Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Lá phiếu - niềm tin - Phạm Minh Trị
Lá phiếu - niềm tin - Phạm Minh Trị

Ngày 23 tháng 5 năm 2021 là ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2021 sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII. Nhìn lại chặng đường hoạt động của Quốc hội từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06 tháng 01 năm 1946 đến nay Quốc hội ta đã trải qua 14 khóa hoạt động. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng, Quốc hội đã thực hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm chính đáng của mọi người dân Việt Nam yêu nước và tiến bộ. Luôn coi lợi ích của quốc gia, dân tộc, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết, đoàn kết, hợp tác quốc tế vì sự tiến bộ và công bằng xã hội là phương châm hành động của Quốc Hội ta trong suốt mấy chục năm qua. 
Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, 75 năm qua Quốc hội đã kiên định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là nhà nước có sự phân công trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng luôn có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ, hài hòa trong công việc. Nhà nước chúng ta xây dựng là nhà nước của dân, do dân, vì dân, luôn lấy hạnh phúc của người dân là mục tiêu phấn đấu cao nhất. Bởi vậy đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải là những con người tiêu biểu đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân ở các vùng miền, dân tộc, mọi lĩnh vực của đời sống. Đó là những đại biểu ưu tú nhất, có lòng yêu nước nồng nàn, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải là những con người có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, lối sống trong sáng lành mạnh; luôn luôn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, sự tiến bộ, công bằng xã hội, phê phán mọi sự sai trái, tiêu cực, lạc hậu, lợi ích nhóm trong đời sống xã hội. Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải là những người gắn bó máu thịt với nhân dân, có mối quan hệ gần gũi, thân thiện với mọi tầng lớp nhân dân ở nơi làm việc, công tác cũng như địa bàn cư trú. Đó là những con người phải chân đi, mắt nhìn, miệng nói, tay làm, tai lắng nghe, đầu suy nghĩ để mọi tâm tư, nguyện vọng, đề đạt chính đáng, hợp pháp của người dân phải được đưa ra thảo luận, bàn bạc dân chủ tại nghị trường Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong mấy chục năm qua là minh chứng về sự trưởng thành và phát triển của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp qua từng khóa. Nhiều nghị quyết, văn bản luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân các cấp được thông qua, ban hành đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, an sinh xã hội đảm bảo; hoạt động đối ngoại được mở rộng theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch. Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã duy trì các cuộc giám sát hàng năm về thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách của đất nước, địa phương, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của các ngành, các cấp, cử tri. Những đề xuất kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri về thay đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách được các đại biểu trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền hoặc tổng hợp để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tại các kỳ họp trong năm. Nhờ chủ động và tích cực trong hoạt động giám sát nên hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong những năm qua thực sự thiết thực, hiệu quả. Những nội dung, vấn đề nêu ra, thảo luận trong các kỳ họp được cử tri quan tâm theo dõi. Các phiên chất vấn, tranh luận tại nghị trường được cử tri cả nước và các địa phương đánh giá cao. Đặc biệt trong vài nhiệm kỳ gần đây sự dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã củng cố lòng tin của người dân, cử tri với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Trong năm hoạt động vừa qua Quốc hội khóa XIV đã xây dựng và ban hành 112 văn bản luật; Chính phủ đã ban hành 745 nghị định. Nhìn vào khối lượng văn bản đồ sộ như vậy mới thấy cường độ làm việc của Quốc hội, sự phối hợp, gắn kết của Chính phủ với Quốc hội trong triển khai thực hiện văn bản luật vào thực tiễn đời sống là rất thiết thực, hiệu quả. Nhờ những nỗ lực cố gắng quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên kinh tế - xã hội đất nước phát triển ổn định, bền vững. Nền kinh tế của đất nước xếp vị trí thứ 4 trong khối ASEAN, xếp thứ 37 trong tốp 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, là 1 trong 10 nước có kinh tế tăng trưởng dương trong đại dịch Covid-19 toàn cầu. Những thành tựu kết quả đạt được nêu trên được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín trên trường quốc tế như giai đoạn hiện nay.
Đất nước ta đang đứng trước nhiều vận hội và thời cơ để bứt phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, chúng ta cũng đối mặt nhiều cam go, thử thách. Xung đột vũ trang, sắc tộc ở Đông Bắc Á, Nam Á, biển Đông, biển Hoa Đông, Trung Đông, Bắc Phi… vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đại dịch covid-19 tuy đã có vaccine nhưng có nhiều biến thể mới xuất hiện đã ảnh hưởng lớn đến thế giới làm suy giảm kinh tế toàn cầu. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sinh thái, nước biển dâng, các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước ta diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Sự quan liêu, tham nhũng lãng phí, sự tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tuy từng bước được ngăn chặn đẩy lùi nhưng cần phải duy trì thường xuyên và đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm củng cố lòng tin của nhân dân.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn hội nhập phát triển nhanh và bền vững càng đòi hỏi các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải thực sự là những người ưu tú đại diện cho cử tri. Họ phải là những con người có đức, có tài, có năng lực tập hợp, đoàn kết, vận động, thuyết phục nhân dân, có uy tín trong cộng đồng. Đó phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, quyết liệt hành động phục vụ nhân dân.
Xác định bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch gồm đại diện lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên là lãnh đạo của nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể. Hội đồng bầu cử quốc gia đã có nhiều văn bản hướng dẫn ủy ban bầu cử các tỉnh triển khai thực hiện. Căn cứ tình hình về số lượng cử tri, các địa phương lựa chọn đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo tiêu chuẩn hướng dẫn, đảm bảo số lượng, chất lượng, thành phần cơ cấu các ngành, lĩnh vực, vùng miền, dân tộc, tôn giáo, giới tính, độ tuổi có sự cân đối hài hòa. Các đại biểu được chọn lựa phải là những người thực sự tiêu biểu có đức, có tài, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước, địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa đất nước hội nhập, phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử theo hướng dẫn quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, các báo, tạp chí, Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các đài truyền thanh, truyền hình thường xuyên tuyên truyền trên loa, đài… để cử tri hiểu sâu về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong bầu cử. Tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều dựng các cụm cổ động, treo băng rôn, biểu ngữ, cờ, khẩu hiệu. Các điểm bầu cử được sửa sang, niêm yết danh sách cử tri, trích ngang các đại biểu ứng cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân để cử tri theo dõi, sáng suốt lựa chọn các đại biểu theo số lượng quy định.
Trung tâm Văn hóa tỉnh được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; cử cán bộ nghiệp vụ tới các phòng, trung tâm văn hóa thông tin để hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện. Tổ chức liên hoan toàn tỉnh vào đầu tháng 5-2021 bằng các đoàn xe lưu động với cờ hoa, băng rôn, parô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền tới các điểm bầu cử. Với nhiều hình thức, loại hình tuyên truyền phong phú và đa dạng nêu trên tin rằng bầu cử Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thành công tốt đẹp. Các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được cử tri sáng suốt lựa chọn sẽ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ người đại biểu nhân dân; phát huy năng lực, trí tuệ, tài năng biến khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường sớm trở thành hiện thực trong giữa thế kỷ XXI.
                                

P.M.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 131
 Hôm nay: 1179
 Tổng số truy cập: 7530602
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa