Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Hoàng Tuấn Phổ Nhà “Thanh Hóa học”
Hoàng Tuấn Phổ Nhà “Thanh Hóa học”

Không phải nguyên quán xứ Thanh nhưng Hoàng Tuấn Phổ đã sinh ra ở đây: thôn Hòa Văn, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Hơn 700 năm trước, thôn có tên là bái Phúc Chỉ sau gọi là Cồn May thuộc thái ấp của vị vương quân nổi tiếng tài hoa nghệ sỹ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Nơi ấy, Chiêu Văn Vương thường tổ chức đua ngựa, bắn cung, biểu diễn võ thuật đầu xuân. Địa chỉ văn hóa ấy đã nuôi ông khôn lớn, ông đã sống và cống hiến, chia sẻ buồn vui ở mảnh đất này suốt 88 năm. Hoàng Tuấn Phổ đã trở thành người con xứ Thanh đích thực và ông đã trả nghĩa cho mảnh đất đã nuôi dưỡng mình bằng những công trình văn hóa - văn chương đặc sắc. Hơn năm mươi năm cầm bút, Hoàng Tuấn Phổ đã cho ra mắt trên 40 đầu sách là những công trình khảo cứu, nghiên cứu, sáng tác có giá trị. Có thể gọi ông là nhà “Thanh Hóa học” với đúng nghĩa của cụm từ ấy. Đọc các công trình của ông, có cảm giác ông thuộc mảnh đất xứ Thanh như thuộc lòng bàn tay. Xứ Thanh vừa là tình yêu, vừa là nguồn cảm hứng, vừa là đối tượng khảo cứu, nghiên cứu của ông. 
1. Một tấm gương tự học và một cây bút am tường nhiều lĩnh vực
Hoàng Tuấn Phổ thuộc trong số những tấm gương xuất sắc về khả năng tự học và sáng tạo. Cách mạng tháng Tám thành công, Hoàng Tuấn Phổ mới tròn mười tuổi và mới qua trình độ “sơ học yếu lược”. Dưới thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông định tiếp tục hoàn thiện trình độ học vấn “phổ thông” nhưng rồi cũng không trọn vẹn, chỉ mới hết lớp 8 bậc phổ thông hệ chín năm lại phải bỏ dở, nghĩa là ông chưa qua bậc phổ thông trung học như bây giờ. “Tất cả mọi thứ đều phải tự học”, trong một cuộc trò chuyện thân mật, ông mỉm nụ cười hiền thú nhận. Đúng là vốn tri thức đáng nể mà ông có được phần lớn chính là bằng con đường tự học, tự nghiên cứu. Lòng ham mê văn chương, nghệ thuật cộng với khả năng thiên phú đã giúp người con của vùng đất thuần nông Quảng Hòa, Quảng Xương trở thành một học giả với vốn văn hóa lịch lãm.
Mỗi khi một tác phẩm nào đó của Hoàng Tuấn Phổ ra mắt, người đọc lại thêm một lần ngỡ ngàng trước sức làm việc và vốn hiểu biết phong phú của ông. Gọi ông là nhà địa lý ư, không sai, ông có thể mô tả rành rẽ những tên đất, những danh lam thắng cảnh, ưu thế của từng vùng miền trên mảnh đất xứ Thanh này. Gọi ông là nhà sử học ư, lại càng đúng, bởi lịch sử đất nước qua các triều đại, đặc biệt là các triều đại gắn bó với con người và mảnh đất xứ Thanh ông rành rẽ như một nhà chép sử. Ông còn là nhà sưu tầm, nhà phong tục học, dịch giả, v.v… và trên hết, ông là một nhà văn hóa, nhà “Thanh Hóa học”.
Hoàng Tuấn Phổ đã có công phục hiện, tái hiện nhiều công trình văn hóa giá trị. Đó là lý do khiến Quỹ “Bảo tồn văn hóa” coi ông như một địa chỉ tin cậy. Ông có nhiều tác phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa và văn hóa dân gian xuất bản theo kế hoạch tài trợ của Nhà nước: Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hóa, Trò Riềng và dấu ấn Tây Sơn, Hát chầu thánh Chiêu Văn, Văn hóa đánh bắt chim thú, Văn hóa dân gian quý huyện Tống Sơn, Bàn về y học dân gian, Địa chí huyện Quảng Xương; Thổ âm, thổ ngữ người Việt ở Thanh Hóa, v.v… Hàng loạt những tác phẩm khác là sản phẩm của vốn khảo cứu ngồn ngộn phong phú: Truyện danh nhân Thanh Hóa, Bà Chúa Liễu và đạo Tam Phủ, Văn hóa ẩm thực làng quê Thanh Hóa, Thanh Hóa nghìn xưa lưu dấu, Hát nhà trò Văn Trinh, Chi phái Thiền tông Trúc Lâm ở Thanh Hóa, Tuyển tập ca trù Thanh Hóa, Nguồn gốc ý nghĩa tang lễ, Những làn điệu hò sông Mã, v.v… Năm 2019, ông xuất bản cuốn sách cuối cùng: Tinh hoa văn hóa xứ Thanh. Đây là kén tơ cuối cùng và là kén tơ lớn nhất, óng ả nhất được chắt lọc từ toàn bộ kho tri thức về xứ Thanh của “cụ tằm” cần cù Hoàng Tuấn Phổ hơn sáu mươi năm.
2. Cây bút khơi dòng chảy thể loại truyện lịch sử ở Việt Nam
Ở giai đoạn 1945 đến 1975, thể loại truyện lịch sử không mấy ai dám xông xáo, truyện lịch sử chỉ được viết dưới hình thức tranh truyện hoặc truyện kể danh nhân ngắn gọn và sơ lược, chẳng hạn bộ truyện kể “Những vì sao đất nước”, một số truyện kể viết cho thiếu nhi của một số cây bút: Hà Ân (Quận he khởi nghĩa, Trên sông truyền hịch); Nguyễn Huy Tưởng (Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung); Chu Thiên (Bóng nước Ba Đình)… Ở thể loại truyện này, Hoàng Tuấn Phổ đi xa hơn, ông không chỉ kể lại mà dựng lại, tái tạo những sự kiện, chân dung nhân vật lịch sử, thổi hồn cho những sự kiện và nhân vật đó sống dậy, sinh động, hấp dẫn. Không biết có phải khi ông nghiên cứu, khảo cứu lịch sử, đã có một sự tri ngộ hay giao cảm đặc biệt nào đó khiến ông trở thành cầu nối giữa quá khứ với thực tại? Và đây, quá khứ đã hiện về, lịch sử và chân dung các bậc hiền kiệt của xứ Thanh đã được sống dậy qua óc tưởng tượng mãnh liệt và kiến văn phong phú của một con người biết kính trọng lịch sử và quá khứ của cha ông. Đọc truyện “Ngàn Nưa”, người đọc sẽ thấy hiển hiện hình ảnh vị nữ tướng họ Triệu trẻ trung, cương trực, mạnh mẽ, uy nghi lẫm liệt cưỡi voi xông trận thuở nào. Truyện “Vua Lê Đại Hành” làm hiện lên cuộc sống và tính cách của Lê Hoàn từ thuở bé thơ đến khi trở thành một vị đại tướng mưu lược, quyết đoán, tài hoa, rồi thành ông vua Đại Việt trong cảnh nước sôi lửa bỏng của đất nước. Truyện “Chồng nguyên soái vợ tướng quân” tái hiện một cặp vợ chồng dũng tướng: Phương Dung - Đào Kỳ, từ thời Hai Bà Trưng. Cặp trai tài gái sắc, giỏi võ nghệ, đều là con nhà hào kiệt đã cùng gia nô tụ nghĩa dưới ngọn cờ tụ nghĩa của hai Bà. Cặp vợ chồng ấy được nhân dân yêu mến phong tặng chồng “nguyên soái” vợ “tướng công”. 
Đối với người dân xứ Thanh, những sự kiện và nhân vật lịch sử liên quan đến hai giai đoạn: thời Hậu Lê và thời Trịnh - Nguyễn luôn là niềm tự hào và luôn ẩn chứa những bí ẩn có sức mời gọi tìm hiểu, khám phá. Với Hoàng Tuấn Phổ, dường như có một sự cảm thông, tri ngộ nào đó khiến ông không chọn những tên tuổi nổi tiếng đã trở nên quen thuộc mà chọn những nhân vật có những hoàn cảnh éo le, có những lớp mờ lịch sử khiến cho sự cống hiến của họ bị che khuất. Đó là một Hiển Khánh vương, vốn mang họ Trịnh, vì trung thành và kiệt xuất được Lê Lợi nhận làm con nuôi. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Trịnh Khả lập được nhiều chiến công được Lê Lợi phong tước vương, nhưng khi Lê Lợi mất, sự hiềm khích, đố kỵ đã khiến Hiển Khánh vương bị bỏ ngục để rồi ôm hận: “sao không sớm từ quan để được yên hưởng tuổi già, giờ đây, mong ước đơn giản ấy cũng không thể thực hiện được nữa” (Hiển Khánh vương Trịnh Khả). Dưới góc nhìn thế sự, Hoàng Tuấn Phổ còn phục dựng chân dung tướng Lê Mạnh dưới triều Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (Sóng nước Cổ Khê), tướng Hoàng Đình Ái (Tướng quân Hoàng Đình Ái), hoặc một loạt chân dung các tướng lĩnh của cả hai phe Trịnh - Nguyễn trong “Trịnh Nguyễn tranh hùng”, “Về lại Thăng Long”… Quan điểm viết truyện lịch sử của Hoàng Tuấn Phổ có lẽ nằm ở tâm sự này: tôi muốn gắn sử với truyện, dùng “truyện” để chở “sử”, những gì sử không làm được thì truyện làm được. Sự sống động sẽ làm cho những sự kiện, nhân vật lịch sử trở nên hấp dẫn và dễ nhớ. Tuy nhiên, không thể vì thế mà bịa đặt tùy tiện. Người đọc thích thú vì được tiếp cận nhân vật lịch sử bằng tâm lý đời sống, bằng nhu cầu và khát vọng cá nhân đời thường. Các nhân vật lịch sử mà phần lớn là những trang tuấn kiệt, từ trước đến giờ xung quanh họ chỉ là ánh hào quang, Hoàng Tuấn Phổ đưa họ về đời thường, khiến họ phi thường mà vẫn gần gũi. Họ là những đại biểu ưu tú của nhân dân, từ nhân dân mà ra, đặc biệt họ là những người con của mảnh đất xứ Thanh nhiều gian truân, lắm thách thức này.
Hoàng Tuấn Phổ không chỉ sáng tác mà còn là nhà phê bình - nghiên cứu. Tiểu luận “Trong mắt tôi” tập hợp những bài phê bình của ông từ năm 1960 đến năm 2000 với lời đề từ: “Con mắt là mặt đồng cân” như muốn bộc lộ quan điểm: sự thẳng thắn, trung thực là tiêu chuẩn số một của người nghiên cứu. Nhưng để đạt tới điều đó cần thiết phải trang bị kiến văn rộng rãi và cái tâm của người có khả năng thấu thị. Những bài viết Phê bình cuốn Khảo luận truyện Thúy Kiều của Đào Duy Anh (in trong Tập san Văn học số 10-1960), bài Phê bình cuốn Hệ ý thức tư tưởng phong kiến của Trần Văn Giàu, hay loạt bài tranh luận về nhân vật dân gian Trạng Quỳnh trên một số báo chí có thể xem là điển hình cho một nhân cách học thuật. Một số bài nghiên cứu, góp ý của ông về các công trình lịch sử - văn hóa được phục dựng ở xứ Thanh cho thấy tâm huyết của một tầm vóc văn hóa! Hoàng Tuấn Phổ cũng là một trong những “tiền nhân” sáng lập ra ban “Lý luận - Phê bình” của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Hơn ba năm, kể từ khi Ban thành lập, Hoàng Tuấn Phổ luôn đồng hành và là cột trụ trong những bước trưởng thành của Ban.
3. Người làm thức dậy “Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng”(*) 
Địa danh Hàm Rồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lừng danh khắp năm châu, nhưng không mấy ai biết vị trí linh địa ấy trong chiều dài lịch sử dựng nước cũng thật rực rỡ. Có một công trình khảo cứu và giới thiệu một cách hệ thống về mảnh đất địa linh này là niềm mong ước của những trái tim yêu mến mảnh đất thiêng Hàm Rồng. Công trình của Hoàng Tuấn Phổ ở một mức độ nào đó đã đáp ứng được niềm mong mỏi ấy.
Trước khi viết Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng, tác giả đã có đến ba tác phẩm nghiên cứu trực tiếp hoặc liên quan đến địa danh này: Núi rồng sông Mã, Thắng cảnh Đông Sơn Hàm Rồng, Thanh Hóa nghìn xưa lưu dấu. Như vậy, có thể coi Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng là kết quả của mấy chục năm miệt mài tìm tòi nghiên cứu, cũng là từng ấy năm tình yêu của tác giả với mảnh đất này được nhân lên. Công trình ra mắt kỷ niệm “45 năm Hàm Rồng chiến thắng”, tác giả đã nói hộ niềm tri ân của con dân xứ Thanh với một địa danh rất đỗi tự hào. Có thể nhận ra niềm hào hứng của tác giả qua mỗi dòng văn, mỗi dòng sự kiện. Công trình thể hiện sự bề thế của những kiến thức và sự sâu sắc của những kiến giải. 
Bản hùng ca về Hàm Rồng của Hoàng Tuấn Phổ được chia thành 12 chương. Chương đầu giới thiệu khái quát về vùng đất “Thanh Hoa thắng địa”, làm phông nền cho 11 chương tiếp theo đi sâu miêu tả về địa danh Hàm Rồng với ngụ ý đặt địa danh Hàm Rồng trên cái nền của dải đất thiêng, nơi chung đúc vượng khí bốn phương hội tụ. Chương này dài 40 trang, tuy chỉ là phác họa, nhưng lần đầu tiên người đọc có một vốn kiến thức tổng quát về danh thắng xứ Thanh. Nếu lấy địa điểm Hạc Thành tức thành phố Thanh Hóa ngày nay làm trung tâm, tác giả đã cho người đọc chiêm ngưỡng một xứ Thanh “đâu đâu cũng danh sơn thắng tích, cũng đất thiêng người hùng”. Vốn kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực đã giúp tác giả phô diễn sự linh thiêng, đẹp đẽ của hồn thiêng sông núi xứ Thanh từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, “đâu đâu cũng đẹp như tranh”. Hãy nghe tác giả giới thiệu những danh sơn thắng tích của bốn phương tám hướng xứ Thanh bằng những dòng như dệt gấm thêu hoa: “trấn sơn” phía Bắc là rặng Tam Điệp “cửa ngõ Thanh Hóa, mở ra đồng bằng Bắc Bộ… thế núi hùng vĩ, con rồng đá Trường Sơn nằm cuộn khúc chắn ngang một khoảng trời, đuôi vẫy rừng xanh, đầu vươn tới biển cả. Phía trong Tam Điệp là một “rừng” danh sơn thắng địa. “Tiêu biểu cho phong cảnh phía Đông là núi Trường Lệ với cửa biển Lệ Hải, tôn hiệu của Lệ Hải Bà vương (…) Trường Lệ giống con đê dài vươn ra biển cả, chắn sóng và gió tạo nên bãi biển tuyệt đẹp với tên gọi Sầm Sơn”. Hoặc: “Ngoài khơi phía Nam là quần đảo Biện Sơn. Biện Sơn là quần đảo ngọc, gồm 18 hòn đảo lớn nhỏ, xa trông giống đàn ngựa 18 con đang nhấp nhô, dập dờn trên sóng nước, nên còn mang tên Thập bát mã sơn”. Vùng phía Tây xứ Thanh: “Tô điểm cho Ngàn Nưa là trập trùng núi đá Hoàng Nghiêu Sơn. Cách đây hơn 500 năm, phong cảnh Hoàng Nghiêu Sơn còn thâm u, cô tịch. Sông Hoàng Giang xuyên qua dãy núi như lạch suối đào nguyên… rừng lau già phơ phất trắng xóa một màu hoang dã, xào xạc trong gió, vẻ đẹp mơ hồ, hoang vu giấu kín bên trong những hang động huyền bí…”. Để viết nên những dòng này, có lẽ ngoài vốn hiểu biết, tác giả còn phải có một tình yêu quê hương đất nước tha thiết, với một trí tưởng tượng mạnh mẽ của một cảm xúc văn chương đầy thi hứng.
Các chương mô tả chi tiết về đất thiêng Hàm Rồng với những cảnh quan hiếm có giúp người đọc mở mang hiểu biết về quê hương: Núi Rồng - Núi Ngọc, Núi Long Đại, Mười cảnh Bàn A, Rùa núi giỡn nước… Chỉ riêng một chi tiết, tên núi Hàm Rồng mà ngày nay ta vẫn quen gọi từng có đến tám chín tên chữ và tên nôm khác nhau đã thật sự gây ngỡ ngàng, thích thú: núi Trường Sơn, núi Đông Sơn, núi Da Sơn, núi Long Đại, núi Long Hạm, núi Hộ Sơn, núi Long Tỵ, núi Hàm Rồng! Hàm Rồng còn được khảo sát dưới góc độ lịch sử - văn hóa và ở những góc nhìn này, Hàm Rồng thắng tích hiện ra vừa cổ kính vừa thiêng liêng: Một Hàm Rồng cất giấu những di chỉ khảo cổ học về sự hình thành và phát triển của vùng đất Nam Việt; một sông Mã - Hàm Rồng lưu dấu chứng tích những lần đại thắng quân Chiêm thành của tướng Nguyễn Đa Phương và tướng Trần Khát Chân; một Hàm Rồng là nơi đi về tìm thi hứng của các bậc vua chúa, kẻ sĩ, tao nhân mặc khách:
Bồi hồi cảnh trí nước non tiên,
Lên đỉnh trông xa tỏ khắp miền.
Nhớ cảnh thăm lăng phong Ngọc Kiểm, 
Tưởng mình lạc lối tới Đào Nguyên.
Mây nhàn ngập đất, người không quét,
Động trống xuyên trời, nắng khó lên.
Vẻ đẹp tận rừng khe tít tắp,
Như mời ngự giá tới thăm riêng

        Đề Long Quang động - Lê Thánh Tông
        (Hoàng Tuấn Phổ dịch)
Thang châu dạo khắp núi cùng sông,
Mới gặp Da Sơn cảnh lạ lùng!
Động đá chênh vênh dòm bến nước,
Nhà quan san sát dựa hang Rồng.
Núi quang, cảnh vắng, cung đàn nổi,
Gió mát, am thanh, chén rượu nồng. 
Kìa núi Bàn A trông đối diện,
Ai hay tạo hóa khéo kỳ công

        Long Hạm nham tức hứng - Phan Huy Ích
        (Hoàng Tuấn Phổ dịch)
Ở tác phẩm này hé “lộ” ra một Hoàng Tuấn phổ dịch giả - thi sĩ. Ông tham gia dịch khá nhiều bài thơ cổ không chỉ với vốn chữ Hán sâu sắc mà còn với một tâm hồn thơ giàu cảm xúc. Không đồng cảm, đồng điệu sao có thể tri âm với người xưa trong cảnh tình ý thâm sâu này:
… Xích Bích lan tương an tại tai,
Nhất phàm nguyệt thủy tự vô nhai
Bất thăng khẳng khái đông phong sự,
Thời phục phù dao động tráng hoài.
    (Mã Giang chu hành - Nhữ Bá Sĩ)
Xích Bích thuyền lan ẩn chốn nào
Buồm đem trăng nước chở nơi nao?
Nước non mong ngóng tài Gia Cát,
Luống những đêm ngày dạ xốn xao?

    (Chơi thuyền trên sông Mã - Hoàng Tuấn Phổ dịch)
Cũng ở đây, tác giả đã “lật lại” một số quan điểm, xác minh lại một số vấn đề lịch sử từng gây tranh luận hoặc hiểu nhầm bằng những kiến giải, lập luận đầy sức thuyết phục, như: vấn đề “lửa” thời kỳ đồ đá cũ núi Đọ, vấn đề Dương hậu vợ Ngô Quyền và Dương hậu lấy Lê Hoàn là hai người khác nhau, vấn đề Dương Đình Nghệ và Lê Hoàn lập tới 5 hoàng hậu, Lý Thái Tổ lập 6 hoàng hậu là xuất phát từ “sách lược chính trị” nhằm đoàn kết các phe phái chính trị thù địch, v.v… Tác giả của Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng còn phát hiện nhiều điều thú vị qua khảo cứu dòng họ Ngô từ Ngô Quyền đến Ngô Thì Sĩ đều có nguồn gốc quê hương bản quán ở Thanh Hóa,  v.v…
Bản hùng ca Hàm Rồng được khép lại bằng thiên sử thi về “đài chiến thắng” Hàm Rồng trong cuộc đọ sức với một thế lực mạnh nhất hành tinh: đế quốc Mỹ. Sức chống trả kiên cường, tinh thần bất khuất và hi sinh anh dũng đã đưa Hàm Rồng trở thành “kỳ quan, kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh, tô điểm cho phong cảnh núi Rồng, sông Mã thêm hùng vĩ, bất tử cùng giang sơn tổ quốc”.  
Thiên nhiên non nước và con người Hàm Rồng hào hùng, tráng lệ đã được hiển hiện trong ngót 400 trang văn. Độc giả sẽ được du ngoạn, chiêm ngưỡng, khám phá Hàm Rồng từ quá khứ đến hiện tại, từ dáng vóc đến chiều sâu lịch sử và văn hóa. 
Hoàng Tuấn Phổ là bách khoa thư về Thanh Hóa!
Cây đại thụ của văn hóa - văn học xứ Thanh đã rời cõi tạm về chốn thiên thu cực lạc. Bài viết là nén tâm hương tiễn Người!
                                                               

Thanh Hóa, tháng 8-2021
                                                                               H.D.T

(*) Tên cuốn sách của Hoàng Tuấn Phổ: Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng, NXB Thanh Hóa, 2009.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 121
 Hôm nay: 7356
 Tổng số truy cập: 7402482
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa