạt những gì với Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất sắp được bầu. Nhiều đồng đội cử tri của tôi báo cáo với ông, từ thực tế công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục lại huyết mạch giao thông đầy khó khăn, gian khổ này, bộ đội đề nghị với Quốc hội khóa mới cùng với Đảng, Nhà nước cần sớm có chính sách phát triển khoa học công nghệ, đào tạo ra nhiều nhà khoa học, nhiều kỹ sư, thợ thiện nghệ, chế tạo ra nhiều máy móc và công cụ lao động tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, tiến tới có đội ngũ trí thức mới, đội ngũ thợ thuyền giỏi giang mới để xây dựng đất nước trong thời hòa bình, phát triển. Vị tướng càng nghe, càng thêm chăm chú và vẻ mặt ông biểu hiện nét xúc động chân tình, ông ghi chép kỹ lưỡng từng đề đạt đó vào sổ tay… Đến lúc nghỉ giữa ca, ông cùng liên hoan lương khô và nước gạo rang cùng bộ đội hệt như tình cảm “Tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Hịch tướng sỹ - Trần Quốc Tuấn).
Quốc hội khóa VI có tên ông trong danh sách các vị trúng cử. Những năm sau đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách lớn về đào tạo nhân lực đột phá. Riêng trong Quân đội, các cán bộ chiến sỹ đang học dở cấp 3 hoặc khi vào Quân đội chưa kịp thi lấy bằng tốt nghiệp phổ thông hệ 10/10, ai có nguyện vọng học thêm đều được về trường văn hóa của các Quân khu, của Bộ Quốc phòng, bổ túc lại kiến thức để hoàn thành chương trình phổ thông và thi vào đại học. Trong số này, có khá nhiều người đạt ngôi thủ khoa toàn quân, ngôi thủ khoa toàn quốc trong mùa thi đại học năm 1977, và được cử đi du học ngoài nước. Tôi cứ nghĩ rằng, vị tướng đã gặp gỡ chúng tôi ở phía Tây Quảng Bình năm trước nhất định đã không quên lời hứa đề đạt nguyện vọng của các cử tri đơn vị chúng tôi lên Đảng, Nhà nước và Quốc hội…
3. Tôi rất khâm phục vị tác giả đã đặt tên cho phòng họp chính trong tòa Nhà Quốc hội là phòng Diên Hồng. Thật không có cái tên nào hay hơn, ý nghĩa hơn, bao quát hơn và gợi tầm văn hiến hơn tên gọi phòng Diên Hồng. Có thể đây là tập hợp ý tưởng của cả một tập thể, mà cũng có thể là của một người uyên bác, cao minh nào đó. Chỉ biết rằng, tên gọi này thật phù hợp với một địa chỉ thiêng liêng, nơi mà những vị đại diện cao nhất của nhân dân khắp miền Tổ quốc, của các cộng đồng sáu mươi dân tộc anh em… trước mọi vận hội lớn lao và thử thách sống còn của đất nước, trước nguyện vọng chính đáng của người dân được luật pháp bảo vệ và trước tiền đồ lớn lao của dân tộc trên con đường phát triển bền vững. 
Ngược dòng lịch sử, chắc chắn nhiều người chưa quên, vào năm 1284, nửa triệu quân bành trướng của đế quốc Nguyên Mông đã tiến sát biên giới nước ta; trong thành Thăng Long, Quốc đô của Đại Việt thì “Sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ” (Hịch tướng sỹ - Trần Quốc Tuấn), hai vua Trần, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã triệu tập các phụ lão trong cả nước về điện Diên Hồng, ban yến và hỏi về quyết sách đánh giặc. “Các phụ lão đều nói đánh, muôn người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng!”(**).
Ý chí đồng thanh, quyết tâm đồng lòng này đã giúp vua tôi nhà Trần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ 2 năm 1285 của quân Nguyên Mông, một đế quốc phong kiến rộng lớn nhất và tàn bạo lớn nhất lúc bấy giờ. Hơn bảy trăm năm trôi qua, các nhà sử học, dù ở góc nhìn lịch sử nào cũng đều đồng thuận khẳng định: Hội nghị Diên Hồng là hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử của nước ta. Các vị phụ lão chính là các đại biểu của dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh hưng vong của đất nước trước hiểm họa xâm lược, trước một kẻ thù mạnh và hung hãn chưa từng có.
4. Những đổi mới hoạt động của Quốc hội trong các kỳ họp từ thập niên cuối cùng thế kỷ XX đến nay cho thấy, Quốc hội Việt Nam đang chuyển từ một Quốc hội tham luận sang một Quốc hội tranh luận. Nội dung của mỗi kỳ họp ngày càng tinh gọn và thiết thực hơn. Ngoài nội dung chính, các thao tác về quỹ thời gian tranh biện cho các đại biểu tại nghị trường cũng đã được chuẩn hóa đến từng phút. Nhờ thế, người dân, cử tri bầu nên các đại biểu Quốc hội hoàn toàn có điều kiện dõi theo và giám sát năng lực, nhiệm vụ đại biểu của từng vị, dù là ở là phía nêu câu hỏi chất vấn hay phía chịu trách nhiệm trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến vai trò Tư lệnh ngành của mình. Không có gì làm thước đo chính xác hơn năng lực vấn và đáp trên nghị trường bằng trí lực, bằng khả năng ngôn ngữ tranh biện trực tiếp, tức thời trong không gian nghiêm trang như phòng họp Diên Hồng.
Nhân dân ta mà cụ thể là các cử tri càng ngày càng dành sự quan tâm sâu sát đến các kỳ họp của Quốc hội, đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Người viết bài báo này đã từng được xem các tập tài liệu mang tính nhật ký biên niên của nhiều câu lạc bộ cử tri. Có tài liệu thu thập được đầy đủ trích ngang và năng lực bộc lộ của các vị đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa; có tập ghi lại các phát biểu chất vấn của từng đại biểu đối với các Tư lệnh ngành trong Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ; lại có những tài liệu sưu tầm những câu chất vấn ấn tượng và cả những câu trả lời ấn tượng của các vị đại biểu Quốc hội và các vị Tư lệnh ngành trong các phiên tranh luận. Thế nên, ngày nay, các kỳ họp của Quốc hội đã trở thành một trong những sự kiện chính trị, xã hội và văn hóa thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân.
5. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV diễn ra trong lúc đất nước ta đang có nhiều chuyển biến tích cực: Các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đi vào cuộc sống một cách khẩn trương và hiệu quả; Nước ta đã trở thành một trong 15 nền kinh tế hồi phục mạnh nhất sau đại dịch Covid-19 lần 1 của thế giới; Nhiều chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội tăng trưởng cao so với cùng kỳ, an ninh - quốc phòng được giữ vững…
Tuy nhiên cuộc bầu cử Quốc hội cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều nước xung quanh, nhiều nước cận kề và trên thế giới đang bị đại dịch Covid-19 và virut corona biến thể mới tấn công với quy mô ngày càng lớn và lan rộng, gây ra thảm họa khó lường. Trong điều kiện khắc nghiệt đó, đất nước và nhân dân ta vẫn vừa phải kiên cường chống đại dịch có hiệu quả, vừa tiến hành chu đáo Ngày Đại hội Non sông bầu ra những vị đại biểu có tài, có đức cho Quốc hội khóa XV. Lá phiếu của cử tri càng sáng suốt và trách nhiệm bao nhiêu thì nhiệm vụ phụng sự Quốc Dân Đồng bào của các vị đại biểu Quốc hội được bầu càng cao cả, càng thiêng liêng nhưng cũng nặng nề bấy nhiêu.
                                

L.N.M

(*) 60 năm Quốc hội Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, HN - 2006.
(**) Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn hóa - Thông tin, HN - 2006.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 59
 Hôm nay: 1247
 Tổng số truy cập: 9326354
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa